Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

05/12/2014

Lại chuyện mộ Quốc Tổ ở Bình Đà (ý kiến Phạm Duy Kha, và phản luận của một người dân Bình Đà)

Về làng Bình Đà, có thể đọc thêm entry cũ (ở đây).

Bởi vừa thấy một ít ảnh chụp cái mộ có ghi bốn chữ QUỐC TỔ CHI MỘ (cả bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ), nên trở lại sự kiện này một chút. Sẽ đưa loạt ảnh này lên sau.

Đầu tiên là bài của Phan Duy Kha đã lên mạng từ 2013, và một ý kiến của người dân Bình Đà.

---
1. Bài Phạm Duy Kha


Phát hiện mộ Lạc Long Quân: Lại một thông tin giật gân




Báo chí của ta thỉnh thoảng lại rộ lên những tin giật gân. Tin thời sự vỉa hè, tin cướp của giết người thì đã đành. Trong nghiên cứu lịch sử cũng có tin giật gân, thế mới lạ. Một thời kỳ rộ lên tin phát hiện ra mộ Lạc Long Quân. Thực chất là thế nào? Tôi đã làm rõ, đây chỉ là thông tin dởm, chỉ vì dựa trên những căn cứ tào lao.
*
MỘ LẠC LONG QUÂN Ở LÀNG BÌNH ĐÀ ?
Trên báo Sài Gòn giải phóng thứ Bảy, số Tất niên (Số 617, ra ngày 28 – 12- 2002) có đăng một bài báo dài của tác giả Ngọc Vinh nhan đề: Có hay không ngôi mộ của Lạc Long Quân? Bài báo này cho biết, cách đây 10 năm, các cụ Hội đồng bô lão làng Bình Đà đã bắt tay nghiên cứu về Chứng tích quốc tổ Lạc Long Quân ở làng Bình Đà. Bình Đà nay thuộc xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), cách trung tâm Thủ đô khoảng 20 km. Theo nghiên cứu của Hội đồng bô lão địa phương thì Đình Nội làng Bình Đà là nơi thờ Quốc tổ Lạc Long , được dựng trên nền cung điện của Lạc Long xưa. Vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã từng về đây để “dâng hương cho Quốc tổ Lạc Long” . Đặc biệt ở giữa cánh đồng làng Bình Đà có một gò cao, gọi là gò Tam Thái hay Ba Gò mà nhân dân địa phương, căn cứ vào “nghiên cứu của Hội đồng bô lão”cho rằng đây chính là mộ Lạc Long Quân.
Trước hết, chúng ta cần ghi nhận rằng, đình Nội làng Bình Đà là một ngôi đình đẹp thờ Quốc tổ Lạc Long Quân. Đặc biệt ở đó còn giữ được một bức phù điêu lớn bằng gỗ, sơn son thiếp vàng dài 2,8 mét, rộng 2,2  mét, bố cục 5 tầng từ trên xuống , mô tả Quốc tổ Lạc Long Quân đang cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền.
P1070439
 Hình Lạc Long Quân được khắc to ở chính giữa, ngồi thẳng, mặt hướng nhìn về phía trước, đầu đội mũ bình thiên, mặc hoàng bào, đeo cân đai, đi hia, cầm hốt. Đây là một bức phù điêu đẹp, có niên đại vào khoảng thế kỷ 17, có giá trị đặc biệt. Đình Bình Đà là một ngôi đình hiếm hoi thờ Quốc tổ Lạc Long Quân. Do giá trị lịch sử của nó, năm 1985 ngôi đình này được Nhà nước cấp bằng chứng nhận “Di tích lịch sử Quốc gia”.

Tuy nhiên, ghi nhận về ngôi đình Nội làng Bình Đà chỉ có thế. Còn nói rằng: “Đây là nơi Lạc Long Quân từng đặt cung điện” (tức kinh đô của Lạc Long Quân) và : “Gò đất ở giữa đồng làng Bình Đà là ngôi mộ Lạc Long Quân” thì cần phải có chứng cứ thuyết phục, chứ những chứng cứ mà tác giả đưa ra (tức chứng cứ của “công trình nghiên cứu” của Hội đồng bô lão) thì hoàn toàn không có giá trị khoa học.
1. Trước hết, vào thế kỷ 14-15 trên đất nước ta đã có những cuộc sưu tầm điền dã lớn của các nhà nho, các nhà viết sử nước ta, nhằm tìm hiểu cội nguồn dân tộc. Kết quả của những công trình đó được đưa vào các tác phẩm như Việt điện u linh (thế kỷ 14), Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ 15) , Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ 15). Bình Đà là một làng cách trung tâm Thăng Long – Hà Nội chỉ 20 km, nếu nơi đó từng là Kinh đô của Lạc Long Quân, có mộ của Lạc Long Quân , một di tích lịch sử quan trọng như thế, hẳn các nhà nho, các nhà viết sử thế kỷ 15 không thể bỏ qua. Vậy sao lại không thấy ghi vào  các tài liệu quan trọng trên ?
2. Lê Thánh Tông là một ông vua rất quan tâm đến lịch sử  dân tộc. Gặp một văn bản có 71 chữ ngoằn ngoèo như con nòng nọc” ông còn để tâm nghiên cứu (xem bài Mộng ký trong Thánh Tông di thảo) lẽ nào ông đã từng về đây dâng hương (tức công nhận đây là Quốc đô của Lạc Long Quân) mà không chỉ đạo các sử gia nghiên cứu , ghi chép về di tích này để bổ sung cho chính sử (vì các tác phẩm ra đời vào thời gian này như Đại Việt sử ký toàn thư và Lĩnh Nam chích quái đều cho rằng Lạc Long Quân xuống biển, chỉ khi nào cần thiết, các con có cầu thì mới lên, tức là không rõ tung tích.
3. Bài báo nói trên của tác giả Ngọc Vinh có nhắc đến bộ phả họ Nguyễn ở Văn Nội như một chứng cứ cho giả thuyết mộ Lạc Long Quân ở làng Bình Đà, khi trích dẫn ghi chép trong bộ phả này: “Gò Tam Thái chính là nơi chôn cất Lạc Long Quân” . Đây chính là tài liệu thành văn duy nhất ghi chép về Mộ Lạc Long Quân ở Bình Đà. Tuy nhiên, bộ Cổ Lôi ngọc phả ghi chép về mộ Lạc Long Quân cũng chỉ là một điều bịa đặt trong hàng trăm điều bịa đặt mà chúng tôi đã nêu ra ở những bài trước. Vì vậy, thông tin này là không thể tin cậy được.
4. Về viên gạch nhặt được ở gò Tam Thái, dày 5 cm, rộng 20 cm, dài 40 cm , một cạnh có những đường sọc hình thoi, theo kết luận của các nhà khảo cổ thì đây là gạch thời Hán. Điều đó chứng tỏ đây là mộ Hán, chứ đâu phải mộ Lạc Long Quân !
5. Cách đây 2 năm, người ta đã đào được một tấm bia đã mờ chữ, dày 6 cm, rộng 22 cm, cao 42 cm. Dù cho đã mờ chữ nhưng các cụ ở đây vẫn đọc được dòng chữ “Tổ khảo Lạc Long Quân chi mộ”. Nếu như thế thì đây là một tấm bia quý hiếm, sao các cụ là những người rất coi trọng di tích, di vật lại không bảo quản cẩn thận , rồi mời các nhà chuyên môn đến nghiên cứu mà lại đem đục chữ mới, làm mất dấu tích cũ đi ? Một di vật gốc như thế sao không giữ lại để làm bằng chứng? Từ những viên gạch đào được là gạch thời Hán, chứng tỏ đây là khu mộ Hán, vậy tấm bia này có khả năng cũng là bia mộ Hán đã bị mờ chữ mà thôi.
6. Việc làng Bình Đà giỏi nghề làm pháo không liên quan gì đến truyền thuyết Lạc Long Quân. Việc phong tục ở đây cúng 100 bánh chay trong ngày lễ hội rồi đem thả xuống giếng Ngọc là phản ánh tâm thức hướng về cội nguồn (100 trứng trong bọc trứng Âu Cơ) . Trên đất nước ta có nhiều địa phương có phong tục này chứ không riêng gì Bình Đà.
Tóm lại, việc nhận rằng nơi đây có có cung điện và phần mộ Lạc Long Quân là không có cơ sở. Chúng tôi đồng tình với ý kiến của TS Hà Văn Phùng, Phó Viện trưởng viện Khảo cổ học: “Suốt một thời kỳ dài từ năm 1959 đến nay, những di chỉ khảo cổ khai quật được cho phép chúng ta khẳng định có một thời đại Hùng Vương trong lịch sử dân tộc, phù hợp với truyền thuyết. Nhưng tôi không thể nào tin được nếu có thể tìm được ngôi mộ thật nào đó của Lạc Long Quân – Âu Cơ hay các vua Hùng”
small_14600
Những chứng cứ về ngôi mộ Lạc Long Quân ở làng Bình Đà mà tác giả Ngọc Vinh nêu trên báo Sài Gòn giải phóng thứ Bảy (cũng chính là những chứng cứ của các cụ Hội đồng bô lão ở Bình Đà) là không có cơ sở khoa học, không đáng tin cậy. Nó cũng như những chứng cứ mà tác giả Võ Trọng Thái đã từng nêu lên trong cuốn sách bị thu hồi “Huyền thoại hay sự thật Cội nguồn Cha Rồng Mẹ Tiên” mà thôi.
PDK
Trích từ cuốn Lịch sử và sự ngộ nhận .


2. Ý kiến của một người dân làng Bình Đà
THỨ TƯ, NGÀY 28 THÁNG 5 NĂM 2014


Ý kiến nhỏ về bài báo "Phát hiện mộ Lạc Long Quân : Lại Một Tin giật gân"


Ý KIẾN NHỎ VỀ BÀI BÁO:
"Phát hiện mộ Lạc Long Quân: Lại một thông tin giật gân."- t/g Phan Duy Kha.
Tháng Chín 29.2013at 9.32 sáng 5 comments.
" Báo chí của ta thỉnh thoảng lại rộ lên những tin giật gân. Tin thời sự vỉa hw2, tin cướp của giết người thì đã đành. Trong nghiên cứu lịch sử cũng có tin giật gân thế mới lạ. Một thời kỳ rộ lên tin phát hiện ra mô  Lạc Long Quân. Thực chất là thế nào ?. Tôi đã làm rõ , đây chỉ là những thông tin dởm, chỉ vì dựa trên những căn cứ tào lao.".... Đây là phần mở đề bài báo của tác giả Phan Duy Kha tung lên mạng....
        Là một người dân được sinh ra , lớn lên ở làng Bình Đà, và cũng đã từng là cán bộ nghiên cứu trong Viện Khoa Học Lâm Nghiệp Việt Nam - Chèm - Từ Liêm - Hà Nội. Đã từng được đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, cũng như một số nước Đông Nam Á , nay đã nghỉ hưu về tại Bình Đà... Khi đọc bài báo trên tôi thực sự bức xúc về thái độ ngạo mạn, trịch thượng của tác giả Phan Duy Kha.
         Qua các bài báo tôi đoan chắc tác giả cũng là một cán bộ nghiên cứu nào đó, hoặc giả là một nhà báo thường xuyên quan tâm viết bài trong ngành Khảo Cổ Học. Tác giả không ghi rõ là Giáo sư - Tiến sĩ, gì đó, nên tôi cũng cho rằng với một người coi trọng cái tôi như vậy, chắc chắn không dại gì mà không xưng chức danh nếu có.
         Ấy thế mà trong các bài báo tác giả tự cho mình quyền phán xét tất cả từ vua quan, các vị giáo sư, tiến sĩ, các cụ bô lão trình độ có hạn, nhưng đã từng đại diện cho những ước vọng, tâm linh của nhân dân những làng cổ Bình Đà - từng nổi danh ở khu vực đồng bằng sông Hồng, cũng như trong toàn quốc- phải làm thế này hay thế khác theo thiển ý áp đặt của tác giả.
        Đọc mục 2 dòng thứ 20 từ trên xuống trong trang 2 tác giả viết: " Lê Thánh Tông là một ông vua rất quan tâm đến lịch sử dân tộc. Gặp một văn bản có 71 chữ ngoằn nghèo như con nòng nọc" ông còn để tâm nghiên cứu ( xem bài Mộng ký trong Thánh Tông di thảo) lẽ nào ông đã từng về đây dâng hương ( tức công nhận đây là Quốc Đô của Lạc Long Quân ) mà không chỉ đạo cho các sử gia nghiên cứu, ghi chép về di tích này". 
          Quả là một lời phán xét phạm thượng. Vì 71 chữ là những di vật hiện hữu, gây xúc cảm mới lạ cần phải tìm hiểu. Còn khi đi dâng hương tại Bình Đà. Vua đã công nhận đây là Quốc Đô của Lạc Long Quân. Xúc cảm của vua có thể là thành tâm tôn kính đức Quốc Tổ, mà không quan tâm đến điều gì khác, đó là cõi tâm linh của người mộ đạo. Còn việc vua có chỉ đạo Quần thần ghi chép, nghiên cứu về Đức Quốc Tổ hay mộ của Ngài là do Vua có cảm xúc, có duyên khởi với các vấn đề đó hay không ?. Chứ đâu có phải nếu vua quan tâm đến 71 chữ ngoằn nghèo thì buộc phải làm những việc như tác giả PDK áp đặt , suy diễn ?
           Đối với các vị GS - TS nghiên cứu trong và ngoài ngành Khảo Cổ học, tác giả cũng không ngần ngại miệt thị , phán xét với thái độ kẻ cả, coi thường chuyên môn, tự đề cao mình là " dũng cảm". Nghi ngờ " dũng Khí " của họ, thật là hỗn xược.
         Chúng ta đều biết : " Đảng , nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng và đánh giá cao sự đóng góp của họ. Các tấm gương như Giáo sư Lương Đình Của, Trần Văn Giàu, Tôn Thất Tùng. Dương Trung Quốc, TS Lã Duy Lan, GS Vũ Khiêu ...vv.
          Việc các vị GS - TS có quan tâm đến vấn đề gì ? Hoặc để tâm, viết về các vấn đề đó - phải là những vấn đề quan trọng, nhiều kh có tầm cỡ Quốc gia. Và tất nhiên các vị đó có viết thì cũng rất thận trọng, cẩn thận, nêu lên các giả thiết, kết luận chắc chắn, trên cơ sở suy diễn có logic với các sự kiện, tư liệu có trong tay được nghiên cứu kỹ lưỡng.
          Có một thời kỳ ( những năm  đầu thế kỷ 21) rộ lên cái phong trào viết sách của các đại gia hám danh... Họ lại sẵn có tiền của để thuê in ấn, thuê bình phẩm, tâng bốc... như tác giả Võ Trong Thái, viết sách từ một số điều lấy trong Cổ Lỗi Nọc phả - ma sau này sách phải thu hồi.
          Thực ra đó đâu phải là các điều mà các vị GS - TS quan tâm. Vì như các cụ ta thường nói: "Giết gà cần gì đến dao mổ trâu" . Do đó chính tác giả cũng phải công nhận không có một bài viết nào của các vị giáo sư viết về vấn đề này. Cỉ có tác giả mới có " dũng cảm" để viết... HOặc " Rút cục lại, góp phần vạch trần sự bịa đặt, xuyên tạc của Lịch sử lại là các nhà nghiên cứu không bằng cấp, các báo nghiệp dư".
           Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là tác giả PDK đã dám phán xét các vị GS-TS là những người biết mà không dám nói ? Tác giả viết ở các dòng đầu trang 5 :" Có một điều lạ là , các GS -TS những người làm công tác nghiên cứu đích thực tại các viện các ngành của nhà nước ( tiếng nói chính thống của giới nghiên cứu), đều im hơi lặng tiếng. Một sự im lặng khó hiểu " ..vv. Thậm chí tác giả còn nghi ngờ "dũng khí" của  các vị GS -TS. Cho rằng họ sợ các quan chức... Tác giả viết có vị GS sử học phải rên lên " anh tha cho tôi, vấn đề nào thì được, chứứ vấn đề này thì tôi chịu" ..vv.
         Đối với các cụ bô lão của làng Bình Đà tác giả cũng thiếu tôn trọng. VỚI CÁCH HÀNH VĂN ĐẦY MỈA MAI TÁC GIẢ VIẾT TRONG NGOẶC KÉP :" Công trình nghiên cứu của hội đồng bô lão ở Bình Đà".. Thực tế có thể các cụ trình độ có hạn thì làm gì có " công trình nghiên cứu" như các kiến thức khoa học đầy mình của tác giả, động đến đâu là số liệu này, tài liệu nọ. Nhưng các cụ là những người cao niên đại diện cho tâm tư , tình cảm, sự ngưỡng mộ, lòng tin tưởng sâu sắc về đức Quốc Tổ, các cụ  được thừa hưởng các truyền thuyết, các điều nghi lễ, các thủ tục. Có những điều còn là bí truyền, lời nguyền của tiên tổ từ ngàn xưa truyền khẩu lại mà không ghi trên bất cứ văn bản nào. Các cụ có gặp tòa soạn cũng là để nhờ tòa báo trình bày được các tâm tư của họ lên nhà nước và các cấp có thẩm quyền và sự đồng tình của dư luận, chứ các cụ làm gì có điều kiện và cần gì phải để tâm, tranh luận với tác gỉa PDK. Việc đề đạt với nhà nước nguyện vọng của địa phương, có thể phải đi dần từng bước. Cho nên có lúc các cụ chưa đưa ra điều gì đó là có những lí do nào đó. Nhưng tác giả tự cho mình quyền phán xét một cách áp đặt theo thiển ý của mình: Khẳng định các cụ Bình Đà sai ?  Vấn đề mộ Lạc Long Quân ở làng Bình Đà coi như được khép lại: Tác giả viết: " Bài viết của tôi sau đó không thấy ban Quản lí làng Bình Đà phản hồi gì thêm. Có lẽ họ đã thấy cái sai, cái vô lí của mình, khi tin vào mấy điều ghi chép vớ vẩn trong Cổ Lõi ngọc phả. Vấn đề mộ Lạc Long Quân ở làng Bình Đà coi như được khép lại ".
           Thưa tác giả PDK. Là những người có kiến thức lịch sử sâu sắc như quý vị , chắc là tác giả cũng nhớ tới Hội nghị Diên Hồng của các vua đời Trần đã tôn trọng mở ra để xin ý kiến dân ta nên hòa hay nên chiến trước sự tàn bạo của giặc Nguyên ?
         Để bàn về Đức Quốc tổ LạcLong Quân, thậm chí chỉ là nói về ngôi mộ của Ngài, chúng ta cũng cần phải  có thái độ khiêm nhường, thận trọng.
         Vì đó là cả một vấn đề tâm linh, nhạy cảm, động đến tín ngưỡng, và tâm linh , nguyện vọng của triệu triệu con dân đất Việt không chỉ ở làng Bình Đà , mà còn trên cả nước.
          Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng của Đảng, nhà nước ta, các nhà khoa học... các viện nghiên cứu. Trước mỗi thông tin nào đó liên quan đến, dù là công nhận hay bác bỏ đều phải qua các báo cáo, chuyên đề, các hội thảo... Thế nhưng cách mở đề giật gân câu khách trên của tác giả PDK- quả là ngạo mạn và trịch thượng, tôi thiết nghĩ không cần phải phân tích thêm khi đọc các dòng trên quý vị cũng đã cảm nhận được.
        Là một nhà nghiên cứu, tôi cũng đồng ý cho rằng, những vấn đề, sự kiện về lịch sử, chúng ta  cần phải phân tích , nhận định dựa trên các chứng tích, phả kí, bia ký.. các cổ vật, các khai quật khảo cổ học nhất định mới đáng tin cậy. Tuy nhiên ở một nước như nước ta, có quá nhiều cuộc xâm lăng, tán phá của các đế quốc sừng sỏ nhất trên thế giới . Nhân dân ta đã trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh giữ nước, giành giật từng tấc đất giang sơn trước kẻ thù, đặc biệt là giặc phương Bắc. Chính vì vậy các cổ vật, các ngọc phả, bia ký vv.. có còn được đến ngày nay là có công không nhỏ , là trí thông minh, mưu lược của cha ông ta qua các  thế hệ trước đã bảo tồn và gìn giữ. Có những điều không thể lúc nào,và bao giờ cũng có thể phơi bày cho kẻ thù biết, nhiều khi còn phải ngụy trang, che dấu. Đặc biệt là những vấn đề, sự kiện , cổ vật liên quan tới Đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Cho nên có được cổ vật nào còn đến ngày nay thì thực sự quý giá.
        Bất cứ đối với một cán bộ nghiên cứu khoa học nào, điều đầu tiên phải có Tâm - trong sáng. Phải có tầm  hiểu biết nhất định. Và luôn luôn biết đào sâu suy nghĩ, khiêm tốn học hỏi và đặc biệt phải có tính trung thực , khách quan. Tiếp đến phải có đầu óc tư duy để có thể đưa ra những giả thuyết, nhận định  sát với thực tế, trên cơ sở tổng hợp các sự kiện, dữ liệu, tài liệu, sách vở có trong tay. Mặt khác trước mỗi sự kiện không nên hồ đồ , kết luận một cách khiên cưỡng , áp đặt mang tính chủ quan, đặc biệt là trong ngành khảo cổ học.
       Trở lại vấn đề về Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân . Trong bài báo trên tác giả PDK cũng phải thừa nhận: " Đình Bình đà là một ngôi Đình Hiếm hoithờ Quốc tổ Lạc Long Quân. Do giá trị của nó năm 1985 đình này được nhà nước cấp bằng chứng nhận :" Di tích lịch sử Quốc Gia".
        Sau đó tác giả thản nhiên thêm vào: " Tuy nhiên , ghi nhận về ngôi đền Nội Bình Đà chỉ có thế. Là một nhà khảo cổ học, được tiếp xúc nhiều với các tài liệu ở Viện Bác Cổ, chắc chắn tác giả cũng phải biết  đến 16 sắc phong của 16 đời vua khác nhau liên tiếp từ thế kỷ thứ 16 ( vua Lê Huy Thông - 1683) đến vua Khai Định thứ ( 1924) đều phong cho Đức Quốc Tổ Lạc Long Quan thờ tại Làng Bình Đà là :" Khai Quốc Thần" (Xem bảng phụ biểu kèm theo)
         Tới đây chúng ta phải tự hào rằng: Trên thế giới này, chỉ có nước ta mới có một vị vua cha chung của toàn dân tộc, đã có công khai sơn , phá thạch xây dựng nhà nước đầu tiên của chúng ta, sau đó truyền ngôi cho các vị vua Hùng ( với 18 đời vua Hùng và 42 vị vua - xem đôi câu đối thứ 20 ở Đền Nội Bình Đà.)
         Tác giả cũng công nhận : Đền Nội làng Bình Đà là ngôi đền đẹp thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Đặc biệt ở đó còn giữ được một bức phù Điêu lớn bằng gỗ, sơn son thiếp vàng dài 2,8 m, bố cục 5 tầng từ trên xuống , mô tả Quốc tổ Lạc Long Quân đang cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền. Hình Lạc Long Quân được khắc ở chính giữa, ngồi thẳng, mặt hướng nhìn về phía trước, đầu đội mũ bình thiên, mặc hoàng bào, đeo cân đai, đi hia, cầm hốt. Đây là một bức phù điêu đẹp, có niên đại vào khoảng thế kỷ 17, có giá trị đặc biệt."
        Năm 1982 ở cánh đồng phiá Bắc làng Bình Đà còn đào được trống đồng cổ HEGER (thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn ).
          Theo thiển nghĩ của tôi. Nếu tôn trọng chứng tích lịch sử. Chỉ cần với bức phù điêu có một không hai ở nước ta được thờ ở làng Bình Đà và trống đồng HEGER, với 16 sắc phong của các vị vua nhiều triều đại trong 6 thế kỷ gần đây thôi cũng đã đủ chứng minh Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân thờ tại làng Bình Đà là Quốc Tổ của cả nước. Điều đó không những hợp với lịch sử, hợp với lẽ trời, đạo lý làm người mà nhân dân Việt Nam luôn tôn thờ.
      Lại nói về ngôi mộ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Chúng ta đều biết: Đức Quốc Tổ sống cách đây hơn 4.000 năm. Vậy thì làm sao bây giờ có thể tìm được thực sự các chứng tích khảo cổ học về mộ của Người.
      Chính tác giả cũng đồng tình với ý kiến của TS Hà Văn Phùng - Phó viện trưởng viện Khảo Cổ học : " Suốt một thời kỳ từ năm 1995 đến nay, những di chỉ khảo cổ khai quật được cho phép chúng ta khẳng định có một thời đại Hùng Vương trong lịch sử dân tộc, phù hợp với truyền thuyết. Nhưng tôi không thể nào tin được nếu có thể tìm được ngôi mộ thật nào đó của Lạc  LOng Quân- Âu Cơ hay các vua Hùng "
       Chính tác giả cũng công nhận " Ngay đến ngôi mộ vua Hùng thứ 6 trên Đền Hùng chỉ là tượng trưng, nhưng đã được nhân dân  Việt nam công nhận, tôn thờ và trở thành di sản của cả dân tộc.
         Vậy thì nghiên cứu về mộ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân bây giờ chúng ta cần căn cứ vào đâu ? Tôi rất không đồng ý cách lập luận suy diễn của tác giả PDK. Tác giả đưa ra quyển sách rởm của tác giả Võ Trọng Thái ( là nhà doanh nghiệp, không phải là nhà nghiên cứu lịch sử) - bị thu hồi. Những điều ghi chép trong Cổ Lõi Ngọc Phả ở làng Dương Nội - Thanh Oai , mà theo tác giả toàn là chuyện bịa đặt, vô lý, thì suy ra những truyền thuyết, những điều truyền khẩu trong nhân dân Bình Đà cũng là Bịa đặt.
       Tôi phải nói rằng đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Cách lý luận dây cà giăng dây muống trên của tác giả chỉ thể hiện lòng dạ không trong sáng , lập lờ đánh lận con đen đầy thâm ý của tác giả.
        Theo tôi nghiên cứu về mộ Lạc Long Quân cần phải dựa trên các nghiên cứu 2 mảng của một vấn đề.
        Mảng thứ nhất là dựa trên các cổ vật các chứng cứ khảo cổ học, các ngọc phả, bia ký. tám bức hoành phi, hơn 40 câu đối cổ thờ ở Đền Nội Bình Đà,các sắc phong qua các thời đại vua chúa trong lịch sử. Ở mảng này như trên tôi đã phân tích rất có thể có triều đại Lạc Long Quân thiết triều tại đây. Vì chỉ có thế cho nên các vị vua các triều đại gần 6 thế kỷ qua đều về dâng hương tại Đền Nội Bình Đà ?
      Còn mảng thứ hai là mảng dựa trên các truyền thuyết, các lời bí truyền, các truyền khẩu lưu lại từ đời này qua đời khác ở các dòng họ, ở nhân dân Bình Đà và nhân dân quanh khu vực.
       Tục ngữ có câu : " Trăm năm bia đá thì mòn
                                   Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ".
       Với đức Quốc Tổ Lạc long Quân , Người đã sống cách đây hơn 4.000 năm, từ buổi hồng hoang, khai sơn phá thạch, thời mà chữ viết chưa có , thì những điều truyền khẩu liên quan tới Người có giá trị lịch sử rất quan trọng . Chúng ta đều biết trong văn học những trường ca Đẻ Đất, Đẻ nước của dân tộc Mường. Những Hát Then Phú Thọ, Quan họ Bắc Ninh, ca dao , tục ngữ còn đến ngày nay chính là do truyền khẩu mà được giữ gìn và phát huy , phát triển .?
        Vậy thì nghiên cứu về mộ Quốc tổ Lạc Long Quân ở Bình Đà, chúng ta cần hết sức lưu ý đến mảng thứ 2 này. Những lời sấm truyền. những truyền khẩu, những điều dạy cha truyền con nối qua các thời, những nguyện vọng tâm linh của nhân dân ở Bình Đà và quanh khu vực là những điều có thể tin tưởng được. Tục thả bánh trôi đâu có phải là thả 100 bánh thông thường như tác giả võ đoán. Nó là bánh Thánh chỉ được làm cực kì bí mật, bí truyền ở một gia đình nối đời nhau truyền lại .
         Chúng ta cần nghiên cứu thế đất địa linh của làng Bình Đà, đặc biệt là Đền Nội. - Ba Gò, nơi có những gò cao hơn mặt đất bằng xung quanh hơn 10 m. Chúng ta  phải nghiên cứu những lời văn tế, những  tục tế và luôn nhớ rằng trước đây việc tế lễ ở tổng Bình Đà thường được vua quan, nhiều tổng cùng về. Những ngày mồng 3 đến mồng 5 trong hội Bình Đà , các vị đại diện trên Đền Hùng đều phải về Đền nội Bình Đà lễ và xin chân Nhang về thờ... Chúng ta cần lưu ý nhiều đến các tên gọi một số địa danh ở làng Bình Đà  mà theo như cụ Nguyễn Duy Kôn - người cán bộ lão thành cách mạng đích thực hiện nay đã trên 85 tuổi. Ngay từ những năm 1940 đã là liên lạc cho các vị Hoàng Quốc Việt, Lê Thọ Chân, hoạt động bí mật tại xưởng pháo Bình Đà, người đã từng học bên Cộng hòa dân Chủ Đức, được đi cùng với nhiều đoàn ngoại giao quốc tế, đã mường tượng, kết hợp với nhiều truyền khẩu của cha ông để lại. Đã suy nghĩ về cái tên chợ Tư giữa làng Bình Đà, Thôn Quyếch nơi có đền Nội, rồi các tên Mả Bùi, Mả Lạng Mả Lan , phải chăng  tên của các bộ tộc ở các nước Tây Á, bằng con con đường tơ lụa, tới buôn bán, trú ngụ tại Bình Đà ( Quán Ngoại) , một địa danh ở phố Bình đà ngày nay. Và nhiều lắm những dòng Đỗ Động Giang chảy qua làng Bình Đà , bãi tế thiên địa rộng lớn ngày xưa, mà ngày tế trùng với ngày hóa của đức Quốc tổ lạc long quân 28 tháng 2 âm lịch hàng năm.
    Thưa quý độc giả chúng chúng ta hãy tưởng tượng một tam giác tâm linh: . Một đỉnh là Lăng kinh Dương vương đã có ở Bắc Ninh - Người đã sinh ra Quốc Tổ Lạc long Quân . Thứ đến đỉnh 2 ở đền Hùng là nơi thờ các vị vua Hùng con của đức Quốc Tổ Lạc long quân. Nay lại thêm đỉnh thứ 3 là Đền nội Bình Đà là nơi chính Thức thờ Đức Quốc Tổ lạc long Quân, nay bổ sung thêm : Mộ của ngài được táng tại Gò Tam Thai Bình Đà theo như truyền khẩu. Quả là hợp lý với đạo trời đạo làm người mà dân ta xưa nay vẫn tôn thờ. Việc tranh luận đúng sai ta có thể khép lại. Nhưng tâm linh nguyện vọng của nhân dân ta trước đây đã công nhận tượng trưng ngôi mộ Đời Hùng Vương thứ sáu tại đền Hùng , nay có công nhận tương trưng mộ Đức Quốc Tổ tại gò Tam thai tại Bình Đà cũng là điều đáng nên làm.
          Theo thiển ý của tôi nếu xuyên suốt, kết hợp các điều tôi đã trình bày ở trên mộ Quốc Tổ Lạc Long quân táng tại Bình Đà không phải không có cơ sở.
 Chúng ta cần tin tưởng điều đó một cách thông minh , sáng tạo một cách logic. Để kết thúc bài viết này tôi xin mượn lời của Từ Hải trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du ngày xưa đã từng khen Thúy Kiều,đã nhận ra vị anh hùng tương lại của Từ hải ngay từ khi chàng bắt đầu khởi nghĩa:
" Khen cho con mắt tinh đời.
Anh hùng đoán giữa trần ai mới là"
     Lưu Bá Thịnh - Cán bộ Kỹ thuật đã nghỉ hưu tại Bình Đà.

Phụ Biểu: 
THẦN SẮC ĐÔNG DƯƠNG BÁC CỔ
Lưu giữ từ năm 1938 - Lấy về năm 2007     
Số TT           Hoàng Triều                          Niên Hiệu                      Năm                   Sắc phong
1             Lê Huy Tông(Duy Hợp)               Chính Hòa thứ 4                  1683               Khai Quốc thần
2            Lê Dụ Tông (                                 Vĩnh Thịnh thứ 6 )                1710               "      "
3             Lê Đế Duy Phương                      Vĩnh Khánh thứ 2                 1730              "      "
4             Lê Uy Tông ( Duy Thìn)               Vĩnh Hựu thứ 5                     1739              "      "
5             Lê Hiển Tông ( Duy Hiệu)             Cảnh Hưng thứ 1                  1740                 ""     "
6             Lê Hiển Tông   (Duy Hiệu)            Cảnh Hưng thứ 24                1763                 "         "
7            Lê Hiển Tông ( Duy Hiệu )             Cảnh Hưng thứ 44                1783                "         "
8            Lê Mẫn Đế                                    Chiêu Thống Nguyên niên      1787               " "
9            Nguyễn Thành Tổ ( Phúc Đàm)        Minh Mệnh thứ 2                  1821                 "       "
10         Nguyễn Hiền Tổ ( Minh Tông)          Thiệu Trị thứ 4                     1843                "     "
11         Nguyễn Dực Tông ( Hồng Nhiệm )   Tự Đức thứ 10                     1856                  "       "
12         Nguyễn Dực Tông ( Hồng Nhiệm)     Tự Đức thứ 33                    1879                 "        "
13        Nguyễn Cảnh Tông  Ứng Súy )           Đồng Khánh thứ 2               1886                   "       "
14        Nguyễn Duy Tân  (Vĩnh San)        Duy Tân thứ 3                    1909    Dực Bảo Trung Hưng  KQT 
15         Nguyễn Hoàng Tông (Bửu Đào)          Khải Định Thứ 3         1918    Dực Bảo Trung Hưng 
                                                                                                                      Anh Uy Tuấn
16        Nguyễn Hoàng Tông  ( Bửu Đào )       Khải Định thứ 9           1924        Lương Quang Ý


---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:








-  Đền Hùng trong chuyên án quốc gia của Trần Hùng (hậu duệ vua Hùng thứ 09), tính đến hết ngày 6/6/2013

Thần tích liên quan đến đại gia đình Hùng Vương (bài Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Hữu Mùi)

Viên đá góc đền Hùng - 5 : Phát và thu khí để điều chỉnh khí cho toàn bộ đền Hùng
Viên đá góc đền Hùng - 4 : Bản nháp bài văn bia đã qua khâu trưng cầu ý kiến quốc dân

Cây Kim Giao của hai ông tân trưởng ban, ở rất gần với viên đá
Cây Kim Giao của ông Thánh Ba ở khu vực Đền Hùng

Viên đá góc đền Hùng - 3 :  Thứ lạ ở ngay trước mặt, hơn cả đá mang bùa, là đây !
Viên đá góc đền Hùng - 2 : Không thấy cái lạ khác ở ngay trước mắt mới là lạ
Viên đá góc đền Hùng - 1 : Không thấm gì với những thứ lạ khác cũng đang ở đó

Đền Mẫu Âu Cơ ở Phú Thọ đang bị rác độc bao vây

Tín ngưỡng thờ các vua Hùng từ góc nhìn khảo cổ học (Trịnh Sinh, 2012)
Hùng Vương với ý thức dân tộc (Nguyễn Đăng Thục, 1971)


Quốc tổ Hùng Vương (Ngô Đức Thịnh, 2011)

Quốc tổ và Quốc lễ 2013

Đền Hùng và tục thờ vua Hùng từ góc nhìn văn hóa sử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.