Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/06/2013

Thần tích liên quan đến đại gia đình Hùng Vương (bài Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Hữu Mùi)

Nghi thức tế lễ tại đền Quốc Tổ Lạc Long Quân. Ảnh: Phương Thanh
Nghi thức tế lễ tại đền Quốc Tổ Lạc Long Quân. Ảnh: Phương Thanh
Lời dẫn: Dưới đây là bài viết chung của hai nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Đã đăng trên báo Phú Thọ vào dịp tháng 3 năm ngoái.

Tôi tô đậm mấy chỗ để nhấn mạnh. Khi đưa về đây cũng mạo muội đổi lại tên của bài.


---

Không gian văn hóa thờ thần thời Hùng Vương



Xuất bản: 09:40, Thứ Bảy, 31/03/2012, [GMT+7]



Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Hữu Mùi


Dấu ấn về thời kỳ Hùng Vương đã được các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ và các ngành khoa học khác chứng minh; và cũng được phản ánh sâu đậm qua nguồn tài liệu ngọc phả, thần phả, phả lục, cổ lục… mà theo thuật ngữ chuyên môn gọi chung là thần tích. Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn lưu giữ được 568 tập thần tích mang ký hiệu AE ghi chép về sự tích các thần và việc thờ cúng các thần ở Việt Nam. Theo điều tra của chúng tôi, tỉnh Phú Thọ có 42 tập thần tích với kí hiệu AE/a9, trong có nhiều tập ghi về việc thờ cúng các thần thời Hùng Vương của các làng xã thuộc tỉnh Phú Thọ trước đây.

Về không gian thờ tự, kết quả nghiên cứu tài liệu cho thấy, tỉnh Phú Thọ vào thời điểm trước Cách mạng tháng 8-1945 có 70 làng xã thuộc 6 huyện: Cẩm Khê, Hạ Hòa, Sơn Vi, Phù Ninh, Tam Nông và Thanh Ba thờ thần thời Hùng Vương. Các làng xã của châu Thanh Sơn và huyện Thanh Thủy (châu Thanh Sơn và huyện Thanh Thủy vốn là vùng núi của tỉnh Phú Tho), thần tích của các làng bản ở đây chủ yếu là dạng truyền miệng, chưa có điều kiện văn bản hóa như các xã trong 6 huyện nêu trên. Dựa trên số lượng thần tích hiện có lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm của tỉnh Phú Thọ, đã giúp  xác định rõ những đường nét cơ bản về không gian văn hóa thờ thần thời Hùng Vương trên địa bàn Phú Thọ. Đó là vùng không gian văn hóa rất rộng, gần như bao trùm cả vùng đồng bằng và trung du, chủ yếu nằm dọc theo hai bờ của sông Hồng - địa bàn làm ăn sinh sống của người Việt, trong đó huyện Cẩm Khê có 9 xã; huyện Hạ Hòa 7 xã; huyện Sơn Vi 22 xã; huyện Phù Ninh 15 xã, thôn; huyện Tam Nông 2 xã; huyện Thanh Ba 14 xã, giáp. Điều này chứng tỏ thời đại Hùng Vương đã đi vào tiềm thức của người dân Phú Thọ, cư dân nơi đây luôn hướng về tổ tiên, và phụng thờ các vị thần thời Hùng Vương để tỏ lòng tri ân.

Về đối tượng thờ tự: Việc thờ thần thời Hùng Vương khá đa dạng và phong phú, tựu trung có thể quy vào 4 đối tượng:

Thờ các vị vua Hùng: Các vị vua Hùng gồm 18 đời, ngoài tư cách là tổ tiên của dân tộc, họ còn được tôn thờ như các vị thần trên địa bàn một số xã: Hi Cương, Hà Lộc, Tiên Cương, Hy Cương của huyện Sơn Vi; thôn Yên Lãng xã Hạ Giáp của huyện Phù Ninh; xã Yên Khê của huyện Thanh Ba. Trong số này điểm thờ ở xã Hy Cương huyện Sơn Vi (nay là xã Hy Cương thành phố Việt Trì) là quan trọng nhất, bởi đây không chỉ có Đền Hùng được tạo dựng từ lâu đời, trở thành biểu tượng cho tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn tàng trữ bản Ngọc phả quý với tên gọi đầy đủ là Hùng đồ thập bát diệp thánh vương Ngọc phả cổ truyện do Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyễn Cố biên soạn vào năm Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472) đời vua Lê Thánh Tông, Hàn lâm Thị độc Nguyễn Trọng trùng đính vào năm Canh Tý niên hiệu Hoàng Định thứ nhất (1600) đời vua Lê Kính Tông và Lễ phiên Lê Đình Hoan phụng sao. Điều đáng quý ở đây là Ngọc phả ghi đầy đủ về 18 đời vua Hùng. Đồng thời Ngọc phả còn ghi đầy đủ danh tính của 100 người con từ bọc trứng do mẹ Âu Cơ sinh ra, về sau chia 50 người theo cha về miền biển, 50 người theo mẹ về miền rừng, với lời thề dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải tương trợ, đoàn kết giúp đỡ nhau, thành phương châm sống tốt đẹp, lối ứng xử ở đời trong buổi đầu dựng nước của người Việt Nam.

Thờ vợ và cung phi của các vua Hùng: Gồm các xã Hiền Lương ở huyện Hạ Hòa; xã Do Nghĩa, xã Yên Ninh Thượng ở huyện Sơn Vi; xã Lâm Nghĩa ở huyện Phù Ninh. Trong số này đáng chú ý là điểm thờ Quốc mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương huyện Hạ Hòa. Theo chính sử, bà Âu Cơ là con gái của Đế Lai. Theo Thần tích của xã Hiền Lương, lúc sinh thời bà thường sống yên tĩnh trong nhà học chữ xem sách, không cần người chỉ bảo, rất giỏi sáo đàn, tinh thông âm luật, giỏi, khéo như Tương Phi, tài cao như Lộng Ngọc. Bà mất ngày 15 tháng 12 năm Nhâm Thân. Huyền thoại của bà gắn với sự tích sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai, trở thành bất hủ trong ký ức của người Việt Nam.

Thờ các vị con của vua Hùng: Gồm các xã Ấm Thượng ở huyện Hạ Hòa; thôn Ngọc Nhi xã Tiên Phú; xã Yên Ninh Hạ ở huyện Sơn Vi. Các vị này đều là con của các vua Hùng và các bà cung phi. Có thể nêu như trường hợp của xã Ấm Thượng. Thần tích ở đây ghi nhận: "Vua Hùng Hiền Vương trong một lần đi tuần du đến núi Phượng Dực gặp tiên nữ Phan Lai công chúa rồi kết duyên, sinh được 4 người con, với tên Nôm là: Chàng Út Lỗ Thố Đại vương, Chàng Út Bến Trên Đại vương, Đức Ông Muôn Khê Cửa Ngòi Đại vương và Đức Khánh Bà Hà Bá Thủy Quan Công Chúa Đại vương. Cả 4 vị đều cùng Phù Đổng Thánh vương đánh giặc Ân, giữ yên bờ cõi đất nước.

Thờ các vị tướng lĩnh công thần của các vua Hùng: Gồm các xã còn lại. Nhóm này phải kể đến bộ ba công thần: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại vương và Quý Minh Đại vương vốn là bề tôi đắc lực của vua Hùng đời thứ 18 là Hùng Duệ Vương. Theo ghi nhận trong thần tích, mặc dù còn một số chi tiết khác nhau nhưng có thể thấy Tản Viên Sơn Thánh tên húy là Tuấn, Cao Sơn Đại vương tên húy là Sùng, Quý Minh Đại vương tên húy là Hiển, vốn là ba anh em, trong đó Tản Viên Sơn Thánh là anh cả. Sơn Thánh có tài thông thiên triệt địa, khiến Duệ Vương mến mộ, gả công chúa và nhường ngôi cho. Ngoài cuộc chiến giữa Sơn Tinh với Thủy Tinh (con vua Thủy), ông còn cùng hai em giúp vua Duệ Vương đánh quân Thục Phán trong cuộc chiến tranh Hùng - Thục.
Lòng thành kính dâng hương tri ân công đức tổ tiên trong mỗi người dân Việt Nam thể hiện tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Lòng thành kính dâng hương tri ân công đức tổ tiên trong mỗi người dân Việt Nam thể hiện tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Ngoài ba vị Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại vương và Quý Minh Đại vương cũng cần nhắc đến nhiều vị công thần của vua Hùng, đặc biệt là các công thần dưới triều vua Hùng Duệ Vương – tức vị vua cuối cùng trong phả hệ Hùng Vương, bởi họ đều là các bề tôi trung thành trong việc đánh Thục Phán, mang lại bình yên cho Nhà nước Văn Lang.

Như vậy, với 4 đối tượng ghi nhận trong thần tích được thờ tự tại 70 làng xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, cho thấy không gian văn hóa thờ thần thời Hùng Vương ở đây vốn rất đậm đặc mà trung tâm là Đền Hùng, sau đó phát triển đến các vùng xung quanh, nhất là huyện Sơn Vi với 12 địa điểm và cả thành phố Việt Trì hiện nay là nơi tụ cư của người Việt cổ, là kinh đô của nước Văn Lang xưa.

Tóm lại, dựa vào tư liệu thần tích ở các làng xã của tỉnh Phú Thọ cung cấp giúp chúng ta nhìn nhận đánh giá một cách khoa học về không gian văn hóa thờ thần thời Hùng Vương. Tuy nhiên những thông tin trong thần tích cần được xem xét và đánh giá thận trọng, song đây là những thông tin phản ánh nhận thức của người dân Phú Thọ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở một giai đoạn sơ khai trong lịch sử dân tộc. Điều này càng chứng tỏ không gian văn hóa thờ thần thời kỳ Hùng Vương của người dân Phú Thọ vốn có từ lâu đời, được lưu truyền, gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành phong tục tốt đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.



---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:


- Thần tích liên quan đến đại gia đình Hùng Vương (bài Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Hữu Mùi)

Viên đá góc đền Hùng - 5 : Phát và thu khí để điều chỉnh khí cho toàn bộ đền Hùng
Viên đá góc đền Hùng - 4 : Bản nháp bài văn bia đã qua khâu trưng cầu ý kiến quốc dân

Cây Kim Giao của hai ông tân trưởng ban, ở rất gần với viên đá
Cây Kim Giao của ông Thánh Ba ở khu vực Đền Hùng

Viên đá góc đền Hùng - 3 :  Thứ lạ ở ngay trước mặt, hơn cả đá mang bùa, là đây !
Viên đá góc đền Hùng - 2 : Không thấy cái lạ khác ở ngay trước mắt mới là lạ
Viên đá góc đền Hùng - 1 : Không thấm gì với những thứ lạ khác cũng đang ở đó

Đền Mẫu Âu Cơ ở Phú Thọ đang bị rác độc bao vây

Tín ngưỡng thờ các vua Hùng từ góc nhìn khảo cổ học (Trịnh Sinh, 2012)
Hùng Vương với ý thức dân tộc (Nguyễn Đăng Thục, 1971)


Quốc tổ Hùng Vương (Ngô Đức Thịnh, 2011)

Quốc tổ và Quốc lễ 2013

Đền Hùng và tục thờ vua Hùng từ góc nhìn văn hóa sử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.