Phóng sự của VTC.
---
1.
Bí mật chưa từng tiết lộ của cụ ông 82 tuổi vẫn đẻ con ở Hà Nội
(VTC News) – Cụ ông 82 tuổi ở Hà Nội vẫn chăn gối đều đặn, đẻ con sòn sòn, khiến cô vợ trẻ điếu đổ si mê...
Ở Việt Nam, không thiếu gì những người đàn ông ở tuổi 70-80 vẫn lấy vợ trẻ, nhưng lấy vợ trẻ mà vẫn đẻ con sòn sòn, vẫn chăn gối đều đặn, khiến cô vợ trẻ phải điếu đổ si mê, thì quả thực hiếm.
Nhưng, bí quyết nào mà cụ ông ngoài 80 tuổi vẫn làm việc say mê, vẫn uống rượu như nước lã và vẫn chiều vợ như trai trẻ, thì không phải ai cũng biết. PV VTC News đã có nhiều ngày theo ông, thân thiết với ông, nên được ông chia sẻ kỹ lưỡng cuộc đời mình, cũng như bí quyết chăm sóc sức khỏe tráng kiện dù ở tuổi xế chiều.
“Tuệ Tĩnh” dưới chân núi Tản
Ở Hà thành, nhắc đến bác sĩ, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Trọng, lứa tuổi U80 nhiều người biết. Giới Hà thành xưa cũ biết đến ông, bởi ông vốn là một đại gia, một công tử chính hiệu, một nhà thơ, một nghệ sĩ nhiếp ảnh, một bác sĩ thẩm mỹ hàng đầu và một tay chơi hào hoa khét tiếng.
Thế nhưng, đột nhiên, sau đám cưới ầm ĩ ở Hà thành với cô vợ trẻ, kéo dài tới 28 ngày, ông mất tăm mất tích. Đôi lúc, tôi trộm nghĩ, hay đại gia Nguyễn Hữu Trọng này đã phá sản, nên trốn nợ, hay kiếm chỗ nào quy ẩn rồi?
Tôi biết Nguyễn Hữu Trọng đã chục năm nay, từng rong chơi với ông nhiều chuyến, ăn nhiều thứ vật ngon, của lạ, uống nhiều thứ rượu lạ lùng, nên hiểu rõ tính ông.
Tính ông Trọng thích hoa lá cành, nhưng lại đam mê làm việc và công việc chính của ông có lẽ là… tiêu tiền.
Bác sĩ Trọng cùng vợ trẻ và 2 người con |
Cứ thi thoảng, ông lại xén vài chục mét đất ở ngay cạnh đại lộ Thăng Long ra bán, rồi đầu tư nghiên cứu cây nọ, nuôi dưỡng con kia, rồi công bố ra sản phẩm nào đó tăng cường sinh lực cho con người, rồi lại không thấy sản phẩm ấy đâu nữa.
Tôi nhớ, có lần Nguyễn Hữu Trọng bảo: “Tớ già rồi, sống được chục năm nữa chứ mấy, có làm cái gì cũng đã muộn, nên tớ chỉ mở đường, tạo ra các con đường mà thôi.
Cái nghề thuốc đông y này, ở Việt Nam còn nhiều bí ẩn, khoảng trống lắm. Tớ cứ nghiên cứu cây, con, cứ nghiên cứu bài thuốc, nghiên cứu cách gieo trồng, chế biến, đăng ký thương hiệu, để con cái, cháu chắt, rồi xã hội làm tiếp. Tớ dùng tiền của mình để mở đường…”.
Quay lại chuyện bỗng dưng Nguyễn Hữu Trọng mất hút khỏi thủ đô sau đám cưới rình rang với vợ trẻ kéo dài 28 ngày. Tôi bấm máy điện thoại, vẫn số ngày xưa. Ông vẫn nhận ra tôi, bảo tôi lên ngay Ba Vì.
Đường lên khu du lịch Ao Vua rải nhựa trơn tru, cách 70km mà xe chạy 50 phút đã tới nơi. Hỏi Nguyễn Hữu Trọng ai cũng biết.
Chiếc cổng to đùng, trên quả đồi, với dòng chữ “Tuệ Tĩnh đường” hiện ra dưới bụi luồng. Người vợ trẻ phải căng sức mới đẩy nổi cánh cổng to tướng, nặng trịch.
Ông Trọng và vợ trẻ thăm trang trại ở Phú Thọ |
Nghe đồn, A Ma Kông tuy lấy vợ trẻ, nhưng chưa chắc đã phải con mình. Tớ lấy vợ trẻ, đẻ liền hai con, đều là con tớ nhé. Nhìn giống như đúc, xét nghiệm ADN chuẩn xịn luôn…”.
Bao năm nay, Nguyễn Hữu Trọng vẫn hồn nhiên, bỗ bã như vậy. Có lẽ, tính hồn nhiên đã ăn vào máu và đó cũng là nguyên nhân khiến ông trẻ mãi không chịu… già đều.
“Luyện công phu” ở đất Thánh
Tôi bảo: “Biết là chú có nhiều bí quyết rồi. Ngoài thuốc men, cây lá, vật quý xơi đều đặn, thì còn điều gì nữa đây?”.
Nguyễn Hữu Trọng gật gù, rồi bảo: “Cậu biết vì sao tớ bỏ Hà Nội về đây không? Mặc dù tớ đầy đất ở Hà Nội, rồi đất ở Chùa Hương cả trăm héc ta? Vì ở chỗ này, tớ sẽ thành tiên. Chỗ này là đất của thánh Tản, là đầu rồng đấy cậu ạ. Long mạch quốc gia ở chỗ này, vượng khí tụ về đây chứ còn đâu nữa.
Tớ ở đây, hàng ngày hấp thụ linh khí trời đất, thì không trường thọ, không khỏe mãi sao được”. Đại gia Nguyễn Hữu Trọng chỉ quả núi ngay trước mặt và bảo đó là núi Tản.
Ông kể rằng, sau khi cưới, ông bỏ một năm trời đi khắp Việt Nam, gặp cả chục chuyên gia phong thủy, cốt để tìm cho được mảnh đất đẹp, để làm nơi ở, nơi chết và đặc biệt là luyện các bài thuốc cho mình.
Đất ông có rất nhiều, gộp vào rộng bằng nửa một xã dưới xuôi, nhưng không có chỗ nào thực sự như mong muốn của ông.
Ông Trọng |
Ông thấy như mình khỏe lên, minh mẫn hơn, căng tràn sức sống. Ông thấy trong mình hừng hực như tuổi hai mươi. Gọi tất cả những chuyên gia phong thủy đến núi Tản, và tất cả các chuyên gia đều công nhận đây là đất Thánh.
Chọn được mảnh đất đẹp nhất dưới chân núi Tản, ông gặp các hộ gia đình. Mảnh đất người nông dân gắn bó nhiều đời, đâu dễ dàng khiến họ dời đi. Thế mà, Nguyễn Hữu Trọng mua được tất.
Ông vác những bao tiền, nhiều đến nỗi cả đời người nông dân chưa bao giờ nhìn thấy nhiều như thế. Thế là, tất cả các hộ dân nằm trong mảnh đất rộng 3 héc ta ngay chân núi Tản đều ưng bụng chuyển đi chỗ khác.
Các hộ gia đình mang tiền mua mảnh đất rộng hơn, xây biệt thự ở hưởng lạc cả đời và Nguyễn Hữu Trọng có được mảnh đất, mà ông trân trọng gọi là “đất Thánh”.
Ông bảo: “Đất thì thiêng rồi, đồ ăn thì sạch rồi, ngon rồi, nhưng cái bụng mình khoái, cái đầu mình sướng, thì mình sẽ thọ, mình sẽ khỏe. Như mảnh đất này chẳng hạn. Tớ thích thì tớ mua luôn, bất kể bao nhiêu tiền cũng không tiếc, và hàng ngày tớ sung sướng làm việc, vui chơi ở mảnh đất này, thì tớ lão hóa sao được”.
Đại gia trẻ mãi không… “già đều” Nguyễn Hữu Trọng dẫn tôi vào ngôi đền thờ tổ họ Nguyễn và thánh Tản Viên, rồi vào nhà chứa thuốc của ông.
Ngôi nhà sàn khổng lồ, chứa đủ các loại dược liệu, máy móc nghiền, sàng, đóng gói, đóng túi.
Ông bảo: “Tớ nghiên cứu, sản xuất đủ các loại thuốc, ai mua thì bán, ai xin thì cho và điều quan trọng nhất là để tớ dùng, cả nhà tớ dùng.
Thuốc tớ làm, thì đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Tất cả các loại thuốc của tớ đều hướng tới những công dụng như chống lão hóa, tái tạo tế bào, đào thải độc tố, nên uống vào thì cứ trẻ mãi không già là vì thế.
Tiếp đến là các loại bổ âm, bổ dương, bổ xương, bổ khớp và bổ lung tung cả. Rồi mới đến các loại tăng cường chức năng tiêu hóa để tăng thể trạng và làm đẹp…
Các loại thảo dược đều do tớ gieo trồng ở mảnh vườn rộng 3 héc-ta này, không chăm sóc, không kích thích, không thuốc trừ sâu gì cả. Cây cỏ đều lên tự nhiên, sinh trưởng ở mảnh đất đầy linh khí thế này thì cậu biết là nó quý thế nào rồi đấy.
Gà vịt tớ thả rông, lợn dê tự kiếm ăn ngoài vườn, rau cũng tự mọc, thì quá sạch, không phải lo gì nữa”.
Còn tiếp…
Phong Nguyệt
2.
Kho rượu 7 tấn và cụ già 84 uống rượu như nước lã
(VTC News) - Nhìn cảnh ông lão 84 tuổi uống cả chục bát rượu như uống nước ngọt, thì ai dám không tin chuyện mỗi ngày ông vẫn chiều vợ đều đều.
Kỳ 2: Cụ già uống rượu như nước lã
Căn nhà chính và cả cái hiên trước sân nhà bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội), thì thực sự… kinh hoàng. Có đến cả ngàn bình rượu, ngâm cả ngàn loại thảo dược, cả trăm loại con. Cao hổ, cao ngựa bạch, tay chân gấu cứ dập dềnh trong các bình rượu.
Ông Trọng khoe rằng, cả trong hầm, lẫn ngoài hiên, tổng cộng ông có 7 tấn rượu, tức là có 7.000 lít. Điều đặc biệt, là ông chế biến các loại rượu không phải để bán mà để... uống.
Uống rượu như nước lãTôi biết tửu lượng của cụ ông Nguyễn Hữu Trọng thực sự kinh hoàng thế nào. Đã có lần, cùng ông lên Yên Lập (Phú Thọ), nơi ông trông gấc và nuôi ngựa bạch, và tận mắt cảnh ông uống rượu.
Ông Trọng mổ một con ngựa bạch, mời cả xóm đến ăn nhậu. Có 30 mâm tất cả. Ông uống suốt từ trưa đến tối. Ông cứ xách chén đi từng mâm một, rồi lại từng mâm đến mời.
Ông vừa uống vừa đọc thơ, hát quan họ Bắc Ninh. Ông uống đến nỗi, cả 30 mâm cùng say bò càng, còn ông vẫn tỉnh như sáo, vẫn lái xe phăm phăm chạy về Hà Nội.
Một phần số rượu ở phòng ăn, để phục vụ bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng và khách |
Chả biết điều ông Trọng nói có thật không, nhưng tôi phải thú thật rằng, ông uống rượu như nước lã, điều mà không thể có cụ già 80 tuổi nào trên thế giới này làm được như thế.
Và bây giờ, đã ở tuổi 84, tiếp tôi giữa sơn trang dưới chân núi Tản, ông không uống rượu bằng chén nữa, mà uống bằng… bát. Loại rượu chưng cất 2 lần, nặng tới 50 độ, đốt cháy đùng đùng, được ngâm với thảo dược đã 10 năm, ông rót ra bát sành và cứ chạm cái lại hết một bát.
Nhìn cảnh ông lão 84 tuổi uống cả chục bát rượu như uống nước ngọt, thì ai dám không tin chuyện mỗi ngày ông vẫn chiều vợ đều đều.
Chị Bẩy, vợ ông Trọng |
Có lẽ, ông coi chuyện này bình thường như cơm ăn, nước uống, kể với nhiều người trước mặt vợ trẻ, nên chị cũng quen rồi.
Tôi quay sang hỏi đùa chị Bẩy, vợ ông Trọng: “Đàn ông là chúa hay chém gió chuyện đó lắm. Ông xã nhà chị có chém tí nào không đấy?”. Chị Bẩy cười bảo: “Bố nó cũng có nổ, nhưng nổ quá một chút thôi”. Chị Bẩy nói thế, cả mâm nhậu cùng cười nghiêng ngả.
Ông Trọng chêm vào: “Mẹ nó chỉ được cái nói xấu tôi nhà nhanh. Tôi bằng này tuổi rồi, thế là tốt lắm đấy. Mẹ nó không chiều được tôi, tôi lấy vợ nữa thì đừng có mà trách nhé”.
Con nhà Phật!
Tạm gác câu chuyện về thú vui giường chiếu, năng lực phòng the, bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng trầm ngâm bảo: “Ngày xưa, mấy ông thầy tướng gặp tớ, hay tròn mắt giật mình bảo rằng tớ không phải là người. Có ông bảo là Thánh, có ông bảo là ma, có ông bảo là người giời, có ông bảo con nhà Phật.
Thôi thì các thầy phán đủ cả các thứ quái dị gì đó đang ẩn trong người tớ. Nghe phán thế, tớ cũng chẳng tin lắm. Nhưng giờ ở đây, về ở đất này với Thánh Tản, đầu óc thảnh thơi, nghĩ lại mới giật mình, hay tớ là cái thứ gì đó khác người quá.
Cậu thấy đấy, bằng này tuổi vẫn không biết ốm đau, vẫn sinh con đẻ cái, vẫn đáp ứng chuyện giường chiếu, thì đúng là cũng lạ, trái quy luật thật…”.
Ông Trọng trong một lần hướng dẫn bà con cách trồng gấc năng suất cao ở Phú Thọ |
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng sinh năm 1930, trong một gia đình danh giá. Bố là ông chủ Hãng rượu Hải Dương, một đại tư sản thời Pháp. Mẹ làm thư ký cho nhà buôn Bạch Thái Bưởi.
Mẹ ông sinh hạ 2 lần đều không nuôi được con. Đi chùa cầu tự, nhà sư bảo đứa con tới phải gửi ở chùa.
Ông ra đời, mới 3 tháng đã phải cai sữa. Mẹ ông gửi ở một ngôi chùa hoang vu trong rừng Yên Tử đến năm 10 tuổi mới đón về. Trước khi rời chùa, vị trụ trì xoa đầu bảo: “Cậu là con nhà Phật nên sẽ được giời Phật phù hộ suốt đời”.
Cách mạng Tháng 8 thành công, cha ông được cử lên Lạng Sơn đánh đuổi Quốc Dân Đảng. Cha mang ông theo. Đó cũng là chuỗi ngày sống trong rừng thẳm, phải nếm trải nhiều biến cố cuộc đời.
Buổi trưa năm 1946, hai cha con đang ngồi ăn cơm trên đồn. Quân địch tấn công bất ngờ. Một viên đạn lạc găm trúng đùi Trọng. Tuy nhiên, viên đạn chỉ đi vào phần mềm nên vết thương không nặng.
Ông Trọng đàn hát cùng 2 con |
Cuộc sống ngày qua ngày chỉ có ngô, sắn, củ mài và rau rừng. Kỷ niệm lạ đời nhất mà ông Trọng gặp, đó là trong một lần đi câu ở suối Bắc Sơn.
Đang kéo con cá chạch chấu thì dưới suối, ngay trước mặt xuất hiện một đôi rắn màu trắng, to bằng bắp tay, đang vờn nhau trên mặt nước. Trọng hoảng hốt vứt cả cần câu lẫn cá chạy về bản.
Kể lại sự việc, ông già bản bảo Trọng gặp “thần rắn” rồi. Ông già bản này khẳng định, nếu đêm nay không chết thì “trời đánh, thánh vật” Trọng cũng không chết.
Ngẫm lại câu nói của ông già bản, rồi của vị trụ trì chùa Yên Tử, ông Trọng thấy cuộc đời mình rất lạ. Sau này tìm hiểu, Trọng mới biết, thỉnh thoảng người dân vẫn gặp loài rắn lạ này. Đây là loài rắn có mào trên đầu, sống trong hang sâu ven con suối chảy qua xã Nhất Hòa (Bắc Sơn).
Khi nước suối lớn, chúng ngoi lên nên mới có dịp gặp được. Người ta đồn rằng, những người gặp rắn trắng, đều chết bất đắc kỳ tử vào đêm đó.
Một lần, vào rừng chặt chuối về nuôi lợn. Mệt quá, Trọng vạch đám cỏ, ngồi lên một khúc gỗ mốc. Vừa ngồi lên, liền bị hất ngã chỏng chơ. Hóa ra, khúc gỗ mốc đó là một con trăn lớn. Nhưng không hiểu sao nó không siết gãy xương cậu mà lại vội vã chạy vào rừng rậm.
Khu vực nhà thờ Thánh Tản Viên và cụ Tuệ Tĩnh do ông Trọng xây dựng |
Ông tung chăn ra, một con hổ mang chúa nằm cuộn tròn ngay cạnh sườn. Trọng sợ xanh mắt. Nhưng con rắn không cắn, mà trườn qua người, rồi đi mất. Điều lạ là ngay lập tức ông hết sốt, khỏe lại như thường.
Những chuyện giáp mặt rắn, ngủ chung với rắn gặp nhiều rồi. Nhưng lạ nhất là lần rắn hổ chúa to bằng bắp chân, bành mang mổ bôm bốp vào đầu, để lại mấy vết răng nanh sâu hoắm, nhưng ông vẫn không sao, dù chẳng chạy chữa gì.
Số là lần ấy có giông lớn, khiến một cây trò chỉ đổ ngang suối. Trọng vác dao trèo lên giữa cây chặt cành khô lấy củi. Cứ chém một cái, lại thấy “cốp” vào đầu.
Tưởng có cành cây va vào đầu nên Trọng không để ý. Lúc ngửa mặt lên nhìn lại, Trọng há hốc khi thấy con rắn hổ mang chúa quấn trên cành cây, đang bạnh miệng phì phò nhìn Trọng. Nhưng lạ ở chỗ, khi Trọng nhìn nó không mổ nữa, mà hoảng hốt chạy mất.
Chuyện gặp gấu, gặp hổ thì quá nhiều. Những ngày sống ở trại giam Lân Pháng, đêm đêm, hổ xông cả vào chuồng bắt trộm lợn. Cha Trọng là cán bộ trại giam, ông bắn được khá nhiều hổ để nấu cao, cung cấp dinh dưỡng cho các cán bộ, bộ đội đánh Pháp.
Có lần, trên đường đi từ Nhất Hòa vào Lân Pháng, một con gấu rất lớn nhảy ra giữa đường, đứng lừng lững trước mặt. Nhưng nó chỉ ngó nghiêng nhìn Trọng một lát rồi lững thững bỏ đi.
Cũng trong lần đi bộ từ Bắc Sơn vào Nhất Hòa, khi đến đoạn đường xẻ núi độc đạo, Trọng gặp con hổ lừng lững đi theo hướng ngược lại.
Nó gầm ghè, xả ra mùi hôi rình. Trọng nhìn thẳng vào mắt nó, nó cúi đầu đi nép ven đường, rồi biến thẳng vào rừng.
Không biết có phải hổ sợ Trọng hay không, nhưng có một lần, khi Trọng cùng mấy người đàn bà đi chợ Tân Long về. Đêm khuya, vào mái đá như cái hàm ếch ngủ. Mọi người hoảng hốt khi thấy tiếng gầm ghè vọng lại.
Trông ra, thấy con hổ vằn vện lượn đi lượn lại. Hai mắt nó đỏ như hai hòn than. Mấy bà sợ khóc ré lên. Nghĩ hổ, báo, gấu, rắn sợ mình, nên Trọng liều đối mặt với nó.
Không ngờ, khi Trọng đứng ngoài cửa hang nhìn nó tròng trọc, nó liền bỏ đi ngay. Từ bấy, người dân trong bản vừa nể, vừa sợ chàng trai này. Người ta cứ tò mò không hiểu Trọng là người hay là “ma”.
Chuyện kinh khủng cuối cùng trong cuộc đời bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng, đó chính là lần “lũ không quét”. Cũng một lần theo mấy bà đi buôn về, Trọng sức yếu nên bị tụt lại phía sau, bèn ngồi nghỉ bên suối.
Bất chợt, tiếng ầm ầm dậy cả rừng hoang, rồi lũ ập đến. Trọng trèo tót lên một thân cây bằng bắp đùi bên bờ suối. Lũ cuốn gỗ phăng phăng lao trên mặt nước như tên bắn. Thân cây víu vó trước lũ lớn. Trọng cứ hai tay bám ngọn cây, quên cả đau đớn do những súc gỗ lớn thúc vào.
Quật cường như vậy suốt 2 tiếng thì lũ ngớt. Điều kỳ lạ đến khó tin. Cây cối xung quanh không bị trốc rễ cuốn theo dòng nước thì cũng gãy gập, duy có thân cây mà Trọng bám vào vẫn hiên ngang trước dòng nước lũ.
Còn tiếp…
3.
Cụ ông 4 đời vợ ở Hà thành và cuộc tình với cô gái ở động mại dâm
(VTC News) – Ông Trọng trong vai một tay chơi khét tiếng, giải cứu cô gái xinh đẹp ra khỏi động mại dâm, rồi lấy làm vợ.
Mặc dù là công tử Hà thành thời đó, nhưng Nguyễn Hữu Trọng (xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) cũng phải chịu sự quyết định của cha mẹ trong việc hôn nhân.
Bố ông đã nhắm cho ông cô con gái của ông lãnh đạo huyện Đông Triều (Quảng Ninh). Ông buộc phải chia tay cô người yêu xinh như mộng, để lấy vợ.
Cưới xong, ở với vợ được vài hôm, ông bỏ lên Hà Nội, mặc kệ người vợ không tình yêu ở quê nhà.
Chơi bời chán, ông về Đông Triều, thì vô tình đọc được bài thơ tình của một anh chàng hàng xóm tặng vợ. Ông tra hỏi, cô vợ cũng thừa nhận luôn là chỉ yêu anh chàng hàng xóm và trái tim đã thuộc về anh chàng kia rồi. Việc cưới ông Trọng là do cha mẹ, chứ cũng chẳng yêu gì ông.
Anh chàng người yêu của vợ ông, chính là kẻ đã chở ông ra bến xe để đi lên Hà Nội. Hai người tâm sự rõ ràng cảm xúc của mình với nhau, và chia tay nhau rất nhẹ nhàng. Cuộc hôn nhân chóng vánh này không cho ra đời đứa con nào cả.
Ông Nguyễn Hữu Trọng |
Ông sống với người vợ này lâu nhất, sinh với nhau được 3 người con. Hai vợ chồng chia sẻ với nhau bao cay đắng cuộc đời, cả lúc giàu sang, cũng như lúc thất bại, tay trắng.
Bao năm ông đi học ở Nga, mình bà một nách 3 con vẫn tròn bổn phận. Khi cưới người vợ này, Nguyễn Hữu Trọng cũng đã 40 tuổi.
Tuy nhiên, ông là công tử, giỏi ăn chơi, đàn hát, ăn mặc thời thượng, nên các cô gái trẻ vẫn mê như điếu đổ.
Ông Trọng kể rằng, trong một chuyến đi công tác dài ngày miền Nam, ông dẫn hai cô sinh viên trẻ đẹp đi theo. Vợ ông biết, nghĩ rằng ông phản bội, thế là chia tay nhau. Mặc dù, theo ông, khi đó, ông chỉ coi hai cô sinh viên đó như con, dẫn theo làm phiên dịch.
Cuộc chia tay đó quả thực lãng xẹt, chỉ vì tính tự ái cao của cả hai người. Sau này, dù đã lấy vợ 3, vợ 4, ông vẫn dành tặng người vợ hai những câu thơ đầy ý nghĩa: “Tôi với bà sống với nhau/ Nỗi buồn cũng có, đớn đau cũng nhiều/ Niềm vui chẳng được bao nhiêu/ Giờ hai ta đã xế chiều bà ơi/… Bà vui, tôi lại càng thương/ Bà buồn, tôi tự trách luôn cả mình…/Cuộc đời ngắn ngủi làm sao/Nếu tôi đi trước, thế nào bà ơi/ Bà vui, đừng buồn vì tôi/ Hẹn nhau ta lại tái hồi kiếp sau”.
Cuộc hôn nhân với người vợ thứ 3 của ông Trọng ly kỳ như truyện trinh thám.
Ngày đó, ông chủ trì một hội nghị về cách chữa bệnh không dùng thuốc. Thời điểm đó, việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng, kết hợp với rèn luyện thân thể, còn mới mẻ, chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam, nên gây chú ý rất lớn. Hội nghị có đến cả ngàn khách mời.
Ông Trọng và người vợ thứ 4, lúc mới gặp nhau |
Nhưng rồi, sau buổi đó, công việc cuốn đi, ông cũng quên luôn cô gái xinh đẹp ấy.
Một thời gian sau, ông bạn bác sĩ gọi điện cho ông, giọng hốt hoảng thông báo rằng, cô cháu gái đang bị nhốt trong động mại dâm, mỗi ngày phải tiếp vài chục khách.
Vì cãi nhau với mẹ kế, giận cha, cô đã bỏ đi khỏi nhà, rồi xin làm ở một quán cafe mãi dưới Hải Phòng. Không ngờ đó là quán cafe trá hình. Đám ma cô đã nhốt cô xuống hầm bắt tiếp khách hàng ngày. Nếu không nghe lời, chúng đánh đập không thương tiếc, thậm chí dọa giết.
Lợi dụng sơ hở của bọn bảo kê, cô cháu gái đã gọi điện cho bác nhờ bác cứu. Biết ông Trọng là người có quan hệ rộng, lại nổi tiếng ăn chơi, nên ông bạn bác sĩ đã cầu cứu đến ông.
Hai chục năm trước, Hải Phòng nhỏ xíu, những điểm ăn chơi chỉ đếm trên đầu ngón tay, ông Trọng thuộc cả. Để tìm ra cô cháu gái của ông bạn, ông Trọng lên danh sách các điểm ăn chơi và đột nhập từng điểm một.
Ông Trọng điều cậu lái xe của mình đến các điểm ăn chơi đất Cảng và gọi tất cả các tiếp viên ra cho ông chọn lựa. Sau khi đã thâm nhập ngót chục động mại dâm, thì ông đã gặp được cô gái đó. Ông chấm cô gái và được tên ma cô đẩy vào phòng.
Vừa gặp ông Trọng, cô gái đã quỳ xuống bảo: “Xin chú cứu con, không thì con chết mất”. Tính toán các phương cách xong, ông Trọng đưa cho tên ma cô một xấp tiền, để hắn làm ngơ cho ông đưa cô gái đi qua đêm ở khách sạn. Cậu lái xe đã đỗ ở ven đường. Ông Trọng và cô gái lên xe chạy thẳng về Hà Nội.
Sợ bọn ma cô săn lùng, ông Trọng đưa cô gái này về Bắc Ninh trú ẩn.
Ông Trọng và người vợ cuối cùng |
Ở với chị em câu lạc bộ, cô gái này đã mê quan họ và tập hát. Các nghệ nhân hàng đầu ở Bắc Ninh khi đó đã truyền dạy cho cô.
Sống ở đây chừng nửa năm, cô gái từng làm nghề bán thân đã lột xác một cách kỳ lạ. Cô trở nên xinh đẹp lạ lùng, lại hát rất hay, thành diễn viên chính của câu lạc bộ.
Và, như định mệnh, hai người đã đến với nhau. Ông Trọng bị cô gái trẻ, kém tới 40 tuổi hút hồn, còn thiếu nữ kia trao trái tim cho “người hùng” một cách không tiếc nuối.
Thế nhưng, cuộc hôn nhân này cũng chỉ tồn tại được 3 năm. Cô vợ đã bỏ ông đi biệt tích cùng với số tiền 500 triệu đồng ông cất trong tủ. Số tiền ấy, khi đó, mua được mấy căn nhà ở Hà Nội, song với ông, cũng không đáng kể gì.
Tuy nhiên, ông đã suy sụp, bởi niềm tin của mình bị đánh cắp. Ông tưởng rằng, cuộc hôn nhân xuất phát như trong phim ảnh ấy, phải bền vững mãi mãi, nhưng ông đã nhầm.
Người vợ ấy đã rơi vào chốn nhơ nhớp và bản chất giang hồ ấy không dễ dàng thay đổi được. Với ông, kinh tế chẳng khó khăn gì, nhưng thân già chăm nuôi đứa con mới chập chững biết đi thì quá vất vả.
Giờ đây, cô con gái chung của ông và cô gái giang hồ đã ở tuổi đôi mươi và vẫn sống với ông. Điều may mắn là cô con gái này xinh đẹp giống mẹ, nhưng lại thông minh sáng láng giống bố.
Còn tiếp…
Phong Nguyệt – Thanh Đào
4.
Chuyện tình cụ 80 và thiếu nữ 20 ở Hà Nội: Đám cưới kéo dài 28 ngày
(VTC News) - Ông Trọng ngã bổ chửng, khi cô gái vẫn gọi ông bằng thầy cất lời: “Thầy ơi! Em muốn làm vợ thầy!”.
Kỳ 4: Đám cưới dài nhất Việt Nam
Như đã nói ở kỳ trước, bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng đã có cuộc tình như trong phim trinh thám với một cô gái từng có thời gian làm nghề bán thân. Tuy nhiên, người vợ ấy đã ôm một đống tiền bỏ đi mất tích, để lại cho ông một cô con gái.
Chán đời, ông không thiết gì chuyện lấy vợ nữa. Bác sĩ Trọng chuyên tâm nghiên cứu về cây cối, sản xuất thực phẩm chức năng.
Hồi nuôi đàn ngựa bạch và giúp nhân dân trồng giống gấc năng suất cao ở Yên Lập (Phú Thọ), ông đã gặp cô gái người Mường tên là Đinh Thị Bẩy.
Hồi đó, Bẩy đã 23 tuổi mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Bà ngoại Bẩy là thầy thuốc người Mường, bản thân chị cũng biết nhiều cây thuốc, nên muốn theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng để học nghề thuốc.
Ông Trọng và chị Bẩy hồi mới gặp nhau |
Theo ông Trọng, hồi đó, ông thuê người làm cỏ ở trang trại mất 10 triệu đồng một tháng, thế nhưng chị Bảy tháo vát, quản lý đâu ra đấy, lại xắn tay cùng công nhân làm việc, nên chỉ tốn 3 triệu mỗi tháng mà vườn sạch tinh tươm.
Một hôm, đến trang trại vào lúc 12 giờ trưa, thấy công nhân nghỉ ngơi, mà Bảy vẫn làm cỏ ngoài vườn, mồ hôi mướt mát. Nhìn cô gái chân quê chăm chỉ, ông Trọng xúc động làm ngay mấy câu thơ: “Em ngồi nhổ cỏ nhưng vẫn đợi/ Chẳng hiểu cỏ kia có dễ không/ Chỉ chờ ai gọi thôi em nhé/ Đứng dậy đi em chim sổ lồng”.
Nghe mấy câu thơ đó, chị Bẩy không nói gì, mà lẳng lặng đi vào nhà ăn. Ông Trọng đi theo, nhấc lồng bàn, thì chỉ thấy món rau muống luộc và quả trứng.
Chị Bẩy mời ông ở lại ăn cùng. Ông Trọng toàn ăn cao lương mỹ vị, nhưng không ngờ bữa ấy chỉ có rau muống và quả trứng luộc lại ngon miệng đến thế.
Cô gái này đã yêu say đắm bác sĩ Trọng |
Không những thế, cô còn đọc rất nhiều bài thơ của ông, rồi bình từng câu, từng tứ. Ông Trọng càng giật mình, khi không hiểu vì sao, một cô gái làm vườn cho mình, mà lại thuộc nhiều thơ của mình đến vậy.
Sau này, ông mới biết, những đêm ở trang trại rộng mênh mông, buồn quá, cô lục đống sách, báo trong phòng của ông để đọc.
Là sơn nữ xứ Mường, Bẩy có tâm hồn lãng mạn, nên rất thích thơ. Những bài thơ về tình yêu, cảnh sắc thiên nhiên của ông Trọng, Bẩy chỉ đọc vài lần là thuộc.
Ông Trọng ngã bổ chửng, khi cô gái vẫn gọi ông bằng thầy cất lời: “Thầy ơi! Em muốn làm vợ thầy!”.
Ông Trọng bảo: “Nghe cô ấy nói thế, tôi quá giật mình. Nhưng suốt bao năm một mình gà trống nuôi con, giờ lại được cô gái trẻ tỏ tình thì thích thú lắm, nên tôi nhận lời ngay”.
Vài hôm sau, ông Trọng tìm lên huyện Yên Lập, cùng vài người thân để… hỏi vợ.
Ông Trọng |
Khi đó, ông Trọng đã 79 tuổi, còn bố vợ mới 68. Bố vợ gọi ông Trọng bằng anh, còn ông Trọng gọi bố vợ bằng ông.
Nhiều người xì xầm bàn tán. Mấy bà cô, bà thím còn lôi chị Bẩy ra ngoài khuyên giải mọi điều, nhưng ý Bẩy đã quyết, nên không ai lay chuyển được.
Tình cảnh lúc đó khá gay cấn, có nguy cơ đổ vỡ. Không để mọi người bàn ra tán vào nhiều, ông Trọng đã nói thẳng rằng, mai là ngày lành tháng tốt, nên xin được cưới luôn.
Ông bố vợ nghe con rể tương lai nói vậy, thì bảo: “Tôi sẽ hỏi ý kiến tổ tiên. Nếu tổ tiên đồng ý, thì tôi không có cách nào khác. Ngược lại, thì xin trả lễ cho anh”.
Nói rồi, ông bố vợ vào trong buồng, lấy chiếc đĩa cùng 2 đồng xu. Ông thắp hương trên bàn thờ, rồi gieo quẻ. Gieo xong, ông bảo với mọi người: “Được rồi. Các cụ đã đồng ý. Mai tổ chức cưới luôn”.
Ông Trọng hỏi lễ cưới ở đây thế nào? Các cụ già xúm vào bảo phải 1 con bò, một con lợn, trăm lít rượu, gà, gạo…
Ông Trọng chẳng cần nhẩm tính, đưa một cọc tiền to nhờ gia đình nhà gái mua sắm hộ, vì đường xa không mang được gì theo.
Tấm ảnh cưới phóng lớn của vợ chồng ông Trọng cùng những lời mô tả đám cưới dài 28 ngày, linh đình nhất Việt Nam |
Hôm sau, đám cưới tưng bừng diễn ra. Cả họ nhà gái, cả bản đến dự, ăn uống no say, rượu rót tràn cả thung lũng. Chú rể Nguyễn Hữu Trọng tuy tóc đã bạc, nhưng uống rượu như nước lã, khiến cả nhà gái say nghiêng ngả.
Cưới xong ở nhà gái, thì ông Trọng đưa vợ về Hà Nội tiếp tục tổ chức lễ cưới.
Ông kể: “Có lẽ, đám cưới của tôi không chỉ to nhất Hà Nội từ trước đến nay, mà còn là đám cưới dài nhất, tới 28 ngày. Ngày cưới chính tôi tổ chức ở khách sạn tại Hà Nội, còn các ngày khác thì tổ chức ở khu nhà vườn Hoài Đức, bên sông Đáy.
Tôi gọi điện mời cưới. Mọi người hỏi cưới hôm nào, tôi bảo hôm nào đến cũng được, đều có cỗ và rượu.
Tôi tổ chức cưới dài ngày như thế, nên không ai có thể từ chối đến chúc mừng vì bận. Vì tôi tổ chức cưới kéo dài, nên khách đến rải rác, cứ mỗi ngày dăm mười mâm”.
Cưới xong, đúng một năm sau, thì vợ ông trở dạ, sinh cô con gái, đặt tên là Nguyễn Kim Phúc. Con cháu, người thân ông Trọng đều không tin ở tuổi ông vẫn có con, nên lúc chị Bẩy mang bầu thường nói ra, nói vào.
Nhiều người còn nói bóng gió rằng ông Trọng già rồi còn đi đổ vỏ. Thế nhưng, khi bé gái ra đời, nhìn khuôn mặt lột ông Trọng, thì không thấy ai bàn tán gì nữa.
Và để có nếp, có tẻ, ông Trọng bàn với vợ sinh tiếp. Năm 2012, cậu bé Nguyễn Hữu Đức ra đời, khi ông Trọng đã ở tuổi 82.
Lúc này, mọi người không còn bàn tán xôn xao chuyện cụ ông 82 tuổi vẫn sinh con nữa, mà người ta bàn tán, tò mò, vì sao cụ ông hiện đã 84 tuổi vẫn đáp ứng được chuyện chăn gối với vợ trẻ.
Bí quyết của ông Trọng là: Sống vô tư, thanh nhàn, không thù hận, kèn cựa, ăn uống sạch sẽ, bổ dưỡng, tích cực làm việc, rèn luyện thân thể. Đặc biệt, cần sử dụng thảo dược quý từ sớm, để loại trừ bệnh tật từ gốc.
Còn tiếp…
Phong Nguyệt – Thanh Đào
Bí kíp sung mãn, chiều vợ trẻ của cụ 80 lấy vợ ngoài 20 ở Hà Nội
(VTC News) - Ngoài việc sử dụng vô vàn dược liệu quý, ông Trọng đã ăn hết cả chục con… ngựa bạch Tây Tạng.
Kỳ 5 (kỳ cuối): Bí kíp sung mãn
Cách đây 30 năm, bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng (xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) đã chuyên tâm nghiên cứu về thực phẩm chức năng. Ông vốn là bác sĩ, và là người mở trung tâm thẩm mỹ đầu tiên ở Việt Nam. Thế nhưng, về già, ông lại đề cao thực phẩm chức năng, có tác dụng nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật từ gốc.
Để thực hiện được khát vọng của mình, ông đã bỏ tiền mua đất để trồng trọt các loại thảo dược. Ông gom được tới ngót 100 ha đất rừng ở huyện Mỹ Đức, khu vực chùa Hương. Ông mua thêm 2 héc ta đất ven sông Đáy, ngay cạnh đại lộ Thăng Long.
Thời điểm đó, thế giới lên cơn sốt với hoạt chất mangiferin chiết xuất từ cây xoài. Ông Trọng đã trồng xoài kín mảnh đất bên sông Đáy. Nhiều năm trời ông nghiên cứu, chiết xuất từ quả xoài, lá xoài, hoa xoài, vỏ cây xoài thành hoạt chất.
Ông Trọng và vợ con |
Ông nhìn thấy xu hướng của tương lai là sẽ sử dụng thực phẩm chức năng như đồ ăn, thức uống hàng ngày để làm đẹp, tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh tật… nên ông dành những năm tháng cuối đời để nghiên cứu loại thực phẩm này.
Theo ông Trọng, việc giữ được sức khỏe phi thường đến tận tuổi 84, theo ông, là vì ngoài việc ông dùng thực phẩm chức năng hàng ngày, ông còn được ăn quá nhiều loại cao quý.
Bố ông Trọng là trùm nấu cao hổ, rồi ông cũng có 40 năm nấu cao hổ. Từ ngày Nhà nước cấm buôn bán hổ, ông chuyển sang nấu cao ngựa bạch Tây Tạng để dùng.
Ông Trọng vốn có thời gian đam mê chụp ảnh. Ông bỏ hàng trăm triệu bạc, số tiền rất lớn cách đây mấy chục năm để mua máy ảnh. Ông sắm hai chiếc ô tô, một chiếc đi ở phố, một chiếc leo núi, để phục vụ đam mê chụp ảnh cho mình.
Ngày đó, trong nước không còn chỗ nào thỏa mãn đam mê chụp ảnh của ông, nên ông ra nước ngoài chụp. Ông đi khắp Trung Quốc, đi dọc Vạn Lý Trường Thành, lạc sang cả Tây Tạng để xem các thiền sư kiết già ép xác trong các hang động để thân thể trở thành xá lị.
Ông Trọng trong một chuyến chụp ảnh bãi đá cổ Sapa |
Ngựa bạch Tây Tạng sống trên độ cao 3.000 - 5.000m so với mặt nước biển, ăn những loại thảo dược quý, trong đó, món khoái khẩu của chúng là nấm linh chi mọc trên phân dê, nên mọi thứ của con ngựa đều biến thành những biệt dược hiếm có ở đời.
Bởi thế, hàng ngàn năm nay, Tây Tạng vẫn là nguồn cung cấp ngựa bạch chủ yếu cho Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan… Người ta nhập để làm thực phẩm chức năng, chế biến các vị thuốc quý cho người giàu sử dụng.
Trong những ngày ở Tây Tạng, ông Trọng tìm đọc nhiều sách cổ về con ngựa bạch Tây Tạng và ông mê ngựa bạch luôn.
Và rồi, một ngày, người ta thấy ông Trọng cổ đeo lỉnh kỉnh máy ảnh, ống kính, lôi thôi nhếch nhác dắt theo mấy con ngựa bạch qua cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai).
Ông Trọng trở thành người đầu tiên đưa ngựa bạch Tây Tạng về Việt Nam. Mấy chú ngựa bạch được ông đưa về vườn xoài rộng 2 ha ở km 12 đường Láng - Hoà Lạc thả.
Đoạn đường 5.000km từ Tây Tạng về Việt Nam khiến đàn ngựa gầy tong gầy teo và như vậy, những hoạt chất bổ dưỡng trong cơ thể chúng đã vơi đi ít nhiều.
Nếu nuôi chúng ở vườn xoài, dù có đủ thức ăn, có béo mập lên, thì giá trị dược liệu cũng không còn nhiều, vì vậy ông Trọng lại lang bạt khắp các vùng núi cao, núi thấp, núi gần, núi xa để tìm nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với con ngựa bạch Tây Tạng.
Sau nhiều ngày lang thang, ông cũng tìm được một cánh rừng thuộc huyện Yên Lập (Phú Thọ) đáp ứng đầy đủ yếu tố để con ngựa bạch Tây Tạng sinh trưởng, phát huy công dụng dược liệu.
Trong khu rừng này có vô vàn những loài thảo dược quý hiếm, bổ dưỡng mà bà con người Mường ở đây vẫn thu hái chế biến thành các bài thuốc quý.
Khi đó, huyện Yên Lập đã giao cho ông Trọng hỗ trợ nhân dân chăm sóc, quản lý 1.000ha rừng ở độ cao trên dưới 1.000m.
Những ngày làm việc với bà con nông dân ở huyện Yên Lập, là cơ duyên để ông Trọng gặp được sơn nữ Đinh Thị Bẩy, kém ông gần 60 tuổi, để rồi họ nên vợ, nên chồng, tạo ra mối tình vô cùng kỳ lạ.
Ông Trọng nuôi nhiều ngựa bạch ở Yên Lập |
Vua chúa Trung Quốc đã dùng cao ngựa bạch để chữa bệnh. Cao xương ngựa bạch là một loại thực phẩm giúp tăng cường bồi bổ cho mọi lứa tuổi. Nó giúp trẻ bổ sung canxi, mau lớn, tăng chiều cao, giúp ích cho phụ nữ cho con bú, tiền mãn kinh, giúp người cao tuổi chống loãng xương, đau khớp, vôi hoá cột sống, thoát đĩa đệm…
Tiết ngựa bạch giúp tăng cường hồng cầu, tăng sắt, bổ máu, tăng cường miễn dịch, điều trị nhiễm trùng máu… Óc giúp tăng cường tuần hoàn não, chống suy giảm trí nhớ. Gan giúp tăng cường chức năng gan. Dương vật ngựa bạch chữa liệt dương.
Những viên sỏi trong dạ dày ngựa bạch chữa co giật, điên cuồng, động kinh… Huyết thanh và phổi là "thần dược" trị rất nhiều loại bệnh…
Ngoài việc sử dụng vô vàn dược liệu quý, bí kíp để ông Trọng sung mãn đến tận bây giờ, đó là, ông đã ăn hết cả chục con… ngựa bạch Tây Tạng.
Ông Trọng sử dụng nhiều thực phẩm từ ngựa bạch |
Ông Trọng tiết lộ bí quyết sung mãn mãi mãi của mình: “Bí quyết để thành tiên sinh, để mãi sung mãn của tớ, là phải làm việc hết mình, không để trí óc nhàn rỗi mà sinh ra lười biếng và suy thoái.
Nhưng phải giữ tinh thần thoải mái, không kèn cựa, không thủ đoạn, không bao giờ phải đau khổ, luyến tiếc một thứ gì.
Thức uống hàng ngày của tớ là các loại thảo dược chế thành thực phẩm chức năng. Món ăn hàng ngày đều sạch tuyệt đối, đều là những thứ bổ dưỡng gan, thận.
Gan thận mạnh, thì tất cơ thể sẽ mạnh. Rượu uống cũng đều đậm đặc các vị thuốc quý.
Thực phẩm và thảo dược đều phải là những thứ tinh túy của trời đất, nó sửa chữa cơ thể từ gốc, giúp thể lực cường tráng một cách tự nhiên”.
Có thể nói, bí quyết chăm sóc sức khỏe của cụ ông Nguyễn Hữu Trọng, để trẻ khỏe, sung mãn, đủ sức ‘phục vụ’ vợ trẻ, dù đã ở tuổi 84, đáng để chúng ta học hỏi.
---
BỔ SUNG
1. Đầu năm 2019
10/02/2019 18:34 GMT+7
Gần 12 năm kết hôn, ông Trọng vẫn duy trì thói quen vào bếp giúp vợ nấu ăn hoặc rửa bát mỗi khi vợ bận.
12 năm kết hôn chưa bao giờ cãi vã
Chuyện tình của ông Nguyễn Hữu Trọng (sinh năm 1928) và người vợ trẻ Đinh Thị Thoan (sinh năm 1981) ở Yên Sơn (Ba Vì, Hà Nội) được đánh giá là câu chuyện tình kỳ lạ, “có một không hai” ở Việt Nam. Thời điểm làm đám cưới, ông Trọng đã bước sang tuổi 80 còn chị Thoan mới 28 tuổi.
Dù nhận không ít lời bàn tán, châm chọc vì chuyện tình “đũa lệch” thế nhưng cho đến nay, sau 12 năm kết hôn, ông Trọng và vợ vẫn chung sống hạnh phúc. Trái ngọt của cuộc hôn nhân đặc biệt này là hai bé Kim Phúc (11 tuổi) và Hữu Đức (8 tuổi) xinh xắn, thông minh.
Gia đình hạnh phúc của ông Trọng và người vợ trẻ kém 53 tuổi |
Vợ chồng ông Trọng hiện sống trong một căn nhà khang trang, bề thế ở Yên Sơn (Ba Vì). Hàng ngày, ông Trọng khám chữa bệnh Đông Y và điều hành trang trại hữu cơ cung cấp thực phẩm sạch ra thị trường. Ở tuổi 91, người đàn ông này trông vẫn trẻ trung, làn da trắng hồng, dáng đi khoan thai và giọng nói hào sảng.
Những ngày đầu năm Kỷ Hợi, căn nhà vợ chồng ông Trọng tấp nập khách vào ra, một phần là bệnh nhân đến chữa bệnh, một phần là những người bạn thơ đến chơi, chúc Tết.
Trong khi chồng bận rộn nói chuyện với bạn bè ở trên nhà, chị Thoan - người vợ trẻ của ông Trọng tất bật nấu nướng dưới bếp. Dù cách biệt tuổi tác, nhưng vợ chồng ông vẫn rất tình cảm, lãng mạn. Người đàn ông 91 tuổi thường xuyên dành cho vợ những cử chỉ ân cần, quan tâm.
Hơn 10 năm kết hôn, cặp vợ chồng lệch tuổi vẫn dành cho nhau sự quan tâm, lãng mạn như thuở đầu mới yêu |
Thỉnh thoảng, được bạn bè yêu cầu, ông Trọng lại nắm tay vợ dẫn lên nhà giới thiệu với khách quý. Cặp đôi lệch tuổi này không xưng hô với nhau là “anh - em” mà gọi nhau một cách yêu thương là: ba và mẹ bọn trẻ.
Hơn 10 năm kết hôn, ông Trọng hạnh phúc cho biết, vợ chồng ông chưa khi nào cãi vã, giận hờn nhau: “Chúng tôi tranh luận thì có chứ chưa bao giờ cãi vã. Tôi luôn nói với vợ, em hãy nghe anh nói 3 lần rồi hãy nói lại. Ngược lại, tôi là đàn ông nên luôn tự dặn lòng sẽ nghe vợ nói 5 lần, nếu không hợp lý thì mới nói lại. Chính vì luôn biết nhẫn nại, nhường nhịn nhau nên vợ chồng tôi ít khi to tiếng”, ông Trọng nói.
Mỗi ngày ông Trọng thường dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị công việc. Người vợ trẻ của ông phụ trách việc nấu nướng, đưa đón các con đi học. “Buổi sáng tôi dành 30 phút để tập thể dục, sau đó lên lịch công việc cho nhân viên thực hiện trong một ngày.
Ăn sáng xong, tôi bắt tay vào việc nghiên cứu thuốc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Còn buổi tối, bao giờ tôi cũng dành 1 tiếng để chơi và dạy con học. Trước khi đi ngủ, hai vợ chồng cũng sẽ dành thời gian tâm sự, nói chuyện với nhau để gắn kết tình cảm”, ông Trọng chia sẻ.
Vốn có tài đàn hát, thơ ca nên tất cả các môn năng khiếu ông Trọng đều tự mình kèm cặp, dạy dỗ các con |
"Tôi thường xuyên vào bếp rửa bát giúp vợ"
Gần 12 năm kết hôn, ông Trọng vẫn duy trì thói quen vào bếp giúp vợ nấu ăn hoặc rửa bát mỗi khi vợ bận. Ông thuộc từng sở thích ăn uống, khẩu vị mặn nhạt của người vợ trẻ. Với ông, giúp đỡ vợ việc nhà vừa là bổn phận vừa là trách nhiệm thể hiện sự quan tâm đến gia đình.
“Tôi vẫn thường xuyên vào bếp, rửa bát giúp vợ từ khi kết hôn cho đến nay. Chúng tôi chưa bao giờ phải đi ăn nhà hàng. Chỉ cần vợ và con nói, thích ăn món này, món kia là tôi sẽ tự vào bếp chế biến ngay”, ông Trọng nói.
Dù đã 91 tuổi nhưng ông Trọng trông vẫn trẻ trung, phong độ. Lúc rảnh rỗi ông thường vào bếp giúp vợ nấu ăn, rửa bát. |
Ngồi bên chồng, chị Thoan khá bẽn lẽn thỉnh thoảng lại nở nụ cười e lệ. Chị bảo, dù chênh nhau hàng chục tuổi nhưng chồng chị rất tâm lý, sống có trách nhiệm và đặc biệt vẫn lãng mạn.
“Bất cứ ngày lễ sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới chồng tôi đều nhớ. Khi thì anh ấy làm thơ, lúc thì lại làm vài món ăn tặng vợ. Có khi hai vợ chồng đang ngồi tâm sự, anh ấy cũng cao hứng nảy ra vài câu thơ “nịnh” vợ rất khéo”, chị Thoan vui vẻ nói.
Khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình ông Trọng
|
Biết vợ thích hoa, ông Trọng cũng dành một khoảng sân lớn để trồng hoa hồng và hàng trăm giò phong lan. Một năm 1-2 lần, cả gia đình lại tổ chức đi du lịch, nghỉ dưỡng để “hâm nóng tình cảm”.
Biết vợ thích hoa, ông Trọng cũng dành một khoảng sân lớn để trồng hoa hồng và hàng trăm giò phong lan.
|
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với chị Thoan là lần chị sinh bé thứ 2 tại bệnh viện Sơn Tây. Lần đó, chị sinh khó, vào viện 2 ngày mà vẫn chưa chuyển dạ. Thương vợ chịu đau, ông Trọng phóng xe máy ra chợ huyện mua lẵng hoa tươi về tặng vợ.
"Lần đó, chồng tôi vừa về đến bệnh viện là tôi sinh con, bác sỹ yêu cầu chồng tôi bế vợ về phòng. Lúc đó tôi sợ lắm, vừa sinh xong tôi nặng gần 60kg, nghĩ thầm làm sao mà anh ấy bế nổi. Chồng tôi lúc đó ghé tai vợ động viên bảo tôi yên tâm, nắm chặt vào cổ áo mình. Anh bế phốc tôi về phòng, trong sự vỗ tay cổ vũ nhiệt tình của bác sỹ và các bệnh nhân", chị Thoan cười nhớ lại.
Cả hai lần sinh con ở cữ, chị Thoan đều được chồng chăm sóc chu đáo từng miếng ăn, giấc ngủ. "Anh ấy rất chu đáo, quan tâm. Động viên vợ từng chút một, có thuốc gì tốt cũng kê cho vợ dùng. Chính vì thế, cả hai lần sinh nở của tôi đều rất nhẹ nhàng, không đau đớn nhiều", chị Thoan kể.
Chia sẻ về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, chị Thoan cười cho hay mình chẳng có bí quyết gì cao siêu tất cả chỉ là sự nhường nhịn, thấu hiểu lẫn nhau. “Vợ chồng ai cũng có lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Với gia đình tôi, khi chồng nóng thì vợ nhịn, ngược lại lúc vợ giận thì chồng làm hòa. Chuyện to coi như nhỏ, nhỏ coi như không có gì”, chị Thoan nói.
Hàng ngày, ngoài phụ giúp chồng công việc kinh doanh, chị Thoan còn luôn chú ý đến sức khỏe của chồng. Chị cũng luôn chủ động để giữ hòa khí gia đình được vui vẻ. “Muốn anh ấy sống lâu với ba mẹ con, tôi không muốn anh ấy phải suy nghĩ hay tức giận chuyện gì”, chị tâm sự.
Trước khi kết hôn với chị Thoan, ông Trọng từng trải qua 3 cuộc hôn nhân đổ vỡ. Ở tuổi 80, ông Trọng đã định “đóng cửa trái tim”, sống độc thân đến hết phần đời còn lại. Tuy nhiên, năm 2007 cuộc gặp gỡ định mệnh với người vợ thứ 4 khiến ông quyết định đi đến quyết định kết hôn chóng vánh chỉ trong một thời gian ngắn.
Thời điểm đó, đám cưới của ông Trọng và người vợ trẻ kém 53 tuổi từng gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Nhiều người bảo ông khoe mẽ, cũng có người bảo ông lợi dụng việc lấy vợ để “PR” cho công việc kinh doanh. Thậm chí, một thời gian dài sau đó, vẫn có nhiều đoàn khách ở xa tìm đến tận nhà ông Trọng chỉ để kiểm chứng câu chuyện tình cảm của ông lão 80 tuổi và người vợ trẻ là có thật.
Vượt qua những lời đàm tiếu của dư luận, cho đến nay hai vợ chồng ông Trọng vẫn chung sống hạnh phúc, chứng minh tình yêu cổ tích trên đời là có thật.
Kết bất ngờ của vợ chồng nữ đại gia 'chân đất' Hải Dương
Sau lần ghen tuông vô cớ của chồng, nữ đại gia Hải Dương đệ đơn ly hôn. Vụ án kéo dài gần một năm vì ...
Theo Dân trí
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/bi-quyet-giu-gin-hanh-phuc-cua-cap-vo-chong-cach-nhau-53-tuoi-507211.html
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.