Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/12/2021

Cập nhật câu chuyện "phủ nào là Phủ Chính" ở khu vực Phủ Giày (Nam Định)

Câu chuyện "phủ chính" đã kéo dài nhiều năm nay (xem lại ở đâyở đây).

Vào cuối năm 2021, câu chuyện này vẫn tiếp diễn chưa có hồi kết.

Mở đầu là một bài báo của cây bút Hoàng Long trên Tiền Phong. Tiếp theo đó là các tư liệu cũ mà thủ nhang ở các ngôi phủ lớn tại Phủ Giày (phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát) đưa lên Fb.

Tư liệu đưa lên dần.

Tháng 12 năm 2021,

Giao Blog



---



"Ngày 28.1.2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ra quyết định số 488/QĐ-BVHTTDL sửa tên gọi di tích tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Nam Định) tại Phụ lục của quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21.2.1975 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) về việc xếp hạng di tích lịch sử và văn hóa Đợt 4, thành Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (gồm Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh)."












---


Phủ Tiên Hương, nơi được Cục Di sản ra văn bản cho phép treo biển tên di tích khác với tên do Bộ VH-TT&DL đặt

Ảnh: Hoàng Long


TP - Việc quản lý khu di tích quốc gia Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) còn nhiều bất cập, một số thủ nhang không chấp hành quy chế quản lý nhà nước. Mới đây, Cục Di sản văn hoá lại có văn bản cho phép gọi một di tích thuộc quần thể di tích quốc gia này bằng tên “Phủ Chính Tiên Hương” khiến tình hình tại đây càng thêm bất ổn.

Đi “đường tắt”?

Làm việc với Tiền Phong, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) Nguyễn Khắc Xung xác nhận, cách xuất hiện và nội dung của công văn số 821/DSVH-DT của Cục Di sản văn hoá khiến chính quyền địa phương bất ngờ, rơi vào thế “không biết đường nào mà đỡ”.

Cụ thể, ông Nguyễn Khắc Xung cho biết, ngày 8/9/2021, UBND huyện Vụ Bản nhận được đơn của bà Trần Thị Huệ, thủ nhang Phủ Tiên Hương (một di tích thuộc khu di tích quốc gia Phủ Dầy) đề nghị cho phép được treo biển tên di tích là Phủ Chính Tiên Hương.

Ngày 20/9, đại diện UBND huyện Vụ Bản và lãnh đạo xã Kim Thái làm việc với thủ nhang Phủ Tiên Hương về nội dung đơn này và yêu cầu treo biển phải giữ nguyên tên gọi di tích là Phủ Tiên Hương vì trước đó, tại khu vực Phủ Dầy xuất hiện nhiều ý kiến, thậm chí xảy ra bất đồng sâu sắc về tên gọi di tích khiến chính quyền phải yêu cầu tháo biển tên di tích và đề nghị Bộ VH-TT&DL vào cuộc. Đến ngày 28/1/2021, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định số 488/QĐ-BVHTTDL về việc sửa đổi, đặt tên gọi di tích này là Phủ Tiên Hương.

Điều bất ngờ là đến ngày 13/10, cũng trong một cuộc họp giữa chính quyền địa phương với bà Trần Thị Huệ với nội dung tương tự là yêu cầu thủ nhang Phủ Tiên Hương treo biển đúng với tên di tích đã được Bộ VH-TT&DL quyết định, thủ nhang này đã đưa ra một văn bản do Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền ký trước đó 2 ngày (11/10/2021-pv). Nội dung văn bản này đồng ý cho thủ nhang Phủ Tiên Hương treo biển tên là “Phủ Chính Tiên Hương”.

“Chính quyền huyện Vụ Bản rất bất ngờ với sự xuất hiện của văn bản số 812/DSVH-DT này. Càng bất ngờ hơn khi trong phần nơi gửi của văn bản không có UBND huyện Vụ Bản là cơ quan được UBND tỉnh Nam Định phân cấp, giao quyền trực tiếp quản lý khu di tích Phủ Dầy. Phải hơn một tuần sau, chúng tôi mới chính thức được nhận văn bản này, cũng không phải do Cục Di sản gửi mà do Sở VH-TT&DL Nam Định nhận được, thấy có liên quan nên chuyển tiếp để huyện biết”, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản bức xúc.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định xác nhận, trước khi nhận được văn bản số 812 của Cục di sản, Sở này không tiếp nhận bất kỳ văn bản hay ý kiến nào từ phía Cục Di sản về nội dung như đề cập trong văn bản.

Chính quyền huyện Vụ Bản vốn đã không đồng tình vì cách đến của văn bản, nay càng bức xúc hơn về nội dung của văn bản.

“Vì bất đồng ý kiến về tên gọi di tích nên huyện, tỉnh phải trình Bộ VH-TT&DL can thiệp, đặt tên. Trong quyết định đặt tên di tích số 488 ngày 28/1/2021 của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL còn nêu rõ “Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa”. Chúng tôi không hiểu vì lý do gì Cục Di sản sau đó lại ra văn bản số 812 cho phép một di tích treo biển với tên gọi khác khiến người dân ở khu vực di tích xôn xao, cho rằng chính quyền bất nhất”,Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản nói.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Xung, dù tiếp nhận văn bản 812 một cách “gián tiếp” như vậy, nhưng UBND huyện Vụ Bản đã chính thức có công văn gửi Cục Di sản văn hoá đề nghị điều chỉnh lại nội dung văn bản này theo hướng tuân thủ quyết định 488 của Bộ VH-TT&DL để ổn định tình hình địa phương.

“Huyện gửi công văn từ ngày 5/11, đến nay chưa thấy Cục Di sản phản hồi gì”, ông Xung thông tin thêm.

Trong khi chính quyền huyện Vụ Bản chưa biết xử lý với tình huống “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược này ” ra sao thì sự xáo trộn trong dân chúng địa phương xã Kim Thái, nơi có quần thể di tích Phủ Dầy đang là một thực tế.

Ông Trần Nhung (93 tuổi), một bậc cao niên ở xã Kim Thái cho biết: Suốt từ năm 1999 đến nay, việc treo biển di tích mỗi nơi một phách, treo lên dỡ xuống nhiều lần, nhất là ở 3 đền phủ lớn là Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu Liễu Hạnh khiến người dân địa phương bất bình. Di tích là của cộng đồng chứ không phải của các thủ nhang mà tuỳ ý làm gì thì làm. Đến đầu năm nay, mọi việc tưởng yên khi Bộ VH-TT&DL có văn bản đặt tên gọi cho 3 di tích này thì đùng một cái, lại có văn bản mới của Cục Di sản cho phép Phủ Tiên Hương được treo biển với tên khác. Đám người già chúng tôi đã họp nhau, muốn lên tận Cục Di sản hỏi vì sao lại ra văn bản kiểu gây mất đoàn kết như thế.

Ông Trần Văn Cường, thủ nhang Phủ Vân Cát bức xúc: “Phủ Vân Cát trước đây cũng treo biển “Phủ Chính Vân Cát”. Tuy nhiên, theo yêu cầu của chính quyền, chúng tôi đã tham gia ký kết, thực hiện quy chế quản lý di tích và tiến hành tháo biển “Phủ Chính Vân Cát", treo biển tên di tích theo quyết định của Bộ VH-TT&DL. Tôi nghĩ văn bản này của Cục Di sản Văn hoá sẽ mở đường cho các di tích tuỳ tiện làm theo ý muốn, phá hủy quy chế, tất yếu sẽ dẫn đến phá hoại di tích”.

Quần thể di tích quốc gia Phủ Dầy gồm 18 di tích đền, phủ, chùa, lăng, được xem là nơi gắn liền với thần tích giáng thế của Mẫu Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử của dân tộc Việt, đồng thời cũng là một trong những trung tâm của tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ. Năm 2016, UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội Phủ Dầy vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm được đánh giá là một trong 10 lễ hội đầu năm độc đáo tại Việt Nam.


Hoàng Long

https://tienphong.vn/di-tich-quoc-gia-phu-day-bat-thuong-van-ban-trong-danh-xuoi-ken-thoi-nguoc-post1401958.tpo

..


----

CẬP NHẬT


2. Ngày 30/12/2021



(PLM) - Vừa qua, báo Pháp luật Việt Nam nhận nhận được đơn thư kiến nghị của bà Trần Thị Huệ - là thủ nhang Phủ Tiên Hương thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Phủ Dầy thuộc thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Theo đơn kiến nghị bà Huệ cho biết, từ tháng 8/2021, ba có làm đơn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết nguyện vọng của bà là được treo biển tên di tích Phủ Chính Tiên Hương.


Lã Vinh - Đình Hưng

 

https://baophapluat.vn/media/nam-dinh-can-tra-lai-ten-cho-phu-chinh-tien-huong-trong-quan-the-di-tich-tai-phu-day-post7520.html




1. Ngày 19/12/2021


📖
Bản Thống kê Di tích Kiến trúc được lập ngày 06/08/1962 được Ty Văn Hoá cùng uỷ Ban Hành Chính xã Kim Thái thực hiện có mô tả:
“Phủ Chính (còn gọi là Phủ Giày) tại thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Hàng năm cứ đến ngày 1 cho đến ngày 10 tháng 3 có hội chính, ngày mùng 2 và mùng 6 thì có lễ rước, ngày mùng 3 có quốc tế, ngày mùng 7,8,9 có tục kéo chữ của 11 tổng trong huyện.
Ngoài ra ngày 6 tháng Giêng cũng có rước và ngày 8 thì mở hội chợ, gọi là chợ Phủ Giày hay còn gọi là chợ Viềng.
Phủ Chính có từ đời Lê đến năm Tự Đức thập cửu niên được sửa sang to thêm cho đến năm Duy Tân bát niên lại được mở mang to thêm nữa (tất cả theo ngọc phả và văn bia trong phủ). Phủ được xây theo kiểu chữ tam, bên ngoài 7 gian, sâu 3 gian, ở giữa 3 gian, trong 3 gian. Bên ngoài có một nhà phương du 3 gian 8 mái, 2 nhà gác chuông và gác chống, cũng 3 gian 8 mái.
Một hồ bán nguyệt xây bằng đá, có 22 gian nhà lầu, nhà khách, hành lang nói chung.
🎀
Có 14 văn bia:
• 1 bia năm Minh mệnh thập ngũ niên;
• 1 bia năm Minh Mệnh thập cửu niên
• 4 bia năm Duy Tân bát niên,
• 1 bia năm Tự Đức nhị thập niên
• 1 bia năm Tự Đức thập cửu niên
• 1 bia năm Thành Thái tứ niên
• 1 bia năm Bảo Đại ngũ niên
• 1 bia năm Khải Định thập niên
• 2 bia không rõ niên hiệu.
🎀
Có 3 quả chuông:
• 1 quả năm Thành Thái bát niên cao 50 cm
• 1 quả Tự Đức nhị thập niên cao 50 cm
• 1 quả cao 30cm không rõ niên hiệu.
🎀
Có 1 quả trống đồng niện hiệu Thành thái Nhâm Thìn.
🎀
Phủ Chính có 31 đạo sắc phong:
• 4 đạo sắc phong năm Khải Định cửu niên
• 2 đạo sắc phong năm Khải Định nhị niên
• 2 đạo sắc phong không rõ niên hiệu do bị cũ sách
• 1 đạo sắc phong năm Duy Tân tam niên
• 2 đạo sắc phong năm Minh Mệnh nhị niên
• 3 đạo sắc phong năm Chiêu Thống nguyên niên
• 4 đạo sắc phong năm Thiệu Trị tứ niên
• 5 đạo sắc phong năm Tự Đức tam niên
• 2 đạo sắc phong năm Cảnh Thịnh nhị niên
• 2 đạo sắc phong năm Chính Hòa tứ niên
• 1 đạo sắc phong năm Cảnh Hưng nguyên niên
• 1 đạo năm Cảnh Hưng tứ thập niên
• 1 đạo năm Vĩnh Khánh nhị niên.
• 1 đạo năm Chính Hòa in rồng hình đuôi rắn căn cứ theo văn bia thì sắc in rồng kiểu đời Lê.
Trải qua mấy chục năm do ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh vệ quốc, một số đã bị thất lạc mất mát đến nay còn 15 đạo đang lưu giữ bảo quản tại Phủ Chính
🎀
Có 2 quả chiêng bằng đồng:
• 1 quả năm Duy Tân Ất mặc niên
• 1 quả không có niên hiệu








https://www.facebook.com/phuday.vn/posts/2495947687202198


..



---

BỔ SUNG


2.

Lại chuyện biển tên di tích ở Phủ Dầy

Thứ Tư 27/10/2021 | 11:21 GMT+7
vho- Cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Trung ương và Nam Định nhận được đơn đề nghị của thủ nhang Phủ Tiên Hương thuộc quần thể di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) “tha thiết được treo biển tên di tích Phủ Tiên Hương thành Phủ chính Tiên Hương”.

 Tiến hành tháo dỡ biển tên tại Phủ Tiên Hương năm 2019


Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cũng mới có văn bản trả lời theo đó cơ bản thống nhất với đề nghị, tuy nhiên chính quyền địa phương lại muốn văn bản của cấp có thẩm quyền cao hơn mới tiến hành xem xét...

Vậy là chuyện dựng biển tên di tích ở quần thể Phủ Dầy lại được bàn tán, xem như vẫn chưa có hồi kết. Còn nhớ, cách đây hai năm du khách thập phương và người dân sở tại phản ứng vì ở quần thể di tích nổi tiếng này thủ nhang ở nhiều phủ đã tự ý dựng biển gắn liền với tên gọi “Phủ chính”. Thời điểm đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã phải vào cuộc, đồng thời yêu cầu thủ nhang của những phủ đó phải tháo dỡ biển có đi kèm chữ “Phủ chính”. Ngay sau đó các phủ đã chủ động tháo dỡ biển tên di tích. Ngày 28.1.2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ra quyết định số 488/QĐ-BVHTTDL sửa tên gọi di tích tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Nam Định) tại Phụ lục của quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21.2.1975 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) về việc xếp hạng di tích lịch sử và văn hóa Đợt 4, thành Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (gồm Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh).

Căn cứ quyết định của Bộ VHTTDL và Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, thủ nhang Phủ Tiên Hương cho rằng việc đặt biển hiệu tên gọi Phủ chính Tiên Hương là hoàn toàn phù hợp với tài liệu lịch sử và quy định của pháp luật. Qua tìm hiểu được biết, cụm từ “Phủ chính” và “Phủ chính Tiên Hương” xuất hiện lần đầu vào năm 1892 trên văn bia “Tiến cúng điền bia”, soạn khắc vào niên hiệu vua Thành Thái 4 (1892) hiện đang lưu giữ tại nhà bia Phủ Tiên Hương. Cuốn lý lịch di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy của Ban quản lý và danh thắng thuộc Sở VHTTDL Nam Định cũng ghi: “Theo các nguồn tư liệu khoa học và tâm thức dân gian, Phủ Tiên Hương còn có tên gọi khác là Phủ chính và Phủ chính Tiên Hương. Ngoài ra hiện còn nhiều bia ký, hiện vật, cổ vật đang lưu giữ, bảo quản tại Phủ Tiên Hương cũng thể hiện rõ nơi đây là Phủ chính...

Trên cơ sở xem xét đơn đề nghị của thủ nhang Phủ Tiên Hương, Cục Di sản văn hóa đã có văn bản số 812/DSVH-DT gửi Sở VHTTDL Nam Định, trong đó cho biết, “Cục Di sản văn hóa cơ bản thống nhất với đề nghị của bà Trần Thị Huệ về việc treo biển tên di tích là “Phủ chính Tiên Hương”. Đồng thời đề nghị Sở VHTTDL Nam Định chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, giám sát việc treo biển tại vị trí phù hợp (tại Phủ Tiên Hương), tại biển chỉ dẫn đường đến di tích), đảm bảo trang trọng và đúng theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, có ghi chú rõ ràng đối với tên gọi di tích. Những tưởng bằng sự hướng dẫn cụ thể, rõ ràng của Cục Di sản văn hóa, cơ quan của Bộ VHTTDL có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản văn hóa, được Bộ trưởng giao trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phạm vi cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương sẽ tạo điều kiện cho thủ nhang Phủ Tiên Hương lắp dựng biển di tích. Nhưng việc này vẫn chưa thể thực hiện được vì chính quyền địa phương yêu cầu phải chờ những văn bản khác của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Trong thời gian chờ văn bản khác thủ nhang Phủ Tiên Hương vẫn phải giữ nguyên “hiện trạng”.

Để câu chuyện biển tên di tích trong quần thể di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy không trở thành vấn đề gây nên sự bức xúc trong dư luận, thiết nghĩ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp theo hướng cùng với cấp có thẩm quyền tiến hành hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu nhằm định danh một cách đầy đủ của từng Phủ. 

 LÂM SƠN

http://baovanhoa.vn/tin-tuc-noi-bat/artmid/2148/articleid/46724/lai-chuyen-bien-ten-di-tich-o-phu-day


1. Ngày 8/4/2021

Thủ nhang Phủ Dầy Vân Cát kính báo quý khách thập phương về tình hình tổ chức lễ hội Phủ Dầy năm Tân Sửu (2021) như sau:
Như thường lệ, hàng năm vào tháng 3 âm lịch tiệc ĐỨC THÁNH MẪU diễn ra các hoạt động trong lễ hội như sau :
🔹
Mồng 3/3 âm lịch đón quyết định của ban tổ chức lễ hội PHỦ DẦY tại sân vận động UBND xã kim thái. Sau đó, cung nghênh quyết định mở lễ hội về di tích. Tiếp theo, ban tổ chức, các ban ngành cùng đoàn thể, các chức sắc trong dân thôn bản hạt và khách thập phương dâng hương tế lễ , gắn liền cùng ngày HÓA NHẬT CỦA THÁNH MẪU.
🔹
Mồng 5/3 âm lịch tại PHỦ VÂN CÁT , làm lễ cung nghênh rước Mẫu thỉnh kinh (có nghĩa là rước Mẫu lên chùa xin Kinh Phật về để tụng cầu xin cho quốc thái dân an) .
🔹
Mồng 6/3 âm lịch tại PHỦ TIÊN HƯƠNG , làm lễ rước MẪU thỉnh kinh giống như ở PHỦ VÂN CÁT làm trước đó vào mùng 5/3 âm lịch.
🔹
Mồng 7 /3 âm lịch tại PHỦ VÂN CÁT diễn ra buổi lễ xếp chữ: (tuyển chọn 500 tráng sĩ mặc đồng phục theo truyền thống và tay cầm gậy trượng kết hoa xếp thành các bộ chữ theo sự hướng dẫn của ban tổ chức lễ hội gồm các bộ chữ tạ ơn Mẫu như sau :
1: MẪU NGHI THIÊN HẠ
2: QUỐC THÁI DÂN AN
3: THIÊN HẠ THÁI BÌNH
🔹
Mồng 8 /3 âm lịch tại PHỦ TIÊN HƯƠNG cũng diễn ra buổi xếp chữ giống như tại di tích phủ VÂN CÁT làm trước đó ngày mồng 7/3 âm lịch .
Nhưng do diễn biến phức tạp của COVID -19 , 2 năm nay ban tổ chức lễ hội Phủ Dầy đã ngừng các hoạt động tổ chức lễ hội như trên. Tuy nhiên, tại Phủ Vân Cát các hoạt động, nghi thức tâm linh lễ bái vẫn được diễn ra.
Kính đề nghị quý khách thập phương khi đến lễ Mẫu cần thực hiện đúng và đầy đủ quy tắc 5K đã được Bộ Y tế khuyến cáo để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cả cộng đồng.
Nhà đền kính báo để quý khách thập phương biết cũng như kính mong mọi người đến quý phủ để bái yết Mẫu.
Xin chân thành cảm ơn!




https://www.facebook.com/phudayvancat/posts/3603223863119359

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.