Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/12/2021

Văn nghệ Thứ Bảy : một thời Búp Trên Cành của các nhà văn nhí Thái Bình (nhớ và viết lại)

Gần đây nhất, là một bài báo cuối năm 2021 về người sáng lập ra trại hè viết văn Búp Trên Cành ở Thái Bình vào thập niên 1970 - nhà văn Bút Ngữ (xem ở đây).

1. Búp Trên Cành là tên của tập san văn học thiếu nhi Thái Bình mà cơ quan chủ quản là Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình (gọi tắt là "Hội Văn nghệ Thái Bình"), duy trì trong nhiều năm (1970s-1990s). Tập san này đăng tải những bài văn bài thơ do các "nhà văn nhí" viết trong trại hè viết văn được tổ chức bởi Hội Văn nghệ Thái Bình, mà người đứng đầu là nhà văn Bút Ngữ, cùng sự tham gia giảng dạy và hướng dẫn trực tiếp của nhiều nhà văn - nhà thơ - nhà nghiên cứu trong tỉnh và toàn quốc (Tô Hoài, Phạm Đình Hổ, Bút Ngữ, Phạm Đức Duật, Bùi Công Bính, Lê Bính, Kim Chuông, Đức Hậu, Đỗ Vĩnh Bảo,...). 

Mỗi năm có một trại hè. Mỗi năm có một số Búp Trên Cành.

2. Gần đây, trong lần tới nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cuối năm 2019, tôi đã gặp lại người thầy cũ là nhà nghiên cứu Phạm Đức Duật (xem lại ở đây). Lễ trao giải thưởng nghiên cứu sưu tầm của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam thường niên vốn được làm kết hợp với lễ mừng thọ dành cho các hội viên cao tuổi. Hôm đó, thầy Duật tới để nhận chúc thọ tuổi 80. Thầy đã yếu, nên con gái Phạm Vân Dung (hiện là giảng viên Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa thầy tới. Thầy được mời lên phát biểu đại diện cho các hội viên được mừng thọ, con gái phải dìu và đứng bên cạnh.

Hôm đó, được mời phát biểu khi nhận giải, tôi đã chào thầy và nhắc lại kỉ niệm ngày xưa thầy dạy chúng tôi ở thuở lên mười. Thầy không dạy cách viết văn viết thơ, mà dạy chúng tôi về nét đẹp của ca dao dân ca Việt Nam và cách sưu tập văn học dân gian. Đây là điểm độc đáo của thầy, mà từ ngày đó, tôi đã thực sự thích thú. 

Thầy Phạm Đức Duật nhận chúc thọ 80 vào cuối năm 2019
(thầy là người mặc véc đứng thứ hai từ phải qua, nguồn ảnh ở đây)

Có những câu những bài ca dao mà tôi biết đầu tiên là từ những buổi nói chuyện đó của thầy Phạm Đức Duật, mà đến nay, sau tới hơn 30 năm vẫn nhớ và đôi khi bất giác đọc lên một cách thích thú trong vô thức. Một trong số đó là bài: 

"Em là con gái chính chuyên,

Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè,

Ông Nghè sai lính ra ve,..."

Đôi khi, tôi đọc một cách bất giác, làm cho bọn trẻ trong nhà cũng bắt chước đọc theo ! 

3. Hồi đó, tôi đã thích công việc sưu tầm nghiên cứu, nên rất muốn được nói chuyện thêm với thầy Phạm Đức Duật. Những khi có điều kiện, tôi thường vào phòng làm việc của ông trong khuôn viên Hội Văn nghệ Thái Bình. Ông từng ghi lưu bút vào sổ lưu niệm ngày đó của tôi, rồi một lần ông tặng tôi một tập sách mà đến nay tôi vẫn trân trọng giữ trên giá sách - đó là cuốn Thơ chữ Hán Lê Quí Đôn (bản dịch của Đào Phương Bình). Một mùa hè nào đó của những năm cuối thập niên 1980 khi mà tôi đã vào học trường chuyên tỉnh. Có thể đó là quà mà ông tặng cho học trò thi đỗ trường chuyên.

4. Năm 1988 thì tôi nhận giải thưởng của cuộc thi viết thư do UPU tổ chức, lần đầu gặp mặt nhà văn Tô Hoài tại khuôn viện Thư viện Tổng hợp Thái Bình, đã kể ở đây (năm 2021) hay ở đây (năm 2013)

Tôi còn tham gia trại hè đến lúc chuẩn bị đi thi đại học, tức là năm 1989-1990 ! Năm cuối cùng đó, tôi được thầy Bút Ngữ chỉ định làm lớp trưởng, vì cậu bé đàn em ngày trước đã thành ra lớn tuổi nhất. Tôi phải chạy đi chạy lại giữa trường chuyên và Hội Văn nghệ Thái Bình, buổi trưa thì thường phải đưa các đàn em đi ăn cơm ở ngoài cửa hàng mậu dịch (chỗ cửa hàng cơm ấy giờ đã thành khu căn hộ cao cấp của Vingoup rồi). 

Thời gian đó, tôi cũng hay vào phòng thầy Phạm Đức Duật hỏi về chữ Hán hay văn học cổ Việt Nam. Người con trai của thầy thì thi thoảng chạy qua kí túc xá chơi với tôi. Cậu ấy kém tôi một tuổi, nên học sau một lớp. Khu kí túc xá dành cho khối chuyên tỉnh lúc đó ở gần chợ Bo, có cái vòi nước máy mà vào mùa hè thì ông em ấy ghé chơi thường tranh thủ gội đầu (ông em bảo: em gội ù một cái cho mát anh ạ).

5. Chắc có ít người trong các lứa Búp Trên Cành ở Thái Bình nhớ đến thầy Duật, cũng có thể là thầy không thường xuyên nói chuyện với các lứa (năm có năm không). Bởi vậy, tôi phác mấy nét về thầy như trên. Viết kĩ hơn về ông với tư cách một nhà khảo cứu về văn học viết và văn học dân gian ở Thái Bình  thì để dành cho một dịp khác.

Về những người thầy khác, thì chủ nhân Giao Blog đã viết, hoặc đăng lại bài viết của các anh chị em trong gia đình Búp Trên Cành. Ví dụ, các bài của chị Bùi Thị Biên Linh (tức Bùi Thị Sóng Biển) thì xem ở đây hay ở đây.

Bây giờ, ở dưới đây sẽ dành cho sưu tập những bài dạng "nhớ và viết lại" của gia đình Búp Trên Cành về những người thầy ngày xưa. Mở đầu là một bài viết của chị Trần Thị Vân Hương trên website Nhà Búp (bài viết vào tháng 6 năm 2019, đăng lên trang vào đầu năm 2020; tôi là thế hệ sau nên không biết chị Vân Hương). Các bài khác sẽ dán dần lên ở dưới đó.

Tháng 12 năm 2021,

Giao Blog


---

Nhớ mãi một thời đã qua

Thứ bảy - 22/02/2020 23:22




Bây giờ đang là tháng Sáu, hoa phượng nở đỏ rực những góc phố và trải thảm hồng trên các con đường thân quen. Bất chợt tôi nhớ về mùa hè năm ấy…

Ngày ấy, hơn 40 năm trước, chúng tôi tuổi còn rất trẻ, khăn quàng đỏ thắm trên vai đã tụ lại bên nhau trong Trại sáng tác hè của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình. Cái duyên đến với văn thơ của tôi bắt đầu từ nơi ấy.

Tôi nhớ mãi ngày đầu vào lớp viết, cũng là ngày hè tháng Sáu nắng nóng, nhưng con đường dẫn tôi đến lớp học rợp bóng hàng cây. Đón chúng tôi là bác Bút Ngữ, Phó Chủ tịch Hội và các chú Lê Bính, Kim Chuông, những nhà thơ, nhà văn của Hội; ai cũng gần gũi vui vẻ.

Lần đầu sống tập thể thật bỡ ngỡ nhưng tôi đã nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống đầm ấm nơi đây và dần dần yêu mến nó. Ngày đó, tôi ở ngoại trú, nhưng tối đến tôi vẫn vào khu nội trú ngủ cùng các bạn. Trời nóng, giường chật, nhưng chúng tôi cứ vui đùa rúc rích đến tận khuya.

Văn vẻ. Cái lớp văn thơ thật lắm vẻ. Bạn Huyền có đôi mắt nâu mơ màng. Thu Huê lúc nào trán cũng đầy rôm. Mai Hương trầm tư. Còn tôi bé nhỏ, lém lỉnh được đặt biêt danh là “nhòn”.



Người bạn mà tôi yêu mến nhất trong lớp là Sóng Biển, bạn ấy mập mập, mạnh mẽ rất hay cười.
Đêm hè nóng nực, cả phòng chỉ có một cái quạt trần, người ai cũng đẫm mồ hôi. Nhưng tôi vẫn cứ đòi ngủ với bạn ấy, phần vì tôi rất... sợ ma.. Còn nữa tôi thích gác chân nữa… Hihi, xấu tính vậy đó.

Ngày Biển theo gia đình vào Nam sinh sống, tôi buồn vơ vẩn mãi. Nhiều năm sau trại hè vắng bóng bạn ấy nhưng nụ cười rạng rỡ và những câu văn bạn ấy viết thì chẳng ai quên, như “Cây bồ kết” bạn ấy “trồng” vẫn đơm hoa và kết trái trong nỗi nhớ của tôi.

Người ta thường nói: khi có tuổi hay nghĩ về quá khứ, về tuổi thơ, về bạn bè.., có lẽ cũng đúng.
Ngày ấy chúng tôi thường được các bác, các chú trong Hội cho đi tham quan thực tế: thăm Lăng Bác, thăm Ao cá Bác Hồ,, Làng vườn Thuận Vi, Quỳnh Trang mùa lúa chín, Biển Hạ Long... Mỗi chuyến đi đều để lại nhiều cảm xúc lắng đọng. Để rồi những bài thơ, bài văn đã ra đời. Tôi nhớ mãi chuyến đi đầu tiên ra Hà Nội. Ngày ấy, tôi hay say xe lắm. Cứ nhìn thấy xe là chỉ muốn khóc, người nôn nao. Trên đường đi Hà Nội, tôi nằm, mệt lả đi, đầu gối lên đùi chú Lê Bính. Do say xe nên tôi nôn hết ra quần áo chú… Eo ui, giờ nghĩ lại, vẫn thấy sợ. Chú bảo: Nôn ra cho nó nhẹ người cháu ạ.

Là chủ nhiệm lớp, quản lý một lũ lau nhau nên chú Chuông và chú Bính rất vất vả. Các chú luôn phải lo cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, từng viên thuốc... trong suốt khoảng thời gian chúng tôi ở trại viết xa nhà.

Bẵng đi một thời gian dài không gặp, môt ngày cuối năm, tôi nghe tin chú Bính bệnh nặng. Vào thăm chú, thấy chú gầy yếu, nhưng nụ cười vẫn thế hồn hậu và đầy lạc quan.

Sau bao năm gặp lại, câu đầu tiên chú nói với tôi: A! Hương “nhòn” đấy à, học trò của tôi đây.. Rồi chú kể chuyện, ngâm thơ… Tôi không ngờ được là cái biệt danh ấy của tôi mà chú vẫn nhớ đến tận bây giờ. Nhìn chú bệnh trọng, lòng tôi đau thắt. Tôi hiểu rằng ngày chú ra đi không còn bao lâu.

Rất nhiều ngày sau khi chú mất tôi vẫn cứ nhớ về chú với những kỷ niệm cùng lớp Búp chúng tôi. Nhớ nhất là kỷ niệm về đêm trăng ở Quỳnh Trang, chú dẫn chúng tôi ra sân kho hợp tác, đường đi len lỏi qua bờ tre, khóm chuối.Vừa đi, chú vừa kể chuyện. Chú bảo nói chuyện như thế để mình khỏi sợ tối.
 
Một người thầy mà chúng tôi rất quý trọng, nhà thơ Kim Chuông đã gắn kết chúng tôi trở về ngôi nhà văn chương ấy. Chú vẫn như xưa, tận tình chu đáo.. khiến chúng tôi rất cảm động. 
Nhưng tôi biết là tôi đã lỗi hẹn với chú, với Nhà Búp mà tôi yêu quý.. 

Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả, kẻ Nam, người Bắc, người vượt cả đại dương xa xôi. Nhưng trong lòng chúng tôi vẫn mãi nhớ về nơi ấy, về ngôi nhà thân thương đầm ấm nơi tuổi thơ từng gắn bó, những ngày hè đầy lưu luyến. Từ trong sâu thẳm lòng mình, niềm yêu thích văn thơ đã giúp chúng tôi tìm lại nhau, tìm lại tuổi thơ đã từng gắn bó và tụ hội như một cơ duyên.
 
Các Búp trên cành ngày ấy giờ đã vào tuổi tri thiên mệnh, thành ông bà nội, ngoại với mái tóc đã pha sương, với những dấu vết thời gian đã in hằn trên trán. Nhưng chúng tôi biết, trong sâu thẳm tâm hồn mình, chúng tôi vẫn là Búp trên cành: Búp Na, Búp Chè, Búp Ổi, Búp Dứa.... như ngày xưa. Búp trên cành giờ đây vào mùa hoa nở!

Hôm nay cũng ngày hè. tháng 6 như hơn 40 năm trước. Kỷ niệm về Búp trên cành, về Nhà Búp khiến tôi rưng rưng, nao nao khó tả. Sao nhớ thế… Cứ nhớ mãi… một thời đã qua..
 
Tháng 6/2019
Trần Thị Vân Hương

http://nhabup.vn/news/the-ky/nho-mai-mot-thoi-da-qua-188.html


..

CHÚC MỪNG SINH NHẬT NHÀ BÚP!

Thứ ba - 10/11/2020 22:18

Tháng 11/2020 này, trang mạng văn chương NHÀ BÚP (nhabup.vn) đón sinh nhật lần thứ nhất. 


Một năm qua, Nhà Búp đã giới thiệu tới độc giả hơn 2000 tác phẩm văn học nghệ thuật của gần 100 tác giả với những thể loại phong phú: Thơ, truyện ngắn, tản văn, ký, tiểu luận phê bình văn học, hội họa, âm nhạc …

Đó là những tác phẩm đẹp thấm đẫm trí tuệ, tâm huyết của những tác giả khao khát được sẻ chia cùng độc giả những tâm tư, tình cảm và lẽ sống đẹp đẽ ân tình. Nhà Búp thực sự là ngôi nhà văn chương, là nơi hội tụ tìm về, nơi giao lưu của những cây bút và những độc giả có chung một tình yêu với văn chương nghệ thuật.

Hôm nay, Nhà Búp xin được gửi đến các tác giả, các độc giả thân yêu lời tri ân sâu sắc. 

Xin kính mong được các tác giả, các độc giả tiếp tục đồng hành cùng Nhà Búp trên chặng đường tiếp theo để cùng hướng tới sự đồng điệu, đồng cảm trong cảm xúc, suy nghĩ và lối sống hướng tới Chân - Thiện - Mỹ, làm cho cuộc sống của chúng ta ngày một Đẹp hơn, An Lành hơn, ý nghĩa hơn!


HAPPY BIRTHDAY NHABUP.VN!

http://nhabup.vn/news/tac-gia-tac-pham/chuc-mung-sinh-nhat-nha-bup-2275.html




Nhà Búp là Ngôi nhà văn chương được tạo nên từ hết thảy các mối cơ duyên kết tụ nhiều tâm hồn đồng điệu trong cảm nhận, đam mê sáng tác văn học của các thành viên nhóm “Búp trên cành” - những người đã gặp nhau từ thuở ấu thơ, qua năm tháng mải miết đi và bây giờ trở lại; của bầu bạn xa gần cùng chung tình yêu văn chương nghệ thuật.
 
Nhà Búp là nơi hội ngộ, cũng là nơi tìm về, để các thành viên sum vầy, đàm đạo, chia sẻ tâm tư tình cảm, ước mơ và khát vọng qua những áng văn thơ.

Về với Ngôi nhà văn chương này, từng thành viên sẽ tự thấy mình thêm thanh thản, an nhiên, nhẹ nhàng và thuần khiết. Để rồi mỗi ngày ta lại thấy cuộc đời này đáng sống, đáng yêu hơn!

* Về đây nhé ơi duyên ngàn năm đợi!

Năm 1976, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, lần đầu tiên trên cả nước, khởi xướng việc mở lớp Đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác Văn học và xuất bản cuốn Tạp chí mang tên BÚP TRÊN CÀNH, chuyên đăng tải những sáng tác của các em viết. 
 
Trên mười năm đào tạo, nhóm BÚP TRÊN CÀNH đã có trên 700 bài văn thơ được chọn in trên các Tạp chí và Báo chí Văn học, tham gia gần 20 cuộc thi trong nước và quốc tế, trong đó 23 tác giả giành từ một đến hai giải thưởng như: Bùi Lan Anh, Vũ Huy Thông,  Phạm Lan Anh,  Nguyễn Nga, Trần Thu Huê, Phạm Minh Châu, Trần Minh Hạnh, Đào Thanh Bình, Bùi Biên Linh,  Nguyễn Thị Toán,  Minh Hương, Minh Yến, Thuý Hằng, Vân Hương, Diệu Liên, Thái Phúc.…; Đỗ Mai Hương và Bùi Thanh Huyền giành 3 giải; Trần Huyền Tâm giành 4 giải. Đặc biệt, Lê Quang Đôn được UNESCO trao giải Nhất cuộc thi TRẺ EM NÓI VỚI TRẺ EM với bài thơ “Bạn gió mùa hè”. 
 
Đến nay, có 5 thành viên Nhóm Búp đã trở thành Hội viên của các Hội VHNT của các tỉnh trên cả nước. Tháng 7/2019 một tập thơ văn, lý luận phê bình dày 424 trang của Nhóm Búp được xuất bản, với nhiều tác phẩm đã và đang hoàn thành, chờ cơ hội ra mắt công chúng độc giả. Trên 10 tập văn thơ của các thành viên Nhóm Búp đã được in riêng, như Trần Huyền Tâm, Bùi Biên Linh. Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thuý Hằng... 


Các thành viên Nhà Búp trong buổi lễ ra mắt các tác phẩm văn học tại Vườn Vua - Phú Thọ, 2019
 
Để nuôi dưỡng nguồn sáng tạo văn học có từ Nhóm Búp, tiền thân của Lớp Đào tạo bồi dưỡng năng khiếu sáng tác của Hội VHNT Thái Bình cùng Tạp chí BÚP TRÊN CÀNH một thời đã làm nên thương hiệu, chúng tôi lập trang NHÀ BÚP, những mong sẽ làm nên một diễn đàn bổ ích cho Nhóm và bầu bạn xa gần trong việc góp phần tham gia, đóng góp đăng tải những sáng tác mới, những ý kiến trao đổi sáng tạo nghệ thuật, góp phần bồi đắp và nuôi dưỡng giá trị tinh thần trong mỗi tâm hồn cao đẹp của chúng ta.
 
Chân thành cảm ơn các nhà văn “Nhóm Búp” và tất cả các bạn!
 
BAN BIÊN TẬP NHÀ BÚP 

 http://nhabup.vn/about.html


---

CẬP NHẬT





---


BỔ SUNG


2.

Những chuyện nhóm Búp

Thứ ba - 29/10/2019 23:30


Tôi may mắn và hạnh phúc khi được tham gia lớp học bồi dưỡng năng khiếu sáng tác thơ văn Thiếu nhi của Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh Thái Bình. Tôi học trong 4 năm từ 1977 đến 1980. Đó là những ngày hè vô cùng bổ ích và thực là lí thú với tôi cũng như với một hội lít nhít, lau nhau hơn kém nhau vài ba tuổi. Còn gì sướng bằng khi hè tới, được nghỉ học ở trường, không phải lo gì bài vở, điểm số nữa, chúng tôi lại được về Hội tụ tập bạn bè. Cùng ăn, cùng chơi, cùng học làm thơ, viết văn, được gặp và học các bác, các chú nhà văn, nhà thơ của Tỉnh Thái Bình và của Trung ương nữa… Biết bao kỉ niệm đã in dấu lên những tháng năm tuổi thơ của chúng tôi. Những câu chuyện đời thường nhưng trong veo tiếng cười thú vị của chúng tôi, hoặc lại trở thành những niềm xúc động khôn nguôi mỗi khi nhớ về!



Chuyện về gói hạt mít của chú Lê Bính

Chúng tôi được “Gom về” từ nhiều làng quê, nhiều huyện thị trong toàn Tỉnh Thái Bình, từ nhiều cấp học, từ các lớp chuyên Văn của các trường. Bởi vậy, chúng tôi có chị, có bạn, có em, không một mẹ sinh ra mà yêu quý như trong một gia đình. Đặc biệt, chúng tôi lại có các bác, các chú trong Hội Văn Nghệ Thái Bình đỡ đầu, làm chủ nhiệm lớp. Chú Lê Bính với vai trò như một người cha, người chú trong gia đình đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Câu chuyện về mấy hạt mít không hiểu sao cứ theo tôi mãi những tháng năm khi tôi đã rời xa nơi này.

Tôi, dù gia đình ở ngay thị xã, đi bộ mươi phút cũng về tới nhà, nhưng chẳng bỏ lỡ cơ hội được ở cùng nhau trong mấy căn phòng nhỏ của Hội. Chúng tôi ăn cơm nhà bếp cùng với các bác, các cô chú. Một hôm, chúng tôi vừa xuống nhà bếp, chuẩn bị vào mâm thì chú Lê Bính ở đâu ào về. Vội vã, vui tươi, đôi mắt nhỏ nhưng vô cùng tinh nhanh, luôn lấp lánh của chú càng sáng lên với nụ cười hóm hỉnh. Chú ồn ào với mấy đứa tôi:

- Nào! đứa nào thích ăn hạt mít nướng giơ tay!

- Cháu! Cháu! Cháu!
 
Bếp ăn tập thể bỗng xôn xao hẳn lên vì mấy chú cháu. Đứa nào cũng thích, cũng háo hức. Vì cái thời bé dại của chúng tôi làm gì có nhiều đồ ăn vặt như bây giờ. Chúng tôi đã từng ăn quả mây, quả duối, trái sung xanh, dái mít  hay mút từng lõi hoa dong, ăn trộm cả đòng đòng lúa non… vậy nên hạt mít nướng thì thèm quá đi chứ! Chúng tôi nhao lên, chăm chăm nhìn vào cái gói giấy báo nhỏ trên tay chú. Rồi những bàn tay bé nhỏ, ríu rít chạm vào, lật mở… Oà! Hạt mít thật! Nhưng là hạt mít còn sống, còn đang ướt như vừa mới bóc ra từ các múi vậy. Một hương vị đặc trưng toả ra thơm ấm, cuốn hút vị giác của chúng tôi. Tất nhiên, đứa nào cũng kêu lên:

  • Hạt chưa nướng, chú ơi!
  • Ờ, tất nhiên là chưa nướng, nhưng rồi sẽ nướng ngay bây giờ! Bà Cương nhà bếp đâu, giúp tôi nướng mấy hạt mít này lên. Cho bọn trẻ thưởng thức hạt mít nướng nào!
  • À, nhưng mà, trước khi ăn hạt mít nướng, phải nghe chuyện về nó đã chứ nhỉ!

Chúng tôi lại một phen rào rào lên đòi chú kể. Vậy là vừa ăn cơm, vừa nghe chú kể chuyện về mấy hạt mít mà chúng đang được vùi trong lò than kia. Đúng là nhà văn có khác, chú làm chúng tôi bị cuốn theo câu chuyện, thỉnh thoảng những tiếng cười thích thú lại vang lên. Câu chuyện xảy ra ở chợ Rặng dừa- cầu Kiến Xương- chỗ này gần nhà tôi lắm, nên tôi càng háo hức nghe!

Chẳng là, vì mùa hè đến rồi, nên thứ quả đặc trưng của hè và rất quê kiểng ấy là mít. “Quả gì mà gai chi chít…” đó, ăn vào chẳng những không đau mà còn thơm ngon, bổ dưỡng. Thỉnh thoảng, mẹ mua về thì xúm xít ăn, hít hà khen ngon, rồi ra, phải chà tay,xát  miệng vào vại gạo cho sạch nhựa.

Chúng tôi cứ nghĩ ăn quà vặt thế này thường là con gái, nhất là ra chợ ngồi ăn thì toàn là đàn bà con gái thôi. Ai ngờ chú chúng tôi, chú Lê Bính- nhà văn xịn lúc bấy giờ cũng mê mít và ra chợ, ngồi ăn quà như ai!

Chú kể: Chú thích ăn mít lắm! Nhưng lâu rồi xa nhà, chẳng được vợ mua mít cho ăn (lúc đó nhà chú còn ở tận Diêm Điền). Hôm nay, đi qua chợ Rặng Dừa - gần nhà Minh Hương đó - thấy mùi thơm sực nức. Chao ôi là thèm! thế là chú dừng xe, dắt cái xe đạp đứng đó ngắm mấy bà bán mít đang hì hục bổ. Thưởng thức mùi thơm cho thật đã, cánh mũi chú lúc đó chắc phập phồng ghê lắm! (Chúng tôi cười vang!).  Chẳng biết, chú đứng lâu thế nào, vị trí có sai lệnh ra sao mà bỗng nghe tiếng một bà the thé: Này! Cái nhà chú này mới vô lí làm sao! Sao cứ đứng mãi một chỗ ở đây thế này! Đi đi chứ, để người ta còn bán hàng. Đứng đây mà ám hàng nhà tôi à! Ái chà chà! Một bà đanh đá, ghê gớm đây! Gặp tình thế này các cháu có sợ không? Vội đi không?
 
Bọn tôi nhao nhao: “Sợ chứ, phải xin lỗi ngay mà đi chứ chú”. “Đấy, biết ngay mà, cái bọn nhút nhát chúng mày dễ bị người ta bắt nạt. Nghe đây, chú mày không phải vừa, không dễ mà ăn hiếp được chú nhá. Chú quay lại nhìn thẳng vào mắt người đàn bà vừa to tiếng, nhìn lâu, nhìn thẳng. Cái nhìn ấy làm bà ta hơi chợn thì phải. Rồi chú mới chậm rãi nói:

  • Này chị, chị quát gì tôi? Đây là đường của riêng chị à? (đúng là chợ Rặng dừa họp dọc theo đường ven sông Vĩnh Trà). nếu là của nhà chị, chị mang về nhà mình đi! Còn tôi, thích đứng đâu là việc của tôi. Chợ- thì cũng có người đi, người đứng, người ngồi, ở nhiều vị trí khác nhau. Thế chị bắt được người ta đi hết về phía kia à.

Đúng là “Nói phải - củ cải cũng nghe”, chị ta ậm ừ trong miệng gì đó rồi thôi. Vậy là chú bỗng nổi hứng, thèm thì ăn luôn chứ sợ gì! Ăn mít ở chợ có gì sai, đỡ mất công mang về, nhựa nhiếc cũng đỡ phiền. Vậy là chú dựng xe ven đường, sà ngay vào hàng mít trông ngon nhất. Chú chọn một miếng vừa vừa, chắc mẩm mình ăn hết để mua. Bảo bà bán cắt lõi, quết hết nhựa đi bằng chiếc lá mướp xanh non, thơm mát. Rồi, chú ung dung ngồi ăn thôi. Có bà ngồi cạnh cứ nhìn chú một cách lấm lét, xem ra lạ lắm. Chú hiểu rồi. (bọn cháu cũng hiểu rồi - chú bạo thật, dám ngồi chợ ăn quà, lại ăn mít nữa chứ!). Chú vẫn say sưa: “Đấy, mít ngon thật: thơm, ngọt đậm, mỗi múi lại còn có nước mật nữa cơ, vừa ăn vừa phải mút nước ngọt ấy kẻo rơi mất thì phí nhé”. Ôi, cái miệng chú kể chuyện mới cuốn hút làm sao! Đôi môi mỏng, gọn, rất nét cứ uốn mềm như bún vậy. Hô ứng với từng chi tiết vừa thực vừa hài là đôi mắt hơi nhỏ nhưng sáng lấp lánh của chú đảo khắp lượt xem chúng tôi nghe chuyện thế nào. Đôi mắt ánh lên nụ cười hóm hỉnh của chú! Vậy là chúng tôi biết, vẫn còn chuyện kể tiếp.

Chú miêu tả cái ngon của mít mà chú mới thưởng thức làm chúng tôi phát thèm, đang ăn cơm mà hình như đang nhai múi mít trong miệng vậy. Chú thầm thì, giọng nhỏ hơn một chút: “Mấy đứa biết không, chú ăn múi nào xong, lại bỏ hạt sang một bên, riêng  nhé. Bà bán hàng thấy vậy giơ tay ra nhặt lại. Chú ngăn ngay: Ấy không được! Bà ấy ngạc nhiên lắm: “Tôi dọn hạt cho chú mà, chú cứ ăn tiếp đi!”. “Ồ không - chú giải thích ngay: Bà thông cảm, tôi mua miếng mít này là mua luôn cả hạt. Số hạt mít này là của tôi. Đi ăn quà vụng các con, thì cũng phải có chút gì mang về cho chúng chứ!”. Bà lão tròn mắt nhìn rồi tủm tỉm: “Chú này ghê thật! Chẳng ai bắt nạt được. Chẳng bỏ phí cái gì. Vợ con được nhờ nhỉ!”.

À, hoá ra, chuyện về gói hạt mít chú mang về vừa nãy là như thế. Chúng tôi thú vị nghe cho đến lúc mùi thơm của hạt mít nướng chín đã bay ra…

Ôi! Chú Lê Bính của chúng tôi! Gần gũi thế đấy! Yêu thương giản đơn thế đấy, Hài hước và hóm hỉnh thế đấy! Có cả chút sắc nhọn trong từng lời nói nữa đấy - nhưng mà vì thông minh, sắc sảo chứ không ghê gớm, chẳng bắt nạt ai! Chú nhân hậu lắm mà!

Sau này, tôi có vài dịp về thăm chú. Chú vẫn ở căn phòng nhỏ trong Hội Văn nghệ, và cô sinh viên Văn khoa là tôi vẫn được chú ưu ái mời một cốc nước ấm pha mật ong! Chú lại tranh thủ giảng giải về lợi ích cho sức khoẻ từ loại nước uống này. Có khi, nhiều năm sau, xa đất Thái Bình, tôi vẫn nhận được quà của chú - một tập thơ chú mới in - gửi qua đường Bưu điện. Cảm động lắm!

Vĩ thanh của câu chuyện gói hạt mít này cũng thật thú vị! Năm 2015 - Sau 39 năm tính từ khi Hội Búp trên cành của chúng tôi ra đời, chúng tôi tìm thấy nhau nhờ mạng xã hội facebook, chúng tôi tìm về với nhau, tụ họp, kỉ niệm và tri ân! Chúng tôi gặp lại chú tại ngôi nhà riêng ở Thái Thụy. Cuộc gặp gỡ thật vô cùng cảm động. Chú - cháu đều ngân ngấn giọt lệ trong khi miệng cười rất tươi, tiếng ríu ran xôn xao căn nhà nhỏ! Khoảnh khắc thời gian ấy, chú quên đi bệnh tật, quên vết mổ đang rỉ máu bên sườn, quên luôn nỗi lo lắng về một số mệnh ngắn như đã gọi tên mình! Để chú vui hết mình, vui thật sự, hạnh phúc của chú như cầm nắm được trên tay, như đong đo được trong đôi mắt ướt! Còn chúng tôi, tình thương yêu chú gửi vào tiếng cười ríu rít, cái ôm nồng ấm, mà nỗi se sắt thì nén chặt trong lòng. Hôm đó, chúng tôi được chú chiêu đãi một bữa mít ngon! Lại vẫn là mít nhé, vẫn là mít quê - quà quê. Một bữa mít ngon vô cùng, chúng tôi ăn thoải mái, thích thú. Hương vị ngon ngọt rất thật ngày hôm đó đã làm tôi nhớ ngay về gói quà hạt mít của chú năm xưa. Một cảm giác ấm nóng lan trong tôi bồi hồi mà không nói thành lời, không thể kể lại ngay lúc đó -  và vì chú ngay lập tức sống những giây phút thăng hoa, chú đã bận rộn, rối rít kiểm tra cây đàn, vặn lại giây tơ và đàn, hát cho chúng tôi nghe! Bài hát của một người nghệ sĩ tài hoa, đa đoan, yêu thương nhiều, cho đi nhiều… 

Chú đã mang theo bên mình bao kỉ niệm ấm êm về nhóm Búp phải không?

Còn chúng cháu đã có cho mình biết bao tình yêu, sự nâng niu, những bài học cuộc sống từ các chú, các bác để hành trang cuộc đời mình thêm đẹp, thêm hương!

Kỷ niệm với các nhà thơ, nhà văn lớn

 Những mùa hè thơ văn của chúng tôi từ thập niên 70,80 đã là một sáng tạo vô cùng độc đáo của các bác, các cô chú trong Hội Văn nghệ Thái Bình. Đấy là minh chứng cho chữ Tâm của những nghệ sĩ chân chính, luôn chăm lo ươm trồng, vun xới những tài năng nghệ thuật nhỏ tuổi, là tình yêu nghề, yêu người thật hồn hậu, tự nhiên. Đấy cũng là minh chứng cho chữ Tài của những người cầm lái, chèo thuyền - con thuyền văn chương của miền quê lúa. Vì rằng, phải nhìn xa trông rộng, phải có cái nhìn hướng tới tương lai, người ta mới mạnh dạn tạo dựng một tổ ấm, một mái nhà cho năng khiếu văn chương nhí. Lại cũng không phải chỉ là phong trào bề nổi, không phải là hình thức bên ngoài cho đẹp một cái tên riêng, chung nào đó. Bằng chứng là: cách tổ chức hoạt động, cách bồi dưỡng năng khiếu cho các em thiếu nhi thật bài bản, nghiêm túc. Chúng tôi, các thành viên của Hội Búp trên cành năm xưa, phải có một khoảng lùi thời gian, tức là phải có khoảng cách để thực sự lớn lên, trưởng thành, mới thấu hết cái tình ý, cái ý nghĩa sâu xa của những mùa hè thơ văn mà các bác, các cô chú đã gây dựng, chăm chút cho mình.

 Chúng tôi, mới chỉ là những cô cậu  học trò từ 11, 12 tuổi, nếu lớn nhất, sinh hoạt dài nhất cũng chỉ đến 15, 16 tuổi. Năng khiếu sáng tác thơ văn thực chưa có gì đáng nói. Có chăng, chúng tôi mới chỉ là những bạn nhỏ yêu văn, thơ, viết được những bài văn khá hay trong nhà trường, đã từng tham gia và đạt giải trong các kì thi chọn học sinh Giỏi các cấp. Ấy vậy mà, chúng tôi được quan tâm, được nâng niu, được động viên, được mời gọi về tổ ấm văn chương của tỉnh. Hạnh phúc nào bằng, vinh dự nào bằng, khi những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam mà bao bạn nhỏ khác, thậm chí bạn đọc lớn tuổi cũng chỉ biết trên trang sách, mong ước một lần gặp mặt cũng khó, vậy mà chúng tôi được gặp gỡ, được học tập, được chia sẻ kinh nghiệm viết, được yêu thương, dìu dắt từ họ. Nhà văn Tô Hoài, Phong Thu, Vũ Tú Nam, Nguyễn Văn Bổng… các nhà thơ: Phạm Hổ, Định Hải… đã lần lượt gắn bó với bọn nhỏ chúng tôi những mùa hè dấu yêu như thế. Ý tưởng và việc làm trang trọng ấy đã nhắc nhở chúng tôi học và tập dượt sáng tạo cũng rất nghiêm túc, bài bản. Từ người sáng lập: Nhà văn Bút Ngữ - Chủ tịch Hội lúc bấy giờ, cùng các nhà thơ, nhà văn của tỉnh cho đến các nhà thơ, nhà văn lớn tôi đã kể trên, tất cả chung một nhiệt huyết, đam mê, nghiêm túc, sống và làm việc một cách nhân văn nhất để chăm chút, khích lệ, nuôi dưỡng những mầm non nghệ thuật nhỏ bé.

 Cũng mãi sau này, chúng tôi mới biết công lao to lớn của bác Bút Ngữ, vai trò Chủ tịch Hội, bác Lê Duy Lễ, Phó Chủ tịch. Rồi, chú Kim Chuông, bác Võ Bá Cường, Chánh Văn phòng trong việc chạy vạy kinh phí, lo mời thầy thợ, lo nơi đi thực tế sáng tác ở trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là “Lớp Búp” mời được khá nhiều các nhà văn, nhà thơ lớn từ Hà Nội về tham gia giảng dạy.

Chúng tôi say với bài giảng, với những câu chuyện văn chương của các nhà văn, nhà thơ. Học bác Tô Hoài, chúng tôi mới biết câu chuyện về món quà mà Thiếu nhi Mat-xcơ-va gửi tặng bác. Cái hộp to nhưng nhẹ, bao nhiêu lớp giấy bọc cẩn thận, cuối cùng hồi hộp và bất ngờ: Một chú dế mèn làm bằng thạch cao! Đơn sơ thôi nhưng bác xúc động lắm. Một đời văn, cũng chỉ mong độc giả yêu mến, thú vị với các nhân vật của mình như thế. Tác giả “Dế mèn phưu lưu kí” đã truyền lại cho chúng tôi, chia sẻ với chúng tôi niềm hạnh phúc ấy.

 Chú Phạm Hổ là một nhà thơ nhân hậu của thiếu nhi. Về với nhóm Búp Thái Bình, chú mang đến cho chúng tôi rất nhiều cảm hứng. Chú hiền từ, ân cần, nhẹ nhàng và tế nhị. Chú giản dị, gần gũi với chúng tôi như không hề có khoảng cách giữa một nhà thơ lớn với tụi nhóc mới tập làm thơ. Chú quan tâm đến cả hoàn cảnh riêng của các cháu, với những hỏi han ân cần. Với tôi, tôi có một kỉ niệm không bao giờ quên: chú Phạm Hổ đã tới thăm nhà tôi! Biết được hoàn cảnh riêng của tôi qua lời chú Lê Bính kể, chú rất muốn chứng kiến: một cô cháu nhỏ bé như tôi dệt tua cờ như thế nào? Hồi đó, mẹ tôi là xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp, nhưng mẹ cao tuổi, việc làm nghề thủ công cơ bản lại là tôi. Ngoài giờ học, tôi dệt tua cờ làm hàng xuất khẩu giúp cho mẹ. Buổi trưa hè đó, trời nắng chang chang, vậy mà chú Phạm Hổ vẫn nhiệt thành ngồi sau xe đạp của chú Lê Bính đến chơi nhà tôi, thăm bố mẹ tôi. Rồi chú đề nghị tôi dệt hàng xuất khẩu cho chú xem. Tôi cũng ngại ngùng, có phần xấu hổ, nhưng chú động viên, khích lệ, tôi đã ngồi dệt tua cờ đúng với năng khiếu của mình. Tôi dệt vừa nhanh, vừa có sản phẩm đẹp. Chú Phạm Hổ chăm chú  quan sát tôi với ánh mắt trìu mến,  nâng từng dải tua lụa lên xem và trầm trồ khen tôi khéo tay, ngoan ngoãn, biết phụ giúp gia đình. Tôi xúc động, bàn tay dệt cứ run run, trong lòng thấy xốn xang. Cả nhà tôi vui lắm, bố mẹ tôi trò chuyện vui vẻ với với các chú, kể thêm nhiều chuyện về tôi chăm học , chăm làm như thế nào. Các em tôi thì mắt tròn xoe để ý, ngắm nhà thơ Phạm Hổ từ Hà Nội về, lại đang ở trong nhà mình! Cho đến giờ, các em vẫn còn nhắc lại chuyện này với tình cảm kính trọng các chú và khen chị thật vinh dự. Còn tôi, tôi cảm động vì một lẽ khác: các chú bận bao công việc, nhưng tấm lòng nhân  hậu, quan tâm tới các cháu, sẵn lòng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống với từng đứa trẻ như chúng tôi thì thật là hiếm, đó mới thực là chữ tình, là một lẽ sống nhân văn tự nhiên nhất.

Sau mỗi đợt học các nhà thơ, nhà văn lớn từ Trung ương về như vậy, chúng tôi thường rất sợ các cuộc chia tay. Những bài giảng, những chăm chút cho từng ý tứ, câu chữ trong bài viết của chúng tôi đã làm nên chất gắn kết tuyệt vời giữa các thế hệ. Buổi tối trước hôm các bác, các chú trở về Hà Nội, bao giờ, chúng tôi cũng tập trung, ở riết trong phòng các bác, các chú. Truyện trò, căn dặn, hỏi han, quyến luyến… cho đến khi chú Lê Bính hay các bác trong Hội phải nhắc, phải bắt về đi ngủ, để cả hai đảm bảo sức khoẻ cho ngày hôm sau, chúng tôi mới chịu về phòng mình. Nhưng, chúng tôi đâu có ngủ được, cả bọn lại nằm nói chuyện nhớ nhung, tiếc nuối, lại bàn nhau không ngủ - sợ nếu ngủ quên thì sáng mai, không tiễn được được các bác, các chú ra bến xe, về Hà Nội.

Bao nhiêu kỉ niệm vui tươi, đầm ấm như thế đã đan dệt cuộc đời chúng tôi thành một gia đình độc đáo cho đến bây giờ!

Những gì học được, cảm nhận được, xúc động được từ nơi đây, từ những tấm lòng nhân ái, bao dung, yêu thương, trân trọng đều là nền tảng quan trọng để chúng tôi trở thành những con người giỏi về chuyên  môn, sáng trong về phẩm cách. Chúng tôi có quyền lưu giữ niềm hạnh phúc và tự hào về những năm tháng tuổi thơ của mình!

Hạ Long, ngày nhớ nhóm Búp – 2019
Nguyễn Thị Minh Hương

http://nhabup.vn/news/the-ky/nhung-chuyen-nhom-bup-190.html



1.

Búp Trên Cành – Chút duyên đời tôi có

Thứ hai - 28/10/2019 23:19

Có tới ba lần, nhạc chuông từ Messenger của nhà thơ Kim Chuông - “người thầy văn chương” thủa nhỏ (mà tôi vẫn gọi ông như thế). Ông đang gọi tôi. Vẫn giọng ấm áp, hồn hậu, ông hào hứng, động viên tôi góp bài cho tập sách mới của nhóm Búp. Phần bận việc. Phần  tình yêu văn chương với tôi luôn dào dạt. Nhưng, sao lúc này, muốn nhóm lên ngọn lửa mà khó vậy.
 
Biết bắt đầu từ đâu nhỉ. Trước tiên, tôi phải thoát khỏi công việc cứ liên miên trùm lên ngày tháng. Tôi tìm một góc tĩnh tại, nhìn ra cửa sổ đầy nắng rờ rỡ và thả hồn về mùa hè năm 1976 ... Và tôi bỗng nhớ về...
 
Buổi ấy, khi đang là một cô bé mười một tuổi, gầy gò. Tôi cùng các bạn có năng khiếu văn thơ ở khắp nơi trong tỉnh được tập trung về học 2 tháng hè ở “Lớp đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác Văn học” tại Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình.
 
 Năm 1976, đó là năm đầu tiên, lớp có 12 bạn. Tôi còn học tiếp vào mùa hè năm sau nữa thì nghỉ, các bạn tôi vẫn tiếp tục học. Chỉ mấy tháng hè thôi nhưng những ký ức đẹp đẽ này cứ in đậm trong tâm hồn tôi, mãi mãi về sau này.
 
Chúng tôi được học và sinh hoạt trong một môi trường thoải mái nhất, được trân trọng, nâng niu, khuyến khích, được dạy dỗ chỉ bảo cẩn thận để phát triển năng khiếu văn thơ của mình. Bấy giờ, các bác, các cô chú trong Hội Văn nghệ: bác Bút Ngữ, bác Hoa Văn, chú Nguyễn Khoa Đăng, Bùi Công Bính, Trần Đình Chung, Kim Chuông, Lê Bính… là những nhà văn, nhà thơ đang công tác trong cơ quan Hội. Hội có nhiều Ban. Ban Đào tạo, bồi dưỡng Lớp Năng khiếu sáng tác là Nhà thơ Kim Chuông, Lê Bính, những người được giao trực  tiếp chăm lo, dạy dỗ chúng tôi. Các Nhà văn vừa là những người thầy, lại vừa là những người bạn văn chương vui vẻ, dễ gần.
 
Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã mời được nhiều nhà văn, nhà thơ lớn như  Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Định Hải, Phong Thu… về hàng tuần, hàng tháng để trò chuyện về công việc sáng tác văn chương.
 
 Đây là lớp học thật đặc biệt và ý nghĩa. Sau này chúng tôi mới biết để có lớp học này là nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch tỉnh Nguyễn Ngọc Trìu cùng Nhà văn Bút Ngữ với rất nhiều các bác, các chú, các cô  trong cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật.
 
 Ký ức tôi trở về với những buổi trưa yên tĩnh ở Hội. Với những dãy nhà mái ngói mát mẻ. Mảnh vườn đầy nắng với hàng liễu rủ. Nhớ những buổi đi thực tế tại các nơi từ những địa danh nổi tiếng đến những vùng thôn quê yên ả, những làng biển mặn mòi.
 
Lũ chúng tôi mỗi người một tính, người chín chắn, trầm tĩnh như chị Lã Thị Bắc Lý, chúng tôi tôn làm chị cả. Nhớ Tuân quê Diêm Điền khuôn mặt trắng trẻo bầu bĩnh luôn nghịch ngợm và vui. Lê Quang Đôn ít nói tẩm ngẩm tầm ngầm mà thơ thì hay đặc biệt.
Tôi nhớ Bùi Thanh Huyền xinh xắn với đôi mắt đẹp và hàng mi cong lãng mạn, thông minh, giàu tình cảm, viết rất nhiều thơ. Thơ của Thanh Huyền cũng trí tuệ như con người bạn ấy.
 
Nhớ Bùi Thị Sóng Biển hiền lành dễ gần, hay cười giòn và văn thì ngọt ngào quá đỗi. Hương nhòn vui vẻ nhí nhảnh, Thu Huê điềm đạm. Tâm thì đôi mắt trong veo lúc nào cũng mở to lấp lánh ý thơ…
 
Hai mùa hè đáng yêu qua đi, tôi biết làm thơ và viết văn với những bài viết giản dị, tình cảm và có phần ngộ nghĩnh, được giải nho nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền Phong và một số bài đăng trên tạp chí “Búp trên cành” (Đây là tờ Tạp chí Văn nghệ dành riêng để in những tác phẩm của thiếu nhi và cả người lớn viết cho thiếu nhi).
 
Tôi theo học được hai khóa (1976 – 1977). Mùa hè thứ ba tôi không có dịp đến dự cùng các bạn nữa. Nhưng, thực tình, cho đến bây giờ tôi vẫn không quên dáng đạp xe của nhà thơ Kim Chuông khi buổi đầu, chú đến trường tôi học ở cạnh Két nước để “thẩm tra” và đưa giấy gọi vào lớp. Khi nghe tôi từ chối, vì tự ti mình không có năng khiếu, thì thấy chú có vẻ buồn buồn rồi quay về nhà gặp mẹ tôi đang làm ở nhà in cùng vợ chú để thuyết phục tôi về dự lớp.
 
Tôi vẫn mê văn chương, nhưng hè thứ ba tôi quyết định “đoạn tuyệt” văn chương và chuyển sang môn Toán. Tôi thấy Toán đơn giản, bài giải nào cũng có đáp số, chứ văn chương thì khó lắm, không giải nổi!
 
Sau này, tôi học Đại học Bách Khoa, trở thành kỹ sư Điện và đi làm ở Công ty Điện lực của tỉnh. Bạn bè đồng nghiệp của tôi không ai biết thủa nhỏ tôi có một thời văn chương như thế.
 
Thi thoảng tôi nhớ về những người bạn thơ văn trong trại hè ngày ấy mà chưa một lần gặp lại với ký ức ngày càng mờ xa. Tuy vậy, văn chương đúng là có sức sống thật bền bỉ, sau này tôi nhận ra cái “hạt vàng” mà “những người thầy văn chương” đã gieo vào tâm hồn tôi năm đó, nó vẫn cứ lấp lánh trong suốt hành trình của năm tháng – đời tôi.
 
   Không còn những sáng tác hư cấu, thơ mộng. Những bài viết lãng mạn. Công việc của tôi là kỹ năng trình bày các bản đồ án thiết kế, các văn bản, các báo cáo nghiệp vụ. Nó rõ ràng, chặt chẽ, logíc ... Nhưng, tôi chợt nhận ra, văn chương tự lúc nào nó đã nhuyễn vào máu thịt tôi, kết tinh vào mọi công việc cụ thể, có khi khô cứng mà ánh lên cái đẹp. Tôi luôn thầm cảm ơn “những người thầy văn chương” đầu tiên của tôi.
 
Năm  2015, vào một ngày đẹp trời, chúng tôi gặp lại nhau sau 39 năm. Các bạn tự liên hệ với nhau, lập nhóm “Búp trên cành” - lấy tên của tờ tạp chí thuở ấy và lôi tôi vào nhóm sau cùng, cũng bởi vì tôi đã rẽ ngang không đi theo con đường văn chương xa dài ấy!
 
Tôi trở lại với tất cả mọi ký ức bỗng ùa về tươi mới! Tôi chợt nhận thấy con người thực của tôi, văn chương là phần đẹp đẽ không thể thiếu trong tôi, những điều nhân văn vẫn nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Tôi vui và ngỡ ngàng vì nhận ra điều này.
 
Quả là chúng tôi đã có duyên tiền định, được sinh ra để cùng học bên nhau những ngày hè thú vị, rồi 40 năm sau lại tụ hội với nhau. Các bạn xưa của tôi vẫn tất cả là đây. Chị cả Lã Bắc Lý, bạn Vũ Huy Thông giờ đã là phó giáo sư, trưởng khoa tại những trường Đại học danh tiếng. Bùi Thanh  Huyền là một doanh nhân thành đạt, nàng bận rộn bay từ Monđôva về. Tâm là một nhà ngoại giao. Huê đã là “bà” Phó Chủ tịch huyện có tâm có tầm. Tuân là một ông chủ doanh nghiệp, nhận được tin bay vội từ Vũng Tàu ra với cái tay đang bị thương… “Nhà thơ nhí” Lê Quang Đôn giờ đã là một luật sư danh tiếng...




Gặp lại nhau, chúng tôi vô cùng sung sướng. Những câu hỏi: “Nga? À, Hạnh phải không”... khiến tôi cảm động, Sóng Biển và hầu hết các bạn trở thành nhà giáo ưu tú, truyền dạy môn Văn cho các thế hệ học sinh, lại có nhiều tác phẩm và giải thưởng giá trị … Các em Búp khóa sau cũng vậy, những Nguyễn Thị Toán, Bùi Lan Anh, Phạm Lan Anh, Phạm Hồng Oanh, Thúy Hằng, Bùi Hằng, Thái Phúc, Tuấn Phương… dù tôi chưa từng gặp, nhưng mới biết nhau thôi mà dường như không có khoảng cách.
 
Nhưng, có lẽ tâm điểm liên kết chúng tôi lại chính là 2 người thầy đã gắn bó với chúng tôi lâu dài nhất, đó là nhà thơ Kim Chuông và nhà thơ Lê Bính. Bên cạnh đó là nhà điêu khắc Hà Trí Dũng, “họa sỹ đi guốc gộc” dạy lớp vẽ nhưng lại là người vẽ minh họa rất nhiều cho tờ tạp chí “Búp trên cành”.
 
Cuộc gặp gỡ của chúng tôi, như những "nhân chứng lịch sử" về lớp học đặc biệt. Đặc biệt của năng khiếu văn chương, đặc biệt của một miền đất Thái Bình văn hiến. Đây là niềm yêu quý chung của chúng tôi, là đề tài bất tận của những câu chuyện vui, ý nghĩa. Những kỷ niệm khó quên của chúng tôi, của “một lứa bên trời”.
 
Nhà thơ Kim Chuông và nhà thơ Lê Bính, cùng với Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng là những người phụ trách lớp học của chúng tôi từ ngày đầu tiên. Một năm sau đó chú Khoa Đăng chuyển vào Miền Nam công tác. Chú Kim Chuông, Lê Bính đã theo suốt lớp học của các thế hệ chúng tôi.
 
Chúng tôi thường gọi các thầy dạy văn chương là bác, là chú.
 
Tôi ấn tượng với vẻ lãng tử của nhà thơ Kim Chuông, một nhà thơ tài hoa nhưng rất nồng hậu. Nguồn cảm hứng thơ của chú dường như vô tận. Chú viết nhiều. Thơ Kim Chuông cảm xúc dạt dào, tự nhiên như là người ta hít thở.
 
Mỗi khi nói chuyện về thơ, chú lại say sưa như người lên đồng, giọng chú lúc ngân nga, lúc sang sảng, mạch thơ tuôn trào như nước chảy. Lũ chúng tôi mắt chữ A mồm chữ O, ngưỡng mộ nghe những buổi chú bình thơ.
 
Sau 40 năm gặp lại, chú dường như vẫn thế, mặc dù trải qua nhiều sóng gió của cuộc sống, chú vẫn hồn hậu thế, vui vẻ, trẻ trung, vẫn vô tư, nhiệt tình giúp các trò của mình. Tôi nhận thấy cái chân, cái thiện là cái vốn có của chú. Tôi rất thích những câu thơ chú viết về mình:  “Tính ta ngay thẳng thật thà/Thấy mây là ngắm, thấy hoa là nhìn ”… Và sự an nhiên nhìn cuộc đời: “Trời cho ta có bạn bầu/Thế gian này hỏi, ai giàu hơn ta?”. Hoặc: "Tiêu xài hết vốn trời cho/Ta còn túi rỗng, còn kho bạn bầy…”. Chúng tôi yêu quý chú chính vì những dòng thơ được bộc lộ tâm hồn mình như thế.
 
Trong lần gặp lại nhau sau 40 năm này, cùng với chú Kim Chuông, điều làm chúng tôi thấy xúc động và cảm thấy được an ủi bởi có lẽ chúng tôi được an bài để được gặp chú Lê Bính trước khi chú đi xa vì bệnh trọng.
 
Hôm chúng tôi về quê thăm chú, chú vui và cảm động lắm. Mặc dù yếu nhưng chú vẫn lấy đàn ngồi đàn hát say sưa cho lũ chúng tôi ngồi vây quanh nghe. Theo yêu cầu của chúng tôi, chú đọc lại bài thơ của chú viết khi ngắm ảnh cô gái in trên tờ lịch Tết treo tường, bài này chúng tôi thích thú và hầu như đứa nào cũng nhớ, vì xuất xứ của nó và vì cảm thấy nó đúng là con người của chú. Chú Lê Bính kể: Tết năm đó chú được tặng một tờ lịch treo tường có in hình cô gái rất xinh, chú cứ ngắm mê mẩn và bật khóc, than rằng:
 
“Em ở đây mà sao cách xa
Lòng ta thì nặng nỗi tư gia
Ước gì trở lại thời trai tráng
Ta quyết ra đi, quyết đốt nhà!”
 
Ôi trời, chú Lê Bính của chúng tôi, một nhà thơ si tình và khát khao cái đẹp, muốn cháy hết mình nhưng lại nặng gánh gia đình. Đọc lại bài thơ này chú bật cười vui vẻ, tiếng cười sảng khoái, lạc quan của chú hôm đó làm chúng tôi cảm thấy yêu quý chú biết bao. Mặc dù, sau đó chú đi xa nhưng trong lòng chúng tôi luôn nhớ về chú với những ký ức vui vẻ và đẹp đẽ. Sự ra đi của chú làm chúng tôi cảm thấy cuộc sống thật vô thường. Chúng tôi trân quý nhau hơn, có cơ hội là gặp nhau, cùng đàm đạo văn chương và chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống. Các bạn tôi quyết định cùng ra một tập sách “phiên bản 2 Búp trên cành” để ôn lại quãng đường hơn 40 năm của chúng tôi, để đánh dấu cái mốc hội tụ này của chúng tôi.
 
“Trăm năm trước thì ta chưa gặp
Trăm năm sau biết có gặp lại không…”
 
Vậy mà tôi cứ thoái thác, cứ lười cứ lần lữa mới có bài góp mặt.
 
Khi viết những dòng này, tôi có phần hối tiếc vì đã để thời gian trôi đi, mà thời gian của chúng tôi là hữu hạn. Thầy tôi, các bạn tôi đã kiên nhẫn chờ tôi, tôi vô cùng cảm động vì sự bao dung này.
 
Bài viết của tôi cũng là một lời tâm sự về cái “ngộ” của tôi. Tôi muốn nói với các bạn “Búp trên cành” của tôi: Tôi yêu các bạn lắm. Chúng ta sẽ luôn có nhau và cùng làm được những điều chúng ta mong muốn.
 
Ngày hè đầy nắng, tháng 6/2019.
Nguyễn Nga

http://nhabup.vn/news/the-ky/bup-tren-canh-chut-duyen-doi-toi-co-181.html

..

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.