Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

14/05/2017

Trần Dân Tiên là ai ? (bài Nguyễn Xuân Ba)

Một bài viết dài, mà tờ báo lúc đầu định đăng 2 kì, nhưng cuối cùng phải chạy liền 3 kì mới hết. Đó là tờ Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.

Trên các số 347, 348 và 349 của năm 2015.  

Kết luận cuối cùng của bài là: Trần Dân Tiên không phải Hồ Chí Minh. Kết luận này được tô đậm và ở dòng cuối cùng của bài (xem ảnh và bản mềm ở dưới).

Tôi mới thấy bài này mấy hôm trước. Cũng lần đầu tiên biết đến tác giả Nguyễn Xuân Ba.

Đưa về lưu ở đây, vì thấy vui vui ở điểm sau: tác giả hầu như làm việc rất kĩ với những gì Giao Blog đã đưa lên, trong loạt bài đi dần dần trong nhiều năm qua, ở đây. Tất nhiên, tác giả sử dụng có chọn lọc theo ý hướng của mình.


Số 347
Số 347, để xem kích thước lớn hãy bấm con trỏ vào ảnh

Phần cuối cùng, trên số 349


Bản mềm của kì cuối

"

TRẦN DÂN TIÊN LÀ AI? (KỲ CUỐI XEM TỪ SỐ 347)


12/8/2015


Một số nguyên nhân khác để Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh
- Khoảng thời gian từ 1945 đến 1948 là thời kỳ cực kỳ cam go đối với vận mệnh của nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: chiến đấu cùng một lúc với 3 tên giặc: đói, dốt và ngoại xâm trong bối cảnh “đơn thương độc mã”, thiếu thốn đủ đường về kinh tế, lương thực, trang thiết bị quân sự, kinh nghiệm chiến đấu…, mà không hề có sự trợ giúp quốc tế nào. Đó không phải là lúc thích hợp và cũng chẳng thể có thời gian để viết về mình đối với bất kỳ người lãnh đạo nào huống hồ một lãnh tụ đã được cả thế giới ngả mình kính phục.
Bìa bản dịch tác phẩm “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của T.Lan Lady Borton dịch. Ảnh: tennguoidepnhat.net
Bìa bản dịch tác phẩm “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của T.Lan Lady Borton dịch. Ảnh: tennguoidepnhat.net
- Viết về mình không phải là thói quen của những người nổi tiếng ở Việt Nam bấy giờ nhưng cho dù nếu Bác muốn điều đó thì cũng có vô vàn ký giả, nhà văn, nhà báo nổi tiếng sẵn sàng “chầu chực” để được là người chấp bút. Rốt cuộc là chẳng có ai làm được điều đó, cho dù sau năm 1954, tên tuổi Bác dã gắn liền vào tên nước Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Rất nhiều nhà báo, nhà văn quốc tế đã gặp Bác nhưng tất cả thu hoạch chỉ là những cuộc phỏng vấn về tình hình đất nước, chính sách của Việt Nam bấy giờ.
- Chẳng có lý do gì với quỹ thời gian hạn hẹp của mình, Bác phải viết đến 2 cuốn sách có nội dung, chủ đề tương tự nhau mà giữa 2 cuốn lại có những thông tin khác nhau.
- Nếu Bác Hồ viết cuốn “Những mẩu chuyện…” thì chẳng có lý do gì bản thảo (hoặc những gì còn sót lại của nó) lại không được những người có trách nhiệm lưu giữ lại (như cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện’”) vì bất cứ thứ gì liên quan đến Bác từ bấy giờ đã là vô giá. Chẳng lẽ Bác tự viết, tự in, tự phát hành (dù chung quanh là đội ngũ cán bộ chiến sĩ bảo vệ ngày đêm)!?
- Mặc dù Nguyễn Hải Thần đã bỏ đất nước để theo quân Tưởng nhưng Bác Hồ cũng rất bao dung đối với ông này chứ không “vạch mặt” như trong cuốn “Những mẩu chuyện…”. PGS. Song Thành trong bài “Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh biểu tượng của văn hoá hoà bình Việt Nam” đã cho biết: “Chúng ta đều biết sự khoan dung của Hồ Chí Minh đối với Nguyễn Hải Thần khi ông ta từ bỏ nhiệm vụ, chạy theo quân Tưởng, sang Quảng Châu sinh sống, ngày càng lâm vào hoàn cảnh khốn đốn. Sau hoà bình lập lại bạn hỏi ta định xử trí với ông ta như thế nào? Với tam lòng khoan dung, độ lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Thủ tướng Chu Ân Lai chu cấp cho ông ta mỗi tháng 100 nhân dân tệ cho đến cuối đời. Số tiền đó sẽ lấy từ khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc giúp nhân dân ta khôi phục kinh tế sau chiến tranh”.
- Mặc dù cuốn sách được cho rằng ra đời từ năm 1948 nhưng có vẻ như người ta chưa tìm thấy một bản tiếng Việt nào in thời điểm đó mà bản in đầu tiên lại là bản tiếng Hoa với tựa đề “Hồ Chí Minh truyện ”, do Trương Niệm Thức dịch, xuất bản tại Thượng Hải tháng 6-1949. Bản in tiếng Việt (chính thức) đầu tiên dường như là của NXB Văn Nghệ, Hà Nội 1955. Như vậy, nếu Bác Hồ là tác giả của cuốn sách này, với mong muốn “giới thiệu mình với nhân dân” thì thật vô lý khi cuốn sách không được in tại Việt Nam mà lại là một bản tiếng Hoa ở Trung Quốc. Điều đó phù hợp với giả thiết tác giả phải “giấu” Hồ Chủ tịch khi in cuốn sách này vì không muốn làm trái ý Người.
- Nếu Hồ Chủ tịch là tác giả hoặc là người “đứng sau” tác phẩm này thì thật vô lý nếu phải mất đến hơn 2 năm để viết xong cuốn sách mỏng như vậy, trong khi mục đích là để “giới thiệu Hồ Chí Minh với nhân dân” (như giả thiết của nhiều người), nhất là thời điểm cần kíp cho nhu cầu này phải là trước 2-9-1945 (trước khi Bác ra mắt quốc dân đồng bào) đến cuối 1946 (khi Bác ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – 20-12-1946).
Sau khi đưa dẫn chứng cứ sổ Bác Hồ tiếp khách ngày 4-9-1945, và đến ngày toàn quốc kháng chiến, dẫn giải những tình tiết, nhân vật liên quan với Bác ở trong nước và cả ở nước ngoài, tác giả Thanh Tùng cho rằng tác giả có thể là một nhóm người do cụ Đặng Thai Mai là chủ xướng và tác giả cuốn sách:
“Như vậy, có thể hình dung toàn bộ sự việc thế này: ông Đặng Thai Mai sau khi nghe nói nhiều về Hồ Chủ tịch, được chứng kiến Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập nên đã nảy sinh ý định tìm hiểu về quá trình hoạt động cách mạng của Người trước Cách mạng tháng Tám (ý định này có thể của cá nhân ông, cũng có thể của các nhân sĩ, trí thức bạn bè ông). Tận dụng mối quan hệ của mình, ông tới diện kiến Bác ngay trong sáng ngày 4-9-1945. Trong câu chuyện, ông có đề cập tới vấn đề “hồi ký” đối với Bác nhưng không được đáp ứng. Không từ bỏ ý định, ông và một số bạn bè đã chủ động tìm hiểu từ các nhân chứng, nhưng nguồn này nhanh chóng bị cạn kiệt. Vì là một thành viên Chính phủ, lại có mối quan hệ với nhiều đồng chí, học trò thân cận của Bác nên ông đã thổ lộ ý định của mình đối với các vị này và được hưởng ứng nhiệt tình…
Vì Bác không đồng ý viết về mình nên các đồng chí tác giả phải góp nhặt thông tin từ mọi nguồn có thể để tổng hợp thành cuốn sách. Nhưng khi viết xong, các tác giả lại sợ Bác phật lòng nên không dám đem in trong vùng kiểm soát của Chính phủ kháng chiến, dẫn đến việc bản in đầu tiên lại là bản tiếng Hoa, phát hành tại Thượng Hải”.
Bà Lady Borton nhà văn Mỹ, một người gắn bó với Việt Nam từ thời chiến tranh tới ngày nay, đã dành nhiều thời gian công sức đến một số nước Bác Hồ từng hoạt động xin lục hồ sơ lưu trữ để tìm hiểu sâu về Hồ Chí Minh. Bà viết nhiều tác phẩm về Bác. Trong bài viết về cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” có đoạn:
“Cuốn sách Vừa đi đường vừa kể chuyện của T.Lan (bút danh của Bác Hồ) viết bằng tiếng Anh (Trung Hiếu dịch tháng 9-2009) trên tạp chí Hồn Việt:
“Quyển tiểu sử Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, xuất bản năm 1948 với bút danh Trần Dân Tiên. Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh chưa bao giờ dùng bút danh là Trần Dân Tiên.
Hồ Chí Minh viết “Vừa đi đường vừa kể chuyện” cho những cán bộ và những người Việt Nam bình thường. Lối viết của Người rất giản dị, dễ hiểu. Ở đây, T.Lan đã nêu ra cho các cán bộ tấm gương về cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Chúng ta thấy cảnh Hồ Chủ tịch đã vào cửa sau của các trại quân đội để kiểm tra bếp núc và các nhà vệ sinh…”. Cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện được công bố trên báo Nhân Dân năm 1961, với 12 số báo (2606-2610, 2685, 2686, 2688-2691 và 2694). Năm 1963, NXB Sự thật mới in thành sách. Kèm bài viết có cả hình chụp bản gốc cuốn sách…
Ý kiến của người viết bài này:
Xin có mấy nhận định sau:
- Cuốn sách được viết từ năm 1946 đến năm 1948, thời điểm bối cảnh đất nước đang phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, Bác Hồ làm việc cả ngày thâm đêm để giải quyết bao nhiêu chuyện nối nhau dồn dập. Cuối năm 1946, toàn quốc kháng chiến, công việc cũng không giảm vì cách mạng còn non trẻ, phải vừa xây dựng vừa chiến đấu với quân Pháp trên cả nước. Lãnh đạo Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh phải tập trung lo chuyện đại sự của quốc gia. Vì đó là sự sống còn của dân tộc, của Cách mạng, của Đảng. Những chuyện riêng tư cá nhân không được Bác quan tâm, không có thì giờ để làm.
- Bác Hồ có đức tính khiêm tốn chúng ta đều biết, Người không muốn người khác đề cao mình. Việc Bác đồng ý cho các họa sĩ vẽ ảnh Người là để nhân dân biết mặt, việc này lãnh tụ nước nào cũng đều như vậy.
- Khi thấy cuốn “Những mau chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” có những chi tiết không chính xác, nên Người phải viết cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” để người đọc hiểu đúng hơn. Nếu cuốn “Nhữngmau chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” do Người viết thì phải chính xác hoàn toàn. Như vậy không cần có thêm cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” nữa.
- Cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, bản thảo còn bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh cho thấy lần đầu Bác viết tay, rồi đánh máy, tiếp theo cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch đánh máy, Bác sửa hoàn tất mới đưa cho báo. Sự cẩn trọng của Bác không chỉ một việc mà là phong cách làm việc của Người. Bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã mời các đồng chí lãnh đạo của Đảng góp ý kiến, sửa chữa rồi mới đọc tại lễ Tuyên bố với toàn thể nhân dân cả nước và thế giới nước Việt Nam từ nay đã độc lập ngày 2-9-1945 tại Vườn hoa Ba Đình Hà Nội. Năm 1969, Bác giao cho đồng chí Tố Hữu viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người sửa chữa gần hết, sau đó gửi cho các Ủy viên Bộ Chính trị góp ý xong, Bác sửa lần chót mới cho đăng báo. Bản Di chúc là tài liệu Tuyệt đối bí mật, không thể nghe ý kiến người khác (chỉ có đồng chí Lê Duẩn
Bí thư của Đảng chứng nhận và Vũ Kỳ thư ký riêng của Bác được biết) nên Bác dành thời gian đến 5 năm viết, sửa chữa. Tại sao Bác viết cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” vào năm 1961 mà không viết sớm hơn? Đầu năm 1955, Bác về lại Hà Nội công việc còn bề bộn, kế tiếp xảy ra sai lầm trong cải cách ruộng đất, Người phải lo chỉ đạo sửa sai và gánh vác công tác Đảng dồn lên sau khi đồng chí Trường Chinh từ chức. Năm 1959, Bác nhẹ lo phần nào cho miền Nam sau Đồng khởi; lại có đồng chí Lê Duẩn lo công tác Đảng. Năm 1960, Đại hội Đảng lần thứ 3 xong, công việc Bác lo đã bớt, lúc này Người có thì giờ viết sách.
Nếu cuốn “Những mau chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” do Người viết từ năm 1946-1947, ắt phải có người biết và còn lưu giữ bản thảo tại Bảo tàng Hồ Chí Minh như những cuốn sổ Bác tiếp khách từ ngày 4-9-1945 đến ngày toàn quốc kháng chiến. Chỉ do người khác viết, vì sợ Bác không hài lòng nên không thể in trong nước, phải gửi in ở Trung Quốc. Họ không có loại chữ của ta nên dịch sang chữ Hán và không trả lại bản thảo như các tài liệu, sách quan trọng khác in trong nước. Bác Hồ là tác giả hay người khác viết được Bác đồng tình thì sao phải gửi ra nước ngoài in? Ở Việt Bắc năm 1949 ta có nhà in đủ điều kiện in cuốn sách nhỏ này.
Tôi nghĩ, nếu bút danh này của Bác dùng từ năm 1945-1946, thì sao Bác chỉ dùng duy nhất có một lần rồi thôi? Thời điểm này Bác viết rất nhiều bài cho các báo sao Người “không nhớ” một cái tên mình đã sinh ra trong bối cảnh nước nhà vô cùng sôi động, mang một kỷ niệm sâu đậm mà bỏ nó luôn?
Chỉ có một nơi để tìm bản thảo cuốn sách “Những mau chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” đó là ở Trung Quốc. Không chắc có được NXB thời Tưởng Giới Thạch lưu giữ, Chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có tiếp nhận đưa vào Bảo tàng không. Mong rằng sau này có may mắn tìm thấy bản thảo cuốn sách để biết ý kiến ông Nguyễn Khôi, Nguyễn Thanh Tùng ai đúng. Hay do một người khác viết.
Cuộc đời Bác Hồ bôn ba nước ngoài thời gian quá dài, lại phải tìm mọi cách nghi trang che giấu, không để lộ tung tích kẻ thù phát hiện, khi về nước lại tiếp tục giữ bí mật nên có nhiều điều xảy ra với Bác có thể đến nay ta chưa biết. Bác từng trả lời cho một nhà báo nước ngoài: người già thường có những bí mật riêng, tôi cũng giữ chút bí mật cho mình. Những bí mật do Người có và do người khác tạo ra. Nếu tìm không được bản thảo thì coi đây là một bí ẩn do những người yêu kính Bác làm ra. Có lẽ trên thế giới ít có một lãnh tụ nào có cuộc đời như Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Chính vì vậy mà người dân Việt càng thiết tha yêu quý lãnh tụ của mình.
Từ những dẫn chứng và phân tích nêu trên, tôi thiên về và mạnh dạn nêu ý kiến của mình: Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh.
Nguyễn Xuân Ba

"
http://tuanbaovannghetphcm.vn/tran-dan-tien-la-ai-ky-cuoi-xem-tu-so-347/

TUẦN BÁO SÁNG TÁC NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT
CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TỔNG BIÊN TẬP: NGUYỄN CHÍ HIẾU
GIẤY PHÉP XUẤT BẢN MỚI SỐ: 76/GP-TTĐT
DO BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG CẤP NGÀY 31/12/2014 


TÒA SOẠN:
81 TRẦN QUỐC THẢO, PHƯỜNG 7, QUẬN 3 (LẦU 5), TP.HCM, VIỆT NAM
ĐT: (84-8) 3932 1556 - FAX: (84-8) 3932 1554
EMAIL: tuanbaovannghe@yahoo.com

































---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:




































2 nhận xét:

  1. Kính gửi chủ trang Blog Giao
    Tôi thường vào đọc bài trên Blog của bạn, rất bỗ ích vì có nhiều tư liệu quý đối với việc nghiên cứu của tôi.
    Hôm nay bạn đưa bài "Trần Dân Tiên là ai?" về giới thiệu, tôi có thêm niềm vui. Xin cảm ơn bạn.
    Trên báo VN TPHCM có nhiều bài ký tên NXB và NHP viết về Bác Hồ, bạn xem thêm có bài nào muốn đưa về đây nữa không? Như bài: Hồ Chí Minh từ góc nhìn của học giả Hoàng Xuân Hãn; Chủ tịch Hồ Chí Minh, vĩ nhân thế giới...tất cả hơn trên 50 bài, độ ngắn dài khác nhau. Bài Hồ Chí Minh từ góc nhìn của học giả Hoàng Xuân Hãn, có cả ở trên trang sachhiem.net nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm tạ bác Nguyễn Xuân Ba (Nguyễn Hải Phú) ! Qua chỉ dẫn của bác, sang tìm bên trang của Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, thì quả thật có rất nhiều bài của tác giả NXB và NHP.

      Giao Blog sẽ xin phép đăng lại bài nào có kiến giải thú vị trong dịp thích hợp.

      Kính chúc bác sức khỏe và viết khỏe !

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.