Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/08/2014

Nghệ An đã gỡ bỏ thông tin "Trần Dân Tiên (một bút danh của Bác)" đăng năm 2007

Nguyên văn cả câu đã xuất hiện năm 2007 (tác giả Kim Nhật, trên báo Nghệ An): 

"Lớn lên, Người phải xa nhà, lao động tự kiếm sống, rồi trải qua nhiều nước, nhiều trung tâm văn hóa - văn minh trên thế giới để tìm đường cứu nước. Trên những nẻo đường dằng dặc, quanh co, lắm mạo hiểm đó, có thể nói cuộc đời của Bác luôn gắn bó máu thịt với sách báo.Thời gian Bác ở nước Pháp từ năm 1919 đến năm 1923, cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên (một bút danh của Bác) cho biết: "Thường thường, ông chỉ làm việc nửa ngày; làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều đi đến thư viện". Cho đến thời gian về nước, chiến tranh ác liệt, hoạt động bí mật cùng các đồng chí của mình tại Chiến khu Việt Bắc, cái chết, sự tráo trở ráo riết rình rập vậy mà Bác của chúng ta vẫn luôn mang sách báo cùng các tài liệu bên mình.".





Năm 2007, là ngang với một bài đã đăng trên Tạp chí Cộng sản.

Cả bài của Kim Nhật trên Nghệ An sau đã bị gỡ bỏ. Gỡ bỏ khi nào thì hiện chưa biết. Còn bài của Mạc Thủy trên Tạp chí Cộng sản thì hiện tại (8/2014) vẫn y nguyên.

Vào năm 2011, website Thành phố Vinh, gần như đăng lại bài của Kim Nhật (ghi tên tác giả là Kim Hùng), nhưng đã lược bỏ câu trên. Chỉ còn là:

"Lớn lên, Người phải xa nhà lao động tự kiếm sống, rồi trải qua nhiều nước, nhiều trung tâm văn hoá văn minh trên thế giới để học hỏi và tìm đường cứu nước. Trên những nẻo đường dằng dặc, quanh co lắm chông gai mạo hiểm đó, cuộc đời của Bác vẫn luôn gắn bó máu thịt với sách báo. 

Cho đến thời gian về nước, chiến tranh ác liệt, hoạt động bí mật cùng các đồng chí tại chiến khu Việt Bắc, cái chết, sự tráo trở ráo riết rình rập, vậy mà Bác của chúng ta vẫn luôn mang sách báo cùng các tài liệu bên mình."


Cụ thể xem ở dưới.

---



LƯU TƯ LIỆU



1. Bài đã lên báo Nghệ An năm 2007, tác giả Kim Nhật, nay đã gỡ bỏ

(Cập nhật lúc 15:34'  20/7/2007)


Trong tác phẩm nổi tiếng Búp Sen Xanh (1982), dẫu là tiểu thuyết có hư cấu nhưng dựa trên nhiều tài liệu có thật, nhà văn Sơn Tùng có cho bạn đọc biết, ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Tất Thành đã luôn ghi nhớ lời cha dạy bảo: "Học phải có sách"; "Việc đọc sách là đáng quý lắm, ngày nào chưa đọc được mười trang sách là ngày đó coi như nhịn đói, nhịn mặc!"... 
 
 Phòng làm việc của Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc (1951). Ảnh tư liệu

Lớn lên, Người phải xa nhà, lao động tự kiếm sống, rồi trải qua nhiều nước, nhiều trung tâm văn hóa - văn minh trên thế giới để tìm đường cứu nước. Trên những nẻo đường dằng dặc, quanh co, lắm mạo hiểm đó, có thể nói cuộc đời của Bác luôn gắn bó máu thịt với sách báo. Thời gian Bác ở nước Pháp từ năm 1919 đến năm 1923, cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên (một bút danh của Bác) cho biết: "Thường thường, ông chỉ làm việc nửa ngày; làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều đi đến thư viện".  Cho đến thời gian về nước, chiến tranh ác liệt, hoạt động bí mật cùng các đồng chí của mình tại Chiến khu Việt Bắc, cái chết, sự tráo trở ráo riết rình rập vậy mà Bác của chúng ta vẫn luôn mang sách báo cùng các tài liệu bên mình. Một cộng sự có điều kiện làm việc  gần Bác thời gian ở Pắc Bó kể: Sáng sáng, tập thể dục xong, Bác thường rất chăm đọc sách. Thói quen, niềm say mê đọc sách báo ấy, dù hoàn cảnh nào, cũng không thay đổi. Có lần trong thời gian làm công tác ngoại giao với Chủ tịch Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, Bác thổ lộ cả những việc tuy nhỏ bé, bình thường nhưng đã khiến một quan khách nước ngoài phải ngạc nhiên, thán phục: "Tôi có rất ít thời gian rỗi, nhưng nếu có thì đọc sách và trồng cây!". Làm Chủ tịch một nước còn nghèo nàn, lạc hậu, lại đang bị chia cắt, thù trong giặc ngoài không ít, vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không buông lơi thói quen đọc sách báo. Sau chiến  thắng Điện Biên Phủ, những ngày đầu Bác về lại Thủ đô Hà Nội, trong ký ức các chiến sĩ cảnh vệ không phai mờ hình ảnh: Bác hay làm việc khuya, Bác dùng thì giờ ban đêm để đọc sách, xem tài liệu. Nhiều hôm bận việc, Người đọc sách xem báo đến tận hai giờ sáng!

Niềm say mê sách báo trong Bác còn được giữ mãi tới những ngày cuối đời. Ông Vũ Kỳ, Thư ký riêng luôn ở bên Người nhớ lại: "Những chồng sách Bác đang xem dở cũng vẫn để nguyên như Bác đã sắp đặt. Thường, ngày Chủ nhật, cán bộ nghỉ, ít đến làm việc. Bác tranh thủ soạn sách báo để xem, chuyển trả văn phòng, hoặc gửi cho các nơi cần thiết. Và cũng ngày 17/8 ấy là Chủ nhật cuối cùng của Bác Hồ sắp xếp lại các sách đang xem" (1).

Còn nhớ, năm 1948, tại Chiến khu Việt Bắc, quân ta đang thắng lớn, cảm hứng dào dạt, Bác Hồ viết bài thơ chữ Hán "Tặng Bùi Công" để chia vui cùng đồng sự (Bùi Công, tức cụ Bùi Bằng Đoàn, sinh năm 1889 và mất năm 1955, làm đến chức Thượng thư Bộ Tư Pháp, dưới triều vua Bảo Đại; sau Cách mạng 1945, cụ được Bác Hồ mời ra tham gia kháng chiến chống Pháp, làm đến Trưởng ban thường vụ Quốc hội khoá I). Hai câu đầu của bài "Tặng Bùi Công" dựng lại rất nên thơ chân dung tinh thần của chính tác giả thời ở Việt Bắc:

Khán thư sơn điểu thê song hãn,
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn từ.
Nhà Hán học Trần Đắc Thọ dịch:
Xem sách, chim rừng sà bậu cửa,
Lệnh phê, nghiên mộc bóng hoa lồng
 (2).

Có người ví Bác như một ông Tiên, có lẽ cách ví ấy cũng không có gì là ngoa dụ, khi ta bắt gặp hình ảnh Người qua những câu thơ này!

Chính vì yêu sách, quý sách, tìm thấy "sức mạnh tinh thần và vật chất" qua những trang sách báo nên ngay trong những nơi ở, nơi làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tự xây dựng cho mình tủ sách để tích lũy kiến thức, đọc và tiện tra cứu những khi cần thiết. Theo con số thống kê các cán bộ công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, thì tổng số  sách, tạp chí của Bác hiện lưu giữ tại Bảo tàng - gồm sách ở Nhà sàn và Phủ Chủ tịch trước đây - đã lên tới con số 901 cuốn; trong đó chỉ tính riêng số sách tại Nhà sàn trước khi Bác mất là 226 cuốn và 47 tạp chí. Sách trên giá, phần lớn là sách tặng của bạn bè Quốc tế, vì thế sách ngoại văn chiếm khá nhiều. Cụ thể, 72 cuốn tiếng Pháp, 31 cuốn tiếng Anh, 3 cuốn tiếng Trung, 10 cuốn tiếng Nga, 4 cuốn tiếng Tây Ban Nha, số còn lại là sách tiếng Việt... Điều đáng chú ý, là trong những cuốn sách của Bác, một số cuốn còn lưu giữ bút tích của Người. Đấy là những gạch chân, đánh dấu, những nhận xét ghi chú vắn tắt bên lề sách... qua đó, có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn tình cảm, thói quen sử dụng sách báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh (3). Hơn thế nữa, như ông Vũ Kỳ từng đề xuất, thông qua những hiện vật trưng bày trong đó có những cuốn sách, tờ báo, tạp chí Bác đã từng đọc, ghi chép, gìn giữ mà Bảo tàng Hồ Chí Minh đã và sẽ thể hiện ngày càng đầy đủ toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. Một tác giả trong sách Chúng ta có Bác Hồ (1990), một dịp vào thăm nhà Bác ở đã cảm động thốt lên điều này: "Nếu tìm cái gì quý trong chỗ ở và làm việc của Bác, thì tôi chỉ thấy một tủ sách đựng những cuốn sách của các nước, sách của bè bạn  nước ngoài tặng Bác mà thôi!"

Sinh thời, có lần Bác viết: "Siêng xem sách, và xem được nhiều sách là một việc đáng quý" (4). Để trả lời câu hỏi "học ở đâu", Bác đề nghị: "Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở dân"; như vậy việc đọc sách "học trong sách vở" thì lúc nào cũng cần thiết, cán bộ đảng viên chức trách càng cao, càng phải đọc, tìm thời gian tìm sách hay sách quý mà nghiền ngẫm. Tuy nhiên, cũng theo Bác,  đọc sách là "để vận dụng vào công việc cách mạng", chứ không phải "học để trang sức", "học sách vở Mác - Lê Nin" mà "lời nói và việc làm... không nhất trí"! Tôi nghĩ, đấy là cái lớn, cái khác của Bác so với nhiều người trong chúng ta, khi đến với một nguồn của kho tàng kiến thức nhân loại.
 

 
(1) Thư ký Bác Hồ kể chuyện- Vũ Kỳ - NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr320.
(2) Theo Thơ chữ Hán của Hồ Chủ tịch. Trần Đắc Thọ dịch nghĩa, chú giải, tuyển các bản dịch thơ. Nxb ĐHQG Hà Nội, 2003, tr297.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Sách báo và Thư viện. Thúy Ngà - Phạm Văn Rính - Hoàng Sơn Cường biên soạn. Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2005, tr144.
(3) Chủ tịch Hồ Chí Minh với Sách báo và Thư viện. Sách đã dẫn, tr123.




Kim Nhật 



http://web.archive.org/web/20071213022050/http://www.baonghean.vn/news_detail.asp?newsid=53123&CatID=56




(Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Nghệ An. Giấy phép số: 301/GP-BC Cục Báo chí Bộ Văn hoá cấp ngày 27-9-2006Tổng biên tập: Bùi Sỹ Hoa. Tòa soạn: ĐT: 038.3842203 - 3588138; Fax: 038.3588138; Emai: ngheandientu@vnn.vn

® Ghi rõ nguồn "Báo Nghệ An" khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.)






2. Bài đăng năm 2011, trên website Thành phố Vinh, của tác giả Kim Hùng, nhưng đã gỡ bỏ câu liên quan đến Trần Dân Tiên

Sách báo, tài sản vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tin đăng ngày: 13/4/2011 - Xem: 718



Trong tác phẩm nổi tiếng Búp sen xanh (1982), dẫu là tiểu thuyết có hư cấu nhưng dựa trên nhiều tài liệu có thật, nhà văn Sơn Tùng cho bạn đọc biết: Ngay từ thuở nhỏ cậu bé Nguyễn Tất Thành đã luôn ghi nhớ lời cha dạy bảo "Học phải có sách", "Việc học sách là đáng quý lắm, ngày nào chưa đọc được 10 trang sách là ngày đó coi như nhịn đói, nhịn mặc"!


Lớn lên, Người phải xa nhà lao động tự kiếm sống, rồi trải qua nhiều nước, nhiều trung tâm văn hoá văn minh trên thế giới để học hỏi và tìm đường cứu nước. Trên những nẻo đường dằng dặc, quanh co lắm chông gai mạo hiểm đó, cuộc đời của Bác vẫn luôn gắn bó máu thịt với sách báo. 


Cho đến thời gian về nước, chiến tranh ác liệt, hoạt động bí mật cùng các đồng chí tại chiến khu Việt Bắc, cái chết, sự tráo trở ráo riết rình rập, vậy mà Bác của chúng ta vẫn luôn mang sách báo cùng các tài liệu bên mình. Một cộng sự có điều kiện làm việc gần Bác thời gian ở Pắc Bó kể: "Sáng sáng, tập thể dục xong, Bác rất chăm đọc sách. Thói quen, niềm say mê đọc sách báo ấy, dù hoàn cảnh nào cũng không thay đổi. 


Có lần trong thời làm công tác ngoại giao với Chủ tịch Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, Bác Hồ thổ lộ cả những việc tuy nhỏ bé bình thường nhưng cũng đã khiến một quan khách nước ngoài ngạc nhiên, thán phục: "Tôi có rất ít thời gian rỗi, nhưng nếu có thì đọc sách và trồng cây." 


Làm Chủ tịch một nước còn nghèo nàn lạc hậu, lại đang bị chia cắt, thù trong giặc ngoài không ít, vậy mà Bác vẫn không buông lơi thói quen đọc sách báo. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, những ngày đầu Bác về lại Thủ đô Hà Nội, trong ký ức các chiến sĩ cảnh vệ vẫn không phai mờ hình ảnh Bác hay làm việc khuya. Bác dùng thì giờ ban đêm để đọc sách, xem tài liệu. Nhiều hôm bận việc, Người đọc sách xem báo đến tận 2 giờ sáng! Niềm say mê sách báo trong Bác còn được giữ tới những ngày cuối đời. 


Ông Vũ Kỳ, thư ký riêng luôn ở bên Người, nhớ lại: "Những chồng sách của Bác đang xem dở cũng vẫn để nguyên như Bác đã sắp đặt. Thường ngày chủ nhật, cán bộ nghỉ, ít đến làm việc, Bác tranh thủ soạn sách báo để xem, chuyển trả văn phòng, hoặc gửi các nơi cần thiết. Và cũng ngày 17 tháng 8 ấy là ngày chủ nhật cuối cùng Bác Hồ sắp xếp lại các sách đang xem". 


Còn nhớ năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc, quân ta đang thắng lớn, cảm hứng dào dạt Bác Hồ viết bài thơ chữ Hán "Tặng Bùi Công" để chia vui cùng đồng sự (Bùi Công tức cụ Bùi Bằng Đoàn). Hai câu đầu của bài dựng lại rất nên thơ chân dung tinh thần của chính tác giả thời ở Việt Bắc:


                Khán thư sơn điểu thê song hãn,

                Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn từ.



Nhà Hán học Trần Đắc Thọ dịch:


                Xem sách, chim rừng sà bậu cửa,
                Lệnh phê, nghiên mộc bóng hoa lồng.

Chính vì yêu sách, quý sách, tìm thấy "sức mạnh tinh thần và vật chất" qua những trang sách báo nên trong những nơi ở nơi làm việc, Bác Hồ cũng đã xây dựng cho mình tủ sách để tích luỹ kiến thức, tiện đọc và tra cứu những khi cần thiết. Theo con số thống kê của cán bộ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, tổng số sách, tạp chí của Bác - ở nhà sàn và Phủ Chủ tịch -  hiện lưu giữ tại bảo tàng đã lên tới con số 901 cuốn, trong đó tính riêng số sách tại nhà sàn trước khi Bác mất là 266 cuốn và 47 tạp chí. Sách trên giá phần lớn do bạn bè quốc tế tặng, vì thế sách ngoại văn chiếm khá nhiều.
Điều đáng quý là trong những cuốn sách của Bác, nhiều cuốn còn lưu giữ bút tích của Người. Đấy là những trang có gạch chân, đánh dấu, những ghi chú vắn tắt bên lề sách giúp các nhà nghiên cứu  hôm nay hiểu rõ hơn tình cảm, nhận thức, thói quen sử dụng sách báo của Bác. Hơn thế nữa, như ông Vũ Kỳ từng đề xuất, những hiện vật trưng bày trong đó có sách báo Bác đã từng đọc, từng ghi chép… đã và sẽ thể hiện ngày càng đầy đủ tầm vóc cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. 
Một tác giả trong cuốn sách “Chúng ta có Bác Hồ” (1990), dịp vào thăm nhà Bác ở đã cảm động thốt lên: "Nếu tìm cái gì quý trong chỗ ở và làm việc của Bác, thì tôi chỉ thấy một tủ sách đựng những cuốn sách của các nước, sách của bạn bè nước ngoài tặng Bác mà thôi"! 
Sinh thời, có lần Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Siêng xem sách, và xem được nhiều sách là một việc đáng quý". Trả lời câu hỏi học ở đâu, Bác đề nghị học ở trường, học trong sách vở thì lúc nào cũng cần thiết, cán bộ, đảng viên chức trách càng cao càng phải đọc, tìm thời gian tìm sách hay sách quý mà nghiền ngẫm. Tuy nhiên, cũng theo Bác, đọc sách là để vận dụng vào công việc cách mạng, chứ không phải học để trang sức, học sách vở Mác-Lê Nin mà lời nói và việc làm không nhất trí thì dứt khoát là không được! Tôi nghĩ, đấy là cái lớn, cái khác của Bác so với rất nhiều người trong chúng ta, khi đến với kho tàng kiến thức nhân loại…



Kim Hùng-Báo Nghệ An
http://vinhcity.gov.vn/?detail=12253/



(TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 25 Đường Lê Mao – TP Vinh. Hotline: 0383.840.039
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hoài An – Phó Bí thư thường trực Thành ủy Vinh
Cơ quan thường trực: Đài phát thanh - truyền hình TP.Vinh - Số 14 Đường Nguyễn Thị Minh Khai – TP Vinh
Người phụ trách: Nhà báo Lê Nguyễn Chung – GĐ Đài PT-TH TP Vinh - Email: vinhcity.ptth@gmail.com - Hotline: 0383.842584)




3. Một bài khác, cũng năm 2007 và hiện còn thấy, của Kim Nhật trên báo Nghệ An



Được ăn cơm với Bác Hồ

Thứ Ba, 03/04/2007, 10:49 [GMT+7
"Một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp thống nhất với nhau, sản sinh ra và kết tinh ở một con người. Đó là bản chất và tầm vóc của Hồ Chí Minh. Thường thường, khi con người biết mình là một nhân vật quan trọng thì không phải lúc nào cũng hồn nhiên và chân thật. Hồ Chí Minh không như vậy. Suốt đời mình, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, Hồ Chí Minh bao giờ cũng chân thực".
 

(Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong sách Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp. NXB Sự thật, 1990)
ÔNG Nguyễn Sỹ Quế, một cán bộ cốt cán của tỉnh Nghệ An, người có may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần trong đời, mà lần đầu tiên là ở chiến khu Việt Bắc, đợt chỉnh huấn khóa 2. Ông nhớ lại, trong Hội thảo khoa học tại Thành phố Vinh, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (tổ chức từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 9 năm 1989): "Vào một buổi chiều khi được tin tất cả lên tập trung ở hội trường, tôi và anh Nguyễn Khắc Minh bảo nhau có lẽ Bác đến thăm, ta phải đi nhanh kiếm chỗ ngồi, nhìn Bác cho rõ. Đúng là Bác đến thật! Đầu tiên, Bác hỏi mấy đồng chí ở Báo Sự Thật: "Các chú có biết Pháp đưa sang Đông Dương mấy tấn đạn không? Các chú đưa tin ta đốt một kho đạn lại nhiều hơn số đạn của Pháp đưa sang!". Rồi Bác bảo đưa tin phải cho chính xác, không được tùy tiện... Nghe Bác nói với các nhà báo, tôi tự liên hệ về mình còn hời hợt, đọc báo hay đọc lướt, còn Bác đọc rất kỹ. Bác chú ý đến từng chi tiết trong bài báo nên Bác phát hiện ra những sai sót đó. Sau này, tôi nhận được nhiều bài báo Bác cắt ở các báo địa phương ra, gửi về cho tỉnh kiểm tra lại. Thế mới biết, Bác rất chú ý xem báo địa phương và Bác đã đọc rất kỹ..."
Trong số nhiều kỷ niệm về Bác, với ông Nguyễn Sỹ Quế, còn có cả những bữa cơm ông cùng các đồng chí thân quý của mình vui vầy, đầm ấm bên Bác Hồ.
Lần Bác về quê Nghệ An đầu tiên, trong bữa cơm tiếp Bác có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Mâm cơm chỉ có mấy món ăn đơn giản, mỗi món đều dọn ra hai bát. Riêng món cà mắm có một bát. Bác cất bớt, để mỗi món ăn một bát thôi. Bác bảo: "Ăn hết thì lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, chớ để người ta ăn thừa của mình!"
Bữa ăn đó chỉ hết một nửa, một nửa còn lại để nguyên. Bát cà mắm chưa hết, Bác gắp bỏ vào bát mỗi người, phải ăn hết, đừng lãng phí!
Tối hôm ấy, Bác Hồ tiếp đoàn chuyên gia xây dựng Nhà máy điện Vinh. Khách chưa đến, thấy mấy đồng chí phục vụ cứ rót sẵn bia, cốc nào cốc nấy đầy tràn, Bác bảo rót vừa đủ số người uống thôi. Ai uống thêm người ta sẽ rót, để thừa lãng phí...
Rồi lần thứ hai, Bác về thăm lại quê hương. Các ông Nguyễn Sỹ Quế, Võ Thúc Đồng ra sân bay đón Bác. Bữa cơm chiều, Bác dặn cả hai người cùng đến ăn cơm cho vui, nhưng chú ý là phải đưa phần cơm của mình đến... Ngồi vào bàn ăn, Bác thong thả lấy ra một gói cơm ngô và một gói thịt rim mặn. Phần cơm nhà ăn của tỉnh nấu bằng gạo trắng, không độn, thức ăn dọn ra có cá, thịt, miến... Bác hỏi:
- Các chú ăn như thế này à?
- Dạ, thưa Bác, hôm nay Bác về thăm, cơ quan mới mua sắm như thế này ạ! Còn thường ngày thì làm gì có! Ông Võ Thúc Đồng trả lời Bác.
Thế là, bữa cơm hôm đó, ông Quế, ông Đồng cùng Bác ăn hết phần cơm độn ngô trước, đến khi dùng sang phần cơm của cơ quan tỉnh đưa, Bác xin thôi không ăn nữa...
Quả là, với các cán bộ, đồng chí của mình, dù bao giờ và ở đâu, từ việc to đến việc nhỏ, Bác Hồ của chúng ta đều tự mình làm gương; đồng thời Người không quên nhắc nhở, dẫn dắt họ với tinh thần tôn trọng, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu xa, thấm thía!
Xin nói thêm: Ông Nguyễn Sỹ Quế (1915 - 1995), quê Làng Đỏ, nay thuộc phường Hưng Dũng, Thành phố Vinh, là Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An, người thay mặt lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà đọc "Quyết tâm thư" tại cuộc mít tinh trọng thể, chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê lần thứ hai, vào buổi sáng ngày 9-12-1961.

                                                          KIM NHẬT                                       (Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Sỹ Quế)



4. Bài của Kim Hùng, năm 2009, trên báo Nghệ An


Với Bác Hồ, đạo đức không phải để nói suông

Thứ Sáu, 07/08/2009, 18:02 [GMT+7
Trên thế giới xưa nay, hầu hết các danh nhân có tầm vóc thật sự lớn thường để lại phần tinh hoa tư tưởng của mình thông qua những lời nói, những trước tác, những câu chuyện kể lắm khi giản dị nhưng hết sức hàm súc, chứa đựng nhiều chân lý, và có sức thuyết phục nhiều thời đại. Bác Hồ của chúng ta là một người như vậy.

Cuốn sách Sáng ngời đạo đức Hồ Chí Minh (1), do nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên biên soạn, xuất bản từ lần đầu đã được bạn đọc - nhất là tuổi trẻ - hoan nghênh. Gồm 50 bài viết, chủ yếu dưới hình thức những chuyện kể sinh động, dựa vào các sách báo đã xuất bản, cũng như qua tiếp xúc với cá nhân một số nhân vật có thật ngoài cuộc đời, soạn giả Tạ Hữu Yên đã có những thành công riêng của ông, cho một đề tài đã trở nên quá quen thuộc!

Hình ảnh thân thương và kỳ lạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lên dần qua từng câu chuyện kể có thật, trong thời chống Pháp và chống Mỹ, vô cùng gian khổ và hào hùng, trên đất nước Việt Nam... Tháng 12-1946, ông cả Khiêm, anh ruột Bác Hồ, ra Hà Nội thăm em bấy giờ đã là một vị Chủ tịch nước (Một cuộc gặp xúc động). Tháng 2-1961, Bác cùng một số đồng chí thăm lại Pắc Bó, Người xúc động trước "đại bản doanh cách mạng" của những ngày đầu dựng nước. Nơi đây, tháng 2-1941, Bác từng viết những câu thơ đầy hào sảng: "Sáng ra bờ suối, tối vào hang" (Theo Bác về Pắc Bó). Qua những năm tháng kháng chiến thời còn hoạt động bí mật, những ai có dịp gần Bác đều thấy rõ, Bác chăm lo đến từng con người. Trong điều kiện có thể, Bác lo từng viên thuốc, thìa cháo, miếng cơm, tấm bánh. Cái đức lớn của ông Cụ là biết quên mình để chăm sóc đến mọi người (Ấm áp tình người). Tháng 3-1948, Bác có thư gửi Trung đội du kích Kim Thành (thuộc 2 tỉnh Hưng Yên và Hải Dương), thì ở Hải Dương nổi lên tấm gương Mạc Thị Bưởi bám đất, bám dân, kiên cường đánh giặc tại quê hương. Với bút danh G.B, Người viết bài thơ khá dài, thể lục bát, nhằm ca ngợi và cổ vũ "Nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi" (Gương oanh liệt). Rồi, buổi thảo luận về đạo đức cũ và mới, nhằm giúp các chiến sĩ trẻ Trường Lục quân Việt Nam, thuở kháng chiến tại Việt Bắc, nhận thức ra những điều cơ bản, còn có ý nghĩa tới tận hôm nay: "Có hai thứ đạo đức - đạo đức cũ của phong kiến như người đi, đầu người xuống đất, chân chổng lên trời. Còn đạo đức mới là đạo đức Cách mạng, như người đứng vững hai chân trên mặt đất, đầu ngẩng lên bầu trời. Các chú coi, phong kiến xưa cũng nói cần - kiệm - liêm - chính, nhưng là để bắt nhân dân tuân theo, phụng sự quyền lợi cho chúng. Còn ngày nay, đề ra cần - kiệm - liêm - chính thì cán bộ phải gương mẫu, thực hiện cho dân noi theo. Để làm gì? Để làm cho ích nước, lợi dân... (Vẫn là tám chữ).

Đấy là những chuyện của thời kháng Pháp, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc nước ta được giải phóng, vừa xây dựng CNXH vừa cùng với miền Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ, Tạ Hữu Yên cũng đưa được vào cuốn sách của mình không ít câu chuyện về Bác Hồ đáng nhớ, đáng lưu truyền... Thủ đô Hà Nội, sau ngày sạch bóng giặc Tây, Bác đến thăm và chào mừng sự ra đời của Nhà máy dệt 8-3, một nhà máy lớn, đứa con đầu lòng về ngành dệt của Hà Nội. Hôm Bác đến, lãnh đạo Nhà máy định nhờ một đồng chí lãnh đạo cấp trên cắt băng khánh thành. Bác biết vậy, gợi ý nên chọn một công nhân trẻ. Thế là, nhà máy cử cô công nhân trẻ nhiều thành tích Đào Thị Thư lên cắt băng. Chi tiết này khiến những người "trong cuộc" phải giật mình! (Niềm vinh dự lớn). Rồi chuyện năm ấy, Bác về thăm quê lúa Thái Bình. Người đặc biệt quan tâm đến vị trí, vai trò của phụ nữ. Ở đây còn phổ biến tệ nạn đánh vợ. Bác dặn, đại ý đàn ông phải quý trọng phụ nữ đã đành, bản thân người phụ nữ cũng phải tự mình phấn đấu để giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông! Vai trò của chi bộ Đảng cần phải "vào cuộc" (Bác về thăm Thái Bình). Đồng chí Vừ Mi Kẻ, dân tộc Mèo, từng là cán bộ cấp cao tỉnh Hà Tuyên, nhiều lần may mắn gặp Bác. Vị cán bộ dân tộc này nhớ nhất một câu hỏi của Người, mà ông thấy lúng túng không biết trả lời như thế nào cho phải: "Đất đã làm cho ngô khoai tươi tốt, nuôi sống các cô các chú. Thế, ăn ngô khoai xong, bây giờ các cô các chú lấy cái gì mà trả lại cho đất nào?!" (Nhớ mãi lời Bác dạy). Còn chưa quên mùa hè năm 1967, các trận địa phòng không ở Hà Nội đang ráo riết theo dõi bầu trời, thời tiết thì hết sức oi ả, khó chịu. Điều đó, không qua khỏi sự quan tâm của Bác Hồ! Biết rõ các cháu bộ đội trực chiến trên sân thượng nhà Hội trường Ba Đình đang đương đầu với cái nắng như đổ lửa, Bác liền chỉ thị chuyển số tiền trong sổ tiết kiệm của mình (toàn bộ chỉ là 25 ngàn đồng) sang cho Bộ Quốc phòng, để bộ đội phòng không Hà Nội có thêm nước giải khát (Với chiến sĩ canh trời). Ngày nay, chúng ta học và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, phát động phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Thực ra, việc ấy, Bác đã bắt tay chỉ đạo các đồng chí có trách nhiệm từ rất lâu rồi. Năm 1952, cả nước ta đang dốc sức giành thắng lợi trên mặt trận súng đạn, thì cũng năm đó, tại một cuộc họp Hội đồng Chính phủ, biên bản cuộc họp ghi lời phát biểu của cụ Chủ tịch, nội dung: "Chúng ta đã bắt đầu tiến hành 3 chống - chống tham ô, chống lãng phí, chống quan liêu. Năm 1953, phải cố gắng làm 3 chống triệt để. Cán bộ lãnh đạo phải xung phong gương mẫu đi đầu trong phong trào..." (Mãi mãi là tấm gương trong). Đấy là những ấn tượng sâu đậm của một bạn đọc là tôi, mà cuốn sách Sáng ngời đạo đức Hồ Chí Minh đã để lại. Còn nữa, còn nhiều nữa những ấn tượng đẹp như thế, tuỳ vào cảm nhận và sự từng trải của mỗi bạn đọc hôm nay, nếu họ biết tự dọn lại lòng mình, để đến với Bác Hồ.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, có lần đã viết về Bác thật hay: "Mọi lời nói, mọi việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể, nói là làm, thường làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động. Hồ Chí Minh là người luôn luôn nhằm hiệu quả thiết thực, dám nghĩ dám làm những việc lớn lạ lùng, nhưng không viễn vông, không ảo tưởng, không nóng vội!" (2). Tôi nghĩ, đã và còn phải cần rất nhiều cuốn sách, công trình học thuật nữa, mới có thể nói được phần nào "tư tưởng hiện ra trong hành động", "dám nghĩ dám làm", "không ảo tưởng, không nóng vội" ở Bác. Cuốn sách Sáng ngời đạo đức Hồ Chí Minh, là một trong những cuốn như thế. Tác phẩm thành công, nhờ tính chân thật của câu chuyện được chọn; nghệ thuật kể thoáng gọn, sáng rõ, làm toát lên con người, nhân cách, cá tính của lãnh tụ; thêm nữa, nội dung giáo dục xuyên thấm vào chuyện đời, chuyện đạo, vào sự kiện nên các bài học rút ra ở cuối mỗi tiểu luận cũng nhẹ nhàng, thấm thía, tránh xa cái "khẩu khí", "lên gân" dễ mắc phải ở khá nhiều đầu sách về Bác, xuất bản gần đây...

Có lẽ nhờ vậy, cuốn sách về Bác của nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên đã được Nhà xuất bản Thanh Niên in lại lần thứ tư, tính đến năm 2007!
----------------
(1) Tạ Hữu Yên: Sáng ngời đạo đức Hồ Chí Minh, NXB Thanh Niên, Hà Nội, tái bản lần thứ 4, 2007.
(2) Phạm Văn Đồng: Những nhận thức cơ bản về Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998. tr168.

Kim Hùng
5. Bài của Kim Hùng, năm 2013, trên báo Nghệ An


Tết trồng cây cho đất nước càng Xuân

Thứ Sáu, 22/02/2013, 19:03 [GMT+7
(Baonghean.vn) - Trong quan niệm thường trực của Bác Hồ, con người là vốn quý nhất, và trong nhiều tầng lớp người thì người lao động được Bác tôn trọng, đề cao, tìm cách che chở bảo vệ họ.

Ông Vũ Kỳ, thư ký nhiều năm bên Bác, có lần kể lại một câu chuyện cảm động. Rằng, có những đêm khuya nằm nghỉ, nghe tiếng chổi tre quét đường phố, Bác Hồ hay nghĩ tới sự quên mình, thầm lặng, vất vả của những người công nhân quét đường. Nhất là vào mùa đông rét mướt. Một lần, Bác nhờ ông Vũ Kỳ tìm cách điều tra cụ thể rồi báo cho Bác biết. Và thế là, công việc của người công nhân quét đường phố được báo cáo lại tỉ mỉ. Bác thương lắm, không chỉ nhắc nhở cán bộ phụ trách các cấp đảm bảo chế độ cấp phát áo quần bảo hộ, quan tâm đời sống, sức khỏe cho các cháu mình; Người còn nung nấu một điều gì đó...

Lần ấy, cũng vào dịp mùa đông giá rét, Bác Hồ sang thăm nước bạn. Hầu hết cây cối ở đây đều trụi lá, lạ thay có một loại cây vẫn tươi tốt. Tìm hiểu thì biết đó là loại cây có thể xanh tươi bốn mùa, Bác quyết định xin đưa giống cây này về nước trồng thử, phù hợp thì sẽ nhân rộng, trồng dọc các đường phố. Được vậy, mùa đông vẫn có cây xanh, đỡ vất vả các cháu công nhân quét đường ! Cây xanh ấy được quen gọi là “cây xanh bốn mùa”, ngày nay vẫn còn sống trong Phủ Chủ tịch, gần ngôi nhà sàn của Bác.

Câu chuyện cho chúng ta một lời nhắc nhở chưa cũ: Đừng quên những người lao động bình thường vì lợi ích mọi người, đồng thời hãy biết vì họ mà làm một việc gì đó dù bé nhỏ, khiêm nhường. Đó cũng là một biểu hiện của quan điểm “nếu dân đói Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm Đảng và Chính phủ có lỗi” !

Ai cũng biết, vào dịp Tết Nguyên đán năm Canh Tý (1960), lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây. Tuy vậy, trong nhiều bài viết, tài liệu và cách hiểu sự kiện này có chỗ thiếu thống nhất. Trong Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (tập 7, tr.421, NXB Chính trị Quốc gia, 1995), tài liệu này nên được xem là chính thức. Theo đó thì ngày 6/1/1960, chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng ta, Bác Hồ đã có lời kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây, từ ngày 6/1 - 6/2/1960. Trong lời kêu gọi được báo chí đăng tải, Người yêu cầu mỗi công dân trồng ít nhất một cây, chăm bón tốt. Đợt trồng cây này được gọi là “Tết trồng cây”, và đây là Tết trồng cây đầu tiên do Bác Hồ phát động.



       Bác Hồ trồng cây, mở đầu cho Tết trồng cây ở nước ta (1960). Ảnh tư liệu
 
Từ đấy, hàng năm cho tới lúc qua đời, Bác đều có lời kêu gọi và nhắc nhở phong trào trồng cây, bảo vệ cây xanh. Bản thân Bác cũng là một tấm gương mẫu mực cả trong lời nói và việc làm. Hai câu thơ từ lâu đã trở nên quen thuộc:

     Mùa Xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân...

chính là lời mở đầu của bài viết “Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây”, Bác viết và cho công bố trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 1/1/1965. Như vậy, ở nước ta bên cạnh mỹ tục đón Tết Nguyên đán truyền thống, nhờ Bác Hồ chúng ta có thêm Tết trồng cây, cũng vui như ăn Tết, mà ý nghĩa vai trò thì vô cùng to lớn vì nó góp phần “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” như lời thơ Bác khẳng định !

Đầu Xuân mới năm 2013 này, sau đợt nghỉ Tết dài ngày, cả nước ta lại nô nức vào Tết trồng cây. Ngày 18/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại tỉnh Bắc Giang. Cùng ngày, toàn tỉnh Nghệ An cũng phát động phong trào này. Một thông tin khá vui: cả nước ta hiện có 2,4 triệu ha rừng, độ che phủ chiếm 40%; còn ở tỉnh nhà, độ che phủ của rừng là 54%. Diện tích cây trồng tăng rất đáng mừng, nhưng quan trọng hơn vẫn là cây trồng phải sống, phải tươi tốt, đem lại cho dân nhiều giá trị kinh tế và môi trường...

Chuyện còn được kể: ông Nguyễn Tạo – bấy giờ là Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, sau khi phát động phong trào Tết trồng cây, ông Tạo cử người chuyên theo dõi, báo cáo việc trồng cây của các tỉnh cho Bác, đồng thời đề xuất, bố trí địa điểm để Bác đến trồng cây. Năm đó, đọc xong báo cáo các tỉnh, Bác đề nghị ông Nguyễn Tạo cho mời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An ra gặp Bác. Thấy bí thư ôm chiếc cặp to, Bác hỏi: “Cặp chú đựng gì mà to thế?” – “Dạ, thưa Bác, cháu mang đủ tài liệu của tỉnh để báo cáo với Bác!”. Bác bảo: “Hôm nay, Bác chỉ hỏi một việc về Tết trồng cây. Tỉnh Nghệ An chuẩn bị thực hiện thế nào rồi?”. Thở phào nhẹ nhõm, đồng chí bí thư liền báo cáo: “Thưa Bác, năm nay Nghệ An thực hiện Tết trồng cây sớm, hiện đã trồng được một triệu bảy nghìn sáu trăm tám mươi cây. Chúng cháu sẽ trồng tiếp mười lăm ngàn cây nữa ạ!”. Bác có lời khen, tuy vậy liền đó Người tỏ vẻ băn khoăn: “Nghệ An trồng hàng triệu cây, vậy có biết bao nhiêu cây chết không? Chú có cho người đếm được không?”. Đồng chí bí thư im lặng. Bác nói thêm: “Nghệ An cũng là quê Bác, các chú làm chưa tốt thì Bác vui sao được? Các chú chỉ nghĩ đến thành tích, mà không nghĩ đến thành quả, thế là chưa thật thà với nhân dân. Trồng cây nào phải sống tốt cây ấy, phải biết chăm sóc cây, không để lãng phí sức người và của cải vật chất. Vậy, Tết năm nay Nghệ An phải làm tốt hơn nữa để Bác vui !”. Lời nhắc nhở của Bác ngày nào về bệnh thành tích, cho mãi đến sau này vẫn chưa cũ chút nào !

Về thăm quê hương Nghệ An lần thứ hai, vào ngày 8/12/1961, Bác Hồ có buổi nói chuyện với Ban chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An. Nhận xét chung, Bác nói đại ý năm nay so với năm kia Bác về thăm, thấy tỉnh nhà có nhiều tiến bộ. Cán bộ và nhân dân đều có cố gắng. Nhưng mà chưa tiến bộ, chưa cố gắng đến mức bây giờ mình đòi hỏi. Riêng về câu chuyện dân sinh, Bác nhấn mạnh tới sự nghiệp trồng cây gây rừng: “Bây giờ mình phải đổi mới nông thôn. Nông thôn mình phải quang đãng, sạch sẽ. Đồng bào muốn ăn ở tươm tất thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Đã trồng cây thì phải chăm bón... Các chú cứ làm sao năm nay trồng được 15 triệu cây cho tốt. Trồng cây nào sống cây ấy, chứ 19 triệu cây (như kế hoạch báo cáo với Bác) mà chết hết nửa, thì vô ích. Năm nào cũng trồng nhưng trồng cây nào phải tốt cây ấy”.

Trồng cây còn phải thường trực ý thức chăm cây, bảo vệ cây cho tới ngày “hái quả”. Chợt nhớ tới một câu trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử: “Việc giết người của kẻ giết người thì giống như thợ chặt cây... Thợ chặt cây thì rất ít khi tay không khỏi bị thương”. Chợt nhớ tới một sử liệu thú vị: Năm 1126, có một vị vua Triều Lý nước ta đã xuống chiếu ban bố khắp thần dân với nội dung cây cối vào mùa xuân thì cấm chặt phá. Rất nhiều người biết Triệu Lý đánh giặc, mê thơ thiền và kinh Phật; nhưng đã mấy ai biết nước mình từ ngàn xưa đã có một ông vua thấu hiểu vai trò của môi sinh, môi trường đến thế? Các vĩ nhân thường có chỗ gặp nhau trong những tư tưởng lớn !
Vì lợi ích mười năm phải trồng cây,
Vì lợi ích trăm năm phải trồng người.

Sinh thời, trong từng lời nói, việc làm, câu văn... Bác Hồ luôn mong muốn làm cho cả đất nước Việt Nam trở thành một rừng hoa, trong đó mỗi tập thể làm sao để trở thành một vườn hoa đẹp, mỗi con người là một bông hoa đẹp, góp phần làm cho rừng hoa Dân tộc ngày càng rực rỡ, thơm hương.

Nói chuyện trồng cây, Tết trồng cây của Bác Hồ thì cuối cùng cũng là để nói chuyện trồng người, chuyện cán bộ gương mẫu, chuyện người dân yêu nước, chuyện tương lai dân tộc. Dù có thế nào đi nữa thì theo Bác, dân rất tốt. Vấn đề còn lại là làm sao cho họ hiểu, họ tin mình. Và lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hi sinh mấy họ cũng không sợ. Cốt sao “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Điều đó trở thành một lẽ phải mà mỗi chúng ta, nhất là các cán bộ đảng viên hôm nay, cần nhớ lấy mà làm cho tốt !

Kim Hùng







---




Thông tin từ Thái Lan : cuốn sách của Trần Dân Tiên được dịch ra tiếng Thái từ bản gốc tiếng Pháp (1)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.