QĐND-Làng Trình Phố thuộc xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, xưa có hai gò cây thiêng, tên là Gò Cá (Ngư Phong) và Gò Voi (Tượng Phong).
Địa danh trở thành danh hiệu, khi bậc danh sĩ ở thế kỷ 19 của làng là Ngô Quang Bích: Đình nguyên Hoàng giáp Tiến sĩ - Tuần phủ Hưng Hóa triều Tự Đức, Lễ bộ Thượng thư - Hiệp biện Đại học sĩ - Hiệp thống Bắc Kỳ, quân vụ đại thần triều Hàm Nghi, chọn lấy “Ngư Phong” làm tên hiệu của mình. Còn người con trai là Ngô Quang Đoan thì noi theo cha, dùng nốt danh hiệu “Tượng Phong” để tự gọi.
Ngô Quang Đoan, 18 tuổi vào năm 1890, đang nổi tiếng ở quê nhà về sự học hành chữ nghĩa giỏi giang, sức vóc và tài cưỡi ngựa múa đao mạnh như thần, đàn dịch ca ngâm càng điêu luyện, thì tin dữ đã từ căn cứ Tôn Sơn ở giữa vùng rừng núi Yên Lập (Phú Thọ) - nơi đặt đại bản doanh chỉ huy phong trào yêu nước Cần Vương (giúp vua Hàm Nghi) chống thực dân Pháp xâm lược trên miền Tây Bắc đất nước và cả xứ Bắc Kỳ của cha mình bay về: Thủ lĩnh Ngô Quang Bích lâm trọng bệnh, đã từ trần!
Lập tức, Ngô Quang Đoan lội bộ một mạch từ Trình Phố lên Tôn Sơn. Để vừa làm lễ tế viếng cha trước nấm mồ mới đắp bên chân núi, giữa rừng già, vừa gặp gỡ các thuộc tướng trung thành của vị thủ lĩnh Cần Vương quá cố - những Đề Kiều, Đốc Ngữ, Lãnh Vân, Lãnh Hoan, Lãnh Gáo, Đốc Đen… lừng danh trận mạc đang trông chờ người kế vị ngôi chủ tướng để kế tục sự phát triển phong trào. Nhưng dứt khoát chối từ chuyện “cha truyền con nối”, lấy cớ mình còn ít tuổi, chưa có gì đóng góp cho phong trào, Ngô Quang Đoan chỉ xin được sát cánh cùng các thuộc tướng của cha mình, rèn tập việc chiến đấu, đấu tranh.
Tượng phong-Ngô Quang Đoan 1872-1945.
Và thế là 10 năm của giai đoạn đầu sự nghiệp nhà yêu nước tuổi 20 Ngô Quang Đoan, từ đây mở ra. Sự trẻ trung và sự tráng cường đã khiến người con trai của cố thủ lĩnh Cần Vương Ngô Quang Bích nhanh chóng dội vang những thành tích sôi nổi: Hết đánh những trận diệt thù ở Khả Cửu cùng tướng Đề Kiều; ở Suối Rút cùng các tướng Lãnh Vân, Lãnh Hoan; ở Nam Định cùng các tướng Lãnh Gáo, Đốc Đen… lại cầm đầu đoàn tải lương sang tận Trung Quốc mua sắm vũ khí, vận chuyển về cho nghĩa quân. Đặc biệt, lấy danh nghĩa con trai thủ lĩnh Cần Vương Tây Bắc và cả Bắc Kỳ, Ngô Quang Đoan đã nhiều lần vượt đường trường và hàng rào vây hãm của kẻ địch, vào sâu các vùng đồng bào thiểu số, đến tận căn cứ các dư đảng Cần Vương: Hương Khê, Bãi Sậy..., cả Yên Thế của Đề Thám nữa, nhóm lại và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh anh hùng. Đương thời, nhiều người yêu nước đều rất ấn tượng về một vị tướng trẻ Cần Vương (và “hậu Cần Vương”) cao lớn, tài hoa, hoạt động không biết mệt mỏi ở khắp nơi. Và, đi tới đâu thì để lại… thơ đến đấy. Như những vần điệu tráng chí nổi tiếng (dịch từ Hán Ngữ) khi vào tận Vũ Quang gặp Phan Đình Phùng:
Lòng son cứu nước tim ngời sáng
Gươm báu diệt thù chí ngút trời
Cha tôi ngày trước dựng cờ nghĩa
Ngày nay tôi tới nối cơ ngơi…
Nhưng đến những năm cuối cùng của thế kỷ 19, phòng trào Cần Vương rồi cũng bị kẻ thù dập tắt. Sang tới những năm đầu thế kỷ 20, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc chuyển tiếp thành những hình thế mới. Ngô Quang Đoan lúc này đã vào tuổi 30, trưởng thành mà hòa mình được vào những trào lưu mới ấy: Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Việt Nam Quang Phục… Một gương mặt từ thời Cần Vương, bây giờ sáng lên cùng với những Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Tăng Bạt Hổ… của thời kỳ đấu tranh mới. Chí sĩ Ngô Quang Đoan, khi thì nấp dưới hầm than tàu thủy chạy từ Hải Phòng sang Hương Cảng, tóe máu chân trong đôi hài sảo rơm băng rừng tìm gặp tướng quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, cạo răng trắng thành “Bạch xỉ chân nhân” hộ tống hoàng thân Cường Để đi Nhật, bí mật trở về nước để cùng các sĩ phu, nhà tân học, làm thơ hỏi sông Bạch Đằng:
“Hồng giang trùng khởi lãng
Sát tặc thị hà thi?”
(Sóng Hồng gầm vang dội
Giết giặc đợi ngày nào?)
Hoặc lên tận đền Hùng, xin với vua Hùng:
Tinh linh phảng phất, Lăng còn đó
Đất nước tan tành, Tổ biết không?
Cầu khẩn xin cho soi xét lại
Mau mau cứu vớt giống Tiên Rồng !
Có đến hai lần bị giặc bắt nhốt cũi sắt, phải chứng kiến cảnh chúng chặt đầu người cùng hoạt động ở ngay bên cạnh nhưng Ngô Quang Đoan - đến khi các phong trào đấu tranh đầu thế kỷ bị một lần nữa thoái trào vẫn kiên trì bền bỉ, cả gan góc nữa, dấn mình tiếp vào sự nghiệp đấu tranh cứu nước. Ở về những thập kỷ thứ hai, thứ ba của thế kỷ 20, khi nhà chí sĩ đã đến tuổi năm, sáu mươi, có một sự nghiệp được giao từ thời Đông Kinh Nghĩa Thục, mà chỉ còn một mình Ngô Quang Đoan lúc này thực hiện được. Ấy là: Tận tụy, miệt mài, lặn lội lên các vùng núi rừng thượng du, đồi gò trung du, khai hoang lập ấp trại, tạo cơ sở hậu cần cho những chiến sĩ bí mật hoạt động cách mạng. Hết ở Luống, Ngòi Lao (Phú Thọ) lại Tam Lộng, Bàn Long, Đạo Hoàng (Vĩnh Yên)… Các trang thực chất là doanh trại của nhà chí sĩ, hết bị hoang vu thú dữ, nước độc và bệnh tật tàn phá, lại bị giặc giã đánh sập…
Đến tuổi sắp “cổ lai hy”, chí sĩ Tượng Phong đã có 5 lần mất trại, lại 5 lần gây dựng tiếp. Và vào một đêm, giữa mịt mù hoang vắng trong căn nhà tre nứa giữa trại Đạo Hoàng dưới chân Tam Đảo, nhà chí sĩ với tay lấy trên vách xuống cây nguyệt cầm tự tạo. Và vừa gẩy mấy ngón đàn diệu vợi, vừa ngâm nga mấy câu thơ sầu lụy:
 Trốn tránh bao năm sống chẳng an
Đêm thâu trằn trọc lệ tuôn tràn
Trăng hờn khuất bóng, mây mờ hận
Sương buốt gieo cành, gió khóc than…
 Bất chợt nghe thấy có tiếng động bên ngoài. Và tiếng ngón tay gại vào vách nứa. Rồi một giọng nói thầm thì lọt qua khe cửa:
- Chúng tôi là các nhà cách mạng đi hoạt động qua đây. Nghe giọng đàn và tiếng thơ, biết ngay là bậc chí sĩ. Xin cho được vào bái kiến…
Đó là các đồng chí Xứ ủy viên Bắc Kỳ của Đảng Cộng sản Bùi Lâm, Trần Đình Long. Và tin vui liên tiếp báo: Mặt trận Việt Minh đã ra đời! Trào lưu cách mạng mới - Tân Trào - đang lên tới cao trào!
Chí sĩ Tượng Phong Ngô Quang Đoan từ đấy trở thành cơ sở cách mạng. Với những vần thơ hào sảng:
Bóng cờ Độc Lập bay rạng đất
Tiếng súng Liên Minh dậy khắp trời
Hùng hồn cổ vũ:
Cờ nghĩa đỏ tươi chờ gió mới
Kiếm mài sáng lóa giục đông qua
Và đoán chắc:
Trời Nam vùng dậy rợp cờ
Nước non còn mất bây giờ là đây
Cùng nhau diệt lũ khuyển Tây
Anh hùng thời thế ra tay chuyển vần!
Chỉ tiếc là người anh hùng - tự mình làm chiếc cầu nối từ lịch sử phong trào Cần Vương tới lịch sử Cách mạng Tháng Tám - đã không kịp trông thấy ngày Cách mạng thành công.
Nạn đói đầu năm Ất Dậu (1945), tuổi tác và đau yếu đã khiến nhà chí sĩ Tượng Phong Ngô Quang Đoan - ở năm thứ 74 của cuộc đời đã phải lìa đời để đi gặp và lần này thì gặp được người cha Ngư Phong Ngô Quang Bích, ở trên cõi Vĩnh Hằng.
Hôm ấy là ngày 8-7-1945. Một tháng trước ngày bùng nổ cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.
Viết nhân ngày giỗ cụ
                                ở Tiền Hải.
GS. Lê Văn Lan