Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/07/2017

Có nên tôn tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh làm "quốc giáo" ? (một phản luận tay ngang)

Bài lấy nguyên về từ trang Book Hunter (bookhunterclub.com). Vốn đã lên mạng từ tháng 1 năm 2017.

Tác giả hoàn toàn là một tay ngang về chủ đề tín ngưỡng Liễu Hạnh. Hoàn toàn mù mờ về những thuật ngữ như Tam Phủ, Tứ Phủ, Tứ Bất Tử,... Đọc mót được vài đoạn sách, liếc liếc một vài tấm ảnh, nhưng "xả súng" thì rất hăng.

Báng bổ đến mức viết như thế này: "Nếu Liễu Hạnh – một sự tổng hợp của Phan Thị Bích Hằng và MC Phan Anh – đáng được thờ thành thần, thì phải nói rằng hai nhân vật công chúng nêu trên cũng xứng đáng tương tự. Nhưng vì Hằng và Phan Anh chỉ là hai gương mặt nhảm nhí, ta không có lý do để tôn thờ một nhân vật nhảm nhí bằng cả hai vị này cộng lại với nhau".

Về lịch sử thì cuồng dại như thế này: "Ngày nay, ngay cả những người thờ Liễu Hạnh cũng phải thừa nhận rằng trong một thời gian dài, chính quyền Lê – Trịnh đã gạt tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh ra ngoài vòng pháp luật, và dùng binh mã để đánh dẹp thẳng tay. Đỉnh cao của xung đột là cuộc chiến trên đất Thanh Hóa giữa Nội Đạo Tràng – một tôn giáo phù thủy miền núi dưới vỏ bọc nửa Đạo giáo, nửa Phật giáo mà chính quyền trung ương mượn tay, với tín ngưỡng miền biển thờ Liễu Hạnh. ".

Bây giờ là ngày 12 tháng 7 năm 2017.

Đọc vui vậy. Để biết có một thứ vui vui là vậy !



---



bfe
Hiện nay, có ý kiến cho rằng nên đưa tín ngưỡng thờ mẫu Liễu Hạnh thành một điển hình của đạo mẫu Việt Nam. Nhiều tiếng nói trong luồng ý kiến này còn đẩy lập luận của mình đi xa hơn, với quan điểm rằng vì đây là tín ngưỡng duy nhất thuần Việt, ta có mọi lí do để đưa tín ngường thờ Liễu Hạnh thành quốc giáo. Nhưng trong thực tế, ý kiến này có nhiều vấn đề. Và tiếc thay, những vấn đề này lại nảy sinh từ sự thiếu hiểu biết.

I. Tín ngưỡng Liễu Hạnh: một tín ngưỡng địa phương, phát sinh từ tin đồn, và bành trướng bằng xuyên tạc lịch sử.
Trong thực tế, tín ngưỡng này vốn chỉ xuất phát từ, và gắn liền với một địa phương chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích, dân số và sự đa dạng văn hóa của quốc gia. Đó là tỉnh Nam Định.
Hãy thử liệt kê các nguồn thông tin chính thức về mẫu Liễu. Trong thực tế, các thần tích quen thuộc về Liễu Hạnh đều xuất phát từ “Quảng cung linh từ phả kí”, “Quảng cung linh từ bi ký” và “Cát thiên tam thế thực lục” – cả ba văn bản này đều được lưu trữ ở địa phương, do Ban quản lí di tích – danh thắng của tỉnh Nam Định sưu tầm, và một số tài liệu do Hội đồng Khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định thẩm định. Trong số đó, “Quảng cung linh từ phả kí” được soạn bởi tiến sĩ Vũ Duy Trác, người Nam Định, sinh năm 1730. “Quảng cung linh từ bi ký” là văn bia do Nguyễn Đình Việp, tri huyện Đại An, Nam Định, soạn năm 1741. “Cát Thiên tam thế thực lục” là cuốn sách in ván gỗ, được khắc ở Quang cung tiên chúa linh từ, Nam Định vào năm 1913, theo dòng chữ trên trang bìa 2. Như vậy, không khó để nhận ra tất cả các văn bản quan trọng khẳng định sự tồn tại của Liễu Hạnh, và được lấy làm căn cứ cho tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh, đều ra đời ở Nam Định nội trong thế kỉ 18. Ngày nay, cả việc sưu tầm, lưu trữ, lẫn thẩm định các văn bản này đều do tỉnh Nam Định một tay kiểm soát. Theo những văn bản này, thì cả ba lần “giáng sinh” của Liễu Hạnh đều gói gọn trong địa phương Nam Định. Một tín ngưỡng chỉ gọi gọn trong tỉnh Nam Định như thế có phù hợp, để đưa làm quốc giáo hay không?
Sẽ có người cố phản bác nhận định này, lấy cớ rằng đền Sòng ở Thanh Hóa, đánh dấu sự tích bà Liễu Hạnh tái hợp với chồng là Trần Đào, là minh chứng rõ rệt để khẳng định rằng tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh không chỉ gói gọn trong tỉnh Nam Định. Nhưng nếu tìm hiểu, họ sẽ biết cụm di tích đền làng Sòng vốn được xây ở nơi có mộ cổ thời Hán, để thờ Lê Hữu, con trai thái thú Cửu Chân Lê Ngọc, người chết trong cuộc chiến giữa tàn quân Tùy ở Cửu Chân với đoàn quân Đường sang tiếp quản vào năm 621. Như vậy, rõ ràng ở địa phương này, Liễu Hạnh chỉ là vị thần được du nhập sau, rồi phối thờ chung đền với các vị thần có từ trước. Thời điểm đền Sòng được xây lại, rồi chuyển sang thờ Liễu Hạnh được ghi chính xác là triều Lê Hiển Tông (cũng cuối thế kỉ 18). Ngoài ra, theo lời kể của Phạm Đình Hổ trong Tang Thương Ngẫu Lục, tính chất địa phương của tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh hiện lên rất rõ ràng, qua việc đến bà này chỉ được xây ở Thăng Long sau khi triều Lê sụp đổ trong biến loạn Tây Sơn, và đền phạm một điều cấm kị trong lẽ thường, là lấn cả đất đàn Nam Giao – trung tâm nghi lễ tế trời của chính quyền trung ương cũ.
Ngày nay, ngay cả những người thờ Liễu Hạnh cũng phải thừa nhận rằng trong một thời gian dài, chính quyền Lê – Trịnh đã gạt tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh ra ngoài vòng pháp luật, và dùng binh mã để đánh dẹp thẳng tay. Đỉnh cao của xung đột là cuộc chiến trên đất Thanh Hóa giữa Nội Đạo Tràng – một tôn giáo phù thủy miền núi dưới vỏ bọc nửa Đạo giáo, nửa Phật giáo mà chính quyền trung ương mượn tay, với tín ngưỡng miền biển thờ Liễu Hạnh. Như vậy, không thể có chuyện Liễu Hạnh từng giáng sinh ở Phố Cát, Thanh Hóa rồi được cư dân địa phương lập thờ ở đền Sòng, như trong một câu chuyện truyền tụng mâu thuẫn với thần tích chính thức về ba lần giáng sinh (đều ở Nam Định!) của Liễu Hạnh, và cũng không hề được ghi trong chính sử Việt Nam. Như vậy, dễ thấy đây chỉ là câu chuyện mà những người thờ Liễu Hạnh đời sau bịa ra, để chính đáng hóa và thần thánh hóa ngôi đền họ lén xây trên đất núi Sòng, trong hành trình chiếm địa bàn Thanh Hóa – đất “thang mộc” của nhà Trịnh, nhà Lê, và cũng là cái nôi cho ra đời Nội Đạo Tràng miền Trung – nhằm đúng lúc cả ba kẻ thù cũ này đang điêu đứng khi Tây Sơn ra Bắc.
Vì sao họ phải tranh thủ bành trướng xây đền, chính thức hóa hoạt động và bịa đặt lịch sử trong giai đoạn ngắn ngủi của cuộc chính biến Tây Sơn? Ngoài sự cáo chung của ba kẻ thù cũ nêu trên, còn có ba nguyên nhân khác. Thứ nhất, trong giai đoạn biến loạn, trăm họ chạy loạn, cả kẻ sĩ lẫn sách vở đều lưu lạc, việc bịa đặt lịch sử trở nên dễ dàng hơn. Thứ hai, trong thời loạn lạc, khi nền đạo đức cũ sụp đổ, mà nhu cầu tìm một chỗ dựa dẫm về mặt tinh thần của dân chúng lại gia tăng, các giáo phái nhảm nhí vớ ngay được môi trường thuận lợi để phát triển. Thứ ba, trong trật tự của một triều đại sung bái Nho học như triều Lê, hiển nhiên những đền thờ nữ thần địa phương, như Liễu Hạnh, sẽ nhất loạt bị coi là “dâm từ” mê tín dị đoan, và bị trung ương dẹp bỏ không thương tiếc. Tín ngưỡng Liễu Hạnh chỉ có cơ phất lên khi quân Tây Sơn Bắc Tiến, đem theo cùng với họ những truyền thống thờ nữ thần địa phương mang nhiều nét tương đồng, vốn xuất phát từ tục lệ của dân Chăm và Khmer.  Việc sau năm 1786, Thiên Y A Na – “bà chúa xứ” Chăm – chiếm một ngôi đền ở Thăng Long mà trước đó thờ tổ sư Lã Thuần Dương, là minh chứng rõ ràng cho việc Liễu Hạnh đã nương theo một phong trào thờ nữ thần mà dân Đàng Trong mang ra Bắc.
Móc nối các sự kiện kể trên, ta sẽ có một hình dung khá rõ về lịch sử thật đằng sau tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh. Trước tiên, phải khẳng định rằng ở xuất phát điểm, nó là một tín ngưỡng địa phương để thờ một nhân vật địa phương, người có hai bậc cha mẹ hiếm muộn, mà do nằm mơ, đã tin rằng con mình là tiên trên trời giáng thế. Tin đồn lan truyền, cư dân địa phương tôn đứa trẻ (vốn không thể hiện bất cứ một năng lực siêu nhiên hoặc tài năng thiên phú nào, ngay cả theo những thần tích chính thức!) làm thần, và thờ đứa trẻ bằng một tín ngưỡng địa phương, theo cùng cái cách mà đạo Hòa Hảo phát sinh ở vùng Nam Bộ. Sau khi cha mẹ mất, đứa trẻ dùng tiền quyên được từ con nhang đệ tử để xây dựng một số công trình phúc liệu, như đê điều, đền chùa, ở địa phương. Toàn bộ câu chuyện, bao gồm cả những lần “chuyển sinh” tiếp theo, đều khởi sinh từ các giấc mơ và các tin đồn, và đều chỉ gói gọn trong địa phương Nam Định.
Sự hình thành, và lan rộng sau đó, của tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh đặt ra một thách thức lớn cho chính quyền trung ương: Không khó nhận ra rằng tín ngưỡng thờ nữ thần địa phương trên cơ sở nằm mơ này vốn mâu thuẫn rõ ràng với vũ trụ quan Nho học của triều đình, vốn chỉ đề cao một ông trời nam tính. Quan trọng hơn, phải hiểu rằng ngay từ khi ra đời, tín ngưỡng Liễu Hạnh đã trỏ thành một tâm điểm để qui tụ tiền tài, nhân lực và niềm tin của cư dân trấn Sơn Nam, trên cơ sở một ý thức hệ mâu thuẫn với triều đình – tất yếu dẫn đến sự hình thành của một thế lực địa phương cát cứ. Và những lo lắng của chính quyền Lê – Trịnh là có cơ sở. Cần nhớ rằng để Bắc tiến, những cánh quân từ Đàng Trong bắt buộc phải đụng độ với trấn Sơn Nam. Nếu cư dân Sơn Nam chia sẻ một tôn giáo và ý thức hệ na ná Đàng Trong, nhưng lại đối lập với chính quyền Đàng Ngoài, đã thế còn có tài chính, phúc lợi và tổ chức riêng trên cơ sở tín ngưỡng, thì Sơn Nam có lí do nào để không bán Đàng Ngoài cho Đàng Trong? Chẳng đáng ngạc nhiên, khi quân Tây Sơn dễ dàng “thần tốc” ra Bắc, mang theo lối thờ phụng gần gũi với Sơn Nam, còn tín ngưỡng Liễu Hạnh ngang nhiên chiếm cứ những long mạch trọng yếu ở Thăng Long và đất Thanh Hóa quê vua, như thể đôi bên đã thương lượng để chia chác.  Bằng cùng một nước cờ này, chưa đầy một thế kỉ sau, quân Pháp dễ dàng đánh chiếm Việt Nam khi được các xứ đạo Nam Định, Ninh Bình cung cấp nơi ở, lương thực, dân quân, và quan trọng hơn, là gián điệp.
Từ khi giành được thế chính thống ngay trên đất Thăng Long, tín ngưỡng Liễu Hạnh đi tiếp một nước cờ, là chiếm mảnh đất khai sinh ra ba kẻ thù cũ. Và để chiếm cho chắc, họ phải bịa đặt lịch sử.
Chỉ dựa vào các con số, ta có thể thấy những người thờ Liễu Hạnh đã dùng đi dùng lại trò bịa đặt lịch sử để mạo nhận tính chính danh trên những vùng đất mà họ chiếm sau thời Tây Sơn. Chẳng hạn:
– Họ tuyên bố rằng phủ Tây Hồ được xây trong thế kỉ 17. Tuy nhiên, điều này là không thể, vì thế kỉ 17 là cao điểm của cuộc đàn áp mà chính quyền trung ương, ngự ở Thăng Long, dành cho tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh. Cần lưu ý rằng các sách nói về di tích của Thăng Long – Hà Nội cổ đầu thế kỉ 20, như Thăng Long cổ tích khảo, Long Biên bách nhị vịnh, Tây Hồ chí, Hà Thành linh tích cổ lục… đều không nhắc đến địa danh này. Vậy nên có nhiều khả năng đây là một công trình rất mới, mà người ta nói vống lên như thể có nguồn gốc xa xưa vững chắc.
– Phùng Khắc Khoan đi sứ năm 69 tuổi. Chuyến đi kéo dài 2 năm. Liệu có lí do không, khi một cụ già 71 tuổi làm câu đối ghẹo gái, và cô gái (Liễu Hạnh) trong câu đối lại gọi cụ già là “học trò”? Và ông Phùng có rảnh để xây chùa không, khi mà ông được cả một phái đoàn lên tận Nam Quan đón về, và vua Lê ra đọn ở bên kia bờ sông Cái?
– Bằng truyền thuyết về việc Liễu Hạnh biến thành cô gái bán nước ở Đèo Ngang, các tín đồ cố gán cho Liễu Hạnh một vai trò lịch sử trong biến cố Lê Lợi chiều ý phe Lê Sát mà phế Lê Tư Tề, lập Lê Nguyên Long.  Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong chính sử, biến cố này được ghi chép rất đầy đủ, không cho phép Liễu Hạnh có khoảng trống để chen vào. Trong Đại Việt thông sử, để gián tiếp khẳng định việc phế trưởng, lập thứ là do tranh chấp phe phái mà ra, Lê Quý Đôn thận trọng kể rằng việc Tư Tế “nói năng bừa bãi, không thuận tai vua” là do ba thị nữ tố cáo, chứ không hề có người khác chứng kiến. Toàn bộ câu chuyện diễn ra trong hoàng cung, và không có nhân chứng đáng tin, chứ đừng kể đến vai trò của một “cô bán hàng nước” ở Quảng Bình.
Chẳng khó để nhận ra câu chuyện “cô bán hàng nước” Liễu Hạnh làm thái tử bị điên là cực kỳ phi logic. Thứ nhất, nếu nghe tin đồn về một mỹ nữ Quảng Bình, vị thái tử mới lên chỉ cần hạ lệnh đưa cô gái về cung, chứ việc gì phải bỏ việc nước mà đến tận Đèo Ngang? Thứ hai, Lê Tư Tề được phong thái tử năm 1429, bị giáng năm 1433, và năm 1432 đang ở Lai Châu đánh Đèo Cát Hãn. Lê Lợi hiển nhiên không giao đại quân cho một đứa con bị điên, và một thái tử điên hẳn nhiên cũng không thể thắng trận, rồi bức hàng địch một cách ngoạn mục. Vậy thì cuộc gặp với Liễu Hạnh ở Đèo Ngang, nếu tồn tại, chỉ có cơ hội diễn ra giữa năm 1432 và 1433 – quá ngắn ngủi để di chuyển từ Lai Châu về kinh đô, rồi đến Quảng Bình, rồi lại trở lại. Nhân tiện, theo thần tích chính thức,  thì Liễu Hạnh giáng sinh vào bào thai người mẹ vào ngày 6 tháng 3 âm lịch năm Quý Sửu 1433, trong khi đến tháng 8 cùng năm, Lê Tư Tề bị giáng. Liễu Hạnh trong bụng mẹ có cơ hội nào để đến kinh thành gặp mặt Lê Lợi (người sẽ chết ngay cuối tháng 8) không?
Những người dốt sử không nên cố bịa đặt lịch sử.
Qua các con số, có thể thấy mọi lần vân du từng được ghi lại của Liễu Hạnh đều là chuyện bịa. Và bịa một cách vụng về, để chính đáng hóa việc chiếm các vùng linh địa của nhà Lê, và cả lịch sử của nhà Lê. Còn Liễu Hạnh thì trở về với bản chất thực, là một phụ nữ được cư dân địa phương tôn làm thần nhờ tin đồn từ lúc sinh ra, và không chứng tỏ được một khả năng nào trong suốt cuộc đời, ngoài việc đem tiền thu được từ con nhang đi làm từ thiện. Có nên đưa một tôn giáo địa phương, mà từ lâu đã bành trướng bằng tin đồn, bằng hoạt động tình báo chống chính quyền trung ương, và bằng việc bịa đặt lịch sử, thành quốc giáo hay không?

II. Tín ngưỡng Liễu Hạnh: Thuần Việt hay lai căng?
Có lý do nào để nâng tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh làm “quốc giáo” của Việt Nam? Những người thờ Liễu Hạnh chỉ đưa ra được một lý do: nó “thuần Việt”. Tuy nhiên, lý giải của họ dường như khá xa với thực tế. Dựa trên những chi tiết của thần tích chính thức, có thể khẳng định rằng tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh không những chẳng liên quan gì đến truyền thống Việt, mà còn là một sự pha trộn khá lai căng.
Ít nhất, chúng ta có thể biết rằng “đạo Liễu Hạnh” không tồn tại trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt trước thời Lê. Cần nhớ rằng trong giai đoạn Lý và Trần, các triều vua Việt Nam chủ yếu tập trung xiển dương Phật giáo. Đặc biệt, cho tới khi triều đại chạm buổi suy tàn, những nỗ lực phát triển tôn giáo chính thống này không hề hướng tới vấn đề lễ lạt, số lượng tín đồ hay quyền năng ma thuật – những đặc tính mà tín ngưỡng Liễu Hạnh mang nặng từ buổi đầu cho tới ngày nay – mà tập trung vào việc phát triển học thuật và nghệ thuật Phật giáo trên nền tảng văn hóa của tầng lớp tinh hoa. Sự ra đời của Khóa Hư Lục, những bài thơ thiền của lớp quý tộc thời Trần, và thái độ của người chép sử trong cuốn Thiền Uyển Tập Anh là những minh chứng thuyết phục cho khuynh hướng đó. Ngoài ra, từ thời Trần, trong dân gian còn phổ biến tín ngưỡng thờ hệ thống mười ông hoàng – mà thực chất là mười con rồng trấn thủ mười địa bàn của quốc gia. Còn sinh hoạt thờ cúng các vị thần địa phương, thì nói chung không tạo thành hệ thống, lớp lang, và cũng không dựa trên nền tảng của một triết lý hay lý tưởng.
Về mặt lịch sử, không khó để thấy rằng Liễu Hạnh hoàn toàn vắng bóng trong tất cả các ghi chép trước thời Lê. Chưa kể ngay trong buổi đầu xuất hiện dưới triều Trịnh – Lê, tín ngưỡng này còn bị các lực lượng chính thống của quốc gia đồng lòng coi là tà giáo. Cộng thêm tính địa phương rõ rệt mà bài trước đã chỉ ra, ta có thể khẳng định rằng tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh không liên quan đến truyền thống văn hóa chung của dân tộc. Nếu nói rằng chỉ ba thế kỷ phát triển cũng đã đủ để tín ngưỡng này trở thành truyền thống quốc gia, thì cần nhớ rằng so với “đạo Liễu Hạnh”, Công giáo đã du nhập vào Việt Nam gần như đồng thời, và vượt trội hơn hẳn về cả số lượng tín đồ, địa bàn hoạt động lẫn qui củ trong tổ chức.
Sau cùng, không khó để nhận ra “đạo Liễu Hạnh” là một tín ngưỡng lai căng, chứ không hề thuần Việt. Theo thần tích chính thức, Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng bị giáng xuống trần đầu thai. Như vậy, ngay ở xuất phát điểm, rõ ràng tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh bắt nguồn từ những niềm tin dân gian liên quan đến các phái Đạo giáo phù thủy (chứ không phải Lão Trang!) gốc Trung Hoa. Tiếp theo, qua câu chuyện truyền tụng (mà bản chất là tin đồn) về việc Liễu Hạnh được Phật tổ cứu, sau đó độ thành Phật trong cuộc chiến ở Thanh Hóa với Nội Đạo Tràng, ta có thể thấy nỗ lực lớn của các tín đồ trong việc khoác cho “đạo Liễu Hạnh” cái vỏ Phật giáo. Nhờ nỗ lực này, trong cuộc bành trướng giữa thời loạn lạc, Liễu Hạnh nghiễm nhiên được đưa vào thờ chung trong các chùa chiền, dù chẳng liên quan gì đến hệ thống tư tưởng của Thích Ca. Trong một cố gắng tương tự, các tín đồ đã tích hợp “đạo Liễu Hạnh” gốc Nam Định vào tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ cuối thời Lê, để tạo nên một tổ hợp “tứ phủ” khập khiễng. Nhân vật Liễu Hạnh – một nhà từ thiện ở tỉnh Nam Định, được dân chúng phong thần chỉ do nằm mộng – thì liên quan gì đến hệ thống Tam phủ xuất phát từ miền núi, với một vũ trụ quan hoàn chỉnh chia thế giới thành ba miền Trời, Rừng và Nước, mỗi miền được tượng trưng bằng một người Mẹ vừa sáng tạo, vừa trông coi? Và có lý do gì đểgọi Liễu Hạnh là “Mẫu”, người sáng tạo ra một yếu tố tự nhiên hay không, khi mà trong thần tích nguyên bản, Liễu Hạnh chỉ là một công chúa, con của ông Ngọc Hoàng trong hệ thống Trung Quốc? Không, nhưng người ta không đặt câu hỏi. Và chỉ chờ có thế, vẫn bằng màn “phối thờ”, vị thần ngoại lai Liễu Hạnh đã nhanh chóng chiếm lĩnh hầu hết các đền thờ đạo Mẫu, cho tới khi có đủ tiềm lực để huênh hoang xưng là vị thần chủ của đạo Mẫu như ta thấy ngày nay.
Việc Liễu Hạnh được cho là một trong “tứ bất tử” của Việt Nam cũng là thành quả của một sự mạo nhận. Trong thực tế, khái niệm “tứ bất tử” chưa hề được đề cập đến trong bất cứ một tài liệu nào của Việt Nam, cho tới khi Nguyễn Trãi dùng ba chữ này trong tập Dư Địa Chí. Hành động phong thần này của Nguyễn Trãi đương nhiên xuất phát từ động cơ chính trị: tuyên bố rằng Đại Việt là một mảnh đất tự chủ, nằm dưới sự cai quản của những vị thần bản địa hoàn toàn không dính dáng đến hệ thống Trung Hoa. Vì lúc này Liễu Hạnh chưa ra đời, đương nhiên Liễu Hạnh không phải là một trong “tứ bất tử”. Cho đến thế kỷ 17, ngay khi “đạo Liễu Hạnh” đang trên đà bành trướng mạnh mẽ, Nguyễn Tông Quai vẫn chú giải Dư Địa Chí như sau:
“… Người đời Thanh nói: Tản Viên Đại Vương đi từ biển lên núi, Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa bay lên không trung, Đồng tử nhà họ Chử gậy nón lên trời; Ninh Sơn (nay là Sài Sơn) Từ Đạo Hạnh in dấu vào đá để đầu thai. Ấy là An Nam Tứ bất tử vậy.”
Nếu có thể đưa Liễu Hạnh vào choán chỗ của Từ Đạo Hạnh trong ban bệ nêu trên, thì chẳng hóa ra “tứ bất tử” không bất tử? Và vì sao phải đưa? Trong khi Liễu Hạnh không hề có công với quốc gia như bốn vị kia? Và trong khi Liễu Hạnh, một nhân vật tự xưng là con gái của ông Ngọc hoàng Trung Hoa, rõ ràng không phù hợp với chủ ý của Nguyễn Trãi?
Rốt cuộc, giờ đây, dường như “đạo Liễu Hạnh” đã trở thành một mớ hổ lốn không thuần Việt, cũng chẳng thuần Nam Định. Nó là con chimera kệch cỡm, sinh ra từ việc một tín ngưỡng địa phương Việt Nam mượn danh Đạo giáo phù thủy Trung Quốc để mê hoặc quần chúng, mượn danh Phật giáo, mạo danh đạo Mẫu để chiếm đền chùa, bành trướng lan rộng, rồi đá ông Từ Đạo Hạnh ra khỏi ngôi “tứ bất tử” của dân tộc Việt để chễm chệ ngồi vào thay. Khi cố giới thiệu một tín ngưỡng như vậy như là quốc giáo thuần Việt, liệu những tín đồ nhiệt thành của “đạo Liễu Hạnh” có đang xúc phạm dân tộc Việt Nam không?

III. Tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh: Một sinh hoạt mê tín thuần túy
Những vị cố đưa tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh thành quốc giáo đã bỏ qua một vấn đề quan trọng. Đó là “đạo Liễu Hạnh” chưa có đủ tư cách để được công nhận là một tôn giáo: sau mấy trăm năm hoạt động, nó vẫn chỉ là một sinh hoạt tín ngưỡng mang đậm màu sắc mê tín dị đoan mà thôi. Nó không xuất phát từ bất cứ một triết thuyết hay lý tưởng nào. Nó không có giáo luật và hệ thống cấp bậc giáo chức. Đương nhiên nó không có thi cử. Mọi sinh hoạt của tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh đều chỉ xoay quanh một nội dung duy nhất: cầu cúng các thế lực vô hình (mà chưa chắc đã có thật) để xin xỏ quyền lợi vật chất trong cõi dương. Những sinh hoạt tín ngưỡng kiểu đó chắc chắn bị mọi nhánh Thiên chúa giáo coi là hành vi bán linh hồn cho ma quỷ, còn trong triết lý Phật giáo, chúng là những hành vi tạo nghiệp, và làm con người lún sâu vào vòng luẩn quẩn của Tham, Sân, Si. Nếu xét kỹ theo pháp luật Việt Nam, thì ngay từ đầu, tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh đã phải được xem là một sinh hoạt mê tín. Rốt cuộc, nếu cha mẹ Liễu Hạnh không nằm mơ thấy con mình là tiên nữ, thì có lý do gì để dân chúng thờ Liễu Hạnh hay không? Nếu không có hiệu ứng tin đồn, liệu những thần tích về Liễu Hạnh, mà đa phần là bịa đặt lịch sử như chúng tôi đã chứng minh, liệu có thể lan truyền trong dân chúng? Và Liễu Hạnh có công đức gì với dân chúng trong địa bàn Nam Định, ngoài việc đem chính tiền của họ ra xây các công trình phúc lợi cho họ – một việc còn dưới cả mức công đức của các hoạt động thiện nguyện ngày nay? Đó là chưa kể đến việc “đạo Liễu Hạnh” không những không có công gì với dân tộc, mà còn nhiều lần bịa đặt lịch sử dân tộc Việt Nam, và góp phần gây ra tình trạng binh đao, loạn lạc giúp họ bành trướng. Nếu Liễu Hạnh – một sự tổng hợp của Phan Thị Bích Hằng và MC Phan Anh – đáng được thờ thành thần, thì phải nói rằng hai nhân vật công chúng nêu trên cũng xứng đáng tương tự. Nhưng vì Hằng và Phan Anh chỉ là hai gương mặt nhảm nhí, ta không có lý do để tôn thờ một nhân vật nhảm nhí bằng cả hai vị này cộng lại với nhau.

IV. Quản lý thế nào?
Một sinh hoạt tín ngưỡng không dựa trên triết thuyết hay lý tưởng, không có hệ thống giáo luật và hàng giáo chức, không tôn trọng lịch sử và chỉ dùng tin đồn để lây lan, hiển nhiên sẽ góp phần làm suy thoái đời sống tinh thần của người dân, và tạo ra nhiều tiêu cực, hỗn loạn trong xã hội. Tôi tin rằng ngay cả các tín đồ cuồng tín nhất của “đạo Liễu Hạnh” cũng không thể chỉ ra được một đền thờ Liễu Hạnh có không khí yên tĩnh, thanh tịnh, uy nghiêm. Nếu một tín ngưỡng không thể tạo ra được không khí thanh tịnh, mà chỉ tạo ra cảnh nhốn nháo, chen chúc của đám đông mê muội cầu xin quyền lợi vật chất, thì tín ngưỡng đó còn tồn tại để làm gì?
Tất nhiên, tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh, và các hoạt động hầu đồng biến tướng mang màu sắc tương tự cũng đại diện cho quyền lợi kinh tế, chính trị của một bộ phận không nhỏ dân chúng. Chẳng hạn, ít ai biết rằng những biến tướng của tín ngưỡng thờ Ông hoàng Bảy có liên quan đến các đường dây buôn ma túy và vũ khí giữa Việt Nam và Trung Quốc theo ngả Lào Cai. Trong bài “Nghệ sĩ nói gì khi hầu đồng là di sản văn hóa phi vật thể”, nhà báo kể ra một loạt “nghệ sĩ” đang “theo hầu cửa thánh”, như Thúy Hường, Lan Hương, Hoài Linh, Xuân Hinh, Vượng râu,Thiên Bảo…, với một thái độ hí hửng, gần với sự xun xoe và sùng tín hơn là thái độ phù hợp của báo chí khách quan. Trong bài, các nghệ sĩ đua nhau khoe mình đến hầu đồng nhờ có duyên, có căn, hay dường như có “linh tính mách bảo”… Nhưng cái mách bảo họ thực ra không bí hiểm như thế: nếu tiền diễn thông thường của nghệ sĩ sân khấu truyền thống thường không đủ đong gạo, thì sau mỗi show hát văn hầu đồng, họ đút túi vài trăm triệu ngon ơ. Tương tự, các nhà nghiên cứu với năng lực không cao lắm trong viện Hán Nôm cũng tìm được từ ngành kinh doanh này một khoản thu thường xuyên. Chẳng đáng ngạc nhiên, khi họ tích cực đưa hầu đồng vào chương trình học chính thức của khoa Du lịch trường ĐH Văn hóa và ĐH Nhân văn, cũng như nhiều sinh hoạt văn nghệ của hai trường đó. Cũng chẳng đáng ngạc nhiên, khi tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện của viện Hán Nôm – một gương mặt chủ chốt của CLB Hát văn Việt Nam – sẵn lòng gạt lịch hoạt động xã hội rất sôi động của ông sang một bên, để ngồi ngay hàng ghế đầu trong buổi lễ mừng chiến thắng UNESCO, kề bên nhiều vị quan chức chính quyền của thành phố Hà Nội. Bạn tôi nói đùa rằng nếu có một ngọn cờ nào đủ sức đoàn kết đông đảo các thành phần dân tộc trong thời buổi này – bao gồm cả trí thức, văn nghệ sĩ, dân kinh doanh, quan chức, xã hội đen, các nhóm đối lập chính trị lẫn sinh viên, thì đó có khi lại là ngọn cờ hầu đồng. Thật là vinh quang biết mấy.
Cho nên nếu ai đó bắt đầu tuyên truyền rằng tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh là tín ngưỡng duy nhất thuần Việt, rồi dần dần vận động cho nó được trở thành quốc giáo, thì dù đây có là một cuộc vận động vớ vẩn, có khi họ có đủ tiềm năng làm thế thật không biết chừng.
Nhà chức trách nên làm gì để quản lý một tín ngưỡng vừa lộn xộn và mang màu sắc mê tín dị đoan, vừa đông và nguy hiểm như thế?
Là một người yêu chuộng tự do, tôi đề nghị không cấm đoán “đạo Liễu Hạnh” và các hoạt động đồng cốt, bói toán vì tài lộc tương tự. Thay vào đó, các cơ quan chức năng chỉ cần thẳng thắn thừa nhận một sự thật: tất cả các tụ điểm sinh hoạt lên đồng, bói toán, bán khoán, dâng sao giải hạn… hiện nay đều là các tụ điểm kinh doanh. Mà đã kinh doanh thì phải nộp thuế theo đúng qui định của luật pháp Việt Nam. Và không chỉ có vậy, vì các tụ điểm tín ngưỡng này có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, trật tự của xã hội và đời sống tinh thần của nhân dân, luật pháp còn nên qui định rằng họ phải minh bạch mọi khoản thu, chi tài chính với công chúng.
Theo tôi, những qui định này không có gì là khó thực hiện. Nếu người sinh hoạt tín ngưỡng thật sự có tấm lòng trong sạch và ưa chuộng đạo lý, họ sẽ không có nhu cầu giấu giếm, và sẵn sàng minh bạch tài chính với công chúng để ngặn chặn các bất cập, biến tướng phát sinh. Còn nếu họ từ chối, chắc chắn họ có nhu cầu che giấu những hanh vi khuất tất của minh. Lúc đó, cơ quan chức năng cứ việc xử lý theo pháp luật.
Share
http://bookhunterclub.com/co-nen-ton-tin-nguong-tho-lieu-hanh-lam-quoc-giao/



---





BỔ SUNG


.

2. Những người điều hành trang Book Hunter
"
NHÀ VĂN HÀ THỦY NGUYÊN


“…Nghệ sĩ đích thực đi tìm bản thân sự vô hạn, không tô vẽ chúng bằng Thượng Đế hay Chân Lý hay Sự Thật. Ngày qua ngày, họ bóc trần từng lớp vỏ của mình, họ đói khát cảm giác nguyên thủy. Không thể giết con mồi, lại không thể giết người, họ đành giết chính mình. Ban đầu là bộ quần áo, rồi đến lớp da, đến xương thịt, và ngay cả linh hồn… họ cũng không ngần ngại bóp chết. Chỉ trở thành hư vô, họ mới có thể là vô hạn, nếu không chỉ là bụi, và bụi thì chính là đám đông cặn bã…”
Trích “Mặt trăng, Thợ săn, những ký ức trong rừng thẳm” – Hà Thủy Nguyên

Nhà văn, biên kịch Hà Thủy Nguyên
Tên thật: Nguyễn Thị Phương Thảo
Ngày sinh: 01/12/1986
Hiện đang sống tại Hà Nội
Tác phẩm văn chương:
Tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian” (NXB Phụ Nữ, 2004)
Tiểu thuyết “Cầm thư quán” (NXB Phụ Nữ, 2008) – Amazon
Tiểu thuyết “Thiên Mã” (NXB Kim Đồng, 2011)
Tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa” (NXB Lao Động, Nhà sách Bách Việt, 2013) 
Tác phẩm phim ảnh:
Phim truyền hình “Đi về phía mặt trời” (Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, HTV9, 2005)
Phim truyền hình “Vòng nguyệt quế” (Đạo diễn Mai Hồng Phong, VTV1, 2008)
Phim truyền hình “Blog nàng dâu” (Đạo diễn Mai Hồng Phong, VTV 3, 2009)
Phim truyền hình “Nếp nhà” (Đạo diễn Vũ Trường Khoa, VTV1, 2010)
Hoạt động xã hội
Admin quản lý nội dung tại Book Hunter & Hang Cáo

Tổ chức và điều hành phong trào “Người tiêu dùng cần biết về GMO”
Giảng dạy các lớp “Phương pháp sáng tác văn chương” và “Các nguyên tắc viết căn bản” tại BookHunter
"
http://hathuynguyen.com/ha-thuy-nguyen/





1Trang Book Hunter này có mở các khóa học về viết

"

NỘI DUNG
“Các nguyên tắc Viết căn bản” là Online Workshop được cải tiến từ khóa học “Viết để biểu hiện bản thân” của Book Hunter, để đáp ứng nhu cầu của những bạn mong muốn có một bài viết nghị luận chuẩn mực (tiểu luận, báo chí, nghiên cứu…), gia tăng tính thực hành và tiếp cận được các bạn có nhu cầu tham gia học ở bất cứ đâu trên thế giới.
Những buổi học trong “Các nguyên tắc Viết căn bản” sẽ bao gồm phần lý thuyết, bài tập làm trực tiếp, các bài trắc nghiệm phù hợp với từng phần nội dung. Trước khi bắt đầu khóa học, các bạn sẽ đăng ký viết 1 chủ đề tự chọn (không phải sáng tác văn chương). Trong quá trình học, chúng tôi sẽ hướng dẫn để các bạn có thể hoàn thành chủ đề đã đăng ký. Các bài viết hoàn thành sẽ được hướng dẫn sửa chữa đầy đủ và đăng tải trên website. Sau 6 buổi học chính thức, chúng tôi sẽ có 2 tháng hỗ trợ quá trình luyện tập của các bạn.
Người hướng dẫn: Nhà văn Hà Thủy Nguyên & Nguyễn Phương Mạnh
————
Trong khóa “Các nguyên tắc Viết căn bản”, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn tiếp cận các vấn đề sau:
Buổi 1: Các hình thức văn bản Viết – Giới thiệu các hình thức văn bản báo chí, nghiên cứu khoa học, bài thể hiện quan điểm và sự khác nhau trong tư duy viết của từng loại văn bản. (Hà Thủy Nguyên)
Buổi 2: Các lỗi tư duy thường gặp trong khi Viết – Giải quyết các lỗi tư duy dẫn đến bài viết bị rơi vào thiếu hệ thống, thiếu cơ sở. (Nguyễn Phương Mạnh)
Buổi 3: Cách tìm kiếm và sắp xếp thông tin phục vụ văn bản (Nguyễn Phương Mạnh)
Buổi 4: Phương pháp cải thiện vốn từ tiếng Việt (Hà Thủy Nguyên)
Buổi 5: Các bước để có một văn bản hay (Hà Thủy Nguyên)
Buổi 6: Xây dựng nền tảng kiến thức cá nhân (Hà Thủy Nguyên)
Sau 6 buổi học sẽ có 8 bài tập tương ứng với 8 tuần hỗ trợ để giúp các bạn thực hành và rèn luyện tốt hơn.
————
Số lượng học viên tối đa: 10 người
Thời gian: 20h30 – 21h30 các buổi thứ 3, thứ 6 và Chủ Nhật trong tuần
Hình thức học: Giảng viên giảng bài trực tiếp Online, kết hợp với slide và các bài tập thực hành
Học phí: 800.000 (6 buổi + 8 tuần luyện tập)
Với những bạn đã tham gia khóa “Viết để biểu hiện bản thân”, có thể đăng ký học bổ sung với mức học phí phụ thêm là 300.000/người.
————
Với chương trình học “Các nguyên tắc viết căn bản”, chúng tôi hi vọng mang lại cho các bạn không chỉ kỹ năng viết, mà còn là cách xây dựng tư duy trong quá trình sắp xếp thông tin và trình bày văn bản, cách xử lý các vấn đề tâm lý, cách xây dựng chuẩn mực cá nhân trong viết.

Vui lòng liên hệ SĐT: 0911.185.338
————
Tìm hiểu thêm về người hướng dẫn:
Nhà văn Hà Thủy Nguyên: http://hathuynguyen.com/
Họ và tên

Câu trả lời của bạn
Ngày sinh
Ngày
Nghề nghiệp

Câu trả lời của bạn
Email
Câu trả lời của bạn
Điện thoại

Câu trả lời của bạn
Bạn biết tới khóa học qua đâu?


Facebook

Email

Bạn bè giới thiệu


Mục khác:


Lý do tham gia khóa học
"
https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSexWlv7yAMKFk6enEVDN_TRlo3Oke9TSfym77HkqfarSejXUA/viewform?c=0&w=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.