Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

01/10/2014

Hồng Kông : một cái nôi của cách mạng Việt Nam

Lúc quốc gia trở thành thuộc địa, quốc dân trở thành mất nước, những người anh hùng đã thực sự đi tìm đường cứu nước. Và Hồng Kông, với tính chất riêng trong vị trí địa chính trị, mà trở thành một cái nôi của cách mạng Việt Nam. Nhiều nhóm, nhiều trường phái, nhiều thủ lĩnh đã kết tập ở Hồng Kông.


1. Phái đỏ thì rõ ràng ngày 3 tháng 2 năm 1930, tại Cửu Long (Hồng Kông), Đảng Cộng sản Đông Dương đã được thành lập. Hội nghị thứ nhất của BCHTW vào tháng 10 năm đó, thông qua Luận cương chính trị (Trần Phú), cũng là tại Hồng Kông. 

2. Cuốn Hồ Chí Minh truyện in năm 1949, tuy do nhà xuất bản Bát Nguyệt có trụ sở chính ở Thượng Hải ấn hành, nhưng xưởng in trên thực tế, và cũng là nơi ra sách trên thực tế vẫn là Hồng Kông. Giá ghi trên sách là tiền HK.

Vì cái ảnh đã thấy lâu nay (ở đây) hơi mờ, không thấy rõ được địa chỉ xưởng in cũng như công ty phát hành sách ở Hồng Kông. 



Nên hôm nay, đưa cái rõ lên. Đây:




Và đây là địa chỉ (theo cái ảnh chụp cuống sách ở trên):

(1). Nhà in: Công ty trách nhiệm hữu hạn in ấn Gia Hoa, số 308 đường Đức Phụ  (tây) - Hồng Kông (Hương Cảng).

(2) Tổng đại lí phát hành: Công ty cung ứng văn hóa Hồng Kông, lầu 3 số 37 đường Đại Đạo (trung) - Hồng Kông (Hương Cảng).

3. Về cuốn này, từ năm 1990, học giả Phan Văn Các thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm (cơ quan mà ông là Viện trưởng thời gian đó) đã công bố chi tiết như sau:



Rõ ràng là cụ Phan có hơi nhầm một chút trong ghi chú.




Bổ sung 1 (05/10/2014):

Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông và tình bạn thủy chung Hồ Chí Minh - Loseby

Được đăng ngày Thứ tư, 02 Tháng 10 2013 16:36

http://www.bqllang.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1723:v-an-nguy-n-ai-qu-c-h-ng-kong-va-tinh-b-n-th-y-chung-h-chi-minh-loseby&catid=99&Itemid=743&lang=vi
Mùa xuân năm 1930, sau khi triệu tập và chủ trì thành công Hội nghị hợp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ tiếp tục ở lại Hồng Kông, hoạt động cách mạng. Người ở tại ngôi nhà 186 phố Tam Kung, Cửu Long - Hương Cảng, và nơi đó trở thành trụ sở liên lạc bí mật giữa Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí khác.
1. Nguyễn Ái Quốc những năm 1931 - 1933
Kể từ khi thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp ký tên vào bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Vecxay - Pháp, cho đến khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một nhân vật quan trọng trong kế hoạch lùng bắt của thực dân Pháp. Vì vậy, hoạt động giữa vòng vây của nhiều kẻ thù, kèm theo một án tử hình vắng mặt của toà Đại hình Vinh theo phán quyết số 115 (10-10-1929), cùng lệnh truy nã ráo riết của thực dân Pháp luôn là những khó khăn, là những hiểm nguy cận kề đối với Nguyễn Ái Quốc. Trong khi những bản tin hàng ngày của cảnh sát hình sự Bắc Kỳ luôn cập nhật những thông tin hoạt động và ảnh của Nguyễn Ái Quốc: “Tin tình báo: Đã ở lâu năm tại Mỹ, Anh, Pháp và Nga, hiện nay có lẽ đang ở Viễn Đông, có thể là Đông Dương”(1), thì dù đã rất cẩn trọng nhưng thật không may, địa chỉ Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đã vô tình rơi vào tay mật thám Anh (khi cảnh sát Xingapo bắt dược Sécgiơ Lơphơrăng - Serge Lefranc). Cuộc mặc cả giữa mật thám Pháp ở Đông Dương và mật thám Anh ở Hồng Kông, kèm theo những điều kiện có lợi cho cả hai bên đã dẫn đến cuộc vây ráp, bắt lén Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ ở số nhà 186 Tam Kung - Hương Cảng (6-6-1931).
Thực dân Pháp rất mừng trước việc Nguyễn Ái Quốc bị bắt. Toàn quyền Rôbanh (Robin) đã điện từ Hà Nội vào báo tin cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, Bộ Ngoại giao Pháp và Tổng Lãnh sự Pháp tại Hồng Kông về “niềm vui bất ngờ này” và đồng thời mở cuộc vận động chính quyền Hồng Kông giao Nguyễn Ái Quốc cho chính quyền Pháp bằng cách dẫn độ về Đông Dương hoặc giam giữ ở một nơi xa xôi nào đó của Anh trên nguyên tắc “có đi có lại”, chứ tuyệt nhiên không được “trả tự do” cho Người, vì “trả tự do cho con người vô cùng năng động và nguy hiểm này là khả năng cần phải tránh bằng mọi giá”(2). Không chỉ có vậy, nhấn mạnh việc “trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc chỉ có thể làm trầm trọng thêm những hoạt động có hại của phong trào Đông Dương”, chính quyền Pháp còn vận động chính quyền Anh ở Luân Đôn giao Nguyễn Ái Quốc cho chúng, v.v..
 Trong khi đó, biết tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt, Hồ Tùng Mậu, qua Liên đoàn Quốc tế cứu tế đỏ đã đến gặp Luật sư Loseby (Francis Henry Loseby) - một luật sư tiến bộ người Anh ở Hồng Kông nhờ giúp đỡ. Việc bắt lén người trái pháp luật đã bị bại lộ khi báo chí đồng loạt đưa tin sự kiện Nguyễn Ái Quốc bị bắt. Và để hợp pháp hóa việc bắt giữ, Thống đốc Hồng Kông đã phải ra lệnh bắt giam Người nhiều lần và Sở cảnh sát Hồng Kông buộc phải đồng ý để luật sư vào gặp Tống Văn Sơ (24-6-1931).
Luật sư đã tìm cách bào chữa và ngăn cản âm mưu của chính quyền Hồng Kông giao nộp Nguyễn Ái Quốc cho chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Gặp gỡ và hỏi chuyện Tống Văn Sơ ở nhà lao, sau khi tiếp xúc và trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ án mà luật sư nêu ra, người tù Tống Văn Sơ cảm ơn sự quan tâm của luật sư đối với mình, và tỏ ý băn khoăn vì không có tiền để trả công cho ông. Trước một người thanh niên Việt Nam gầy, xanh, song vẻ cương nghị, sự thông minh trong từng câu nói bằng tiếng Anh và đôi mắt sáng đã làm luật sư xúc động. Luật sư chân tình nói: Tôi nhận giúp vì danh dự chứ không phải vì tiền. Luật sư nói sẽ ra sức cứu giúp, mong người tù hãy tin tưởng và hãy cung cấp cho luật sư những điều gì có thể giúp trong việc bênh vực…Và rằng, biết được mỗi người cách mạng đều có bí mật riêng của họ, nên ông đã không muốn hỏi thêm nhiều nữa…
Thời gian Tống Văn Sơ bị giam giữ cũng đồng thời là khoảng thời gian nước rút của cuộc đua giữa một bên là gia đình luật sư và những người bảo vệ Tống Văn Sơ, một bên khác là sự cấu kết, có điều kiện của mật thám Anh và mật thám Pháp muốn hãm hại Tống Văn Sơ. Dưới sức ép của dư luận và những phương tiện thông tin báo chí như: Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp ngày 19-6-1931 đăng bài “Bọn đế quốc câu kết với nhau. Người Anh đã bắt nhà cách mạng An Nam ở Thượng Hải” - thực chất Người bị bắt ở Hồng Kông và khẳng định: “Vụ bắt Nguyễn Ái Quốc không dập tắt được làn sóng cách mạng của nhân dân Đông Dương”. Báo Điện tín Hồng Kông ngày 22-6-1931 thì đưa tin “Một vụ bắt giữ quan trọng ở Hồng Kông. Thành công của Chính phủ Pháp. Nhà lãnh đạo An Nam bị bắt”, còn báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 20-7-1931 khi đang bài “Vụ án Nguyễn - Người yêu nước” đã đưa ra câu hỏi đặt ra trong Phủ Toàn quyền Đông Dương là” hiện Nguyễn Ái Quốc có bị trục xuất hay không”, v.v.. luật sư Loseby đã đưa vụ án Tống Văn Sơ ra xử trước Tòa tối cao.
 Lần đầu tiên trong lịch sử thuộc địa, Toà án tối cao phải xét xử một bản án chính trị. Tính chất đặc biệt của vụ án, sự giúp đỡ cùng tài trí của luật sư và người cộng sự, sự thông minh và nhất quán trong từng câu trả lời của Tống Văn Sơ đã buộc toà án phải xét xử một cách công khai. Tống Văn Sơ phải trải qua ba cuộc thẩm vấn của Thư ký Trung Hoa vụ Hồng Kông và 9 phiên toà xét xử tại Hồng Kông (ngày 31-7-1931 là phiên thứ nhất, diễn ra trong không khí căng thẳng, quyết liệt và phiên cuối cùng kết thúc vào ngày 12-9-1931).
Luật sư Gien Kin (F.C. JenKin), người cộng sự thay mặt luật sư Loseby bào chữa trước toà cho Tống Văn Sơ suốt chín phiên đã vạch ra những điểm sai trái, vi phạm luật của chính quyền Hồng Kông. Ngay phiên thứ nhất (31-7-1931), Luật sư đã cho rằng: “Những bị can đã bị cảnh sát bắt ngày 6 tháng 6 mà không có lệnh bắt giữ là một việc làm bất hợp pháp”(3). Ở phiên thứ hai (14-8-1931) thì ông nhấn mạnh: “Chỉ có chính quyền mới là người có quyền trục xuất ngay tức khắc và ban hành bất cứ một lệnh nào. Yêu cầu Tòa đề nghị công tố bảo đảm không thực hiện lệnh trục xuất chừng nào tính pháp lý của lệnh đó chưa được khẳng định”(4). Cũng tại phiên thứ hai, luật sư cho rằng: Lời khai có tuyên thệ của Tống Văn Sơ tố cáo nội dung thẩm vấn của ban Thư ký Trung Hoa vụ do Công tố Alabaxtơ đọc không đúng luật, trong đó nêu rõ ý kiến của nguyên đơn là nếu bị “trục xuất đến Đông Dương, tôi (Tống Văn Sơ) sẽ bị giết, dù có xét xử hay không xét xử”. Phiên tòa thứ ba (15-8-1931) là một cuộc tranh cãi về trục xuất, và phản đối việc giao nộp Tống Văn Sơ cho người Pháp…trong đó Tống Văn Sơ nói rằng: “Tôi không muốn bị trục xuất. Tôi muốn được tự do… tôi muốn được sang Anh quốc”(5). Tiếp theo, trong phiên thứ tư (20-8-1931), Tòa tuyên bố lệnh trục xuất thứ nhất là sai do nội dung thẩm vấn sai, và Công tố tuyên bố lệnh trục xuất thứ hai vừa được ban hành vào chiều ngày thứ 7 (15-8). Luật sư cho rằng việc ban hành một lệnh mới giữa hai phiên tòa là sai trái…Tại phiên tòa thứ năm (24-8-1931), Luật sư đề nghị Tòa áp dụng Luật Bảo thân (Habeas Corpus) cho Tống Văn Sơ. Điểm đặc biệt của phiên này là những lời chỉ trích mạnh mẽ Hội đồng hành pháp về “sự lừa dối và bịp bợm”. Theo luật sư cả hai lệnh trục xuất (lệnh trục xuất và lệnh buộc phải lên một tàu biển) cũng đều bất hợp pháp… Ông cho rằng “lệnh trục xuất Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương thực chất là sự dẫn độ trá hình nhằm đưa Nguyễn Ái Quốc vào chỗ chết”. Và lệnh trục xuất có điều kiện này chính là nhằm pháp hóa nội dung bức thư ngày 31-7-1931 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp nói Bộ Thuộc địa Anh hứa sẽ làm mọi cách để ngăn chặn Nguyễn Ái Quốc trên tinh thần “sẽ yêu cầu Bộ Thuộc địa làm mọi cách để kẻ phiến loạn Đông Dương này không thể tiếp tục hoạt động được nữa”.
Trong phiên thứ sáu (25-8-1931), Luật sư yêu cầu Công tố tuyên bố tài liệu đánh máy câu hỏi và câu trả lời của Tống Văn Sơ do Trung Hoa Thư ký vụ đưa ra, trong đó nêu Tống Văn Sơ cung khai bí danh thứ ba Nguyễn Ái Quốc “là tài liệu giả” để ép cung. Trước tòa, công tố viên đã đọc lời khai của Tống Văn Sơ trong các phiên thẩm vấn, nhưng Người đã không công nhận những điều xuyên tạc trong biên bản, đồng thời, sự thông minh, nhất quán và thận trọng trong từng câu trả lời, đã khiến Tòa không thể khép Người vào bất cứ tội danh nào để đưa về Đông Dương. Đến phiên thứ bảy (2-9-1931), những tình tiết cụ thể cho thấy: Sự thừa nhận Tống Văn Sơ bị bắt, bị giam giữ bất hợp pháp cho thấy chính quyền Hoàng gia có hai đuối lý theo điều khoản trong sắc lệnh của Hồng Kông, vì vậy: Trục xuất Tống Văn Sơ nghĩa là “không thể làm cho việc giam giữ bất hợp pháp trở thành hợp pháp bằng việc ban hành một lệnh hợp lệ”(6). Vấn đề đòi trả tự do cho Tống Văn Sơ không được giải quyết dứt điểm tại Tòa Hồng Kông, bởi rằng: Dù biết Nguyễn Ái Quốc vô tội, biết chính quyền thực dân Pháp muốn đưa Người về Đông Dương để in án tử hình, song để “không làm mất lòng nhau”, chính quyền Luân Đôn vẫn chỉ thị Thống đốc Hồng Kông ra lệnh trục xuất Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương. Trong phiên thứ tám (11-9-1931), mặc dù đã thừa nhận những điều sai trái trong quá trình bắt Người, song Tòa vẫn quyết định thực hiện lệnh trục xuất Nguyễn Ái Quốc. Luật sư GienKin đã kịch liệt phản đối về tính hợp pháp lệnh trục xuất của Thống đốc, và thông báo sẽ kháng án lên Hội đồng Cơ mật. Và phiên cuối cùng - phiên thứ chín (12-9-1931), Tòa đã cho phép kháng án lên Hội đồng Cơ mật và chỉ thị rằng: Hồ sơ phải được chuẩn bị và gửi đi trong vòng ba tháng.
Tiền án phí và những thủ tục bắt buộc đã được luật sư lo liệu đầy đủ và hai người bạn của luật sư là luật sư Đơnít Nôen Pơrít (Denis Noel Pritt) và Risớt Xtaphớt Cơríp (Stafford Cripps) đã nhận lời giúp đỡ Tống Văn Sơ. Theo luật sư Risớt Xtaphớt Cơríp, vụ án này là một biểu hiện rất xấu cho chính quyền Hồng Kông và Bộ Thuộc địa, và nếu xét xử, thì chắc chắn Nguyễn Ái Quốc thắng lợi, vì lệnh trục xuất của Thống đốc Hồng Kông đã vượt quá giới hạn. Trên cơ sở đó, để không làm mất uy tín của chính quyền Hồng Kông, luật sư đại diện Bộ Thuộc địa Anh đã tìm cách thoả thuận với  luật sư của Tống Văn Sơ. Kết quả của cuộc thoả thuận (vẫn thực hiện lệnh trục xuất của Thống đốc Hồng Kông, nhưng hủy bỏ lệnh phải đi trên một con tàu của Pháp, đến một địa điểm thuộc lãnh thổ của Pháp, mà được tự do lựa chọn nơi mình đến) đã được trình lên nhà Vua, được nhà Vua đồng ý. Toà án Viện Cơ mật Hoàng Gia Anh đã đồng ý trả tự do cho Tống Văn Sơ, và ngày 28-12-1932, Tống Văn Sơ định đi đến nước Anh, song khi đi đến Xinhgapo, Tống Văn Sơ lại bị chính quyền sở tại buộc quay trở lại Hồng Kông và ngày 19-1-1933, Người lại bị bắt giam.
Ngay khi ấy, Người đã kịp thời viết thư báo tin cho luật sư Loseby và nhờ ông giúp đỡ. Luật sư đã đề nghị Thống đốc Hồng Kông can thiệp, và Thống đốc đã buộc phải ra lệnh thả Tống Văn Sơ và hạn trong ba ngày Tống Văn Sơ phải rời khỏi Hồng Kông. Một lần nữa gia đình luật sư Lodơbi lại bênh vực và cứu Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù. Kế hoạch di chuyển và bí mật tổ chức cho Tống Văn Sơ trốn đã được vạch ra. Khi ở tạm thời trong Ký túc xá Hội Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa (YMCA), khi thì ở ngay trong nhà của luật sư Loseby, cuối cùng ngày 22-1-1933, Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ đã cải trang thành một thương gia Trung Quốc giàu có, và với một viên thư ký tháp tùng (thư ký của luật sư, tên Lung Ting Chang), Người đi xuồng ra khơi, rồi lên tàu Anhui đi Hạ Môn (Amoy). Bí mật rời Hồng Kông, tàu cập bến Hạ Môn vào ngày 25-1-1933, vừa đúng 30 Tết âm lịch.
Ở Hạ Môn một thời gian, Người lên Thượng Hải, và sau khi nhờ bà Tống Khánh Linh giúp đỡ, Nguyễn Ái Quốc bắt liên lạc được với Quốc tế Cộng sản và trở về Liên Xô an toàn sau đó.
2. Tình bạn thủy chung Hồ Chí Minh - Loseby
Sau khi rời khỏi Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc đã hai lần viết thư cho luật sư Loseby, nhưng vì sợ nhà cầm quyền tìm ra địa chỉ của Người nên luật sư đã không trả lời. Trong thời gian đó, Tống Văn Sơ tiếp tục hành trình tìm đường giải phóng dân tộc. Mùa xuân năm 1941, Người trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Và giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản do Hồ Chí Minh đứng đầu, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa thu năm 1945 đã thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, và người Thanh niên Việt Nam - Tống Văn Sơ được gia đình luật sư cứu giúp năm nào ở Hồng Kông, giờ đây trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Vẫn tiếp tục đấu tranh cho hoà bình, độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi sau 9 năm kháng chiến gian khổ. Tuy nhiên, để có một nền hoà bình trọn vẹn ở cả hai miền Nam, Bắc, nhân dân Việt Nam vẫn phải tiếp tục vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam.
Là lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bộn bề công việc, song dù bận, Người vẫn không quên gửi thư, thiếp và quà đến gia đình luật sư Loseby mỗi dịp Nôen, khi Xuân về, Tết đến. Năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư và ảnh của Người đến gia đình luật sư và gia đình luật sư cũng đã gửi thư và ảnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mùa xuân năm 1960, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai vợ chồng luật sư cùng người con gái đã sang ăn Tết cổ truyền với nhân dân Việt Nam (26-1 đến 3-2-1960), thăm đất nước mà họ đã từng được nghe qua lời kể của người tù từ năm 1931. Trong chuyến đi thăm Vịnh Hạ Long, mỏ than Cẩm phả, thăm Bảo tàng cách mạng Việt Nam, Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Trại nhi đồng miền Nam tại Hà Nội,.. câu chuyện kể về “cành đào Loseby”, tấm thịnh tình của người dân Việt Nam tri ân gia đình luật sư Loseby - những người đã có công cứu thoát người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hiểm nghèo, đã không chỉ làm đẹp thêm những phẩm cách thủy chung, cao quý của người dân đất Việt, mà còn làm ấm lòng những vị khách quý của Bác Hồ.
Trở về Hồng Kông, luật sư đã viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-2-1960), bày tỏ lòng cảm ơn Người và sự hiếu khách của nhân dân Việt Nam đối với gia đình ông trong những ngày thăm Việt Nam. Không chỉ có vậy, ông viết: “Chúng tôi không thể quên đất nước Việt Nam tươi đẹp, những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười của con người Việt Nam, và con đường mà tất cả các bạn đã trải qua để dẹp bỏ mọi dấu vết đau thương của quá khứ… và Ngài nói rằng tôi “đã cứu sống ngài”, điều đó có thể đúng, nếu vậy thì đó chính là việc làm tốt nhất mà tôi đã từng làm, và đó mãi mãi là một việc làm sáng suốt; về phần tôi thì tôi thấy mình đã được đền đáp hơn nhiều với những ký ức về những ngày ở Việt Nam, và những món quà mà tôi được tặng sẽ luôn là vật kỷ niệm về những ngày tuyệt vời đó”(7).
7 năm sau đó, luật sư Loseby qua đời. Báo Hoa Nam buổi sáng ở Hồng Kông (1967) đưa tin luật sư mất, cùng những dòng chữ thân yêu của gia đình với nội dung: Xin đừng mang hoa đến viếng, hãy dùng số tiền phúng viếng đó để giúp đỡ người nghèo. Nhận được tin vị ân nhân đã cứu sống mình qua đời, không với tư cách Chủ tịch nước, không ở cương vị Quốc gia, giữa nồng hậu thân tình gia đình, vòng hoa gửi Kính viếng Luật sư của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giản dị với dòng chữ: "Hồ Chí Minh kính viếng". Hai năm sau đó, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta qua đời, Điện chia buồn của gia đình luật sư gửi Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu - Trung Quốc in đậm dòng chữ: "Được tin Chủ tịch qua đời, xin bày tỏ tình cảm sâu sắc nhất", có kèm chữ ký của Bà luật sư cùng người con gái.
Cùng với thời gian, tình nghĩa trọn vẹn thuỷ chung của Hồ Chí Minh với Luật sư Loseby, tấm lòng trước sau như một của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đối với gia đình luật sư Lôdơbi, cũng như gia đình Luật sư Loseby đối với Việt Nam sẽ vẫn còn lưu truyền mãi. Đâu đó trong bức tranh thêu Chùa Một Cột Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng luật sư, trong bộ quần áo, mũ, giày, kính gia đình luật sư tặng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng năm nào, trong những bức ảnh của gia đình Luật sư Loseby, trong những kỷ vật, những sưu tập tài liệu liên quan đến vụ án Hồng Kông những năm 1931-1933.., đang lưu giữ tại bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng cách mạng Việt Nam, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và ở những nơi khác nữa trên mảng đất Việt Nam, tại gia đình luật sư, vẫn thấy hiển hiện một tình bạn cao cả, một ân tình sâu nặng Hồ Chí Minh - Loseby mà muôn đời các thế hệ con cháu mai sau ngưỡng mộ và chiêm nghiệm.
(1) Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Nxb. CTQG, H, 2004, tr.50
(2) Robin, Điện khẩn mật mã, Hà Nội ngày 8/6/1931 trong cuốn Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Nxb. CTQG, H, 2004, tr.72
(3) Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Nxb. CTQG, H, 2004, tr.118
(4) Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Nxb. CTQG, H, 2004, tr.130
(5) Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Nxb. CTQG, H, 2004, tr.135-136
(6) Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Nxb. CTQG, H, 2004, tr.151
(7) Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Nxb. CTQG, H, 2004, tr.250
TS. Văn Thị Thanh Mai
Ban Tuyên giáo Trung ương
Kim Yến (st)

---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:

- Hồng Kông : một cái nôi của cách mạng Việt Nam






Thông tin từ Thái Lan : cuốn sách của Trần Dân Tiên được dịch ra tiếng Thái từ bản gốc tiếng Pháp (1)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.