Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

25/01/2024

Cập nhật tình hình mộ phần chí sĩ Trần Đông Phong ở Tokyo - hạ tuần tháng 1 năm 2024

Lần cập nhật gần đây nhất là hồi tháng 7 năm 2023, trên Giao Blog thì xem lại ở đây. Bây giờ là cập nhật tình hình ngày 24/1/2024.

Văn và ảnh của bạn Nguyễn Thanh Bình - một cây viết trên FB. Hiện bạn Bình đang trong kì công tác ngắn hạn tại Nhật Bản. Sáng sớm ngày 24 tháng 1, bạn đã tìm tới công viên nghĩa trang Zoshigaya có mộ phần của chí sĩ Trần Đồng Phong, chắc là bằng tuyến Toden - một tuyến đường sắt loại cổ còn được giữ lại ở Tokyo kết nối khu Đại học Waseda với khu Minowa.

Nhà ga Zoshigaya nằm ở gần cuối trên đường tàu Toden (tuyến Arakawa). Từ nhà ga này chỉ đi bộ khoảng vài phút là đến công viên nghĩa trang Zoshigaya - xem lại trên Giao Blog một hướng dẫn nhanh ở đây, hay ở đây.

Bạn Bình đã lưu trú ở khu vực Tokyo khoảng hơn một tuần, đánh bạo một mình đi viếng mộ cụ Trần Đông Phong vào một buổi sáng tinh sương - Thứ Tư ngày 24/1/2024. Bạn đã tìm được mộ phần một cách thú vị. Bạn tới viếng mộ rất sớm, mà sau đó còn kịp đến điểm tập trung tại quận Minato vào trước 9h30 ! Bạn trở lại chỗ ở vào chiều tối và đã kịp viết trên Fb. Trước khi viết, bạn có nhắn tin qua lại với mình chút xíu.

Về quận Minato (quận cảng của Tokyo), trên Giao Blog có thể đọc nhanh ở đây.

Toàn văn và ảnh ở dưới là lấy về từ Fb Nguyễn Thanh Bình.

Về cái bảng thông báo của quản trang, bạn Bình có thể đọc thêm ở đây hay ở đây.

Tháng 1 năm 2024,

Giao Blog


---


Ngày 24/1/2024

"


Cụ là một trong số 9 người đầu tiên theo cụ Phan Bội Châu sang Nhật trong phong trào Đông Du cách đây hơn 100 năm trước. Cụ mất năm 24 tuổi và nằm lại đất Nhật cho tới nay.

Từ chỗ mình ở tới nghĩa trang Zoshigaya phải đi 2 chuyến tàu, hết 46 phút. Đấy là nếu đi chuẩn chỉnh không phải tìm đường, không chậm để lỡ tàu. Đặc biệt có 1 chuyến rất cổ đúng kiểu tàu điện Bờ Hồ dạo trước. Loạng quạng mình bị lỡ mất cái tàu điện này 1 chuyến.

Mình chỉ có thể tranh thủ thời gian lúc sáng sớm để còn kịp bắt 2 chặng tàu khác quay về vì phải có mặt tại JMA (Minato) lúc 9h30 sáng đúng giờ quy định.

Do đã tra cứu hỏi han chuẩn bị, đường tới nghĩa trang không có gì trở ngại. Khu vực có ngôi mộ cũng đã được khoanh vùng trên bản đồ.

Sáng sớm, nghĩa trang vắng vẻ, chỉ có mình giữa bạt ngàn mồ mả, gió hun hút lạnh và tiếng quạ kêu văng vẳng phía xa. Tokyo nay rất lạnh. Nghĩa trang mênh mông lúc sáng sớm còn lạnh hơn, tay cầm điện thoại lạnh ngắt. Mình quan sát mảnh bản đồ trong điện thoại và hăm hở đi thẳng vào phía trong.

Đời không như là mơ. Một vấn đề khá nghiêm trọng đó là các ngôi mộ lại không đánh số, bia mộ thì không đọc được. Chỉ toàn chữ Nhật hay Hán gì đó. Mình lại chỉ có tối đa 30 phút. Lúc đi mình cứ tưởng họ sẽ đánh số như Yên Kỳ, Bất Bạt nhưng hóa ra không phải. Cứ nghĩ đã cất công tới đây mà không viếng được cụ Đông Phong thì uổng quá. Mình chưa bao giờ đi tìm mộ mà thất bại. Nhưng nghĩ đi từng bia so so chữ ở cái nghĩa trang 10 héc ta thì không ổn.
Phía xa có 1 cái biển ngay đầu lối vào nãy đi qua không để ý. Lộn lại xem có manh mối gì. Gặp một anh lầm lũi đi ngược chiều, mừng hú. Chìa cái ảnh hỏi, anh ấy cũng chỉ cho mình ra cái biển đó. Hóa ra nó vẫn là cái bản đồ nghĩa trang tương tự cái mình đã có hu hu

Quay trở lại khu vực số 4 để tìm kiếm. Đi chừng nửa trục đường, bỗng đàn quạ trên vòm cây cổ thụ vừa đi qua kêu ré lên ầm ĩ. Mình ngoái lại phía sau theo phản xạ tự nhiên, phía sau không có ai. Chính cái lúc ngoái lại thấy cái hàng mộ có cây cổ thụ quạ kêu, ngôi mộ thứ 2 phía trong to hơn và khác với xung quanh. Ôi trời, nó có một biển số 33 rất to. Đấy là mộ tướng Tojo Hideki. Một mốc rất quan trọng.
Trước khi đi, khi ngắm bản đồ mình đã xác định nếu tới mộ cụ Trần Đông Phong, gần nhất có mộ tướng Tojo Hideki, ông ấy từng làm thủ tướng Nhật và bị xử tử vì tội ác chiến tranh, mình sẽ tranh thủ ghé qua. Định vậy nên nhớ mộ ấy số 33, vị trí thứ 2, phía đông bắc. Các ngôi mộ danh nhất khác thì ở xa hơn, sẽ không kịp đến.

Số 33 đây rồi thì mộ cụ Phong là hướng tây nam của mộ 33. Lần này thì dứt khoát đi về phía khu số 4A. Riêng đoạn đi soi từng cái bia mộ na ná nhau để tìm đúng cái chữ nhỏ tí tí trong bức ảnh ở điện thoại nghĩ mất công phết nhưng ít nhất mình đã khoanh được vùng nhỏ hơn.

Một con quạ chắc từ cái cây cổ thụ lúc nãy bay vèo lên phía trước đậu vào cây thấp thấp phía xa. Mình bỗng thông minh đột xuất he he… Trời, cái bức ảnh mình lưu trên điện thoại nó bé tí và người ta chụp cận cảnh cái bia, mình lưu chỉ cốt tra đúng chữ trên bia tìm mộ. Nhưng hình như nó cũng có cái cây phía sau. Tại sao mình lại đi nhòm từng chữ mà mình không đối chiếu vị trí ngôi mộ có cây phía sau chứ???

Thế là mở ảnh lò dò dòm dòm, căn căn để ngắm những mộ phía trước cái cây. Cách này nhanh hơn hẳn. Mình đã căn được đúng vị trí, so với ảnh mẫu. Đối chiếu chữ đúng. Nhìn lọ hoa một bên bị sứt cũng đúng. Tóm lại nó đúng là cái cây con quạ bay lẻ đàn vừa đậu. Đúng số mình may.
Xác định xong, so chữ trên bia rồi mới nhào đi ra cổng mua hương hoa. Cổng lúc mình vào không có. Cổng bên cạnh có một hàng nhưng sớm quá họ chưa mở cửa.

Quay trở lại đứng viếng cụ chẳng hương hoa nhưng lòng thì xúc động lắm. Thấy lịch sử tưởng xa xôi mà hóa cũng thật gần. Cũng chẳng còn nhiều thời gian ở lại hay chụp ảnh. Vội ra tàu về đến nơi đúng kịp 9h30. Một chuyến đi tranh thủ nhưng được việc.

Chuyến đi này sẽ không có nếu như chị Lan Anh không gợi ý, xác nhận vị trí Zoshigaya mình định vị đúng và hướng dẫn cách đi. Chưa gặp chị nhưng mình tin rằng hai chị em sẽ còn có nhiều chuyện thú vị khác nữa. Cám ơn chị nhiều.
Từ từ rồi mình sẽ note vào từng ảnh bà con nhé.

Mộ tướng Tojo Hideki. Ông này từng làm thủ tướng Nhật hồi chiến tranh thế giới lần thứ 2. Chính ông là người quyết định đánh trận Trân Châu Cảng.
Sau bị xử tử vì tội ác chiến tranh.
Ngôi mộ to đặc biệt so với xung quanh, tán cây phía trái là đàn quạ đậu kêu ầm ĩ. Chả hiểu sao mộ này lại gắn biển 33. Nhờ đó mà mình định vị được khu vực ngôi mộ cụ Trần Đông Phong.





Mộ cụ Phong chụp sáng nay, 24/1. Có cái cây phía sau mình dùng để định vị tìm kiếm. Một con quạ tình cờ bay về cây đó đậu khiến mình thông minh đột xuất nghĩ cần tìm cây trước khi đi so chữ.



Mộ này ở gần đó nhưng không phải mộ cụ Phong. Chụp lại vì cái logo trên mộ. Nó liên quan tới chuyện khác hihi.
Sẽ kể sau.


Mộ cụ Trần Đông Phong đây.


Phía trước khu mộ cụ Trần Đông Phong có cái biển. Về thong thả tra thì là biển thông báo tìm người sở hữu mộ.
Ban quản lý nghĩa trang muốn liên hệ với người thân của ngôi mộ này.
Vậy ai là người thân quản lý mộ cụ Trần Đông Phong???
Chắc lâu rồi họ không tới thăm viếng.


Vẫn là mộ cụ Phong. Hình như cuối tuần có ai đó tới đặt hoa viếng.


Đây là bức ảnh đêm trước mình copy trên mạng để đi so chữ tìm mộ.
Không có con quạ chắc không nghĩ đi tìm những mộ có cái cây phía sau như thế.


Tự check in một cái hihi

"

https://www.facebook.com/peace.valley.5/posts/pfbid02UGDevETsgSVXTsq1Qx6ptsL6G9yQr64pnxvsdyPmoCwNMzK77iw6heoqkuYAcTsrl



..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.