Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/08/2023

Ngược đường dốc cao - chúng tôi du lãng xứ Nam

Chúng tôi lại tranh thủ du lãng xứ Nam.

(đang viết)


---

CẬP NHẬT



--- 

BỔ SUNG


3.

Nguồn: http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=314&Catid=394

26.Về bản CÔNG DƯ TIỆP KÝ mới sưu tầm tại Nhật Bản (TBHNH 2002)

Cập nhật lúc 23h36, ngày 30/03/2007

VỀ BẢN CÔNG DƯ TIỆP KÝ MỚI SƯU TẦM TẠI NHẬT BẢN

LÊ THU HƯƠNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

            Công dư tiệp ký (CDTK) là tác phẩm theo thể bút ký ghi danh, đồng thời còn là tác phẩm nổi tiếng của văn xuôi tự sự Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII. CDTK có nghĩa là sách ghi vội ngoài giờ làm việc công. Tuy gọi là những truyện ghi nhanh ngoài giờ làm việc, nhưng sau khi ra đời CDTK rất được dư luận hoan nghênh, độc giả tiếp đón nồng nhiệt. Kết quả là từ đó về sau, sách không ngừng được người khác tục bổ, tục biên.
         Vừa qua chúng tôi đã được PGS Si Mao Minoru trường Đại học Keio, Nhật Bản tặng cuốn Công dư tiệp ký hiện tàng trữ tại Matsumoto Văn khố, số kí hiệu 244 – 3-3. Sách dày 152 tờ, tờ 2 trang, mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng 29 chữ, chữ viết chân phương dễ đọc; khổ 20 x 19cm; không có tựa, không mục lục, không có tục bổ, tục biên, bổ di ..., không ghi tên tác giả, năm biên soạn. Sách được chia thành 10 quyển, tổng cộng có 137 thiên truyện.

         Trước khi đi vào tìm hiểu cuốn CDTK mới được sưu tầm tại Nhật Bản, chúng tôi cần thử xem giữa bản CDTK này có điểm gì khác với các bản CDTK hiện có tại các thư viện ở Hà Nội không?

         Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hoài(1) hiện có 13 bản CDTK tại các thư viện ở Hà Nội. Riêng Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 6 bản, mang các ký hiệu như sau A.44, VHv.14, VHv. 1324/1-2, A. 1893, bản Trần Duy Vôn (đây là bản chụp lại bản gốc của cụ Trần Duy Vôn) và bản A. 2010. Thư viện Viện Sử học cũng đang lưu trữ 4 bản H.V 468, HV. 513, Hv. 74, Hv. 75. Ngoài ra Thư viện Quốc gia Hà Nội cũng có lưu trữ 3 bản CDTK bản R.1725, R.229. Đứng trước hiện trạng văn bản phức tạp như vậy, bắt buộc chúng ta phải chọn ra một bản hội tụ điều kiện căn bản nhất để tiến hành đối chiếu với CDTK mới sưu tầm. Cho nên bước đầu chúng tôi tạm lấy một bản tập hợp được nhiều truyện nhất, được cụ Trần Văn Giáp(2) cho là bản “sao chép kỹ và đầy đủ hơn cả” và cũng được nhiều người biết hơn cả, ấy là bản A.44, làm chọn làm bản nền để tiến hành so sánh.

         CDTK bản A.44: sách dày 162 tờ, mỗi mặt 9 dòng, mỗi dòng 20 chữ, chữ viết chân phương rõ ràng. Khổ 32 x 15 có 1 tựa và một mục lục, gồm cả phần Tiền biên, Bổ di và Bổ di dĩ hạ; Tổng cộng 118 thiên truyện; phần Tiền biên và một số thiên ở tục biên Bổ di có đầu đề đăng đối.

Khác với bản A.44 (các thiên truyện được chia theo 12 môn loại ở phần Tiền biên và 7 mục ở phần Tục biên), các truyện trong cuốn CDTK mới được sưu tầm (chúng tôi gọi là bản sưu tầm) chép theo thứ tự các quyển, không chia theo môn loại. Bước đầu chúng tôi tiến hành đối chiếu số truyện trong bảng sưu tầm với A.44, ta có kết quả như sau:

Quyển

Truyện có trong A.44

Truyện không có trong A.44

Tổng số truyện của bản sưu tầm

Q1

0

5

5

Q2

2

3

5

Q3

0

9

9

Q4

17

25

42

Q5

8

0

8

Q6

12

0

12

Q7

12

0

12

Q8

8

4

12

Q9

5

9

14

Q10

7

11

18

Tổng số

71

66

137

Như vậy so với A.44 bản sưu tầm có 71 truyện trùng, 66 truyện không trùng, số truyện dôi ra là 19 truyện. Căn cứ vào danh sách những truyện trùng với bản A.44, chúng tôi tiến hành sắp xếp các truyện theo khung mục bài viết để tìm hiểu số truyện trùng trong bản sưu tầm nằm trong khung mục nào của CDTK A.44.

Khung mục bài viết

A.44

Bản sưu tầm

Thế gia

5

1 (Q4)

Danh thần

6

2 (Q4)

Danh nho

9

8 (Q4)

Tiết nghĩa

2

2 (Q4)

Chí khí

1

0 (Q4)

Ác báo

1

0

Tiết phụ

1

1 (Q4)

Ca nữ

1

0

Thần quái

10

3 (Q1, Q2)

Âm phần dương trạch

5

5 (Q5)

Danh thắng

1

0

Thú loại

2

2 (Q5)

TỤC BIÊN

Danh thần danh nho

31

24 (Q6, Q7)

Dâm từ

1

0

Mộng ký

12

12 (Q8, Q9)

Tài tử

1

1 (Q9)

Tiên thích

1

1 (Q10)

Thần từ

2

2 (Q10)

Sơn xuyên

4

4 (Q10)

Bảng đối chiếu trên cho chúng ta thấy số truyện trùng tập trung ở các quyển:

Q 1 (1 truyện)

Q 5 (7 truyện)

Q 8 (8 truyện)

Q 2 (2 truyện)

Q 6 (12 truyện)

Q 9 (5 truyện)

Q 4 (14 truyện)

Q 7 (12 truyện)

Q 10 (7 truyện)

Riêng có quyển 3 không có truyện nào trùng với bản A.44.

Về nhan đề các câu chuyện phần nhiều viết thiếu nhất quán. Lấy tiêu đề các truyện trong khung mục Âm phần dương trạch ở bản A. 44 so với bản sưu tầm để làm thí dụ:

A.44

Sưu tầm

Đinh Tiên Hoàng ký

Đinh triều tổ mộ ký

Đông các Nguyễn Xuân Quang

Đột Lĩnh xác thổ hương khước hữu đại bạch thiện

Tống Sơn Hổ ông ký

Lang dã tâm ân dưỡng nan thù

Về nội dung các truyện, có sự xuất nhập không nhiều, so với bản A.44, bản sưu tầm đôi chỗ viết giản lược hơn (khuyết từ, khuyết ngữ), một số từ xuất nhập do sử dụng từ đồng âm, đồng nghĩa những khác nhau về tự dạng, ví dụ:

1. Dị biệt do khuyết ngữ:

Bản A.44 viết:

大 聖 開 天 義 存 平 等 行 善 菩 薩 真 人 青 威 貝 溪 人 也
Đại thánh Khai thiên Nghĩa tồn Bình đẳng Hành thiện Bồ tát Chân nhân Thanh Oai huyện Bối Khê nhân dã (Bối Khê tự ký)

Bản sưu tầm viết:

行 善 菩 薩 真 人 青 威 貝 溪 人 也
Hành thiện Bồ tát Chân nhân Thanh Oai huyện Bối Khê nhân dã (Bối Khê tự ký)

2. Sử dụng từ đồng nghĩa:

Bản A. 44 viết:

吳 人 疫 死 不 可 勝 數
Ngô nhân dịch tử bất khả thăng số.

Bản sưu tầm viết:

吳 人 病 死 不 可 勝 數
Ngô nhân bệnh tử bất khả thăng số

3. Sử dụng từ đồng âm:

Bản A.44 viết:

夢 有 以 反 說 應 者 
Mộng hữu dĩ phản thuyết ứng giả.

(Thi mộng quyết khoa thắng thần mộng)

Bản sưu tầm viết:

夢 有 以 返 說 應 者 
Mộng hữu dĩ phản thuyết ứng giả.

3. Dị biệt do thêm từ:

Bản A. 44:

天 庭 有 一 榾 突 起  
Thiên đình hữu nhất cốt đột khởi (Kỳ Trạng nguyên ký)

Bản sưu tầm viết:

生 有 異 相 天 庭 有 一 榾 突 起 
Sinh hữu dị tướng thiên đình hữu nhất cốt đột khởi.

       Qua quá trình khảo sát, đối chiếu, so sánh giữa bản A.44 với bản sưu tầm chúng tôi nhận thấy hai bản tuy khác nhau về bố cục, về tổng số truyện, về tên truyện nhưng mức độ xê dịch về nội dung, câu chữ giữa các truyện với nhau không có gì là đáng kể (chỉ xét các truyện trùng), cơ bản chỉ nằm ở trường hợp xê dịch tự (từ), số chữ trong mỗi thiên truyện xê dịch nhau ít.

       Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu mục lục các truyện của bản sưu tầm để bạn đọc có ý niệm chung về giá trị tác phẩm: (Truyện có trong bản A.44) chúng tôi in đậm để dễ nhận biết)

       Quyển I:

1. Tản viên sơn linh thần truyện ký (Truyện vị thần linh thiêng ở núi Tản Viên)

2. Kim Nhan sơn ký (Truyện núi Kim Nhan)

3. Trấn Vũ quán thần mộng hiển ứng linh ký (Truyện thần mộng hiển ứng ở quán Trấn Vũ)

4. Hồ Khẩu linh từ ký (Truyện đền thiêng ở Hồ Khẩu)

5. Thanh Hoa linh từ ký (Truyện ngôi đền thiêng Thanh Hoa)

       Quyển II:

1. Hậu Phụng Quang Minh tự ký (Truyện chùa Quang Minh ở Hậu Phụng)

2. Bối Khê tự ký (Truyện chùa Bối Khê)

3. Loa Đại vương truyện ký (Truyện Loa Đại vương)

4. Cường bạo Đại vương truyện ký (Truyện Cường Bạo Đại vương)

5. Đỗ Lâm Đàm ký (Truyện Đỗ Lâm Đàm)

       Quyển III:

1. Hạ Bì dị nhân ký (Truyện dị nhân làng Hạ Bì)

2. Tiền kiếp luân hồi truyện (Truyện luân hồi kiếp trước)

3. Tứ tử đăng khoa truyện (Truyện đăng khoa của Tứ Tử)

4. Thiên tử đáo gia truyện (Truyện thiên tử đến nhà)

5. Nam Hoa mộc ký (Truyện thợ mộc ở Nam Hoa)

6. Quỷ mẫu báo phục truyện (Truyện báo phục của Quỷ mẫu)

7. Khách nhân mai kim truyện (Truyện người khách chôn vàng)

8. Bạch khuyển tam túc truyện (Truyện chó trắng ba chân)

9. Tích Kê mai mẫu truyện (Truyện Tích Kê chôn mẹ)

QuyểnIV:

1. Chấn Phúc Nguyễn Quốc Công truyện (Truyện Nguyễn Quốc Công ở Chấn Phúc)

2. Diễn Châu Thái thú truyện (Truyện Thái thú ở Diễn Châu)

3. Ngô Tuấn Cung truyện (Truyện Ngô Tuấn Cung)

4. Thiên Lộc Phan Đình Tá truyện (Truyện Phan Đình Tá ở Thiên Lộc)

5. Sơn Vi tiết nghĩa truyện (Truyện tiết nghĩa ở Sơn Vi)

6. Nguyễn Nghiêu Tư truyện (Truyện Nguyễn Nghiêu Tư)

7. Tiên nhân Phạm Viên ký (Truyện Tiên nhân Phạm Viên)

8. Tiến sĩ Lê Danh Tiêu ký (Truyện Tiến sĩ Lê Danh Tiêu)

9. Cổ Liêu trạng ký (Truyện trạng ở Cổ Liêu)

10. Trần Bá Xưởng ký (Truyện Bá Xưởng)

11. Bảng nhãn Nguyễn Kim An ký (Truyện Bảng nhãn Nguyễn Kim An)

12. Quan Trung Lê Kính ký (Truyện Lê Kính ở Quan Trung)

13. Trường bộc Nguyễn Công Hân ký (Truyện Nguyễn Công Hân ở Trường Bộc)

14. Tiến sĩ Nguyễn Trật truyện (Truyện Tiến sĩ Nguyễn Trật)

15. Chí Linh Nguyễn Mại truyện (Truyện Nguyễn Mại ở Chí Linh)

16. Phùng Thượng thư truyện (Truyện Thượng thư họ Phùng)

17. Nguyễn Thượng thư truyện (Truyện Thượng thư họ Nguyễn)

18. Vân Canh tiết nghĩa ký (Truyện tiết nghĩa ở xã Vân Canh)

19. Bùi Sĩ Tiêm, Vũ Công Tể truyện (Truyện Bùi Sĩ Tiêm, Vũ Công Tể)

20. Nguyễn Hiến Phó giả tử (Truyện Nguyễn Hiến Phó giả trai)

21. Huyện quan Nguyễn Danh Cử truyện (Truyện Quan huyện Nguyễn Danh Cử).

22. Nguyễn Thị Điểm ký (Truyện Nguyễn Thị Điểm)

23. Mộ Trạch Tể tướng ký (Truyện Tể tướng xã Mộ Trạch)

24. Thượng thư Vũ Công Đạo ký (Truyện Thượng thư Vũ Công Đạo).

25. Thượng thư Vũ Duy Đoán ký (Truyện Thượng thư Vũ Duy Đoán).

26. Thượng thư Vũ Quỳnh ký (Truyện Thượng thư Vũ Quỳnh).

27. Tham nghị Vũ Đăng Hiển ký (Truyện Tham nghị Vũ Đăng Hiển).

28. Kỳ trạng nguyên ký (Truyện Trạng cờ)

29. Trạng Nguyên Lê Nại ký (Truyện Trạng nguyên Lê Nại)

30. Liêm tiết thần ký (Truyện vị công thần liêm khiết)

31. Thiếu bảo Trần Thường ký (Truyện Thiếu bảo Trần Thường)

32. Thượng thư Trịnh Kiết Trường ký (Truyện Thượng thư Trịnh Kiết Trường)

33. Phạm Trấn Đỗ Uông ký (Truyện Phạm Trấn ở Đỗ Uông)

34. Thượng thư Lê Như Hổ ký (Truyện Thượng thư Lê Như Hổ)

35. Thám hoa Quách Giai ký (Truyện Thám hoa Quách Giai)

36. Lê Cảnh Tuẫn ký (Truyện Lê Cảnh Tuẫn)

37. Thượng thư Trương Phù Thuyết (Truyện thượng thư Trương Phù Thuyết)

38. La Sơn Nguyễn Giám sinh ký (Truyện Giám sinh họ Nguyễn ở La Sơn)

39. Phù Ủng tiết phụ kỵ (Truyện người tiết phụ làng Phù Ủng)

40. Mộ Trạch Đại Hưng Hầu ký (Truyện Đại Hưng hầu ở Mộ Trạch)

41. Bảo Ngũ Điền Quận công ký (Truyện Quận công Bảo Ngũ Điền)

42. Vịnh cầu tổ mộ ky (Truyện mộ tổ ở Vịnh Kiều)

       Quyển V:

1. Đinh triều tổ mộ ký (Truyện mộ tổ triều Đinh)

2. Trần triều tổ mộ ký (Truyện mộ tổ triều Trần)

3. Trung Hành Vũ tổ mộ ký (Truyện mộ tổ họ Vũ ở Trung Hành)

4. Hoàng Xá cung phi ký (Truyện bà Cung phi ở Hoàng Xá)

5. Tử Trầm Châu Canh ký (Truyện Trâu Canh ở xã Tử Trầm)

6. Lương dã tâm ân dưỡng nan thù (Con sói có tâm địa độc ác nuôi dưỡng khó báo đáp)

Quyển VI:

1. Mạc Trạng nguyên (Trạng nguyên họ Mạc)

2. Nguyễn Bảng nhãn bất phụ khoa danh (Bảng nhãn họ Nguyễn không phụ khoa danh)

3. Ngô Bảng nhãn đắc khôi bối giang thần (Bảng nhãn họ Ngô đỗ đạt nhờ thần sông)

4. Đinh Thám hoa đả cầu chúc thánh thọ (Thám hoa họ Đinh đá cầu chúc thọ vua)

5. Nguyễn Ngự sử khúc tế phụ thổ hào (Ngự sử họ Nguyễn bao che lỗi lầm mà chinh phục được thổ hào)

6. Trần Đông các tài danh quan đương thế (Đông các họ Trần tài danh quan thế)

7. Kiệt Đặc Ngự sử thực lý giao trật tranh phiêu (Ngự sử ở Kiệt Đặc ăn con cá to vấp ngã)

8. Triều Dương thần đồng tể nhất ngưu tạo quyển phó cử (Thần đồng Triều Dương giết trâu hôm đóng quyển thi)

9. Đột Lĩnh xác thổ hương khước hữu đại bạch thiện (Đột Lĩnh làng đất sỏi lại có chạch to)

10. Xác Khê nhập học lễ tử tể nhất canh ngưu (Trạng nguyên người xã Xác Khê xin học lễ tự giết con trâu cày)

11. Tuyền quận công niên tứ tuế độc thư (Tuyền quận công bốn tuổi đọc được sách)

12. Cẩm quận công mại bát tuần chí sĩ (Cẩm quận công hơn 80 tuổi mới về trí sĩ)

       Quyển VII:

1. Dương tiên hiền thục nhân nghi hưởng báo (Dương tiên hiền lành nên được hưởng báo đáp)

2. Nguyễn thiếu niên ứng đối thức thành danh (Thiếu niên họ Nguyễn ứng đối mà thành danh)

3. Trí sĩ thị lang Phúc Danh hầu tặng Thượng thư phong phúc thần

4. Văn chương Lê Anh Tuấn thiên hạ thôi xưng (Văn chương Lê Anh Tuấn được thiên hạ khen ngợi)

5. Hoài Bão Thám hoa sự nghiệp tiên hình yêu nữ (Sự nghiệp Thám Hoa Hoài Bão mang hình con yêu quái)

6. Thiên Mụ Quốc lão mộng tẩm hoạch tiếp thánh nhân (Thiên Mụ quốc lão mơ gặp được thánh nhân)

7. Lê Thượng thư hà khắc khả uý (Thượng thư họ Lê hà khắc khả uý)

8. Hà Bảng nhãn tài tuấn thậm khoa (Bảng nhãn họ Hà tài danh đáng khoe)

9. Giản Thanh ứng đối tri chung tất tố đại khôi (Ứng đối của Giản Thanh biết sẽ làm đỗ đầu)

10. Nguyễn Xao tác thi quyết hậu tất đăng Tiến sĩ (Nguyễn Xao làm thơ đoán định sau sẽ đỗ Tiến sĩ)

11. Đan Loan Thám ký thi tác tiếm (Thám hoa Đan Loan gửi thơ châm biếm)

12. Bao Trung Thượng thất khẩu thành chương (Thượng thư xã Bao Trung buột miệng thành văn)

       Quyển VIII:

1. Trung Hưng hậu ty liệt văn thế (Sau Trung Hưng văn thế ngày càng thấp kém)

2. Vạn Kiếp miếu năng chế dâm thần (Miếu Vạn Kiếp có thể làm dâm thần)

3. Yên Lãng công triệu ứng bàng nhân (Yên Lãng công báo ứng người bên cạnh)

4. Tề Văn Hầu sự hình đại cáo

5. Đào Trạng nguyên (Trạng nguyên Đào Sư Tích)

6. Lưu danh công kiến diện thủ cập đệ (Lưu danh công thấy mặt nhận cập đệ)

7. Thi mộng quyết khoa thắng thần mộng (Thi mộng khoa ấy thắng thần mộng).

8. Nguyễn công nhập tướng ứng hình công (Nguyễn công vào tướng ứng hình công)

9. Sở tồn phóng bảng thậm huyền cơ (Việc còn mất trên bảng vàng rất huyền diệu)

10. Tiết giả thành chân đo diệu kế (Giả vờ thành thật đều là diệu kế)

11. Ngộ phạm cung từ thành hảo hợp (Phạm sai lầm dâng cung từ thành đẹp đôi)

12. Chiết tự ứng đối kiến tâm cơ (Chiết tự ứng đối thấy được tâm cơ)

       Quyển IX:

1. Chiêu hầu thi hý hữu điển nang (Chiêu hầu thơ vui có điển nang)

2. Kinh nghĩa văn thúc kiến khí tượng (Kinh nghĩa văn thúc thấy khí tượng)

3. Ẩn ngữ cú xảo suyễn đối tự (Câu ẩn ngữ khéo chê sai chữ)

4. Viên tục liên thiết hý vô tu (Câu đối đùa bạn không râu)

5. Bình Than thi mỗ đắc hảo thê (Người Bình Than làm thơ lấy được vợ đẹp)

6. Thành tài đối hợp thành giai ngẫu

7. Ngưu lan đối túc tri tiền định (Câu đối ở chuồng trâu đủ biết tiền định)

8. Thanh Đình tán bất khả giảo tần (Bài tán con chuồn chuồn không thể bắt chước được)

9. Chủng gian lễ xướng hoà hào kiệt (Nối gót bọn gian xướng hoạ hào kiệt)

10. Tụng kê thi đề kiến tiên nữ (Tụng kinh đề thơ thấy tiên nữ)

11. Đế vương khí tượng kiến ư thi (Khí tượng của bậc đế vương thấy trong thơ)

12. Quốc gia an nguy khai nhất biểu (Nước nhà an nguy, quan hệ ở một tờ biểu)

13. Lệnh nhân thiện bài ưu phiến ngôn hồi thiên lực (Người hát tuồng khéo sắp xếp, lời nói vận hồi được lòng vua)

14. Lễ Phi sinh thông tuệ nhất kính chiếu tam vương (Lễ Phi thông tuệ một gương soi ba vua)

       Quyển X:

1. Hương Hải tự dư linh phong trứ (Chùa Hương Hải nổi tiếng linh thiêng)

2. Nhân Huệ từ kinh loạn do tồn (Đền Nhân Huệ bị kinh loạn mà vẫn còn)

3. Trần Quốc Phụ thế xưng dị thuật (Trần Quốc Phụ người đời truyền là có phép thuật lạ)

4. Cao Sơn vương hiệu thần y (Cao Sơn đại vương được gọi là thần y)

5. Sấu Ngọc kiều hậu tác danh lam (Cầu Sấu Ngọc sau là danh lam)

6. Sản châu tỉnh cổ xưng thượng phẩm (Giếng nước đỏ như son người xưa gọi là thượng phẩm)

7. Lệ Kỳ lĩnh cổ chung linh dị (Tiếng trống chùa núi Lệ Kỳ rất linh dị)

8. Độc Tôn sơn vân vũ toản yếu (Núi Độc Tôn bị mây mưa đục lưng núi)

9. Huyền Vân động thanh quang giải trí (Động Huyền Vân cảnh trí thanh quang)

10. Bình Than thuỷ cam mỹ dị thường (Nước sông Bình Than thơm ngon lạ thường)

11. Phù Tang am Trường Lão vãng du (Thiền sư Trường Lão thường đến chơi am Phù Tang)

12. Đại bi tự bắc nhân sở kiến (Đền Đại Bi do người phương Bắc xây dựng)

13. Lư giang văn viễn lạp ngạc ngư

14. Trạng nguyên Trình Quốc công Bạch Vân Am cư sĩ ký (Truyện về Trạng nguyên Trình Quốc công Bạch Vân Am cư sĩ)

15. Tề Văn hầu Nguyễn Tiến phả ký (Phả ký Tề Văn hầu Nguyễn Tiến)

16. Thái tể Mai quận công phùng Tương công sự tích (Sự tích Thái tể Mai Quận công phùng Tương công)

17. Trạng nguyên Giáp Hải ký (Truyện Trạng nguyên Giáp Hải)

Căn cứ vào tiêu đề các thiên truyện của bản sưu tầm, ngoài 71 truyện có trong bản A.44 số truyện còn lại chúng tôi tiến hành đối chiếu và nhận thấy chúng có trong các sách:

1. Đại Nam hiển ứng truyện, A. 386. (có 31 truyện trùng trên tổng số 35 truyện. 31/35)

2. Đại Nam kỳ truyện, A.229 (31/37 truyện).

3. Thính văn dị quốc A. 593 (31/ 52 truyện).

4. Bản quốc dị văn lục, A. 3178 (25/ 30 truyện)

5. Lĩnh Nam chính quái, VHv. 1266 (27/ 73 truyện)

6. Lĩnh Nam chính quái, A. 1752 (3/ 37 truyện)

(Các truyện giữa 6 bản trên có sự trùng lặp)

       Ngoài ra còn một số truyện chưa biết rõ nguồn gốc.

       Qua bản sưu tầm trên chúng ta phần nào thấy được phong trào sưu tầm truyện dân gian của các nhà Nho đương thời, nhằm bảo vệ giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

       Với tiêu đề CDTK, trong khi số truyện trùng với CDTK chỉ chiếm hơn nửa, có lẽ tác giả muốn mượn tên tác phẩm đó đưa vào để lấy phương thức sao chép với một mục đích là sao chép được càng nhiều truyện càng tốt.

       Cùng với những bản CDTK hiện có, bản CDTK mới sưu tầm là một trong những dị bản đáng quý, góp thêm tư liệu cho những nhà nghiên cứu quan tâm đến tác phẩm này(*).

Chú thích:

(1) Sơ bộ đối chiếu những mục truyện tương đồng giữa "Nam thiên trân dị tập" và Công dư tiệp ký tiền biên. Luận án Thạc sĩ Ngữ văn, trang 30, 31.

(2) Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập 1. NXB Văn hóa. Hà Nội. 1984, trang 277.

Để hoàn thành bài viết này chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của NCV Nguyễn Thị Oanh. Qua đây, chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc.

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=314&Catid=394




2.

Một dòng họ có 9 sắc phong bị thất lạc
Thứ hai - 05/04/2021 05:04

Dòng họ Ngô Đình ở xã Trung Thành huyện Vụ Bản là họ trước đây luôn có những người học hành đỗ đạt cao, có công lớn, được triều đình phong thưởng, giao giữ chức vụ quan trọng.

Những người trong ảnh (Từ trái qua): Ngô Đức Mạnh, nguyên ĐS VN tại
Nga; tôi Ngô Vui, Ngô Phú Vân, người Ô Lữ - Đồng Du - Bình Lục - Hà Nam, chủ nhân Khu Tâm linh thờ Bà Ngô Thuận Phi tại quê nhà Đồng Du; Ngô Văn Minh (1959 - 2016) nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Báo NAM ĐỊNH số ra ngày 12/4/2012 có bài: Qua việc tìm lại 9 sắc phong của dòng họ Ngô Đình ở Vụ Bản. Bài báo viết: “Qua việc điều tra, thống kê và sưu tầm tài liệu quý hiếm tại huyện Vụ Bản (tháng 7-2011), đoàn công tác của cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã phát hiện trong kho lưu trữ của huyện đang cất giữ 9 sắc phong thời Lê Trung Hưng. Đây là tài liệu rất quý hiếm mà ít nơi còn lưu trữ được. Qua công tác dịch thuật cho thấy, cả 9 sắc phong đều thuộc về họ Ngô Đình ở xã Ngũ Xá huyện Thiên Bản (Vụ Bản ngày nay). Các sắc phong đều có kích thước 150cm x 80 cm, nội dung phong quan phong tước lộc cho các cá nhân. Trong đó 4 sắc phong cho Ngô Đình Tập, 4 sắc phong cho Ngô Đình Sắt, 1 sắc phong cho Ngô Đình Đang. Trong đó có sắc phong xuất hiện cách đây 300 năm. Đây là sự bổ sung kịp thời cho nguồn tư liệu quý hiếm của quốc gia phục vụ công tác nghiên cứu về thời Lê Trung Hưng. Tuy nhiên, việc tồn tại khá lâu cộng với điều kiện bảo quản không đầy đủ, nên hầu hết các sắc phong đều đã bị hư hại một phần, nhiều chỗ mục ố, rách mép. Chỉ có 3 bản còn xác định được niên đại lập từ thời Lê gồm: một bản lập năm Chính Hòa 26 (1705), 1 bản lập năm Bảo Thái 9 (1729), 1 bản lập năm Cảnh Hưng 11 (1750), 6 bản còn lại bị rách mất niên đại, nếu không được bảo quản kịp thời, bảo quản đúng chế độ, các sắc phong này sẽ bị hư hại nặng và không thể khôi phục lại được. Theo đề nghị của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, ngày 15-3-2012, UBND huyện Vụ Bản đã giao toàn bộ 9 sắc phong này cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, nơi có trang thiết bị hiện đại để bảo quản, phục chế. Để hiểu rõ hơn về 9 sắc phong, phóng viên Báo Nam Định đã đi tìm hiểu về dọng họ Ngô Đình ở địa danh xã Ngũ Xá xưa. Với khoảng thời gian hàng trăm năm đã qua, tên làng, tên xã, tên huyện đổi thay, nên khó xác định được địa danh xã Ngũ Xá. Qua dịch lại một số sắc phong có nhắc đến địa danh xã Bảo Ngũ, huyện Thiên Bản. Đối chiếu với tư liệu cổ về huyện Vụ Bản, xã Bảo Ngũ xưa nay thuộc thôn Nhất, thôn Ba của xã Quang Trung và thôn Nhì, thôn Tư của xã Trung Thành. Nơi đây có khá nhiều dòng họ Ngô, trong đó dòng họ Ngô Đình chỉ có ở thôn Nhì xã Trung Thành. Sau khi nghe chúng tôi đề cập, các ông Ngô Đình Chiến, Ngô Đình Cơ là những người đứng đầu các chi trong dòng họ đều khẳng định 9 sắc phong thuộc dòng họ của mình. Dòng họ Ngô Đình do cụ tổ là Ngô Đình Nga từ Nghệ An đến đây lập nghiệp khoảng những năm 1500 (*). Dòng họ này luôn xuất hiện những người học hành đỗ đạt cao, có công lớn, được triều đình phong thưởng, giao giữ chức vụ quan trọng. Tiêu biểu như Điền Quận công Ngô Đình Điền đã có công đắp đê sông Đáy chống sự tàn phá của thiên tai, bảo vệ cuộc sống, mùa màng, được nhân dân nhiều nơi thờ tự. Cụ Ngô Đình Sắt được phong Hoằng tín đại phu, Mậu lâm lang, Trì uy tướng quân vì đã có công lớn trong đánh giặc, cứu giúp nhân dân. Trong dòng tộc còn có bà Ngô Thuận Phi là Phi tử của chúa Trịnh Căn. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, phát triển, hiện dòng họ Ngô Đình có 4 chi với trên 100 hộ. Về nguyên nhân thất lạc 9 sắc phong, theo ông Chiến và ông Cơ, khoảng năm 1964 khi thực hiện quy hoạch đồng ruộng để phục vụ sản xuất, lúc đó, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Vụ Bản phát hiện một ngôi mộ cổ với 36 bộ quần áo. Dòng họ Ngô ở huyện Vụ Bản có ở khắp nơi trong huyện từ các xã Quang Trung, Liên Minh, Liên Bảo, Đại An… nên để làm rõ lai lịch ngôi mộ, người trong dòng họ Ngô Đình đã đồng ý cho các cơ quan chức năng mượn các sắc phong. Do người cho mượn sắc phong đã mất nên từ đó người trong họ không biết các sắc phong ở đâu. Ông Chiến, ông Cơ bày tỏ niềm vui khi tìm thấy sắc phong và được các cơ quan chức năng bảo quản, phục chế coi như vốn quý của quốc gia. Đây là niềm động viên rất lớn con cháu dòng họ Ngô Đình bởi từ lâu dòng họ bị thất lạc mất gia phả”. 

Bài báo có 1 thông tin không chính xác. Cụ Ngô Đình Nga không thể đến đây khoảng năm 1500 được vì chính sử có chép sự kiện năm 1600, Ngô Đình Nga cùng với Bùi Văn Khuê và Phan Ngạn mưu làm phản đem quân chiếm cửa Đại An, bị Trịnh Tùng sai Nguyễn Hoàng mang quân đánh dẹp, nhân đó Hoàng bỏ chạy về Nam sau hơn 8 năm bị giữ lại tên đất Bắc. 

Về dòng dõi hậu duệ của Ngô Đình Nga chúng tôi đã có kết luận sơ bộ khi Khảo cứu về họ Ngô Ô Lữ như sau: “Việc vì sao họ Ngô Ô Lữ chép trong phả rằng cụ tổ Ngô Trung Nghị là người nhà Minh bên Tàu, chúng tôi sẽ bàn thêm vào một dịp khác khi đã có đủ căn cứ. Trước mắt, sơ bộ có thể nói việc giả mạo mình là người Tàu là để tránh họa nếu chẳng may xảy ra, liên quan đến vụ Ngô Đình Nga cùng Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn nổi lên chống lại họ Trịnh tại cửa Đại An năm 1600”.  PHHNVN 2019/tr.210 T2.

Ngô  Vui

https://ngotoc.vn/Gioi-thieu/mot-dong-ho-co-9-sac-phong-bi-that-lac-674.html



1.

Qua việc tìm lại 9 sắc phong của dòng họ Ngô Đình ở Vụ Bản

04:04, 12/04/2012

Qua đợt điều tra, thống kê và sưu tầm tài liệu quý hiếm tại huyện Vụ Bản (tháng 7-2011), đoàn công tác của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã phát hiện trong kho lưu trữ của huyện đang cất giữ 9 sắc phong thời Lê Trung Hưng. Đây là tài liệu rất quý, hiếm mà ít nơi còn lưu trữ được. Qua công tác dịch thuật cho thấy, cả 9 sắc phong đều thuộc về dòng họ Ngô Đình ở xã Ngũ Xá, huyện Thiên Bản (Vụ Bản ngày nay). Các sắc phong đều có kích thước 150cm x 80cm, nội dung phong quan, phong tước lộc cho các cá nhân. Trong đó, 4 sắc phong cho Ngô Đình Tập, 4 sắc phong cho Ngô Đình Sắt, 1 sắc phong cho Ngô Đình Đang. Trong đó có sắc phong xuất hiện cách đây 300 năm. Đây là sự bổ sung kịp thời cho nguồn tư liệu quý hiếm của quốc gia phục vụ công tác nghiên cứu về thời Lê Trung Hưng. Tuy nhiên, việc tồn tại khá lâu cộng với điều kiện bảo quản không đầy đủ, nên hầu hết các sắc phong đều đã bị hư hại một phần, nhiều chỗ mục ố, rách mép. Chỉ có 3 bản còn xác định được niên đại lập từ thời Lê gồm: 1 bản lập năm Chính Hoà 26 (1705), 1 bản lập năm Bảo Thái 9 (1729), 1 bản lập năm Cảnh Hưng 11 (1750), 6 bản còn lại bị rách mất niên đại, nếu không được tu bổ kịp thời, bảo quản đúng chế độ, các sắc phong này sẽ bị hư hại nặng và không thể khôi phục lại được. Theo đề nghị của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, ngày 15-3-2012, UBND huyện Vụ Bản đã giao toàn bộ 9 bản sắc phong này cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, nơi có trang thiết bị hiện đại để bảo quản, phục chế.

Nhà thờ dòng họ Ngô Đình ở thôn Nhì, xã Trung Thành (Vụ Bản).
Nhà thờ dòng họ Ngô Đình ở thôn Nhì, xã Trung Thành (Vụ Bản).

Để hiểu rõ hơn về 9 sắc phong, phóng viên Báo Nam Định đã đi tìm hiểu về dòng họ Ngô Đình ở địa danh xã Ngũ Xá xưa. Với khoảng thời gian hàng trăm năm đã qua, tên làng, tên xã, tên huyện đổi thay, nên rất khó xác định được địa danh xã Ngũ Xá. Qua dịch lại, một số sắc phong có nhắc đến địa danh xã Bảo Ngũ, huyện Thiên Bản. Đối chiếu với tư liệu cổ về huyện Vụ Bản, xã Bảo Ngũ xưa, nay thuộc thôn Nhất, thôn Ba của xã Quang Trung và thôn Nhì, thôn Tư của xã Trung Thành. Nơi đây có khá nhiều dòng họ Ngô, trong đó dòng họ Ngô Đình chỉ có ở thôn Nhì, xã Trung Thành. Sau khi nghe chúng tôi đề cập, các ông Ngô Đình Chiến và Ngô Đình Cơ là những người đứng đầu các chi trong dòng họ đều khẳng định 9 sắc phong thuộc dòng họ của mình. Dòng họ Ngô Đình do cụ tổ là Ngô Đình Nga từ Nghệ An đến đây lập nghiệp khoảng những năm 1500. Dòng họ này luôn xuất hiện những người học hành đỗ đạt cao, có công lớn, được triều đình phong kiến phong thưởng, giao giữ chức vụ quan trọng. Tiêu biểu như Điền quận công Ngô Đình Điền đã có công đắp đê sông Đáy chống sự tàn phá của thiên tai, bảo vệ cuộc sống, mùa màng, được nhân dân nhiều nơi thờ tự. Cụ Ngô Đình Tập từng được phong Anh liệt tướng quân, Vũ Động tướng quân, Minh Đôn tướng quân, cụ Ngô Đình Sắt được phong Hoằng tín đại phu, Mậu lâm lang, Trì Uy tướng quân… vì đã có công lớn trong đánh giặc, cứu giúp nhân dân. Trong dòng tộc còn có bà Ngô Thuận Phi là Phi tử của Chúa Trịnh Cán. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, phát triển, hiện dòng họ Ngô Đình có 4 chi với trên 100 hộ. Về nguyên nhân thất lạc 9 sắc phong, theo ông Chiến và ông Cơ, khoảng năm 1964 khi thực hiện quy hoạch đồng ruộng để phục vụ sản xuất, lúc đó, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Vụ Bản phát hiện ngôi mộ cổ có xác ướp được cho là người của dòng họ Ngô với 36 bộ quần áo. Dòng họ Ngô ở huyện Vụ Bản có khắp nơi trong huyện từ các xã Quang Trung, Liên Minh, Liên Bảo, Đại An... Nên để làm rõ thêm lai lịch ngôi mộ, người trong dòng họ Ngô Đình đã đồng ý cho các cơ quan chức năng mượn các sắc phong. Do người cho mượn sắc phong đã mất nên từ đó người trong họ không biết các sắc phong ở đâu. Ông Chiến, ông Cơ bày tỏ niềm vui khi tìm thấy sắc phong và được các cơ quan chức năng bảo quản, phục chế coi như vốn quý của quốc gia. Đây là niềm động viên rất lớn con cháu dòng họ Ngô Đình bởi từ lâu dòng họ đã thất lạc mất gia phả.

Từ việc 9 sắc phong từ thời Lê Trung Hưng của dòng họ Ngô Đình được phát hiện, các huyện, thành phố cần kiểm tra, kiểm soát lại kho lưu trữ, qua đó có thể phát hiện thêm các tài liệu quý hiếm có ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa. Đồng thời, người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn các tài liệu của cha ông để lưu giữ lại cho mai sau và để phục vụ cho công tác tìm hiểu, nghiên cứu của các cơ quan chức năng./.

Bài và ảnh: Đức Thiện

https://baonamdinh.vn/channel/5087/201204/Qua-viec-tim-lai-9-sac-phong-cua-dong-ho-Ngo-dinh-o-Vu-Ban-2162077/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.