Hội nghị - Hội thảo - Tập huấn “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh” có sự tham dự của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện tổ chức UNESCO tại VN, lãnh đạo Sở VH-TT&DL 63 tỉnh, thành và các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú đại diện cho cộng đồng thực hành di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT).

Tính tới thời điểm hiện nay, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh 15 DSVHPVT của Việt Nam vào các Danh sách (bao gồm 13 DSVHPVT đại diện của nhân loại và 02 DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp) phân bố ở hầu hết tỉnh, thành phố với nhiều chủ thể là đồng bào các dân tộc khác nhau. Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và nhân loại.

Việc gia tăng về số lượng DSVHPVT được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về DSVHPVT cũng như sự phát triển của kinh tế - xã hội trong những năm gần đây đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản và thực hiện Công ước.

Đánh giá một số tồn tại cần khắc phục trong công tác quản lý, bảo vệ, và phát huy DSVHPVT, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương nhận định, nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT còn hạn chế và không đồng đều. Một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ để đưa vào Danh mục của quốc gia hoặc quốc tế mà thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững và hội nhập… từ việc xây dựng, tổng hợp, xử lý thông tin các Báo cáo định kỳ về tình trạng, tình hình bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi danh cho tới việc nhận diện, đánh giá các nguy cơ tác động, dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền di sản.

"Kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản cũng còn hạn chế, chưa có cơ chế, chính sách hợp lý nên chưa thu hút được sự hỗ trợ, hợp tác, tài trợ của các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước” - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương nhận định.

Trong nội dung về quản lý, bảo vệ và phát huy DSVHPVT nói chung, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được nêu ra thảo luận sôi nổi. Từ khi được UNESCO ghi danh, các sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được tự do phát triển, thể hiện ở sự gia tăng nhanh chóng số lượng các cơ sở thờ tự cũng như đội ngũ các thanh đồng. Việc thực hành tín ngưỡng được coi trọng, cộng đồng tín ngưỡng phát triển mạnh; Hoạt động truyền dạy di sản được chú trọng.

Tuy nhiên, từ sau khi được UNESCO ghi danh, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cũng gặp không ít khó khăn. Dưới danh nghĩa tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di sản, một số địa phương, tổ chức, cá nhân đã tiến hành nghi lễ hầu đồng bên ngoài các không gian thiêng. Từ đó xuất hiện hình thức được gọi là “hầu đồng sân khấu hóa” hay “hầu đồng văn nghệ”. Điều đó làm mất đi “tính thiêng” của di sản, làm trần tục hóa tín ngưỡng, dẫn đến nhiều người hiểu sai lệch về di sản, coi hầu đồng như một hoạt động văn hóa, văn nghệ. Vì thế nên đã có trường hợp diễn xướng mô phỏng hầu đồng trong cả đám cưới, bàn ăn… Trong 5 năm qua, việc “sân khấu hóa” nghi lễ hầu đồng diễn ra khá ồ ạt và khó kiểm soát.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng khoa học - Viện Văn học Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, đây không phải là một di sản văn hóa phi vật thể thông thường, nó còn gắn với tín ngưỡng, tâm linh, những yếu tố nhạy cảm mà dư luận thường cho là “mê tín dị đoan”, “buôn thần bán thánh” như nhập hồn, phán truyền, đốt vàng mã... "Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về thực hành di sản; Rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý; Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thủ nhang, đồng thầy; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp”.

Thực tế hiện nay, một bộ phận công chúng coi di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chỉ là hầu đồng. Một số người còn lầm tưởng vinh danh di sản này là vinh danh các ông/bà đồng. Hiểu như vậy là sai lệch, phiến diện về di sản. Có đơn vị còn đứng ra tổ chức “liên hoan hầu đồng”, thi trình diễn trang phục hầu đồng, biểu diễn hầu đồng trên sân khấu…

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định nêu ý kiến: “Để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong xã hội đương đại, trước hết là cần nhận diện đúng, đầy đủ bản chất và giá trị cốt lõi của di sản và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý nhà nước đối với di sản đã được UNESCO ghi danh. Đó còn là cơ sở giúp chúng ta ngăn chặn sự lạm dụng, biến tướng, làm sai lệch thực chất của di sản”.

Đại diện cho cộng đồng - người thực hành di sản - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng, Đền Nguyên Khiết Linh Từ 102 Hàng Bạc (Hà Nội) khẳng định, hầu đồng không phải nghệ thuật trình diễn, mà là nghi lễ, nghi thức của tín ngưỡng, do vậy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phải thực hiện trong đền đài, điện, phủ. "Nếu đưa hầu đồng ra khỏi không gian linh thiêng tức là biểu diễn giá trị hầu đồng, mà điều đó thì cộng đồng thực hành di sản chúng tôi không có nhu cầu. Chúng tôi theo tín ngưỡng vì đó là niềm tin thiêng liêng, là truyền thống, là bản sắc cha ông, các thày chúng tôi truyền lại. Nếu muốn quảng bá, muốn tiếp cận, nghiên cứu, muốn xem thì mọi người có thể đến tham dự các buổi nghi lễ thực hành đó tại các đền đài, điện, phủ chứ không phải mang lên sân khấu để trình diễn”.

Việc bảo tồn và phát triển di sản sau khi ghi danh đòi hỏi sự cân nhắc tỉ mỉ về cách thức thực hiện, tránh những tác động đến tính nguyên vẹn của di sản trong quá trình phát triển. Để làm được điều này, sự phối hợp đồng thuận, hài hòa giữa chính quyền và cộng đồng là rất quan trọng, để đảm bảo rằng di sản thể hiện đúng giá trị văn hóa, đồng thời giữ lại tính chất phong phú và sáng tạo của nó.

PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn hóa TP. HCM cho rằng, để phát triển hài hòa một cách bền vững, cần quản lý dựa vào cộng đồng, chung tay gìn giữ bảo vệ di sản. "Có như vậy, di sản văn hóa phi vật thể mới giữ được các giá trị cốt lõi. Để khi tái tạo, sáng tạo, bồi đắp mới vẫn không bị mất đi bản sắc riêng biệt, độc đáo - cái làm nên hồn của di sản".

TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chỉ ra một số nguyên nhân trong việc tồn tại những bất cập của công tác quản lý, bảo vệ và phát huy DSVHPVT: “Nguyên nhân quan trọng là chưa nắm được đặc trưng cơ bản của di sản cũng như ảnh hưởng của những đặc trưng này đến di sản. Từ đó ở nhiều địa phương, bảo tồn DSVHPVT không đúng, không tôn trọng vai trò cộng đồng và các thành tố liên quan. Các di sản đều gắn chặt với không gian văn hóa sản sinh ra di sản. Các không gian thiêng tuy chưa cấu trúc thành loại hình văn hóa nghệ thuật của di sản nhưng nó lại là một bộ phận cực kỳ quan trọng của di sản, hay trong nghệ thuật ngôn từ thường dùng thuật ngữ “Ngữ cảnh”.

Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP. Hà Nội nêu ý kiến: “Muốn quảng bá và phát huy di sản thì không gian thực hành di sản cần được mở rộng. Đây là một khó khăn của Hà Nội. Ngoài ra, cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước để thống nhất hoạt động của các CLB theo các quyết định, “đúng vai, thuộc bài, không nhầm chỗ”. Cũng cần có đội ngũ cán bộ cấp chuyên gia của toàn quốc, các tỉnh thành… có kiến thức và có tình yêu di sản. Cuối cùng là cần xây dựng được mô hình phát huy những DSVHPVT được ghi danh để chúng ta nhân rộng và tăng cường kiểm tra, giám sát”.

Để tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị tốt đẹp của DSVHPVT, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng nêu ra một số yêu cầu như: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện về thể chế, chính sách; triển khai các chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT. "Chúng ta phải làm sao phát huy vai trò tự chủ của cộng đồng chủ thể văn hoá, đặc biệt là vai trò của các bản hội, đồng thầy, câu lạc bộ Đạo Mẫu thông qua các quy chế, quy định mà cộng đồng đã thảo luận, đồng thuận nhưng không trái với quy định pháp luật của Nhà nước.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhận định: "DSVH là vô cùng quan trọng, nhưng cũng mong manh và nhạy cảm trước sự thay đổi của thời cuộc. Nếu chúng ta nhận thức đúng, đầy đủ, hình thành nên 1 quan điểm vững chắc về việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH nói chung thì sẽ không còn hoặc giảm bớt những tranh cãi về việc có được trình diễn di sản trên sân khấu hay không và sẽ bảo vệ được di sản tốt hơn. DSVHPVT nếu mất đi thì không bao giờ khôi phục lại được. Các quyết định liên quan đến di sản đều cần phải thận trọng ở cả 2 chiều: cả bảo tồn thái quá và phát triển thái quá.

"Theo tôi, cộng đồng sở hữu di sản và cộng đồng thực hành di sản có vai trò quan trọng nhất. Tuy nhiên cộng đồng cũng phải hiểu biết đầy đủ thì mới là cộng đồng thông minh để bảo vệ và phát huy di sản của mình một cách tốt hơn. Rất cần một tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau và tình yêu đối với DSVHPVT, lúc đó mới có thể thông cảm, đồng cảm với nhau. Về phía Cục Di sản, trong khi chờ Luật Di sản văn hoá sửa đổi cũng cần ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn để hướng dẫn cho các cộng đồng thực hành DSVHPVT. Có những điều pháp luật không cấm, nhưng quy tắc đạo đức và trách nhiệm lại rất quan trọng để chúng ta điều tiết hành vi của mình" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, các ý kiến tham luận đều thống nhất nội dung về các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT có tính chuyên môn đặc thù, cần có lộ trình tiếp cận vấn đề, chiến lược lâu dài, hướng tới quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các DSVHPVT sau ghi danh một cách bền vững.

Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT hiện nay còn phải được tiếp cận theo một số nội dung có tính xu hướng, tính quốc tế như: tiếp cận di sản và phát triển bền vững, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa quốc gia và quốc tế, đề cao vai trò của cộng đồng chủ thể, nghệ nhân, người thực hành di sản...