Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

29/12/2021

"Nhà giáo Nguyễn Hải Đạm" - một cuốn sách vừa ra về vị sư biểu trong thế kỉ XX của đất học Thái Bình

Một cuốn sách vừa ra, vào dịp cuối năm 2021, kết quả của khoảng 5 năm chuẩn bị bản thảo và lo các khâu xuất bản của gia đình thầy Nguyễn Hải Đạm (1934-2000), mà trụ cột là nhà giáo Hoàng Năng Trọng con rể của thầy.

Về tình bạn hiếm có giữa Hoàng Năng Trọng và Đỗ Trọng Khơi ở Thái Bình, thì trên Giao Blog, có thể đọc ở đây (tháng 5 năm 2016). Và gần đây, năm 2020, thầy Hoàng Năng Trọng - Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Bình - đã nhận một học trò đặc biệt vào trường vẫn trong một tương cảm nhân duyên đặc biệt như vậy (xem ở đây).

1. Thầy Hải Đạm sinh trưởng trong dòng họ Nguyễn danh tiếng ở làng Đông Tác (Hà Nội), là con thứ của nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo (xem ở đây), là cháu ruột gọi Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha bằng chú (cụ Kha là em ruột của cụ Tảo; xem ở đây). 

Những người em trai hiện đang hoạt động mạnh mẽ trong trước thuật và biên khảo của thầy Hải Đạm, thường xuyên xuất hiện trên không gian mạng, là các vị: Nguyễn Hải Hoành (xem ở đây), Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Chí Công (xem ở đây).

2. Thầy Hải Đạm sinh trưởng ở Hà Nội, nhưng cả đời đã cống hiến cho sự nghiệp trồng người của tỉnh Thái Bình. Thầy đã dạy học ở khắp các huyện trong tỉnh, rồi cuối cùng là Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình - thầy từng là Trưởng Khoa Ngữ Văn của trường.

Thầy không có bằng cấp cao (chỉ có hàm thụ đại học), cũng không phải đảng viên, thậm chí chưa từng được nhận danh hiệu nào dành cho nhà giáo (như Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân). Nhưng với hàng vạn học trò của thầy, trong đó có chủ nhân Giao Blog, thầy xứng đáng được tôn vinh là vị sư biểu trong thế kỉ XX của đất học Thái Bình. 

Nhà thơ nhà giáo Lương Hữu (đồng nghiệp của thầy Hải Đạm ở Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình), đã viết trên báo Giáo dục Thời đại Chủ nhật ngay sau tang lễ của thầy Hải Đạm (báo số 12, ra ngày 19/3/2000): "Khi bầu Nhà giáo Ưu tú, anh mất khá nhiều phiếu vì những đồng nghiệp này. Anh là người của công việc nên những bấu bán ấy không làm anh buồn lâu.... Cuộc đời rất công bằng đã và sẽ tôn vinh anh". Trong một bài viết mới đây, thầy Lương Hữu viết tiếp: "Anh về cõi người hiền đã được mấy chục năm, từ lâu, bạn bè, anh em, học sinh, sinh viên vẫn coi anh là Thầy giáo của nhân dân" (trang 100, sách Nhà giáo Nguyễn Hải Đạm).

Tỉnh Thái Bình đã có Địa chí Thái Bình rồi Từ điển Thái Bình được biên soạn tương đối công phu (Từ điển thì đã có bản đầu tiên, rồi có bản cập nhật mới đây). Nếu trong Địa chí Thái Bình hay Từ điển Thái Bình, có các mục từ "Nguyễn Đức Cảnh", "Trần Độ", "Chu Văn Rỵ",... thuộc thế kỉ XX, thì cũng cần thiết phải có mục từ "Nguyễn Hải Đạm" - hiện nay, tôi chưa kiểm tra bản cập nhật gần đây.

3. Vào dịp cuối năm 2021, cuốn Nhà giáo Nguyễn Hải Đạm đã được ra đời (Nhiều tác giả, Nxb Dân Trí - Liên kết xuất bản : Hoàng Năng Trọng - Trường Đại học Y Dược Thái Bình).








4. Tôi nhận được sách vào buổi chiều ngày 25 tháng 12, trực tiếp từ người con rể yêu quí của thầy. Sau khoảng nửa tiếng hàn huyên rồi tiễn anh Trọng trở lại Thái Bình, tôi ở lại chỗ hẹn, đọc liền một mạch. Rồi chuyển về nhà, sau bữa cơm tối thì đọc say sưa tới 4h sáng hôm sau. Nhiều trang viết của các học trò hay bạn hữu gửi thầy, hoặc bài viết cùng thư từ của thầy, đã làm tôi thực sự xúc động.

Đầu tiên, đưa nhanh toàn bộ ảnh bìa cùng mục lục của cuốn sách lên Giao Blog. Các ghi chép hay cảm tưởng về thầy, về cuốn sách, thì sẽ được đưa dần lên sau.

Tháng 12 năm 2021,

Giao Blog


(do bận, bài được viết dần từ ngày 29/12/2021 đến ngày 1/1/2022)




---

BỔ SUNG


1.

Bài lấy về từ Website Báo Văn Nghệ

Sáng ngày 3/1/2022, anh HNT có thông tin cho biết là hai ảnh đính kèm bài trên Báo Văn Nghệ bị nhầm lẫn về chú thích. Bởi vậy, các chú thích ảnh có nhầm lẫn hiện được gạch bỏ, và thay bằng chú thích mới lấy nguồn thông tin từ sách Nhà giáo Nguyễn Hải Đạm

(ghi bổ sung vào sáng 3/1/2022)




Người thầy tôi chưa được học


Những kỷ niệm sâu sắc với Khóa học sinh cấp III Bắc Kiến Xương cả về thầy, về trò, về bạn bè khổ học trong những năm chiến tranh chống Mỹ mấy chục năm đã qua vẫn thấm đậm trong mỗi học sinh chúng tôi. Một trong những ấn tượng về các thầy cô “Thế hệ thầy giáo vàng”. Ngày ấy một người thầy tôi chưa từng được học, đó là thầy giáo dạy văn Nguyễn Hải Đạm.



Thầy giáo Nguyễn Hải Đạm với học sinh Kỷ niệm 30 năm. Thầy Hiệu trưởng Bùi Tấn, Trung tướng Đỗ Phúc Hưng, ngày Thành lập trường cấp III Bắc Kiến Xương năm 1996 . (chú thích trên Báo Văn Nghệ có nhầm lẫn).

Thầy giáo Nguyễn Hải Đạm với học sinh cũ trong Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trường PTTH Bắc Kiến Xương (1966-1996).

(chủ thích được Giao Blog viết lại dựa theo thông tin trong sách Nhà giáo Nguyễn Hải Đạm, trang 33 và trang 49)


Tôi còn học lớp 6 ở cấp II thì các anh cùng làng vào học cấp III năm ấy kể là ở trường các anh được học thầy giáo dạy văn rất giỏi là thầy Nguyễn Hải Đạm. Đứng trên bục giảng thầy làm chủ hoàn toàn kiến thức. Học sinh, cả thầy cô đến dự giờ, cứ mỏi tay ghi nhưng vẫn ngước mắt nhìn và nghe như nuốt từng lời thầy giảng… Chỉ với những lời các anh lớp trước kể lại mà tôi đã có một sự đam mê mà trong phần nguyện vọng làm hồ sơ đi học Trung cấp chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp cấp II Phổ thông là vào ngành Sư phạm với ước mong học thật tốt để là giáo viên dạy văn thật giỏi và trẻ như thầy giáo Đạm.

Lần đầu tôi được gặp thầy là Tết Nguyên đán năm 1967, mồng 3 Tết tôi cùng anh Đỗ Phúc Hưng đến xã Bình Minh mang hai cành hoa giấy thăm thầy giáo Trần Quang Duyến dạy trường cấp II Thanh Tân. Thầy rất quý anh em tôi vì đều học giỏi môn văn thầy dạy. Thầy Duyến sau đi bộ đội, vào đặc công nước, chiến đấu ở Cửa Việt - Quảng Trị. Năm 1976 thầy đi học thêm về kinh tế và chuyển công tác. Thật là may nhà thầy Nguyễn Hải Đạm lại sơ tán về gần nhà thầy Duyến. Chúng tôi sang thăm và chúc Tết thầy cô. Cô Liệu vợ thầy trẻ trung xinh xắn và nhanh nhẹn, có khuôn mặt trái xoan và một nốt ruồi trên má thật duyên. Cô là Kế toán trưởng chi điếm ngân hàng huyện Kiến Xương. Bé Trà Giang khoảng ba tuổi ngoan ngoãn đáng yêu. Cả gia đình ở căn nhà nhỏ lợp mái nứa ngăn nắp, giản dị, tường vách ngăn bằng những tấm cót, ngoài đồ dùng đơn sơ thanh bạch, giá sách của thầy với những cuốn văn học và khoa học dày cộm được đóng gáy vải cẩn thận... Bấy giờ chưa có điện, trên góc tường nhà thầy đóng một giá nhỏ để chiếc đèn dầu. Mỗi cạnh phía giáp vách lại có một tấm gương tráng phản chiếu ánh sáng ra mà thầy giải thích là: hai tấm gương phản chiếu làm ánh sáng “tăng gấp hai lần” so với không có gương... Thế rồi hai năm sau tôi cũng được bước chân vào cổng trường cấp III. Không được học thầy giáo Đạm nhưng lại nhiều lần được nghe thầy nói chuyện ngoại khóa về các sự kiện Chính trị Quân sự trong nước và Quốc tế, về Bác Hồ và các đời Tổng Bí thư của Đảng, các giai đoạn thăng trầm của cách mạng. Thầy phân tích và dẫn chứng những bài thơ gắn với sự kiện lịch sử của Đất nước của Tố Hữu, về sự vĩ đại của Bác Hồ khác với và các lãnh tụ trên Thế giói qua câu thơ: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn trượng đồng phơi những lối mòn” và ý nghĩa sâu xa trong từng khổ thơ của bài Tâm sự... Các anh chị học lớp 10 do thầy vừa dạy Văn vừa là giáo viên Chủ nhiệm cứ mỗi tuần trong buổi sinh hoạt lớp lại sôi nổi nghe thầy bàn định cả “chiến lược, chiến thuật” xây dựng lớp để giành giải thi đua xuất sắc của trường... Thầy là giáo viên dạy giỏi, mỗi tiết dạy của thầy đầy ắp những kiến thức và tư liệu phong phú mà mỗi học sinh trường tôi được học thầy là một khao khát...

Thầy Đạm rất trực tính, không ưa thói xu nịnh. Trò nào lỡ mắc khuyết điểm là thầy nhắc, nhở chấn chỉnh ngay. Hồi đó cô giáo M dạy Toán có mắc sai phạm trong sinh hoạt, bố cô giáo người Nam bộ, cực kỳ nóng nảy, có phản ứng gay gắt về hình thức xử lý kỷ luật của Hội đồng Nhà trường. Thế mà thầy hiệu trưởng Bùi Tấn cùng thầy Nguyễn Hải Đạm đã lý giải mềm mỏng, có lý có tình… “Anh Hai Nam bộ” đã “hạ hỏa”, hiểu đúng bản chất sự việc, lại cười tươi cảm ơn Nhà trường và thầy Hiệu trưởng. Thầy Bùi Tấn kể với chúng tôi: Thầy Đạm không là Đảng viên nhưng trong thầy có đủ phẩm chất của người Đảng viên Cộng Sản. Đó là trung thực, là trách nhiệm và dũng cảm đấu tranh bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng vụ lợi cá nhân và việc làm chưa đúng…

Khi đã đi bộ đội, được huấn luyện tân binh và học đào tạo Hạ sỹ quan, hai lần tôi về qua thăm trường, lớp 9B của tôi đã lên lớp 10B, lại được thầy Nguyễn Khải Đạm dạy môn Văn (Thế mới tiếc là “số tôi” không được học hết lớp 10 để được học thầy). Tôi tháo khẩu súng AK đeo bên người đặt ở gốc phi lao ngoài sân trường, vào chào các bạn, cũng là đến giờ của thầy lên lớp. Thấy tôi ríu rít cùng các bạn, thầy cười tươi ý tứ đứng ngoài cửa lớp cho chúng tôi hàn huyên, đến khi tôi bước ra thầy mới vào lớp dạy. Có lần đã là anh Tiểu đội trưởng, tôi về trường, được ngồi ở phòng thầy cùng một anh bạn vào bộ đội đặc công, kể cho thầy những chuyện ở đơn vị. Thầy chăm chú nghe và góp lời. Thầy còn gọi chúng tôi là “cậu” một cách thân mật và trân trọng.

Năm 1996 trường cấp III Bắc Kiến Xương kỷ niệm 30 năm ngày Thành lập, chúng tôi thật vui được quây quần bên thầy cô, bạn bè thuở cũ. Thầy Đạm, vẫn dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn với nét mặt và ánh mắt hoạt bát, được các nhóm học trò vây quanh như ngày nào. Thầy nhắc đến các trò đi bộ đội đã anh dũng hy sinh không được trở về. Thầy nói đến tên một học sinh của trường, trong mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, dẫu biết là cuộc chiến ác liệt, có thể hy sinh, nhưng vẫn dũng cảm ở lại chiến đấu chứ quyết không đào ngũ. Thầy rớm nước mắt khi tôi hỏi thăm em Trà Giang bị bệnh hiểm nghèo đã mất. Thầy mong có ngày gặp mặt 35 năm của trường. Thầy nói thầy đang nghiên cứu tâm linh và thần học trong trị bệnh cứu người. Sau lễ kỷ niệm, tôi cùng thầy có đến chơi nhà một số bạn học cùng khóa ở thị xã Thái Bình. Ngờ đâu đó là lần cuối tôi được đi cùng thày.

Thầy Đạm mất tháng 2 năm 2000, khi tròn 66 tuổi. Trước ngày 20 tháng 11 năm 2018, thầy Hiệu trưởng Nhà giáo ưu tú Bùi Tấn, Trung tướng Đỗ Phúc Hưng và tôi đến thắp hương cho thầy, thăm vợ thầy là cô Liệu ở nhà số 76 ngõ 124 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Thầy trò chúng tôi và cô Liệu thành kính đặt lễ hoa quả và tặng phẩm nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống trường cấp III Bắc Kiến Xương lên ban thờ thắp hương cho thầy. Ngắm nhìn di ảnh thầy mọi người bồi hồi xúc động cùng ôn lại những kỷ niệm về người thầy kính mến:

 

Thiếu tướng Phạm Tiến Luật, cô giáo Phạm Thị Liệu thắp hương tưởng nhớ Thầy Nguyễn Hải Đạm  (chú thích trên báo Văn Nghệ bị nhầm)

Thầy Hiệu trưởng Bùi Tấn và các cựu học sinh trường Bắc Kiến Xương (Thiếu tướng Phạm Tiến Luật, Kỹ sư Phạm Ngọc Quỳnh) bên bàn thờ thầy Nguyễn Hải Đạm. Người đứng ở bìa trái là cô Phạm Thị Liệu - phu nhân của thầy. 

(chú thích được Giao Blog viết lại dựa theo thông tin trong sách Nhà giáo Nguyễn Hải Đạm - trang 34)


Thầy Nguyễn Hải Đạm sinh năm 1934 tại làng Trung Tự (nay là phố Đông Tác, phường Kim Liên, thành phố Hà Nội), dòng dõi gia tộc nổi tiếng Nguyễn Đông Tác - ông nội của thầy là cụ Nguyễn Hữu Cầu đã tham gia phong trào yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục của cụ Phan Bội Châu từ trước cách mạng tháng 8. Thân sinh ra thầy Đạm là cụ Nguyễn Hữu Tảo, là Giáo sư, trưởng khoa Tâm lý học đầu tiên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội khi thành lập, thầy Nguyễn Hải Đạm được chọn đi học văn hóa và học trường Trung cấp Sư phạm ở khu học xá Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngay từ kháng chiến chống Pháp. Sau ngày hòa bình, thầy tốt nghiệp ra trường và dạy cấp II ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thầy được cử đi học ở Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1959. Tốt nghiệp Đại học, thầy về tỉnh Thái Bình dạy ở trường cấp III Duyên Hà, trường cấp III Đông Quan và trường cấp III Bắc Kiến Xương của chúng tôi, rồi thầy học lên Đại học chuyển lên làm trưởng khoa Ngôn Ngữ học trường Sư phạm 10+3 (sau là trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Thái Bình), năm 1995 sức khỏe yếu thầy nghỉ giảng dạy nhưng vẫn thường xuyên viết sách về giảng dạy Ngữ văn cả về trích giảng văn học trong Nhà trường ,bổ sung Từ điển Hán nôm trong tiếng Việt và viết báo cho báo hiao cho Giáo dục giáo dục đào tạo. Có lẽ thầy khát khao cháy bỏng mong muốn được truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm cả một đời dạy Văn cho các đồng nghiệp, các trò đang tiếp tục sự nghiệp trồng người mà trong thầy vẫn như còn đau đáu một điều gì đó về sự chưa thật hoàn thiện của nền giáo dục nước nhà trước thực tiễn phát triển của Xã hội hiện đại. Về dạy học ở Thái Bình thầy yêu và kết hôn với cô Phạm Thị Liệu quê xã Đông Hoàng. Cuộc sống hạnh phúc của thầy cô sinh được 4 người con: con gái đầu là em Nguyễn Thị Trà Giang (bị bệnh đã mất), con thứ hai là Nguyễn Thị Khánh Xuân đang kế tục sự nghiệp của thầy ở Khoa Ngôn ngữ học trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Thái Bình, con thứ ba là Nguyễn Thị Thúy Hà - Kỹ sư Công nghệ Thông tin, làm việc ở ngành Ngân hàng và con trai út là Nguyễn Hải Long, đang làm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank. Các con của thầy cô đã trưởng thành vừa kế nghiệp của bố - Nhà giáo Nguyễn Hải Đạm và của mẹ - Cô Phạm Thị Liệu.

Bên thầy Hiệu trưởng, Nhà giáo ưu tú Bùi Tấn và hai cựu học sinh của trường cấp III Bắc Kiến Xương đi bộ đội đã được phong quân hàm cấp Tướng, cô Phạm Thị Liệu xúc động kể lại: Khi thầy Nguyễn Hải Đạm mất, một người bạn rất thân của thầy Đạm tên là Cảnh ở Thái Bình có đưa cho cô Liệu lá thư thầy Đạm gửi anh Cảnh cách đó 10 năm, thầy tâm sự là thầy sẽ ra đi năm thầy 66 tuổi (Lá thư đó hiện nay cô Liệu vẫn đang lưu giữ). Thật là kinh ngạc thầy đã tiên đoán được tuổi thọ của thầy như một điều huyền bí.

Hôm nay viết lại những kỷ niệm về thầy tôi vẫn thầm thốt lên: thầy giáo Nguyễn Hải Đạm kính yêu của chúng em ơi, em chưa được may mắn học môn văn thầy giảng dạy và thật hạnh phúc cho những học sinh đã được học thầy.

Nguồn Văn nghệ số 44/2020

http://baovannghe.com.vn/nguoi-thay-toi-chua-duoc-hoc-21718.html


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.