Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

30/05/2020

Văn nghệ Thứ Bảy : cặp anh em Trung Hiếu - Trung Kiên cùng viết văn và cùng đá bóng ngày trước

Đó là hai anh em ruột Bùi Trung Hiếu và Bùi Trung Kiên. Những người bạn cùng viết văn và cùng đá bóng của chúng tôi ngày trước. Một số trại hè viết văn ngày ấy có cùng lúc cả mấy cặp anh em, mà một trong đó là Hiếu - Kiên. Chúng tôi viết văn trong khuôn viên trụ sở Hội Văn nghệ Thái Bình. Buổi chiều tối thì đá bóng, ngay ở khoảnh sân láng bê tông trước hội trường lớn, chỗ ấy có mấy gốc đại nở hoa vàng.

Trụ sở Hội Văn nghệ Thái Bình lúc đó ở gần Sở Giáo dục Thái Bình, gần Đoàn chèo Thái Bình, và ngay ở sau Khách sạn Giao Tế.

Nhóm đá bóng trong sân của Hội Văn nghệ Thái Bình hồi thập niên 1980s ấy, thường có anh em Hiếu Kiên, anh em Khang Khải, anh em Hạnh Bình, Thắng con chú Bính, tôi, và một vài người nữa.

1. Người anh trai là Hiếu thì lại là bạn học trường chuyên tỉnh từ lớp 3 (tức là khoảng 9 tuổi gì đó). Ấy là thời trọ học ở Vũ Trung với bao nhiêu kỉ niệm, mà in đậm nhất là trời mưa đường làng trơn tuồn tuột.

Chúng tôi học chuyên tỉnh cấp một, rồi lại gặp lại ở cấp hai, và cả ba năm chuyên tỉnh cấp ba nữa. Điểm xuyên qua những năm học chuyên ấy là những mùa hè có trại viết văn.

2. Người em thì là Kiên, nước da có hơi ngăm đen so với anh một chút, nên chúng tôi tạm gọi là "Kiên đen". Cả hai anh em đều viết văn. Hình như không làm thơ.

3. Tôi cũng chuyên viết văn. Hồi ấy, tôi không thích viết thơ, hoặc cũng có thể là không viết được thơ. Đến mãi sau này, vẫn quan niệm rằng làm thơ dễ ợt so với viết văn, gì thì gì cứ phải viết văn xuôi mới ra tấm ra món. Ấy là lúc đã là sinh viên Tổng hợp Văn rồi đấy. Vẫn cứ thiên vị văn xuôi như vậy.

Sau này, mãi lúc đã tốt nghiệp Tổng hợp Văn được nhiều năm, tôi mới ngỡ ra rằng, viết thơ hay là viết văn, là còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện. Không nên đem so sánh hai thứ ấy một cách cơ học với nhau. Chẳng hạn, ông Murakami (Nhật Bản) thì phải để ông ấy viết văn. Nhưng ông Bắc Đảo (Trung Quốc) thì lại phải cậy ông viết thơ.

4. Hôm nay, bất ngờ thấy hai anh em Trung Hiếu và Trung Kiên cùng được giới thiệu bên trang nhà của nhóm Búp (tức là nhóm tổ chức lại gần đây trên cơ sở trại viết Búp trên cành ngày xửa xưa --- một trong những người khai sinh ra trại viết Búp trên cành là nhà văn Bút Ngữ, đã kể ở đây hay ở đây).

Tôi tạm đưa những giới thiệu mới nhất về hai anh em từ bên trang ấy về Giao Blog đã. 


Một ngày nắng như thiêu ở Hà Nội (30 tháng 5 năm 2020),
Giao Blog




Những người thời cuối 1970s

Ảnh cũ do chị Lã Thị Bắc Lý đưa lên mạng từ năm 2015. Ảnh chụp tại khuôn viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình (khoảng năm 1978).
Trong ảnh, ở hàng trên, từ trái sang có những nhà văn, nhà thơ sau: Lê Bính, Đức Hậụ, Bút Ngữ, Kim Chuông, Phạm Hổ, Hồng Dương, (chưa xác nhận được), Nguyễn Văn, Đỗ Vĩnh Bảo (theo kết quả xác nhận của nhà văn Đức Hậu).
Ở hàng dưới là các nhà văn nhà thơ nhí. Tôi không nhận ra được bất cứ anh chị nào trong đó, vì chưa từng gặp trong đời thực bao giờ, chỉ nghe tên mà thôi (nhưng được biết là có các chị Lã Thị Bắc Lý, Bùi Thanh Huyền,...).

Xem toàn văn ở đây

Ảnh do chị Lã Thị Bắc Lý đưa lên Fb năm 2015




Những người thời 1980s

Có thấy hình ảnh của tôi năm 1988, đọc toàn văn ở đây



Lứa đàn em thời 1990s 

Ảnh do nhóm Hồ Tuyên (và các bạn khác) đưa lên Fb






Sách tập hợp bài vở của nhiều thế hệ, in lần đầu năm 1990



Xem toàn văn ở đây











Xem toàn văn ở đây




Ảnh mới của các sự kiện vào năm 2019







---






Cặp anh em Hiếu Kiên, qua giới thiệu của trang nhóm Búp vào ngày 30/5/2020

Người anh

"

BÙI TRUNG HIẾU

Thứ bảy - 30/05/2020 08:08

Sinh năm 1972 tại Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình.
Học chuyên văn Trường PTCS Minh Thành; Trường Chuyên Thái Bình (1986 - 1989).
Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (Khoa Tiếng Nga) năm 1994.
Hiện làm việc tại Hà Nội.
Tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác văn thơ thiếu nhi của Hội VHNT Thái Bình từ 1983-1988.
Đã có nhiều bài viết đăng tại tập san Búp Trên Cành và báo Văn nghệ Thái Bình.





Kỷ niệm mùa hoa sữa

Thứ bảy - 30/05/2020 08:14


Chúng tôi ngồi nghỉ dưới gốc cây trên hè phố sau một cuộc tập trận giả, mặt đứa nào cũng đỏ bừng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Bỗng thằng Cường kêu to:
 - Mùi gì thơm thế chúng mày nhỉ?
- Ừ. Không biết mùi gì. Cả bọn đưa mắt tìm kiếm.
- A! Đúng rồi. Thằng Cường lại reo khiến chúng tôi đều quay cả lại. Nó chỉ tay lên vòm lá xanh biếc của cây sữa: “Mùi thơm hoa sữa đấy. Vào mùa thu nên hoa sữa nở. Nở thành chùm ấy. Màu trắng li ti đẹp lắm, kia kìa!”
Nó vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi thấy rõ những chùm hoa trắng ẩn trong màu xanh của lá. Thỉnh thoảng, những cánh hoa nhỏ theo gió nhảy dù xuống vỉa hè, rơi cả vào đầu, vào vai chúng tôi. Tôi ngây người trước mùi thơm đầy quyến rũ ấy, rồi bảo các bạn:
- Này, mình lên vặt hoa đi.
- Đừng, ngã đấy! Cao thế kia
- Với lại cô giáo bảo không được phá cây cối, để giữ vẻ đẹp xanh tươi cho đường phố…
- Úi dào! Sợ quái gì! Tôi gạt đi.

Mặc thằng Cường, thằng Chiến can ngăn, tôi xăng xái ôm thân cây trèo lên. Vốn khỏe nên tôi trèo rất nhanh Thoắt cái đã lên lưng chừng cây. Đưa mắt nhìn xuống dưới, tôi có cảm giác sờ sợ, nhưng nghĩ đến chùm hoa sữa thơm ngát trên cao, tôi hăm hở trèo tiếp. Cây sữa khá cao nên tôi thấm mệt. Nghỉ một lát lấy sức, tôi đưa mắt nhìn quanh. Từng chùm hoa sữa rung rinh rung rinh, hương thơm sực nức. Tôi đứng lên, cẩn thận vươn tay ra đầu cành toan hái một chùm. Nhưng xa quá, tôi phải bước ra cái cành nhỏ gần đấy. Tôi giật mạnh cái cuống làm chùm hoa lắc lắc nhưng vẫn chưa lìa cành. Những cánh hoa rơi lả tả, cả vòm lá xào xạc. Tôi trách cánh tay mình ngắn quá, tôi phải bước thêm ra một bước nữa. Bỗng “rắc” một tiếng khô khốc, tôi rùng mình ớn lạnh cả sống lưng. Cành cây gãy khiến tôi rơi, chỉ kịp kêu “ối” một tiếng tôi đã nằm vật trên vỉa hè, đầu óc choáng váng, quay cuồng, mắt nảy đom đóm.
Sau đó tôi phải vào viện cấp cứu. Qua một tháng điều trị, được săn sóc chu đáo, sức khỏe tôi dần dần bình phục. Năm ấy tôi học cũng kém.
Chuyện xảy ra cách đây hai năm, khi tôi còn là học sinh lớp 5 nghịch ngợm. Còn giờ đây, tôi kể lại chuyện trong lúc nắng thu đang nhuộm thắm từng chùm quả chín, và tôi đã bước vào năm học cuối của cấp II. Tôi viết để luôn luôn nhớ về một khuyết điểm là không nghe lời can ngăn của các bạn, và để các em nhỏ không bao giờ lặp lại sai lầm của tôi.

Hè 1983
Bùi Trung Hiếu
"





Người em

"

BÙI TRUNG KIÊN

Thứ bảy - 30/05/2020 08:45


Sinh năm 1975 
Tại Thụy Bình, Thái Thụy Thái Bình. 
Học sinh chuyên văn trường PTCS Minh Thành, Trường Chuyên Thái Bình (1989 - 1992). 
Tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội năm 1997. 
Hiện làm việc tại Công ty cấp nước Thái Bình. 
Tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác văn thơ thiếu nhi của Hội VHNT Thái Bình từ 1986-1987 
Đã có một số tác phẩm đăng tại tập san Búp Trên Cành và báo Văn nghệ Thái Bình.
"




"
Nhà Búp là Ngôi nhà văn chương được tạo nên từ hết thảy các mối cơ duyên kết tụ nhiều tâm hồn đồng điệu trong cảm nhận, đam mê sáng tác văn học của các thành viên nhóm “Búp trên cành” - những người đã gặp nhau từ thuở ấu thơ, qua năm tháng mải miết đi và bây giờ trở lại; của bầu bạn xa gần cùng chung tình yêu văn chương nghệ thuật.
 
Nhà Búp là nơi hội ngộ, cũng là nơi tìm về, để các thành viên sum vầy, đàm đạo, chia sẻ tâm tư tình cảm, ước mơ và khát vọng qua những áng văn thơ.

Về với Ngôi nhà văn chương này, từng thành viên sẽ tự thấy mình thêm thanh thản, an nhiên, nhẹ nhàng và thuần khiết. Để rồi mỗi ngày ta lại thấy cuộc đời này đáng sống, đáng yêu hơn!


* Về đây nhé ơi duyên ngàn năm đợi!

Năm 1976, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, lần đầu tiên trên cả nước, khởi xướng việc mở lớp Đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác Văn học và xuất bản cuốn Tạp chí mang tên BÚP TRÊN CÀNH, chuyên đăng tải những sáng tác của các em viết.

Trên mười năm đào tạo, nhóm BÚP TRÊN CÀNH đã có trên 700 bài văn thơ được chọn in trên các Tạp chí và Báo chí Văn học, tham gia gần 20 cuộc thi trong nước và quốc tế, trong đó 23 tác giả giành từ một đến hai giải thưởng như: Bùi Lan Anh, Vũ Huy Thông,  Phạm Lan Anh,  Nguyễn Nga, Trần Thu Huê, Phạm Minh Châu, Trần Minh Hạnh, Đào Thanh Bình, Bùi Biên Linh,  Nguyễn Thị Toán,  Minh Hương, Minh Yến, Thuý Hằng, Vân Hương, Diệu Liên, Thái Phúc.…; Đỗ Mai Hương và Bùi Thanh Huyền giành 3 giải; Trần Huyền Tâm giành 4 giải. Đặc biệt, Lê Quang Đôn được UNESCO trao giải Nhất cuộc thi TRẺ EM NÓI VỚI TRẺ EM với bài thơ “Bạn gió mùa hè”.

Đến nay, có 5 thành viên Nhóm Búp đã trở thành Hội viên của các Hội VHNT của các tỉnh trên cả nước. Tháng 7/2019 một tập thơ văn, lý luận phê bình dày 424 trang của Nhóm Búp được xuất bản, với nhiều tác phẩm đã và đang hoàn thành, chờ cơ hội ra mắt công chúng độc giả. Trên 10 tập văn thơ của các thành viên Nhóm Búp đã được in riêng, như Trần Huyền Tâm, Bùi Biên Linh. Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thuý Hằng... 



Các thành viên Nhà Búp trong buổi lễ ra mắt các tác phẩm văn học tại Vườn Vua - Phú Thọ, 2019
Để nuôi dưỡng nguồn sáng tạo văn học có từ Nhóm Búp, tiền thân của Lớp Đào tạo bồi dưỡng năng khiếu sáng tác của Hội VHNT Thái Bình cùng Tạp chí BÚP TRÊN CÀNH một thời đã làm nên thương hiệu, chúng tôi lập trang NHÀ BÚP, những mong sẽ làm nên một diễn đàn bổ ích cho Nhóm và bầu bạn xa gần trong việc góp phần tham gia, đóng góp đăng tải những sáng tác mới, những ý kiến trao đổi sáng tạo nghệ thuật, góp phần bồi đắp và nuôi dưỡng giá trị tinh thần trong mỗi tâm hồn cao đẹp của chúng ta.

Chân thành cảm ơn các nhà văn “Nhóm Búp” và tất cả các bạn!

BAN BIÊN TẬP NHÀ BÚP 
http://nhabup.vn/about.html


Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.


"



---


Những entry liên quan đã đi trên blog này









Chúng tôi đã viết ở tuổi lên mười - 12 (Nguyễn Minh Đức, thị xã)





1 nhận xét:

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.