Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/08/2017

Chúng tôi đã viết ở tuổi lên mười - Số mở (Chu Xuân Giao, ở Trình Phố)

Người Việt Nam trong khoảng mấy thập niên gần đây có tục mới là tránh số 13. Ngay tại địa bàn khu phố của tôi bây giờ, mới đánh lại số nhà năm ngoái, phía UBND phường và tổ dân phố đã quyết định bỏ luôn số 13 (từ 11 sẽ chuyển luôn sang số 15).

Bởi vậy, đã lựa chọn từ đầu để sao cho các anh các chị và các bạn, rồi các em của mình trong gia đình Búp trên cành ngày xưa, không ai bị mang số 13. Số ấy, sẽ đến lượt, và tôi đặt là số mở.

Cho nên, chỉ có số 12, sau là số mở, rồi đến số 14. Một sự dụng công chút xíu để tỏ thịnh tình như những ngày xưa thân ái đối với gia đình Búp trên cành yêu quí.

Số mở là dành luôn cho chủ Giao Blog này.

1. Truyện Tiễn cô giáo đi xa được viết khoảng năm học lớp 4 (tức khoảng 10 tuổi). Bản thảo đầu tiên được viết ra giấy kẻ ô-li, có lẽ không viết một mạch đâu, mà viết một cách tranh thủ trong những giờ chúng tôi vừa học ở nhà thầy vừa cùng hai người con trai của thầy đi hái chè trong một mảnh vườn rộng mênh mông, hoặc là đi đốn gốc tre về làm củi ở một mảnh vườn khác cũng rộng mênh mông của nhà thầy. Đôi khi, rất nhớ những khu vườn rộng và đẹp tuyệt ngày ấy.

Tôi còn nhớ là thầy có xem cho và sửa chữa vào bản thảo.

Thầy là con của một thầy đồ chữ Hán khá có tiếng ở trong vùng. Tới thời chúng tôi, thầy vẫn ngả những chiếc cửa gỗ lim ra nền nhà lát đá hoa, một căn nhà cổ có thể tháo lắp cửa dễ dàng, một đầu kê lên phía bực cửa còn một đầu thì hình như kê một chiếc ghế con. Chúng tôi viết trên những cái bàn tự tạo như vậy, hệt như lớp của các thầy đồ làng Trình Phố ngày trước.

Hồi năm 1905, lúc chuẩn bị xuất du sang Nhật Bản, chính cụ Phan Bội Châu đã về làng Trình Phố của tôi để bái biệt cha. Lúc ấy, cha của Phan Bội Châu đang dạy chữ Hán ở một gia đình nào đó trong làng (đã nói chuyện này ở đây).

Mà kể nhân duyên cũng lạ. Sau này, thầy lại trở thành người nhà của chúng tôi. Bởi một người con gái nhỏ của thầy về làm dâu bên nhà tôi. Hồi tôi học trong nhà thầy, thì em gái này còn quá nhỏ, bọn tôi không để ý, cũng không rủ ra chơi cùng. Với lại, hai người anh trai thì quá nhiều trò chơi hay, hút hết mọi sự chú ý của tôi. Bọn tôi cứ quấn lấy nhau trong những giờ giải lao. Tôi biết đan lát một chút, làm mộc một chút, trồng cây, chăm sóc gia súc,... mỗi thứ một chút, là học từ hai người anh này.

Người chị cả của họ thì đã lớn lắm rồi. Tôi nhớ là giữa năm lớp 4 ấy, thì có hôm nhà đông người, cứ thấy người ta mặc quần áo chỉnh tề và đi lại, bọn tôi thì được ăn bích-qui. Hỏi ra thì mới vỡ lẽ: đó là ngày ăn hỏi của chị con cả của thầy.

Hồi đó, thầy là giáo viên tiểu học giỏi cấp huyện, được phòng giáo dục huyện giao đặc trách khối chuyên. Và thế là, lớp chuyên mở luôn ra ở trong căn nhà cổ của thầy.

Mẹ tôi nhiều hôm còn gửi theo một bò gạo vào buổi sáng để nhờ bác gái nấu ăn trưa cho luôn cùng nhà thầy, khỏi phải đi bộ từ Trình Nhì của thầy về bên Trình Nhất của tôi, để chiều còn có sức học tiếp ! Tôi được đặc cách ăn trưa ở nhà thầy như vậy, vì hình như thời trước các cụ nhà tôi cả bên nội bên ngoại là chỗ bạn học (cũng học dạng học thầy đồ) với các cụ nhà thầy.

Bây giờ, thầy đã về hưu lâu rồi, và trở thành một thầy địa lí phong thủy kiêm nghề pháp sư, đúng như chuẩn mực con cháu nhà nho ở quê tôi ngày trước.

Trong đời học sinh của tôi, in đậm dấu những ngày tháng ở tuổi lên mười, hàng ngày dậy từ tờ mờ sáng, đi bộ từ Trình Nhất, vượt qua Trình Trung, để sang Trình Nhì của thầy. Nhiều hôm trời quá tối, phải mang theo cả đèn hoa kì, để cho nhìn rõ đường ! Bọn chó ở hai bên đường vào lúc tờ mờ sáng thì có hôm phải vật nhau với chúng. Mùa đông thì chúng tôi đốt bùi nhùi bằng sợi len người ta bỏ đi, để cho ấm cả quãng đường. Tới chiều thì lại đi từ Trình Nhì để về Trình Nhất. Bao nhiêu thứ hay hay mà đến nay vẫn dùng được, là tôi đã học được trên quãng đường ngày ấy, cả chiều đi và chiều về.

2. Truyện được viết từ sự "nhào nặn" một số mảnh hiện thực mà tác giả nhí đã thực sự trải nghiệm đến lúc đó.

Gói vào trong câu chuyện là cảnh gia đình một người chú ở Trình Nhì không phải họ hàng nhưng lại rất thân thiết với gia đình tôi đã "phải" đi vào vùng kinh tế mới. Hình như hồi đó đi vùng kinh tế mới ở phía Nam hay cả phía Bắc thì được nhà nước xóa nợ nông nghiệp gì đó. Nhà chú đi Nam, nhưng tôi không biết rõ là tỉnh nào. Sau này, và đến cả bây giờ, tôi cũng chưa một lần được gặp lại cô chú và đám trẻ rất thân với chúng tôi ngày ấy.

Cũng còn có cảnh một người thầy dạy chuyên cấp huyện hồi chúng tôi học lớp 3 cũng vì hoàn cảnh mà đi Nam. Nghe nói nhà thầy đông miệng ăn, nên được điều động đi vào Đồng Nai hay Sông Bé gì đó. Con gái của thầy là bạn học cùng lớp với chúng tôi. Tôi vẫn rất nhớ về cái thời đói kém ấy, vì lớn hơn một chút nữa thì phát hiện ra việc thầy luôn nhịn ăn vào buổi trưa. Thầy giảng bài buổi sáng cho chúng tôi, nhưng trưa thì xuống nhà bếp chỉ để xới cơm cho chúng tôi mà thôi, còn phần thầy thì không có ! Thầy đơm cơm từ nồi chung ra bát nhỏ cho chúng tôi, nhưng thầy lại không ăn cơm ! Có đôi lần, thầy được ai đó biếu khoai luộc. Ấy là mãi sau này, lúc lên cấp hai, thì tôi mới sắp xếp các việc vào với nhau, để hiểu ra vấn đề, chứ lúc học lớp 3 thì còn nhỏ quá, không hiểu được việc thầy thường xuyên nhịn.

Cuối năm lớp 3 ấy, gia đình thầy chuyển vào Nam. Chúng tôi rất quí thầy, lại cộng thêm với sự quí mến cô bạn cùng lớp (con gái thầy). Hôm nghe tin đó, cả bọn tha thẩn ra chỗ hồ nước lớn ở trước sân trường mà ngồi lặng đi đến hàng giờ.

3. Sau này, hồi lớp 5 thì phải (tức khoảng 11 tuổi), tôi bắt đầu tham gia trại viết văn vào mỗi mùa hè của Hội Văn nghệ Thái Bình (thời nhà văn Bút Ngữ là Chủ tịch). Truyện Tiễn cô giáo đi xa được tôi viết kĩ hơn trong dịp đó. Và dĩ nhiên, hẳn nó cũng được thầy Bút Ngữ đọc và có chỉnh sửa gì đó thêm nữa.

Những truyện đầu đời mà chúng tôi viết ra thời đó, đều được thầy Bút Ngữ đọc kĩ, và chữa bằng bút xanh đỏ rất thuyết phục. Chúng tôi rất thích thú với lối chữa văn điêu luyện của thầy. Có khi thầy chỉ cần đặt lại chỗ của một dấu phảy, hay đảo trật từ các từ thì đã ra một câu mới vừa rõ nghĩa vừa sáng văn ! Tôi tiếc là không còn lưu được những bản thảo mà thầy đã chữa cho hồi đó. Hoặc cũng có thể, chúng còn lưu lạc ở đây đó trong nhà, mà tôi còn chưa có dịp nào tiện lợi để tìm lại.

Bây giờ thì thử đọc truyện được tôi viết thời lên mười đó.

Bản in năm 1990 (bản chụp 2017, bởi Giao Blog):










Xem toàn văn mục lục ở đây.



Tháng 8 năm 2017,
Giao Blog

---

Những entry liên quan đã đi trên blog này


Chúng tôi đã viết ở tuổi lên mười - 12 (Nguyễn Minh Đức, thị xã)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.