Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

27/07/2017

Công bố trực tuyến khi người thư kí còn tại thế năm 2004 : "Tài liệu tuyệt đối bí mật"

Gần đây, hồi tháng 5 vừa rồi, bà Nguyễn Thị Tình nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (thông qua nhà báo Nguyễn Quốc Phong trên Fb) có đưa một tư liệu kèm bản chụp một công văn do chính bà kí tên đề ngày 16/8/2004. Đọc lại cụ thể ở đây (tháng 5/2017).

Tháng 8 năm 2004. Khi đó cụ Vũ Kỳ đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô.

Công văn của Bảo tàng Hồ Chí Minh, tháng 8/2004 (đọc toàn văn ở đây)


Ảnh do phóng viên báo Tuổi trẻ chụp tháng 9 năm 2004


Bây giờ, qua lục tìm của bác Thợ Cạo, chúng ta biết thêm một mẩu vào 2/9/2004 trên báo VnEx. Một công bố trực tuyến khi cụ Vũ Kỳ còn tại thế.

Lấy nguyên về từ VnEx (thông qua chỉ dẫn của bác Cạo, ngày 26/7/2017). Bản truy nguyên về nguồn từ báo Tuổi trẻ là của Giao Blog.





---



1. Bài của VnEx
(không ghi tác giả, và dẫn nguồn từ Tuổi trẻ)

"
Thứ năm, 2/9/2004 | 10:48 GMT+7




Ông Vũ Kỳ, nguyên thư ký của Hồ Chủ tịch kể, trong tập di chúc, cụ Hồ viết nhiều công việc cần làm sau giải phóng miền Nam. Đó là chỉnh đốn Đảng, chăm sóc đời sống các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm, xây dựng lại thành phố và làng mạc.


fd
Ông Vũ Kỳ tại Bệnh viện Việt Xô. 
Ông Kỳ bảo, chưa bao giờ thấy Hồ Chủ tịch làm việc với không khí trang trọng và thiêng liêng như khi viết di chúc. Bắt đầu suy nghĩ về điều này từ những năm 1960, nhưng đến năm 1965, khi tròn 75 tuổi, Người mới bắt đầu viết. Trước khi viết, Hồ Chủ tịch đã về thăm Nguyễn Trãi, một vị anh hùng, một nhà tư tưởng, nhà thơ yêu dân. Đến đúng 9h sáng 10/5/1965, Người đặt bút viết dòng đầu tiên, đó là câu: “Tài liệu tuyệt đối bí mật”.
Hồ Chủ tịch làm việc trong 10 ngày liền, mỗi ngày đúng 1 tiếng vào thời gian con người minh mẫn, sảng khoái nhất, đó là từ 9h đến 10h sáng. Khi viết, Người không tiếp bất cứ ai. Cứ viết đến 10h thì Người lại bỏ tài liệu vào một bì thư đưa ông Kỳ cất giữ hôm sau lấy ra. Sau 4 ngày, Người bắt đầu đánh máy và đến 16h thì hoàn thành. Bản di chúc dài ba trang ở cuối đề ngày 15/5/1965. Hồ Chủ tịch ký và bên cạnh có chữ ký của ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng hồi bấy giờ. Đọc, sửa đến ngày 20/5, Người lại bỏ vào bì thư cất đi.
Đúng một năm sau, Hồ Chủ tịch lại lấy “tài liệu tuyệt đối bí mật” ra và viết tiếp, mỗi ngày một tiếng từ 9h đến 10h. Nhưng năm ấy Người hầu như chỉ đọc và ngẫm nghĩ. Mấy ngày sau, Người viết thêm câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” trong đoạn nói về Đảng. Ông Kỳ nói về việc này trong hồi ký. Bác mời ông Kỳ ăn bánh gatô và hỏi có ngon không. Ông Kỳ thưa có. Bác hỏi: Nếu Bác mời cơm chú rồi mới mời bánh thì bánh còn ngon không? Ông Kỳ thưa: Kém ngon ạ. Bác lại hỏi: Nếu lại mời là ấn vào miệng chú thì có ngon không? Ông Kỳ thưa: Không ạ. Bác nói: Phê bình và tự phê bình cũng vậy. Phải đúng lúc và đúng cách. Điều quan trọng nhất là phải tôn trọng lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau.
Năm 1967, Hồ Chủ tịch không sửa gì nhiều bản di chúc, nhưng đến năm 1968 thì Người sửa rất nhiều. Phần mở đầu Người viết năm 1965 là: “Năm nay tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh”. Nhưng sau Người lại sửa: “Năm nay tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người trung thọ. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”. Và viết tiếp: “Người ta đến khi tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp. Đó là một điều bình thường”.
Sau đó Hồ Chủ tịch viết thêm đoạn “về việc riêng” có ý mới là sau khi hỏa táng sẽ lấy tro xương của Người để vào ba hộp sành cho mỗi miền Bắc, Trung, Nam. Người viết thêm về những công việc cần làm sau khi giải phóng miền Nam. Đó là chỉnh đốn Đảng, chăm sóc đời sống các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm... Những đoạn về chỉnh đốn Đảng, chăm sóc thương binh, Hồ Chủ tịch viết rồi lại gạch chéo. Rất nhiều đoạn vòng xuống vòng lên, mực xanh lẫn mực đỏ.
Năm 1969, Hồ Chủ tịch viết di chúc lần cuối cùng vào tháng 5. Ngày 10/5, Người viết lại đoạn mở đầu, gồm một trang viết tay vào mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt. Đó cũng là lần duy nhất Người viết quá 10 giờ sáng.
Trong thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị, vì nhiều lý do nên có một số điểm trong bản di chúc được công bố khác với bản di chúc Hồ Chủ tịch viết. Và sau đó bản di chúc đầy đủ đã được công bố rộng rãi. Là đại biểu Quốc hội khóa 1989-1994, ông Kỳ đã nêu vấn đề này trên diễn đàn Quốc hội mà không ngại có ý kiến không đồng tình.
(Theo Tuổi Trẻ)

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tai-lieu-tuyet-doi-bi-mat-cua-ho-chu-tich-2012965.html
"




2. Bài nguyên của Tuổi trẻ (ghi tác giả là Trâm Anh, ảnh chân dung cụ Vũ Kỳ có ghi là chụp ngày 1/9/2014)


"


01/09/2004 23:23 GMT+7
TT - Cũng là những ngày đẹp nhất của cách mạng, những ngày thu hôm nay Hà Nội lại thanh bình và tươi mát lạ thường. Nhưng nơi ông cư trú lại là Bệnh viện Việt Xô, phòng số 29 tầng 3 nhà A1. Cánh cửa bật mở, nụ cười tươi ấm và ánh mắt sáng bừng trên gương mặt gầy nhỏ đã bạc trắng cả râu tóc và hai hàng lông mày.
Chuyện kể về "Tài liệu tuyệt đối bí mật" Phóng to
Đồng chí Vũ Kỳ (ảnh chụp ngày 1-9-2004)
TT - Cũng là những ngày đẹp nhất của cách mạng, những ngày thu hôm nay Hà Nội lại thanh bình và tươi mát lạ thường. Nhưng nơi ông cư trú lại là Bệnh viện Việt Xô, phòng số 29 tầng 3 nhà A1. Cánh cửa bật mở, nụ cười tươi ấm và ánh mắt sáng bừng trên gương mặt gầy nhỏ đã bạc trắng cả râu tóc và hai hàng lông mày.

Căn phòng sáng và rộng. Đồ đạc cũ, đơn sơ nhưng dường như còn rất bền và sạch sẽ. Trước bộ xa- lông bạc màu thời gian, ông mặc quần áo kẻ sọc nhợt màu và ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế nệm, lưng kê thêm một tấm gối mỏng. Những ngón tay gầy lẩy bẩy đặt trên đầu gối teo tóp. Chị hộ lý nói mỗi tháng ông phải vào viện 10 ngày. Năm nay ông đã 83 tuổi... nhưng vẫn còn rất minh mẫn và hóm hỉnh.
Có lẽ suốt cuộc đời bên Bác chưa bao giờ ông Kỳ thấy Bác làm một công việc với không khí hệ trọng và thiêng liêng như viết di chúc. Ông Kỳ biết Bác bắt đầu suy nghĩ về viết di chúc từ những năm 1960. Nhưng đến năm 1965 khi Bác 75 tuổi, Người mới bắt đầu viết di chúc.
Không phải ngẫu nhiên mà trước khi viết, ngày 15-2-1965 (vừa qua dịp Tết Nguyên đán) Bác Hồ về “thăm” Nguyễn Trãi, một vị anh hùng, một nhà tư tưởng, nhà thơ yêu dân mà Bác có rất nhiều đồng cảm. Đến đúng 9 giờ sáng 10-5-1965 Bác đặt bút viết dòng đầu tiên cho di chúc, đó là câu: “Tài liệu tuyệt đối bí mật”.
Bác làm việc trong 10 ngày liền, mỗi ngày đúng một tiếng vào thời gian đẹp nhất, con người minh mẫn sảng khoái nhất đó là từ 9 giờ đến 10 giờ sáng. Khi viết, Bác dặn ông Kỳ, Bác sẽ không tiếp bất cứ ai. Cứ viết đến 10 giờ thì Bác lại bỏ tài liệu vào một bì thư đưa ông Kỳ cất giữ hôm sau lấy ra. Đến ngày 14-5-1965 thì Bác đánh máy và đến 16 giờ thì hoàn thành. Bản di chúc dài ba trang ở cuối đề ngày 15-5-1965. Bác ký và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng hồi bấy giờ. Đọc, sửa đến ngày 20-5 Bác lại bỏ vào bì thư cất đi.
Đúng một năm sau, tức ngày 10-5-1966 Bác lại lấy “tài liệu tuyệt đối bí mật” ra và viết tiếp, mỗi ngày một tiếng từ 9 giờ đến 10 giờ. Nhưng năm ấy Bác hầu như chỉ đọc và ngẫm nghĩ. Đến ngày 14 thì Bác viết thêm một câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” trong đoạn nói về Đảng. Ông Kỳ nói về việc này trong hồi ký: Bác mời ông Kỳ ăn bánh ga-tô và hỏi có ngon không. Ông Kỳ thưa có. Bác hỏi: nếu Bác mời cơm chú rồi mới mời bánh thì bánh còn ngon không? Ông Kỳ thưa: kém ngon ạ. Bác lại hỏi: nếu lại mời là ấn vào miệng chú thì có ngon không? Ông Kỳ thưa: không ạ. Bác nói: phê bình và tự phê bình cũng vậy. Phải đúng lúc và đúng cách. Điều quan trọng nhất là phải tôn trọng lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau...
Năm 1967, Bác không sửa gì nhiều bản di chúc nhưng đến năm 1968 thì Người sửa rất nhiều. Phần mở đầu Bác viết năm 1965 là “Năm nay tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh” nhưng nay Bác sửa: “Năm nay tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”. Có lẽ không muốn mọi người lo, Bác viết tiếp: “Người ta đến khi tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp. Đó là một điều bình thường”.
Sau đó Bác viết thêm đoạn “về việc riêng” có ý mới là sau khi hỏa táng sẽ lấy tro xương của Bác để vào ba hộp sành cho mỗi miền Bắc, Trung, Nam. Bác viết thêm về những công việc cần làm sau khi giải phóng miền Nam. Đó là chỉnh đốn lại Đảng, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm, xây dựng lại thành phố và làng mạc... Những đoạn về chỉnh đốn Đảng, chăm sóc thương binh Bác viết rồi lại gạch chéo. Đoạn nói về xây dựng đất nước... Bác gạch dọc bên lề. Rất nhiều đoạn vòng xuống vòng lên, mực xanh lẫn mực đỏ. Có lẽ lúc đó Bác còn nhiều trăn trở, Người chưa yên tâm lắm khi giã biệt cuộc đời này? Nói đến đây ông Kỳ dừng lại. Có lẽ ông đang hồi tưởng lại tâm tư của chính mình.
Cùng lúc cửa phòng bật mở, đi vào là một người đàn ông và một phụ nữ. Ông Kỳ cố sức để bày tỏ sự mừng rỡ và giới thiệu đây là vợ chồng đại tá Nguyễn Thế Kỷ. Ông Thế Kỷ là người miền Trung có phong cách cương trực. Ông Kỳ nói việc ông chọn ông Thế Kỷ ghi lại những hồi ký của mình là vì cái tên ông ta. Những điều ghi lại ấy là của Thế Kỷ! Hai người cư xử với nhau như thầy trò. Đại tá Thế Kỷ nói: “Ông (ông Vũ Kỳ) còn nhiều chuyện về di chúc của Bác lắm. Bác luôn cố ý chọn thời gian viết di chúc vào tháng năm và đúng đến dịp sinh nhật mình thì nghỉ. Bởi Bác muốn vào dịp mình sinh ra sẽ bàn về việc ra đi của Bác. Rất thanh thản, ung dung, tư tại”.
Năm 1969 Bác Hồ viết di chúc lần cuối cùng cũng vào tháng năm. Ngày 10-5-1969 Người viết lại đoạn mở đầu, gồm một trang viết tay vào mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt. Đó cũng là lần duy nhất Bác viết quá 10 giờ sáng... Cuối cùng như trong thông báo (số 151- TB/TW ngày 19-8-1989) của Bộ Chính trị thì vì nhiều lý do nên có một số điểm trong bản di chúc được công bố khác với bản di chúc Bác viết (và sau đó Bản di chúc đầy đủ của Bác đã được công bố rộng rãi). Là đại biểu Quốc hội khóa 1989-1994, ông Kỳ đã nêu vấn đề này trên diễn đàn Quốc hội mà không ngại có ý kiến không đồng tình...
Ông Kỳ bảo: “Ông này (ông Thế Kỷ) còn nguy hiểm hơn tôi vì tim ông ấy đang buộc bằng sắt treo trong lồng ngực...”. Ông Thế Kỷ giải thích: “Tôi bị nhồi máu cơ tim và bác sĩ phải cắt động mạch ở bắp chân nối lên tim. Ca mổ tám tiếng đồng hồ. Lúc ấy tôi phải sống bằng quả tim khác. Nhưng tôi không “đi” được vì đang còn phải giúp ông hoàn thành nốt tác phẩm xung quanh bản di chúc của Bác Hồ”.
Trời thu tháng tám ngả chiều, sắc nắng không được tràn vào căn phòng người bệnh nhưng vẫn sáng rực sau màn cửa kính. Ông Vũ Kỳ, con người gần gũi suốt cuộc đời cách mạng của Bác Hồ giờ đã mệt, không thể trò chuyện cùng chúng tôi. Chia tay, ông nhắc rất nhiều đến ý nghĩa hai từ “tuổi trẻ”. Ông nói các chú đừng có tự già. Bác Hồ cũng không bao giờ già. Những tháng cuối đời Bác còn sửa một từ “...ngoài 70 tuổi...” thành “...ngoài 70 xuân...” đấy. Dành chút sức còn lại của cuộc chuyện, ông còn cố đùa chúng tôi một câu khiến ai cũng bật cười. Ánh mắt ông chứa đựng điều kỳ diệu của cái xuân 83
TRÂM ANH
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20040901/chuyen-ke-ve-tai-lieu-tuyet-doi-bi-mat/46784.html

"






---


Những entry liên quan đã đi trên blog này:










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.