Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/11/2014

Một nhân vật gần gũi với cựu hoàng Bảo Đại thời 1945-1946 : Luật sư Vũ Trọng Khánh

Trong Hồ Chí Minh truyện đã xuất bản năm 1949 của Tran Dan Tien, ở trang 148, luật sư Vũ Trọng Khánh được nhắc tên cùng với các vị khác, cụ thể là (nguyên văn tiếng Trung Quốc trong sách của Tran Dan Tien):


"
- tín đồ Thiên chúa giáo Nguyễn Mạnh Hà,
- học giả Nguyễn Văn Tố
- luật sư Vũ Trọng Khánh
- vân vân,
- cựu hoàng Bảo Đại được bầu làm Cố vấn Cao cấp của chính phủ mới".

Đồng thời, Tran Dan Tien cũng nhắc đến hai vị quan trọng sau: Lê Hữu Từ, Hồ Ngọc Cần.

Các vị trong đoạn trên là những người được Tran Dan Tien giới thiệu là ở diện không thuộc Việt Minh. Có nghĩa là, họ không thuộc Việt Minh nhưng vẫn được trọng dụng trong chính phủ đầu tiên của VNDCCH.

Ở bản tiếng Việt in năm 1955 của cuốn sách, đoạn trên trong Tran Dan Tien đã được chỉnh sửa. Cụ thể là: tên của Bảo Đại, Lê Hữu Từ và Hồ Ngọc Cần đã được bỏ đi, chỉ còn đến chỗ "vân vân".

Cựu hoàng Bảo Đại trong hồi kí Con rồng An Nam thì cho biết: thời gian đó, ông rất gần gũi với Vũ Trọng Khánh. Đặc biệt, Bảo Đại lí giải khá độc đáo về vai trò của thành viên ngoài Việt Minh. Chẳng hạn, các đoạn sau:

1.


"... 
Có một ngày, trong buổi họp Hội đồng có cuộc bàn cãi khá sôi nổi giữa Hồ chủ tịch và Vũ Trọng Khánh, bộ trưởng bộ Tư pháp ngồi bên phải cạnh tôi. Sau buổi họp Vũ Trọng Khánh đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ và nói với tôi:
-- Ngài có vẻ ngạc nhiên về phản ứng của vị chủ tịch chúng ta. Đọc cuốn sách này ngài sẽ hiểu rõ hơn.
Tôi nhìn cái tít "Cuộc đời Nguyễn Ái Quốc" do A. Marty, trùm mật thám của Phủ Toàn quyền thảo.
-- Ai là Nguyễn Ái Quốc?
Khánh nhìn tôi rồi đưa đầu về phía Hồ chủ tịch đúng vào lúc ông đi gần chúng tôi để ra khỏi phòng họp. Ngạc nhiên vì điệu bộ chúng tôi, ông lướt mắt nhìn cuốn sách rồi nhún vai, nhếch mép cười một cách hóm hỉnh, bước ra khỏi phòng họp không nói một lời.
"Về đến nhà, tôi vội vã đọc cuốn sách. Nguyễn Ái Quốc chỉ là một tên trong số cả mấy chục tên khác trong cuộc đời phiêu bạt trước khi trở thành Hồ Chí Minh... Cuốn sách của Marty ngưng lại ở đoạn này. Giáp là người kể tiếp cho tôi từ khi ông Hồ trở về nước năm 1941 và thành lập Việt Minh ngày 19-5 ở Cao Bằng.
"... Sự giao thiệp của tôi với các "đồng sự" rất là tốt đẹp. Nếu tôi gọi là các anh thì họ đều gọi tôi với cái tít Ngài. Hồ Chí Minh muốn mọi người phải xưng hô như vậy. Tôi đặc biệt gắn bó với Vũ Trọng Khánh. Ông ta có vẻ trơ trọi vì không nằm trong đảng...

2

"Hồ Chí Minh cho tôi thấy một lần nữa cái tài biết che giấu của ông. Ở Việt Nam công giáo chỉ là một thiểu số nhưng là một lực lượng năng động. 2 triệu tín đồ dính chặc với linh mục của họ. Ngay từ khởi đầu, Hồ Chí Minh đã tìm cách được lòng họ. Không thể không có ẩn ý khi chọn ngày 2-9 lễ Thánh Tử đạo Annam làm ngày Quốc khánh. Ông cũng đưa vào chính phủ Nguyễn Mạnh Hà khi học ở Paris là một thủ lãnh thanh niên Công giáo hoạt động xã hội và là con rể Georges Maranne, thượng nghị sĩ cộng sản quận Seine.
"Ngày 23-9 Nguyễn Mạnh Hà tổ chức một míting lớn ở Hà Nội tụ tập nhiều ngàn giáo dân để biểu lộ tinh thần ái quốc và sự tin tưởng vào chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Cũng trong bầu không khí đó, lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ được sửa soạn ở Phát Diệm. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi thay mặt ông dự lễ vì bị mắc kẹt ở Hà Nội ngày 28-9, tướng Lư Hán đến để chính thức tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật.
"Nhưng ngày hôm trước, chủ tịch nói với tôi:
-- Thưa Ngài, quân đội Pháp đã gần như dẹp yên kháng chiến Nam bộ. Sớm muộn gì bọn chúng cũng sẽ đổ bộ ở đây. Cần phải tránh không rơi vào tay chúng. Ngài là biểu tượng của nền độc lập Việt Nam. Ngài nên lợi dụng đi Phát Diệm để lánh xa Hà Nội.
-- Tôi hỏi thế cụ thì sao?
-- Ồ! với tôi đường lối đã vạch sẵn.
"Bữa sau tôi đi Phát Diệm cùng với Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ. Giám mục Lê Hữu Từ thuộc dòng tu kín (trappiste) là một nhân vật rất lạ lùng. Người bé nhỏ gầy đét trong bộ áo trắng dòng tu rộng thùng thình, cặp mắt sáng ngời lại sáng hơn nữa vì 2 lưỡng quyền nhô cao. Ông nổi tiếng trong dòng tu vì tài điều động công việc và rất biết rõ những mưu mẹo thương thuyết mặc cả.. Buổi lễ dưới quyền chủ tọa của giám mục Hà Nội là Nguyễn Bá Tòng. Giáp được Hồ Chí Minh ủy thác là mời tân giám mục Lê Hữu Từ làm cố vấn tôn giáo cho chính phủ. Đức cha Lê Hữu Từ nhận lời ngay tức khắc. (tr 141)"

3.
"Trong 3 tuần tôi không nhận được tin tức gì. Đúng ngày 7-1 có một phái đoàn đến báo tin tôi đã trúng cử vào Quốc hội và cuộc bầu cử đã diễn ra ngày hôm qua. Tôi được bầu đại biểu tỉnh Thanh Hóa với 92% số phiếu. Mọi người đều chúc tụng tôi. Còn tôi thì không biết ngày bầu cử và tất nhiên là tôi cũng chưa đi bầu. (tr 145)
"Nhưng bây giờ tôi đã là đại biểu Quốc hội. Tôi nhờ phái đoàn nói với Ủy ban Thanh Hóa là tôi muốn trở về Hà Nội càng sớm càng hay và xin cung cấp săng cho xe tôi. 8 ngày sau, mọi chuyện đều xếp đặt xong xuôi và tôi rời bỏ Sầm Sơn trở về Hà Nội, lòng nhẹ nhõm."





---

TƯ LIỆU



Bài giới thiệu về luật sư Vũ Trọng Khánh trên trang web của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Luật sư Vũ Trọng Khánh: Người có công đầu chấp bút Hiến pháp 1946 và kiến tạo Ngày 10/10 của luật sư Việt Nam


Đăng lúc: Thứ sáu - 10/10/2014 19:34

(VBF) - Cách mạng tháng Tám giành chính quyền thành công ở Hải Phòng ngày 23/8/1945, Luật sư Vũ Trọng Khánh (1913-1996) đang giữ chức vụ Đốc lý (Thị trưởng) Hải Phòng trở thành Ủy viên Hành chính Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố.
Luật sư Vũ Trọng Khánh
Luật sư Vũ Trọng Khánh

Sau đó, ông được giao phó chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu. Đầu năm 1946, Chính phủ lâm thời (từ 28/8/1945 đến 1/1/1946) tự cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời (từ 1/1/1946 đến tháng 3/1946), Luật sư Vũ Trọng Khánh liên tiếp giữ vai trò Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong vòng hơn 6 tháng. Với 181 ngày (từ 28/8/1945 đến 2/3/1946), Vũ Trọng Khánh đã cống hiến nhiều công lao tâm trí trong việc xây dựng Nhà nước cách mạng ban đầu và chế độ tư pháp mới với hơn 30 sắc lệnh được Chủ tịch nước ký ban hành. Đặc biệt là ông đã góp công đầu trong việc xây dựng Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Hiến pháp 1946) và kiến tạo tính lịch sử cho ngày 10/10 mà sau này được chọn làm Ngày Luật sư Việt Nam.  

Góp công đầu xây dựng Hiến pháp 1946

Ngay sau khi giành được chính quyền, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ việc lập hiến là một trong “những vấn đề cấp bách hơn cả”. Chính phủ lâm thời xúc tiến ngay việc khởi thảo Hiến pháp. Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/9/1945 thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp (Chế Hiến ủy viên hội) gồm có 7 thành viên, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sáu thành viên còn lại là: Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến, Giáo sư Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Bằng và Trường Chinh.

Công việc trọng đại, mới mẻ, vô cùng khó khăn, trong thời gian gấp rút. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban giao cho Giáo sư Đặng Thai Mai và Luật sư Vũ Trọng Khánh soạn bản dự thảo đầu tiên. Hai ông tập trung tim óc và sức lực phác thảo đề cương trình Ủy ban góp ý thông qua, rồi chia nhau bắt tay vào việc chấp bút chi tiết. Theo Giáo sư Đặng Thai Mai, “Vũ Trọng Khánh chịu trách nhiệm viết các phần quan trọng nhất, chiếm khoảng ba phần tư dự án. Tôi chỉ viết một phần tư còn lại. Sau đó, anh Khánh duyệt phần do tôi viết, rồi viết lại toàn bộ văn bản trước khi chuyển tới Võ Nguyên Giáp”. Trong quá trình dự thảo, hai ông tranh thủ ý kiến của Luật gia Võ Nguyên Giáp[1], hai cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, nhiều trí thức nổi tiếng thời đó như Luật sư Phan Anh, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường còn cho mượn cả những văn kiện tiếng Pháp (như Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Hiến pháp Hoa Kỳ, Hiến pháp Pháp, …) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải tìm để tham khảo. Ngày 26/10/1945, dựa vào phần Giáo sư Đặng Thai Mai và mình đã viết, Luật sư Vũ Trọng Khánh tổng hợp thành một bản dự thảo hiến pháp do chính ông viết lại. Ngày 30/10/1945, sau khi đọc xong bản tổng hợp trên, Luật gia Võ Nguyên Giáp làm việc lần cuối cùng với hai ông, tán thành về cơ bản, chỉ góp ý nên rút bớt khoảng một phần ba. Ngày 2/11/1945, Luật sư Vũ Trọng Khánh chỉnh lý xong theo góp ý của Võ Nguyên Giáp, hai ông nhất trí chuyển bản dự thảo cuối cùng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 6/11/1945, bản dự thảo được Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua. Người ký tắt rồi chuyển cho hai ông mỗi người một bản.

Ngày 8/11/1945, Ủy ban Dự thảo họp phiên cuối cùng do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban chủ trì. Người đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đọc toàn văn bản dự thảo. Tất cả 7 thành viên biểu quyết tán thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Đây là một bản dự thảo đặc sắc, ông Vũ Trọng Khánh có công đầu”. Người yêu cầu cho công bố ngay để lấy ý kiến cả nước. Bản dự thảo Hiến pháp Việt Nam của Chính phủ lâm thời là nền tảng cho việc xây dựng Dự án Hiến pháp năm 1946 sau này được Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua ngày 9/11/1946. Nhận xét về Luật sư - Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh, Giáo sư Đặng Thai Mai nói: “Tôi phải thừa nhận Vũ Trọng Khánh là một luật sư biết cách làm việc khoa học, luôn luôn lo nghĩ đến nhiệm vụ được trao phó, luôn luôn lo nghĩ đến nhân dân. Anh vừa hiểu sâu sắc các vấn đề hiến pháp, vừa nắm vững tiếng Pháp ngành luật, vừa sử dụng thành thạo tiếng Việt ngành luật”[2].

Xây nền kiến tạo Ngày 10-10 cho giới luật sư Việt Nam

Ngày 10/10/1945 là ngày lịch sử cho toàn bộ hệ thống cơ quan pháp luật cả nước chứ không riêng đối với giới luật sư. Bởi vì vào cùng ngày này, Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 47/SL tạm giữ các luật lệ hiện hành cho đến khi ban hành pháp luật mới trong phạm vi cả nước; đồng thời với Sắc lệnh số 46/SL về việc tổ chức các đoàn thể luật sư. Đây là sự vận dụng sáng tạo học thuyết của Mác vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, không “đập tan bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật cũ” khi mà lúc đó ta chưa có gì mới thay thế để quản lý nhà nước và xã hội sau Cách mạng tháng Tám 1945.
Cụ thể theo Sắc lệnh 46/SL, các đoàn thể luật sư trong nước Việt Nam đã có sẵn (dưới thời Pháp thuộc) được tạm giữ lại như cũ, vẫn tạm thi hành theo Sắc lệnh ngày 25/5/1930 của Tổng thống Pháp Gaston Doumargue đã được Toàn quyền Đông Dương P. Pasquier ban hành bởi Nghị định ngày 12/9/1931.
Sắc lệnh (Décret) của Tổng thống Pháp ngày 25/5/1930 gồm có 6 phần (Titre), 42 điều (Article), quy định về Danh biểu Đoàn luật sư (Phần I), Tổ chức và quản lý nhân sự (Phần II), Việc tập sự(Phần III), Về kỷ luật (Phần IV), Quy định chung (Phần V) và Điều khoản chuyển tiếp (Phần VI).
Về nội dung, Sắc lệnh năm 1930 này tiến bộ hơn Sắc lệnh áp dụng trước đó (Sắc lệnh năm 1911) rất nhiều, vì nó công nhận tính độc lập, tự quản của các đoàn luật sư (lúc đó cả 5 xứ Đông Dương gồm: Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ, Cao Miên và Lào chỉ có hai đoàn luật sư: Sài Gòn và Hà Nội). Sắc lệnh năm 1930 cho phép người Đông Dương được làm luật sư (avocat), chứ không như chế độ luật sư - bào chữa viên (avocat - défenseur) trước đó theo Sắc lệnh năm 1911 chỉ dành cho công dân Pháp (gồm người dân gốc Pháp và người Đông Dương đã nhập quốc tịch Pháp) mới được làm luật sư; vả lại, theo Sắc lệnh 1911 tất cả luật sư - bào chữa viên đều mang tư cách công chức do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm (trước Sắc lệnh năm 1911 lại do Thống đốc, Thống sứ đứng đầu các xứ bổ nhiệm).
Như vậy, so với trước (tức từ 1911 đến 1931), Sắc lệnh 1930 (được áp dụng ở Đông Dương từ năm 1931) đã có nhiều tiến bộ nên được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho áp dụng dưới chế độ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với vài quy định mới thật cần thiết trước mắt mà thôi[3].
Sắc lệnh 46/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 10/10/1945 cho áp dụng lại Sắc lệnh ngày 25/5/1930 của Pháp gồm chỉ vỏn vẹn 7 điều, trong đó có chi tiết quy định cụ thể ở Điều thứ hai(về phạm vi bào chữa của luật sư), Điều thứ ba (về điều kiện đăng ký vào danh biểu đoàn luật sư, gọi là “Điều kiện để được liệt danh vào bảng luật sư”) và Điều thứ tư, thứ năm về tổ chức tự quản của các đoàn luật sư thông qua Hội đồng luật sư và các văn phòng hành nghề luật sư.
Nhìn chung, Sắc lệnh 46/SL ngày 10/10/1945 là sự sáng tạo kịp thời, đúng lúc của chính quyền cách mạng để phục vụ yêu cầu cần duy trì tổ chức luật sư sau Cách mạng tháng Tám, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cách mạng nhằm bảo vệ quyền lợi cho mọi công dân, kể cả những công dân đã thực hiện hành vi phạm tội cũng được bảo vệ trước pháp luật.

*        *

*

Luật sư Vũ Trọng Khánh là một trí thức yêu nước, tuy đã từng giữ trọng trách dưới chế độ cũ (ông đã là Thị trưởng TP. Hải Phòng dưới thời Chính phủ Trần Trọng Kim) nhưng trong chế độ cách mạng ông đã đóng góp được nhiều công việc hệ trọng. Những công trình pháp lý đặc sắc của ông gây dựng từ những tháng ngày sau Cách mạng tháng Tám (1945) đã ngót 70 năm nay mà vẫn còn nguyên ý nghĩa và cả xã hội đang phấn đấu triển khai xây dựng cho tốt một chế độ pháp quyền dân chủ, văn minh.    

Mỗi sự đóng góp của Vũ Trọng Khánh là một nét chấm phá khéo léo phát họa nên chân dung của Luật sư Vũ Trọng Khánh khi đứng vào hàng ngũ cách mạng, trong thời kỳ đầu khai sinh nền cộng hòa dân chủ Việt Nam.

LS Trương Thị Hòa

[1] Võ Nguyên Giáp (1911-2013) đã học luật tại Trường Cao đẳng Luật Đông Dương, nhận bằng Cử nhân Luật (Licence en Droit) năm 1937.
[2] Ngô Đăng Lợi, Luật sư Vũ Trọng Khánh – Nhà trí thức yêu nước, Câu lạc bộ Hải Phòng học .

[3] Vì nội dung tiến bộ của Sắc lệnh ngày 25/5/1930 mà dưới chế độ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại (1949 - 1955) và chế độ Việt Nam Cộng hòa thời Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu (1955 - 1975) tuy có ban hành các đạo luật về tổ chức luật sư mới, song về cơ bản vẫn mô phỏng theo Sắc lệnh ngày 25/5/1930 của thời Pháp thuộc.


Nguồn tin: Tạp chí Luật sư Việt Nam (số 7, tháng 9/2014)




---













Thông tin từ Thái Lan : cuốn sách của Trần Dân Tiên được dịch ra tiếng Thái từ bản gốc tiếng Pháp (1)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.