Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/09/2024

Đặc biệt ngày quốc khánh: ba đạo sắc Cảnh Hưng 44 (1783) cho hệ thần Liễu Hạnh công chúa tại Đền Bà Kiệu

Công bố đặc biệt, lần đầu tiên trên không gian mạng, nhân quốc khánh 2024. 

Rất nhiều năm nay, có lẽ phải tính bằng đơn vị hàng chục năm, các cơ quan quản lí chưa từng  thấy trực tiếp bộ sắc phong Đền Bà Kiệu này. Thậm chí, có đồn đại từ các cơ quan rằng, bộ sắc đã không còn giữ được !

Chúng tôi khẳng định: bộ sắc vẫn được bảo quản rất tốt tại Hà Nội, bởi gia đình thủ nhang Đền Bà Kiệu (theo gia phả, đang là đời thủ nhang thứ 10 và 11).

Sau công bố nhanh này, vào ngày quốc khánh 2024, chúng tôi sẽ công bố chính thức theo tiêu chuẩn học thuật.

1. Tôi đã khảo sát trực tiếp nhóm sắc phong mà gia đình thủ nhang Đền Bà Kiệu đã kì công lưu giữ suốt mấy trăm năm (từ năm 1783 đến nay).

Nhóm sắc phong gồm 28 đạo, trong đó có 27 đạo là sắc cho hệ thần Liễu Hạnh công chúa, tức cho Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy.

2. Trong đó, sớm nhất và mang ý nghĩa đặc biệt trọng yếu, là 3 đạo sắc mang niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783) cho Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy. Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy được thể hiện trong nội dung sắc là: 

- Liễu Hạnh công chúa (Mẫu Đệ nhất), 

- Quỳnh cung công chúa (Mẫu Đệ nhị), 

- Quảng cung công chúa (Mẫu Đệ tam).

Đây là hình ảnh tổng quan của bộ sắc Cảnh Hưng 44, do chính tôi cầm máy (tôi tạm thời làm nhỏ và ghi dấu để giữ bản quyền):

Bộ 3 đạo sắc Cảnh Hưng 44 (1783) cho Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy (một đạo cho Liễu Hạnh công chúa, một đạo cho Quỳnh cung công chúa, một đạo cho Quảng cung công chúa). Hiện được gia đình thủ nhang bảo quản nghiêm mật.

3. Cho đến hiện tại, đây là bộ sắc sớm nhất trong hệ thống đền phủ thờ phụng Hệ thần Liễu Hạnh công chúa tại đất Thăng Long - Hà Nội.

Sự hiện hữu đích thực của bộ sắc phong Cảnh Hưng 44 đền Bà Kiệu, kết hợp với các tư liệu khác tại ngôi đền (bia đá, chuông đồng, ngọc phả,...), có thể khẳng định: Đền Bà Kiệu là một trong những ngôi đền thờ Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy sớm nhất tại Thăng Long - Hà Nội.

Về mặt học thuật đây là một bước đột phá về tư liệu. 

4. Trước nay, cùng với nghiên cứu Phủ Tây Hồ, chúng tôi có nghiên cứu sâu về đền Cổ Lương ở khu phố cổ Hà Nội. Đền Cổ Lương cách không xa đền Bà Kiệu, cũng là một nơi thờ Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy vào hàng sớm. Tuy nhiên, tư liệu cổ của đền Cổ Lương thì không còn giữ được.

5. Đến hiện tại, nhóm sắc phong Đền Bà Kiệu, dù đang rất cần nghiên cứu chi tiết (cần thiết có những luận bàn học thuật sâu sắc), nhưng có thể xem là có giá trị đặc biệt, chỉ đứng sau nhóm sắc phong cho Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy đang được bảo quản tại chính thánh địa Phủ Giầy Nam Định (trực tiếp quản lí là dòng họ Trân Lê ở Phủ Nội và gia đình thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương).

Cuối cùng, để tham khảo, chúng tôi đính kèm ở đây là một ít ảnh hình ảnh bộ 3 sắc phong sớm nhất đã được nhà đền xử lí và treo trong văn phòng thủ nhang. Ai có điều kiện qua khu vực Đền Bà Kiệu, thì qua văn phòng thủ nhang sẽ thấy các tấm ảnh này được treo trên tường. 





Lưu ý là: bản dịch mà nhà đền đang sử dụng hiện còn nhiều lỗi, nên chỉ mang tính tham khảo tạm thời. Chúng tôi sẽ đưa bản phiên âm và dịch nghĩa của chúng tôi sau.

Ngày 2 tháng 9 năm 2024,

Giao Blog


..



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.