Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

20/06/2021

Kỉ niệm 1 năm ngày mất của học giả Phan Đăng Nhật (1931-2020) : trò chuyện về văn hóa dân gian

Học giả Phan Đăng Nhật đã trút hơi thở cuối cùng vào buổi sáng ngày 22 tháng 6 năm 2020. Xem lại tin của năm 2020 ở đây.

Trò chuyện về Văn hóa Dân gian của ông được Truyền hình Quốc hội cử phóng viên tới phỏng vấn, rồi phát vào đầu năm 2018.

Cuộc trò chuyện đầu tiên với phóng viên, theo kí ức của tôi thì được thực hiện tại nhà riêng vào dịp mùa đông năm 2017. Hồi đó, sức khỏe của ông đã sa sút nhiều, rất hay phải vào bệnh viện. Những cuộc phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội được thực hiện ở khoảng giữa những lần vào viện.

"

GS.TS PHAN ĐĂNG NHẬT - VĂN HÓA DÂN GIAN NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN TÔI

Chuyên mục: NGƯỜI NÍU NHỊP THỜI GIAN | Lượt xem : 2,127,555

Ngày đăng: 07/03/2018

http://quochoitv.vn/Videos/nguoi-niu-nhip-thoi-gian/2018/3/gs-ts-phan-dang-nhat-van-hoa-dan-gian-nuoi-duong-tam-hon-toi/170777










"

(do video có dung lượng lớn, nên hiện tạm thời xem trực tiếp trên trang của Truyền hình Quốc hội; bản trên Giao Blog sẽ cập nhật bổ sung sau).


Tháng 6 năm 2021,

Giao Blog


---


BỔ SUNG


2.


Ngày 22 tháng 6 năm 2020, GS TSKH Phan Đăng Nhật trở về với cõi tiên – nơi các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Đổng Chi, Đinh Gia Khánh, Ngô Đức Thịnh… đang đợi đón Người. Một số tác giả đã viết bài nghiên cứu về Giáo sư. Tôi là thế hệ đi sau, xin kể lại những kỷ niệm về Giáo sư khi ông bỏ nhiều tâm huyết nghiên cứu về nhà Mạc.

Cuối năm 2013, tôi được đi cùng GS TSKH Phan Đăng Nhật dự Hội thảo khoa học về văn hóa nước của người Thái ở Điện Biên. Ở sân bay, Giáo sư hỏi tôi nhiều về lãnh tụ nghĩa quân nông dân Hoàng Công Chất. Tôi ở Lào Cai nên không có dịp tìm hiểu để hầu chuyện cùng Giáo sư. Giáo sư kể cho tôi rất hào hứng về thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất – hậu duệ của nhà Mạc. Giáo sư có kể về những tư liệu mới phát hiện về con trai Hoàng Công Chất là Hoàng Công Toản bị triều đình Mãn Thanh đầy lên vùng Tân Cương (Trung Quốc) xa xôi. Xuống sân bay Điện Biên, Giáo sư khi đó 83 tuổi vẫn đề nghị học trò bố trí thời gian đi điền dã nghiên cứu về Hoàng Công Chất ở Điện Biên [1].

Năm sau, năm 2014, Giáo sư tặng tôi cuốn sách “Hoàng Công Chất và lễ hội thành Bản Phủ”. Cuốn sách là kết quả các đợt điền dã ở Điện Biên cùng với nhóm học trò Đặng Thị Oanh, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Hồng Miên, Vũ Hữu Cương… Cuốn sách hơn 100 trang, nhưng có nhiều tư liệu lịch sử mới về thành Bản Phủ, về cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất – hậu duệ của triều đình nhà Mạc ở đất Mường Thanh. Các tác giả đã sưu tầm được cả lược đồ thành Bản Phủ, các bài dân ca, truyện kể của người Thái ca ngợi công lao Hoàng Công Chất.

Năm 2019, tôi đi điền dã ở huyện Lập Thạch, huyện Tam Đảo, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), gặp một số cán bộ huyện là hậu duệ của dòng họ Mạc đã cùng Giáo sư đi điền dã và tổ chức một Hội thảo khoa học rất lớn “Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc” vào ngày 21 tháng 9 năm 2012. Nghe các anh hậu duệ nhà Mạc kể truyện, tôi càng cảm thấy khâm phục một tình yêu nghề, tình yêu dòng họ của Giáo sư. Nhưng khác với nhiều người khác, Giáo sư đã tổng hợp được tư liệu khoa học, tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc”. Hội thảo tập hợp được 41 bản báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hóa trong nước và nước ngoài. Hội thảo công bố nhiều tư liệu mới về nhà Mạc ở Cao Bằng, ở Quảng Châu (Trung Quốc) và đặc biệt là tư liệu nhà Mạc ở Vĩnh Phúc. Hội thảo đã dựng lại cuộc đời, sự nghiệp của các vị vua cuối cùng nhà Mạc (cuối thế kỷ 17). Đặc biệt, anh Chu Xuân Giao, con rể của Giáo sư đã công bố những sử liệu mới được phát hiện ở Trung Quốc về ba vị vua nhà Mạc cuối cùng. Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội sử học Việt Nam đã đánh giá về Hội thảo: “Tôi đánh giá cao các nguồn tư liệu khai thác trong thư tịch cổ của Trung Quốc. Trong hội thảo này, có sự đóng góp của hai học giả Trung Quốc, một vị có mặt ở đây là Ngưu Quân Khải, và một vị khác là Dương Liễm hôm nay vắng mặt… Tôi cho rằng đây là một nguồn tư liệu mới so với các nguồn tư liệu mà chúng ta tích lũy từ trước. Đây là một đóng góp bổ sung tư liệu rất đáng trân trọng, riêng cá nhân tôi đánh giá rất cao” [2]. Từ kết quả Hội thảo và các chuyến đi điền dã, Nhà nghiên cứu 84 tuổi đã công bố công trình “Nhà Mạc – ba thời kỳ lịch sử” vào tháng 10 năm 2014. Đây là công trình có nhiều phát hiện tư liệu mới về hậu duệ nhà Mạc.

Giáo sư đã đi xa, nhưng ngọn lửa đam mê nghề nghiệp, tình yêu tha thiết với di sản của tổ tiên đã giúp Giáo sư gặt hái được nhiều thành công trong nghiên cứu về lịch sử dòng họ./.
__________________________
[1] Phan Đăng Nhật – Đặng Thị Oanh và các cộng sự (2014); Hoàng Công Chất và lễ hội thành Bản Phủ; Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Điện biên xuất bản.
[2] Nhiều tác giả (2013); Kỷ yếu Hội thảo “Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc”; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc xuất bản; tr. 17.
TS. Trần Hữu Sơn
Viện trưởng Viện NCVHDG ứng dụng

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=3470606579635917&id=1674474852582441




1.

Thứ Ba, ngày 14/07/2020 17:40 PM (GMT+7)

Người đi tìm sử thi

Hiếm ai có một hành trình khoa học lạ như hành trình đi tìm sử thi của GS.TSKH Phan Đăng Nhật. Ông đã dành cả cuộc đời để đi tìm sử thi và giải mã vẻ đẹp của nó.

Tôi đã nhiều lần được trò chuyện với GS.TSKH Phan Đăng Nhật tại nhà riêng, trong con ngõ sâu thẳm của đường Cầu Giấy, Hà Nội. Căn phòng làm việc, nhưng cũng là phòng ngủ của ông luôn bật một bóng đèn bàn.

Lần nào cũng vậy, khi lên tới tầng 3 và gõ cửa, tôi đều không nghe tiếng ông trả lời. Đẩy cánh cửa khép hờ, tôi cất lời chào nhưng ông vẫn lặng thinh. Tiến tới thật gần, chào lại lần nữa ông mới nghe thấy, quay lại cười thật tươi: “Chào cậu”. Xung quanh ông chỉ thấy sách, tài liệu, mà chủ yếu liên quan đến sử học, văn hóa dân gian, sử thư… Nhiều lần như thế, tôi phần nào hiểu được nỗi niềm của một nhà khoa học già, nhưng vẫn miệt mài với những con chữ, vẫn nặng lòng với văn hóa, với sử thi.

Người đi tìm sử thi - 1

GS.TSKH Phan Đăng Nhật. Ảnh: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Trước khi trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa, Phan Đăng Nhật từng nhiều năm là giáo viên phổ thông ở Nghệ An, rồi Tây Bắc. Vài năm ở Tây Bắc, núi rừng, cảnh vật và con người nơi ấy đã trở nên thân thuộc và gắn bó. Nhưng có lẽ duyên với nghề giáo của ông chỉ có vậy. Do có thành tích trong công tác, năm 1967, ông được cử về Hà Nội để chuẩn bị đi học ở Liên Xô. Nhưng vì chưa phải là đảng viên nên việc ấy phải dừng lại. Chẳng hề hấn gì và cũng chẳng sao, theo ông là vậy. Trái lại, đó là cái may, là bước ngoặt vì nhờ có đó, ông mới chuyển sang nghề nghiên cứu.

Hồi ở Tây Bắc về, ông được theo học lớp chuyên tu về tâm lý giáo dục ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khi ấy sơ tán ở Phù Cừ, Hưng Yên. “Sau khi sơ tán ở Phù Cừ, tôi học xong lớp chuyên đề tâm lý giáo dục thì người ta cử tôi đi dạy sư phạm trung cấp ở Thường Tín, Hà Đông”[1]. Ông phân vân, suy nghĩ và nhất quyết không về Hà Đông. Ông quyết tâm phải bám Hà Nội, vì đó là nơi tụ hội anh tài, có cơ hội phát triển hơn.

Nhưng ở lại Hà Nội thì cơ quan, đơn vị nào nhận ông về công tác? May mắn là ông Nông Quốc Chấn, Vụ trưởng Vụ Văn hóa các dân tộc thiểu số biết Phan Đăng Nhật từng làm việc ở Tây Bắc nên nhận về để theo dõi phong trào văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Khoảng năm 1968, Nhà nước chủ trương tổ chức biên soạn một số cuốn sách lớn là lịch sử văn học, lịch sử, ngữ pháp, từ điển... Khi viết lịch sử văn học thì có một số ý kiến (đứng đầu là ông Hà Huy Giáp, Bí thư Đảng ủy Bộ Văn hóa) cho rằng cần phải có văn học các dân tộc thiểu số. Một số ý kiến cho rằng chưa nên đưa văn học dân tộc thiểu số vào vì đặt vấn đề là văn học thiểu số có gì, ai sẽ là người viết những nội dung đó? Hai câu hỏi rất đúng vì có văn học thiểu số nhưng ai sưu tầm, ai viết. Cuối cùng, quan điểm cho rằng phải có văn học thiểu số chiếm ưu thế.

GS Phan Đăng Nhật chia sẻ: “Tôi được anh Nông Quốc Chấn đưa vào ban viết lịch sử văn học. Đó là cơ hội rất may cho tôi để đi vào văn học. Lúc đó tôi là tép riu, có ai biết tôi đâu, mà mình đã làm gì đâu mà người ta biết. May là có nhu cầu phải có người giúp anh Chấn, hỗ trợ anh Chấn thì tôi là người đó. Từ đó (1968) tôi đi theo anh Chấn độ hơn một năm ở Vụ Văn hóa các dân tộc thiểu số. Ông ấy đi đâu mình đi theo”[2].

Trong quá trình làm cuốn lịch sử văn học Việt Nam, Phan Đăng Nhật chuyển sang công tác ở tổ Văn học dân gian, thuộc Viện Văn học. Ông cho biết, Viện Văn học chủ yếu làm về văn học bác học, chỉ có một bộ phận nhỏ, tổ Văn học dân gian do ông Cao Huy Đỉnh đứng đầu là nghiên cứu về văn học dân gian.

“Tôi còn nhớ lời dặn của ông Đỉnh: “Chúng ta đừng ném vào lâu đài khoa học những tảng bùn mà cố gắng đặt vào những viên sỏi rắn chắc”. Câu nói khuyến khích chúng tôi làm việc thận trọng hơn”[3], GS Phan Đăng Nhật nhớ lại.

Viện Văn hóa Dân gian được thành lập trên cơ sở Ban Văn hóa Dân gian, trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Ban Văn hóa Dân gian tồn tại trong khoảng 3 năm. Đến ngày 9/9/1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định thành lập Viện Văn hoá dân gian trên cơ sở Ban Văn hoá dân gian. Viện do ông Đinh Gia Khánh là Viện trưởng, ông Phan Đăng Nhật là Phó viện trưởng.

Vào những năm 1960, ở nước ta, chưa ai nhắc đến anh hùng ca, sử thi. Nhưng với vốn kiến thức học hỏi được và thực tế trong quá trình công tác, ông tin rằng Việt Nam có sử thi và quyết tâm tìm bằng được sử thi.

Người đi tìm sử thi - 2

GS.TSKH Phan Đăng Nhật được giới nghiên cứu văn hóa tôn vinh là nhà nghiên cứu hàng đầu về sử thi

Cùng với nhà nghiên cứu Cầm Trọng, ông tìm đến một tác phẩm văn học dân gian nổi tiếng lưu truyền trong đồng bào Thái có tên là “Chương Han”. Mặc dù tài liệu chưa thu thập đầy đủ nhưng ông có niềm tin rằng chính là sử thi. GS Phan Đăng Nhật cho biết, ông không đi tìm sử thi của riêng người Việt, mà tìm sử thi trong vốn văn học dân gian của tất cả các dân tộc. Hướng đi của ông là tìm về miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Đầu những năm 70, Phan Đăng Nhật tìm về Thanh Hoá, hỗ trợ nhà nghiên cứu Vương Anh sưu tầm “Đẻ đất đẻ nước”. Theo ông, hồi ấy không ai nghĩ đó là sử thi vì nó khác hẳn Ilyade Odyssée - sử thi kiểu mẫu của thế giới. Nhưng trong báo cáo khoa học năm 1974, Phan Đăng Nhật mạnh dạn xác định “Đẻ đất đẻ nước” là sử thi. Sau này, điều đó đã được khẳng định là đúng đắn.

Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Đăng Nhật hăm hở vào Tây Nguyên để tìm sử thi. Không chùn bước trước bom mìn còn rớt lại của chiến tranh, chẳng sợ mối nguy hiểm bất chợt từ Fulro, ông vẫn tới Kon Tum, Đắc Lắc… rồi xuống Phan Rang để tìm dấu vết của sử thi. Tiếp cận được với những tài liệu còn lưu giữ tại Phan Rang, ông đã khám phá những dấu vết của sử thi Chăm.

Đến năm 1978, Phan Đăng Nhật tổ chức một đoàn sưu tầm văn hoá dân gian (có các ông Trần Lâm Biền, Nông Quốc Thắng tham gia), lên Gia Lai, về tận vùng Ya Yunpa để nghiên cứu, sưu tầm. Nhiều lần ốm sốt, phải chống gậy để đi nhưng ông vẫn không nản chí, quyết tâm vượt qua những khó khăn trước mắt để vun đắp niềm đam mê sử thi. Lúc này, đường đi vẫn đầy di vật chiến tranh - ô tô, mũ sắt, thắt lưng, giày lính.

Sau năm 1983, Phan Đăng Nhật huy động hầu như toàn Ban Văn hóa Dân gian tham gia một đợt sưu tầm văn hoá dân gian ở Đắc Lắc. Ông sung sướng khi gặp áng sử thi đầu tiên, rồi những áng sử thi tiếp theo như Đăm Săn, Khinh Dú... được phát hiện trong các buôn làng Tây Nguyên.

Tài liệu của đợt sưu tầm ấy là cơ sở để Phan Đăng Nhật viết luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1989 ở Bulgaria và viết tác phẩm “Sử thi Ê đê”, xuất bản năm 1991. Luận án cũng như tác phẩm của Phan Đăng Nhật được đánh giá cao. GS.TS N.I. Niculin, một chuyên gia về văn học Việt Nam của Liên Xô cho rằng “công trình khảo cứu nổi tiếng Sử thi Ê Đê của Phan Đăng Nhật có ý nghĩa khó có thể đánh giá được hết”[4].

Tác phẩn “Đăm Săn” của dân tộc Êđê do L. Xabachiê (người Pháp từng sống và làm việc ở Tây Nguyên) sưu tầm được mấy thập kỷ trước luôn khích lệ Phan Đăng Nhật đi sâu hơn nữa vào đời sống đồng bào bản địa. Năm 1995, ông đăng ký đề tài cấp Bộ “Vùng sử thi Tây Nguyên” rồi chủ trì thực hiện.

Ông cùng cán bộ nghiên cứu về các vùng sử thi ở miền Trung, về Nu Păng, Đồng Xuân (Phú Yên... Đến với đồng bào Raglai, nơi mà mọi người chưa hề nghĩ có sử thi, Phan Đăng Nhật khẳng định Uđai Ujà là sử thi, động viên một số người sưu tầm và dịch tác phẩm này. Tới khi Dự án sử thi của Nhà nước được thực hiện, 622 sử thi được sưu tầm ở vùng Tây Nguyên và phụ cận, thì quan điểm của Phan Đăng Nhật về “vùng sử thi Tây Nguyên” đã được minh chứng.

Thành công với nghiên cứu và sưu tầm về sử thi Tây Nguyên, nhưng Phan Đăng Nhật vẫn không nguôi tình yêu đầu đời với sử thi của dân tộc Thái Tây Bắc “Chương Han”. May mắn, ông được một người tên là Nguyễn Hữu Ưng giúp khi giao cho bản “Chương Han” còn giữ được của anh vợ. Dẫu vậy, đây chỉ là bản dịch ra tiếng Việt, dày khoảng 100 trang, không có bản gốc tiếng Thái. Với ngần ấy không thể ra sách nên ông Nhật đã bổ sung thêm và nhờ Viện Đông Nam Á xuất bản, sử thi Chương Han bắt đầu ra mắt độc giả toàn quốc.

Năm 2002, khi nghiên cứu ở Quỳ Châu (Nghệ An), Phan Đăng Nhật phát hiện được sử thi “Khủn Chưởng”. Phát hiện được dấu vết, nhưng phải mất vài năm lặn lội đến khắp hang cùng ngõ hẻm, ông mới sưu tầm hoàn chỉnh sử thi “Khủn Chưởng” và xuất bản thành sách “Khủn Chưởng - Anh hùng ca Thái” (Nxb Khoa học xã hội, 2005), dày 800 trang khổ lớn, in bản dịch tiếng Việt kèm theo bản chữ Thái cổ.

“Khủn Chưởng - Anh hùng ca Thái” của Phan Đăng Nhật là đỉnh cao về sách sử thi của ông, về các mặt tri thức, phương pháp sưu tầm, phương pháp nghiên cứu, phương pháp trả lại cho nhân dân những giá trị do chính họ sáng tạo nên. Sách được hai giải thưởng Quốc gia về sách, sách đẹp và sách hay.

Nghiên cứu về nhóm sử thi/anh hùng ca, GS Phan Đăng Nhật đã có một số đóng góp không nhỏ. Thứ nhất, dựa vào sử thi/anh hùng ca trong và ngoài nước, ông đã tổng hợp lại thuộc tính của sử thi, có giá trị định hướng việc sưu tầm và nghiên cứu sử thi /anh hùng ca. Thứ hai, ông đã tiếp thu lựa chọn để đề xuất phân loại sử thi các dân tộc Việt Nam theo hai góc nhìn: thời kỳ ra đời: sử thi cổ sơ và sử thi cổ điển; nội dung đề tài: sử thi sáng thế/sáng tạo thế giới và sử thi thiết chế xã hội…

GS Phan Đăng Nhật từng chia sẻ một cách khiêm tốn, chân thành: “Đời tôi, không cày ruộng, không đi buôn, không kinh doanh được, có làm Viện trưởng, nghĩa là quản lý, nhưng không xuất sắc, chủ yếu là dạy học và làm khoa học. Khoa học của tôi là khoa học xã hội, gọi đùa là “khóa hóc xả hơi”, nghĩa là không ở mũi nhọn của cuộc sống, không có sản phẩm vật chất, như lúa gạo, máy móc, chỉ có công trình nghiên cứu”. Mặc dầu vậy, những di sản ông để lại có ý nghĩa không hề nhỏ, nhất là về sử thi, đã tạo ra tiền đề, cơ sở cho các nhà nghiên cứu thế hệ sau tiếp tục hoàn thiện, bổ sung.

Năm 1974, Phan Đăng Nhật có bài viết đầu tiên về sử thi công bố trên một tạp chí khoa học. Đến năm 1991, ông cho in cuốn sách Sử thi Êđê (Nxb Khoa học xã hội), là kết quả của nhiều năm nghiên cứu và từ cuốn luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1989 ở Bulgaria. Năm 1999, ông tiếp tục cho ra đời một công trình gây tiếng vang không kém là Vùng sử thi Tây Nguyên (Nxb Khoa học xã hội).

Sau này, ông tiếp tục cho ra nhiều công trình nghiên cứu về sử thi/anh hùng ca gồm: Nghiên cứu sử thi Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, 2002), Chương Han - Sử thi Thái (đồng chủ biên với Nguyễn Ngọc Tuấn) (Nxb Khoa học xã hội, 2003), Khủn Chưởng - Anh hùng ca Thái (Nxb Khoa học xã hội, 2005), Sử thi Tây Nguyên và cuộc sống đương đại (Đồng Chủ biên với TS Chu Xuân Giao) (Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2010), Góp phần tìm hiểu sử thi/anh hùng ca Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, 2015).

---------------------------

[1][2],[3][4]  Tài liệu ghi âm GS.TSKH Phan Đăng Nhật, 5/12/2018.

Từ Sơn


TẠP CHÍ KHÁM PHÁ điện tử; Cơ quan chủ quản: Sở KHCN TP.HCM;

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 693/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 18 tháng 12 năm 2015

Trụ sở: Lầu 2, 79 Trương Định, quận 1, TP.HCM

Tổng biên tập: Lương Thị Bích Ngọc

Điện thoại: (08) 38224921 - (08) 38230779 * Fax: (08) 38224921

Email: tkts@khampha.vn


http://khampha.vn/toi/nguoi-di-tim-su-thi-c8a768831.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.