Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/02/2020

Chuyện kể về thi tiên xứ Nam Định : nhân duyên với Phủ Giầy của Nguyễn Bính

Tài thơ của Nguyễn Bính được công nhận bắt đầu từ hồi đầu thập niên 1930, mà cơ duyên khởi phát là ngay tại sân phủ Tiên Hương ở quần thể Phủ Giầy (Vụ Bản, Nam Định) --- thánh địa của tín ngưỡng Mẫu Liễu và tín ngưỡng Tam Tứ Phủ.

Người ta đồn thổi ngay cậu bé mới nhớn ấy là thi tiên giáng xuống cõi trần. Cậu đã tha thẩn với mối tình đầu cũng ở Phủ Giầy trong mùa lễ hội.

Đại khái là người ta tới gặp cậu Nguyễn Bính để xin thơ, vì tin thơ cậu được giáng xuống từ cõi tiên.

Việc trên, đâu đó đã nghe cụ Bùi Hạnh Cẩn kể loáng thoáng. Tôi lần đầu đi nghe cụ Cẩn nói chuyện là ở sảnh đọc sách lớn trong Thư viện Quốc gia Việt Nam (đường Tràng Thi, Hà Nội) hồi đầu thập niên 1990. Buổi ấy, cụ nói về quốc tế ngữ. 

Sau này, nhân duyên với Phủ Tây Hồ, nên hay hỏi chuyện nọ chuyện kia với cụ là về Bà chúa Liễu Hạnh hay các chuyện nho nhỏ ở khu Hồ Tây ngày trước. Đó là những cuộc gặp nhanh, mà phần đa cũng trong khuôn viên Thư viện Quốc gia. Đấy là nghe trực tiếp, còn đọc thì cụ có viết ra mấy cuốn liền !

Bây giờ, thì đọc cụ Bùi Hạnh Cẩn viết về nhân duyên của thi tiên Nguyễn Bính với Phủ Giầy.

Bùi Hạnh Cẩn và Nguyễn Bính là anh em họ, tuổi sàn sàn nhau. Nguyễn Bình sinh sớm hơn một chút, là năm 1918 (tức ngang với năm chí sĩ Phan Bội Chậu dựng bia tưởng niệm bác sĩ Asaba ở Nhật Bản, đọc lại ở đây).

Cụ Bùi Hạnh Cẩn vừa qua đời (1919 - 2020), hưởng thọ 102 tuổi.

Tháng 2 năm 2020,
Giao Blog



Nguyễn Bính (1918 - 1966)

Bùi Hạnh Cẩn (1919 - 2020)



Sách xuất bản năm 1994


Cũng phụ thêm vào bài của các ông Trần Đình Thu, Nguyễn Cao Cao.



---



Phủ Giầy và nhân duyên với thi tiên Nguyễn Bình thời 1930s




1. Bùi Hạnh Cẩn viết


Nguyễn Bính và hội xuân: Chơi hội Phủ Giầy


Bùi Hạnh Cẩn

Nguyễn Bính và tôi là tên tập hồi ký của nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn (1919 - 2020) - anh họ nhà thơ Nguyễn Bính, được xuất bản lần đầu năm 1994.



Nguyễn Bính và hội xuân: Chơi hội Phủ Giầy

Tập hồi ký lưu giữ rất nhiều kỷ niệm thân thương giữa anh em hai nhà thơ gắn với làng quê và những lễ hội mùa xuân - nguồn cảm hứng cho không ít tác phẩm của Nguyễn BínhThanh Niên trân trọng giới thiệu một số đoạn trích trong hồi ký trên.

Mồng 6 tháng ba năm Quý Dậu (1933), Bính từ xóm Trạm xuống hội Phủ Giầy, vào nhà cô ruột (lấy chồng ở đó) ăn bữa cơm trưa. Buổi chiều, lấy vé ô tô đi Hà Nội. Sau này, theo Bính kể lại, cái cớ “bắt đầu những chuyến giang hồ qua quýt” ấy là:
- Hôm ấy, trong xóm có đám tổ tôm, thói thường ngày xưa, khi đánh tổ tôm, người chơi bài có một khoản tiền “hồ”. Hồ là tiền để nhà chủ dùng vào các việc như nước nôi, cơm cháo, dầu đèn hoặc chỉ cho những người chia bài cho một “Hội” - Hội là danh từ một cuộc chơi bài. Ví dụ, vào đầu Hội, mỗi người đóng góp 10 đồng (tổ tôm có năm chân bài - năm người vị chi là 50 đồng). Hội trích ra một khoản nào đó làm tiền “hồ”. Còn lại chi cho những ván bài “ù”. Trong số chơi bài sáng hôm ấy, có người ù nhiều, được lắm tiền, bỗng thèm ăn kẹo sìu và bánh đỗ xanh Hanh Tụ của thành phố Nam Định, lúc này đang thời hội Phủ Giầy, nên có mang về bán tại Tiên Hương, địa điểm chính của hội Phủ Giầy…
Năm ấy, Bính mười lăm, mười sáu tuổi, uất ức vì nỗi “Trọc phú ti toe bàn thế sự - Điếm già tấp tểnh nói văn chương” như thơ Bính sau này từng viết. Do đó, Bính xuống Phủ Giầy rồi đi luôn Hà Nội. Tới Hà Nội, Bính tìm tới Hàng Bồ xin việc bán báo lẻ để kiếm sống. Nhưng, một chú bé lớ ngớ mới ở tỉnh lẻ lên Hà Nội thì không thể nào cạnh tranh nổi với những “thổ công Hà thành” bấy giờ. Bính tìm vào nơi anh ruột là Nguyễn Mạnh Phác. Lúc này Mạnh Phác đang dạy học ở trường tư thục Hà Văn trong thị xã Hà Đông. Song, Phác cũng chỉ mới chân ướt chân ráo tới Hà Đông được ít lâu, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bính tìm lên Thái Nguyên, vào huyện Đồng Hỷ dạy học trong các trại ấp. Ít lâu sau, vừa phần cảnh rừng núi hiu quạnh, vừa phần cái máu sông hồ đang sôi nổi… lúc này Bính đã làm được một số bài thơ, nhưng chưa đăng ở đâu.
Lại về Hà Nội ở với anh ruột. Nguyễn Mạnh Phác đã thôi dạy ở Hà Đông, ra Hà Nội làm thuê cho một hiệu thuốc đông y bào chế kiêm nhà in. Thơ Bính dần dần được đăng báo, được giải khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn. Và tới Lỡ bước sang ngang đăng liền mấy số trên Tiểu thuyết thứ năm thì nổi tiếng... Dạo đó, hầu như ở đâu cũng có người đọc Lỡ bước sang ngang.
Bài thơ của Bính được đăng báo đầu tiên là bài Cô hái mơ và Tiểu thuyết thứ năm là tờ báo đăng thơ Bính nhiều nhất.










Nguyễn Bính và hội xuân: Chơi hội Phủ Giầy1

Trong mảnh vườn ao nhà ngoại Nguyễn Bính - 2017
Ảnh: Tư liệu gia đình
Thời kỳ này kinh tế khó khăn, cảnh nhà sa sút, nên từ khoảng những năm 1934 - 1935 trở đi, tôi cũng đi học một số nghề lặt vặt, chụp ảnh hoặc sửa bản in thuê…, nhưng cũng chả có gì ổn định cho lắm. Do đó, tôi cũng có lúc ở Nam Định, Hà Nội và có lúc ở Sài Gòn (nay là TP.HCM)… Chuyến chia tay dài giữa Bính và tôi khoảng cuối năm 1941 (cho tới cuối 1954 mới gặp nhau bên hồ Gươm).
Dạo ấy, Trúc Đường (anh ruột Bính) có thuê một gian buồng nhà lá ở cuối phố Chợ Đuổi - nay là vào khoảng phố Tuệ Tĩnh giáp phố Bùi Thị Xuân. Có những kỳ mưa liền mấy hôm, bữa trưa chỉ mua vài hào khoai lang luộc ăn trừ bữa và dành mấy xu mua vé xe điện buổi chiều (Trúc Đường có vé tháng). Ở căn buồng nhỏ này thường có treo một bài thơ của Bính. Ở đây Bính và tôi đã gặp những cô gái Huế mang tên hoa mùa thu rất xinh đẹp và tất nhiên là mê thơ Bính…
Trước khi Bính “giang hồ qua quýt” vào Thanh Hóa, một tối, anh em Bính cùng tôi lên chỗ chú Cả Biền (chồng cô ruột tôi). Chú Cả Biền cùng vợ kế và bốn con nhỏ đều dọn lên Hà Nội và mở một quán bán bánh cuốn nhỏ ở phố Ngọc Hà. Vì vậy trong bài thơ ở Huế, Bính có viết: “Gia đình thiên cả lên Hà Nội”.
Khoảng mười giờ rưỡi khuya, ba chúng tôi “cuốc bộ” từ Ngọc Hà về Chợ Đuổi. Đường đi qua vườn hoa Canh Nông (nay là vườn hoa công viên Lênin - đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội) ngạt ngào hương cúc tháng chín. Trăng khuya trời lạnh, nhắc lại chuyện gặp gỡ những cô gái Huế mang tên hoa, Bính bảo tôi:
- Đi Huế chuyến này và gặp lại Cúc thì tuyệt. (Còn tiếp)


Với Nguyễn Bính, tháng ba có nhiều kỷ niệm bởi thời gian này Bính thường cùng anh em đi chơi các hội đám trong vùng.




Bùi Hạnh Cẩn (giữa) và các bạn văn tại quê nhà, thôn Vân Tập /// Ảnh: Nguyễn Hồng Cơ

Bùi Hạnh Cẩn (giữa) và các bạn văn tại quê nhà, thôn Vân Tập
Ảnh: Nguyễn Hồng Cơ

Tháng ba âm lịch Tân Mùi (1931), vào dịp hội Phủ Giầy, tại Phủ Giáp Ba, làng Dần, xã Bảo Ngũ, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có tổ chức một cuộc thi văn. Đầu đề: Tả cảnh chọi gà ngày Hội. Thời gian làm bài thơ là một giờ đồng hồ. Ban giám khảo cuộc thi là một số nhà Nho trí thức có tên tuổi quanh vùng.
Chừng nửa giờ thì một chú bé khoảng 12 - 13 tuổi, bước vào chỗ ban giám khảo ở gian giữa Phủ Giáp Ba nộp bài. Chú bé ấy là Nguyễn Bính. Bài làm hơn ba trang giấy học trò. Ngoài những đoạn miêu tả sinh động cảnh tượng chọi gà ngày hội ra, điểm đặc biệt mà mọi người nhất trí cho giải nhất là ở đoạn cuối, Bính nói sự gắn bó đùm bọc lẫn nhau của gia đình, làng xóm, đất nước. Bính đã dùng một câu ca dao cũ để kết: “Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Bài này được đọc lên, hàng ngàn con người có mặt ở đó, ai cũng tấm tắc khen hay. Khi loa vang lên giữa phủ, mọi người mới biết được giải nhất ấy là Nguyễn Bính, mới 13 tuổi, quán thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội cùng huyện. Nguyễn Bính được tặng một tấm khăn hồng và được mời ngồi với ban giám khảo…

Đố em nói rõ anh hay đôi lời

Cuối những năm 1937 - 1938 (tôi không nhớ rõ), Bính còn được giải thưởng về một bài văn của sách Xuân do Nhà xuất bản Mai Lĩnh (Hà Nội) tổ chức.
Những năm này, Bính thường cùng một số anh em đi chơi các hội đám trong vùng. Có khi vào đánh cờ người ở Lạc Chính, huyện Ý Yên, có khi tham gia đám hát Đúm ở chợ Đống… Một lần hội Phủ Giầy, làng Bính có tổ chức cuộc thi hát Trống quân. Bên nữ do một phụ nữ có tuổi là bà Ch. giữ vai trò chủ yếu. Bên nam có Nguyễn Bính. Cuộc hát rất vui, cánh trẻ được dịp cười đùa khi thấy những chuyện trong làng xã được đưa khéo vào các câu hát đối đáp. Ví như trong làng lúc đó có cô con gái nhà giàu, nhưng đã ngoài 30 tuổi mà chưa lấy chồng. Dân gian thường có câu “già kén kẹn hom”. Vì vậy, khi hát về cảnh làm ruộng chăn tằm mùa xuân, bên nam có những câu như: “Con tằm làm kén nên tơ/Hỏi ai bòn kén bao giờ nữa ai?”.





Nguyễn Bính và hội xuân: Chú bé làm thơ tả cảnh chọi gà1

“Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào”
Tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn
Kết quả hôm ấy nam được nhất, nhờ có những câu hỏi do Bính “gà” cho rất tài tình, hóc búa, mà bên nữ chịu không đối đáp được như:
Đố em nói rõ anh hay đôi lời
Làng ta chưa vợ mấy người
Chưa chồng mấy ả em thời biết không
Những ai đi khắp tây đông
Những ai kiếm được tấm chồng như chúng anh đây
Hoặc như những câu: “Đố em Phủ ấy sao Giầy/Quán kia sao Dội, chợ này sao Ngang?”. Những tên Phủ Giầy là hội phủ xã Tiên Hương, quán Dội ở ngã tư xã Đồng Đội, chợ Ngang là chợ Đình Ngang thôn Thiện Vịnh, đều là tên ở địa phương quanh đó. Tuy vậy, cái khó lại là Dầy mỏng và dọc Ngang...
Tất nhiên, những câu hỏi như vậy thì có thể tới nay, những người nghiên cứu về địa phương cũng lúng túng vì chưa thể có những cứ liệu chính xác. Sau khi bên nam nhận một vuông lụa hồng và tiền thưởng, mấy chàng trai khỏe mạnh công kênh Nguyễn Bính lên vai đi ra khỏi sân đình giữa tiếng reo vui của nhiều người…
Cũng xin giới thiệu tí chút về chuyện đối lại những câu đối trước đó thường được coi là “hóc búa” của anh em Nguyễn Bính. Ví như: “Chuồng gà kê áp chuồng vịt”. Chữ Hán “kê” là gà, “áp” là vịt. Câu đối lại là: “Con chuột ra bớp con bò”. Chữ Pháp “ra” là chuột, “bớp” là bò.
Hoặc như câu đối tương truyền là của Đoàn Thị Điểm ra cho Trạng Quỳnh, trong khi bà đang ở buồng tắm mà Quỳnh cứ định đòi vào: “Da trắng vỗ bì bạch”.
Ngoài ra những câu như một số sách báo từng nhắc tới như: “Nhà vàng ở đường hoàng”, Bính và mọi người đã đối lại như: “Bông dài kéo miên man”. Hoặc: “Chẳng dời ra Bất Di” (Bất di là chẳng dời, đồng thời là tên một xã thuộc huyện Vụ Bản). Hoặc: “Làm kèn thổi vi vu” (vi là làm, vu là kèn). Hoặc: “Tìm vàng ở cầu Kim” (cầu là tìm, vừa là cái cầu; kim là vàng, vừa là làng Kim Phô). (còn tiếp)
Cứ mỗi độ xuân về, khi Phủ Vân động trống chèo là các cô gái thôn Vân lại rủ nhau đi xem để gặp cánh con trai, trong đó có Nguyễn Bính.


Chân dung Nguyễn Bính 
 /// Ảnh: Tư liệu
Chân dung Nguyễn Bính
Ảnh: Tư liệu
Thôn Vân (tức thôn Vân Tập, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có mấy xóm - xóm Bến là nhà ngoại Bính. Xóm Đình, xóm Tây là nơi có những cô bạn gái Bính thời nhỏ. Nguyễn Bính viết bài Phơi áo có bốn câu như sau:
Xóm Tây bà lão lưng còng
Có hai cô gái lấy chồng cả hai
Gió thu thở ngắn than dài
Bà đem áo rét phơi ngoài
dậu thưa
Hoặc như trong bài Chờ nhau, với những câu:
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ vội vàng
chi anh
Em nghe họ nói mong manh
Hình như… hai đứa chúng mình với nhau
Ai làm cả gió đắt cau
Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non?
Thực ra bà lão lưng còng ở xóm Tây, thôn Vân có những ba cô con gái, năm ấy mới có hai cô đi lấy chồng. Các cô đều có tên là D. (tên thứ quả trong mùa hè). Cô chị năm trước lấy chồng làng, cô em năm sau lấy chồng “thiên hạ”. Đây cũng là một tứ thơ Bính viết về chị em cô Nhi trong bài Hoa với Rượu:
...
Thực ra có phải thế này không
Chị Nhi đã lấy chồng
năm trước
Nhi đến năm sau lại lấy chồng?
Cả hai chị em D. này đều xinh (và thường ra con gái dậy thì ai chả có lúc xinh đẹp). Các cô thường có lúc trò chuyện cùng Bính và bạn bè ở vườn Cồn nhà cậu Bính, hoặc những lúc ven đê, khi các cô cắt cỏ trâu, hoặc thu rơm rạ chiều hôm...
Cứ mỗi độ xuân về, khi Phủ Vân động trống chèo là các cô lại rủ nhau đi xem để gặp cánh con trai, trong đó có Nguyễn Bính. Cũng có lúc Bính và các bạn bè ra xóm Tây chơi, tất nhiên là lại chuyện trò vui vẻ cùng mấy cô. Có lần, bên cạnh dậu râm bụt thưa, đang đông người trò chuyện, cô chị chợt lấy chiếc kính râm Bính đang đeo rồi ướm thử vào mắt mình và cười... Ngày xưa, ở thôn xóm những động tác như vậy cũng trở thành đầu đề bàn tán xì xào cho vô số người, vì mọi người cho rằng đã có tình ý gì với nhau. Do đó, trong một số bài thơ, Nguyễn Bính đã viết:
Khóa hội chùa Hương đã
đóng rồi
Hội đền Hùng nữa, đám
thôn tôi
Thôn tôi vào đám hai
ngày chẵn
Chỉ có chèo thôi nhưng
cũng vui

Cho tới bây giờ, trước mắt tôi, vẫn có thể hiện ra những hình ảnh mấy cô gái dáng vóc thon thả, mặc áo nâu son ngăn ngắn, đeo vuông yếm sồi cổ hình trái tim kin kín hơ hở trước vầng ngực đang tuổi dậy thì, lúc mang váy, lúc mang quần, đôi chân nho nhỏ đi đất... đặc biệt là những ánh mắt, màu môi, âm thầm mà khêu gợi...
Những cô gái thôn Vân ấy, đã có dịp cùng Bính và bọn tôi, chòng chành trên mấy khoang thuyền “ba thang”, lãng đãng qua mấy cánh đồng chiêm rộng để đi chợ Đống, chợ Dằm... Có hôm, gặp mưa dọc đường, cả bọn phải náu tạm ở chiếc lều kéo vó cạnh con đê đất nhỏ... Hoặc giả dịp nào tết tới, rủ nhau ngồi coi nồi bánh chưng - khuya khuya, chuyện trò mãi cũng chán, trên mảnh chiếu cói cạnh bếp lửa hồng, dí bài tam cúc ra đánh, và “cười ầm tốt đỏ đè tốt đen”.
Cứ thế, tháng ngày trôi đi. Từng cô, từng cô xóm Tây, xóm Bến, xóm Đình, xóm Nội đi dần, đi dần. Đi lấy chồng và cả lưu lạc phương xa nữa. Bọn tôi cũng lần lượt tạm biệt thôn Vân, Nguyễn Bính làm thơ... nhớ bà lão lưng còng mà nhất là nhớ những cô gái...
Những cô gái quê có các tên như Diễm, như Dưa, như Sáng, như Mây, thỉnh thoảng gặp nhau ở các hội hè. Hội Phủ Giầy, Hội Chùa Hương kể cả hội chùa làng nữa. Như Bính đã viết trong bài Cuối tháng ba:
Đường lên chợ tỉnh xa tăm tắp
Nắng mới, ôi chao! Cát bụi mù
Mấy chị nhà bên đi bán lụa
Giắt đầu từng nắm lá
hương nhu



Nguyễn Bính và hội xuân: Những cô gái thôn Vân - ảnh 1

“Mà đây cách một đầu đình”
Tranh chữ của Bùi Hạnh Cẩn

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thơ Nguyễn Bính in đậm ảnh hưởng vào thơ của các bạn bè, gây không ít dư âm trong lòng một lớp độc giả rộng rãi.
Trong Giai thoại Nguyễn Bính, họa sĩ Nguyệt Hồ viết: Trong phong trào Thơ Mới 1936 - 1945 có hai trường phái, một thì chủ trương cách tân cả nội dung lẫn hình thức... Cho nên ta thấy nhiều bài y như thơ Pháp, nhiều người đùa là những “nhà thơ Tây lai”. Còn một chủ trương giữ lấy hồn dân tộc...
Khi thấy nhóm kia tung ra các bài: Tình già, Cây đờn muôn điệu... như một tuyên ngôn về thơ của phái mình, Nguyễn Bính làm một bài và trả lời dưới dạng một bài thơ tình tế nhị, đó là bài Chân quê, trong đó có câu:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi
ít nhiều
Lúc này Nguyễn Bính mới mười chín, hai mươi tuổi, kể đã có khuynh hướng như vậy, thật là đáng quý. Điều đó có thể giải thích vì sao nhà thơ Chân quê được quần chúng thích và thuộc thơ rộng rãi vào loại nhất đương thời.
(còn tiếp)
https://thanhnien.vn/van-hoa/nguyen-binh-va-hoi-xuan-nhung-co-gai-thon-van-1182154.html




Trong không khí vừa háo hức của con người vừa thiêng liêng hội lễ, thiên hạ đông như kiến cỏ, càng như có thứ men vô hình gây say mê giao duyên.
Hoa hoa rượu rượu - Tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn
Hoa hoa rượu rượu - Tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn

Qua những tập thơ của Nguyễn Bính in ra trong các năm gần đây, riêng tôi chưa thấy tập nào giới thiệu bài Đêm ba mươi tết. Trong đó có những câu:
Trời đen như mực tối ba mươi
Diễm trốn nhà sang để gặp tôi
Hai đứa tôi ngồi trên nệm rạ
Lặng nghe nồi bánh rộn ràng sôi
Diễm là một cô gái người xóm Đình, thôn Vân, và là hình ảnh chính được Bính gọi là Nhi trong bài thơ Hoa với rượu:
Ngày xưa còn nhỏ Nhi còn đẹp
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì
Tháng tháng mươi mười lăm buổi chợ
Cho người thiên hạ phải say Nhi
Từ những năm mười lăm, mười sáu tuổi Diễm đã nổi tiếng đẹp quanh vùng, tóc dài đen, da trắng mịn, môi son luôn luôn với nụ cười xinh, dáng người thon thả, cộng thêm tính tình cởi mở và ăn nói có duyên… Hầu như cánh trai làng đều chết mê chết mệt.
Thời gian ở thôn Vân, Bính thường trò chuyện với Diễm và một vài cô gái khác làng. Các cô thường trồng cải và hái chè, đi chợ giúp cho nhà cậu ruột Bính.
Diễm có một người chị gái tên là L., cũng rất xinh, và trong một dịp hội Phủ Giầy, cô L. bỏ nhà đi không trở về.
Trong những năm đầu thập niên 40, sau khi ở miền Nam ra, tôi có gặp Diễm ở Hà Nội như thơ Bính đã viết:
Lạy giời, trên bước đường lưu lạc
Một buổi chiều nào gặp gió mưa
Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ
Giật mình tôi thấy tiếng Nhi thưa...
Bính rất say Diễm. Cô có người bạn gái cùng làng là S., cũng được người anh họ của Bính rất yêu. Nhưng lúc đó, vì những hủ tục thời cũ, nên các cuộc tình duyên này đều chẳng đi tới đâu. Cô S. lưu lạc tha hương trước năm 1945.
Những kỳ hội Phủ Giầy, cũng là những ngày mà các cô gái như D., S., cùng Bính và bạn bè thường quấn quýt bên nhau nhiều nhất. Trong không khí vừa háo hức của con người, vừa thiêng liêng hội lễ, thiên hạ đông như kiến cỏ, càng như có thứ men vô hình gây say mê giao duyên. Có lần từ tảng sáng đã ra đi, và tối khuya (gà gáy lên chuồng) cũng chưa về. Cả năm mới có mấy ngày hội, gia đình, xóm giềng chả ai trách móc…
Có lần gặp Bính những năm 1938, 1939, tôi hỏi vui:
- Cô Oanh Hà Đông so với cô Nhi thì thế nào?
Nguyễn Bính từ thuở nhỏ đã có cái cười chua chát:
- So mà làm gì? Cứ nguyên hàng trăm câu ở bài Hoa với rượu đã là chứng cớ rõ ràng nhất.

Chị trúc và anh trúc đường

Người ta đọc thơ Bính, thường nhắc tới những bài Gửi chị Trúc, nhưng nói tới chị Trúc thì phải nói tới anh Trúc Đường. Trong bài Tơ trắng tặng Trúc Đường, Nguyễn Bính có những đoạn:
Tơ gạo phương xa tản mạn về
Gió vào đồng lúa chín vàng hoe
Một con diều giấy không ăn gió
Õng ẹo chao mình xuống vệ đê
Trúc Đường là anh ruột Nguyễn Bính, tên thực là Nguyễn Mạnh Phác. Lúc nhỏ học trường huyện (Vụ Bản) sau học trường Thành Chung - Nam Định, thi hai năm không đỗ diplôme, rồi đi dạy học ở Trường tư thục Hà Văn tại Hà Đông. Sau vài năm dạy học, vì nhận lời làm cho báo Ích Hữu, nên thầy giáo Phác thôi dạy ở Trường Hà Văn, và chuyển ra ở Hà Nội. Thời kỳ dạy học, Nguyễn Mạnh Phác đã viết truyện và kịch.
Giữa tháng chạp năm Mão, Trúc Đường và Bính về xóm Trạm, có thêm hai vị khách, một là bạn cùng dạy Trường Hà Văn, còn một người là Lê Văn Trương đang làm chủ bút tờ báo Ích Hữu.
Năm ấy ở xóm Trạm, nhà Trúc Đường và Nguyễn Bính từ chiều hai mươi tháng chạp đã mổ lợn, giã giò chuẩn bị tết. Con lợn mua của nhà hàng xóm với giá 4 đồng bạc Đông Dương (lúc đó một bát phở có 5 xu).
Vừa tiễn ông Táo về trời, và cũng là tiễn nhà văn Lê Văn Trương và thầy giáo Cẩm Trường Hà Văn lên Hà Nội. Nguyễn Mạnh Phác nhận viết thường xuyên một mục cho báo Ích Hữu. Do đó, cũng cần có một cái tên mới. Chả lẽ kịch của Mạnh Phác, truyện khôi hài cũng lại Mạnh Phác? Bính góp ý:
- Chị T. đã thành chị Trúc, thì người yêu của chị Trúc phải là anh Trúc.
Mấy người nghe cũng có lý. Nhưng Anh Trúc hay là Trúc gì? Sau có người nhắc tới chuyện lúc bé, Phác được gọi với cái tên “Cu Đường”. Trước ngày “ở cữ” chừng một tuần, cô Cả Biền về quê ngoại thôn Vân chơi. Được ba bốn ngày gì đó, bỗng một sớm, cô tôi bảo thấy trong người hơi khó ở. Ông bà nội tôi liền giục cô về, và nhờ một “bà mụ” người làng cùng đi bộ với cô tôi về xóm Trạm. Dọc đường, thì giở dạ, cô tôi sinh ra Phác. Ngày xưa có thói quen nhà nào sinh con đầu cháu sớm thường đặt một cái tên xấu xí mà gọi để cho “ma quỷ” nó không chú ý bắt đi… Bởi vậy, bên cạnh tên khai sinh chính là Nguyễn Mạnh Phác, Phác có tên Cu Đường… Vậy thì Trúc Đường, nhà báo Trúc Đường với ý nghĩa chính là Anh Đường, người yêu của chị Trúc.
Dạo ấy trên văn đàn, giới báo chí đã có những cái tên như Trúc Khê, Trúc Đình. Trúc Đường cũng đàng hoàng lịch sự chả kém.
https://thanhnien.vn/van-hoa/nguyen-binh-va-hoi-xuan-nguoi-dep-cua-hoa-va-ruou-1182520.html









Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn qua đời ở tuổi 102

Kiều Mai Sơn

Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, anh họ của nhà thơ Nguyễn Bính, đã từ trần hồi 16 giờ 45 phút ngày 4.2, hưởng thọ 102 tuổi.











 /// Ảnh: Nguyễn Hồng Cơ

Ảnh: Nguyễn Hồng Cơ
Bùi Hạnh Cẩn kém Nguyễn Bính 1 tuổi. Những năm tháng tuổi thơ ông đã sống cùng với Nguyễn Bính. Kể cả những năm Bính tha hương thì giữa 2 người vẫn có một sợi dây tình cảm bền chặt. Sau này, cụ Cẩn đã xuất bản hồi ký Nguyễn Bính và tôi nhắc lại những kỷ niệm giữa hai anh em. Hồi ký được tái bản nhiều lần. Ông là con trai cụ Bùi Trình Khiêm, đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Nam Định.
Bùi Hạnh Cẩn tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938 - 1939, vào Hội Truyền bá Quốc ngữ. Ông đã cùng với Nguyễn Hồng Nghi (về sau là đạo diễn, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhân dân) tổ chức diễn kịch của Nguyễn Bính để lấy tiền ủng hộ quỹ hội.
Sau ngày thủ đô Hà Nội được giải phóng, Bùi Hạnh Cẩn là quyền Tổng biên tập Báo Thủ đô (nay là Báo Hà Nội mới); nguyên Ủy viên thường trực, Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam; nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội; nguyên Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội; hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam...
Bùi Hạnh Cẩn đã từng có thơ đăng trên các tờ báo trước 1945 như: Ngọ báo, Tiểu thuyết thứ Năm... Sau này, ông còn tiếp tục làm thơ đăng trên các báo Nam Định kháng chiến; Công dân; Cứu quốc; Đại đoàn kết... Nhưng ông chỉ in riêng một tập thơ mang tên Hẹn. Sau khi nghỉ hưu, Bùi Hạnh Cẩn dành nhiều thời gian để dịch và nghiên cứu về văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong Thư viện Quốc gia, hiện còn lưu hơn 100 đầu sách do ông dịch và biên soạn như: Thăng Long Thi Văn tuyển; Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du; Tổng tập thơ phú Nôm của Nguyễn Huy Lượng; Hồ Xuân Hương, thơ chữ Hán, chữ Nôm & giai thoại; Văn tuyển Đoàn Thị Điểm...
Lễ viếng và truy điệu cụ Bùi Hạnh Cẩn được tổ chức lúc 10 giờ 30 phút đến 12 giờ 5 phút ngày 7.2 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau lễ truy điệu, thi hài cụ sẽ được hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Hà Nội). Lễ an táng được tổ chức lúc 10 giờ 30 phút ngày 10.2 tại nghĩa trang quê nhà (thôn Vân Tập, xã Minh Tân, H.Vụ Bản, tỉnh Nam Định).











2. Nguyễn Cao Can viết

 Nguyễn Bính, Nhà thơ bình dân Si Tình và  Lãng MạnNguyễn Cao Can
Ai đọc thơ của nhà thơ Nguyễn Bính mà không thấy cái độc đáo của hồn dân tộc đã ấp ủ trong thơ của ông, hay nói cách khác Nguyễn Bính đã đưa hồn dân tộc vào thi ca Việt nam hiện đại. Ông là người đã góp công rất lớn vào nền văn học Việt Nam, những câu thơ giản dị, bình dân đã làm cho người đọc, khi đọc lên chỉ một lần đã thấy lòng mình lâng lâng giao cảm, dễ đọc, dễ mến và nhất là dễ thuộc. Nhưng có ai ngờ được rằng Nguyễn Bính lại có một cuộc sống lãng mạn và giang hồ giống như thơ của ông.
Nguyễn Bính thi sĩ lãng mạn và giang hồ.
Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, Bút hiệu của ông là Nguyễn Bính, sinh năm 1918 tại xóm Trạm, thôn Thiên Vịnh, xã Đồng Đội nay là xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản thuộc tỉnh Nam Định. Ông mồ côi mẹ lúc mới lên ba, do đó bố ông có một bà kế mẫu, nhưng nhà vẫn nghèo nên ông được bên ngoại đưa về nuôi nấng dạy dỗ tại thôn Vân Tập cũng cùng xã Đồng Đội.
Cậu ruột Nguyễn Bính là ông Bùi Trình Khiêm lãnh trách nhiệm nuôi nấng ông. Được biết ông Bùi Trình Khiêm là một nhà nho có tiếng trong vùng thời đó đã tham gia vào phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, ông Khiêm cũng là thầy giáo dậy ông Trần Huy Liệu. Nhờ  người cậu giỏi hán văn mà Nguyễn Bính có môi trường tiếp xúc sớm với chữ nghĩa, thi phú và nghệ thuật.
Khi Nguyễn Bính được mười ba tuổi đã làm kinh ngạc về tài thi phú của mình nhân vào dịp lễ hội Phủ Giầy (Nam Định) thường tổ chức vào tháng Ba Âm Lịch hằng năm, trong lễ hội năm này có tổ chức cuộc thi thơ. Năm đó ban tổ chức chọn đề thi là " Hãy tả cảnh chọi gà trong ngày lễ hội"  Đề tài vừa ra, ông lấy bút giấy viết liền, chỉ chưa đầy nửa thời gian của ban tổ chức ấn định Ban Giám Khảo đã thấy Nguyễn Bính đã lên nộp bài thi. Mọi người đều ngạc nhiên nhất là những vị trong Ban Giám Khảo. Bài nộp của Nguyễn Bính dài hơn ba trang giấy , kể ra như vậy là ông đã viết khá dài. Sau  khi Ban Giám Khảo xem xét và cân nhắc, đã quyết định trao giải thưởng hạng nhất cho bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bính.
Liền ngay đó BGK đã dùng loa phóng thanh đọc bài thơ  được giải nhất ở giữa sân đình cho mọi người nghe. Nghe xong, tức thì hàng ngàn người đang tham dự lễ hội có mặt,  đều nhất loạt vỗ tay hân hoan chúc mừng nhà thơ thiên tài Nguyễn Bính, có những cặp thanh niên còn cao hứng công kêng Nguyễn Bính lên vai, làm chàng trai NB vừa mới lớn được nhìn từ trên cao hơn người xuống nhìn ngắm những cô gái đang đi dự lễ hội một cách hãnh diện và thoải mái, trái lại những cô gái xuân xanh mơn mởn đang ước tấm chồng nhìn lên anh thi sĩ đầy cao ngạo mà ước muốn được lấy chàng làm chồng . . .

Em như cô gái hãy còn xuân

Trong trắng thân chưa lấm bụi trần

Xuân đến, xuân đi, hoa mận nở

Gái xuân giũ lụa trên sông Vân

Lòng xuân lơ đãng, má xuân hồng

Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng

Đôi tám xuân đi trên mái tóc

Đêm xuân cô ngủ có buồn không?
Bài thơ "Gái Xuân" trên mà NB mô tả một nàng thôn nữ diễm kiều đang mơ mộng thật nhiều, cô đang mơ một tấm chồng, si tình một chàng trai nào đó có thể là thi nhân Nguyễn Bính chăng? Nên chàng hỏi "Đêm xuân cô ngủ có buồn không?"
Từ ngày chàng được đám đông vỗ tay tán thưởng  sau cuộc thi ở Phủ Giầy năm ấy, NB lại càng cao hứng để sáng tác những vần thơ trữ tình làm nhiều người say mê, các cô thiếu nữ thì mê mẩn si tình như trong bài Chờ Nhau dưới đây:
Láng giềng đã đỏ đèn đâu

Chờ em ăn dập miếng giầu em sang

Đôi ta cùng ở một làng

Cùng chung một ngõ vội vàng chi anh

Em nghe họ nói mong manh

Hình như họ biết chúng mình với nhau.

Ai làm cả gió đắt cau,

Mấy hôm sương muối cho trầu đổ non.
Trong câu ' em nghe họ nói mong manh, hình như họ biết chúng mình với nhau ' quả tình là thi vị và lãng mạn, không còn nề nếp gia phong cổ hủ trai gái thụ thụ bất thân như ông bà ta thường nói.  Tuy thế nhưng với bài Cô Hàng Xóm  mà NB mô tả rằng nhà chàng ở cạnh nhà nàng mà vì lễ giáo nên còn hơi e ngại.
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,

Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn.

Hai người sống giữa cô đơn,

Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.

Giá đừng có dậu mùng tơi,

Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Cho nên chàng chỉ dám nhẹ nhàng nằm mơ thôi:
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng...

Có con bướm trắng thường sang bên này.

Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!

Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi...

Chả bao giờ thấy nàng cười,

Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.
Cảnh mưa thì thật buồn, nhà thơ NB mô tả như sau:
Tầm tầm giời cứ đổ mưa,

Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.

Cô đơn buồn lại thêm buồn,

Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?
Chàng gửi hồn cho bướm trắng để chịu tang khi biết nàng đã thành người thiên cổ. NB quả là một người si tình và lãng mạn, mặc dầu chàng chưa hề mặt mặt cầm tay nàng lấy một lần mà đã nghẹn ngào, đau sót và  nói rằng mình đã yêu nàng. Thật đúng là chàng vừa si tình lại hết sức lãng mạn.
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!

Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!

Đêm qua nàng đã chết rồi,

Nghẹn ngào tôi khóc... Quả tôi yêu nàng.
Kết luận một điều làm người đọc ngỡ ngàng sau  khi nàng chết, NB còn mơ tưởng rằng  nếu hồn trinh của Cô Hàng Xóm còn ở trần gian thì hãy nhập vào bướm trắng để qua với chàng thì sung sướng biết bao!.
Hồn trinh còn ở trần gian?

Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!
Rồi,  một  câu chuyện thú vị và si tình khác của Nguyễn Bính nữa mà nhiều người còn nhắc tới:  Số là năm ấy ông vừa tròn mười bốn tuổi Nguyễn Bính đi dự hội Phủ Giầy một lễ hội mà ông rất mê từ thuở nhỏ. Hôm đó ông đang ngồi xem hát hầu đồng bóng, khi thoáng thấy một cô gái trạc tuổi ông  đi ngang qua. Cô bé người cao ráo mặc áo cánh sen thắt lưng hoa lý trông rất xinh. Cô ấy đi cùng với một người đàn bà  có lẽ là mẹ nàng.  Vẻ đẹp sắc nước nghiêng thành, lạ lùng như nàng vừa thoát ra từ bức tranh Tố Nữ treo ở tường trong phòng khách của một vị quan mà ông đã đưọc xem khi đi thăm ông quan ấy với người cậu, vội vàng ông chạy theo cốt nhìn cho bằng được khuôn mặt cô nàng, rồi ông ngơ ngẩn như người mất hồn khi diện kiến. Cả ngày hôm ấy, ông cứ đi theo hai mẹ con nàng, ông theo cả vào chùa trong để lạy cùng lạy, khấn cùng khấn với hai mẹ con nàng đến nỗi ông quên cả thời gian mãi cho đến chiều.
Gió chiều cầu nguyện đâu đây,

Nắng chiều cắt đoạn một ngày cuối thu.

Sư già quét lá sau chùa,

Để thiêu xác lá trước giờ lên chuông.
Si tình đến thế nên ít có người sánh kip. Ngoài việc lãng mạn si tình, NB còn được dân gian coi như một vị thần dùng thơ để bói toán nên người cùng thời đặt cho ông danh hiệu là 'chú bé thần đồng ', nhiều lời đồn đãi thêu dệt khiến nảy sinh ra nhiều chuyện bất ngờ . Lúc đầu người ta nhờ NB gà thơ cho những cuộc thi có hát đối đáp vì ông có tài đối ứng tức thì, nên thường bên nào có ông giúp thì đều thắng cuộc thi, làm đối phương tức giận. Tuy nhiên cũng nhờ tài đó mà ông được dân chúng ngưỡng mộ, thời đó dân trí còn thấp kém nên đã có người tôn ông lên đến tột đỉnh vinh quang, có người ngờ rằng ông là người của "cõi trên" hiện xuống vì do sự sùng kính quá đáng  mà thành mê tín, tin rằng thơ NB là thơ Tiên, được giáng nhập vào cậu bé thần đồng chứ chẳng phải là thơ của người bình thường sáng tác. Thậm chí đến nỗi  người muốn dựng vợ gả chồng cho  con cái, hay những cặp trai gái gặp đường tình duyên trắc trở, hoặc làm ăn xui xẻo v.v. đều đến nhờ "Câu" cho thơ "Tiên"!  "Cậu" tuỳ theo hoàn cảnh của thân chủ lại cho thơ "Tiên".
Một lần kia, gia đình nông dân nghèo có một cô gái vừa tuổi cập kê, một thanh niên con nhà giầu ở làng kế bên  đến hỏi xin cưới làm vợ. Nhưng phiền một nỗi nàng đã có một người yêu khác trong làng, người này tuy nghèo nhưng như cô nhưng cách ăn nết ở cũng khá. Gia đình cô gái phân vân không biết quyết định ra sao cho phải nên đã tìm đến "Cậu"  Cậu" liền lấy bút giấy viết ra "dòng thơ phán bảo" như sau:
"Của dẫu nhiều nhưng vẫn chẳng nên

Phù vân, giả dối chẳng lâu bền

Tình em đâu phải trao thiên hạ

Dành để trai làng mới đẹp duyên"
Thế là gia đình người thiếu nữ đành nghe lời thơ Tiên của Cậu  gả cô cho trai làng, mà từ chối gả cho chàng thanh niên làng bên giầu có. Một  chuyện thật độc đáo là có một anh chàng hành nghề đạo chích nghe nhà Thơ NB có thơ Tiên linh hiển lắm nên cũng tìm đến xin thơ Tiên và được Nguyễn Bính "giáng" cho mấy câu thơ, đọc xong thơ Tiên thì anh đạo chích bỏ luôn nghề ăn trộm.
Trở lại nàng Tố Nữ mà NB gặp ngày trẩy hội  Phủ Giầy, hết ngày lễ hội thì chàng còn tò tò theo nàng nhiều ngày nữa, chàng luôn luôn đi theo bên  nàng cho đến ngày thứ tư, chàng lén dúi được vào tay cô Tố Nữ một mảnh giấy có mấy câu thơ sau:
"Em ở cõi trần hay cõi tiên?

Phủ đền nhang khói nức hương em

Xin đi chầm chậm cho theo với

Lộc Thánh dâng người một trái tim".
Cô gái Tố Nữ nhanh nhẹn cầm lấy mảnh giấy nhưng nàng thẹn thùng ngó lơ đi nơi khác. Tuy vậy chỉ cần như thế là chàng đã mãn nguyện sung sướng tràn ngập trong lòng rồi. Như thế phải chăng Nguyễn Bính đã là một thi sĩ thật lãng mạn và si tình. Cuộc tình vẫn chưa chấm dứt, nàng sau đó đã theo mẹ về quê và chàng tìm cách đi theo cho đến tận nơi  nàng ở. Tuy nhiên có lẽ mối tình đầu này kết quả chỉ đẩy đưa tới đó mà thôi bởi vì chỉ chừng ba tháng sau thì gia đình nàng  đột ngột bán nhà chuyển đi nơi khác, thế là người tiên Tố Nữ của chàng đã biến mất, nhưng hình ảnh nàng Tố Nữ  trẩy hội Phủ Giầy đầu chít khăn nhung mỏ qụa, có lúc nàng thả tóc đuôi gà thật xinh vẫn luôn ám ảnh trong tâm hồn chàng thi nhân Nguyễn Bính, một bóng hình khó lạt phai.
Nguyễn Cao Can
San Jose  2007








Đề tài này tập trung một số bài viết về Thi sĩ tài hoa Nguyễn Bính. Phần tiếu sử và tác phẩm của thi sĩ xem bên mục Thơ.

Mục Lục

Phần 1: Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ

Phần 2: Nguyễn Bính Hành phương Nam


Kỳ 1: Chú bé si tình Nguyễn Bính


LTS: Nguyễn Bính là một đỉnh cao riêng biệt trong nền văn học Việt Nam. Bằng những sáng tác độc đáo của mình, ông đã đưa hồn dân tộc vào thi ca Việt Nam hiện đại. Đó chính là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Bính. Về cuộc đời, Nguyễn Bính có nhiều nét rất đặc biệt. Ông là một con người nghệ sĩ hoàn toàn. Có thể nói hiếm có nhà thơ nào có được cuộc sống giang hồ lãng mạn đến tận cùng như Nguyễn Bính.


Với cách giới thiệu đan xen giữa các chi tiết đời thường và đặc điểm tác phẩm, tác giả Trần Đình Thu đã phác họa một chân dung Nguyễn Bính rất sinh động qua cuốn sách Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ. Thanh Niên xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Nguyễn Bính thuở nhỏ tên thật là Nguyễn Trọng Bính. Khi bước chân vào làng văn làng báo, ông lấy tên mình bỏ đi chữ lót thành ra bút danh Nguyễn Bính. Ông tuổi Mậu Ngọ, sinh năm 1918. Quê nội và cũng là nơi sinh của ông là xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, nay là xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Lên ba tháng tuổi, ông mồ côi mẹ. Sau đó, cha ông đi thêm bước nữa. Vì thế về sau khi gia cảnh rơi vào khó khăn thì ba anh em ông được bên ngoại ở thôn Vân Tập cùng xã Đồng Đội với quê nội đón về nuôi.

Nguyễn Bính ở với người cậu ruột là ông Bùi Trình Khiêm, một nhà nho có tiếng, từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, là thầy dạy học chữ Nho của ông Trần Huy Liệu. Nhờ người cậu giỏi chữ Nho này mà ông có điều kiện tiếp xúc sớm với chữ nghĩa và nghệ thuật thơ phú.

Năm mười ba tuổi, Nguyễn Bính làm mọi người kinh ngạc về tài thơ của mình. Năm đó, vào dịp tháng ba âm lịch, hội Phủ Giầy tỉnh Nam Định quê ông có tổ chức một cuộc thi thơ. Đề thi là tả cảnh chọi gà trong ngày hội. Trong lúc mọi người đang loay hoay làm bài, thời gian cũng chỉ mới hết một nửa, người ta đã thấy một cậu bé con bước vào chỗ ban giám khảo đang ngồi để nộp bài. Đó chính là Nguyễn Bính. Bài thi của cậu bé là một bài thơ dài hơn ba trang giấy học trò. Sau khi xem xét cân nhắc, ban giám khảo quyết định chấm ngay giải nhất cho bài thơ. Và khi ban tổ chức dùng loa để đọc to bài thơ lên giữa sân đình cho mọi người cùng thưởng thức thì hàng ngàn người đang dự hội thơ vỗ tay không ngớt.

Có một điểm đặc biệt liên quan đến sự hình thành phong cách thơ Nguyễn Bính về sau trong câu chuyện thú vị này. Trong bài thơ tả cảnh chọi gà đó, ngoài sự độc đáo về mặt nghệ thuật thì chỗ làm tất cả mọi người, từ ban giám khảo đến người tham dự phải tâm phục khẩu phục là hai câu kết. Tác giả đã lấy hai câu ca dao "Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" để đưa vào bài thơ tả cảnh chọi gà một cách thật thú vị và đầy ý nghĩa.

Tiếng đồn về một chú bé con thần đồng thơ có lẽ từ đó đã lan nhanh. Và những lời thêu dệt huyền hoặc cũng phát sinh theo khiến nảy sinh nhiều chuyện bất ngờ. Ban đầu là một số người tìm đến để nhờ Nguyễn Bính gà thơ cho người hát trong những cuộc thi hát đối đáp. Nguyễn Bính vốn có tài ứng tác tức thì nên thường bên nào được ông giúp sức thì y như rằng bên đó sẽ thắng cuộc. Vì thế dần dần lòng ngưỡng mộ của mọi người lên cao đến tột đỉnh. Và Nguyễn Bính trở thành một người "cõi trên". Một số người mê tín tin rằng thơ của Nguyễn Bính làm ra là thơ tiên, được giáng vào cho một cậu bé con chứ không phải là thơ của người bình thường. Vì thế nhiều người tìm đến Nguyễn Bính để xin thơ. Những đám dựng vợ gả chồng, trắc trở tình duyên hay làm ăn xui xẻo... đều đến nhờ "cậu" cho thơ tiên. Và tùy theo hoàn cảnh mà Nguyễn Bính cho thơ.

Lần nọ, một gia đình nông dân nghèo có cô con gái vừa được đám nhà giàu đến dạm hỏi. Ngặt nỗi, cô gái trước đó cũng đã có người thương ở làng. Gia đình phân vân không biết quyết định thế nào, bàn nhau tìm đến cậu. Nghe trình bày xong, Nguyễn Bính liền cho ngay một quẻ thơ có đoạn như sau: "Của dẫu nhiều nhưng vẫn chẳng nên/Phù vân, giả dối chẳng lâu bền/Tình em đâu phải trao thiên hạ/Dành để trai làng mới đẹp duyên". Lời thơ tiên đã truyền dạy như vậy, gia đình đành phải chối đám nhà giàu xứ khác để chọn anh trai làng cho con gái.

Độc đáo nhất là có một anh chàng hành nghề đạo chích cũng tìm đến xin thơ tiên và được Nguyễn Bính "giáng" cho mấy câu thơ và từ đó bỏ luôn nghề ăn trộm.

Một người quen của Nguyễn Bính có kể lại câu chuyện thú vị sau đây nữa. Đó là câu chuyện si tình của Nguyễn Bính năm ông mười bốn tuổi. Chuyện kể rằng, tháng ba năm ấy, Nguyễn Bính đi dự hội Phủ Giầy. Đó là lễ hội mà ông mê từ thuở bé. Một buổi đang ngồi xem hầu bóng, ông thoáng thấy một cô gái trạc tuổi mình đi ngang qua. Cô bé người cao dong dỏng mặc áo cánh sen thắt lưng hoa lý. Cô đi cùng với một người dáng chừng là mẹ. Nguyễn Bính có cảm giác lạ lùng như là cô bé vừa thoát ra từ bức tranh Tố Nữ. Ông vội vàng chạy theo. Khi nhìn được khuôn mặt cô bé, ông ngơ ngẩn như người mất hồn. Cả buổi hôm ấy, ông cứ đi theo hai mẹ con họ, lạy cùng lạy, khấn cùng khấn.

Rồi trong nhiều ngày sau nữa, ông luôn luôn đi theo bên họ. Đến ngày thứ tư, ông lén dúi được vào tay cô bé mảnh giấy có mấy câu thơ như sau: "Em ở cõi trần hay cõi tiên?/Phủ đền nhang khói nức hương em/Xin đi chầm chậm cho theo với/Lộc Thánh dâng người một trái tim". Cô gái nhanh nhẹn cầm lấy mảnh giấy nhưng ngó lơ đi nơi khác. Tuy nhiên, chỉ cần vậy là ông đã tràn ngập sung sướng trong lòng mình rồi.

Sau đó cô bé theo mẹ về quê và ông tìm cách đi theo cho đến tận nơi ở của nàng. Tuy nhiên có lẽ mối tình đầu chỉ đẩy đưa tới đó. Bởi chừng ba tháng sau thì gia đình cô có việc gì đó phải đột ngột bán nhà chuyển đi nơi khác, thế là người tiên biến mất. Hình ảnh cô bé trẩy hội Phủ Giầy đầu chít khăn nhung thả tóc đuôi gà từ đó luôn lẩn quất trong tâm hồn ông.




Trần Đình Thu

(Theo_Thanh_Nien)


Kỳ 2: Khởi bước giang hồ


Nguyễn Bính là một thi sĩ mang sẵn trong người dòng máu lang bạt kỳ hồ. Thời tuổi trẻ của ông là những chuỗi ngày lang thang khắp Bắc - Trung - Nam. Đi đến đâu là ông có thơ đến đó và dưới nhiều bài thơ ông có ghi năm sáng tác cùng với địa chỉ. Nhờ vậy mà ngày nay ta có thể theo dõi được bước chân của ông.


Mùa xuân năm Quý Dậu (1933), Nguyễn Bính rời quê ngoại thôn Vân, nơi đã trải qua quãng đời thơ ấu của mình để bắt đầu dấn thân vào cuộc đời phiêu bạt. Lúc này, Nguyễn Bính mới chỉ 15 tuổi. Ông đến Hà Nội, tới phố Hàng Bồ, gia nhập vào đội quân bán báo lẻ. Nhưng con người nhà quê của Nguyễn Bính khó lòng tồn tại được với cuộc sống hè phố, vì vậy ông bỏ Hà Nội tìm đến Hà Đông - nơi người anh ruột Nguyễn Mạnh Phác (tức nhà biên kịch Trúc Đường sau này) đang dạy học - tá túc. Một thời gian sau, Nguyễn Bính cùng với anh trở về Hà Nội. Rồi ông lên Phú Thọ, Thái Nguyên, đến tận vùng Lạng Sơn biên ải xa xôi. Lấy Hà Nội làm tâm điểm, ông liên tục thực hiện những chuyến đi như thế. Một phần là kiếm kế sinh nhai nhưng phần khác cũng là để thỏa mãn chí phiêu bồng.

Trong thời gian này, ông sáng tác nhiều bài thơ mà trong đó một số bài lưu lại rất rõ dấu ấn của những chuyến đi. Đặc biệt, có một bài thơ bốn câu mà một thời trong sách giáo khoa chương trình phổ thông trung học người ta xếp nhầm nó vào ca dao. Đó là bài thơ Xa cách, được Nguyễn Bính sáng tác vào năm 1938 tại Phú Thọ:

Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng yêu em.


Đây là bài thơ đặc biệt nhất của Nguyễn Bính. Chất dân gian trong thơ nhiều đến nỗi hầu như nó chính là một bài ca dao. Trong Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh có nhận xét: "Giá mà Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số nhà thông thái nghiên cứu". Có lẽ thời đó, Hoài Thanh không để ý đến những câu thơ này của Nguyễn Bính nên mới giả định như vậy mà thôi.

Quãng thời gian lưu lạc trên những vùng đồi núi sơn cước có lẽ làm ông thỏa chí tang bồng lắm, dù rằng đôi lúc cuộc sống cũng khó khăn. Có tài liệu cho biết, trong thời gian này có lúc ông đi làm nghề gõ đầu trẻ để kiếm sống. Nhưng ta hãy đọc mấy câu thơ dưới đây của ông:

Buổi chiều uống rượu làm thơ
Buổi trưa đi đốt lá khô trên đồi
Lá khô là lá của trời
Thơ tôi là để riêng tôi tặng nàng.

(Thơ tôi)

Đọc mấy câu thơ này, ta hiểu được sự phóng khoáng và lãng mạn đến vô cùng ở Nguyễn Bính. Ta thấy trong thơ ca, có nhiều người vẫn làm được những bài thơ hay nhưng nếu nói rằng để có một cuộc đời đúng chất thi sĩ như Nguyễn Bính thì có lẽ không mấy ai đạt được.

Tuy vậy ở nơi đất khách quê người, dù sao buồn vẫn nhiều hơn vui. Có những đêm giao thừa lạnh lẽo hiu quạnh ở miền biên ải, ông lại hoài vọng:

Có phải đêm nay trời mới tối
Đêm nào trời cũng tối như đêm
Ải xa không pháo giao thừa nổ
Mưa rét tơi bời mưa rét thêm
Vườn cũ hoa mai chắc nở rồi
Cành mai ai gửi đến xa xôi
Mẹ ơi! Một sớm thăm hoa rụng
Nhặt giữ giùm con dăm cánh thôi.

(Tết biên thùy)

Ta thấy một điểm dễ nhận ra ở con người Nguyễn Bính: thích phiêu bạt giang hồ nhưng lại luôn luôn hoài cố hương, hay buồn tủi nhớ thương những ngày tháng đã qua. Chính vì vậy mà trong thơ ông thường hiện hữu hình ảnh quê nhà. Trong bài thơ Quán trọ có lẽ cũng được ông sáng tác trong thời kỳ này, Nguyễn Bính viết:

Từ độ phiêu linh mãi đến giờ
Xuân dàn vào tết bốn năm thưa
Bốn năm biết mấy tao gian khổ
Thôi để xuân sau trở lại nhà
Nhưng rồi tết ấy tết sau qua
Lần lữa ai chưa trở lại nhà
Quán trọ xuân này hoa lại nở
Lại ngồi xem tết, tết người ta.


Một điều đáng chú ý, Nguyễn Bính nghiện rượu rất sớm. Hay là các thi nhân thời đó thường nghiện rượu sớm? Có lẽ là thế. Vào năm 1940, lúc này ông mới 22 tuổi tròn nhưng có vẻ đã rất sành rượu. Trong bài thơ Ga đơn ga kép làm tại ga Kép, Nguyễn Bính có những câu thơ như sau:

Ở đây chiều xuống rất mau
Bình minh lên sớm, tôi sầu bơ vơ
Rượu say từ sáng đến giờ
Nhớ người, tôi nhớ mãi từ hôm lên.


Quả thật là một người thường hay say rượu thông tầm mới có cái cảm giác "sầu bơ vơ" khi uống rượu từ sáng sớm say đến chiều tối, tỉnh giấc nhìn ra bên ngoài thấy hoàng hôn sắp đổ xuống.

Ta hãy đọc thêm một khổ thơ buồn nữa của Nguyễn Bính. Đó là một khổ thơ nằm trong bài Một trời quan tái, sáng tác ở Lạng Sơn năm 1940:

Chiều lại buồn rồi em vẫn xa
Lá rừng thu đổ nắng sông tà
Chênh chênh quán rượu mờ sương khói
Váng vất thôn sâu quạnh tiếng gà.


Đây là những câu thơ tả cảnh đường rừng thật đẹp. Hóa ra là Nguyễn Bính có hẳn một mảng thơ đường rừng mà lâu nay ta không để ý đến. Ta hãy đọc bài thơ Phố chợ đường rừng Nguyễn Bính sáng tác vào năm 1940 tại Kép:

Đồi lau gió lạnh phất cờ
Tán bàng đã rụng đôi tờ huyết thư
Sương buông, chiều xuống lững lờ
Thịt rừng nướng ngậy, rượu vò bốc men
Điếm canh tuần tráng thay phiên
Bước đi nhập nhoạng nâu chen lẫn chàm.


Quả là không thể có một họa sĩ tài ba nào vẽ được bức tranh phố rừng sinh động hơn những câu thơ này. So sánh những lá bàng cuối thu như những tờ "huyết thư" hay là tả cái cảnh những tuần điếm lẫn vào trong đêm tối chập choạng "nâu chen lẫn chàm" thì thật là tuyệt diệu!

Nhưng cái tài tả cảnh như viết tiểu thuyết của Nguyễn Bính ở những câu thơ tiếp theo của bài thơ trên mới thật sự làm ta kinh ngạc:

Giường tre le lói ánh đèn
Đôi ba mặt lạ chia tiền nhỏ to
Đôi ba người bạn giang hồ
Tóc bồng cỏ dại bình thơ nhớ nhà
Chập chờn bóng quỷ hình ma
Khoanh tay chủ quán nhìn ra đường mòn.


Thật là những câu thơ tả cảnh quá độc đáo!


Trần Đình Thu

(Theo_Thanh_Nien)


..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.