Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/11/2015

Chùa Hoằng Ân ở Quảng Bá (phái Tào Động)

Chùa có nhiều lần đổi tên. Lần được ghi vào chính sử nhà Lê thì mang tên Long Ân.

Chùa được xây dựng bởi các đại thí chủ (bây giờ gọi là đại gia) thuộc nhà Chúa Trịnh.

Dưới là một bài của Ban Tôn giáo Chính phủ, và một số chỗ khác nữa.



---



Chùa Hoằng Ân, tọa lạc tại xã Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội là một trong số rất ít những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội đã nghìn năm tuổi. Chùa do các Thiền sư thuộc phái Tào Động trụ trì, được xây dựng từ thời nhà Lê. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến nay chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ.

Ngoài vai trò của các tăng, ni, Phật tử thì việc gìn giữ những di tích này còn có sự góp phần của những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo.
Chùa Hoằng Ân (Quảng Bá) được Thiền sư Ngộ Ấn tạo dựng, ban đầu chỉ là một am thờ Phật, sau dựng thành chùa và có tên là Báo Ân tự (chùa Báo Ân). Trải qua một Athời gian dài Báo Ân Tự vừa là nơi thờ Phật cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng dân cư. Theo văn bia ghi lại vào năm Vĩnh Tộ thứ 10 đời Lê Thần Tông (1628) chùa được xây dựng lớn bởi công chúa Nguyễn Thị Ngọc Tú, con gái Hoàng đế Nguyễn Hoàng, vợ chúa Trịnh Tráng (1623 - 1657), sau đó chùa được đổi tên thành chùa Long Ân. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), nhân chuyến tuần du ra Bắc, Vua đã đến thăm chùa, lúc này chùa được đổi tên thành Sùng Ân tự. Năm Tân Sửu (1841) Vua Thiệu Trị đến thăm chùa Sùng Ân cho tu sửa lại chùa và đổi thành chùa Hoằng Ân.


Ngay từ khi ra đời chùa đã là một danh lam của kinh thành Thăng Long, chùa cũng từng là nơi ngự giá, thăm viếng của các bậc đế vương. Dưới thời Trần Anh Tông, Tam Tổ Huyền Quang từ núi Yên Tử cũng chọn nơi đây để giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Triều Nguyễn vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị đều chọn chùa là nơi dừng chân vãn cảnh.


Những nếp nhà cổ của chùa Hoằng Ân nép mình dưới tán cây cổ thụ tạo thêm sự thanh u. Không lộng lẫy nhưng từ những bức tượng Phật, cách bài trí trong chùa…. Tất cả đều mang một vẻ đẹp khác biệt, gương mặt Quan Thế Âm Nam Hải thuần hậu, áo cà sa nhiều nếp, Phật trong tư thế thiền tọa chân chống chân buông giẫm trên đài sen nhỏ. Mỗi tượng Phật có một dáng thiền khác nhau. Ba pho tượng Át Nam Tôn Giả, Hộ Pháp Tam Châu, Giám Trai Sứ Giả. Các chùa khác đều tạc ba pho tượng này ở tư thế ngồi, nhưng ở chùa HoằngÂn (Quảng Bá) tạc ở tư thế đứng.





Theo TT. Thích Đạo Minh, trụ trì chùa cho biết: chùa chính gồm Tiền Đường và hậu cung: có 5 gian lợp ngói, bờ nóc và bờ dài chạy thẳng, chính giữa đắp hổ phù đội mặt trời. Phía trước hiên là hai cột trụ trên nóc đắp hình búp sen. Kiến trúc chùa chủ yếu làm theo lối bào trơn đóng bên với hình thức chồng giường, con nhị kèo ngồi xa nách. Gian giữa có hệ thống cửa bức bàn. Các mảng chạm kỹ lưỡng với những mảnh chạm điển hình nơi xứ Huế. Nền chùa và Hậu cung được lát gạch Bát Tràng. Hậu cung 3 gian xây liền với Tiền Đường tạo cho chùa chính có dạng chuôi vồ. Ngôi chính điện này trước đây được xây trên gò tam cấp, đến nay vẫn còn nguyên vẹn, chưa có sửa chữa gì, gần đây vào năm 2002 được sự quan tâm của các cấp chính quyền chùa đã nâng cấp xung quanh như: xây tường bao khuôn viên, đường vào và xây kè hồ. Chùa trước đây nuôi dấu cán bộ, có hầm nằm trong khuôn viên nhà Tổ, mỗi khi có địch đến, nhà sư liền gõ mõ, đập gậy làm tín hiệu báo cho chiến sĩ ta.





Chùa Hoằng Ân hiện nay còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật quý: gồm có 2 quả chuông đồng (Quả lớn được đúc thời vua Lê Hiển Tông (1743), cao 1,5m, đường kính 0,8m; vai chuông khắc nổi bốn chữ Hán “Long Ân Tự chung”, Quả chuông nhỏ được đúc vào thời Nguyễn); 33 tấm bia từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20; 30 Pho tượng có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Hệ thống tượng tròn của chùa còn khá đầy đủ với những pho tượng có giá trị nghệ thuật cao như tượng Quan âm Nam Hải, các Pho tượng Tam Thế, A Di Đà tạc vào thế kỷ 17- 18. Tượng Di lặc là một trong những tượng đẹp nhất của chùa, với tư thế ngồi tự nhiên, nét mặt cười hoan hỉ…. Thầy trụ trì cho biết, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, qua nhiều thế hệ sư trụ trì, các thế hệ tăng ni, Phật tử vẫn lưu giữ nguyên vẹn góp phần gìn giữ giá trị tượng phật cổ.









Nghiên cứu, đánh giá những di sản văn hóa tại chùa Hoằng Ân, Trung tâm Bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa Tôn giáo. Giám đốc trung tâm, ông Trần Khánh Dư đánh giá cao công việc lưu giữ những di sản văn hóa tôn giáo của chùa.

Đặc biệt chùa có khu mộ tháp lô xô cao thấp, trầm mặc, là nơi an nghỉ của các bậc Hòa thượng, Cao tăng Thạc đức có công trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng đất nước: HT. Thích Trí Độ, HT. Thích Tam An, HT. Thích Mật Ứng, HT. Phạm Ngọc Đạt (hiệu Bình Lương) là ân nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ người hoạt động ở Thái Lan. Đặc biệt hơn nữa chùa Hoằng Ân còn là nơi đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Đức Nhuận tu hành và an nghỉ (HT Thích Đức Nhuận là người có công đầu thống nhất Phật giáo 2 miền Nam Bắc, quy tụ và đoàn kết tăng ni, phật tử ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam). Hiện nay trong khu nhà Tổ có tạc tượng thờ các vị Hòa thượng này.






Với sự giúp đỡ của Trung tâm Bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa Tôn giáo nên các di tích trong chùa dù đã được tu sửa, song những điêu khắc kiến trúc cổ và các hiện vật vẫn còn nguyên vẹn. Theo tâm nguyện và vai trò gìn giữ những di sản văn hóa tôn giáo độc đáo của ngôi chùa này cũng như đối với Pháp chủ Thích Đức Nhuận, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa Tôn giáo, ông Trần Khánh Dư tin rằng với giá trị lịch sử – văn hóa những thư tịch văn bia cổ và các hiện vật giá trị khác và thế đắc địa mà thiên nhiên ban tặng, nhìn ra Hồ Tây mênh mông, chung quanh là những vườn cây trữu quả, chùa HoằngÂn là một trong những điểm văn hóa – du lịch của thành phố thu hút khách muôn nơi. Trong thời gian tới cùng với các nhà nghiên cứu khoa học sẽ sớm cho xuất bản cuốn sách chi tiết về ngôi chùa nơi lưu giữ những di sản văn hóa tôn giáo.

Ngôi chùa của làng Quảng Bá tĩnh lặng. Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm từng giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm ở đây. Đây cũng là nơi tôn thờ Đạo giáo. Công chúa Ngọc Tú bỏ phủ chúa Trịnh Tráng ra đây tu trì. Nhiều cán bộ cách mạng đã chọn ngôi chùa làm cơ sở an toàn để hoạt động chống Pháp giành độc lập dân tộc…Hiện nay, trong chùa còn dạy chữ thư pháp và dạy võ cho học sinh ở các lứa tuổi khác nhau. Không chỉ ghi giữ nhiều dấu tích lịch sử của Phật giáo và cả Đạo giáo, của những chuyện đời thăm thẳm, của lòng thương yêu con người, yêu quê hương đất nước, đồng hành cùng dân tộc. Mà giờ đây ngôi chùa còn là nơi ghi dấu những con người hết mình gìn giữ những giá trị tôn giáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt./.




Trí Dũng
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/245/0/2606/Chua_Hoang_An_Quang_Ba_noi_luu_giu_nhung_di_san_van_hoa_ton_giao










Lý giải các tên gọi chùa Hoằng Ân


Về lịch sử, chùa được xây dựng từ thời Lý, tương truyền do Thiền sư Ngô Ân khởi lập.

Trong số những ngôi chùa cổ của Hà Nội, người ta thường nhắc nhiều đến chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, chùa Bộc… mà ít ai biết rằng có một ngôi chùa nằm ở phía đông Hồ Tây, làng Quảng Bá đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Đó là chùa Hoằng Ân, nay gọi là chùa Quảng Bá.

Lúc đầu, đây chỉ là một am thờ Phật, đời sau mới dựng thành chùa, nhưng từ thời Lý chùa đã nổi tiếng là một danh lam thắng cảnh của kinh thành Thăng Long. Đến thời Lê, năm Vĩnh Tộ thứ 10, tức là thời Lê Thần Tông chùa bắt đầu được sửa sang lại. Gắn liền với lịch sử của chùa không thể không nhắc đến công chúa Nguyễn Thị Ngọc Tú (con gái Đoan Quốc Công Thái Tổ Gia dụ Hoàng Đế Nguyễn Hoàng), người có công cho xây dựng lại ngôi chùa trên quy mô lớn. Bởi vậy, hiện nay chùa thờ ba pho tượng quý là bà Nguyễn Thị Ngọc Tú, tưọng Nguyễn Kim (ông nội của bà Tú) và tượng Nguyễn Hoàng (cha đẻ bà Tú).

Chùa ở vào vị thế đắc địa: Phía trước là Tây hồ mênh mông lộng gió, xung quanh là vườn quất, hoa đào tươi đẹp. Tự hàng nghìn năm trước, chùa là nơi ngự giá, thăm viếng của các bậc Đế Vương. Triều Lý, năm Thông Thuỵ, đạo sĩ Trần Tuệ Long đắc đạo môn đồ thu xá lợi (nhập xương cốt) tại chùa. Thời Trần Anh Tông, nhà sư Huyền Trang từ núi Yên Tử cũng chọn nơi đây để giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Triều Nguyễn, Vua Minh Mạng, Vua Thiệu Trị đều chọn chùa là nơi dừng chân vãn cảnh.

Hiểu rõ những giá trị của ngôi chùa, các vị vua triều Nguyễn đều quan tâm và đánh giá rất cao. Thời Lý, chùa có tên là Báo Ân tự. Triều Vua Minh Mạng, năm thứ hai chùa được đổi tên là Sùng Ân tự. Thời Thiệu Trị, chùa đổi tên là Hoằng Ân tự. Tuy nhiên, theo văn bia của chùa dựng ngày 12 tháng 8 năm 1844 (hiện vẫn còn lưu giữ) thì nguyên tên chùa từ thời Lê là Long Ân tự. Đến năm Minh Mạng thứ hai (1821) nhân chuyến du tuần ra Bắc, nhà Vua đến thăm chùa, khi ấy chùa đã có tên là Sùng Ân tự. Năm 1841, Vua Thiệu Trị đến thăm chùa Sùng Ân mới cho đổi thành chùa Hoằng Ân, ban cho 200 quan tiền để tu sửa những chỗ giột nát. Như vậy, theo văn bia này, chùa còn có hai tên nữa là Long Ân tự và Sùng Ân tự.

Để hiểu rõ hơn về một trong những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội, chúng tôi xin trích dịch một văn bản viết bằng chữ Hán-nôm, trình bày trên ba trang giấy dó, có lời Vua Thiệu Trị phê bằng mực đỏ ngay ở trang đầu tiên. Nội dung nói về bài kỷ trên văn bia chùa Hoằng Ân, đánh giá rằng “chùa là một trong những danh thắng của hồ”. Văn bản trên đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, phông Châu bản triều Nguyễn, triều Thiệu Trị thứ I, tập 18 tờ số 229. Nguyên văn:

“Ngày 6 tháng 12 năm Thiệu Trị nguyên niên, chúng thần Viện Cơ mật, Nội các phúc trình: Vừa qua được giao bản thảo văn bia chùa Hoằng Ân do Viện Hàn lâm nghĩ soạn. Chúng thần đã duyệt kỹ, nhuận sắc đã xong, kính chép lại đăng trình.

Bản thảo văn bia chùa Hoằng Ân: Chùa ở Hồ Tây, phía góc tây bắc thành Hà Nội ngày nay, là một trong những danh thắng. Tên cũ là Long Ân tự, năm Vĩnh Tộ thứ 10 thời Tiền Lê, công chúa Ngọc Tú tiên triều xây dựng nên. Năm Minh Mệnh thứ hai, Thánh tổ Nhân Hoàng đế ngự giá Bắc thành, xem xét tình hình nhân dân, nhân đó ghé thăm chùa, ban cho thuý liễn để dựng tấm bia với hai chữ “Long Ân”…Rồi ban cho 200 quan tiền để hương hoả, lại thưởng cấp biển ngạch đổi tên thành Sùng Ân tự. Nay Hoàng thượng có lăng tẩm cũng tên là Sùng Ân, chúng thần Bộ Lễ xin được đổi tên khác. Phụng chỉ: Truyền cho đổi tên là chùa Hoằng Ân, sai thần Viện Hàn Lâm ghi chép đấy đủ sự việc rồi khắc vào bia đá ngày lành tháng 12 năm Thiệu Trị nguyên niên.

Châu phê: Long Ân hay Bảo Điện, tên nào đẹp hơn”








Một phần của văn bản.


Có thể nói, chỉ một văn bản trên đã lý giải được rất nhiều vấn đề. Đó là tên gọi của ngôi chùa, cả những băn khoăn của Vua Thiệu Trị, không biết nên lấy tên nào cho đẹp hơn nữa để xứng đáng với giá trị của chùa :“Long Ân hay Bảo Điện, tên nào đẹp hơn”. (Chi tiết của văn bản xin xem tệp đính kèm cuối bài).

Chùa Hoằng Ân là nơi ghi lại nhiều dấu tích của lịch sử Phật giáo, Đạo giáo và cũng là cơ sở cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nền nhà Tổ còn có một căn hầm bí mật cho cán bộ cách mạng trú ẩn. Đó cũng là nơi an táng nhiều Hoà thượng có công trong sự nghiệp hoằng pháp và bảo vệ đất nước: Hoà thượng Thích Trí Độ, Thích Tâm An,Thích Mật Ứng, Hoà thượng Phạm Ngọc Đạt, là người giúp đỡ rất lớn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày Người ở nước ngoài…

Chùa hiện còn lưu giữ nhiều di vật văn hoá lịch sử quý: 30 pho tượng sơn son thếp vàng, 30 tấm bia đá làm bằng đá xanh mịn, hai quả chuông đồng có niên đại thời Nguyễn và niên đại thời Lê Hiển Tông. Đáng chú ý là quả chuông lớn cao 1mét rưỡi, đường kính 80 cm, vai chuông khắc nổi bốn chữ Hán: Long Ân tự chung (chuông chùa Long Ân). Thân chuông chia làm bốn múi, tượng trưng cho bốn mùa, có khắc bài văn chuông ghi việc hưng công đúc chuông.

Hôm nay đến vãn cảnh chùa, qua những lối nhỏ quanh co và vườn cây trĩu quả, ta gặp một quần thể kiến trúc đẹp. Chùa như hoà vào thiên nhiên trời đât, sương khói Tây hồ khiến cho ta cảm nhận được khí tụ ngàn năm Thăng Long-Hà Nội.

Ths. Đào Hải Yến -Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I


http://www.archives.gov.vn/Pages/Tin%20chi%20ti%E1%BA%BFt.aspx?itemid=121&listId=c2d480fb-e285-4961-b9cd-b018b58b22d0&ws=content

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.