Bây giờ, phải trở lại một vấn đề nền tảng cho toàn bộ ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, đó là: giờ. Giờ tính, bây giờ phải qui hết ra "giờ Sài Gòn" cho chuẩn (tính lại "giờ Hà Nội" sau đó).
Trong gần 20 năm, từ 1954 đến 1975, giờ Hà Nội là theo chuẩn giờ Đông Pháp (Đông Dương thuộc Pháp) trước đây, tức múi giờ GMT+7 (tức UTC+7). Còn giờ Sài Gòn thì sớm lên 1 tiếng, cho cùng múi giờ với Hồng Kông và Đài Loan, tức múi giờ GMT+8 (tức UTC+8).
Hai nước, nên phải có hai múi giờ khác nhau (hệt như Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên, về giờ của hai nước Triều Tiên thì trên Giao Blog đã đề cập đến ở đây).
Ví dụ: Hà Nội đang là 7h sáng, thì tại Sài Gòn sẽ là 8h sáng.
Ví dụ: Hà Nội đang là 7h tối, thì tại Sài Gòn sẽ là 8h tối.
1.Thú vị là, trong cùng ngày 30/4/1975, đồng hồ của phía quân giải phóng, theo tôi quan sát, thì là đặt theo giờ Hà Nội ! Còn đồng hồ ở trên tay ông Minh ông Mẫu, hay đồng hồ công cộng ở Sài Gòn thì theo giờ Sài Gòn. Nên lệch nhau tới 1 tiếng ! Chính xác hơn là đồng hồ của ông Dương Văn Minh (hay đồng hồ của ông Lý Quý Chung, tức nhà bào Chánh Trinh) sẽ chạy sớm 1 tiếng so với đồng hồ của ông Văn Tiến Dũng (hay đồng hồ của nhà báo Nguyễn Trần Thiết).
2. Cần xác định lại giờ, bằng 2 căn cứ sau:
Căn cứ 1, là đồng hồ của ông Dương Văn Minh lúc chuẩn bị lên xe jeep của nhóm đại úy Phạm Xuân Thệ để sang Đài Phát thanh Sài Gòn, qua ảnh chụp, rất rõ là 12h 48 phút (cũng có thể là 12h 49, nhưng tôi tạm lấy số 12h 48). Tức là sắp 13 h.
Hãy chú ý đến chiếc đồng hồ của ông Dương Văn Minh |
Thấy rõ là 12h48 (tức 12h48 ngày 30/4/1975). Bản đọc lại của bác Nguyễn Việt Long (ngày 14/6/2025) là 12h43. |
Ghi chú bổ sung (ghi ngày 14/6/2025):
Căn cứ 2, là thời gian mà nhóm ông Dương Văn Minh đã sang Đài Phát thanh Sài Gòn (đã ở bên trong Đài) để chuẩn bị tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, thì đồng hồ công cộng ở gần Dinh Độc lập chỉ con số rõ ràng 13h 17 phút.
Giờ trên đồng hồ công cộng (13h17) gần Dinh Độc Lập (tư liệu của NHK Nhật Bản). |
3. Từ mốc giờ Sài Gòn như trên, sẽ cần xác định lại theo giờ Sài Gòn các sự kiện sau (chú ý là các sự kiện diễn ra mau lẹ, khẩn trương):
- Khoảng gần 12h30 thì quân giải phóng đã vào được Dinh Độc Lập. Các tư liệu trước đây ghi 11h30, thì thật ra, đó là tính theo giờ Hà Nội.
- Khoảng 12h30, chỉ sau ít phút vào Dinh, thì anh Bùi Quang Thận đã cắm được cờ trên nóc Dinh. Tờ lịch của Tổng Tư lệnh Chiến dịch Văn Tiến Dũng ghi 11h30 là ghi theo giờ Hà Nội.
- Khoảng hơn 12h30 thì nhà báo Trần Mai Hạnh đã tới Dinh Độc Lập và đã được tin anh Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc Dinh. Trong bài báo của mình, Trần Mai Hạnh ghi 11h30, thì đó là 11h30 của giờ Hà Nội ! Giống bản ghi của Tổng Tư lệnh Văn Tiến Dũng.
Báo Nhân Dân số ra ngày 1/5/1975 |
- Gần như đồng thời với thời gian Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc Dinh, nhóm ông Dương Văn Minh - Vũ Văn Mẫu được áp giải ra xe jeep để đưa sang Đài Phát thanh Sài Gòn. Lúc chuẩn bị lên xe là 12h48.
Các chiến sĩ của E66 đang đưa ông Dương Văn Minh ra xe để sang Đài Phát thanh |
- Khoảng 12h53 thì xe jeep áp giải đó đã tới Đài Phát thanh Sài Gòn. Các việc chuẩn bị ở trong đó. Lúc đó, NHK của Nhật Bản đi quay giờ ở đồng hồ công cộng gần Dinh Độc Lập, thấy giờ trên đó điểm là 13h17.
- Khoảng hơn 13h thì nhóm tướng Hoàng Đan và đại tá Công Trang vào Dinh Độc Lập.
- Khoảng 13h20 thì phóng viên Kỳ Nhân chụp tấm ảnh lịch sử trong Đài Phát thanh Sài Gòn.
Ảnh được chụp khoảng lúc 13h20 giờ Sài Gòn |
- Khoảng 13h30 đến 14h kém thì việc tuyên bố đầu hàng (Dương Văn Minh), lời kêu gọi của Vũ Văn Mẫu, lời chấp nhận đầu hàng (Bùi Văn Tùng) đã hoàn thành.
- Khoảng 14h, xe jeep của nhóm Phạm Xuân Thệ lại đưa hai ông Minh - Mẫu trở lại Dinh Độc Lập và bàn giao cho lãnh đạo Quân đoàn 2 (Hoàng Đan, Nguyễn Công Trang).
Ông Minh ông Mẫu được đưa trở lại Dinh Độc Lập |
- Khoảng 14h12 thì nhóm nhà báo Bùi Tín và Nguyễn Trần Thiết đến cổng Dinh. Nhà văn Nguyễn Trần Thiết ghi nhớ "12 h 12 phút" thì thật ra phải sau 14h, tức sau khi nhóm ông Minh ông Mẫu đã về lại Dinh Độc Lập. Bởi vậy, con số "12h 12 phút" là tính theo giờ Hà Nội, nếu đổi sang giờ Sài Gòn thì là "13h 12 phút", nhưng vẫn là con số tượng trưng mà thôi. Ví dụ, người đến Dinh Độc Lập cùng lúc với nhóm Bùi Tín, là nhà báo Đinh Khánh Vân (báo QĐND) cũng cho biết là: thật ra không biết mấy giờ mấy phút, vì vui quá, quên luôn việc xem đồng hồ !
Chú ý lại: tất cả giờ ở trên là đang tính theo giờ Sài Gòn ở ngày 30/4/1975.
4. Nhìn theo giờ, thì mọi việc diễn ra mau lẹ, một cá nhân (hay một nhóm) không bao quát hết được tất cả các việc (đã cắm cờ trên nóc Dinh thì không biết rõ việc áp giải, mà đã áp giải thì không biết việc trên nóc Dinh; ai có việc riêng hay sao nhãng một chút là các sự kiện đã trôi qua, muốn theo kịp thì phải rượt đuổi theo).
5. Sang ngày 1/5/1975, giờ hai miền Nam Bắc được thống nhất, đều tính theo giờ Hà Nội (tức giờ Đông Dương trước đây). Đây là việc làm đi trước. Chính thức thì đến đầu tháng 6/1975 mới có quyết định chính thức của nhà nước về việc cả nước dùng chung múi giờ 7.
Đất nước thống nhất, là bắt đầu từ thống nhất múi giờ. Các mốc, các sự kiện của ngày 30/4/1975 được đồng loạt ghi lại theo giờ đã thống nhất (chính là theo giờ Hà Nội trước ngày 1/5/1975).
Tháng 5 năm 2025,
Giao Blog
---
Những entry cùng chủ đề đang đi trên blog này:
---
BỔ SUNG
1.
https://tienphong.vn/truoc-nam-1975-viet-nam-su-dung-2-mui-gio-post8102.tpo
...
Ghi chú: Bác Nguyễn Việt Long phát hiện: "Đồng hồ trên tay ông DV Minh chỉ 12h 43 hay 44 phút gì đó chứ không phải 12h 48 như trong blog ghi.". Bác ghi ý kiến ở đây: https://www.facebook.com/giao.blog/posts/pfbid0eZtDYszgtVeBWF7YHEnrGUdkZFP6erMvAMQfMgMPLBwkttxfdwx1mNJBCT8KqXU4l?notif_id=1749876958980640¬if_t=feedback_reaction_generic&ref=notif. Xem kĩ lại, đúng là 12h43-12h44 gì đó, tức là lúc đầu tôi nhìn lệch 1 cột đồng hồ (tương ứng với 5 phút).
Trả lờiXóa