Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

08/03/2025

Giải đáp về ngắt câu trong Hán văn : chỉ có "TIÊN HƯƠNG, PHỦ CHÍNH từ", mà không có "TIÊN HƯƠNG phủ, CHÍNH từ"

Trong bài "Quá trình điều chỉnh lại tên gọi của di tích, cho đúng lịch sử và tín ngưỡng : PHỦ CHÍNH" (lên trang ngày 25/2/2025), tôi có viết:

"3. Từ trữ lượng tư liệu rõ ràng và liền mạch về ngôi đền này, thấy rất rõ: cho đến trước năm 1964, chỉ có tên là "Phủ Giầy" hoặc "Phủ Chính". Tên từ xa xưa của ngôi đền là vậy.

Tên chữ Hán của ngôi đền được ghi rõ từ cuối thế kỉ 19 (thập niên 1890) là:
-"Tiên Hương Phủ Chính linh từ" (có nghĩa là "đền thiêng mang tên Phủ Chính ở Tiên Hương".
- "Phủ Chính linh từ" (có nghĩa là "đền thiêng mang tên Phủ Chính").
- "Tiên Hương Phủ Chính" (có nghĩa là "Phủ Chính ở Tiên Hương").
- "Phủ Chính từ" (có nghĩa là "đền mang tên Phủ Chính").
Từ thập niên 1890, cái tên chính thức đó đã được ghi lên nhiều bia đá, ghi lên chuông đồng, ghi vào sách vở, in trên báo chí,...
"Phủ Chính" là tên riêng của "từ" (ngôi đền). Ngôi đền ("từ") có tên riêng là "Phủ Chính". Chữ "Phủ" đi trước chữ "Chính", để thành tên riêng rất rõ là "Phủ Chính".
Chìa khóa ở đây là ngữ pháp. "Phủ" đi trước, "Chính" đi sau. Không phải là "Chính Phủ" !
Không có tên chữ Hán nào là "Phủ Tiên Hương". Không có tên nào mà "Phủ" đi trước và "Tiên Hương" đi sau, để trở thành tên riêng là "Phủ Tiên Hương".
Cũng không có tên bằng chữ quốc ngữ (hay chữ Pháp, chữ Đức, chữ Anh,...) nào trước năm 1964 ghi là "Phủ Tiên Hương". Trước năm 1964, không có tên nào mà "Phủ" đi trước và "Tiên Hương" đi sau, để trở thành tên riêng là "Phủ Tiên Hương"."
Bài đưa trên blog mang tên Giao Blog


0. Có nghĩa là, rút gọn lại, có thể nói về ngữ pháp Hán văn (cụ thể là ngắt câu trong Hán văn), thì như sau:
- chỉ có thể ngắt câu đối với toàn bộ bia kí tại Phủ Chính hiện nay (không có ngoại lệ) là: TIÊN HƯƠNG, PHỦ CHÍNH, từ.  Hay là: TIÊN HƯƠNG, PHỦ CHÍNH, linh từ. Chú ý đến hai dấu phẩy.
- PHỦ CHÍNH là một tên riêng, theo trật tự ngữ pháp rất rõ: "PHỦ" đi trước, "CHÍNH" đi sau. Không thể đảo ngược. Tức không thể là "CHÍNH PHỦ".
- không thể ngắt câu với các dẫn chứng rõ ràng trên bia kí tại Phủ Chính hiện nay thành: TIÊN HƯƠNG phủ, CHÍNH từ. Hay cũng không thể ngắt thành: TIÊN HƯƠNG PHỦ, CHÍNH từ.
- thêm nữa, nếu có TIÊN HƯƠNG PHỦ TỪ, thì vẫn phải ngắt câu rõ ràng thành TIÊN HƯƠNG, PHỦ TỪ. Hay viết cách khác là: TIÊN HƯƠNG, phủ từ. Chú ý dấu phẩy. Trường hợp này cũng không thể ngắt câu thành: "TIÊN HƯƠNG PHỦ, từ" được. Chữ "phủ từ" (PHỦ TỪ) đi thành cặp đôi, không tách rời, có nghĩa riêng trong Hán văn Việt Nam.
- trường hợp TIÊN HƯƠNG TỪ (hay TIÊN HƯƠNG từ), thì là "đền Tiên Hương" (không phải PHỦ TIÊN HƯƠNG là rõ rồi), mà cũng là cách gọi chung chung ngôi đền ở xã Tiên Hương vậy, chưa phải tên riêng của nó. Bởi trong xã Tiên Hương thời Nguyễn thì có rất nhiều đền lớn nhỏ, phải đi kèm thêm tên gọi riêng, như PHỦ CHÍNH hay PHỦ GIẦY/DẦY.
1. Trong toàn bộ văn bia và tài liệu Hán văn ở Phủ Chính, trước năm 1975 (mở rộng đến năm 1964) không có từ nào là "PHỦ TIÊN HƯƠNG" (yêu cầu là trật tự ngữ pháp phải là: PHỦ đi trước, TIÊN HƯƠNG đi sau). 
Cái tên "PHỦ TIÊN HƯƠNG", nhắc lại cho rõ: là tên do nhà nước chính thức đặt cho từ năm 1975, mà không phải tên đúng với lịch sử và tín ngưỡng.
Do cái tên "PHỦ TIÊN HƯƠNG" được qui định 50 năm nay rồi, 1975-2025, nên dân chúng tự nhiên tưởng đó là tên đúng với lịch sử và tín ngưỡng. Thực ra, không phải như vậy.
2. Sự thực thì, tại Phủ Chính hiện nay, và các tài liệu liên quan đến Phủ Chính (bằng chữ quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Đức, chữ Anh,...), trước năm 1975, chỉ có tên:
- PHỦ CHÍNH 
- PHỦ GIẦY (PHỦ DẦY).
Ngữ pháp rất rõ: PHỦ phải đi trước, CHÍNH (hay GIẦY/DẦY) phải đi sau.
Đây là hai tên riêng rất rõ của ngôi đền ở xã Tiên Hương thời Nguyễn.
PHỦ GIẦY (PHỦ DẦY) đích thực chính là PHỦ CHÍNH. Hay nói cách khác, PHỦ CHÍNH chính là PHỦ GIẦY (PHỦ DẦY) đích thực.
Từ tên đích thực, chỉ chính xác một ngôi đền lớn, dần dân từ PHỦ GIẦY (PHỦ DẦY) được mở rộng nghĩa, chỉ cả một vùng rộng lớn. 
Thầy Trần Quốc Vượng còn lãng mạn mở rộng vùng PHỦ GIẦY (PHỦ DẦY) ra hết cả mấy huyện ở tỉnh Nam Định. Nếu nói là "vùng văn hóa PHỦ GIẦY" rộng lớn như vậy, thì cũng thỏa đáng. Nhưng trung tâm của vùng văn hóa ấy, vẫn chính thực là PHỦ CHÍNH (tức PHỦ GIẦY/DẦY) ở xã Tiên Hương thời Nguyễn - nay là thôn Tiên Hương xã Kim Thái.
3. Đại khái, việc ngắt câu trong Hán văn rất quan trọng. Ngắt câu đúng thì mới hiểu đúng. Ngắt câu sai (hay cố tình ngắt sai) thì sẽ đưa đến cách hiểu sai.
Cơ bản những người đã học cử nhân Hán Nôm chính qui thì đều thông việc này. Tôi dùng chữ "ngắt câu" là sử dụng từ phổ thông, để bạn đọc hiểu, không sử dụng từ chuyên ngành Hán Nôm.
4. Khi bài trên đưa lên trang ngày 25/2/2025, thì có một độc giả là bạn Nguyễn Tiến Thuật có thắc mắc như sau:
"

Em là người đọc lấy hiểu biết, không tranh luận, vì không có kiến thức gì về Phủ cả. Em chỉ có nhận xét ở góc độ mong Bác cho em rõ thôi. Về mặt câu chữ, theo em, có thể ngắt "Tiên Hương Phủ - Chính Linh Từ".

"
Ý kiến của bạn Nguyễn Tiến Thuật


Ý của bạn Nguyễn Tiến Thuật là: có thể ngắt câu thành TIÊN HƯƠNG PHỦ, CHÍNH TỪ (hay TIÊN HƯƠNG PHỦ, CHÍNH từ).
Nguyên văn bạn viết là "TIÊN HƯƠNG PHỦ - CHÍNH LINH TỪ" (chữ "linh từ" là cách nói hoa mĩ, nghĩa là "đền thiếng", chữ "linh" có nghĩa là thiêng).
5. Tôi đã trả lời bạn Nguyễn Tiến Thuật như sau:

"

Mình đã viết tổng quát rồi. Em cần đọc lại cho kĩ nhé. Đại khái như sau: không ngắt câu thành "Tiên Hương Phủ, Chính linh từ" được. Mà ngắt câu đúng phải là "Tiên Hương, Phủ Chính, linh từ" (hoặc "Tiên Hương, Phủ Chính linh từ"). Cả một hệ thống, rất nhiều lần, chứ không phải đơn lẻ một lần, lại có sự đối ứng giữa cách viết bằng chữ Hán và cách viết bằng quốc ngữ, đều là "Phủ Chính".

"
Trả lời bạn Nguyễn Tiến Thuật


Tức là tôi giảng giải thêm, đúng như đã viết ở trên, mà tựu trung:
- chỉ có thể ngắt câu là TIÊN HƯƠNG, PHỦ CHÍNH, LINH TỪ (hay TIÊN HƯƠNG, PHỦ CHÍNH, TỪ).
- các cách ngắt câu khác là sai. Ví dụ, ngắt thành "TIÊN HƯƠNG PHỦ, CHÍNH LINH TỪ", thì là sai rõ ràng.

6. Bây giờ, tôi đưa thêm hình ảnh sinh động, để bạn Nguyễn Tiến Thuật và các bạn đọc phổ thông hiểu rõ thêm. Tôi sử dụng thác bản văn bia (bản rập văn bia) cho tiện theo dõi.
Ở ảnh đính kèm dưới đây, một trong nhiều thác bản văn bia Phủ Chính, các bạn sẽ thấy người viết văn bia thời trước (tạm gọi là các cụ Phủ Chính) rất cẩn thận: để tránh việc đọc sai, ngắt câu sai, các cụ đã để một khoảng trống sau chữ "TIÊN HƯƠNG".
TIÊN HƯƠNG (rồi cách cả một đoạn) mới đến PHỦ CHÍNH TỪ


7. Hi vọng là các bạn đọc xa gần đã rõ tên gọi chính thức của PHỦ CHÍNH thực sự là PHỦ CHÍNH.
Các bài trước cho thấy là Bộ Văn hóa và chính quyền các cấp đang nắm được vấn đề, đang trong quá trình điều chỉnh tên đúng cho di tích về mặt lịch sử và tín ngưỡng.



Sau này, bằng di tích do Bộ Văn hóa cấp, chỉnh lại thành PHỦ CHÍNH là hoàn toàn đúng với lịch sử và tín ngưỡng. Hệt như năm 2021, Bộ Văn hóa đã chỉnh trên bằng di tích từ "Lăng Liễu Hạnh" thành "Lăng Mẫu Liễu Hạnh" cho đúng rồi.
"Lăng Liễu Hạnh" trên bằng công nhận di tích năm 1989 (theo quyết định từ năm 1975)

"Lăng Mẫu Liễu Hạnh" trên bằng xếp hạng di tích năm 2021



Tháng 3 năm 2025,
Giao Blog

---




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.