Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/08/2024

Đọc Nguyễn An Ninh viết về "văn hóa" 100 năm trước (tiếng Pháp 1923, bản dịch Nguyễn Thư)

Lúc bấy giờ,vào năm 1923, Nguyễn An Ninh viết như sau:

"Tôi nghĩ phải thú nhận ngay lập tức rằng tôi không hề coi việc nói tiếng Pháp với người An Nam là điều đáng tự hào. Ngôn ngữ An Nam vẫn còn quá lạc hậu chưa thể sánh với các ngôn ngữ châu Âu, thậm chí chưa thể sánh với các ngôn ngữ Viễn Đông. Nhưng đó không phải là lỗi của tôi. Tôi sẽ không dùng thứ ngôn ngữ quê mùa nửa Hoa nửa Việt của các nhà nho An Nam. Tôi đã cùng với anh bạn Ng. H. V [Nguyễn Háo Vĩnh (1893-1941)] thử dịch từ culture ra tiếng An Nam nhưng không tìm được một từ nào tương đối có thể diễn giải chính xác.

Nếu như từ văn hóa đã được cả châu Âu chấp nhận thì nó lại không thâm nhập được vào ngôn ngữ của ta, một ngôn ngữ đơn âm tiết. Cụm từ cầm kỳ thi họa có thể cho ta một ý niệm về văn hóa nhưng là một ý niệm không đầy đủ và có nguy cơ bị hiểu sai. Cầm là âm nhạc, kỳ là suy đoán trí tuệ, thi là văn chương, họa là tranh. Chúng tôi đành phải dùng cụm từ chung đúc học thức. Những ai có thể tìm ra từ đúng xin hãy khoan dung độ lượng với những người đi trước. Bây giờ tôi xin được vào vấn đề. Nhưng…"

Đọc toàn văn bản dịch ở bên dưới.

Tháng 8 năm 2024,

Giao Blog


---


Chung đúc học thức cho người An Nam (Kỳ 1)




NGUYỄN AN NINH21/07/2024 10:14 GMT+7

TTCT - Toàn văn bài diễn thuyết nổi tiếng của chí sĩ Nguyễn An Ninh khi mới 22 tuổi, tại Hội khuyến học Nam kỳ. Tư liệu lần đầu được dịch.

Chỉ mới 22 tuổi, nhưng từ Paris trở về nước, chàng cử nhân luật Nguyễn An Ninh đã hai lần đăng đàn diễn thuyết tại Sài Gòn.

Bài diễn thuyết đầu tiên của ông diễn ra vào đêm 25-1-1923 tại Khuyến học Hội Nam kỳ (Sài Gòn), với chủ đề "Une culture pour les Annamites" (Chung đúc học thức cho người An Nam).

Nội dung bài diễn thuyết sau đó được đăng trên tờ La voix Annamite, số ra ngày 2-2-1923, nhưng cho đến nay chưa từng được dịch sang tiếng Việt. Nhóm tổ chức biên soạn "Nguyễn An Ninh tác phẩm" cũng chưa cập nhật được nội dung bài diễn thuyết này, vì vậy cho đến nay "Une culture pour les Annamites" vẫn là ẩn số đối với độc giả tiếng Việt.

Các nghiên cứu nhắc tới bài diễn thuyết danh tiếng này đều trích từ bài tường thuật ngắn của ký giả C.M.C trên báo Nông cổ mín đàm ra ngày 1-2-1923.

Tuổi Trẻ Cuối Tuần giới thiệu đến độc giả toàn văn bài diễn thuyết tiếng Pháp này, bổ sung cho những ai muốn tiếp tục nghiên cứu đầy đủ hơn về hành trạng người mà nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói: "Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước vĩ đại".

Chân dung Nguyễn An Ninh, in trong cuốn sách Ngồi tù Khám Lớn của Phan Văn Hùm (Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn, 1929). Ảnh: Tư liệu cá nhân

Thưa quý vị,

Tôi nghĩ phải thú nhận ngay lập tức rằng tôi không hề coi việc nói tiếng Pháp với người An Nam là điều đáng tự hào. Ngôn ngữ An Nam vẫn còn quá lạc hậu chưa thể sánh với các ngôn ngữ châu Âu, thậm chí chưa thể sánh với các ngôn ngữ Viễn Đông. Nhưng đó không phải là lỗi của tôi. Tôi sẽ không dùng thứ ngôn ngữ quê mùa nửa Hoa nửa Việt của các nhà nho An Nam. Tôi đã cùng với anh bạn Ng. H. V [Nguyễn Háo Vĩnh (1893-1941)] thử dịch từ culture ra tiếng An Nam nhưng không tìm được một từ nào tương đối có thể diễn giải chính xác.

Nếu như từ văn hóa đã được cả châu Âu chấp nhận thì nó lại không thâm nhập được vào ngôn ngữ của ta, một ngôn ngữ đơn âm tiết. Cụm từ cầm kỳ thi họa có thể cho ta một ý niệm về văn hóa nhưng là một ý niệm không đầy đủ và có nguy cơ bị hiểu sai. Cầm là âm nhạc, kỳ là suy đoán trí tuệ, thi là văn chương, họa là tranh. Chúng tôi đành phải dùng cụm từ chung đúc học thức. Những ai có thể tìm ra từ đúng xin hãy khoan dung độ lượng với những người đi trước. Bây giờ tôi xin được vào vấn đề. Nhưng…

Trước khi bắt đầu bài nói chuyện mà tôi đã hứa, tôi xin cảm ơn quý vị đã đến nghe. Tôi dùng chữ buổi nói chuyện bởi vì tôi không có tài hùng biện để làm quý vị chán nản hay để lay động quý vị bằng những câu nói hùng hồn. Tôi cũng không được phú cho một năng lực đồng hóa hay một trí tưởng tượng phong phú để trở thành một diễn giả cừ hay để trình bày với quý vị vài điều không tưởng.

Tối nay tôi không có ý định nói chuyện phiếm về chánh trị. Đây là lần đầu tiên tôi vinh dự đứng trước công chúng Nam kỳ. Tối nay tôi muốn nói với một bộ phận công chúng ấy. Tên của trụ sở mà chúng ta đang hiện diện, mục tiêu mà hiệp hội thuê trụ sở này đang theo đuổi, chính là chủ đề mà tôi muốn nói với quý vị.

Chánh trị chắc chắn là một điều tốt đẹp. Nó có tính chất thu hút. Nó có tính chất tiêu khiển. Và bất kỳ ai cũng có thể ít nhiều nói về chánh trị. Nhưng không chỉ có chánh trị ở các quốc gia được gán cho phẩm chất văn minh. Tất nhiên trong những cuộc khủng hoảng khó khăn, chánh trị thường sản sinh ra những nguồn năng lượng đặc biệt. Song ở thời bình, chánh trị lại mở ra một lãnh địa quá rộng lớn và ngự trị trên đó là một chế độ tầm thường.

Đám đông bình dân chỉ tán thưởng những cử chỉ đẹp đẽ và những câu nói đẹp đẽ. Họ chỉ tán thành những hành vi có hậu quả tức thì, hay có thể nói là sờ mó ngay được. Chính vì vậy họ thích những lời hứa hẹn dù là dối trá. Nhiệt tình và thất vọng của đám đông cứ thế nối tiếp nhau, xiềng xích nhau. Những vinh quang đột ngột cứ thế kéo theo những thất bại đột ngột không kém. Những người mơ mộng sẽ thích trò chơi này vì họ tìm thấy ở đó một đam mê khác hẳn đam mê cờ bạc - nó lột trần năng lực và sự nô dịch của họ. Nhưng giới tinh hoa thực sự thì phải tránh xa những kích động ngăn trở tự do này, ngõ hầu bình tâm nuôi dưỡng tư tưởng và dẫn dắt cho khéo số phận của nhóm người mà họ xuất thân.

Tôi nhớ rằng trong cuộc đón tiếp Hoàng đế Khải Định của Hội Tương trợ Đông Dương ở Paris (Association mutuelle des Indochinois), ông chủ tịch hội có phát biểu như sau: "Chúng tôi không có ý định giải quyết vấn đề rắc rối của nền văn hóa dân tộc. Chúng tôi chỉ muốn một điều, chúng tôi chỉ nghĩ đến điều thực tế nhất, cần thiết nhất cho sự phồn thịnh của đất nước".

Quả là một câu nói hay. Bởi lẽ theo tôi đó là lý tưởng khôn khéo duy nhất mà tuổi trẻ Đông Dương cần cù, mạnh mẽ, nhiệt thành, vô tư và phí hoài như bao tuổi trẻ khác phải theo đuổi. Nghĩa vụ xây dựng nền văn hóa cho giống nòi ta có lẽ nên trao cho một nhóm nhỏ tận tụy, nhẫn nại, có thiên tư đặc biệt, đủ mạnh mẽ để tự chủ và để chịu đựng những sự bạc bẽo vô tình thường thấy. Cần đến bao nhiêu dò dẫm, bao nhiêu sức lực, bao nhiêu thời gian để ngày hôm nay có được một nước Pháp rạng rỡ về tư tưởng, một nước Pháp đầy khí vị, một nước Pháp thống trị hơn nửa châu Âu. Cần đến bao nhiêu khó nhọc, bao nhiêu yêu thương bất vị kỷ để ngày hôm nay một trí thức Pháp hễ mở sách ra là có thể tham dự vào các cuộc luận bàn tư tưởng của vô số nhân sĩ mà nước Pháp đã sản sinh.

Vấn đề văn hóa quả là một vấn đề phức tạp! Trong một đất nước như đất nước của chúng ta, vấn đề ấy còn phức tạp hơn nữa, nó tế nhị, nó gần như không thể giải quyết. Tối nay tôi không có ý định gỡ rối nan đề này. Tuổi đời non trẻ và sự thiếu hiểu biết là hai trở ngại ngăn tôi có tham vọng ấy. Tôi chỉ rụt rè đặt lại vấn đề một lần nữa. Biết đặt vấn đề tức là giải quyết được một nửa. Nhưng tôi lại cũng không có tham vọng đặt vấn đề. Tôi chỉ khao khát một điều. Với trí tuệ của tuổi hai mươi hai, thử bày tỏ sự cần thiết của một nền văn hóa đối với đất nước chúng ta và thử kêu gọi những người giỏi giang vô vị lợi.

Tờ La voix Annamite1923, , số ra ngày 2-2-trang 1. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Tờ La voix Annamite1923, , số ra ngày 2-2-trang 1. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Nội dung bài diễn thuyết bằng tiếng Pháp đăng trên tờ La voix Annamite, số ra ngày 2-2-1923. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Nội dung bài diễn thuyết bằng tiếng Pháp đăng trên tờ La voix Annamite, số ra ngày 2-2-1923. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Vậy văn hóa là gì? Văn hóa trước hết là hòa hợp. Sau đó văn hóa là nhất quán trong mọi biểu hiện tinh thần, sinh khí của một dân tộc. Văn hóa là tổng hợp của mọi sự biểu hiện đó. Văn hóa trước hết bao hàm ý niệm nhất quán, một sự nhất quán về phong cách. Biết nhiều, học nhiều dĩ nhiên là một cách để đạt tới văn hóa nhưng không phải là cách cần và không phải là chỉ dấu của nền văn hóa đó. Điều này đúng hơn là tương hợp với cái đối lập của văn hóa, tức cái man rợ, cái khuyết thiếu phong cách hay cái hỗn độn của mọi phong cách.

Tôi muốn cảnh báo quý vị về sự nhầm lẫn thường xuyên giữa văn hóa với văn minh. Văn minh có trước văn hóa và văn hóa chỉ là trái muộn. Văn minh là đám đông quần chúng còn bản chất của văn hóa là tạo ra cá nhân. Văn minh đuổi theo mục tiêu của nhà dân chủ còn văn hóa tạo nên một tầng lớp quý tộc. Lịch sử của các dân tộc khác nhau cho thấy vô vàn ví dụ mà ở đó kẻ đại diện cho nền văn minh xung đột với kẻ đại diện cho nền văn hóa. Văn minh hiện nay, theo ý tôi, đang gánh vác một sự cải cách bề mặt cho con người, còn bề sâu là phận sự của văn hóa. Văn minh là bầy đàn, văn hóa là tầng cao hơn của con-người. Vì vậy tôi cho rằng văn minh và văn hóa theo đuổi những mục tiêu đối lập nhau.

"Tôi khao khát mãnh liệt một nền văn hóa cho giống nòi ta, do chính chúng ta tạo nên, từ ruột gan của ta, từ máu của ta. Một nền văn hóa phản chiếu tâm hồn ta, không phải tâm hồn Viễn Đông, mà là tâm hồn của người da vàng, tâm hồn của người An Nam". (Nguyễn An Ninh)

Sau khi thử đưa ra một định nghĩa như vậy, ai trong chúng ta dám nói rằng An Nam sở hữu một nền văn hóa? Mọi điều vây quanh người đó sẽ thay tôi trả lời câu hỏi.

Chỉ cần anh ta nhìn vào trang phục, vào nội thất, vào ngôi nhà của anh ta. Chỉ cần anh ta thả bộ xuyên đường phố Sài Gòn. Chỉ cần anh ta ghé cửa tiệm, rạp hát, bảo tàng, trường học. Chỉ cần anh ta quan sát những mối quan hệ xã hội của bản thân với đồng bào. Liệu anh ta có thể gọi sự thiếu vắng văn hóa hoàn toàn ở dân chúng là văn hóa hay không? Liệu anh ta có thể gọi sự hoài nghi, sự tích lũy cóp nhặt từ vô số nền văn hóa của đám mạo xưng tinh hoa là văn hóa chăng? Nó là văn hóa Trung Hoa? Hay nó là văn hóa Pháp? Nó chẳng phải cái này cũng chẳng phải cái kia! Ngoại trừ ở Huế, nơi triều đình đóng đô xưa kia thu hút được nhân tài của lớp tinh hoa và ở Bắc kỳ nơi vẫn còn đậm dấu ấn văn minh Trung Hoa, phần còn lại của Vương quốc chỉ đáng cho ta cười buồn.

Chỉ cần quan sát trong ¼ giờ cuộc nói chuyện giữa một nhà nho với một học giả xuất thân trường Pháp là đủ thấy sự khó chịu, phớt lờ của người này đối với người kia. Bọn họ xa lạ nhau làm sao! Bọn họ khác biệt nhau làm sao! Điều không chấp nhận được đó là phải tin rằng hai người họ thuộc cùng một chủng tộc! Nếu đi về miền Tây Nam kỳ, ta sẽ thấy sự đa dạng trong phong tục, sự khác biệt giữa tập quán Trung Hoa và Cao Miên, nhưng không thấy cái ưu tú nhất. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Đó là hiện trạng của nước ta.

Ta có thể lấy vài ví dụ để biện minh rằng An Nam đã có một nền văn hóa, văn hóa Trung Hoa. Hiển nhiên những người ủng hộ ý tưởng này không hoàn toàn sai. Nhưng nếu xét cho tường tận hiện trạng và lịch sử của quốc gia thì họ sẽ nhận thấy lý lẽ không đứng về phía họ.

Có thể nào gọi sự bắt chước là một nền văn hóa Trung Hoa? Lớp vỏ văn hóa Trung Hoa thì có lẽ đúng hơn. Tổ tiên chúng ta, với trí tuệ và thời kỳ Bắc thuộc vô tận, kết hợp cùng nỗ lực bền bỉ của kẻ đô hộ, đã có những sáng tạo riêng không hề kém cỏi. Nhưng chừng đó không đủ.

Tuy nhiên chúng ta lại khổ sở bảo vệ cái di sản tầm thường của quá khứ trước thế kỷ hiện đại. Chúng ta cố tỏ cho giới tinh hoa Trung Hoa thấy những phong tục tập quán An Nam, những tác phẩm văn chương hoặc triết học An Nam, những món đồ nghệ thuật An Nam và rồi họ cười vào mũi ta rằng đó là của Trung Hoa. Chúng ta khoe với một nhà nho Trung Hoa những vần thơ được viết bởi một nhà nho An Nam để ngâm vịnh lúc nhàn rỗi. Chúng ta cho họ thấy những vần thơ mỏi mệt của một trong những nhà thơ sung sức nhất để rồi nhận lấy cái cười nhạt của nhà nho Trung Hoa.

Trang đầu tờ Tranh đấu phiên bản quốc ngữ (số đầu tiên, ra ngày 6.10.1938). Nguồn: CRL

Trang đầu tờ Tranh đấu phiên bản quốc ngữ (số đầu tiên, ra ngày 6.10.1938). Nguồn: CRL

Tiếp thu một nền văn hóa không bao giờ là chuyện dễ dàng. Suốt một ngàn năm Bắc thuộc, tổ tiên chúng ta đã mất bao nhiêu lần so tài không cân xứng thay vì giữ sức cho những cơ hội chắc chắn hơn và nhất là để tiếp thu một nền văn minh rõ ràng vượt trội hơn nền văn minh của ta.

Ngày nay những người cả giận thường chứng tỏ mình là hậu duệ trực tiếp của tinh thần có hơi hướm mơ mộng đó. Nếu như mai này nước Pháp trả Đông Dương lại cho dân bảo hộ, tôi dám chắc những người khao khát một nền văn hóa cho giống nòi sẽ cảm thấy bối rối. Nếu Paris làm họ chán, họ vẫn còn có Londres và Berlin, tôi thật muốn biết lựa chọn của họ là gì. Họ còn có cả Bắc Kinh nhưng Bắc Kinh hấp hối đã phải viện đến cái sinh khí từng thúc đẩy châu Âu.

Không phải là tôi muốn du nhập hoàn toàn vào nước ta cái văn hóa Trung Hoa hay cái văn hóa Pháp đâu. Tôi cũng chẳng muốn đất nước ta có riêng một bản sắc văn hóa nào. Tôi không cần nói với quý vị về sức sống trường tồn của các dân tộc từng sớm đạt được một nền văn hóa, về vinh quang tưởng như vĩnh hằng gắn với tên tuổi của những dân tộc ấy trong lịch sử, về cống hiến của họ đối với nhân loại khi giúp con người vượt lên rất xa con vật.

Tôi không cần phải nhắc lại với quý vị những tấm gương xuất hiện đầy rẫy trong Lịch Sử, những tấm gương cho ta thấy các dân tộc man rợ buộc phải cúi đầu trước văn hóa thượng đẳng của các dân tộc bị họ đánh bại bằng bạo lực.

Tôi khao khát mãnh liệt một nền văn hóa cho giống nòi ta, do chính chúng ta tạo nên, từ ruột gan của ta, từ máu của ta. Một nền văn hóa phản chiếu tâm hồn ta, không phải tâm hồn Viễn Đông, mà là tâm hồn của người da vàng, tâm hồn của người An Nam.

Nhưng mong ước này không phải là một thứ có thể thực hiện ngay. Có thể nó vẫn chỉ là một mong ước cho tới khi giống nòi ta tuyệt diệt, có thể nó chỉ tượng hình một nửa và tác phẩm sẽ là một tác phẩm đọa thai. Điều chắc chắn là mong ước của chúng ta sẽ không thành sự thật trong vòng một trăm năm.

Dĩ nhiên đây là giấc mơ viển vông với những ai thích mục tiêu trước mắt bởi như thế mới là con người! Nhưng dự đoán một trăm năm thậm chí còn là dự đoán quá sớm. Chúng ta sẽ phải chờ đợi như chờ đợi trái chín. Cây thì có đó rồi, trong nhựa sống tràn trề hy vọng. Một bông hoa vừa chớm nở và chúng ta chưa biết được hình dáng, màu sắc của trái cây mong đợi. Chúng ta không thể nói nền văn hóa ấy sẽ ra sao. Hiểu biết về quá khứ và khả năng hiện thời không cho phép chúng ta đoán định con đường mà văn hóa ấy sẽ theo. Chúng ta chỉ có thể trông đợi một tầng lớp tinh hoa sẽ sửa soạn cho tương lai này.

Có lẽ chúng ta vẫn chưa dám hy vọng một thiên tài nào đó xuất hiện từ tầng lớp tinh hoa này, người sẽ dẫn lối cho tầng lớp ấy và gán cho dân tộc một cương vị mới. Chúng ta cần những người chuẩn bị cho tương lai này, bởi lẽ tương lai mà chúng ta khao khát sẽ không đến trong mơ. Chúng ta muốn những bộ óc sáng tạo ít nhiều chín chắn và trên hết là tự chủ.

Chính vì lý do đó mà tôi nói về văn hóa Trung Hoa và văn hóa Pháp và tôi muốn quay lại một chút. Hiện nay, để bất kỳ một bậc tinh hoa nào xứng với tên gọi thì người đó phải sở hữu hai nền văn hóa, một là văn hóa Viễn Đông và một là văn hóa Tây phương.

Dĩ nhiên tiếp thu một nền văn hóa không phải là việc dễ dàng, nhất là một nền văn hóa như của Pháp. Trong vô số sinh viên đã từng theo học ở Pháp, có người nào hiểu rõ văn hóa Pháp không? Một số chỉ mới sượt qua, số khác, phần còn lại chỉ sống một cách thờ ơ trong lòng văn hóa ấy. Những người muốn học tập nhưng không thể rời Đông Dương, các học trò của những trường phổ thông ở Paris hay môn đệ của Antoine Albalat hoặc Vannier trong nghệ thuật viết lách, với tôi họ vẫn chưa đạt tới cái gọi là tư tưởng được đào luyện ở châu Âu.

Quý vị đừng cho rằng tôi chỉ muốn thấy một tầng lớp tinh hoa sở hữu và hiểu biết văn hóa Viễn Đông và văn hóa châu Âu. Điều này đúng hơn là trái với mong ước của tôi. Cái tôi mong ước là một nền văn hóa An Nam chứ không phải sự hoang dã, vì như đã nói, đó là một mớ hỗn độn của vô số nền văn hóa.

Tôi mơ ước cho tất cả những bộ óc sáng tạo đạt được sự hài hòa giữa hai nền văn hóa từng va chạm nhau và thông qua sự phát triển của hình thái xã hội hiện tại, chúng cần đến nhau để tồn tại bên cạnh nhau, thậm chí bổ sung cho nhau và từ đó đạt được sự thăng tiến vì lợi ích Nhân loại.

Tôi muốn nhìn thấy họ vượt qua cả hai nền văn hóa này vì chỉ khi họ làm được điều đó, tức đạt được chiến thắng kép, thì tôi mới dám đặt vào họ cái hy vọng dựng xây nền văn hóa cho người An Nam. Và hai nền văn hóa tôi nói đến là của Trung Hoa và Pháp.

Tôi sẽ giải thích tại sao hai nền văn hóa này lại phù hợp với tầng lớp tinh hoa. Ồ! Con số 2 có lẽ khiến quý vị sợ hãi và quý vị nghĩ tới trách nhiệm nặng nề đặt trên vai những người xây đắp tương lai của chúng ta. Khi nói đến thành tựu xã hội, khi nói đến những đại sự, chúng ta ước lượng đã đến một ngưỡng tuổi nào đó, đã đủ chín chắn và đã chuẩn bị rất lâu cho bổn phận này. Chúng ta không đủ liều lĩnh và tham vọng để đảm nhận việc lớn ở tuổi hai mươi. Chúng ta không có quyền nghi hoặc sức mạnh của những người dám nghĩ dám làm sao? Chúng ta không có quyền nghi hoặc họ bị thúc đẩy bởi một tham vọng tỏa sáng viển vông sao? ■

(còn tiếp)

(Thư Nguyễn dịch)

https://cuoituan.tuoitre.vn/chung-duc-hoc-thuc-cho-nguoi-an-nam-ky-1-20240710090117657.htm?fbclid=IwY2xjawEynrhleHRuA2FlbQIxMAABHZSZkAnmZWKX64ZsODxsqB_feXJrim8lpa9XamkYJ6xutmVB4TP32STZ9w_aem_lYa_EbfKHmqv9DstGLxEZg

..


Chung đúc học thức cho người An Nam (Kỳ 2)


22/07/2024 10:47 GMT+7

TTCT - Lời phân tích thấu đáo của một thanh niên nhiệt huyết, đau đáu với mục tiêu xây dựng một nền văn hóa phù hợp với dân tộc.

Tiếp theo phần 1 bài diễn thuyết của Nguyễn An Ninh (Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26 ngày 14-7-2024), phần còn lại của bài diễn thuyết này là lời phân tích thấu đáo của một thanh niên nhiệt huyết, đau đáu với mục tiêu xây dựng một nền văn hóa phù hợp với dân tộc, nghĩa vụ của tầng lớp tinh hoa để tự giải phóng và giải phóng cho những thế hệ tương lai khỏi sự phụ thuộc về tinh thần và đạo đức vào các dân tộc khác, và xây đắp vào một tương lai tốt đẹp hơn cho nước Việt, dân Việt.

Kỷ vật tại Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh (quận 12, TPHCM)

Hãy trở lại với hai nền văn hóa mà chúng ta đã đề cập, văn hóa Trung Hoa và văn hóa Pháp.

Một ngàn năm Bắc thuộc đã nhào nặn chúng ta theo hình mẫu đế quốc phương Bắc. Sau khi rời các cao nguyên, đời sống điền dã trong vùng châu thổ sông Hồng, tổ tiên chúng ta chỉ biết bám vào nông nghiệp làm kế sinh nhai. Nhưng Trung Hoa nông nghiệp khi đó đã vận dụng các quy trình tối ưu để đạt được danh tiếng gần như toàn cầu.

Bị buộc phải du nhập các quy trình nông nghiệp từ Trung Hoa, tổ tiên chúng ta dễ dàng thừa nhận dù không muốn, sự vượt trội không thể chối cãi về trí tuệ của người Trung Hoa. Nguồn gốc chung và những tham vọng đế quốc của Trung Hoa, bất chấp các cuộc nổi dậy liên miên, đã giúp cho nền văn minh Trung Hoa ngấm sâu vào dân tộc di cư này như một cái bóng.

Bền bỉ trong tham vọng, đế quốc Trung Hoa "trung tâm và cột trụ" của thế giới muốn chúng ta thần phục hoàn toàn về trí tuệ. Nó du nhập vào nước ta phong tục, tập quán, tôn giáo, chữ viết, kiến thức hời hợt về những tác phẩm trí tuệ và đạo đức của nó cho vừa tầm những bộ não quê mùa của tổ tiên chúng ta, tóm lại một nước sơn bóng bẩy của văn hóa Trung Hoa.

Sự vượt trội về trí tuệ của Trung Hoa đã gây cho tổ tiên ta một cảm giác chán chường, thờ ơ khiến họ bằng lòng với những câu cú và tư tưởng học được qua sách vở Trung Hoa mà họ phô diễn khi có dịp thuận lợi và đặt họ vào một trạng thái luôn phụ thuộc về mặt tinh thần lẫn đạo đức.

Trong lãnh vực chánh trị, tinh thần, triết học hay đạo đức họ chỉ dừng lại ở những sáng tạo có sẵn và đã hoàn thiện của Trung Hoa. Và Trung Hoa chỉ cần có thế. Cuộc so tài không cân sức không cho phép người An Nam dễ dàng đạt tới đỉnh cao của văn hóa Trung Hoa, văn hóa đó luôn bắt giới tinh hoa An Nam phải phụ thuộc vào tinh hoa Trung Hoa. Sự đồng hóa ở bề mặt của một nền văn hóa khiến họ không bao giờ tìm cách đào sâu.

Vì thế mà cùng với thời gian, theo thói quen, bằng sự lai tạo giống nòi, có vẻ như trong chúng ta xuất hiện một bản chất thứ hai mang những dấu ấn sâu sắc của lớp vỏ văn hóa này và khiến chúng ta tưởng đó là một nền văn hóa của riêng chúng ta.

Ngày nay chúng ta không thể chối bỏ cái văn hóa giả tạo này bằng một cuộc nổi loạn. Làm như vậy là hẹp hòi và rõ ràng thiếu hiểu biết.

Ảnh Nguyễn An Ninh trong tờ truy nã của cảnh sát Nam Kỳ năm 1937. Nguồn: Cuốn Nguyễn An Ninh qua hồi ức của những người thân (Trung tâm nghiên cứu quốc học, NXB Văn học)

Và rồi nó đẩy ta vào một tình thế tồi tệ hơn cả việc thừa nhận bắt chước văn hóa. Chúng ta phải dùng nó để xây dựng một văn hóa phù hợp với chúng ta, cùng với sự trợ giúp của một nền văn hóa châu Âu, văn hóa Pháp.

Tôi nói một nền văn hóa châu Âu trước hết bởi vì cái mà người Viễn Đông chúng ta thiếu để đối trọng với châu Âu hiện thời để đạt được sự hòa hợp, sự cân bằng cho thế giới, chính là "tinh thần khoa học", thứ làm nên sức mạnh hay đúng hơn là quyền lực của châu Âu. Lẽ ra tôi nên để người An Nam có học thức tự do lựa chọn giữa các nền văn hóa châu Âu.

Tôi sẽ giải thích với quý vị vì sao tôi chọn văn hóa Pháp. Tôi sẽ cố gắng cho quý vị thấy người An Nam chúng ta có những cơ hội tiếp thu dễ dàng nền văn hóa Pháp.

Tôi phải nói ngay rằng sở thích này không có nghĩa là tôi chỉ quan tâm tới văn hóa Pháp. Nó thường được nuôi dưỡng bởi những nguồn lực ngoại quốc và có rất nhiều nhân tài ngoại quốc sinh sống tự do ở Pháp. Sẽ là hẹp hòi nếu không chịu học hỏi từ người khác, dù đó là kẻ thù của ta, những điều có thể góp phần tạo nên sức mạnh và uy thế cho ta.

Ngoại trừ người Nhật thì tính cách nổi trội của người Viễn Đông chính là sự khéo léo. Tôi không biết có phải là mạo hiểm không nếu đi vào lãnh vực nghệ thuật để nói với quý vị về "hình khối" phổ biến đối với người Pháp và người da vàng, mà những nhà lý luận "nghệ thuật vị nghệ thuật" ở Pháp là những đại diện nổi tiếng và "hình khối" đã đánh dấu một sự ưu việt của văn hóa Pháp so với tất cả các nền văn hóa châu Âu khác.

Điểm chung thứ nhì giữa hai chủng tộc là họ cùng sở hữu một tư chất tâm lý nhờ vào nền văn hóa đạo đức lâu đời và phong phú. Tư chất tâm lý phát lộ ở Viễn Đông nơi những bậc túc nho thấm nhuần đạo lý (điều này không có nghĩa rằng tất cả bọn họ là thiên thần) và ở Pháp, không những nơi Bruyère, Rochefoucauld, Chamfort, Fontenelle, Stendhal và nhiều người khác, mà còn hiển lộ ở bất kỳ một kẻ lang thang trên đại lộ Paris nào.

Bất chấp sự dè dặt đã trở thành bản tính có phần cứng nhắc và trì trệ do ảnh hưởng từ phương Bắc nhưng trong huyết quản của chúng ta vẫn chảy một dòng máu phương Nam mạnh mẽ. Điều này giải thích cho sức hấp dẫn của tính cách và những thị hiếu tinh tế ý nhị của những người có học nhất trong chúng ta.

Và điều này làm ta nghĩ đến một sự ưu việt khác của văn hóa Pháp so với các nền văn hóa châu Âu từ Bắc chí Nam. Pháp vẫn có thể coi là nơi có nền văn hóa tinh thần tinh tế nhất của châu Âu. Đó là trung tâm nhãn thức của toàn bộ châu Âu.

Nhưng cần phải biết khám phá nó, khám phá nước Pháp của những điều thuộc về tinh thần. Ngay cả khi sống giữa lòng nước Pháp quý vị cũng không thể khước từ bổn phận này. Tôi không cần phải nói thêm rằng: "Thanh niên An Nam được đào tạo ra làm viên chức không thể hy vọng tìm thấy một sự suy đồi văn hóa Pháp ở giới thực dân Pháp Đông Dương".

Tôi nghĩ có thể ca ngợi văn hóa Pháp mà không hề tán dương, bởi vì tôi đã đi khắp miền bắc Ý, tôi đã thấy Áo, Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan, Bỉ, tóm lại là một phần lớn châu Âu và tôi đã thấy ảnh hưởng của văn hóa Pháp lên tất cả các quốc gia châu Âu.

Đó là lý do tôi cho rằng tinh hoa An Nam hiện nay phải hiểu văn hóa Pháp và văn hóa Trung Hoa. Tôi muốn thấy họ dựa vào văn hóa Pháp để ý thức được một nền văn hóa thực thụ, ý thức đó sẽ giúp họ phân biệt cái gì là châu Á, là thuần túy Viễn Đông trong văn hóa Trung Hoa và giúp họ hiểu rõ hơn cái gì có thể và nên là một nền văn hóa An Nam.

Dĩ nhiên nghĩa vụ này rất nặng nề và có nguy cơ bị bội bạc, nhưng những người vun đắp cho tương lai sẽ không ngừng vượt qua chính mình để tự giải phóng và giải phóng cho những thế hệ tương lai khỏi sự phụ thuộc về tinh thần và đạo đức vào các dân tộc khác, chỉ riêng giải phóng cũng đủ để hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước An Nam.

Tôi nghĩ đã nói đủ về nghĩa vụ đặt trên vai tầng lớp tinh hoa hiện nay. Tôi muốn nhấn mạnh một chút về mục đích của một nền văn hóa. Như cái tên của nó, văn hóa là hủy diệt toàn bộ cỏ dại, sâu bọ, hủy diệt tất cả những gì ngăn trở sự phát triển tự do và mạnh mẽ; văn hóa nghĩa là giải phóng cái mầm non nớt khỏi hạt giống để nó bung nở dưới ánh nắng ấm áp.

Văn hóa là sửa soạn cho sự ly khai của con người khỏi thế giới động vật, cho sự rời bỏ của cá nhân khỏi bầy đàn. Văn hóa là chuẩn bị cho sự ra đời của cá nhân, của con người chân chính, của nhà tư tưởng, của nghệ sĩ, của những vị thánh. Tư tưởng cốt lõi của mọi nền văn hóa là chuẩn bị và thúc đẩy cả bên trong lẫn bên ngoài chúng ta để xuất hiện những con người đó.

Tôi vừa nói với quý vị rằng mục đích của văn hóa là hủy diệt mọi thứ cỏ dại và sâu bọ ăn hại, hủy diệt những gì cản trở sự phát triển mạnh mẽ và tự do, văn hóa là giải phóng mầm non trong hạt giống để nó được bung nở dưới ánh sáng mặt trời.

Quý vị có lẽ tự hỏi tôi muốn nói gì đằng sau cái câu hoa mỹ và rỗng tuếch đó. Câu này đúng là không dễ hiểu, nhất là khi đất nước đang trải qua cơn suy yếu, tan rã, đối với những người chưa từng trải qua một cuộc nội chiến, những người luôn mang trong mình tâm thức nô lệ, cùng sự khiêm nhường mộ đạo, một gánh nặng của những quy tắc xã hội ngột ngạt, định kiến, những tầm thường thô bỉ tới nỗi quen thuộc; - những người chưa bao giờ phản kháng lại một tình trạng tinh thần dung tục, hẹp hòi; - phản kháng một gia đình mang tư duy trói buộc cản trở ước vọng của các thành viên bằng một câu thúc cực đoan, ngu xuẩn theo những quy tắc không thể áp dụng cho tất cả.

Hãy lấy một trong ngàn ví dụ để chúng ta hiểu rõ hơn. Một thanh niên cảm thấy đời sống trong gia đình không còn đủ nữa, rằng khí quyển của xứ này làm anh ta ngột ngạt, rằng anh ta cần phải ra nước ngoài học tập hoặc sống một đời phong phú, sống động hơn hòng thoát khỏi trạng thái đờ đẫn mụ mị. Chúng ta không biết chàng thành niên đã làm gì để thực hiện giấc mơ; nhưng một ngày chúng ta gặp lại chàng thanh niên và sau vài câu hỏi chàng thanh niên liền thú nhận anh chưa bao giờ đặt chân lên tàu thủy. Anh chửi rủa chính quyền, anh nổi giận vì không được cấp chiếu khán nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.

Mất hết ý chí, không có dũng khí, chàng thanh niên nhận thấy học vấn của anh đã đủ để làm một người ưu tú trong xứ ta, nên nghe theo gia đình đem cuộc đời vùi trong cái gọi là chế độ công chức. Một năm sau khi vào làm công chức, anh cưới một cô gái nhà giàu bị mê hoặc bởi danh tiếng của anh và mỗi năm sinh cho anh hai đứa con.

Bằng ví dụ này tôi muốn ám chỉ tinh thần hạn hẹp và ngột ngạt hiện thời của ta, sự tầm thường bóng bẩy đang ngự trị, những định kiến xã hội ngu xuẩn và cản trở những năng lượng tốt đẹp.

Đối với những điều cản trở sự phát triển mạnh mẽ và tự do, tôi chỉ muốn hét lên: hủy diệt! hủy diệt hoàn toàn! Dĩ nhiên chúng ta có thể cải hóa mọi thứ cho phù hợp với hiện tại. Nhưng nghĩ cho kỹ và rốt cục, còn thứ gì ở đất nước ta có thể đứng vững nữa không?

Về việc giải phóng mầm non trong hạt giống để nó được bừng nở dưới ánh sáng mặt trời, đó là vai trò tế nhị của văn hóa. Tôi không thể đưa ra những công thức cứng nhắc cho nền văn hóa mà tôi mong ước sẽ đến với người An Nam. Đây là nghĩa vụ của những người hoạch định tương lai, những người sẽ xuất hiện và sẽ phải mò mẫm rất lâu nữa.

Nhưng chúng ta còn lâu mới có được những nhà hoạch định tương lai! Chúng ta phải đợi ít nhất hai thế kỷ nữa để họ hoàn thiện một nền văn hóa riêng cho người An Nam!

Giáo dục mà chúng ta hưởng thụ chỉ hướng chúng ta vào mục tiêu thực tiễn là đào tạo đội quân phụ tá cho chính quyền, những kẻ bán-nô lệ được mua chuộc và đóng gói khéo léo. Sự hào phóng mà người ta tung hô quá chừng nếu không mang dấu hiệu quan tâm rõ ràng nào thì cũng chỉ là một thước đo thận trọng. Chế ngự những kẻ ít nhiều được khai minh vẫn dễ hơn là chế ngự bọn thô lậu suốt đời ôm những tư tưởng cũ rích, đơn giản, rõ ràng làm nên sức mạnh tương đối cho họ.

Đây là lý do tôi phải kể với quý vị tôi đã vui mừng thế nào khi từ Pháp trở về và được nghe sáng kiến của một vài người thức thời đang đấu tranh với sự thiếu lương tri, thiếu hiểu biết ngập tràn trong chương trình giáo dục tiểu học.

Tôi phải thừa nhận với quý vị rằng sau khi thổ lộ toàn bộ tư tưởng này, tôi cảm thấy bối rối, một cảm giác kỳ cục như cảm giác của một kẻ điên trong giờ phút tỉnh táo bỗng nhớ rằng hắn đang thách đố với những cái bóng. Nhìn vào mức độ trí lực của thanh niên ngày nay, nhìn vào giấc mơ của thanh niên dựng trên sự thảm hại thì không lạ khi tôi có cảm giác như thế.

Thưa quý vị, để thoát khỏi một giấc mơ ám ảnh tôi - tôi mong muốn được thấy trong xã hội chúng ta xuất hiện những con người sẽ làm tôi phải hổ thẹn vì đã dám gọi cuộc nói chuyện này là: cuộc nói chuyện cho tất cả và không cho ai cả.

Trước khi kết thúc bài nói, tôi muốn những người còn ý thức được rằng "Không bao giờ là quá muộn" hãy đọc trang này của Nietzsche, những dòng sẽ hoàn thiện cho bài phát biểu của tôi.

"Mục đích của văn hóa là hủy diệt mọi thứ cỏ dại và sâu bọ ăn hại, hủy diệt những gì cản trở sự phát triển mạnh mẽ và tự do, văn hóa là giải phóng mầm non trong hạt giống để nó được bung nở dưới ánh sáng mặt trời".

Nguyễn An Ninh

NHỮNG NGƯỜI CHUẨN BỊ

Tôi hoan nghênh tất cả mọi dấu hiệu cho thấy một kỷ nguyên mạnh mẽ hơn, hiếu chiến hơn sẽ một lần nữa tôn vinh lòng dũng cảm hơn mọi thứ khác. Bởi vì kỷ nguyên này phải vạch ra con đường của một kỷ nguyên xán lạn hơn và tập hợp được sức mạnh mà một ngày nào đó nó sẽ cần tới - để phổ cập chủ nghĩa anh hùng và tiến hành chiến tranh vì xung đột tư tưởng và vì hậu quả của tư tưởng. Để làm được điều này thì cần có những con người dũng cảm, những người chuẩn bị nền tảng, những người chắc chắn không thể xuất hiện từ hư vô - và càng không thể từ cát và bọt của nền văn minh ngày nay cũng như từ nền giáo dục của những đô thị lớn: những con người im lặng và cô độc và quyết đoán sẵn sàng theo đuổi hoạt động vô hình, những người có khuynh hướng nội tâm, tìm kiếm mọi sự cần phải được chế ngự trong bản thân: những con người có sự bình tâm, kiên nhẫn, đơn giản và coi khinh phù phiếm, coi khinh lòng khoan dung trong chiến thắng và sự độ lượng đối với những hư ảo vô nghĩa của mọi kẻ chiến bại: những con người có nhãn lực chính xác và tự do trên tất cả mọi chiến thắng và trên sự may mắn của mọi vinh quang: những con người có lễ hội riêng họ, những ngày lao động và tang tóc riêng, họ quen chỉ huy dõng dạc như một người chỉ huy, họ cũng sẵn sàng vâng mệnh khi cần thiết, họ cũng tự hào trong cả hai trường hợp, vì vậy nếu họ theo đuổi sự nghiệp riêng thì sẽ là những con người khoái hoạt hơn, khốc liệt hơn, hạnh phúc hơn! Bởi vì hãy tin tôi đi! - Bí mật để gặt hái đời sống phong phú nhất và niềm vui hưởng thụ lớn nhất là sống một cách liều lĩnh! Hãy dựng thành phố bên cạnh núi lửa Vésuve! Hãy đi thuyền tới những vùng biển xa lạ! Hãy làm kẻ cướp và kẻ chinh phục, chừng nào các người không thể là kẻ thống trị và kẻ sở hữu, các người phải đi tìm tri thức! Khi các người bằng lòng lánh ẩn trong rừng như những con nai sợ sệt thì thời gian cứ thế trôi đi! Rốt cục tri thức sẽ đưa tay cho kẻ nào có quyền tiếp cận nó: tri thức sẽ thống trị và sở hữu, và các người cũng muốn có tri thức để thống trị và sở hữu!

(Le Gai Savoir)

Chúng ta đang sống trong một đất nước, trong một thời đại mà những năng lực tốt đẹp phải trả giá đắt cho các cuộc chinh phục, các chiến thắng. Chúng ta không chỉ phải đấu tranh với chính bản thân mình mà còn với những gì xung quanh.

Bị giam cầm trong đất nước, chúng ta không thể biết thế kỷ này đã mục rữa tới mức nào. Không có một lý tưởng cao đẹp, không sức sống, không năng lượng, sẵn sàng quy phục trước mọi hành vi thống trị, sa lầy trong vũng bùn biếng nhác, èo uột, bạc nhược khác hẳn với con người có thể khích lệ mọi người xây dựng nước Nam Việt này, con người nhạy cảm với cơn hấp hối từ từ của quê hương, của giống nòi, nhạy cảm với sức nặng nghẹt thở đè trên toàn bộ quốc gia và buộc những ai không chịu nổi bầu khí quyển hấp hối đó phải ra đi.

Điều chúng ta cần là một thái độ ham biết dưới muôn hình vạn trạng, ham biết là dấu hiệu cuối cùng của sự sống và hy vọng, một sự ham biết chứa đựng mọi dũng cảm để kiềm chế cơn khát, một sự ham biết sẽ lần mò, tìm tòi, sục sạo, mổ xẻ tất cả những gì đang sống ở kẻ khác để tìm ra phương thuốc cứu chữa sự bạc nhược cho mình.

Chúng ta phải làm cho tất cả những gì còn sót lại trở nên hữu dụng đối với sự ham biết này và đối với cuộc tháo chạy, đúng là tháo chạy vì chúng ta phải thoát khỏi bầu khí quyển già cỗi, chín nẫu, độc địa, chúng ta phải chạy khỏi con quỷ có ngàn chiếc đầu, con quỷ mang tên chế độ công chức, con ma cà rồng đã hút dần hút mòn máu của ta, sức lực của ta, làm suy đồi những người mạnh mẽ bằng cái không khí bàn giấy của nó.

Chúng ta sẽ sống trong rừng, trên núi, trong cô đơn, lao vào mọi bão táp, mọi đòi hỏi của cuộc đấu tranh vì sự sống. Điều đó không quan trọng lắm. Không khí trong lành của đỉnh núi, những chuyến phiêu lưu, những lo âu phiền muộn đau đớn sẽ đẩy chúng ta vào một cuộc chiến say mê.

Như vậy càng hay, vì chúng ta sẽ thêm mạnh mẽ và thăng tiến, chúng ta sẽ ý thức được nội lực và sẽ mong muốn một thời đại mạnh mẽ hơn thời đại chán chường bây giờ, không sinh khí không sức mạnh, co ro trong tấm áo liệm. Một cuộc đời mới, một dòng máu mới, dòng máu cứu chuộc. Phải, nhưng mọi khó khăn đều nằm ở đây.

Tôi cảm ơn quý vị đã tới và lắng nghe tôi đến cùng. Tôi đã chiếm dụng những giờ hữu ích của quý vị để nói những chuyện bông phèng. Kể từ khi ở Pháp về, tôi nhận ra bản thân không có ích lợi gì nhiều cho quê hương. Trên hết tôi nhận ra mình quá non nớt. Bất chấp đã sống một đời sôi nổi và liều lĩnh ở châu Âu, một cuộc đời thú vị nhưng cũng có cả buồn đau lo lắng, tôi buộc mình phải tới châu Âu lần nữa để có thể vươn đến một nhận thức rõ ràng hơn, chắc chắn hơn về một nền văn hóa thực thụ và chờ đợi một tuổi đời chín chắn hơn.

Tôi sẽ ra đi trong vòng một tháng nữa, sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu mới nhưng tôi sẽ mang theo kỷ niệm dịu êm và đầy khích lệ của buổi tối hôm nay đến những bờ sông xa xôi.■

(Thư Nguyễn dịch)

https://cuoituan.tuoitre.vn/chung-duc-hoc-thuc-cho-nguoi-an-nam-ky-2-20240717102053125.htm?fbclid=IwY2xjawEynvdleHRuA2FlbQIxMAABHZSZkAnmZWKX64ZsODxsqB_feXJrim8lpa9XamkYJ6xutmVB4TP32STZ9w_aem_lYa_EbfKHmqv9DstGLxEZg


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.