Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

26/03/2023

Thái tổ Thái tông nhà Mạc bình thản cho "dựng lại" và "dựng mới" bia đề danh tiến sĩ của khoa thi nhà Lê trong Văn Miếu

Đại khái là có một câu chuyện vẻ như rất bình dị, nhưng thật ra không bình dị !

Các tâm bia ấy vẫn được bảo lưu tốt trong vườn bia của Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) hiện nay.

Có những cách gọi như sau trong học giới Việt Nam đối với văn bia:

- truy dựng,

- truy lập,

- trùng lập (dựng lại),

- lập (dựng mới).

Một nước văn hiến cả ngàn năm, sản sinh ra hàng vạn tiến sĩ và hàng chục vạn cử nhân nho học (chưa tính bậc thấp hơn), nhưng rất lạ ở điểm sau: không có bản chép toàn bộ bia Văn Miếu (Hà Nội) cho đến khi chúng bị hao mòn, đổ sập một số vào nửa đầu thế kỉ XIX. Nhà nước bỏ bê, không cho người sao chép. Các trường học và bản thân các nhà khoa bảng cũng không có thời gian đến sao chép ư ?

Hay là có bản chép nằm ở đâu mà nay chúng ta chưa phát hiện ra ? Ai có thông tin hữu ích, mong hãy chia sẻ.

Bây giờ, cơ bản vẫn phải dựa vào thác bản do người Pháp chỉ đạo thực hiện đầu thế kỉ XX (sau khi đã có những hư hại đáng tiếc, nhiều tấm bia đã mất luôn). Tại hiện trường thì chỉ còn lại 82 bia.

Liên quan đến việc vua Mạc thời kì Thăng Long - Dương Kinh cho dựng lại và dựng mới bia đề danh tiến sĩ của các khoa thi do triều Lê tổ chức, thì mở đầu là một bài viết cũ của học giả Nguyễn Hữu Mùi.

Các bổ sung, cập nhật thì dán dần lên ở dưới đó.

Tháng 3 năm 2023,

Giao Blog


---

Thử lý giải về hai dòng niên đại của nhà Mạc khắc trên hai tấm bia đề danh Tiến sĩ (TBHNH2002)

Cập nhật lúc 22h29, ngày 30/03/2007

THỬ LÝ GIẢI VỀ HAI DÒNG NIÊN ĐẠI
CỦA NHÀ MẠC KHẮC TRÊN HAI TẤM BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ
CỦA NHÀ LÊ Ở VĂN MIẾU HÀ NỘI

NGUYỄN HỮU MÙI

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

         Văn miếu Quốc Tử Giám là di tích Nho giáo tiêu biểu cấp quốc gia nằm giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, hiện còn lưu giữ được 82 tấm bia Đề danh Tiến sĩ của hai triều Lê Và Mạc. Đây là nguồn tư liệu quí bằng hiện vật, nói lên chính sách trọng dụng nhân tài, khuyến khích việc học của dân tộc ta. Ngoài tấm bia của nhà Mạc dựng năm Minh Đức thứ 3 (1529), tại đây còn có hai tấm bia của nhà Lê, nhưng ghi niên đại của nhà Mạc: Bia thứ nhất, khắc khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) đời Lê Hiến Tông, ghi niên hiệu Đại Chính thất niên cửu nguyệt thập ngũ nhật trùng lập. Bia thứ hai, khắc khoa thi năm Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518), đời Lê Chiêu Tông, ghi niên hiệu Đại Chính thất niên chính nguyệt sơ ngũ nhật lập. Cả hai bia hiện có thác bản mang kí hiệu No1359 và No1308, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

      Trước đây, khi đề cập đến hai tấm văn bia này, giới nghiên cứu coi đây là bia của nhà Lê, do nhà Mạc phục dựng vào năm 1536, khi họ lên nắm quyền. Kỳ thực chúng tôi vẫn phân vân và tự đặt câu hỏi: vì lý do gì mà vương triều nhà Mạc dựng bia cho nhà Lê ở trường Quốc Tử Giám, vốn là nơi đào tạo nhân tài cấp cao phục vụ cho vương triều mình, trong khi các khoa thi của bản triều thì chưa được dựng? Gần đây, trên Tạp chí Hán Nôm số 2, năm 2002, TS. Nguyễn Thuý Nga công bố một tư liệu mới, cho biết có 12 tấm bia Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội được khắc lại vào năm 1863(1), trong đó có hai tấm bia kể trên, càng khiến chúng tôi lưu tâm tìm hiểu.

      Để thử tìm lời giải đáp, sẽ bắt đầu từ việc khảo sát văn bản. Như chúng ta biết, đây là hai tấm bia dựng vào thời Lê sơ, sát ngay sau loạt bia dựng đợt đầu, tổ chức vào ngày 15 tháng 8 năm 1484. Xét về hình thức, qua tìm hiểu hiện vật dựng tại Văn miếu, Hà Nội, thấy hai tấm bia này rất giống với 10 tấm bia được khắc lại vào năm 1863, như TS. Nguyễn Thuý Nga từng công bố. Nhưng nếu quan sát trên thác bản, ta sẽ thấy chúng có một điểm chung nữa, rất dễ phân biệt, mà hiện vật không thể hiện ra được, là người ta chỉ khắc lại từ phần có dòng niên đại của bia trở đi, còn phần hoa văn và bài ký, vẫn giữ nguyên theo hiện trạng cũ. Nói cách khác, người ta chỉ khắc lại một nửa của bia (tính theo chiều dọc), nửa còn lại vẫn để nguyên. Nửa được khắc lại thuộc về phía bên trái của bia, gồm niên đại và tên người đỗ. Nửa không khắc lại thuộc về phía bên phải của bia, với bài ký để nguyên. Chúng tương phản nhau rõ nét: nửa khắc lại chữ còn mới, nửa không khắc lại chữ đã mờ mòn. Vấn đề đang bàn ở đây thuộc về nửa bên trái của bia, với các đặc điểm sau đây.

     Ở tấm bia thứ nhất (N0 1359) có hai dòng niên đại: dòng niên đại của nhà Lê, gồm 11 chữ Cảnh Thống ngũ niên thập nhất nguyệt sơ thập nhật lập, khắc sau phần bài kí, có cỡ chữ đều đặn, nhưng không được sắc nét lắm, do người thợ đã theo nét chữ cũ mà khắc đè lên. Riêng dòng niên đại thứ hai của nhà Mạc, đặt ở vị trí cuối cùng của phần minh văn, cũng gồm 11 chữ Đại Chính thất niên cửu nguyệt thập ngũ nhật trùng lập大 正 七 年 九 月 十 五 日 重 立, thì có vấn đề tự dạng, thể hiện ở vết khắc của cả dòng còn rất sắc, mà rõ nhất là ở nét mác của chữ đạivà nét hất của chữ thất, chữ cửu. Cũng cần nói thêm: tại dòng niên đại này, ngang với hai chữ Đại Chính, còn có thêm hai chữ Quốc triều國 朝. Sự xuất hiện của hai chữ Quốc triều, theo chúng tôi là rất lạ, bởi trong 148 văn bia triều Mạc do TS. Đinh Khắc Thuân công bố(2), và cả số văn bia nhà Mạc do chúng tôi biết về sau, chưa gặp 2 chữ này đi kèm với dòng niên đại của nhà Mạc.

     Ở tấm bia thứ hai (N0 1308), chỉ có một dòng niên đại, đặt ở vị trí sau bài ký, gồm 10 chữ Đại Chính thất niên chính nguyệt sơ ngũ nhật lập大 正 七年 正 月 初 五 日 立, cũng có vấn đề về tự dạng, lặp lại giống với tình trạng của dòng niên đại thứ hai của tấm bia thứ nhất. Nghĩa là vết khắc của nó còn rất sắc, không có dấu hiệu của việc mô phỏng theo nét chữ cũ mà khắc chồng lên. Ngoài ra, cũng tại dòng niên đại này, còn thấy cỡ chữ của chúng khác nhau, khoảng cách giữa chữ trên và chữ dưới không đồng đều, chữ của cả dòng lấn sang diện tích của hàng chữ bên trái, cả dòng chữ bị xiêu vẹo...

     Xét về nội dung, đây là hai tấm bia nói về việc nhà Lê mở khoa thi Tiến sĩ vào năm 1502 và 1518, khoa trước lấy đỗ 61 người, khoa sau lấy đỗ 17 người, tổng cộng 78 người. Về sau tuy có một số người đỗ đạt ở hai khoa này, như Nguyễn Văn Thái(3), Nguyễn Đốc(4), Ngô Miễn Thiệu(5)... ra làm quan với nhà Mạc, song tuyệt đại bộ phận trong số họ vẫn trung thành với nhà Lê ra cộng tác với triều Mạc. Hơn nữa, việc một số Tiến sĩ của triều Lê ra cộng tác với triều Mạc và ngược lại, cũng có một số Tiến sĩ của triều Mạc ra cộng tác với triều Lê, là xu thế chung của tầng lớp trí thức khoa bảng ở thế kỷ XVI. Do vậy hai tấm bia này chưa có gì đặc biệt khiến nhà Mạc phải quan tâm.

     Xét trong lịch sử, kể từ khi nhà Mạc giành được vương quyền từ tay nhà Lê vào năm 1527, cả hai triều Lê và Mạc luôn luôn có những cuộc xung đột với nhau. Theo nghiên cứu mới đây của TS. Đinh Khắc Thuân cho biết: “Trong những năm đồng thời tồn tại hai triều đình thù địch nhau, đã xảy ra 47 cuộc đương đầu giữa hai lực lượng quân đội của hai bên”(6). Trong số các cuộc giao tranh đó, phải kể đến trận đẫm máu ở sông Hoằng Hoá (Thanh Hoá) vào năm 1530. Quân đội nhà Lê “chém được hơn một vạn tên, xác [quân Mạc] chết gối lên nhau”(7). Với bối cảnh chiến tranh theo chiều hướng ngày một ác liệt, lợi thế thường thuộc về phía nhà Lê, nói nhà Mạc dựng bia cho nhà Lê cũng là điều khó đúng với thực tế lịch sử.

     Xét trong thư tịch, Lê Quý Đôn (1726 – 1784) là người ghi chép được nhiều thông tin quan trọng liên quan đến việc dựng bia của nhà Mạc. Trong Đại Việt thông sử, ông ghi sự việc ngày 6, tháng 5, niên hiệu Quang Hưng thứ 5 (1582), tức ngang với niên hiệu Diên Thành thứ 5 (1582), Đề điệu Quốc tử thiếu bảo Thao Quận công Trần Thì Thầm tâu với Mạc Mậu Hợp xin khắc bia Tiến sĩ của bản triều, vì trước đó mới chỉ có một khoa Minh Đức 3 (1529) được dựng bia, nhưng bị Mạc Mậu Hợp chối từ, cho rằng “hiện lúc này trong nước đang thời kỳ lắm việc”(8). Điều đáng chú ý là, trong lời tâu của Trần Thì Thầm nói rất rõ rằng: từ thời Đại Chính, Quảng Hoà đến Vĩnh Định, Cảnh Lịch vẫn chưa dựng được bia ghi tên người đỗ Tiến sĩ trong những niên hiệu đó.

     Như vậy, căn cứ vào đoạn tư liệu vừa dẫn, ta thấy ngay ở đương thời, tức cuối thế kỷ XVI, nhà Mạc mới chỉ dựng được một tấm bia của khoa thi đầu tiên (1529) thuộc bản triều, các khoa thi còn lại, chưa được dựng. Tư liệu cũng không đề cập gì đến việc khắc lại bia cho nhà Lê.

     Vậy nên hiểu thế nào về hai dòng niên đại nhà Mạc khắc trên hai tấm bia Đề danh Tiến sĩ của nhà Lê?

     Xét việc trùng tu Văn miếu Quốc Tử Giám ghi trong chính sử, chỉ tính từ thời Lê sơ đến những năm giữa thế kỷ XIX, đã có 6 lần, tổ chức vào các năm 1484, 1511, 1536, 1662, 1672 và 1863. Trong số này, cũng có sự tham gia của nhà Mạc, tiến hành vào năm Đại Chính thứ 7 (1536). Đây là lần trùng tu Văn miếu duy nhất của nhà nhà Mạc, nhưng thư tịch không ghi rõ công việc cụ thể đã làm trong đợt trùng tu ấy gồm những đầu việc gì. Khả năng nhân đợt trùng tu năm 1536, để khắc lại hai tấm bia cho nhà Lê, là khó xảy ra, vì nếu có, thì một trọng thần như Trần Thì Thầm người sống đương thời lẽ nào không biết? Các năm 1662 và 1672, tuy công việc trùng tu vẫn tiếp tục nhưng không thấy một nguồn tư liệu nào nói đến việc khắc lại bia Tiến sĩ. Khả năng tiếp theo, có lẽ vấn đề nằm ở đợt trùng tu năm 1863, ở lần này, nhân việc làm lại nhà bia. Bố chính sứ Hà Nội là Lê Hữu Thanh(9) cùng các cộng sự của ông cho khắc lại 12 tấm bia Đề danh Tiến sĩ của triều trước. Thực trạng các văn bia lúc ấy được ông cho biết: “Gió táp, mưa sa, cỏ lan rêu mọc, nét chữ mờ mòn, hơn 10 tấm để tản mát, phần lớn loang lổ, không thể đọc hết được... Tấm bia nào mờ mòn thì đối chiếu mà khắc lại” (10). Nhưng theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Thuý Nga, việc khắc lại bia “do nhiều người đảm nhận”, nên khá tuỳ tiện, thể hiện ở việc “cùng một bia, chỗ thì ghi địa danh đời Lê Trung Hưng, chỗ lại vẫn để địa danh thời Lê sơ”. Phải chăng trong tình trạng như thế, người thợ khắc chữ đã tuỳ tiện khắc thêm hai dòng niên đại của nhà Mạc lên trên hai tấm bia của nhà Lê? Họ làm như vậy, bởi có thể còn liên hệ đến sự kiện trùng tu Văn miếu của nhà Mạc tổ chức vào năm 1536, cho rằng công việc lúc bấy giờ cũng giống với công việc của họ đang tiến hành. Và sự tuỳ tiện này thể hiện rõ nhất ở mặt tự dạng, như ta đang thấy.

     Trên đây là một số điều lý giải về hai dòng niên đại của nhà Mạc khắc trên hai tấm bia của nhà Lê, xét từ nhiều góc độ. Lý do để chúng tôi đưa ra bàn bởi đây là hai tấm bia đã được khắc lại chứ không phải còn nguyên bản. Bia khắc lại thì nội dung tất sẽ bị chuyển dịch. Phải chăng đây chỉ là hai dòng chữ mới, do người khắc chữ ở đợt trùng tu Văn miếu năm 1863 tự ý tạo ra? Nguyên nhân là bởi ý thức chủ quan của họ? Chúng tôi cho rằng, với tư cách là một vương triều, sẽ không có việc nhà Mạc khắc lại bia cho nhà Lê. Nếu đây là sự thực, sẽ giải quyết được một khía cạnh về văn bản học, đồng thời xoá đi sự hiểu lầm từng tồn tại lâu nay đối với vương triều nhà Mạc. Đương nhiên, đây mới chỉ là giả thiết do chúng tôi đặt ra. Từ giả thiết đến sự thực cần phải được chứng minh bằng nhiều nguồn tài liệu khác. Đề xuất vấn đề này, chúng tôi không mong muốn gì hơn là để giới nghiên cứu rộng đường xem xét.

Chú thích:

(1)Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm số 2 năm 2002, tr 28 – 35.

(2)Xem: Đinh khắc Thuân, Văn bia thời Mạc. Nxb KHXH. H. 1996.

(3)Nguyễn Văn Thái: Sau đổi tên là Nguyễn Trí Thái, người xã Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo. TP. Hải Phòng. 24 tuổi đỗ Thám hoa Khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502), được cử làm Phó sứ sang nhà Minh, thăng đến chức Học sĩ, tước Đạo Xuyên bá. Khi mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê, ông bị ép thảo chiếu nhường ngôi. Làm quan cho nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước hầu. Ông đi sứ hai lần, nhưng lần thứ hai bị giữ lại, lấy vợ người Trung Quốc, sinh con là Ngạn Xán theo họ mẹ là họ Trương. Trương Ngạn Xán về sau cũng đỗ Tiến sĩ.

(4) Nguyên Đốc: Người xã Thổ Giá, huyện Nông Cống (Văn bia khắc lại, khắc nhầm thành huyện Nùng Cống), nay là thôn Thổ Vị, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502). Sau ông theo nhà Mạc, làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang. Khi mất, được tặng Lễ bộ Thượng thư.

(5) Ngô Miễn Thiệu: Người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 20 tuổi đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518). Làm quan với nhà Mạc đến chức Lại bộ Thượng thư kiêm Đô ngự sử, chưởng Hàn lâm viện sự. Nhập thị kinh diên, tước Lý Khê bá.

(6) Đinh Khắc Thuân. Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia. Nxb KHXH, H 2001.., tr. 32.

(7) Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb KHXH, H. 1993. T.3, tr.114.

(8) Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, bản dịch. Bộ Văn hoá giáo dục và thanh niên, Sài Gòn, 1973, tr. 274 – 276.

(9) Lê Hữu Thanh: Người xã Thượng Tầm, huyện Thanh Quan, tỉnh Nam Định, nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. 37 tuổi đỗ Hoàng giáp khoa Tân hợi, niên hiệu Tự Đức 4 (1851). Ông lĩnh trải nhiều chức quan khác nhau.

(10) Dẫn lại theo bản dịch của TS. Nguyễn Thuý Nga, sđd, tr 34.

Tài liệu tham khảo

1. Các nhà khoa bảng Việt Nam. Ngô Đức Thọ chủ biên, Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Hữu Mùi. Nxb. Văn học, H. 1993

2. Đỗ Văn Ninh, Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội. Nxb Văn hoá thông tin, H. 2002

3. Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử. Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Viện sử học, Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng. H. 1996.

4. Văn miếu Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ. PGS. TS Ngô Đức Thọ chủ biên, TS. Nguyễn Thuý Nga, TS. Trịnh Khắc Mạnh, NCV. Nguyễn Văn Nguyên. H. 2002

5. Vương triều Mạc (1527  1592). Trung tâm khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Sử học. Nxb KHXH. 1995.

Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.370-376

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=295&Catid=339

..



BỔ SUNG



2.

13- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA MẬU DẦN NIÊN HIỆU QUANG THIỆU NĂM THỨ 3 (1518)

Cập nhật lúc 22h27, ngày 24/01/2009

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA MẬU DẦN NIÊN HIỆU QUANG THIỆU NĂM THỨ 3 (1518)

 

 

Đặt khoa thi chọn kẻ sĩ là quy chế đã lập thành của các bậc đế vương mưu đồ nền trí trị, trọng dụng người hiền không hạn chế là đạo trung dung xưa nay không thay đổi.

Thần thường nhân câu nói đó mà suy rộng ra: đảm nhiệm quốc chính của nhà Hạ đều là các quan cũ của nhà Ngu, chọn vào vương đình của nhà Thương đều là liêu thuộc của nhà Hạ, phụ tế ở kinh đô nhà Chu lại là sĩ phu của nhà Ân, kẻ đứng hàng tể phụ triều Tống cũng là cựu thần của nhà Hậu Chu. Có lẽ vì phép chọn học trò bắt đầu từ thời Ngu, Chu, thịnh hành ở đời Triệu Tống, còn đạo trung dung trọng dùng người hiền không hạn chế cách nào thì xưa đã có mà cũng thấy cả ở ngày nay chăng?

Kính nghĩ thánh triều quang minh mở vận, thánh thánh nối truyền. Thánh thiên tử sùng Nho trọng đạo, sửa sang trường học để nuôi dưỡng nhân tài. Chế độ đổi mới, quy mô rộng lớn lâu dài. Đặc sai hữu ti kiểm tra các bia đề danh Tiến sĩ các khoa của triều trước hễ khoa nào đã có bia mà bị vỡ hỏng thì cho dựng lại bia khác, khoa nào chưa có bia mà đáng ghi thì dựng thêm. Lại sai từ thần chia nhau soạn các bài ký. Làm như thế là để coi trọng những điều mà nền tư văn đáng trọng, làm cho đủ những việc mà đời trước chưa làm, ý nghĩa thật rất to lớn.

Thần tham dự triều chính, việc đáng phải cầm bút. Thần kính xét: Triều trước khai khoa năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), sau đó hoặc 6 năm, hoặc 5 năm mở một khoa, chưa thành định lệ. Từ khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) trở đi mới định 3 năm mở một khoa. Cũng theo Hội điển của nhà Minh lấy các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu mở khoa thi Hương, lấy các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi mở khoa thi Hội. Riêng về năm Mậu Dần niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518) có khoa thi là vì năm thứ 2 Đinh Sửu (1517) là năm đáng phải mở thi Hội, nhưng bấy giờ trong nước có biến1 nên đến năm Mậu Dần mới cử hành được. Bảng này chọn được kẻ sĩ 17 người: Đệ nhất giáp là bọn Ngô Miễn Thiệu 3 người được ban Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhị giáp 6 người là bọn Lại Kim Bảng được ban Tiến sĩ xuất thân, Đệ tam giáp 8 người là bọn Nguyễn Độ được ban đồng Tiến sĩ xuất thân. Những người này hiện đang giữ các chức quan, dần dần còn được dùng vào việc lớn, hoặc tham dự việc lễ, nhạc, binh, hình, hoặc giữ các ti chuyên trách việc kỷ cương tai mắt của triều đình, có người kiêm chức ở quán các giúp việc cất nhắc thuyên chuyển, hoặc giữ các chức đô đài, gián nghị, có người tham gia chính sự lớn ở một địa phương, có người giữ chức hiến ti ở ngoại đài. Những người đỗ Tiến sĩ khoa này, từ sau khi được đề tên ở bảng vàng đến nay đã hai chục năm mới được đề danh vào bia đá. Nhờ ơn vua được tô điểm vẻ vang, được khích lệ long trọng như vậy, phải nên báo đáp thế nào? Ắt phải cùng nhau gắng sức, giữ lòng tận trung, lau cạo thật sáng, trau dồi tiết hạnh để cho khí khái lỗi lạc, tiếng tăm vang lừng, làm viên ngọc vẹn toàn, làm nén vàng mười, làm viên đan sa rất mực quý báu, làm vẻ vang vương độ, giữ vững cơ đồ hoàng gia, đặt thiên hạ vào chốn yên vững như Thái Sơn bàn thạch. Được như thế thì tấm đá này, những tên tuổi này khác nào muôn cân nặng, càng lâu càng không mòn vậy. Nếu không được như thế thì ngoài ngọc trong đá, danh và thực không xứng nhau, người đời sau sẽ chỉ vào tấm đá này mà chê trách. Vì sao vậy? Vì danh là khách của thực, thực là chủ của danh, có danh có thực thì thực còn mà danh vì thế được coi trọng; có danh không có thực, thì thực chẳng còn mà danh cũng vì thế mà bị coi khinh. Thần xin lấy mấy điều ấy khuyên răn những người được đề tên và cũng để tự răn mình. Còn quan tước tên họ các quan Đề điệu, Độc quyển, Giám thí thì kê ở mặt sau bia.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ Đạo Xuyên bá Trụ quốc Nguyễn Trí Thái2 vâng sắc soạn.

Thông chương đại phu Trung thư giám Chính tự Tư chính khanh họ Vũ vâng sắc viết chữ (chân).

Thông chương đại phu kim quang môn đãi chiếu tư chính khanh họ Nguyễn vâng sắc viết chữ triện.

Bia dựng ngày 5 tháng giêng niên hiệu Đại Chính thứ 7 (1536).

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:

NGÔ MIỄN THIỆU 吳勉紹3 người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn.

NGUYỄN MẪN ĐỐC 阮敏篤4 người xã Xuân Lũng huyện Sơn Vi.

LƯU KHẢI CHUYÊN 劉啟顓5 người xã An Đê huyện Đường An.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 6 người:

LẠI KIM BẢNG 賴金榜6 người xã Kim Lan huyện Cẩm Giàng.

ĐẶNG ẤT 鄧乙7 người xã Phúc Hải huyện Ngự Thiên.

NGUYỄN CHẤN CHI 阮振之8 người xã Thổ Hoàng huyện Thiên Thi.

NGUYỄN HỒNG TIỆM 阮鴻漸9 người xã Đồng Xá huyện Thanh Lâm.

NGHIÊM VĂN HẬU 嚴文厚10 người xã Hà Lỗ huyện Đông Ngàn.

LÊ VÔ ĐỊCH 黎無敵11 người xã Thiên Biểu huyện Yên Lãng.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 8 người:

NGUYỄN ĐỘ 阮度12 người xã Phù Vệ huyện Đường Hào.

NGUYỄN CƯ NHÂN 阮居仁13 người xã Ông Lâu huyện Lương Tài.

NGUYỄN CỦNG 阮鞏14 người xã Hoàng Đôi huyện Văn Giang.

ĐỖ DƯƠNG 杜洋15 người xã Quang Bị huyện Gia Lộc.

VƯƠNG HOÀNH 王浤16 người xã Ngô Đạo huyện Tân Phúc.

NGUYỄN HÒA TRUNG 阮和衷17 người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn.

NGỌ DOÃN TRÙ 午尹儔18 người xã Bắc Lý huyện Yên Việt.

NGUYỄN TẢO 阮藻19 người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn.

Chú thích:

1. Chỉ các việc biến loạn ở kinh thành đầu đời Chiêu Tông.

2. Nguyễn Trí Thái: Xem chú thích 6, Bia số 10.

3. Ngô Miễn Thiệu (1499-?) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay là xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Thời Lê, ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Lại kiêm Đô Ngự sử, Chưởng Hàn lâm viện sự, Nhập thị Kinh diên và tước Lý Khê bá. Sau ông làm quan với nhà Mạc, giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Lễ, Đông các Đại học sĩ, Ngự sử đài Đô Ngự sử, Hàn lâm viện Thị thư và thăng Trình Khê hầu.

4. Nguyễn Mẫn Đốc (1492-?) người xã Xuân Lũng huyện Sơn Vi (nay là xã Xuân Lũng huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ), nguyên quán xã Đông Viên huyện Tứ Kỳ (nay thuộc huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư, theo vua Lê Chiêu Tông vào Thanh Hoa, tuẫn tiết, được phong phúc thần.

5. Lưu Khải Chuyên (?-?) người xã An Đê huyện Đường An (nay thuộc huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hình.

6. Lại Kim Bảng (?-?) người xã Kim Lan huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Kim Giang huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Đời Lê, ông làm quan Đô Ngự sử. Khi Mạc Đăng Dung sắp ngôi nhà Lê, ông lánh về quê, sau bị Đăng Dung cưỡng ép mời gọi. Khi qua giữa sông Nhị, ông mũ áo chỉnh tề, bài vọng về Lam Sơn, lớn tiếng chửi Đăng Dung rồi gieo mình xuống sông tự vẫn. Triều Lê Trung hưng truy tặng chức Tả Thị lang Bộ Lễ, tước Quận công và tôn vào bậc Tiết nghĩa.

7. Đặng Ất (1495-?) người xã Phúc Hải huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Phạm Lễ huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Giám sát Ngự sử. Bia Văn Miếu tỉnh Hưng Yên ghi ông người xã Hải Triều huyện Hưng Nhân.

8. Nguyễn Chấn Chi (?-?) người xã Thổ Hoàng huyện Thiên Thi (nay thuộc thị trấn huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan đến Thiêm đô Ngự sử. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Lễ.

9. Nguyễn Hồng Tiệm (?-?) người xã Đồng Xá huyện Thanh Lâm (nay thuộc huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Tả Thị lang Bộ Hình. Có tài liệu ghi ông người xã Đồng Nẫm.

10. Nghiêm Văn Hậu (?-?) người xã Hà Lỗ huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Liên Hà huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan đến Tham chính.

11. Lê Vô Địch (?-?) người xã Thiên Biều huyện Yên Lãng (nay là thuộc xã Kim Chung huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hộ khoa Đô Cấp sự trung.

12. Nguyễn Độ (1493-?) người xã Phù Vệ huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước bá.

13. Nguyễn Cư Nhân (?-?) người xã Ông Lâu huyện Lương Tài (nay thuộc xã Phú Lương huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, Chưởng Hàn lâm viện sự, tước Đạm Hà bá.

14. Nguyễn Củng (?-?) người xã Hoàng Đôi huyện Tế Giang (nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thị lang.

15. Đỗ Dương (?-?) người xã Quang Bị huyện Gia Lộc (nay thuộc xã Phạm Trấn huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Ông làm quan Tham chính.

16. Vương Hoành (?-?) người xã Ngô Đạo huyện Tân Phong (nay thuộc xã Tân Hưng huyện Sóc Sơn Tp. Hà Nội). Ông làm quan với nhà Mạc đến chức Thị lang.

17. Nguyễn Hoà Trung (?-?) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay là xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Tả Thị lang.

18. Ngọ Doãn Trù (?-?) người xã Bắc Lý huyện Yên Việt (nay thuộc xã Bắc Lý huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang). Ông làm quan Đoán sự. Có tài liệu ghi ông người xã Ngọ Xá và tên là Hứa Doãn Trù.

19. Nguyễn Tảo (?-?) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay là xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan nhà Mạc trải Thượng thư Lục bộ, rồi Thừa chính sứ Hải Dương.

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1187&Catid=564


1.

10- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA NHÂM TUẤT NIÊN HIỆU CẢNH THỐNG NĂM THỨ 5 (1502)

Cập nhật lúc 22h34, ngày 24/01/2009

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA NHÂM TUẤT NIÊN HIỆU CẢNH THỐNG NĂM THỨ 5 (1502)

 



殿


 

Mở khoa thi Tiến sĩ là quy chế đã định sẵn để kén chọn kẻ sĩ, khắc đá đề danh cốt để rộng rãi khuyến khích nhân tài. Các triều trước đều lấy đó để làm sáng tỏ nhân văn, thánh triều cũng lấy đó để nâng cao hiệu quả trị đạo. Đại khái kinh điển giáo hóa lớn của triều đình hàm chứa trong đó, đâu phải chỉ để ghi sự việc cho đẹp mắt mà thôi đâu!

Mùa xuân năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502), Bộ Lễ theo lệ cũ, mở khoa thi Hội các Cử nhân trong nước, số dự thi đông đến 5000. Qua bốn trường lấy trúng cách được 61 người, đưa tên dâng lên. Hoàng thượng đích thân hỏi thi ở sân rồng. Sai Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Nam quân Phò mã đô uý Lâm Hoài bá Trụ quốc Lê Đạt Chiêu, Hộ bộ Thượng thư Vũ Hữu, Binh bộ Tả Thị lang Dương Trực Nguyên, Ngự sử đài Thiêm Đô Ngự sử Bùi Xương Trạch chia giữ các việc. Lễ bộ Thượng thư Tả xuân phường Tả dụ đức kiêm Đông các Đại học sĩ Đàm Văn Lễ, Lễ bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị độc Chưởng Hàn lâm viện sự Nguyễn Bảo, Lễ bộ Tả Thị lang kiêm Đông các Học sĩ Lê Ngạn Tá; Quốc tử giám Tế tửu Hà Công Trình, Tư nghiệp Hoàng Bồi, Thái thường Tự khanh Nghiêm Lâm dâng quyển lên đọc. Hoàng thượng đích thân xem xét, ban cho bọn Lê Ích Mộc 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Cảnh Diễn 24 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Phạm Khiêm Ích 34 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.

Tư thiên giám chọn ngày tốt, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, sai truyền loa xướng tên người thi đỗ, trăm quan mặc triều phục chúc mừng. Mấy năm trước bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa, năm nay sai Bộ Lễ rước bảng có trống nhạc dẫn trước, đem treo ngoài cửa nhà Thái học, cốt khiến cho sĩ tử nhìn thấy mà thêm phần khích lệ. Ân vinh ban theo thứ bậc, thảy đều theo lệ cũ. Quan Bộ Công theo lệ khắc đá đề danh để truyền tới lâu dài. Sai từ thần soạn bài ký. Thần là Đàm Văn Lễ kém cỏi, giữ trách nhiệm soạn thuật, không dám lấy cớ quê mùa chối từ.

Thần trộm nghĩ: đời Thành Chu bắt đầu có khoa tuyển Tiến sĩ1, đến đời Đường Tống rất thịnh hành, nhân tài nối nhau xuất hiện, nền chính trị mở mang đầy đủ, sách vở còn ghi chép rõ ràng có thể tra cứu được.

Kính nghĩ liệt thánh triều ta, dựng nhà học, chuộng văn Nho, đặt khoa thi lấy học trò, mở nền thịnh trị thái bình muôn thuở. Sở dĩ có thể sửa sang thế đạo, tô điểm hoàng đồ, tôn cho vua được như Nghiêu Thuấn, khiến cho dân được như dân thời Đường Ngu, há chẳng phải do khoa mục chọn hiền tài mà đạt được hay sao?

Kính nghĩ Hoàng đế bệ hạ, sự nghiệp nối tiếp hai vua, truyền thống kế thừa bốn thánh, chăm lo học đạo, trăn trở cầu hiền. Bao nhiêu điều quan yếu trong phép trị đạo của các đế vương thuở trước, cách thức cầu tìm hiền tài, phép thi cử chọn người đều được quán triệt, mở mang, trau dồi thêm đẹp. Quy phạm nghiêm ngặt, xử trí chặt chẽ, lựa chọn kỹ càng, thật đã chu đáo hết mức vậy. Nhờ thế danh sĩ tụ hội rất đông, người tài tìm đến, lựa chọn được nhân tài hơn hẳn mấy đời trước. Kẻ sĩ gặp thời cá nước, được hội gió mây. Người được dự vào hàng thị tòng, người vào ban gián nghị, hoặc sung chức ở các bộ các ti vẫn nên giữ tiết trung thành, trau dồi đức hạnh, nuôi ý chí, gắng sự nghiệp, bắt chước Cao, Quỳ, Chu, Thiệu2sánh hàng Hàn, Lục, Âu, 3tiếng để đời mình, công dành hậu thế, trên không phụ thịnh ý triều đình cất nhắc, dưới không phụ ý chí hoài bão thường ngày. Được như vậy thì tấm đá này khắc ra, càng lâu càng thêm sáng vậy. Nếu như sau trước khác nhau, ngoài là ngọc mà trong là đá, hoặc học tà như Công Tôn, hoặc biến tiết như Nguyên Chân, hoặc nham hiểm như Đinh Vị, hoặc gian tà như An Thạch, những điều người ta đọc thấy không giống như dư luận người ta đã nghe, việc làm trái với điều đã học, thì người đời sau xem bia sẽ chỉ vào tên mà chỉ trích chê cười, ngàn năm sau, tấm đá này đã bị tì vết thì làm sao có thể mài rửa được?

Quyền vua phép nước ngời ngời, thanh danh giáo hóa nghiêm nghị, các bậc quân tử có thể nào lại không tự trọng hay sao!

Thượng thư Bộ Lễ, Gia hạnh đại phu Tả xuân phường Tả dụ đức kiêm Đông các Đại học sĩ Khuông nghĩa doãn Đàm Văn Lễ vâng sắc soạn.

Bia dựng ngày 10 tháng 11 niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502).

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:

LÊ ÍCH MỘC 黎 益 沐4 người xã Thanh Lãng huyện Thuỷ Đường phủ Kinh Môn.

LÊ SẠN 黎 棧5 người xã Vạn Phúc huyện Thanh Trì phủ Thường Tín. 35 tuổi.

NGUYỄN VĂN THÁI 阮 文 泰6 người xã Tiền Liệt huyện Vĩnh Lại.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 24 người:

NGUYỄN CẢNH DIỄN 阮 景 演7 người xã Yên Tử huyện Tân Minh phủ Nam Sách.

NGUYỄN ĐỨC KHÂM 阮 德 欽8 người xã Uông Hạ huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.

NGUYỄN NHƯ CÔN 阮 如 琨9 người xã Trại Sơn huyện Giáp Sơn.

TRẦN DỰC 陳 翼10 người xã Ngải Lăng huyện La Sơn.

LÊ VĂN HỌC 黎 文 學11 người xã Đông Tháp huyện Đông Thành.

HẠ NGỌC CHÚC 夏 玉 燭12 người xã Yên Duyệt huyện Chương Đức.

NGUYỄN NGẠN 阮 彥13 người xã Yên Khoái huyện Phú Xuyên.

NGUYỄN VĨNH KIÊN 阮 永 堅14 người xã Yên Ninh huyện Cẩm Giàng.

ĐẶNG TUYÊN 鄧 宣15 người xã Lạc Dục huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.

NGUYỄN BÁ TÙNG 阮 伯 松16 người xã Tạ Xá huyện Tứ Kỳ.

NGUYỄN ĐỐC 阮 篤17 người xã Thổ Giá huyện Nông Cống.

VŨ BÁ DUNG 武 伯 庸18 người xã Thanh Giản huyện Đường An.

VŨ CÁN 武 幹19 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.

NGÔ VĂN HUY 吳 文 輝20 người xã Trâu Khê huyện Đường An.

TRƯƠNG ĐỨC QUANG 張 德 光21 người xã Ngọc Xuyết huyện Hoằng Hóa.

NGUYỄN CHƯỞNG 阮 掌22 người xã Thanh Thủy huyện Tiên Phúc.

HOÀNG SĨ DỊCH 黃  士 懌23 người xã Hoà Xá huyện Lương Tài.

NGUYỄN VĂN HIẾN 阮 文 獻24 người xã Vĩnh Thế huyện Siêu Loại.

VŨ BÁ THẮNG 武 伯 勝25 người xã Tiêu Sơn huyên Yên Phong.

MAI ĐỨC BÁ 梅 德 霸26 người xã Thạch Lỗi huyện Thạch Hà.

NGUYỄN TỰ 阮 敘27 người xã Vĩnh Mỗ huyện Sơn Vi.

ĐOÀN NHÂN THỤC 段 仁 淑28 người xã Nghĩa Đô huyện Từ Liêm.

BÙI DỤC TÀI 裴 育 才29 người xã [...] huyện Hải Lăng.

LÊ NHÂN TẾ 黎 仁 濟30 người xã Đại Nhuệ huyện Hoằng Hóa.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 34 người:

PHẠM KHIÊM BÍNH 范 謙 柄31 người xã Lãm Sơn huyện Quế Dương.

NGUYỄN VĂN KIỆT 阮 文 傑32 người xã Mỹ Xá huyện Ngự Thiên.

NGUYỄN DUY MINH 阮 維 明33 người xã Thượng Cốc huyện Gia Lộc.

NGUYỄN KIM 阮 金34 người xã Thạch Lựu huyện An Lão.

DOÃN MẬU KHÔI 尹 茂 魁35 người xã YênDuyên huyện Thượng Phúc.

NGUYỄN TỬ TRỌNG 阮 子 仲36 người xã An p huyện Hương Sơn.

CHỬ THIÊN KHẢI 褚 天 啟37 người xã Cối Giang huyện Đông Ngàn.

LÊ DỰC 黎 翼38 người xã Bối Khê huyện Thanh Oai.

ĐỖ VĂN HIỆU 杜 文 校39 người xã Hữu Quang huyện Yên Sơn.

HOÀNG TỬ NGHI 黃 子 儀40 người xã Công Luận huyện Văn Giang.

NGUYỄN VĂN HIẾN 阮 文 獻41 người xã Yên Ninh huyện Yên Dũng.

ĐINH TRINH 丁 貞42 người xã Vị Khê huyện Thanh Lan.

ĐÀO NHƯ HỔ 陶 如 虎43 người xã Triều Đông huyện Thượng Phúc.

HOÀNG NHẠC 黃 岳44 người xã Hoàng Xá huyện Đông Thành.

VŨ NGHI HƯỚNG 武 宜 向45 người xã Đại Vi huyện Tiên Du.

BÙI TÂN 裴 新46 người xã Kim Bảng huyện Thiên Bản.

LÊ KIM CHƯƠNG 黎 金 璋47 người xã Thanh Mai huyện Yên Phong.

NGUYỄN THẾ MỸ 阮 世 美48 người xã Lang Khuê huyện Tiên Lữ.

NGUYỄN TRỌNG HƯNG 阮 仲 興49 người xã Đại Đồng huyện Siêu Loại.

BÙI DOÃN CHÍNH 裴 允 正50 người xã Thắng Trí huyện Bình Tuyền.

PHẠM TRÁNG 范 壯51 người xã Dũng Nhuệ huyện Giao Thuỷ.

TRẦN LƯ 陳 驢52 người xã Bình Vọng huyện Thượng Phúc.

PHAN ĐÌNH MỤC 潘 廷 睦53 người xã Tây Hồ huyện Quảng Đức.

NGUYỄN XUÂN LAN 阮 春 蘭54 người xã Thì Mại huyện Bảo Lộc.

TRẦN HUYÊN 陳 暄55 người xã Diên An huyện Kim Động.

LÊ HIẾU TRUNG 黎 孝 忠56 người xã Chi Nê huyện Chương Đức.

NGUYỄN ĐOAN 阮 端57 người xã Thụy Chương huyện Quảng Đức.

LÊ ĐÌNH TƯỞNG 黎 廷 獎58 người xã Cao Mật huyện Kim Bảng.

ĐÀO THÚC VIỆN 陶 淑 院59 người xã Song Khê huyện Yên Dũng.

NGUYỄN VĂN ĐỆ 阮 文 弟60 người xã Yên Nhân huyện Chương Đức.

VŨ BÁ HUYÊN 文 伯 諠61 người xã Tùng Du huyện Gia Phúc.

MẠC VĂN UY 莫 文 威62 người xã Mạc Xá huyện Thanh Lâm.

NGUYỄN TỬ KIẾN 阮 子 建63 người xã Trạch Lôi huyện Thạch Thất.

NGUYỄN MẬU 阮 茂64 người xã Du La huyện Thanh Hà.

Quang lượng đại phu Trung thư giám Điển thư Chính tự khanh Phạm Định vâng viết chữ (chân).

Thông chương đại phu Kim quang môn Đãi chiếu Chính khanh Nguyễn Toản vâng viết chữ triện.

Bia dựng ngày 15 tháng 9 niên hiệu Đại Chính năm thứ 7 (1536)65.

Chú thích:

1. Nguyên văn: “Thành Chu chi thời thủy hữu Tiến sĩ chi tuyển”, nhưng thực thì không đúng như vậy. Vì lịch sử khoa cử Trung Quốc đã ghi rõ từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc tuy có xét chọn người để cho học lên cấp cao hơn, nhưng phải đến đời Tùy Dạng đế (605-616) mới chính thức bắt đầu có khoa thi Tiến sĩ. (Xem Thương Diễn Lưu: Đại Thanh khoa cử pháp bị khảo, Bắc Kinh, 1958).

2. Cao, Quỳ, Chu, Thiệu: Cao là Cao Dao, Quỳ là Hậu Quỳ, hai vị danh thần đời Ngu Thuấn; Chu là Chu Công Đán, Thiệu là Thiệu Thích, hai vị hiền thần đời vua Võ Vương nhà Chu.

3. Hàn, Lục, Âu, Tô: tức là Hàn Dũ, Lục Chí, Âu Dương Tu và Tô Thức (Đông Pha). Bốn vị danh Nho của Trung Quốc.

4. Lê Ích Mộc (?-?) người xã Thanh Lãng huyện Thủy Đường (nay thuộc xã Quảng Thanh huyện Thủy Nguyên, Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Tả Thị lang.

5. Lê Sạn (1476-?) người xã Vạn Phúc huyện Thanh Đàm (nay là xã Vạn Phúc huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông giữ chức các chức quan, như Đề sát, Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Lại và từng được cử đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng tước Trung Huân bá. Có sách chép nhầm Lê Nga.

6. Nguyễn Văn Thái (1479-?) người xã Tiền Liệt huyện Vĩnh Lại (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Học sĩ, tước Đạo Xuyên bá và từng được cử làm Phó sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê, ông ra làm quan cho nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước hầu. Ông từng được cử đi sứ phương Bắc hai lần, nhưng lần thứ hai bị giữ lại, rồi ông lấy vợ người Trung Quốc, sinh con là Ngạn Xán, theo họ mẹ là họ Trương. Trương Ngạn Xán sau này thi đỗ Tiến sĩ. Ông còn có tên là Nguyễn Trí Thái.

7. Nguyễn Cảnh Diễn (1447-?) người xã Yên Tử Thượng huyện Tân Minh (nay thuộc xã Khởi Nghĩa huyện Tiên Lãng Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lễ.

8. Nguyễn Đức Khâm (1470-?) người xã Uông Hạ huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Minh Tân huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

9. Nguyễn Như Côn (1481-?) người xã Trại Sơn huyện Giáp Sơn (nay thuộc xã An Sơn huyện Thủy Nguyên Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Chính đoán sự.

10. Trần Dực (1465-?) người xã Ngải Lãng huyện La Giang (nay thuộc huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Hộ, Đông các Hiệu thư. Ông giỏi thơ phú quốc âm (chữ Nôm), thường dự các cuộc xướng họa thơ với vua, nhiều lần được khen thưởng.

11. Lê Văn Học (1470-?) người xã Đông Tháp huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Tháp huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Tự khanh. Có tài liệu ghi ông người xã Lỗi Tuyền. Bia Văn Miếu tỉnh Hưng Yên ghi ông người xã Mạt Lỗi huyện Đông Yên.

12. Hạ Ngọc Chúc (1479-?) người xã An Duyệt huyện Chương Đức (nay thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây). Ông làm quan đến Hàn lâm viện Hiệu lý.

13. Nguyễn Ngạn (?-?) người xã Yên Khoái huyện Phú Xuyên (nay thuộc huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đô Ngự sử.

14. Nguyễn Vĩnh Kiên (1473-?) người xã Yên Ninh huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Cao An huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

15. Đặng Tuyên (?-?) người xã Lạc Dục huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Hưng Đạo huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hiến sát sứ.

16. Nguyễn Bá Tùng (?-?) người xã Tạ Xá huyện Tứ Kỳ (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo Tp. Hải Phòng). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

17. Nguyễn Đốc (?-?) người xã Thổ Giá huyện Nông Cống (nay thuộc xã Tế Thắng huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Sau theo nhà Mạc, làm quan Tả Thị lang Bộ Lại. Khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Lễ.

18. Vũ Bá Dung (?-?) người xã Thanh Giản huyện Đường An (nay thuộc xã Hồng Khê huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Hàn lâm.

19. Vũ Cán (1475-?) hiệu Tùng Hiên, người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Lễ, Chưởng Hàn lâm viện sự, Nhập thị Kinh diên và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Ông là con Vũ Quỳnh.

20. Ngô Văn Huy (?-?) người xã Châu Khê huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tự khanh.

21. Trương Đức Quang (?-?) người xã Ngọc Xuyết huyện Hoằng Hóa (nay thuộc huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Có sách ghi ông là Nguyễn Đức Quang.

22. Nguyễn Chưởng (1476-?) người xã Thanh Thủy huyện Tân Phúc (nay thuộc xã Đông Sơn huyện Sóc Sơn Tp. Hà Nội). Được vua phê đổi tên là Nguyễn Vĩnh Hòa. Ông làm quan Đô Ngự sử và từng được cử đi sứ.

23. Hoàng Sĩ Dịch (1450-?) người xã Lai Xá huyện Lang Tài (nay thuộc xã Phú Lương huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ. Ông là cha của Hoàng Sĩ Khải.

24. Nguyễn Văn Hiến (1476-?) người xã Vĩnh Thế huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Trí Quả huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lễ và được cử đi sứ.

25. Vũ Bá Thắng (?-?) người xã Tiên Sơn huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tương Giang huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Tham chính.

26. Mai Đức Bá (1477-?) người xã Thạch Lỗi huyện Thạch Hà (nay thuộc huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Hiến sát sứ.

27. Nguyễn Tự (1472-?) người xã Vĩnh Mộ huyện Sơn Vi (nay thuộc huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ). Ông làm quan Hàn lâm viện sự.

28. Đoàn Nhân Thục (?-?) người xã Nghĩa Đô huyện Từ Liêm (nay thuộc Nghĩa Đô huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan đến Hiến sát sứ.

29. Bùi Dục Tài (?-?) người xã Câu Nhi (theo Ô châu cận lục) huyện Hải Lăng (nay thuộc huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm Hiệu lý, Tham chính đạo Thanh Hoa, Tả Thị lang Bộ Lại, Tham tướng. Khi ông trở về kinh lý ở xứ Thuận Hoá bị gian đảng sát hại.

30. Lê Nhân Tế (1480-?) người xã Đại Nhuệ huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Thắng huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Đông các Hiệu thư. Có sách ông là Lê Nhậm Tế.

31. Phạm Khiêm Bính (?-?) người xã Lãm Sơn huyện Quế Dương (nay thuộc xã Nam Sơn huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đô Ngự sử. Khi Mạc Đăng Dung lên nắm quyền, phải ra yết kiến, bị truất xuống làm Hữu Thị lang Bộ Hộ.

32. Nguyễn Văn Kiệt (?-?) người xã Mỹ Xá (có sách ghi là Nghĩa Xá) huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Trần Phú huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Thiêm Đô Ngự sử.

33. Nguyễn Duy Minh (?-?) người xã Thượng Cốc huyện Gia Lộc (nay thuộc xã Gia Khánh huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tham chính.

34. Nguyễn Kim (?-?) người xã Thạch Lựu huyện An Lão (nay thuộc xã An Thái huyện An Lão Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Hiến sát sứ. Sau khi mất, ông được tặng Hữu Thị lang.

35. Doãn Mậu Khôi (?-?) người xã Yên Duyên huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Tô Hiệu huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Thời Lê ông được cử đi sứ (năm 1507) nhà Minh (Trung Quốc). Sau, ông làm quan triều Mạc đến chức Thượng thư kiêm Chưởng Hàn lâm viện, tước Tường An hầu.

36. Nguyễn Tử Trọng (1485-?) người xã An Ấp huyện Hương Sơn (nay thuộc xã Sơn Thịnh huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Đô Ngự sử.

37. Chử Thiên Khải (?-?) người xã Cối Giang huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Mai Lâm huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tham chính. Khi mất, ông được tặng Hữu Thị lang Bộ Hộ và tước Tường Sơn bá.

38. Lê Dực (?-?) người xã Bối Khê (có sách ghi là Đại Định) huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Tam Hưng huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thượng thư.

39. Đỗ Văn Hiệu (?-?) người xã Hữu Quang huyện Yên Sơn (nay thuộc huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Cấp sự trung. Đời Lê sơ và đời Mạc chưa có tên huyện Yên Sơn, huyện này là huyện Ninh Sơn. Đến đời Trang Tông Lê Duy Ninh, do kiêng huý mới đổi Ninh Sơn thành Yên Sơn. Bia này ghi xã Hữu Quang huyện Yên Sơn, cho thấy chữ Ninh đã bị đục sửa thành chữ Yên vào đời sau.

40 Hoàng Tử Nghi (?-?) người xã Công Luận huyện Văn Giang (nay thuộc xã Đồng Than huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

41. Nguyễn Văn Hiến (1468-?) người xã Yên Dũng huyện Yên Dũng (nay thuộc xã Tiến Dũng huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang). Ông làm quan Hiến sát sứ.

42. Đinh Trinh (?-?) người xã Vị Khê huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Thái Phúc huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình). Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Lễ, tước Thanh Xuyên bá và được cử đi sứ (năm 1507) sang nhà Minh (Trung Quốc).

43. Đào Như Hổ (?-?) người xã Triều Đông huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Tân Ninh huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan đến Tham chính.

44. Hoàng Nhạc (1478-?) người xã Hoàng Xá huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Cát huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An). Ông giữ các chức quan, như Giám sát Ngự sử, Hữu Thị lang và từng cử đi sứ Chiêm Thành.

45. Vũ Nghi Hướng (1481-?) người xã Đại Vi huyện Tiên Du (nay thuộc xã Đại Đồng huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thừa chính sứ.

46. Bùi Tân (?-?) người xã Kim Bảng huyện Thiên Bản (nay thuộc xã Kim Thái huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định). Ông làm quan đến Hữu Thị lang Bộ Hình.

47. Lê Kim Chương (1481-?) người xã Thanh Mai huyện Yên Phong (nay thuộc xã Vạn Thắng huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thừa chính sứ. (Bia ghi tên huyện là Yên Phong, có lẽ khi khắc lại bia hoặc đục sửa bị nhầm, đúng tên huyện của xã này là Tân Phong, sau đổi là Tiên Phong, nay thuộc huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây).

48. Nguyễn Thế Mỹ (?-?) người xã Lang Khuê (có tài liệu ghi là Lang Trụ) huyện Tiên Lữ (nay thuộc huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Thừa chính sứ.

49. Đào Trọng Hưng (?-?) người xã Đại Đồng huyện Siêu Loại (nay là xã Đại Đồng huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

50. Bùi Doãn Chính (1470-?) người xã Thắng Trí huyện Bình Tuyền (nay thuộc Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Thừa chính sứ.

51. Phạm Tráng (?-?) người xã Dũng Nhuệ huyện Giao Thủy (nay thuộc xã Xuân Hồng huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định). Ông làm quan đến Hữu Thị lang Bộ Hộ.

52. Trần Lư (?-?) người xã Bình Vọng huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Bạch Đằng huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hiến sát sứ.

53. Phan Đình Mục (1474-?) người phường Tây Hồ huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Trúc Bạch quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông làm quan đến Hữu Thị lang.

54. Nguyễn Xuân Lan (1470-?) người xã Thời Mại huyện Bảo Lộc (nay thuộc huyện Lạng Giang tỉnh Bắc Giang). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

55. Trần Huyên (?-?) người xã Diên An (có tài liệu ghi là An Cảo) huyện Kim Động (nay thuộc xã Ngọc Thanh huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Đô Ngự sử.

56. Lê Hiếu Trung (?-1522) người xã Chi Nê huyện Chương Đức (nay thuộc xã Trung Hòa huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Giám sát Ngự sử, Tư nghiệp Quốc tử giám và được cử đi sứ (năm 1507) tạ ơn sách phong của nhà Minh (Trung Quốc). Khi xảy ra vụ phản biến, Trịnh Tuy bắt vua Quang Thiệu đưa về Thanh Hóa. Ông bất khuất tự sát.

57. Nguyễn Đoan (1473-?) người phường Thụy Chương huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Thụỵ Khê quận Ba Đình Tp.Hà Nội). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ. Có tài liệu ghi ông là Lâm Đoan .

58. Lê Đình Tưởng (1474-?) người xã Cao Mật huyện Kim Bảng (nay thuộc xã Lê Hồ huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam). Ông làm quanPhó Đô Ngự sử.

59. Đào Thúc Viện (1472-?) người xã Song Khê huyện Yên Dũng (nay thuộc xã Song Khê huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang). Ông làm quan đến Hàn lâm Ký lục Liên sự.

60. Nguyễn Văn Đệ (1472-?) người xã Yên Nhân huyện Chương Đức (nay thuộc xã Hòa Chính huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây). Ông làm quan đến Thượng thư Bộ Lễ.

61. Vũ Bá Huyên (?-?) người xã Tùng Du huyện Gia Phúc (nay thuộc huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

62. Mạc Văn Uy (?-?) người xã Mặc Xá huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Minh Tân huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hiến sát sứ. Có tài liệu ghi ông là Mạc Văn Thành.

63. Nguyễn Tử Kiến (1477-?) người xã Trạch Lôi huyện Thạch Thất (nay thuộc xã Trạch Mỹ Lộc huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thượng thư.

64. Nguyễn Mậu (?-?) người xã Du La huyện Thanh Hà (nay thuộc xã Cẩm Chế huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương). Thời Lê, ông giữ chức Ngự sử đài Đô Ngự sử. Sau làm quan triều Mạc, thăng đến chức Thượng thư, Văn minh điện Đại học sĩ, tước Lễ Quận công và từng hai lần đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).

65. Bia này có 2 dòng ghi thời gian: ở trên đã ghi bia dựng ngày 10 tháng 11 niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502), nhưng có thể năm ấy chỉ mới viết bài ký mà chưa thực sự khắc chữ và khắc bia. Mãi đến đầu triều Mạc mới đem bài ký đã viết trước ra khắc chữ và khắc bia như đã ghi ở dòng cuối bia. Như vậy, những chú thích về các tên huyện bị sai, chứng tỏ bia này đã khắc lại hoặc đục sửa địa danh vào đời sau.

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1190&Catid=564

..



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.