Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

25/03/2023

Phủ Thái Bình (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay) - Nguyễn Mậu trên bia Văn Miếu số 2 (khoa thi 1448, dựng năm 1484)

Cùng năm 1484, vua Lê Thánh Tông (1442-1497, lên ngôi năm 1460) cho dựng nhiều bia Văn Miếu dể ghi danh các tiến sĩ đã đỗ nhiều khoa trước đó (khoa đầu tiên được khắc bia trong Văn Miếu hiện nay là khoa năm 1442, tiếp theo là các khoa: 1448, 1463, 1466, 1475, 1478, 1481).

Năm 1442 thuộc niên hiệu Đại Bảo (vua Lê Thái Tông).

Năm 1448 thuộc niên hiệu Thái Hòa (vua Lê Nhân Tông).

Năm 1463 và năm 1466  thuộc niên hiệu Quang Thuận (vua Lê Thánh Tông).

Các năm 1475-1478-1481 thuộc niên hiệu Hồng Đức (vua Lê Thánh Tông).

1. Cùng năm 1484, vua Lê Thánh Tông đã cho dựng 7 tấm bia Văn Miếu. Tất cả đều bia khổ lớn, được chế tác công phu, trên đều có ghi ngày khắc dựng bia là "ngày 15 tháng 8 năm Hồng Đức 15" (tức năm 1484).

Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) lên ngôi năm 1460 đặt niên hiêu là Quang Thuận, rồi đến năm 1469 lại đổi niên hiệu sang Hồng Đức:

- Quang Thuận (光順; 1460–1469)
- Hồng Đức (洪德; 1469–1497)

Theo các ghi chép thì có thể có 10 hay 11 tấm bia đã được dụng năm 1484, nhưng thực tế hiện nay thì chỉ thấy 7 tấm.

Lần đầu vua cho khắc bia Văn Miếu là năm 1484, và là "truy dựng" bia của nhiều khoa thi trước đó được tổ chức bởi triều đình vua cha Lê Thái Tông (1423-1442) và vua anh Lê Nhân Tông (1441-1459)

Cụ thể hơn một chút: khoa 1442 là được tổ chức bởi triều đình Lê Thái Tông; sau đó, khoa 1448 là được tổ chức bởi triều đình Lê Nhân Tông; hoàng tử Lê Nghi Dân giết vua Lê Nhân Tông và đoạt ngôi trong năm 1459, nhưng chỉ tại vị rất ngắn vì bị lật đổ năm 1460 - niên hiêu của Lê Nghi Dân là Thiên Hưng chỉ tồn tại khoảng 8 tháng. 

2. Trên bia khoa thi năm 1442 - tức năm Đại Bảo 3 đời vua Lê Thái Tông - (bia được dựng năm 1484 thuộc đời vua Lê Thánh Tông), có đoạn:

"Nay xét các khoa thi Tiến sĩ từ năm Đại Bảo thứ 3 đến nay đều chưa được dựng bia, bọn Thượng thư Bộ Lễ Quách Đình Bảo vâng mệnh Hoàng thượng đem họ tên thứ bậc người thi đỗ khắc lên đá tốt, đồng thời xin đem danh hiệu Trạng nguyên7, Bảng nhãn, Thám hoa lang đổi làm Tiến sĩ cập đệ, người đỗ Phụ bảng đổi gọi là đồng Tiến sĩ xuất thân để cho hợp với quy chế hiện nay. Hoàng thượng chuẩn tấu, sai từ thần là bọn Thân Nhân Trung chia nhau soạn bài ký.

.... Bia dựng ngày 15 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484)."

Tại sao Lê Thánh Tông chỉ cho dựng bia tiến sĩ bắt đầu từ khoa năm 1442 (Đại Bảo 3), mà không tiếp tục truy dựng tiếp các khoa trước đó nữa (trước năm 1442), thì hiện nay chưa rõ !

Điều biết rõ chắc chắn là: năm 1442 là năm vua cha là Lê Thái Tông từ trần (vua mất ngày 7 tháng 9 năm 1442 - cái chết gắn với vụ án Lệ Chi viên của vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ). Sau đó, Lê Nhân Tông lên ngôi, tổ chức được mấy khoa thi đại khoa, nhưng chỉ có khoa thi duy nhất năm 1448 được dựng bia (do Lê Thánh Tông cho dựng).

Từ năm 1448 đến năm 1663, tính ra là 15 năm, tại sao không có khoa thi nào được dựng bia. Bởi theo ghi chép thì chúng ta biết, trong 15 năm đó, có các khoa thi năm 1453 và năm 1458, đều cùng niên hiệu Thái Hòa của vua Lê Nhân Tông. Nhưng hai khoa này hiện không tìm thấy bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám - nên có có đặt câu hỏi rằng: vốn có bia rồi bị thất lạc, hay là từ đầu đã không được Lê Thánh Tông cho dựng ?

3. Thú vị là trên bia khoa thi năm 1448 (khoa thi thuộc đời vua Lê Nhân Tông, cùng được dựng với các bia khác vào năm 1484) có ghi tên nhà khoa bảng Nguyễn Mậu quê ở huyện Thụy Anh phủ Thái Bình.

Huyện Thụy Anh phủ Thái Bình ở thời điểm 1448 -1484 thì nay thuộc tỉnh Thái Bình.

Ở quê Thái Bình hiện nay, vẫn có kiểu tư duy áng chứng: bên Thái, bên Thụy. Tức huyện Thại Thụy thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay có một bên là các xã mang tên mở đầu bằng "Thái", và một bên là các xã mang tên mở đầu bằng "Thụy".

Chi tiết đoạn ghi về cụ Nguyễn Mậu như sau:

"阮茂太平府瑞英縣"

"Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 12 người:

NGUYỄN MẬU 阮茂  người huyện Thụy Anh phủ Thái Bình."

4. Toàn văn bia thì đọc ở bên dưới.


Tháng 3 năm 2023,

Giao Blog


---


Đình Bích Đoài

Thôn Bích Du Đoài, xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình



Nằm ở thôn Bích Đoài, xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Đình Bích Đoài là nơi tôn thờ tưởng niệm Hoàng giáp Nguyễn Mậu. Quan bảng Hoàng Giáp Nguyễn Mậu là một tri thức đại khoa, một trung thần thời Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông.

Ông cũng chính là một trong 38 vị đại khoa của tỉnh Thái Bình dưới thời Lê Sơ. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân xã Thái Nguyên đã khởi công xây dựng Đình Bích Đoài, để con cháu ngàn đời tôn thờ, tưởng niệm.



Đình Bích Đoài

Đình Bích Đoài xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVII, trải qua nhiều đợt trùng tu và ngôi đình hiện tồn là kết quả của đợt trùng tu cuối cùng năm 1924. Đình được xây theo kiểu chữ công, gồm có 3 tòa là tòa Tiền Đường, tòa Ống Muống và Tòa Hậu Cung.

Nét nổi bật trong phong cách kiến trúc của đình Bích Đoài là những nét chạm khắc tại các cốn mê của gian chính cung với các họa tiết cá hóa long, vịt táp sen, cua cá sống động mà hữu tình. Đình Bích Đoài được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia về loại hình kiến trúc nghệ thuật năm 1993. 

Đình Bích Đoài xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVII, trải qua nhiều đợt trùng tu và ngôi đình hiện tồn là kết quả của đợt trùng tu cuối cùng năm 1924.

Đình được xây theo kiểu chữ công, gồm có 3 tòa là tòa Tiền Đường, tòa Ống Muống và Tòa Hậu Cung. Nét nổi bật trong phong cách kiến trúc của đình Bích Đoài là những nét chạm khắc tại các cốn mê của gian chính cung với các hoạ tiết cá hoá long, vịt táp sen, cua cá sống động mà hữu tình.

Cách thành phố Thái Bình khoảng 30 km, đi theo Quốc lộ 10 và tỉnh lộ 456 là du khách đã đặt chân đến mảnh đất Thái Nguyên nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh nổi tiếng.

Từ xã Thái Nguyên, đi theo đường đê khoảng 11km, là du khách sẽ đến với Khu du lịch sinh thái Cồn Đen nổi tiếng của tỉnh Thái Bình. Việc kết hợp giữa tour du lịch tâm linh và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển chắc chắn sẽ tạo nên điểm đến thú vị với du khách.

http://balodi.vn/dia-diem/dinh-bich-doai#




Thứ 3, 02/12/2014 | 00:00


Căn cứ vào phong cách kiến trúc trên một số mảng chạm tại bức y môn gian chính cung toà Tiền đường, bài vị và niên đại của những tấm bia tại chùa thì đình Bích Đoài được khởi dựng ít nhất là vào đầu thế kỷ XVII. Ngôi đình hiện nay là  kết quả của đợt trùng tu cuối cùng vào năm Khải Định thứ 8 (1924).

Đình Bích Đoài có quy mô kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm 03 toà. Toà Tiền đường 05 gian, xây kiểu hồi văn đắp đấu, ngạc long ngậm đại bờ, mái chảy lợp ngói mũi. Các bẩy hiên tiền chạm lỗng, bong, kênh đề tài long hoá lá. Bộ khung kiến trúc gỗ với 04 hàng cột lim, bộ vì kèo theo kiểu chồng đấu hoa sen được chạm trổ đề tài tứ linh. Nét nổi bật trong phong cách kiến trúc của đình Bích Đoài là những nét chạm khắc tại các cốn mê của gian chính cung với các hoạ tiết cá hoá long, vịt táp sen, cua cá sống động mà hữu tình.

Toà Ống muống 02 gian để thông nối với toà Hậu cung, kết cấu bộ vì kèo theo kiểu quang đèn quen thuộc cùng với không gian thâm tĩnh huyền ảo. Đây là nơi đặt bài vị, long ngai, ban thờ và treo câu đối, hoành phi.

Toà Hậu cung kiến trúc theo kiểu tháp 3 tầng, cao 15m, mái tứ diện chồng diêm. Đại bờ tầng trên cùng đắp ngạc long ngậm. Các đao của ba tầng mái đắp song loan cách điệu uốn cong mềm mại.

Đình Bích Đoài là nơi tôn thờ, tưởng niệm Hoàng giáp Nguyễn Mậu - một trí thức đại khoa, một trung thần thời Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông. Ông là một trong 38 vị đại khoa của tỉnh Thái Bình dưới triều Lê Sơ. Công lao vào tài đức của ông xứng đáng là một danh nhân văn hoá, là niềm tự hào không chỉ riêng của người dân làng Bích Du Đoài, xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy, mà còn là niềm tự hào của cả tỉnh và cả nước. Việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hoá di tích đình Bích Đoài chính là một viên gạch xây đắp nền móng truyền thống văn hoá vững bền cho muôn đời sau.

https://thaibinh.gov.vn/tin-tuc-su-kien/lich-su-van-hoa/dinh-bich-doai-xa-thai-nguyen-huyen-thai-thuy-tinh-thai-binh.html

..



Lê triều bảo tích

Thứ 2, 27/12/2021


Trong các di tích đã xếp hạng của huyện Thái Thụy có 2 di tích liên quan đến triều vua Lê Thánh Tông là từ đường họ Quách ở xã Thái Phúc thờ hai anh em ruột cùng đỗ tiến sĩ dưới triều vua Thánh Tông là Thám hoa Quách Đình Bảo đỗ “Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh” khoa Quý Mùi năm Quang Thuận 4 (1463) và em trai là Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm đỗ “Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân” khoa Bính Tuất năm Quang Thuận 7 (1466). Không nằm trong danh sách được xếp hạng nhưng lại thờ những nhân vật có những đóng góp nhất định cho vương triều của vua Lê Thánh Tông là ngôi đình Ba Nóc, xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy thờ Tiến sĩ Nguyễn Mậu đỗ “Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân” (Hoàng giáp) khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6 (1448).

Từ đường họ Nguyễn, thôn Văn Hàn, xã Thái Hưng (Thái Thụy) thờ Tiến sĩ Nguyễn Công Định triều Lê, người có công khởi thảo bộ luật Hồng Đức.

Thám hoa Quách Đình Bảo từng giữ nhiều trọng trách trong triều như Lại bộ Thượng thư, Hình bộ Thượng thư kiêm Đô ngự sử, Lễ bộ Thượng thư, Quốc tử giám Tế tửu. Ông là người được vua Lê Thánh Tông giao trông coi toàn bộ công việc dựng bia Tiến sĩ đầu tiên ở Văn Miếu từ khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đến khoa thi Hồng Đức thứ 15 (1484). Ông cũng là người được cùng với vua Lê Thánh Tông và các quần thần khác biên soạn bộ Thiên nam dư hạ tập. Còn em ông, Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm từng giữ chức Lại bộ Thượng thư, Ngự sử đài Đô ngự sử. Khi Quách Hữu Nghiêm được cử đi sứ nhà Minh, vua Minh xem thơ ông đã khen là: nhân tài không kém gì Tam đại bên Trung Quốc. Ông cũng từng được cử làm Đề điệu trong các kỳ thi Đình chọn Tiến sĩ như khoa thi năm Bính Thìn Hồng Đức 27 (1496). Gắn với khu từ đường họ Quách ở thôn Vị Khê (nay là Phúc Khê), xã Thái Phúc, còn có khu lăng mộ của Thám hoa Quách Đình Bảo, ngôi mộ vẫn còn, được xây vòng xung quanh, còn kiến trúc lăng mộ thì đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp. Di vật Lê triều còn lưu giữ được tại từ đường họ Quách của Thám hoa Quách Đình Bảo có hai biển gỗ để rước các ông nghè vinh quy về làng. Mỗi tấm biển gỗ đều được gắn trên đoạn gỗ làm tay nắm dài khoảng 1m50, hai tấm biển có hai mặt đều khắc chữ Hán. Ở biển gỗ thứ nhất, mặt trước khắc hai chữ “Thám hoa” mặt sau khắc chữ “Quý Mùi khoa đình thi”. Đây là biển gỗ để nghênh đón Quách Đình Bảo vinh quy vì chính ông đã đỗ Thám hoa khoa thi đình năm Quý Mùi Quang Thuận 4. Ở biển gỗ thứ hai, mặt trước khắc 4 chữ “Tiến sĩ xuất thân”, mặt sau khắc “Đình thi Bính Tuất khoa”. Biển gỗ này để nghênh rước Quách Hữu Nghiêm đỗ Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất Quang Thuận 7. Hai biển gỗ này tuy không dám chắc là của chính thời Quang Thuận nhưng cũng là biển gỗ cổ rất ít khi gặp. Liên quan đến dòng họ Quách, ở xã Thụy Hà có ngôi đền Côn Giang nhìn ra sông Trà Lý, đây là ngôi đền thờ Quách Hữu Nghiêm, đền còn giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc cổ và các đồ tế khí. Ngôi đền được xây cạnh sông chỗ mà xưa kia Quách Hữu Nghiêm bị đắm thuyền sau khi đi sứ nhà Minh đang trên đường trở về quê, dân gian gọi là Cửa Vụng. Thăng trầm dâu bể, Cửa Vụng xưa không còn nữa, ngôi đền xây để tưởng nhớ ông. Dân xã Thụy Hà đã tôn ông là thành hoàng làng vì ông đã hiển linh cứu giúp dân.

Hoàng giáp Nguyễn Mậu (xã Thái Nguyên) được xếp thứ nhất trong số 12 người đỗ tiến sĩ xuất thân đệ nhị giáp. Ông giữ chức Hình bộ Tả Thị lang dưới triều vua Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1470). Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: Năm Quang Thuận 5 (1404) vua Lê Thánh Tông đã ban sắc dụ và bạc để ngợi khen Tiến sĩ Nguyễn Mậu vì ông đã “thẳng thắn chỉ ra” cho vua thấy những điều gì nên làm, nên tránh. Ở thôn Văn Hàn, xã Thái Hưng có từ đường dòng họ Nguyễn thờ ông tổ là Tiến sĩ Nguyễn Công Định. Nguyễn Công Định đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi Quang Thuận 4 (1463), cùng khoa thi này có Quách Đình Bảo người “đồng hương” huyện Thanh Lan với Nguyễn Công Định cùng đỗ Thám hoa. Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” viết: Nguyễn Công Định người xã Biền Cán, huyện Thanh Lan nay là xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy. Đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận 4 (1463) làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư. Quá trình điền dã, nhóm nghiên cứu chúng tôi được các bậc cao niên trong gia tộc họ Nguyễn cho biết, gia phả họ Nguyễn ở thôn Văn Hàn (chỉ còn bản chép tay tiếng Việt) có ghi hành trạng của Tiến sĩ Nguyễn Công Định từng giữ chức Hiệu lý ở Viện Hàn lâm sau làm Tham tá bộ Hình rồi giữ chức Thượng thư bộ Hộ. Ông là người được vua Lê Thánh Tông giao cho khởi soạn “Bộ luật Hồng Đức” và được vua Lê Thánh Tông ban sắc. Theo lời các cụ trong dòng họ Nguyễn, khoảng những năm 1948 - 1950 cuốn gia phả viết bằng chữ Hán và sắc phong của vua Lê Thánh Tông ban cho đã bị cháy cùng với ngôi từ đường họ Nguyễn cổ do pháo kích của giặc Pháp bắn vào làng.

Vượt dòng Diêm Hộ, từ Thái Hưng chúng tôi ngược lên phía Bắc của huyện Thái Thụy tìm về xã Thụy Hưng. Về thôn Xá Thị, chúng tôi được các bậc cao niên cho biết, ngôi đình làng Xá Thị thờ Tiến sĩ Phạm Tử Hiền làm Thành hoàng làng. Phạm Tử Hiền đỗ “Đồng tiến sĩ xuất thân Đệ tam giáp” khoa Tân Sửu Hồng Đức 12 (1471). Làng còn giữ 5 đạo sắc thời Nguyễn sắc cho dân làng phụng thờ ông. Thần tích đình làng còn ghi: Phạm Tử Hiền sau khi thi đỗ “Đệ tam giáp đồng tiến sĩ” được vua vời ra làm quan, ông làm Hiệu lý Hàn lâm viện và sau đó làm Hiến sát sứ đạo Thanh Hoa. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê cũng là lúc ông ngoài 60 tuổi nên cáo quan về quê, ông đã truyền nghề trồng cau cho dân làng. Hiện con cháu trong dòng họ của ông đã “thất tán” nên ở làng không còn từ đường dòng họ.

Dạt về phía Đông của huyện Thái Thụy, đặt chân đến di tích đình chùa thôn Hổ Đội, xã Thụy Lương, các bậc cao niên nơi đây cho chúng tôi biết, địa phương hiện còn giữ được cột mốc đê giới thời Đồng Đức, cột Mốc đê bằng đá xanh, cao 39cm, rộng 10cm. Trên bề mặt cột mốc đê khắc dòng chữ Hán: “Hồng Đức tam niên Hoàng đế ngự chế chiếu lập văn bi” nghĩa là: Năm Hồng Đức thứ 3 (1472) Hoàng đế ngự chế lệnh cho đặt văn bia. Điều đặc biệt là vị trí hiện tại của cột mốc theo các bậc cao niên vẫn nguyên vị trí cũ từ thời Hồng Đức. Tính từ cột mốc này ra đến đê biển hiện nay khoảng hơn 1km. 

Theo các cụ, quá trình khai hoang lấn biển của cư dân ở đây trong suốt hơn 500 năm qua đã tạo ra vùng đất bồi trên nền bãi biển cũ thời vua Lê. Cùng thời Hồng Đức, dấu tích còn lưu tại khu chùa thôn Chiêm Thuận (xã Thái Hồng) nay là Hồng Dũng còn một tấm bia đá to đặt trước cửa chùa nhưng chữ đã mờ gần hết chỉ còn dòng niên đại “Hồng Đức tứ niên”, theo các lão phật tử chùa cho biết, đó là bia ghi về một số cư dân ở vùng Nga Sơn - Thanh Hóa di cư ra vùng đất này sinh cơ lập nghiệp, dựng lên xóm ấp...

Ngoài các di tích cổ, về di văn (văn bản Hán Nôm), ghi nhận địa bàn huyện Thái Thụy còn có hai văn bản chép tay thời Hồng Đức là hai đạo sắc “phong ban” cho vị Thành hoàng làng Quang Lang xã Thụy Hải. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, hai đạo sắc này cùng với một số đạo sắc khác còn giữ được ở ngôi đền thờ thành hoàng là những đạo sắc cổ nhất nước ta. Sắc phong được viết trên một loại giấy trắng ngà, mỏng, mịn, trong lòng sắc còn rõ hình rồng, tua mây được quỳ vàng mỏng. Cả hai đạo sắc đều bị rách mất phần đầu vài dòng chữ viết nhưng nội dung cơ bản cùng niên đại, dấu ấn triện còn rất rõ ràng.

Quang Viện 

https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/52/142430/le-trieu-bao-tich

..


2- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA MẬU THÌN NIÊN HIỆU THÁI HÒA NĂM THỨ 6 (1448)

Cập nhật lúc 10h14, ngày 25/01/2009

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA MẬU THÌN
NIÊN HIỆU THÁI HÒA NĂM THỨ 6 (1448)


 太和六年戊辰科進士題名碑記

大越仁宗仁孝宣皇帝嗣成大統十有七年凡三設科招徠多士當時得人效用克底承平任使之間不為無補然大和十一年癸酉延寧五年戊寅二科皆無殿試惟和六年戊辰一科有殿試策是時天下之士領鄉薦而會禮圍者七百五十餘名有司論其秀者二十七名秋八月二十三日上御集賢殿降賜清問命特進入內司寇同平章事臣鄭克復題調御史臺御史中臣何票監試門下省左司左納言知北道軍民簿籍臣阮夢荀翰林院承旨學士臣陳舜俞國子監祭酒臣阮子晉讀卷擇其葑之可釆者得阮堯咨等以下賜進士及第出身有差冠服宴咸循开典惟立石題名之制時未舉行上宅尊之廿五歲作興士類文運益隆粉治平聲明大備詔冬官刻石用垂無窮又命阮潤文臣奉玉音方為斯文多士賀不敢以蕪陋辭謹拜手稽首而進言曰帝王正治之大莫重於人國家制度之詳必待夫後聖蓋為治而不本於人才制作而不資夫後聖皆苟焉耳烏從致治效風之隆文物典章之備哉惟太祖統天啟運聖德神功睿文英武寬仁智至明大孝高皇帝以武功遏亂略以文德其治平順天建元首飭學政其道化之久洽文運之昌萬世太平於是乎權輿矣太宗繼天體道顯德聖功欽明文武英睿仁哲昭惠皇帝武烈文謨重襲矩大寶三祀肇闡儒科其才雋之彙升紀綱之振舉尤可迪後文運於此乎恢張矣仁宗皇帝繼志述事武觀文選士任能恪遵成憲至於碑太學闕典未修備物盡文時若有待今上皇帝天啟中興躬任斯道隆儒一事尤所惓惓況乎列聖涵養之深加以廿年振作之力向也每六年一大比今則酌從周制無慮三年矣向也取士率不過二三十名今則廣覈實才其數六倍矣以至崇獎作興德意之厚恩榮次第節目之詳渾然燦然度越古所以堅有刻紀有文置在賢關用勸多士皇王制度猗歟休哉然則朝文明之祥科目之兆於順天始於大寶行於和而盛於洪德也非聖上盡君師之責親制作之權安能成先志之未成備前聖之未備耶聖子神孫仰承盛意規模宏遠百世可知士而斯石題雖已半登鬼錄然其人之忠邪真偽所行之得失是非公論凜如千古莫遁其見任職者正當念先朝之選列感今日之顯揚晚節長途慎無愧忝為之後進者撫摩玆刻顧文亦當知聖朝鼓勵之方求前輩名實之跡擇其善者從而師之毋使後之議今猶今之議昔則善之善矣臣謹記

中貞大夫翰林院侍讀兼東閣大學士臣杜潤奉敕撰

謹事郎中書監正字臣阮竦奉敕書

茂林郎金光門待詔臣蘇奉敕篆

洪德十五年八月十五日立

第一甲三名賜進士及第

阮堯咨慈山府武寧縣

鄭鐵長紹天府安定縣

朱添威下洪府四岐縣

第二甲十二名賜進士出身

阮茂太平府瑞英縣

楊執河華府奇華縣

鄭堅紹天府永寧縣

范德侃下洪府永賴縣

阮廷常信府上福縣

阮伯驥應天府彰德縣

阮貽厥應天府青威縣

鄧宣快州府天施縣

裴福應天府彰德縣

潘歡國威府寧山縣

阮文質三帶府白鶴縣

阮叔通國威府丹鳳縣

第三甲十二名賜同進士出身

段仁公應天府青威縣

黃蒙蒞仁府青廉縣

阮原稹南策府青林縣

阮宗磊三帶縣白鶴縣

阮善下洪府四岐縣

陶雋應天府彰德縣

丁明御天府永寧縣

謝子顛國威府慈廉縣

陳惟馨常信府上福縣

范國常信府青潭縣

武德林上洪府唐安縣

阮馭御天府永寧縣

 

Nhân Tông Tuyên hoàng đế nước Đại Việt kế thừa nghiệp lớn đã 17 năm, ba lần đặt khoa thi chiêu mời kẻ sĩ. Đương thời, việc chọn được người hiền tài để sử dụng, nối giữ trị bình, có tác dụng không phải nhỏ. Năm Quý Dậu niên hiệu Thái Hòa thứ 11 (1452), năm Mậu Dần niên hiệu Diên Ninh thứ 5 (1458) cả hai khoa đều không Điện thí, chỉ có khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 là có Điện thí. Khoa ấy, kẻ sĩ trong nước đỗ Hương tiến đến dự thi Hội ở Bộ Lễ hơn 750 người, quan Hữu ti chọn hạng xuất sắc được 27 người.

Mùa thu, ngày 23 tháng 8, Hoàng thượng ngự điện Tập Hiền, đích thân ra đề văn sách. Sai Đặc tiến Nhập nội Tư khấu Đồng Bình chương sự Trịnh Khắc Phục làm Đề điệu, Ngự sử trung Thừa Ngự sử đài Hà Lật làm Giám thí, Môn hạ sảnh Tả ty Tả nạp ngôn Tri Bắc đạo quân dân bạ tịch Nguyễn Mộng Tuân, Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ Trình Thuấn Du, Quốc tử giám Tế tửu Nguyễn Tử Tấnlàm Độc quyển. Lấy những bài thi có văn phong khí cốt đáng khen, chọn bọn Nguyễn Nghiêu Tư trở xuống, ban cho đỗ Tiến sĩ cập đệ và xuất thân có thứ bậc khác nhau. Mọi nghi thức ban cấp áo mũ, yến tiệc đều tuân theo lệ cũ. Duy có việc dựng đá đề danh thì lúc đó chưa kịp tiến hành.

Hoàng thượngở ngôi báu năm thứ 15, chấn hưng sĩ khí, sứ mệnh của văn học càng được đề cao, tô điểm cho nền trị bình, tuyên bố rõ ràng đầy đủ. Bèn xuống chiếu cho quan Bộ Công khắc đá để truyền đến muôn đời. Lại sai kẻ bề tôi là (Đỗ) Nhuận soạn văn bia. Thần kính vâng lời ngọc, cũng mừng cho nền tư văn và hàng sĩ tử nước nhà, há dám viện cớ vụng về chối từ, kính cẩn cúi đầu rập đầu mà dâng lời rằng:

Sự lớn lao của nền chính trị của bậc đế vương không gì quan trọng bằng việc trọng dụng nhân tài. Sự đầy đủ về các chế độ của quốc gia, ắt phải chờ ở bậc vua thánh đời sau. Việc cai trị mà không lấy nhân tài làm gốc, lập quy mô mà không nghĩ tính cho các vua sau, thì đều phải coi là cẩu thả. Làm sao có thể từ nền trí trị mà làm cho phong tục lên cao, điển chương văn vật được đầy đủ?

Kính nghĩ Thái Tổ Cao hoàng đế nối trời mở vận, thánh đức công thần, văn hay võ giỏi, trí dũng khoan nhân, sáng suốt đại hiếu, đem vũ công dẹp yên loạn lạc, lấy văn đức dựng nền trị bình. Từ khi đặt niên hiệu Thuận Thiên đã cho mở mang việc học, giáo hóa thấm nhuần, vận hội văn chương thịnh sáng, nền thái bình muôn thuở chính nhờ đó mà bắt đầu.

Thái Tông Chiêu Huệ hoàng đế thay trời hành đạo, làm hiển rạng công đức của Cao hoàng, kính cẩn sáng suốt văn võ, tinh anh mẫn tiệp, nhân ái hiền triết, giỏi võ giỏi văn, giữ khuôn phép cũ. Niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), bắt đầu mở rộng Nho khoa, anh tài được chọn tuyển vinh thăng, kỷ cương được chấn chỉnh, làm rạng rỡ đời trước, để lại khuôn mẫu cho đời sau, chính từ đó mà cơ đồ được khôi phục mở mang.

Nhân Tông hoàng đế nối chí kế nghiệp, trọng võ tôn văn, dùng kẻ sĩ chọn hiền tài, kính theo điển chương chế độ thành pháp, nhưng riêng việc dựng bia ở nhà Thái học thì vẫn còn chưa kịp làm. Muốn ghi chép văn vật thật đầy đủ, dường như còn phải đợi thời.

Nay Thượng hoàng đế thay trời mở vận trung hưng, gánh vác đạo lớn, đề cao Nho học, suy nghĩ canh cánh bên lòng. Huống chi đã được liệt thánh hàm dưỡng sâu sắc, lại thêm mười năm ra sức chấn hưng tác thành. Trước đây 6 năm mới mở một khoa thi lớn, nay theo qui chế nhà Chu, chỉ 3 năm mở một khoa cũng không ngần ngại. Trước chọn kẻ sĩ chỉ lấy đỗ không quá hai ba chục người. Nay thì rộng chọn thực tài, không ngại số người trúng tuyển tăng lên gấp bội. Cho đến việc ban khen cất nhắc, đức ý nồng hậu, ơn vinh ban phong có thứ bậc khác nhau, tiết mục rành rẽ tự nhiên rực rỡ, vượt cả xưa nay. Cho soạn bài ký khắc vào đá tốt đặt tại cửa hiền để khuyến khích kẻ sĩ. Chế độ của Thánh thượng thật tốt đẹp thay!

Như vậy thì trong sự đầy đủ của nền văn minh triều ta, chế độ khoa cử khởi đầu từ năm Thuận Thiên mà chính thức bắt đầu từ năm Đại Bảo, tiếp tục thi hành vào đời Thái Hòa, mà thịnh nhất là đời Hồng Đức vậy. Nếu chẳng phải Thánh thượng làm hết trách nhiệm của người làm vua làm thầy, đích thân nắm quyền hành, thì làm sao có thể làm xong những việc mà tiên đế chưa làm xong, hoàn thiện những điều mà tiên thánh chưa làm đủ.

Con thánh cháu thần, ngước nối chí lớn, qui mô xa rộng, trăm đời sau vẫn còn biết được.

Nay những người được đề tên vào tấm đá này, cho dù nay đã có nửa phần tuổi tác đã cao, nhưng con người trung chính hay tà ngụy thế nào, việc làm được mất nên hư thế nào, công luận nghiêm xét, ngàn đời khó trốn.

Còn những người hiện đương tại chức, hãy nên nhớ lại ơn lựa chọn của tiên triều, ngẫm tới sự hiển đạt của mình ngày nay, tiết muộn đường dài, hãy thận trọng để khỏi hổ thẹn. Còn những người hậu tiến sờ vào tấm đá này, liếc nhìn bài văn này cũng nên biết cách thức khích lệ của thánh triều, kiếm tìm dấu tích danh thực của tiền bối, lựa lấy điều hay để theo mà bắt chước; đừng để cho đời sau phải chê trách đời nay, cũng như đời nay phải chê trách đời trước, thế là việc rất tốt trong việc tốt vậy.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Trung trinh đại phu Hàn lâm viện Thị độc kiêm Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuậnvâng sắc soạn.

Cẩn sự lang Trung thư giám Chính tự Nguyễn Tủng vâng sắc viết chữ (chân).

Mậu lâm lang Kim quang môn Đãi chiếu Tô Ngại vâng viết chữ triện.

Bia dựng ngày 15 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484).

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:

NGUYỄN NGHIÊU TƯ 阮堯咨3người huyện Vũ Ninhphủ Từ Sơn.

TRỊNH THIẾT TRƯỜNG 鄭鐵長4người huyện Yên Định phủ Thiệu Thiên.

CHU THIÊM UY 朱添威5người huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 12 người:

NGUYỄN MẬU 阮茂6 người huyện Thụy Anh phủ Thái Bình.

DƯƠNG CHẤP TRUNG 楊執中7 người huyện Kỳ Hoa phủ Hà Hoa.

TRỊNH KIÊN 鄭堅8 người huyện Vĩnh Ninh phủ Thiệu Thiên.

PHẠM ĐỨC KHẢN 范德侃9 người huyện Vĩnh Lại phủ Hạ Hồng.

NGUYỄN ĐÌNH TÍCH 阮廷錫10người huyện Thượng Phúc phủ Thường Tín.

NGUYỄN BÁ KÝ 阮伯驥11 người huyện Chương Đức phủ Ứng Thiên.

NGUYỄN DI QUYẾT 阮貽厥12 người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.

ĐẶNG TUYÊN 鄧宣13 người huyện Thiên Thi phủ Khoái Châu.

BÙI PHÚC 裴福14 người huyện Chương Đức phủ Ứng Thiên.

NGUYỄN VĂN CHẤT 阮文質15 người huyện Bạch Hạc phủ Tam Đới.

PHAN HOAN 潘歡16 người huyện Ninh Sơn phủ Quốc Oai.

NGUYỄN THÚC THÔNG 阮叔通17 người huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 12 người:

ĐOÀN NHÂN CÔNG 段仁公18 người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.

HOÀNG MÔNG 黃蒙19người huyện Thanh Liêm phủ Lị Nhân.

NGUYỄN NGUYÊN CHẨN 阮原稹20người huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.

NGUYỄN TÔNG LỖI 阮宗磊21 người huyện Bạch Hạc phủ Tam Đới.

NGUYỄN THIỆN 阮善22 người huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.

ĐÀO TUẤN 陶 寯23 người huyện Chương Đức phủ Ứng Thiên.

ĐINH MINH 丁明24 người huyện Vĩnh Ninh phủ Ngự Thiên25.

TẠ TỬ ĐIÊN 謝子顛26 người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.

TRẦN DUY HINH 陳維馨27 người huyện Thượng Phúc phủ Thường Tín.

PHẠM QUỐC TRINH 范國楨28 người huyện Thanh Đàm phủ Thường Tín.

VŨ ĐỨC LÂM 武德林29 người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.

NGUYỄN NGỰ 阮馭30 người huyện Vĩnh Ninh phủ Ngự Thiên.

Chú thích:

1.Nguyễn Tử Tấn (?-?) ông hiệu là Chuyết Amvà tự là Tử Tấn, sau lấy tên tự làm tên gọi, người xã Triều Liệt huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông vốn là Lý Tử Tấn vì đời Trần có lệ kiêng huý chữ Lý và họ Lý phải đổi làm họ Nguyễn; mặc dù đến đầu đời Lê có lệnh cho khôi phục họ cũ, nhưng do đương thời đã quen gọi, nên văn bia này vẫn ghi là Nguyễn Tử Tấn. Lý Tử Tấn thi đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Canh Thìn, niên hiệu Thánh Nguyên thứ 1 (1400) đời vua Hồ Quý Ly, nhưng không ra làm quan với nhà Hồ. Sau này, ông ra làm quan với nhà Lê, giữ chức Hàn lâm viện Học sĩ.

2. Nay Thượng hoàng đế: chỉ Lê Thánh Tông.

3. Nguyễn Nghiêu Tư (?-?) hiệu là Tùng Khê và tự là Quân Trù , người xã Phù Lương huyện Võ Giàng (nay thuộc huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm Trực Học sĩ, rồi làm Tân Hưng lộ An phủ sứ. Thời Lê Nghi Dân tiếm ngôi, triều đình cử ông làm Phó sứ (năm 1460) sang nhà Minh (Trung Quốc) cầu phong. Sau này, ông làm quan Thượng thư chưởng lục bộ.

4. Trịnh Thiết Trường: Xem chú thích 40, Bia số 1.

5. Chu Thiêm Uy (?-?) người làng Hương Quất huyện Tứ Kỳ (nay xã Kỳ Sơn huyện Tứ Kì tỉnh Hải Dương). Ông làm quan An phủ sứ Tân Hưng hạ lộ.

6. Nguyễn Mậu (?-?) người thôn Bích Du huyện Thuỵ Anh (nay thuộc xã Thái Thượng huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình kiêm Đô Ngự sử.

7. Dương Chấp Trung (1414-1469) người xã Sài Xuyên huyện Kỳ Hoa (nay thuộc huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Tham chính Thừa tuyên sứ, Đại lý tự khanh, Hữu Thị lang Bộ Hình và sau thăng Tả Thị lang.

8. Trịnh Kiên (1406-?) người huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hàn lâm Trực học sĩ và được cử đi sứ Chiêm Thành (năm 1449).

9. Phạm Đức Khản (?-?) người xã Hội Am huyện Vĩnh Lại (nay thuộc xã Cao Minh huyện Vĩnh Bảo Tp.Hải Phòng). Ông làm quan Tả Thị lang. Có tài liệu ghi ông là Phạm Đức Trung.

10. Nguyễn Đình Tích (?-?) người huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Thừa chỉ, Tri Đông đạo quân dân, sau thăng đến Thượng thư Bộ Binh.

11. Nguyễn Bá Ký (?-1465) người xã Viên Nội huyện Chương Đức (nay thuộc xã Viên Nội huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thượng thư, tước Quận công, Quốc tử giám Tế tửu kiêm Văn minh điện Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên và được cử làm Phó sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).

12. Nguyễn Di Quyết (?-?) người xã Trung Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Kiến Hưng thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thị lang.

13. Đặng Tuyên (?-?) người xã Bình Lãng huyện Thiên Thi (nay thuộc xã Tiền Phong huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hàn lâm viện Thừa chỉ.

14. Bùi Phúc (?-?) người xã Lam Điền huyện Chương Đức (nay thuộc xã Lam Điền huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Quốc sử viện Đồng tu sử.

15. Nguyễn Văn Chất (1422-?) người xã Vũ Di huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Vũ Di huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Thượng thư và được cử đi sứ (năm 1480) sang nhà Minh (Trung Quốc).

16. Phan Hoan (1418-1472) người xã Lật Sài huyện Ninh Sơn (nay thuộc huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đồng Tu sử viện.

17. Nguyễn Thúc Thông (?-?) người xã Quế Dương huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Cát Quế huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông từng giữ chức Quốc sử Đồng tu sử viện, sau thăng đến chức Tham chính.

18. Đoàn Nhân Công (?-?) người xã Cao Mật huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Thanh Cao huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông từng được bổ chức Ngự tiền học sinh.

19. Hoàng Mông (?-?) người xã Bằng Khê huyện Thanh Liêm (nay thuộc xã Liêm Trung huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

20. Nguyễn Nguyên Chẩn: Xem chú thích 50, Bài số 1.

21. Nguyễn Tông Lỗi (1414-?) người xã Bồ Điền huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Thượng Trưng huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc). Ông giữ các chức quan, như Quản lĩnh, Đồng tri Trung Bắc giang vệ.

22. Nguyễn Thiện (?-?) người làng Hương Quất huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Kỳ Sơn huyện Tứ Kì tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lại.

23. Đào Tuấn (1419-?) người xã Sùng Sơn huyện Chương Đức (nay thuộc huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Ngự sử đài Thiêm Đô Ngự sử, sau thăng đến chức Thượng thư Bộ Binh, tước Sùng Sơn bá và từng được cử đi sứ (năm 1465) sang nhà Minh (Trung Quốc).

24. Đinh Minh (1415-?) người huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

25. Ngự Thiên: Đời Lê không có tên phủ Ngự Thiên. Vĩnh Ninh là huyện đời Trần Hồ và thời thuộc Minh thuộc phủ Thanh Hóa. Đời Lê Thánh Tông đặt huyện Vĩnh Ninh thuộc phủ Thiệu Thiên. Ngay trong bia này, cách mấy dòng trên, quê của Trịnh Kiên cũng ở huyện Vĩnh Ninh ghi tên phủ là Thiệu Thiên. Như vậy, Ngự Thiên có thể là do Thiệu Thiên nhầm thành, khi khắc lại bia vào năm 1863.

26. Tạ Tử Điên (?-?) người xã Ỷ La huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Dương Nội huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây), sau di cư đến xã La Phù (nay thuộc xã La Phù huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tham chính và từng được cử đi sứ nhà Minh (Trung Quốc).

27. Trần Duy Hinh (?-?) người xã Vũ Lăng huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Thắng Lợi huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Tri phủ Tường Lân, Tham nghị Lạng Sơn.

28. Phạm Quốc Trinh (?-?) người Tiểu Lan Châu huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Duyên Hà huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thị lang.

29. Vũ Đức Lâm (?-?) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư.

30. Nguyễn Ngự (1413-?) người huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa). Ông từng làm quan Phó Đô Ngự sử.



http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1198&Catid=564


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.