Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

26/04/2022

Thanh niên kinh đô Huế thời Cách mạng Tháng Tám 1945 - Tôn Thất Hoàng, Phan Tử Lăng, và nhiều người khác

Về Tôn Thất Hoàng, thì đọc trên Giao Blog ở đây.

Bây giờ, giới thiệu một chút ít tư liệu về Phan Tử Lăng (1913-1993), mà Giao Blog mới nhắc nhanh ở entry về cung Phổ Hóa ở Huế (xem lại ở đây).

Tôn Thất Hoàng có cha ruột là Thượng thư Tôn Thất Quảng dưới triều Bảo Đại (thập niên 1940). Cụ thượng thư là một người kính ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh.

Phan Tử Lăng có cha ruột là Quang lộc tự khanh Phan Tử Phong dưới triều Bảo Đại (thập niên 1940). Cụ Quang lộc tự khanh cũng là một người kình ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh, cùng vợ là Nguyễn Thị Đào đã lập nên cung Phổ Hóa ở Huế.

Chạy một ít tư liệu. Mở đầu là bài của Ngô Minh ở Huế.

Các tư liệu bổ sung và cập nhật ở dưới sẽ xếp theo thứ tự thời gian.

Tháng 4 năm 2022,

Giao Blog


---

Đăng bởi: Ngô Minh | 17.08.2012

Trường Thanh niên Tiền Tuyến Huế

NGÔI TRƯỜNG ĐÀO TẠO TƯỚNG LĨNH CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN CỦA HAI TRÍ THỨC XỨ NGHỆ

 Ngô Minh

Cựu chiến binh chụp ở Ngôi nhà xưa của trường
Thanh niên tiền tuyến Huế.

             Một buổi sáng chủ nhật tháng 8, các vị cựu chiến binh cựu trào trong cách mạng Tháng 8 ở Huế như vợ chồng anh Vĩnh Mẫn- chị Quế , anh Nguyễn Đình Dánh, Nguyễn Văn Du, cùng  anh Phan Tân Hội (con cụ Phan Anh, người sáng lập Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945 ), rủ tôi cùng đi thăm mộ giáo sư xuất thân từ Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế Nguyễn Phước Hoàng và mộ các chiến sĩ trinh sát thiếu niên của Trung đoàn Trần Cao Vân Huế nổi tiếng những ngày đầu cách mạng như Phùng Quán, Mai Duy Hồ. Chuyến đi như là một cách tìm về ký ức mùa thu Tháng Tám. Ba ngôi mộ, nhưng lại nằm ở hai cực Tây – Nam Huế. Viếng mộ nhà thơ Phùng Quán ở miền Tây Thủy Dương xong, chúng tôi lại quay lại  Huế để lên Chùa Huyền Không viếng anh Nguyễn Phước Hoàng. Anh Nguyễn Đình Dánh, một người bạn trinh sát thuở còn để chỏm với Phùng Quán, từ Nha Trang ra,  là người dẫn đường. Anh Dánh năm nay  84 tuổi rồi mà đi đứng thoăn thoắt, nhanh nhẹn lắm. Lần đầu tiên tôi được biết trong ngôi chùa Huyền Không nổi tiếng, ngay đằng sau Chánh điện, có một gian thờ của gia đình Hoàng tộc Nguyễn Phước Hoàng. Gian thờ luôn mở cửa. Khách  vào viếng tự do. Anh Dánh giải thích, sở dĩ trong chùa Huyền Không lại có một gian thờ gia đình như thế là do ngày xưa gia đình anh Hoàng đã hiến đất để xây chùa. Anh  Nguyễn Phước Hoàng vừa mất năm ngoái. Năm 2010, anh về thăm Huế, nhà văn Nguyễn Khắc Phê  đã gặp gỡ người chiến binh nổi tiếng từng là “trợ lý” của ông Tạ Quang Bửu, là “Đặc vụ ủy viên” , một trong 2 vị sáng lập Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế, để viết bài báo về Nguyễn Phước Hoàng, “cuộc đời 90 năm của ông có đến… 9 cái hạng nhất”: Học trò đầu tiên nhà bác học chế tạo vũ khí Trần Đại Nghĩa, huấn luyện viên bắn Bazoka  đầu tiên,  thầy dạy khoa pháo binh đầu tiển của QĐND Việt Nam .v.v..Thì ra, mới năm ngoái đây thôi, một thành viên, nhân chứng của lịch sử cách mạng có tên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế vẫn còn sống. Nghe nói Đài truyền hình Huế nghe  tin, tìm đến nhà để quay phim, phỏng vấn, thì anh Nguyễn Phước Hoàng đã vô Sài Gòn rồi. Thế là mất bao hình ảnh quý . Sau khi viếng anh Nguyễn Phước Hoàng, xe chúng tôi lại đi tìm một một người lính trinh sát thiếu niên Huế cùng thời  với  anh Vĩnh Mẫn là Mai Duy Hồ. May là anh Nguyễn Văn Du nhớ đường. Anh Mai Duy Hồ mới mất mấy năm nay, anh Nguyễn Văn Du có đi đưa tang bạn, nên nhớ đường là rẽ vào giữa Văn Miếu và Võ Miếu Huế , nhưng không nhớ mộ nằm ở đâu. Nhờ mấy bác thợ xây mộ nghĩa trang, chúng tôi nhanh chóng tìm ra cố nhân để xếp hàng dưới nắng  trưa đổ lửa, thắp cho người quá cố oai hùng một nén nhang tưởng niệm.

GS. TẠ QUANG BỬU

      Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945 thì nhiều người biết. Đây là một tổ chức huấn luyện quân sự cách mạng do chính vị bộ trưởng Thanh Niên của chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật lập nên khi quân Nhật đảo chính Pháp. Nói cách khác đây là một tổ chức của trí thức yêu nước, tự nguyện dấn thân vì dân tộc.  Ngày 17/4/1945, Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim được thành lập, với nội các gồm 10 bộ; trong đó có Bộ Thanh Niên do Luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng (không có bộ Quốc phòng) và ông Tạ Quang Bửu làm “Đặc vụ ủy viên”. Ông Phan Anh (sinh ngày 1 tháng 3 năm 1912 , mất ngày 28 tháng 6 năm 1990) là Luật sư nổi tiếng, nhà chính trị, quê  ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọtỉnh Hà Tĩnh. Bộ trưởng quốc phòng  đầu tiên của Nước VNDCCH năm 1946. Sau đó làm Bộ trưởng kinh tế, bộ trưởng Ngoại thương đến nưm 1976. GS Tạ Quang Bửu sinh ngày 23-7-1910 trong một gia đình nền nếp gia phong tại làng Hoành Sơn, xã  Nam Hoành, Nam Đàn, Nghệ An, tạ thế ngày 21-8-1986. Ông từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Hai nhà trí thức lớn Xứ Nghệ này đã có một sáng kiến cực kỳ thức thời, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn và tầm nhìn chiến lược, là lập nên một ngôi trường đào tạo nhân tài cho cách mạng Việt Nam tương lai, nằm ngay trong  chính phủ thân ngoại bang. Đây là ngôi trường có một không hai trên thế giới. Nói cách khách đây là nơi tập hợp trí thức yêu nước để mong việc lớn sau này.

       Ngày 16/6/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim ra Sắc lệnh số 15 thành lập Trường. Trường Thanh niên Tiền tuyến khai giảng vào ngày 2/7/1945 với 47 người (4 giáo viên và 43 học viên) do ông Phan Tử Lăng làm Hiệu trưởng. Ông Phan Tử Lăng lúc bấy giờ là Chỉ huy trưởng Bảo an binh, có trách nhiệm giữ gìn trật tự an ninh cho cố đô Huế. Cả ông Phan Tử Lăng và hai người sáng lập Trường đều là những người có tinh thần yêu nước, có cảm tình với Việt Minh. 43 học viên xin vào Trường với nhiều tác động khác nhau: Có người do Việt Minh giới thiệu; có người chịu ảnh hưởng của hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu… Tuy xuất thân từ những tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng anh em trong lớp đều là những thanh niên trí thức, giàu lòng yêu nước . Trong đó, có những thanh niên là con của các quý tộc, quan lại, đại thần triều Nguyễn như Tôn Thất Hoàng là con của Thượng thư Tôn Thất Quảng; ông Đặng Văn Việt, con cụ Đặng Văn Hướng Tổng đốc Nghệ An, từng ba lần giữ chức Thượng thư; ông Võ Sum là con quan án sát Võ Chuẩn; Lê Thiệu Huy con trai cụ Lê Thước, giải nguyên Hán học; Hoàng Xuân Bình, em ruột giáo sư Hoàng Xuân Hãn; Nguyễn Thế Lương, con của một nhà thầu khoán…

          Sau này đa số đều đi theo Việt Minh , kể cả những người Hoàng tộc Nguyễn như Nguyễn Phước Hoàng đã nói ở trên. Cũng có người gọi Trường Thanh niên tiền tuyến Huế là “ngôi trường của những vị tướng” cũng rất đúng vì chỉ sau 2 tháng học  tập (16/6/1945 – 14/8/1945) , đào tạo đúng một khóa với 43 học viên. Các học viên học từ  tác chiến cá nhân chiến đấu đến trung đội chiến đấu, học Binh pháp Tôn Tử là sách dạy chỉ huy có tầm chiến lược . Chỉ học  gần 2 tháng thôi, mà ngôi trường và khóa học viên đặc biệt này đã đóng góp cho quân đội ta một đội ngũ tướng lĩnh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Luật sư Phan Anh

         Hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu là người tổ chức , hướng học sinh theo Cách mạng, đã trở thành hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta. Trong số các học viên, có 8 người mang quân hàm cấp Tướng, 10 người mang hàm Đại tá và các học hàm khác, giảng dạy trong các trường quân sự của nước ta như: Trung tướng Cao Văn Khánh – Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN; Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm (Nguyễn Kèn), Tư lệnh Bộ đội tăng – thiết giáp; Thiếu tướng Cao Pha – Phó Tư lệnh bộ đội đặc công; các Thiếu tướng Mai Xuân Tần, Đại đoàn trưởng Đại đoàn quân Tiên phong, Võ Quang Hồ, Cục phó Cục Tác chiến Bộ tổng Tham mưu QĐNDVN, Đoàn Huyên, Tư lệnh Bộ đội Phòng không, Phan Hàm, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Đào Hữu Liêu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kinh tế Bộ Quốc phòng. Cùng nhiều Đại tá nổi tiếng như: Phan Tử Lăng, Cục trưởng Cục Quân chính, Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 được mênh danh là “Con hùm xám đường số 4”…

          Xin kể về một học viên gắn với Cách mạng tháng Tám Huế : Đại tá Đặng Văn Việt. ĐẶng Văn Việt cũng là một người sinh ở Ngệ An trong một gia đình khoa bảng. Năm 1945 được chỉ định làm Phân đội trưởng Phân đội I (gồm 36 người) của Giải phóng quân, trấn giữ cửa Thuận An . Anh đã chỉ huy trận bao vây chiếc tàu đầu tiên của giặc Pháp định quay lại chiếm Huế, bắt sống một số tên, trong đó có tên quan ba là đại đội trưởng thuộc Trung đoàn do tướng Alessandri chỉ huy…Chính anh là người chỉ huy việc kéo lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu.  Đó là sáng  ngày 22/8/1945. Lá cờ Đặng Văn Việt nhận từ tay ông Trần Hữu Dực, lúc đó là thường vụ tỉnh ủy Thừa Thiên. Đặng Văn Việt kể rằng, ông mang lá cờ vào  giấu  ở Trường Thanh niên tuyến tuyến . Lá cờ  to bằng cả gian nhà, giấu được là việc vô cùng khó . Đến giờ, lá cờ được đưa đến vị trí cần thiết và lễ treo cờ bắt đầu.  Lá cờ quẻ ly bị  hạ xuống, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên.  

         Điều bất ngờ đối với tôi , khi anh Phan Tân Hội cho dứng xe trước cơ quan Công ty Công viên cây xanh Huế ở trên 108 – đường Lê Duẩn, gần cửa Quảng Đức mà tôi đã mấy lần đến để mua hỏi mua cây xanh. Anh Hội và anh Dánh đều bảo đây là căn nhà xưa của Trường Thanh niên Tiền  tuyến.Căn nhà cấp  bốn, lớp ngói liệt rông khoảng 40 mét vương. Thế mà  43 học viên đều sống và  học tập, sinh hoạt trong căn nhà này. Chúng tôi xuống xe ghé thăm, chụp ảnh kỷ niệm. Đúng là ở Huế, di tích lịch sử ngay trước mắt mình mà bao năm không biết ! Anh Dánh cho biết ngày xưa  đây là một trại lính hộ thành, gọi là nhị vệ ( tức vòng ngoài). Nhà anh Dánh ở ngay trong thành, sau cửa Quảng Đức. Thuở nhỏ, hàng ngày anh đi học đều đi bộ qua trại lính này, rồi qua đò Thừa Phủ để đến Trường Khải Định ( tức Trường Quốc học bây giờ). Bây giờ Công ty Công  viên cây xanh Thành phố Huế đã chuyển đi chỗ khác, để phục hồi di tích Trường Thanh niên tiền tuyến như cũ, vì Trường Thanh niên Tiền tuyến đã được Bộ văn hóa trao bằng chứng nhận Di tích lịch sử cách mạng năm 2010.

        Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế đã làm được nhiều việc lớn. Tham gia từ những phút mở màn của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế. Treo cờ cách mạng lên kỳ đài, tham gia Tổng khởi nghĩa ở Huế; bảo vệ Lễ thoái vị của vua Bảo Đại, bắt gọn toán kích 6 tên Pháp ở Hiền Sỹ; hộ tống cố vấn Vĩnh Thụy ra Hà Nội, tham gia tổ chức lực lượng vũ trang Giải phóng Huế; chiến đấu trên mặt trận Nam Trung bộ và mặt trận Lào, bảo vệ chính quyền Cách mạng khi còn non trẻ…

 Trường Thanh niên Tiền tuyến sau khi  phục hồi, tôn tạo , sẽ trở thành một địa chỉ  du lịch văn hóa lịch vô cùng ý nghĩa, là nơi đào tạo tướng lĩnh  và trí thức lớn đầu tiên của Việt Nam

https://ngominhblog.wordpress.com/2012/08/17/truong-thanh-nien-tien-tuyen-hue/


..


---

CẬP NHẬT


1.


Kiều Mai Sơn

 

Cục trưởng Cục Quân chính Phan Tử Lăng là người đã soạn Quy tắc Quân đội Quốc gia Việt Nam (1946).

Đại tá Phan Tử Lăng (1913 - 1993)  /// ẢNH: LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG CHỤP LẠI
Đại tá Phan Tử Lăng (1913 - 1993)
ẢNH: LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG CHỤP LẠI

Hiệu trưởng Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế

Nhắc đến đại tá Phan Tử Lăng, TS Sử học Nguyễn Văn Khoan chia sẻ: “Một người vì mọi người, vì mình, vì anh em binh lính và đồng bào, vì nhân dân, vì cách mạng... Một con người như Phan Tử Lăng, không dễ gì nhân dân Huế quên, mà như họ vẫn nhớ”.

Đại tá Phan Tử Lăng (1913 - 1993), quê gốc ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh là cụ Phan Tử Phong, trước 1945, làm quan đến hàm tam phẩm Nam triều.

Tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, vì thời đó ở Huế chưa mở các lớp cấp III, Phan Tử Lăng phải ra Hà Nội học tiếp tú tài. Sau đó, ông vào học trường Võ bị mở ở Tông (Sơn Tây - Hà Nội ngày nay) đào tạo sĩ quan người Việt trong quân đội Pháp. Cùng khóa với ông, có ông Dương Văn Minh, sau này là Đại tướng, Tổng thống VNCH.

Còn ông Phan Tử Lăng, theo hồi ký của Phó thủ tướng Hoàng Anh, khi Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập, ông Phan Tử Lăng được giao làm “Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang”. Ngoài việc Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang gồm toàn người Việt được tổ chức trên cơ sở các đội lính khố xanh, khố đỏ, ông còn trực tiếp chỉ huy lực lượng Bảo an binh Trung bộ.

Trong Chính phủ Trần Trọng Kim không có Bộ Quốc phòng, mà chỉ có Bộ Thanh niên. Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh cùng ông Tạ Quang Bửu và ông Phan Tử Lăng bàn bạc, thống nhất thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế, do ông Phan Tử Lăng làm Hiệu trưởng. Ngôi trường này sau đó đã đóng góp cho đất nước 2 vị bộ trưởng và 8 vị tướng. Đó là Bộ trưởng Phan Anh và Bộ trưởng Tạ Quang Bửu; Trung tướng Cao Văn Khánh, Thiếu tướng Đào Hữu Liêu, Thiếu tướng Đoàn Huyên, Thiếu tướng Mai Xuân Tần, Thiếu tướng Võ Quang Hồ, Thiếu tướng Phan Hàm, Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm và Thiếu tướng Cao Pha (Nguyễn Thế Lương).

Biết ông Phan Tử Lăng là một người có tinh thần yêu nước, trung thực, sống giản dị, ông Hoàng Anh cùng những người lãnh đạo Việt Minh ở Huế nghĩ rằng, trước tình hình mới, cần vận động thuyết phục ông Lăng góp phần cứu nước. Hai ông Lê Khánh Khang và Nguyễn Thế Lâm là học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế đã bố trí để ông Hoàng Anh gặp ông Phan Tử Lăng tại nhà riêng.

Những đại tá hạng nhất đầu tiên: Người soạn ‘Quy tắc Quân đội Quốc gia Việt Nam’  - ảnh 1

Học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế bên bàn thờ thầy Hiệu trưởng Phan Tử Lăng

ẢNH: K.M.S CHỤP LẠI

Khi Huế tổng khởi nghĩa (23.8.1945), ông Phan Tử Lăng đã đứng về phía cách mạng, để cán bộ Việt Minh xuống các đồn và đơn vị để tuyên truyền giải thích chính sách chủ trương của Việt Minh. Trung tướng Lê Tự Đồng đánh giá: “Chính lực lượng Bảo an binh của anh Phan Tử Lăng và anh em sinh viên Trường Thanh niên Tiền tuyến dưới quyền chỉ huy của anh Phan Tử Lăng đã đóng góp đáng kể vào việc giành chính quyền ở Huế”.

Người không nói về mình

Cách mạng tháng Tám thành công, ông Phan Tử Lăng được cử làm Phó tư lệnh Quốc phòng Trung bộ (Tư lệnh là ông Nguyễn Chánh), Khu trưởng Khu 6 rồi sau đó ra Hà Nội.

Tháng 3.1946, ông Phan Tử Lăng được điều động ra Trung ương, giữ chức Cục trưởng Cục Quân chính. Ông chính là người đã soạn Quy tắc Quân đội Quốc gia Việt Nam. Ông viết trong hồi ký: “Tôi được giao chức Cục trưởng Cục Quân chính, với nhiệm vụ trước hết là soạn ra Quy tắc Quân đội Quốc gia Việt Nam, được Bác tự tay duyệt và ban hành bằng Sắc lệnh 71/SL ngày 22.5.1946, rồi Bộ Quốc phòng xuất bản (một cuốn sách nhỏ bỏ túi) kịp cho phái đoàn Chính phủ ta đi Pháp dự Hội nghị Fontainebleau. Mục đích cho bên ấy biết đã có quân đội, quy mô, có kỷ cương nền tảng”.

Có một điểm trong bản quy tắc mà đại tá Phan Tử Lăng rất thích, đó là quy định: “Về cách ăn uống thì trong quân đội ta không chung đụng qua chén, bát, thìa, đũa...”. Ông tự đánh giá, đây là một sự đổi mới sâu sắc về phong hóa. Để thực hiện nghiêm túc quy định này trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo và đang thời kỳ kháng chiến, sinh hoạt ở núi rừng, các đơn vị đã có sáng kiến áp dụng nếp ăn trở đầu đũa khi gắp thức ăn chung, và cắt một đoạn nứa có mắt làm cốc riêng để làm ca uống nước.

Hội nghị Fontainebleau tan vỡ. Thời gian hòa bình giữa Việt Nam và Pháp chấm dứt. Toàn quốc kháng chiến nổ ra. Chính phủ rời Hà Nội lên Việt Bắc trường kỳ kháng chiến. Lên chiến khu Việt Bắc, ông Phan Tử Lăng được Chính phủ phong quân hàm đại tá ngay từ đợt đầu (1948). Làm việc tại Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh, đại tá Phan Tử Lăng lần lượt giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Quân nhu; Chánh án Tòa án binh Trung ương; Cục trưởng Cục Quân khí... chuẩn bị cơ sở vật chất cho Điện Biên Phủ.

Năm 1959, sau gần 15 năm tham gia quân đội, đại tá Phan Tử Lăng được chuyển ra nhận công tác ở các cơ quan dân chính. Ông làm Chỉ huy phó công trình Khu gang thép Thái Nguyên. Tiếp đó là Phó ban Thanh tra Bộ Cơ khí luyện kim, Trưởng ban Thanh tra UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh Bình Trị Thiên... Ông nghỉ hưu năm 1978 ở tuổi 65.

Trong cuốn sách Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945 - Một hiện tượng lịch sử, ông Mai Duy Hồ đã bình luận về đại tá Phan Tử Lăng như sau: “Ở Việt Bắc thủ đô kháng chiến ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen là một cán bộ liêm khiết, ở Cố đô Huế ông là một Trưởng ban Thanh tra mẫu mực của tỉnh Bình Trị Thiên. Cuộc đời hoạt động của ông có rất nhiều mặt tốt mà ít ai biết vì ông không bao giờ nói về mình”… (còn tiếp)

Không giữ quà tặng của Bác làm của riêng

“Khoảng năm 1948-1949, ở chiến khu Việt Bắc tôi bỗng nhận được một gói quà của Bác: Một áo lụa trắng kèm theo một thư viết tay ngắn gọn của Bác. Tôi còn nhớ đại ý là: “Đồng bào biếu Bác, Bác gửi biếu anh”. (…) Trong hoàn cảnh thiếu thốn chung, tôi nghĩ đến anh chị em trên chiến trường, không nỡ nhận riêng cho mình, sau đó đã chuyển gửi nhờ Bộ Tư lệnh Quân khu IV xét tặng cho một đồng chí thương binh…”. (Đại tá Phan Tử Lăng)

https://thanhnien.vn/nhung-dai-ta-hang-nhat-dau-tien-nguoi-soan-quy-tac-quan-doi-quoc-gia-viet-nam-post1106832.html

..


---

BỔ SUNG


..

16:38 | 10/08/2018

Chiều ngày 10/8, Thư viện Tổng hợp Tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ban liên lạc trường thanh niên Tiền tuyến Huế tổ chức  Kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Trường thanh niên tiền tuyến Huế và buổi giới thiệu sách Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử của tác giả Trần Bảo Vân. 

Cuốn sách Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử của tác giả Trần Bảo Vân.

Trường Thanh niên tiền tuyến Huế gắn liền với tên tuổi hai nhà trí thức lớn, hai người đồng sáng lập trường là Luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu. Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế khai giảng ngày 2/7/1945, đào tạo được một khóa học và chỉ kéo dài trong 2 tháng với 43 học viên và 4 giáo viên do ông Phan Tử Lăng làm hiệu trưởng. Ra đời và trưởng thành trong bão táp cách mạng, những học viên của Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế đã sớm ý thức được tinh thần dân tộc, giác ngộ theo cách mạng. Họ đã trở thành một trong những lực lượng nòng cốt cho cuộc khởi khởi giành chính quyền ở Huế và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trong những ngày tháng lịch sử của Cách mạng tháng Tám mùa thu 1945”.

Đại tá Lâm Quang Minh – cựu học viên trường Thanh niên tiền tuyến Huế phát biểu tại lễ kỷ niệm


Lễ kỷ niệm 73 năm thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế là để tưởng nhớ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và quê hương Thừa Thiên - Huế, nhớ về những người ưu tú của quê hương, đất nước và nhớ về ngôi trường có số phận kỳ lạ của 70 năm trước với tấm lòng tri ân sâu sắc.

Đại tá Lâm Quang Minh – cựu học viên trường Thanh niên tiền tuyến Huế trao tặng sách cho thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế


Dịp này, Thư viện tổng hợp Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử của tác giả Trần Bảo Vân. Cuốn sách dày 800 trang với hai phần Trước cách mạng và kháng chiến chống Pháp, đám cưới trong hầm De Castries do nhà xuất bản Tri Thức ấn hành.

Tác giả Cao Bảo Vân - con gái của tướng Cao Văn Khánh


Tác giả Cao Bảo Vân (sinh 1962) là con gái của tướng Cao Văn Khánh, bà là TS. dược khoa của Pháp, cựu Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Bà Bảo Vân đã dành 10 năm để đọc 452 tài liệu, sách tham khảo, hàng chục cuốn hồi ký tướng lĩnh dày năm, sáu trăm trang và nghe hàng trăm người của cả hai phía kể chuyện để viết lên cuốn sách về người cha của mình.

Trung tướng Cao Văn Khánh, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN  là “vị tướng trí thức”, “con nhà giàu học giỏi” ở Huế. Trước năm 1945, ông dạy toán ở các Trường tư thục Phú Xuân, Lyce’um Việt Anh, Thuận Hóa Huế… cùng với các trí thức nổi tiếng Cao Xuân Huy, Thanh Tịnh, Hữu Ngọc… Tháng 8/1945, Cao Văn Khánh đã nổi tiếng ở Huế, thi Thành chung đậu nhì mà chán, trùm mền bỏ ăn 3 ngày, ra Hà Nội thi lấy hai bằng tú tài toàn phần và tú tài Tây, rồi vào học Luật khoa Đại học Đông Dương. Tướng Khánh từng là học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế năm 1945 thời Chính phủ Trần Trọng Kim.

Bà  Tôn Nữ Ngọc Toản - vợ của Tướng Cao Văn Khánh chia sẻ tại buổi giới thiệu sách


Tướng Cao Văn Khánh là một trong số ít vị tướng tham gia, chỉ đạo trực tiếp hầu hết chiến dịch quan trọng nhất mà cũng ác liệt nhất suốt trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, là người được đại tướng Võ Nguyên Giáp tin cậy trao những trọng trách khó khăn nhất từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (giữ chức Khu trưởng Khu 5 với mặt trận ác liệt ở Nha Trang, An Khê…) cho đến các chiến dịch Biên giới, Điện Biên Phủ (chống Pháp) và Tây Nguyên, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị 1972, rồi Tổng tiến công Xuân 1975 với chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng.

Vợ của ông là bà Tôn Nữ Ngọc Toản (khi ra Bắc đổi thành Nguyễn Thị Ngọc Toản), con quan đại thần triều Nguyễn, Thượng thư Tôn Thất Đàn. Đám cưới Cao Văn Khánh- Ngọc Toản được anh em bộ đội tổ chức ngay tại hầm De Castries ngay sau khi giặc Pháp đầu hàng.

Năm 1980, ông qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Bác sĩ cho biết ông đã bị di chứng chất dộc da cam sau nhiều năm chiến đấu trên các chiến trường miền Nam. Phần mộ của ông nằm trên đồi Bất Bạt lộng gió tại nghĩa trang Yên Kỳ, nơi ông đã từng chiến đấu.

Đọc cuốn sách "Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử" do Cao Bảo Vân viết về cha mình, người đọc sẽ có dịp hiểu thêm về sự đóng góp lớn lao của một bộ óc chiến lược, một trái tim yêu nước thiết tha, một bản lĩnh trí thức tầm cỡ trong tính cách một vị tướng trên chiến trường. 

 

Phương Anh 

 http://tapchisonghuong.com.vn/hue/p1/c12/n26936/Ky-niem-73-nam-ngay-thanh-lap-Truong-thanh-nien-tien-tuyen-Hue-va-gioi-thieu-sach-Tuong-Cao-Van-Khanh-Hoi-uc-lich-su.html



..

Tiền tuyến 1945

05-06-2011 2:26 PM | Văn hóa – Giải trí

Ngày 6/9/2010, UBND Thừa Thiên Huế đã ra văn bản công nhận Trường Thanh niên Tiền tuyến (TNTT) là Di tích lịch sử Cách mạng.

Ngày 6/9/2010, UBND Thừa Thiên Huế đã ra văn bản công nhận Trường Thanh niên Tiền tuyến (TNTT) là Di tích lịch sử Cách mạng. Như vậy, Trường được đánh giá là một bộ phận tiền thân của Cách mạng Tháng 8/1945 tại Huế. Sự kiện này thật khó hiểu đối với một sử gia nước ngoài ít am tường nội tình phức tạp của Việt Nam giai đoạn 1945.

Ngày 9/3, Nhật lật đổ Pháp, cho Bảo Đại lập chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Tháng 7/1945, luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thanh niên nhân danh nội các mới, mở trường TNTT với sự giúp đỡ của GS. Tạ Quang Bửu. Hai vị trí thức tài năng và yêu nước này, dưới danh nghĩa đào tạo thanh niên chung chung, muốn đào tạo quân sự cho một số thanh niên trí thức. Hai ông đủ thông minh để biết Nhật sắp thua đồng minh, phải lợi dụng hình thức hợp pháp để đào tạo các chỉ huy võ bị chờ cơ hội thuận lợi giúp đất nước. GS. Tạ Quang Bửu đã báo trước cho sinh viên là học xong không nhất thiết phải theo chính phủ Trần Trọng Kim, tha hồ tự do lựa chọn đường đi. Ông Phan Anh cũng khẳng định điều ấy! Vậy thì với một mục tiêu chung chung như vậy và trên thực tế, trường tồn tại có hai tháng, thầy chưa kịp dạy, trò chưa kịp học thì Trường TNTT quan trọng ở điểm nào? Trước hết do chất lượng tinh thần, tư tưởng của sinh viên lúc đó. Trước sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Pháp, chính quyền bù nhìn với sự chỉ đạo của quân đội Nhật chưa hiểu biết gì nhiều về dân chúng địa phương, lớp thanh niên, tiêu biểu là sinh viên miền Trung đều linh cảm một sự thay đổi mà lòng yêu nước của họ sẽ có dịp bộc lộ bằng hành động. Đại học Hà Nội đã đóng cửa, Trường TNTT là nơi tụ hội lý tưởng, nhất là lãnh đạo trường là hai nhà trí thức nổi tiếng: luật sư Phan Anh, nhà hoạt động xã hội thời Pháp (nhóm Thanh Nghị). Đi với Cách mạng, ông liên tục làm Bộ trưởng các Bộ Kinh tế rồi Công thương, Ngoại thương. GS. Tạ Quang Bửu là nhà toán học, vật lý học uyên bác, lãnh đạo phong trào Hướng đạo sinh toàn quốc, đóng góp rất nhiều cho đất nước (Thứ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Đại học, hoạt động ngoại giao…). Hiệu trưởng trường TNTT là Phan Tử Lăng, tốt nghiệp trường Sĩ quan Sơn Tây của Pháp, chỉ huy trưởng lực lượng Bảo An binh Trung kỳ của chính phủ Trần Trọng Kim. Sau ông cũng theo cách mạng, năm 1948 được phong Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Các cựu học sinh Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945.

Từ một tổ chức Việt Minh 5 sinh viên đã nhanh chóng Việt Minh hoá toàn bộ học viên. Việt Minh đối với đa số thanh niên tiểu tư sản là ý thức độc lập dân tộc. Đó cũng là tâm lý phổ cập trong toàn dân đứng lên làm cách mạng theo tiếng gọi của Hồ Chí Minh.

Tình trạng toàn dân “tức nước vỡ bờ”: 80 năm nô lệ cực khổ, cơ hội giải phóng đã đến! Khi kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, mọi tầng lớp đều tham gia. Tất cả sinh viên Trường TNTT đều “gác bút nghiên theo việc binh đao”, nhiều người lập những chiến công hiển hách.

Ngày 23/8/1945, nhân dịp Ủy ban khởi nghĩa Huế ra mắt nhân dân ở sân vận động, toàn bộ lực lượng TNTT chuyển thành lực lượng vũ trang cách mạng. Ngày 29/8, nhóm TNTT do Nguyễn Thế Lương chỉ huy đã nhanh chóng ra Hiền Sĩ - Phong Điền, dùng mưu bắt được quan tư Pháp Castelna chỉ huy một phái bộ sáu người, nhảy dù xuống Thuận An. De Gaulle giao cho nhóm này nhiệm vụ liên lạc với các nhóm thân Pháp để thiết lập lại chính quyền thực dân.

TNTT trở thành lực lượng xung kích bảo vệ các cuộc mít tinh của chính quyền ra mắt quần chúng, tiếp thu ấn tín tại lễ thoái vị của Bảo Đại. Sau khi được Ủy ban khởi nghĩa Huế công nhận là lực lượng vũ trang cách mạng (23/8/45), TNTT có nhiệm vụ thành lập lực lượng Giải phóng quân Thuận Hoá, tiền thân của Trung đoàn Trần Cao Vân.

Hai mươi nhăm phân đội được tổ chức do các cựu sinh viên TNTT chỉ huy. Để nuôi gần một nghìn binh sĩ, phải dựa vào lực lượng tiểu thương, quân trang và vũ khí chủ yếu do thu hồi các kho của Pháp, Nhật. Khi Pháp gây hấn ở Nam Bộ, hàng trăm giải phóng quân Huế đã Nam tiến, có mặt ở Nha Trang, Sài Gòn, sát cánh với dân quân địa phương. Các cựu học sinh TNTT được tung đi khắp các mặt trận, trở thành cán bộ quân sự của toàn quốc. Tám người sau đã lên đến cấp tướng. Một số chuyển sang mặt trận khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hoá cũng thành những ngôi sao sáng, như Lê Quang Long (cháu gọi Bảo Đại bằng cậu), giáo sư dẫn đầu ngành sinh học. Tôi có dịp quen biết vài bạn TNTT, qua họ, có thể đánh giá tính cách và tư cách của toàn đội ngũ: anh Cao Văn Khánh (đã mất) cùng dạy với tôi một trường ở Huế (1941-1945), cùng ở Hướng đạo. Không ngờ một thầy giáo dạy toán lại trở thành một tướng tham mưu xuất sắc, cánh tay phải của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đánh những trận quyết định; Anh Đặng Văn Việt, nay ngoài 90 tuổi, sinh viên y, đã cùng bạn TNTT Cao Pha hạ cờ nhà vua để treo cờ đỏ sao vàng trước cửa Ngọ Môn. Về sau, anh đánh Pháp hàng trăm trận, được mệnh danh là Hùm xám đường số 4. Tiếc thay, do thành kiến giai cấp thời đó, anh bị chuyển sang dân sự. Nay anh là Trưởng ban liên lạc học sinh TNTT, Trưởng ban xây dựng Khu bảo tàng Trường TNTT trước cửa Quảng Đức ở Huế.  

  Hữu Ngọc

https://suckhoedoisong.vn/tien-tuyen-1945-16940914.htm

..



Thứ Sáu, 12-09-2008, 08:10

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, toàn bộ Ðông Dương trở thành thuộc địa của phát-xít Nhật. Tuy vậy, nhìn trên toàn cục, phát-xít Nhật đang ở trong thế thất bại không thể tránh khỏi. Bản chỉ thị lịch sử "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", ngày 12-3-1945, của Ðảng cộng sản Ðông Dương đã kịp thời đưa ra những chủ trương đúng đắn, đẩy nhanh phong trào đấu tranh giành độc lập tiến lên cao trào Kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ trong cả nước.

Trong những nỗ lực kiểm soát Ðông Dương, phát-xít Nhật bày trò "trao trả độc lập", dựng lên nội các Trần Trọng Kim với âm mưu triệt để lợi dụng bộ máy này cho những toan tính của chúng. Tuy vậy, những toan tính đó không đạt kết quả như chúng mong đợi.

Nhiều người trong nội các Trần Trọng Kim là những trí thức có uy tín với nhân dân. Họ là những nhà giáo, luật gia, nhà báo... đã có những hoạt động thể hiện tinh thần yêu nước. Ðó là giáo sư Hoàng Xuân Hãn (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ thuật), luật sư Trịnh Ðình Thảo (Bộ trưởng Bộ Tư pháp), luật sư Phan Anh (Bộ trưởng Bộ Thanh niên)...

Trường thanh niên tiền tuyến Huế ra đời trong một cách tương kế tựu kế của các trí thức có tinh thần dân tộc, lợi dụng tình thế nắm lấy lực lượng thanh niên, đưa họ vào một tổ chức có lợi cho đất nước, không để Nhật lợi dụng đổ máu chết thay cho chúng.

Hai nhà trí thức Phan Anh và Tạ Quang Bửu đã khôn khéo tạo cho trường vỏ bọc thuộc Bộ Thanh niên và "bảo đảm cho học viên tự chọn con đường riêng của mình" nhưng thực chất trường tập hợp những thanh niên, sinh viên có trình độ và huấn luyện họ thành những cán bộ chỉ huy quân sự để phụng sự Tổ quốc - Tổ quốc hiểu theo nghĩa cao quý, thiêng liêng nhất. Hiệu trưởng của trường, ông Phan Tử Lăng, là Chỉ huy trưởng Bảo an binh Trung kỳ, là thủ khoa một khóa huấn luyện quân sự của Pháp nhưng cũng là người có tinh thần yêu nước và có cảm tình với phong trào cứu nước của Việt Minh từ lâu (1).

Bốn mươi ba học viên của trường là những thanh niên, học sinh có hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng có chung một bầu nhiệt huyết, hăng hái muốn hành động, muốn làm những việc ích nước lợi dân trong bối cảnh sôi động của đất nước. Ngay trong tuần đầu sau ngày khai giảng 2-7-1945, Ban chấp hành Việt Minh của trường được thành lập gồm Nguyễn Thế Lâm, Lê Khánh Khang, Võ Quang Hồ, Ðặng Văn Việt, Cao Pha và Phan Hàm.

Chương trình đào tạo của trường gồm cả tác chiến cá nhân cho đến chỉ huy trung đội chiến đấu. Từng người luân phiên làm trực ban tiểu đội và trực nhật trung đội hàng ngày. Học viên của trường được tổ chức lên núi Ngự Bình, Nam Giao học quân sự, học cưỡi ngựa ở Sở Canh nông, học bơi, học về vũ khí và cả các nghề cơ khí... Nhân dân thành Huế dần quen với trung đội thanh niên hàng ngũ chỉnh tề, qua cầu Trường Tiền đi dã ngoại tập quân sự, vừa đi vừa hát vang hành khúc "Tiếng gọi sinh viên", "Lên đàng"...

Tổ chức Việt Minh của trường hoạt động tích cực nên đã ảnh hưởng nhanh chóng đến toàn trường. Từ tháng 7-1945, có thể nói Trường thanh niên tiền tuyến Huế đã được "Việt Minh hóa". Những học viên, sinh viên yêu nước đã được hướng dẫn hành động theo dòng chảy chung của cao trào đấu tranh đang dâng lên trong cả nước.

Phong trào càng dâng cao, Việt Minh Thừa Thiên - Huế càng tỏ ra tin cậy lực lượng Thanh niên tiền tuyến bên cạnh khối lực lượng đông đảo của cách mạng. Vũ khí được giao hẳn cho học viên sử dụng đề phòng những tình huống bất trắc với quân Nhật. Nhóm Việt Minh Trường thanh niên tiền tuyến được mở rộng và sôi nổi hoạt động. Tháng 7-1945, nhóm Việt Minh của trường nhập với Việt Minh toàn tỉnh, lập Ban chấp hành Việt Minh Thừa Thiên - Huế do đồng chí Hoàng Anh là Bí thư, thống nhất hành động dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Trước ngày giành chính quyền, Việt Minh Thừa Thiên - Huế đã lôi kéo được Việt binh đoàn bao gồm lực lượng vũ trang của Trần Trọng Kim và Bảo Ðại ngả về phía cách mạng.

Trong những ngày Huế khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và cả Xứ ủy, anh em Thanh niên tiền tuyến được phân công những công việc đặc biệt: Treo cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài trước Ngọ môn ngày 21-8-1945; bảo vệ cuộc mít-tinh giành chính quyền ngày 23-8-1945; bảo vệ buổi lễ thu ấn kiếm của Bảo Ðại ngày 30-8-1945; "hộ tống" cố vấn Vĩnh Thuỵ từ Huế ra Hà Nội; bắt những toán quân Pháp đổ bộ vào Huế sau ngày độc lập...

Sau ngày giành chính quyền, lực lượng vũ trang cách mạng Thừa Thiên - Huế đã nhanh chóng phát triển thành 25 trung đội Giải phóng quân Thuận Hóa. 10 trung đội trong số này do các cựu học viên Trường thanh niên tiền tuyến làm trung đội trưởng, thống nhất hành động dưới sự chỉ huy của Ủy ban quân sự tỉnh.

Trường thanh niên tiền tuyến Huế tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi như một vệt sáng lóe lên trước "cái chớp mắt của lịch sử", theo cách nói của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp về thời khắc lịch sử huy hoàng của dân tộc - Tháng Tám 1945. Sự chuyển biến mạnh mẽ trong tâm hồn, tư tưởng và hành động của những thanh niên từ yêu nước đến giác ngộ cách mạng đã được tổ chức một cách khéo léo giữa những điều kiện lịch sử diễn biến khá phức tạp và nhanh chóng ở Huế.

Trong cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, các học viên Trường thanh niên tiền tuyến Huế tỏa đi chiến đấu trên các mặt trận. Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng trên đường Nam tiến, trên chiến trường Lào... Ðược tôi luyện trong khói lửa chiến đấu, nhiều người trở thành những cán bộ chỉ huy xuất sắc. Từ Trường thanh niên tiền tuyến Huế, cách mạng đã có hai Bộ trưởng quốc phòng (2), tám vị tướng (3), nhiều nhà khoa học, nhà quản lý... Lịch sử cách mạng Việt Nam đã ghi nhận "hiện tượng" độc đáo này. Ðó là sản phẩm của lòng yêu nước Việt Nam được ánh sáng cách mạng dẫn đường ...

------------------------------

(1) Sau khi Huế giành được chính quyền, ông Phan Tử Lăng là Phó Tư lệnh quốc phòng Trung Bộ, bên cạnh Tư lệnh Nguyễn Chánh; tháng 3-1946, được Hồ Chủ tịch bổ nhiệm là Cục trưởng Cục Quân chính; năm 1948 được phong quân hàm Ðại tá.

(2) Các ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu.(3) Trung tướng Cao Văn Khánh; các thiếu tướng: Phan Hàm, Ðoàn Huyên, Cao Pha, Nguyễn Thế Lâm, Ðào Hữu Liêu, Võ Quang Hồ, Mai Xuân Tần.

NGÔ VƯƠNG ANH

https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/truong-thanh-nien-tien-tuyen-hue-trong-cai-chop-mat-cua-lich-su-590792

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.