Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

25/04/2022

Lũ lụt lịch sử năm 1999 nhấn chìm Huế - ghi lại từ kí ức ở nơi được Thánh Mẫu Liễu Hạnh báo trước

Những tư liệu mà tôi đang xử lí hiện nay, trên bàn làm việc tại Hà Nội, là những thứ may mắn thoát được trận lũ lịch sử năm 1999.

1. Bằng giờ năm ngoái, tức tháng 4 năm 2021, chúng tôi đã du lãng ở Huế (xem lại trên Giao Blog ở đây). Không hẹn trước, chúng tôi tới thăm cung Phổ Hóa ở đường Bùi Thị Xuân. Người cháu nuôi của bà Phạm Thị Thảo (đã mất) cũng không hẹn trước mà tiếp chúng tôi trong nhiều giờ đồng hồ. Người cháu nuôi tên T. năm nay ở tuổi U50, vốn là người Quảng Trị, từ mấy chục năm trước được bà Thảo đón về nuôi nấng tại cung Phổ Hóa và dạy việc phụng sự Mẫu. Dưới đây tạm gọi là "em T.".

2. Bà Phạm Thị Thảo (vợ của ông Phan Tử Lăng) nối tiếp người mẹ chống là bà Nguyễn Thị Đào (vợ của ông Phan Tử Phong) trở thành đồng tử của Mẫu Liễu Hạnh - vị thần chủ ở cung Phổ Hóa. Ông Phan Tử Phong là người Hà Tĩnh, vào Huế làm quan thời Khải Định và Bảo Đại, đã dựng lên cung Phổ Hóa thờ bộ thần Liễu Hạnh ở kinh thành vào các thập niên 1920-1930 (có việc di chuyển địa điểm của cung Phổ Hóa). Cung Phổ Hóa có thể xem như một sơn môn phụng thờ bộ thần Liễu Hạnh ở khu vực Huế (nhiều đền miếu được thành lập sau đó dưới sự ảnh hưởng của cung Phố Hóa).

3. Tháng 4 năm 2021, tại cung Phổ Hóa, em T. kể lại cho tôi nghe trải nghiệm của hai bà cháu (bà Phạm Thị Thảo và T.) về trận lũ lụt lịch sử năm 1999. Thời điểm lũ bất ngờ tới, hai bà cháu ở trên một gác xép mới được dựng trước đó. Gác xép ấy được bà Thảo cho dựng sau khi Mẫu Liễu Hạnh giáng bút nói về một cơn đại hồng thủy sẽ kéo tới, phải chuẩn bị ngay một chỗ cao mà trốn lũ !

Theo em T., giáng bút của Mẫu Liễu Hạnh cho cung Phổ Hóa là vào khoảng năm 1998. Đồng tử Thảo đã gọi các con về để lo làm cho bà một gác xép. Nhờ có gác xép đó mà  hai bà cháu (bà Thảo và T.) mới thoát được cơn lũ và bảo vệ được nhiều tài liệu quan trọng.

Vẫn theo em T., có một số người trong sơn môn cung Phổ Hóa cũng được cùng nhận bài giáng bút của Mẫu Liễu Hạnh và đã kịp chuẩn bị trước khi lũ đến.

Nhiều tài liệu quan trọng của cung Phổ Hóa từ thời mới thành lập còn được giữ đến ngày nay (may mắn vượt qua trận lũ năm 1999), thì em T. đã mang ra cho tôi xem nhanh vào tháng 4 năm ngoái. 

Để có cái nhìn nhanh, ở dưới sưu tập một ít tin về trận lũ năm 1999 ở khu vực Huế.

Ở thời điểm tháng 11 năm 1999, chủ nhân Giao Blog đang lưu trú dài hạn tại Tokyo, nên không hề có tin tức về trận lũ lụt ở Huế (thông tin qua mạng lúc đó chưa phát triển như bây giờ). Lần đầu tiên tôi được biết về nó là từ lời kể của em T. vào khoảng giờ này năm ngoái.

Tháng 4 năm 2022,

Giao Blog

---


Ảnh chụp cuối thập niên 1930, tại Lăng Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giầy:


Hình ảnh Cụ Bà Nguyễn Thị Đào hiệu Tâm Linh (1892-1982), cụ là người đã cùng chồng đứng lên hưng công việc tôn tạo xây dựng Lăng Mẫu. Xem cụ thể ở đây.


Ảnh chụp ở Huế năm 2021:

Cảnh chụp nhanh cầu Bến Ngự và chợ Bến Ngự (xem cụ thể ở đây)





---


Ký ức về Đại hồng thủy 1999

67.556

https://www.youtube.com/watch?v=UGgTR5262h0








Thứ bảy, 2/11/2019, 00:00 (GMT+7)


Trận lũ lớn ập đến miền Trung vào năm 1999 khiến nhiều tỉnh, thành thiệt hại nặng nề, trong đó Thừa Thiên Huế chìm trong biển nước suốt nhiều ngày.

Ngồi trong căn nhà hai tầng ở xã Phú Thượng (huyện Phú Vang), ông Thân Văn Giới (56 tuổi) nhớ như in trận lũ lịch sử ập đến cách đây tròn 20 năm. Cơn lũ mà bốn thành viên trong gia đình ông thoát chết trong gang tấc.

Sáng 2/11/1999, thấy nước lũ lên nhanh, sắp dâng đến gác, ông thuê chiếc thuyền nhôm chở vợ, hai con nhỏ và cô em vợ từ đường Nguyễn Chí Diễu ở nội thành ra nhà mẹ vợ ở đường Mai Thúc Loan tránh lũ. Thuyền vừa ra cửa Đông Ba thì bị lật, cả 5 người trong gia đình cùng hai người lái đò bị lũ cuốn trôi. Ông Giới may mắn bám vào cây ổi.

Trong dòng nước lũ chảy xiết, thấy con gái ba tuổi được dì ruột ôm nổi lên mặt nước, ông Giới liền giơ tay chụp lấy rồi ba người cùng bám vào hai cành ổi. Trong lúc đó, vợ ông ôm con trai 6 tuổi bị lũ cuốn tấp vào bụi chuối gần đó. 

"Lúc này, tôi nghĩ cả gia đình chết chắc vì nước lũ lên nhanh lại chảy xiết. Một số người dân đứng trên nhà nhìn xuống thấy chúng tôi đã quăng can nhựa để  bám vào song không được. May mắn anh Lộc làm nghề xây dựng, trong nhà có sẵn dây thừng nên quăng dây ra để tôi bắt rồi cột vào cây ổi. Sau đó, tôi cõng từng người, bám theo dây đu vào nhà anh Lộc", ông Giới nhớ lại. 

Hàng chục quan tài người chết lũ đặt tại bia Quốc Học Huế. Ảnh tư liệu

Hàng chục quan tài người chết lũ đặt tại bia Quốc Học Huế. Ảnh tư liệu của Trung tâm phòng chống lụt bão Thừa Thiên Huế

Cuối tháng 10/1999, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp với áp thấp nhiệt đới ở phía nam, tỉnh Thừa Thiên Huế được dự báo mưa lớn. Người dân được thông báo qua tivi và một số phương tiện truyền thông khác. 

Sáng 1/11/1999, thời tiết ở vùng gò đồi, đồng bằng mát mẻ, không nắng. Trên các tuyến đường ở thành phố Huế, cuộc sống người dân diễn ra bình thường.

Khoảng 14h30 ngày 1/11/1999, người dân ở thôn La Khê Trẹm (xã Hương Thọ, huyện Hương Trà) nằm giữa hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch của thượng nguồn sông Hương thấy nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhanh. Trong phút chốc, nhiều ngôi nhà ngập sâu, gia súc bị cuốn trôi. Trước sức nước quá lớn, người dân vội dùng thuyền di tản lên núi để tránh lũ.

Chiều tối cùng ngày, nước lũ kết hợp với mưa lớn gây ngập cục bộ nhiều nơi ở thành phố Huế và vùng phụ cận. Mưa to kéo dài trong đêm 1/11 và ngày 2/11. Đến sáng 2/11, các xã vùng trũng thuộc huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà đã ngập sâu 1,5-4 m.

Hàng nghìn ngôi nhà chìm trong biển nước màu trắng bạc. Lúc này nhiều người dân không may đã bị cuốn trôi trong dòng nước chảy xiết. Hệ thống giao thông, điện, viễn thông ở địa phương tê liệt. Thừa Thiên Huế bị cô lập hoàn toàn.

Dải khăn tang trắng sau cơn lũ năm 1999. Ảnh tư liệu

Dải khăn tang trắng sau cơn lũ năm 1999. Ảnh tư liệu của Trung tâm phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế

Từ sáng 2/11, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập bộ phận chỉ đạo tập trung để đối phó lũ. Lực lượng chức năng phối hợp với ngành bưu điện thiết lập đường dây qua tổng đài Đà Nẵng để liên lạc với Trung ương, thông báo tình hình khẩn cấp. Phương án di dời dân, huy động lực lượng tại chỗ được triển khai.

Trong đêm 2/11 và rạng sáng 3/11, ôtô bánh cao của ngành giao thông vận tải và toàn bộ canô của công an, quân đội địa phương được huy động làm nhiệm vụ cứu hộ, tiếp tế ở những vùng bị cô lập. Tuy nhiên, do nước lũ chảy xiết, mưa lớn cùng gió giật mạnh, các phương tiện cứu hộ chỉ có thể hoạt động cự ly gần.

Tại các xã vùng trũng, hàng chục nghìn hộ dân bị nước lũ vây quanh, thiếu nước sạch, thiếu lương thực. Nhiều gia đình phải nhịn đói. Một số người may mắn sơ tán kịp lên vùng cao thì nấu cơm vắt, ăn mì tôm qua ngày chờ lũ rút. 

Ngày 4/11, nước lũ rút dần trong tiếng nấc nghẹn của người dân mất gia đình, nhà cửa, cảnh xơ xác và tang thương diễn ra khắp nơi. Tại bia Quốc Học Huế, hàng chục chiếc quan tài của người chết lũ được đặt thành hàng để chờ nhận mặt. Dọc bờ biển, bờ sông, nhiều người vừa đi vừa khóc tìm thi thể người thân.

Những ngày sau đó, nhiều hộ dân phải sống tạm bợ trong những căn nhà đổ nát và vật lộn với tình trạng thiếu lượng thực, nước sạch. Môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng bởi xác động vật. 

"Đó là trận lũ trăm năm có một", ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế nói.

Theo ông Hùng, lượng mưa trong ba ngày đầu tháng 11 lên đến 2.300 mm, mực nước trong ngày 2/11 nhiều lúc dâng cao hơn 1m/giờ. Thời tiết trước lũ cũng khiến người dân và chính quyền chủ quan trong phương án phòng tránh; đến khi nước lũ về thì dâng quá nhanh khiến mọi người trở tay không kịp.

"Nếu người dân không tương trợ nhau, giúp nhau sơ tán thì số người chết trong trận lũ năm 1999 có thể còn lớn hơn nhiều", ông Hùng nói.

Trước tình hình khẩn cấp ở Thừa Thiên Huế lúc đó, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cùng nhiều lãnh đạo, cán bộ của Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào cố đô chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt. Lều trại dã chiến được lập nên tại những ngôi làng bị lũ xóa sổ như Hải Thành. Phong trào "lá lành đùm lá rách", kêu gọi hỗ trợ Huế cũng được phát động rộng khắp cả nước.

Trong khi đường sắt và đường bộ chưa hoạt động trở lại, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân lập cầu hàng không ở sân bay Phú Bài phục vụ cứu hộ, cứu nạn và chở hàng cứu trợ. Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh công binh di chuyển qua Lào để vào Huế giúp dân khắc phục lũ lụt.

Bộ đội Quân khu 4, lực lượng công an, biên phòng, quân dân y từ thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành cũng có mặt ở những vùng bị lũ tàn phá nặng để hỗ trợ người dân, khám chữa bệnh và triển khai các giải pháp khẩn cấp cải thiện môi trường. Sinh viên nhiều trường đại học tình nguyện đến Huế giúp người dân dựng lại nhà cửa, dọn rác thải, chôn cất động vật bị chết trôi trong lũ.

Đến ngày 12/11, hơn 2.500 tấn gạo của Trung ương chi viện đã được tỉnh Thừa Thiên Huế đưa tận tay cho người dân vùng lũ; tỉnh cũng tiếp nhận 553 tấn hàng cứu trợ của các địa phương, tổ chức, cá nhân trong cả nước. "Sau lũ khoảng một tuần, cuộc sống của chúng tôi dần ổn định trở lại, nhưng ký ức đau thương thì có lẽ không bao giờ phai mờ", ông Thân Văn Giới chia sẻ. 



Trận lũ đầu tháng 11 năm 1999 đã gây hậu quả nặng nề cho 10 tỉnh miền Trung với 595 người chết. Riêng tỉnh Thừa Thiên bị thiệt hại nặng nhất với 352 người chết, 21 người mất tích, 94 người bị thương, 90 vạn dân bị đói trong nhiều ngày; thiệt hại ước tính hơn 1.762 tỷ đồng.

Trong lễ truy điệu người dân chết trong lũ tháng 11/1999, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Ngô Yên Thi nói đây trận lũ khủng khiếp nhất mà người dân địa phương phải gánh chịu.

Võ Thạnh
https://vnexpress.net/tran-lu-nhan-chim-thua-thien-hue-20-nam-truoc-3993302.html

"

Nguyễn Nho Đoàn 

Mình còn nhớ như in cảnh tang thương ngày đó, mình và thằng bạn thuê nhà ở đường Chi Lăng nước lên trong vòng 1g đã ngập tới đầu, mình và nó phải kiệu bác chủ nhà tránh lên sân thượng nhà hàng xóm, đồ đạt trong nhà thì cú như phim Titanic. Qua hôm sau nước rút dân 2 thằng phi xe đạp qua trước trường Quốc học thấy thi thể k có đủ quan tài để chứa, khủng khiếp. Cũng do lúc đó nhà kiên cố rất ít nên cả làng Thủy Biều gần như bị san phẳng.....cầu mong mọi việc sẽ không bao giờ lặp lại.

90Trả lời08:07 2/11/2019Vi phạm

vinhctv 

Năm đó mình học lớp 11. Nước lên từ đêm đến sáng với tốc độ quá nhanh cả nhà phải dọn đồ trắng đêm đến trưa hôm sau đến nỗi phải vừa bơi vừa đẩy đồ trên mấy cái thau nổi vì nước lút đầu.

25Trả lời09:22 2/11/2019Vi phạm

sunshine241194 

Năm đó em mới 6 tuổi, nhưng còn nhớ như in nước lên nhanh khủng khiếp. nước mới ngoài sân là cả nhà đã lo kê cột để làm dàn áp mái leo lên trú, nhưng chưa được nửa tiếng nước ngập giường, 2 chị em bì bõm hét gọi người lớn nhanh lên, nước ngập nữa người gác được mấy cây cột cuối cùng lên xà nhà, rồi cả nhà ngồi yên k dám nhúc nhích. Chỉ tí nữa thôi phải chọi mái leo ra ngoài. Nước rút rồi thì nghe khắp nơi hoang tàn. Ký ức không quên được. Mong không lặp lại

1Trả lời13:56 1/11/2021Vi phạm

Linh TruongNăm đó mình 11 tuổi
Nhưng là ở Thị Xã Quảng Trị
Nước lên nhanh
Hồi nhỏ ngây thơ thích nghỉ học
Thấy trời mưa to
Thế là mình vs ông anh ra đứng trước sân luyện đàn gọi bão @@!
Ai ngờ nước lên nhanh
Ba mình đi làm xa chưa về
Mẹ mình ở chợ thấy nước lên nhanh lao về nhà dọn dẹp đồ lên gác
Ai dè vừa chuyển lên tới gác thì nước đã vào trong nhà
Lo chuyện chẳng lành mẹ mình kéo 7 anh em sang ở nhờ nhà hàng xóm có gác cao hơn nhà mình
Vừa kéo nhau qua thì nước đã lên tới nửa người mẹ
Đúng lúc đó ba mình cũng vừa về
Ba kể ngoài đường ngập lút sạch hết rồi
Thế mà ông vẫn kéo đc chiếc xe đạp về ( hồi đó nhà chỉ có mỗi chiếc xe đap )
Nước ngập suốt 1 tuần
Suốt tuần đó ăn mì tôm uống nước mưa
Bây giờ ba mẹ mình đã mất hết
Đọc bài nhớ kỷ niệm

40Trả lời10:14 2/11/2019Vi phạm

Kha Tư Lệ 

Lúc đó mới 10 tuổi. nhà đang ăn cơm mà nước mới lên có chút mà ăn xong nước đã lên ngập nhà rồi.

25Trả lời07:57 2/11/2019Vi phạm

Hung Do 

Ngày đó 19 tuổi, xem TV thấy cảnh có bác lội nước tới ngực chìa tay nhận mỳ tôm đc that từ máy bay xuống. Thấy cuộc sống mong manh nhưng ko làm gì giúp đc cho bà con cả.

20Trả lời08:39 2/11/2019Vi phạm

Quoc thien 

Nhớ nhà lúc đó gác mấy khúc cây sát mái. Gần 20 người ở trên đó. Xung quanh mấy nhà bị sập phải chạy nhờ qua nhà mình. Xung quanh chỉ có nước và nước... chảy rất xiết. Ngoài đường là bao la vật dụng trôi nổi theo cơn lũ.... ngồi trên nóc nhà nhịn đói mấy bữa. Còn bà chị Hàng xóm vừa sinh em bé....! Kinh hoàng thật. Nhưng lúc đó tin tức ko nắm rõ như bây giờ. Thấy thống kê mới biết Huế chết nhiều như vậy. 20 tròn rồi. Nhanh quá!!!

20Trả lời09:28 2/11/2019Vi phạm

Thương về miền trungNgày ấy tôi còn là cô sinh viên dhsp Huế, mấy ngày nước lớn không có mà ăn. Khi nước rút phải đi dọn bùn khắp con phố. Nghe kể lại là có nhiều gia đình cột dây dắt nhau đi, bị nước cuốn trôi cả gia đình. Có nhiều người xếp bàn ghế lên cao, khi nước vào cao hơn cửa thì cũng ko có cách nào chui ra, cũng chết. Súc vật, gia cầm thì khỏi nói đến. Người dân miền trung đã khổ rồi mà thiên nhiên còn khắc nghiệt nữa.

14Trả lời00:20 2/11/2019Vi phạm

Giới Bát 

"Lụt 99" là cụm từ mà mỗi khi nhắc đến, sẽ là 1 kí ức đau buồn và đáng quên của dân miền Trung, đặc biệt là người dân TT Huế, trong đó có tôi.

14Trả lời10:34 2/11/2019Vi phạm

Hương Vinh Xinh Đẹp 

Lụt 99. Nghe thôi đã thấy ghê rồi.

12Trả lời08:33 2/11/2019Vi phạm

Thăng Nguyễn Quyền 

Tôi 11 tuổi cùng e gái 7 tuổi và mạ (mẹ) phải đi lánh nạn nhà cao trong làng ngay trong đêm. Ba tôi đi làm xa mưa to nước lên nhanh không về được. Nhà mỗi mình anh trai đầu ở lại để...trong con heo khoảng 40kg là tài sản có giá trị nhất trong nhà. Phải làm gác cho nó đứng...đến bữa cho nó ăn. Lúa má ướt sạch. Xung quanh làng tôi là một màu đục ngàu của nước lũ.

9Trả lời12:22 2/11/2019Vi phạm

Hoàng Ngọc Mai 

Thương lắm miền trung ,nơi mà thiên tai luôn ập đến ,mong nhân dân miền trung luôn cố gắng vượt qua mọi phong ba bão táp .chúng tôi luôn ở bên các bạn . ( Huế nơi mà tôi có gia đình thông gia đang ở đó ,tôi yêu Huế mộng mơ )

8Trả lời08:13 2/11/2019Vi phạm

huynh nguyen 

Nhớ năm đó có người thân mất, đi mua quan tài mà cũng dành nhau mua ,đúng là k bao giờ quên được trận lũ năm đó

7Trả lời09:47 2/11/2019Vi phạm

Nhan Le 

Tròn 20 năm, nhớ lại một thời kinh khủng, bia Quốc Học vẫn còn ám ảnh đến bây giờ.

6Trả lời11:02 2/11/2019Vi phạm

leducbaoquoc 

Tui khi đó 28 tuổi. Không ở Huế nhưng gia đình ở đó.

5Trả lời12:39 2/11/2019Vi phạm

giang tran 

Miền trung không hạn hán thì lũ lụt.Tuần tới áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão kết hợp với gió mùa đông bắc tăng cường sẽ gây mưa lớn cho trung bộ.

4Trả lời09:45 2/11/2019Vi phạm

chip cô đơn 

Năm đó lần đầu tiên thấy trực thăng mà lại gần và rõ như thế . ở miền trung còn có trận lụt lịch sử năm thìn 1964 khiến hàng ngàn người chết mà nhắc đến bà ngoại tôi còn rùng mình vì năm đó gần như mọi căn nhà bị nhấn chìm người ta leo lên ngọn cây cao để tránh lụt dù chỗ ngoại tôi cũng không phải là quá thấp.

4Trả lời10:43 2/11/2019Vi phạm

khosinhvien.com 

Năm 1999 là năm khủng khiếp nhất, không chỉ riêng Thừa Thiên Huế mà các tỉnh miền trung khác. Tôi nhớ in trong đầu, không bao giờ phai...số người chết tăng đến mức khủng khiếp. Ai mà là người miền trung nhắc đến trận lũ lụt 1999 là ớn da gà....

4Trả lời11:53 2/11/2019Vi phạm

Tạm Thời Thế Thôi20 năm đã trôi qua.... giờ nhớ lại vẫn còn sợ, nhà mình thì có 5tv trong gđ sau đó có thêm 4 người hàng xóm sang trú nhờ, 3 chiếc giường chồng lên nhau thành 1 chiếc để chống ngập, may mà k bị đói, chỉ có mỗi cái quần đùi và cái áo mặc tạm trong vòng 1 tuần trời, rét thì lấy quả ớt cắn ăn tạm cho nó nóng lên ( nhà mình bán hàng ăn nên đồ ăn có sẵn) đến khi CA phường T.Thành tới chở mọi Ng lên đò tới trường T.Nhất thì cảm thấy a.toàn cho mọi ng, nhà mình ai cũng biết bơi nên k đáng sợ cho lắm nhưng vì 4 ng hàng xóm toàn phụ nữ k biết bơi nên cũng lo lắm chứ... nói chung an toàn là trên hết.... giờ k có cảm giác lũ nữa rồi vì mình và gđ k còn sống ở Huế nữa, quê nhà mình ở HN mà hjhjhj.... Huế là quê hương t2 của mình.

3Trả lời12:23 2/11/2019Vi phạm

Nguyễn 

Đọc lại, nhớ lại thôi mà nước mắt cũng tuôn dòng! Nhớ lại mà đau lòng quá! Từ ngày ấy, những hôm mưa to sầm sập, lại thấy bất an. Cảm giác đó có lẽ cũng là cảm giác chung của nhiều người dân Huế đã từng sống trong trận lụt 99, chứng kiến những mất mát, tang thương ở quê mình.


"







..

(Ngày 27/11/2019)

20 năm lũ lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học còn mãi: Kỳ 3 Những bài học đắt giá

Nói về một trong những bài học lớn nhất rút ra từ trận lũ lụt năm 1999, ông Nguyễn Văn Mễ nguyên chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - một trong những người trực tiếp chỉ đạo xử lý tình huống khẩn cấp tại địa phương khi ấy - cho rằng, đó là bài học tự quản tại chỗ


Nhắc đến trận lũ lụt 1999, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, diễn biến thất thường về cường độ mưa khi ấy trăm năm chỉ có một.

“Mưa xối xả, nước dâng nhanh không kịp trở tay. Các khu dân cư nhanh chóng bị cô lập. Giao thông bị lũ phá hủy gây chia cắt. Liên lạc hoàn toàn đứt đoạn. Khi ấy, chỉ còn kịch bản “4 tại chỗ”. Phối hợp tổ chức tốt các lực lượng - phương tiện tại chỗ và tinh thần tương thân tương ái của người dân là giải pháp tối ưu trong tình hình nguy cấp”, ông Mễ đúc kết.

Một trong những điều kỳ diệu nhất trong trận lũ lụt 1999 chính là tinh thần tự quản tại chỗ và truyền thống cố kết giúp nhau của người dân. Đó là yếu tố giúp giảm thiểu thương vong khi mưa lũ càn quét. Đây cũng là bài học kinh nghiệm có thể nhân rộng.

Chỉ với một chiếc thuyền nhỏ, có người đã cứu được hàng chục, hàng trăm người dân. Chỉ với một cây rựa, một thầy giáo trẻ đã cứu được trên 50 học sinh mắc kẹt. Những ngôi nhà cao tầng ở các huyện vùng trũng Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy… trở thành nơi tránh trú an toàn của nhiều hộ dân khi nhiều vùng bị cô lập, nước bao phủ.

Khi lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận, người dân tại chỗ, nơi không bị ngập, đã chủ động làm cơm vắt, cung cấp bánh mỳ, nước uống để tiếp tế, chia sẻ cho cư dân bị ngập, cho bệnh nhân đang điều trị ở nhiều bệnh viện và trung tâm y tế.

Trận lũ lịch sử năm 1999 tàn phá nặng nề, khiến 373 người chết. Nhưng theo ông Mễ, nếu không có yếu tố chủ động tại chỗ, con số thương vong trong trận lũ sẽ không dừng lại ở đó.

Từ kinh nghiệm rút ra sau “đại hồng thủy” năm 1999, chúng ta sẽ làm gì để giảm thiểu thiệt hại nếu một trận lũ tương tự xảy ra?

Trả lời câu hỏi này, ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh khẳng định: Đến nay, nhận thức cộng đồng đã được  nâng cao qua thực tiễn; qua các dự án, pháp lệnh phòng chống thiên tai. Kịch bản biến đổi khí hậu đã được tỉnh xây dựng và cập nhật. Các phương án ứng phó thích nghi được thiết lập và tính toán kỹ lưỡng... Tất cả kế hoạch đều hướng đến mục tiêu giảm thiểu hậu quả thiên tai.

Một trong những bất lợi trong trận lũ năm 1999 là dấu hiệu thời tiết bất thường, tổng hợp các hình thái thiên tai trong khi công tác dự báo không theo kịp. Chính việc không lường trước được khiến kịch bản phòng chống bão lụt trước đó đều bị động.

Sau 20 năm, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh nhận xét, việc áp dụng công nghệ hiện đại 4.0 phục vụ quan trắc, cảnh báo và dự báo hiện nay cho phép đưa ra những thông tin sớm và độ tin cậy cao hơn giúp chúng ta chủ động, ứng phó tốt hơn với thiên tai.

Ngay sau lũ, công tác trồng rừng, xây dựng các hồ chứa thủy lợi được trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư, xem đây là một trong những giải pháp góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai từ gốc.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã có tỷ lệ che phủ rừng từ 43% năm 1999 lên 57,3% năm 2018 và phấn đấu tăng lên 60% trong thời gian tới. Năm năm gần đây, hàng trăm ha rừng ngập mặn cũng đã được trồng ở các vùng trọng điểm ven hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của thiên tai.

Rừng ngập mặn Rú Chá (Hương Phong, Hương Trà) góp phần bảo vệ môi trường

20 năm qua, nhiều công trình thủy lợi, thủy điện lớn phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng chống thiên tai cũng đã ra đời, góp phần điều tiết nước phục vụ sản xuất và làm nhiệm vụ cắt lũ.

Nhìn lại trận lũ năm 1999 và năng lực phòng chống thiên tai của tỉnh hiện nay, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, khó có thể nói trước sự biến chuyển về thiên tai, bão lũ. Tuy nhiên, có thể nhìn nhận một cách lạc quan, khả năng xảy ra lũ lớn, ngập sâu như trận lũ cách đây 20 năm khó tái diễn.

Niềm lạc quan của ông Phương dựa trên cơ sở: Ở đầu nguồn sông Hương và sông Bồ-hai con sông lớn nhất của Huế-nhiều hồ chứa dung tích lớn như hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, hồ thủy lợi Tả Trạch… có tác dụng giảm lũ chính vụ, cắt lũ sớm, lũ tiểu mãn.

Thực tế cho thấy, từ khi có các công trình này, lũ trên các sông và vùng hạ du đã giảm độ ngập hơn 1m.

“Trước và trong mùa lũ lụt, tỉnh thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các chủ công trình hồ đập tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa. Quy trình xả lũ được quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt, thông tin kịp thời đến với các địa phương, người dân. Tuyệt đối không để nước dâng bất ngờ, gây thiệt hại nặng vùng hạ du”, ông Phương khẳng định.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, ngoài bài học “4 tại chỗ”, phương án “Tự quản tại chỗ” trong cộng đồng dân cư là cách làm hay của Thừa Thiên Huế được duy trì và phát huy. Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh về vĩ mô, các yếu tố công trình và phi công trình được thực hiện một cách đồng bộ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Mỗi tổ chức chính trị, các đoàn thể đều được phân công trách nhiệm để tất cả đều vào cuộc, chung tay giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra", Bí thư Lê Trường Lưu nói thêm.

Một trong những phương thức quan trọng trong ứng phó thiên tai là vấn đề thông tin.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ điều hành, cảnh báo, dự báo thiên tai tận người dân như nhắn tin SMS, mạng xã hội facebook, Zalo, HueS.

Ứng dụng HueS có nội dung cảnh báo thiên tai được cập nhật liên tục gửi đến người dùng

Sử dụng hệ thống camera giám sát theo dõi hồ chứa nước cũng đã được tích hợp vào đô thị thông minh của tỉnh và các ứng dụng khác phục vụ phòng chống thiên tai; hay sử dụng hệ thống thông tin địa lý GIS Huế.

Ông Phan Thanh Hùng nhấn mạnh: “Đây là một nỗ lực lớn của tỉnh trong việc quản lý và chia sẻ thông tin đối với cộng đồng”.

Hiện, Thừa Thiên Huế đang triển khai một số dự án của các tổ chức trong và ngoài nước về phòng tránh thiên tai cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Lê Diên Minh, thành viên dự án Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho hay, sau năm 1999, JICA đã được hỗ trợ để nghiên cứu tiền khả thi cho dự án xây dựng Hồ Tả Trạch. Cụ thể là nghiên cứu vị trí, đánh giá tác động môi trường của dự án. 

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng JICA đã ký kết thực hiện dự án: “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện”.

Theo đó, mạng lưới thông tin phòng chống thiên tai toàn diện và các biện pháp dự báo, cảnh báo khẩn cấp thích hợp trên sông Hương được thiết lập, nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt; hoàn chỉnh quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hương, tạo công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan quản lý.

TS.Felix Bachofer, nhà khoa học cao cấp, Trung tâm hàng không vũ trụ Đức – thành viên của dự án FloodAdaptVN hỗ trợ nghiên cứu giảm nhẹ rủi ro thiên tai miền Trung cho biết, đang hỗ trợ Thừa Thiên Huế phân tích tình hình lũ lụt hiện tại thông qua ảnh viễn thám, các mô hình thủy văn và dữ liệu trong quá khứ - hiện tại để mô hình hóa lũ lụt dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu. Đánh giá sự ảnh hưởng và tổn thương hiện tại của hộ dân, các công trình đối với lũ và xây dựng các kịch bản tương lai…

Theo T.S Felix Bachofer, để giải pháp quản lý rủi ro thiên tai theo xu hướng hiện đại này khả thi, các ban ngành hữu quan cần có sự phối hợp, xây dựng bảng số liệu cụ thể trên các lĩnh vực. Bù lại, đây sẽ là phương pháp đánh giá chính xác và hiệu quả....

Mọi nỗ lực cho thấy, chúng ta đang hướng về mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành tỉnh điển hình về phòng chống thiên tai. Từ những địa phương làm điểm, các mô hình sẽ được nhân rộng để người người, nhà nhà trở thành những lá chắn vững chãi trước biến đổi phức tạp của khí hậu.

 

Thành Trung



https://phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/20-nam-lu-lut-1999-chuyen-cu-khong-quen-bai-hoc-con-mai-ky-3-nhung-bai-hoc-dat-gia--.aspx

Chỉ đạo thực hiện: Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Phó Trưởng ban BCĐ.TW về PCTT Trần Quang Hoài

Trụ sở: Nhà A4, số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 024.37335804, Fax: 024.37335701, Email: pcttvietnam@mard.gov.vn

Ghi rõ nguồn "phongchongthientai.mard.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.


..


Cách đây 20 năm, một trận lũ lụt lịch sử "đại hồng thủy năm 1999" đã xảy ra. Đó là trận lũ lụt mà mưa bắt đầu vào đêm 1/11 và kéo dài suốt một tuần lễ khiến cả miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Định) chìm trong biển nước. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế chịu thiệt hại nặng nhất sau đợt lũ kinh hoàng này. Đối với người dân nơi đây, đợt lũ lịch sử đã đi vào ký ức khó phai mờ và trở thành nỗi ám ảnh không thể nào quên.
20 năm sau trận lụt lịch sử năm 1999, PC Thừa Thiên Huế nỗ lực đem lại ánh sáng hạnh phúc cho nhân dân

Những cánh tay đói lả nhận thức ăn tại Ngã ba Tuần - Thừa Thiên Huế trong ngày thứ 5 của trận lụt năm 1999 (nguồn internet )

Trận "đại hồng thủy năm 1999" đã nhấn chìm 20 huyện, thị xã miền Trung, làm 595 người chết, 41.846 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp và trôi. Tổng thiệt hại ước tính gần 3.800 tỷ đồng, tính tại thời điểm năm 1999. Thừa Thiên Huế được xem là tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt lũ lịch sử này. Trong tổng số 595 người chết của đợt lũ thì Thừa Thiên Huế đã chiếm quá nửa với 372 người chết. Hàng loạt nhà dân bị nước lũ tràn vào làm cuộc sống của những hộ dân này lâm vào cảnh khó khăn. Đã có những người phải bỏ cả tính mạng mình để cứu sống những người khác gặp hoạn nạn.

Những dấu ấn từ cơn lũ lịch sử năm 1999

Trong trận lũ lịch sử đầu tháng 11/1999 gây thiệt hại nặng nề đến người và tài sản của nhân dân trong tỉnh. Điện lực Thừa Thiên Huế (nay là Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế) cũng chịu tổn thất rất nặng nề với 432 trạm biến áp bị ngập nước, hỏng không sử dụng được, 2.383 cột điện trung hạ áp bị đổ, gãy, 1.224 km dây cáp điện bị đứt và hàng vạn công tơ bị chìm trong nước không sử dụng được. Ước tính thiệt hại trên 30 tỷ đồng thời đó.

Với diễn biến phức tạp của thời tiết gió mùa Đông Bắc mạnh kết hợp với dải áp thấp nhiệt đới phía Nam, sáng ngày 01/11/1999 tại Thừa Thiên Huế có mưa và gió lớn kéo dài đến 21h, mực nước sông Hương lên 2,47 mét và có chiều hướng tiếp tục tăng lên. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Điện lực Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ là ông Bùi Hữu Thanh - Giám đốc, Trưởng ban đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trực 24/24h để theo dõi mực nước sông Hương qua các Trạm đo thủy văn Kim Long và Trạm đo sông Bồ, nhằm kịp thời thực hiện phương thức sa thải phụ tải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và thiết bị do thiên tai gây nên.

Đối với công tác vận hành hệ thống điện, cán bộ và công nhân phòng Điều độ đã bám trụ, ứng trực 100% trong những ngày lũ lụt để thực hiện nghiêm túc phương thức vận hành tối ưu, cắt điện sa thải kịp thời những vùng trũng, ngập sâu trong nước, đồng thời vẫn duy trì nguồn điện cho các phụ tải quan trọng để tỉnh chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống lũ lụt. Gần 3h sáng ngày 02/11 để vượt qua đường Nguyễn Huệ đến đơn vị thì xe tôi nước đã ngập nửa bánh xe, tôi cùng anh em đồng nghiệp, cụ thể là các điều độ viên và trưởng ca lúc đó là anh Nguyễn Khoa Tuấn, cùng phối hợp thao tác sa thải phụ tải do nước lũ đang dâng cao. Đến 10h sáng ngày 02/11 khi mực nước sông Hương lên cao trên 5,86 mét chúng tôi phải thực hiện phương thức tách toàn bộ các xuất tuyến 35kV từ trạm 110kV E6 và huy động phát hòa toàn bộ máy phát tại Ngự Bình đưa điện về thanh cái 6kV của trạm trung gian Huế để cấp điện cho một số phụ tải quan trọng của thành phố Huế.

 
Đại nội Huế chìm trong biển nước trong trận lụt kinh hoàng. Ảnh: Internet.

Tuy vậy, đến 11h ngày 02/11 chúng tôi kiểm tra Trạm đo thuỷ văn Kim Long thì hoàn toàn mất liên lạc, sau này mới biết nhân viên trạm đo mực nước phải bám theo dây thừng để vào phía trong Bệnh viện Kim Long và mực nước sông Hương tại thời điểm đó lên đến 5,98 mét vượt mức báo động 3 là 2,98 mét. Đến 11h05’ khi lũ lên cao đã băng qua cầu Trường Tiền và cầu Bạch Hổ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1953 đến 1,2 mét. Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và theo chỉ đạo của Giám đốc, chúng tôi đã thực hiện phương thức sa thải 100% phụ tải toàn tỉnh (phụ tải nhận điện qua các trạm 110kV E6, Dệt Huế, Văn Xá và nguồn phát Ngự Bình về Huế đều bị mất điện), mọi thông tin liên lạc lúc này đều bị gián đoạn, chỉ có điện thoại di động nhưng lúc đó còn rất hiếm và máy bộ đàm của ngành mới có thể liên lạc được.

 
Đường Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ ngập chìm trong lũ lụt 1999

Trước tình hình đó, Điện lực Thừa Thiên Huế phải sử dụng máy phát điện 5kW để duy trì liên lạc qua vô tuyến điện, sạc pin… và ưu tiên chỉ nấu nước uống và chế mì tôm ăn chống đói cho anh em trực và công nhân làm việc trong lũ lụt. Tuy lương thực dự trữ nhiều nhưng do lũ kéo dài và cứu trợ cho dân chạy lũ nên mới đến sáng 03/11 thì mì tôm cũng đã hết, số ít không đủ ưu tiên cho các cháu nhỏ, học sinh bị mắc kẹt do lũ... Đến trưa cùng ngày, anh em công nhân tìm cách dùng dây thừng buộc vào người để bơi qua đường Lý Thường Kiệt vì lúc này đường cũng như sông, để mua thêm ít gạo, mì tôm và thực phẩm để tạm thời chống đói… Và cứ thế mì tôm sống đã giúp chúng tôi qua cơn đói mãi đến ba ngày sau, vì lúc này điện và nước đều bị cắt hoàn toàn. Bản thân anh em Điện lực chúng tôi phải tích cực ứng trực và làm việc trong lũ nên không thể có mặt ở nhà để giúp gia đình, cha mẹ, vợ, con tránh lũ vào những thời khắc nguy kịch, vậy nên tâm trạng anh em rất sốt ruột và bồn chồn, lo lắng. Nhớ lại trận lũ năm xưa đến giờ chúng tôi vẫn chưa hết kinh hoàng bởi cảm giác đói, lạnh và lo sợ …
Buổi chiều lúc lũ cao nhất, anh em công nhân Điện lực đã kịp thời cứu sống hai sinh viên bị nước cuốn, bấu víu vào cành cây bên đường, đói rét, run sợ và hoảng loạn nhưng may mắn được phát hiện kịp thời đưa về Điện lực thay quần áo, sưởi ấm và cho ăn tối nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Như thế mới thấy ấm lòng tình người trong trận lũ lụt lịch sử năm xưa.
Liên tục trong gần 5 ngày đầu tháng 11 năm đó, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ mỗi lúc mỗi phức tạp kéo theo mực nước sông Hương luôn ở trên mức báo động 3 là 1,5 mét.
6h sáng ngày 04/11 khi mực nước sông Hương vẫn còn ở mức 4,3 mét, Giám đốc Điện lực đã chỉ đạo và huy động lực lượng công nhân trực tại chỗ của phòng Điều độ và các phòng ban, phân xưởng khác đang tham gia trực tại đơn vị đi kiểm tra, khắc phục hậu quả nhằm khôi phục tuyến đường dây trung áp 35kV từ trạm 110kV E6 về Trạm trung gian Huế và Trạm trung gian Vạn Niên.

 
Đường Hùng Vương, chợ An Cựu ngập trong lũ lụt 1999

Do mực mức lũ dâng quá cao, dài ngày làm phần lớn các thiết bị tại các trạm biến áp trung gian và các trạm phụ tải đều bị ngập nước, các tuyến đường dây trung, hạ áp bị hư hỏng nặng ảnh hưởng rất lớn cho việc kiểm tra, khắc phục sự cố sau lũ lụt. Nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân Điện lực đến 11h20’ ngày 04/11, Điện lực đã khôi phục được 2 tuyến đường dây trung áp 35kV từ trạm 110kV E6 về trạm trung gian Huế và Vạn Niên để cấp điện trở lại cho 10% phụ tải đặc biệt quan trọng của thành phố Huế như: UBND tỉnh, thành phố, bệnh viện, nhà máy nước, Bưu điện tỉnh, Đài phát thanh, Đài truyền hình, Công an tỉnh và một số phụ tải quan trọng khác. Đến ngày 05/11 cán bộ, công nhân Điện lực đã khôi phục thêm tuyến đường dây trung áp 35kV từ trạm 110kV E6 - Hương Thuỷ để cấp điện trở lại cho 25% phụ tải quan trọng của tỉnh. Trong đó, cấp điện cho trung tâm huyện lỵ Hương Thủy, các khách sạn lớn trong thành phố Huế như: Centery, Hương Giang, Morin và các xí nghiệp công nghiệp lớn như: Công ty men sứ Phú Bài, Nhà máy rượu Sakê...

Đến ngày 06/11 Điện lực đã khôi phục thêm tuyến đường dây 35kV từ trạm 110kV E6 - Tân Mỹ để cấp điện cho 32% phụ tải quan trọng của tỉnh. Trong đó, có Sân bay Phú Bài và cấp tự dùng để rửa sấy các thiết bị tại Trạm trung gian Tân Mỹ. Theo chỉ đạo của Giám đốc Điện lực, đơn vị đã sử dụng máy phát điện di động để cấp điện độc lập cho Văn phòng Tỉnh uỷ. Đến ngày 07/11 cán bộ, công nhân Điện lực đã khôi phục thêm tuyến đường dây 35kV Vạn Niên - Mỹ Chánh và các tuyến đường dây 6kV từ trạm 110kV E6 để cấp điện trở lại cho 35% phụ tải quan trọng của tỉnh; trong đó, đã cấp điện cho xi măng Văn Xá, nhà máy đường Phong An, trung tâm huyện lỵ Phong Điền. Đặc biệt đến 15h30’ Điện lực đã đóng điện trở lại cho trung tâm huyện lỵ Phú Vang và các xã vùng Thuận An; đến ngày 08/11 khôi phục được 11/22 trạm biến áp trung gian để cấp điện cho 40% phụ tải quan trọng toàn tỉnh; ngày 09/11 khôi phục 17/22 trạm biến áp trung gian và tuyến đường dây 35kV La Sơn- Phú Lộc- Trung Kiền, tuyến đường dây 35kV từ Vạn Niên- A Lưới nâng tỉ lệ cấp điện lên 58% phụ tải quan trọng của tỉnh, trong đó, có trung tâm huyện lỵ Hương Trà, Quảng Điền, Phú Lộc và huyện miền núi A Lưới.

Ngày 10/11 đơn vị đã khôi phục được 21/22 trạm biến áp trung gian để cấp điện cho 68% phụ tải của tỉnh, các trung tâm huyện lỵ đã có điện và toàn bộ phụ tải ánh sáng sinh hoạt trong phạm vi thành phố Huế. Như vậy, chỉ trong 8 ngày nỗ lực phấn đấu khắc phục hậu quả lũ lụt của cán bộ, công nhân Điện lực đến ngày 12/11 đã kiểm tra, xử lý và khôi phục 4 tuyến đường dây 35kV về các trạm trung gian để cấp điện cho các trung tâm huyện lỵ trên toàn tỉnh trong đó có xã miền núi Bình Điền và huyện A Lưới. Đặc biệt lúc 18h45’ngày 13/11 Điện lực đã khôi phục tuyến đường dây 15kV cấp điện cho vùng chiến khu Dương Hoà.

 
Kéo máy phát điện thi công ban đêm để dựng cột hình PI tuyến đường dây 35kV La Sơn- Nam Đông ngày 14/11/1999 tại khu vực xã Xuân Lộc

Trong trận lũ lịch sử này, đường dây 35kV La Sơn - Nam Đông cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề, nhiều vị trí bị sạt lở làm đổ cột điện 35kV khu vực Xuân Lộc, nên cán bộ kỹ thuật đề xuất dựng lại cột điện tại vị trí cũ nhưng Giám đốc Điện lực không đồng ý theo phương án đó mà quyết định khoan tảng đá dưới lòng suối để dựng cột điện hình PI lên đó, đồng thời đúc móng cột dạng hình thoi để xẻ dòng nước và tránh sự va đập vào móng cột. Nhiều người cho rằng đây là quyết định táo bạo của Giám đốc Điện lực lúc bấy giờ vì sợ dòng lũ có thể kéo trôi móng cột hình PI mới dựng, nhưng trận “đại hồng thủy năm 1999” đã minh chứng phương án đó là tối ưu.

Đến 17h40' ngày 15/11 Điện lực đã đóng điện đường dây 35kV La Sơn- Nam Đông khôi phục cấp điện trở lại cho trung tâm huyện lỵ miền núi Nam Đông và phụ tải trên tuyến đường dây trung thế 15kV khu vực Nam Đông, nâng tỷ lệ phụ tải toàn tỉnh được cấp điện trở lại lên 95%.

 
Công nhân điện khắc phục hậu quả sau bão lũ

Do trận lụt lịch sử đã mở thêm một cửa biển Hoà Duân (cửa biển mới bị mở sau 100 năm có chiều dài 450m) nên đã gây thiệt hại nghiêm trọng 1 km đường dây 22kV và 1 km đường dây 6kV làm cho 11 xã vùng duyên hải của hai huyện Phú Vang và Phú Lộc bị mất điện. Đứng trước tình hình đó, toàn thể cán bộ, công nhân Điện lực đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, không ngại khó khăn gian khổ vừa khắc phục hậu quả của thiên tai lũ lụt, đồng thời đảm bảo cung cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Trong thời điểm đó, nếu kéo đường điện cấp cho người dân 11 xã vùng lũ, Điện lực phải kéo đường dây 22kV vượt Phú Lương qua dầm Thủy Tú của phá Tam Giang trong điều kiện rất khó khăn do địa hình do nước ngập sâu, cát chảy… và sẽ không cấp điện kịp thời cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Đứng trước tình hình đó, Giám đốc Điện lực đã quyết định thực hiện phương án thi công tạm 1 km đường dây 22kV qua cửa biển Hoà Duân, với giải pháp dựng 2 cột bê tông ly tâm 20m bố trí hình PI về hai phía của cửa biển Hòa Duân để kéo 450 mét đường dây 22kV vượt qua phá Tam Giang ngoài sự tham gia tình nguyện của các ngư dân, Hải đội 2 phải thuê thêm 50 chiếc thuyền để gác dây kéo qua cửa biển tránh bị nhiễm mặn. Đây chính là điểm nhấn mang ý nghĩa đoàn kết quân dân trong khắc phục hậu quả từ cơn lũ lịch sử năm 1999 mà chúng ta có thể thấy rõ nhất.

 
Ngư dân và bộ đội biên phòng Hải đội 2 kết thuyền để hỗ trợ ngành điện kéo đường dây trung thế 22kV qua cửa biển Hòa Duân bị mở năm 1999

Cán bộ, công nhân ngành điện trong trận lũ lịch sử này còn nhớ rất rõ tấm gương sẵn sàng dấn thân vào “vùng rốn lũ” của Giám đốc Bùi Hữu Thanh đã “đốc chiến” cán bộ, công nhân Điện lực phối hợp, hiệp đồng gắn bó chặt chẽ với cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 và nhân dân địa phương không quản ngại khó khăn, gian khổ, ròng rã hơn nửa tháng trời dựng cột, kéo dây trên biển nước mênh mông trong điều kiện thời tiết gió rét, mưa lạnh để thi công gần 1 km đường dây 22kV với giá trị xây lắp 200 triệu đồng để nối liền cửa biển Hòa Duân bị chia cắt. Như vậy có thể khẳng định, với quyết tâm chính trị từ người đứng đầu Điện lực đã truyền lửa xuống cán bộ, công nhân lao động toàn đơn vị đã mang lại niềm hạnh phúc thiết thực, cấp điện trở lại cho hàng vạn cư dân ở bên kia cửa biển Hòa Duân bị chia cắt để đón chào Tết cổ truyền, chào Thiên niên kỷ mới 2000.
Sau Tết Nguyên đán năm 2000, Điện lực đã đầu tư xây dựng tuyến 22kV từ Trạm nâng Thủy Phù 35/22kV đi Phú Bài - Phú Lương qua cầu Vinh Thanh, vượt sông Đại Giang, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đa số các vị trí thi công với mặt bằng toàn là nước ngập sâu, nên đơn vị thi công buộc phải đúc từng bi giếng rồi đổ bê tông sống, tạo độ cứng để dựng cột với chiều dài toàn tuyến khoảng 8-10km, tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng để cấp điện ổn định cho 11 xã bên kia phá Tam Giang.

 
Giám đốc Bùi Hữu Thanh, chỉ huy kéo đường dây 22kV qua phá Tam Giang năm 1999

Đang điều trị trên giường bệnh đầu tháng 11/2019, ông Bùi Hữu Thanh (cựu Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế) kể cho chúng tôi biết: “Trong thời khắc lịch sử đó ngành điện đã thi công gần 1 km đường dây 22kV nối liền hai bờ eo biển Hòa Duân bị chia cắt sau cơn lũ lịch sử năm 1999, giúp nhân dân của 11 xã vùng duyên hải thuộc hai huyện (Phú Vang và Phú Lộc) kịp thời có điện để sản xuất, sinh hoạt. Công ty huy động mọi nhân lực, phương tiện sản xuất hiện có để xử lý nhanh sự cố cấp điện ổn định đời sống sinh hoạt cho nhân dân để chào đón thiên niên kỷ mới năm 2000”.

Bền bỉ, nỗ lực đem lại ánh sáng hạnh phúc cho nhân dân

Để đối phó với thiên tai lũ lụt thường xuyên xảy ra trên địa bàn miền Trung nói chung và địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, trong những năm qua Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã không ngừng phát triển đổi mới công nghệ, đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường dây, trạm biến áp để cung cấp điện ổn định cho nhân dân, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ngày càng được củng cố và hoàn thiện hơn.

 
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với bão lũ

Hằng năm, Công ty tiến hành rà soát, kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ Công ty đến các đơn vị cơ sở, phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng thành viên. Công ty đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phương thức vận hành lưới điện và vận hành hồ, đập, nhà máy thủy điện hàng năm khi xảy ra sự cố do thiên tai phù hợp với từng địa bàn quản lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, đơn vị chủ động huy động phương tiện, vật tư, nhân lực để xử lý nhanh sự cố đảm bảo cung cấp điện trở lại cho khách hàng. Với sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ Công ty, các phòng ban đến các điện lực trong công tác xử lý sự cố, sẵn sàng bố trí kịp thời lực lượng, huy động phương tiện từ các đơn vị không nằm trong phạm vi ảnh hưởng của thiên tai để phối hợp hỗ trợ các đơn vị khác trong công việc khắc phục sự cố do thiên tai gây ra.
Cùng với việc kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy, Đội xung kích, Công ty chú trọng đến sự phối hợp nhịp nhàng thống nhất trong công tác điều hành khắc phục sự cố do mưa bão. Đồng thời đơn vị phối hợp cùng các lực lượng phòng chống lũ bão của các đơn vị khác nhằm thực hiện ứng cứu khẩn cấp khi có tình huống xấu xảy ra; tăng cường công tác kiểm tra hành lang tuyến, rà soát kiểm tra các vị trí xung yếu trên lưới điện để có kế hoạch, phương án khắc phục kịp thời trước mùa mưa bão.
Chúng tôi xin mượn lời của ông Bùi Hữu Thanh, người đã có 18 năm (1993-2010) trong cương vị lãnh đạo cao nhất của ngành điện Thừa Thiên Huế tâm sự những lời tâm huyết: “Mong rằng thế hệ lãnh đạo trẻ hiện nay đã được đào tạo bài bản luôn luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng nhằm đốc thúc cán bộ kỹ sư, công nhân kết hợp với việc ứng dụng công nghệ mới trong thời đại khoa học công nghiệp 4.0 để giải quyết dứt điểm bài toán thiếu điện trong toàn tỉnh, kể cả vùng sâu, vùng xa...đem lại một cuộc sống thật sự ấm no, hạnh phúc cho đồng bào, nhân dân trong toàn tỉnh”.               

Hùng Sơn - Thương Thương


https://cpc.vn/vi-vn/Tin-tuc-su-kien/Tin-tuc-chi-tiet/articleId/26321

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.