Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

26/04/2022

Góc nhìn văn hóa sử : sự thực lịch sử và thực hành văn hóa đương đại, qua sự kiện bà Phi Yến ở Côn Đảo

Một sự kiện khá thú vị, cung cấp cho luận giải văn hóa sử của tôi một ví dụ xác đáng, nhưng lại rất bất ngờ.

Giọt nước làm tràn li là bà Phi Yến bỗng nhiên được xem là một bà phi của vua Gia Long, rồi lễ hội về bà được ghi danh vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đi một ít tư liệu của báo chí chính thống trước.

Các cập nhật và bổ sung sẽ được dán dần ở bên dưới như mọi khi.

Tháng 4 năm 2022,

Giao Blog


---


Kiến nghị rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

26/04/2022 19:13 GMT+7

TTO - Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc - con cháu vua Gia Long - cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đã cùng ký tên vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Kiến nghị rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Tọa đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo - vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản" diễn ra ở Huế chiều 26-4 - Ảnh: NHẬT LINH

Một trong những nguyên nhân của việc làm này, theo các nhà nghiên cứu là nhằm trả lại sự trong sạch của vua Gia Long trước nghi án "coi vợ con như rơm rạ" và để không làm xuyên tạc lịch sử.

"Nguyễn Ánh không ra Côn Đảo"

Chiều 26-4, hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã tổ chức tọa đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo - vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản".

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đều nhất quán với quan điểm Nguyễn Ánh khi thất trận ở Gia Định đã không chạy đến đảo Côn Lôn (Côn Đảo - nơi xuất phát truyền thuyết về bà Phi Yến).

Theo PGS Đỗ Bang, thông tin Nguyễn Ánh chạy đến Côn Lôn được ghi rõ trong Đại Nam Thực Lục và Quốc triều chính biên toát yếu.

Theo ông Bang, hai chữ côn lôn có nguồn gốc từ tiếng Mã Lai, khi phiên âm tiếng Việt là cù lao. Do vậy, khi biên soạn Phủ Biên Tạp Lục, tác giả Lê Quý Đôn cho biết vào đầu thế kỷ XVIII, tại vùng biển miền Nam có đến 3 địa danh mang tên Côn Lôn ở 3 vị trí khác nhau tại ngoài khơi phủ Bình Thuận, ngoài khơi phủ Gia Định và ngoài khơi trấn Hà Tiên.

"Các nguồn sử liệu đều cho biết qua các lần truy đuổi của quân đội Tây Sơn, hướng trốn thoát của Nguyễn Ánh chỉ là miền Tây Nam Bộ qua Rạch Giá - Hà Tiên để tiện đường ra Phú Quốc, Thổ Chu, Cổ Cốt, Cổ Long rồi sang Xiêm. Do vậy Côn Lôn sử ghi không thể là Côn Đảo ngày nay", ông Bang nói.

Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần lên tiếng

Tại buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên Huế - nói rằng cần phải trả lại mối hàm oan "coi vợ con như rơm rạ" của vua Gia Long.

"Liệu có ai có thể toàn tâm đi theo phò trợ một vị quân vương nhẫn tâm, ném con mình xuống biển trước mặt quân thần như vậy? Điều này hoàn toàn trái với các tài liệu lịch sử ghi chép về vua Gia Long là một người biết thu phục nhân tâm", ông Hoa nói.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - nguyên trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), truyền thuyết về bà thứ phi Hoàng Phi Yến có thể có nguồn gốc từ tập tục thơ Thánh nữ của cư dân biển.

"Cục Di sản văn hóa đã tùy tiện, đơn giản và có sự tắc trách trong việc công nhận mà thiếu thẩm định nền tảng lịch sử về di tích miếu An Sơn và truyền thuyết về bà Phi Yến", ông Đăng nói.

Kiến nghị rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 2.

Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cùng nhau ký tên vào bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: NHẬT LINH

Cũng theo ông Đăng, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã "im hơi lặng tiếng" quá lâu và cần phải lên tiếng ngay về vụ việc này nhằm "không để lịch sử bị xuyên tạc".

Cuối buổi tọa đàm, toàn bộ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tham gia thảo luận đã cùng ký tên với hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cùng các đơn vị liên quan về việc rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Nhật Linh

https://tuoitre.vn/kien-nghi-rut-le-gio-ba-phi-yen-khoi-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-20220426183835044.htm?fbclid=IwAR0xtDDJiRFRFOCm-glE8WhA9m4wskA_EXhSyf5JPtGq2sBiM05q-rGFFUA

..


Chưa tính đến việc xin rút Lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể

21/04/2022 16:35 GMT+7

TTO - Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa tính đến việc xin rút Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở Côn Đảo khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ này vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhưng có nhiều ý kiến băn khoăn.

Chưa tính đến việc xin rút Lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 1.

Lễ giỗ bà Phi Yến tại Côn Đảo - Ảnh: Đ.H.

Những ngày qua, giới sử học có băn khoăn về việc Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở Côn Đảo được công nhận là văn hóa di sản phi vật thể quốc gia.

Những người khác cũng có ý kiến trái chiều. Lý do là truyền thuyết về cuộc đời, cái chết và con cái của bà thứ phi Hoàng Phi Yến lại có dính dáng trực tiếp đến vua Gia Long - Nguyễn Ánh.

Ngày 21-4, Sở Văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo gửi UBND tỉnh này để giải trình những thông tin liên quan đến chuyện Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến.

Theo đó, từ tháng 4-2021, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý chủ trương lập hồ sơ đề nghị công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở Côn Đảo là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến tháng 10-2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tờ trình gửi Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xin công nhận lễ giỗ này là di sản văn hóa phi vật thể.

Đầu năm 2022, Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến đã được bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết việc tỉnh trình là dựa vào yếu tố truyền thuyết dân gian, lễ giỗ được nhân dân chấp nhận và thờ phụng bao đời nay. Còn việc thẩm định và đồng ý là của cấp bộ.

Về việc có xin rút Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể thì tỉnh cũng chưa tính đến chuyện này.

Đông Hà

https://tuoitre.vn/chua-tinh-den-viec-xin-rut-le-gio-ba-phi-yen-khoi-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-20220421160539739.htm




..



19/04/2022 05:55 GMT+7

TTO - Việc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch vừa ký quyết định công nhận đưa Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến, ở huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã gây ra không ít băn khoăn trong dư luận.

Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến thành di sản quốc gia, vì sao giới sử học băn khoăn? - Ảnh 1.

Nhân dân làng An Hải xưa và người dân huyện Côn Đảo ngày nay tổ chức Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến - Ảnh: TTXVN

Trước đó, ngày 8-4-2007 miếu bà Phi Yến được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Gần đây, huyện Côn Đảo có tên đường "Hoàng Phi Yến". Miếu An Sơn ở huyện Côn Đảo thường được gọi một cách không chính xác là "chùa An Sơn" hay "miếu bà Phi Yến".

Gán ghép lịch sử?

Trước nay, nhiều tài liệu đều cho rằng bà Phi Yến là vợ của chúa Nguyễn Ánh. Vì bà can ngăn Nguyễn Ánh đừng "cõng rắn cắn gà nhà" mà phải chịu số phận bi thảm, về sau chết và trở nên hiển linh, được dân chúng ở Côn Đảo rất tin và xây miếu (tức miếu An Sơn) vào năm 1785 để thờ bà. Nhưng sự thật thì như thế nào?

Truyền thuyết địa phương kể rằng bà Phi Yến là vợ thứ của chúa Nguyễn Ánh, tên tục là Lê Thị Răm. Bà có người con với Nguyễn Ánh là hoàng tử Hội An, thường gọi hoàng tử Cải, lên 4 tuổi. Bị quân Tây Sơn đánh đuổi, Nguyễn Ánh dẫn vợ con bôn tẩu ra Côn Đảo.

Vì thất bại liên tục trong cuộc chiến đấu với nhà Tây Sơn nên Nguyễn Ánh có ý định nhờ giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, mang theo hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải) làm con tin.

Bà Phi Yến dùng lời lẽ can ngăn. Nguyễn Ánh nổi giận lôi đình, cho bà có ý thông đồng với Tây Sơn nên định chém đầu bà, nhưng các cận thần can ngăn. Bà thoát chết nhưng bị giam cầm trong một hang đá.

Nghe tin quân Tây Sơn sắp tràn lên Côn Đảo, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng xuống thuyền chạy qua đảo Phú Quốc. Hoàng tử Cải khóc thét khi thấy trong đoàn không có mẹ mình và yêu cầu được ở lại với mẹ.

Chúa liền tự tay ném hoàng tử xuống biển. Xác hoàng tử trôi dạt vào bãi biển Cỏ Ống, được dân làng chôn cất, lập miếu thờ và gọi là miếu Cậu.

Cũng theo truyền thuyết địa phương, bà Phi Yến được vượn bạch và hổ cứu sống, trông nom mộ của hoàng tử. Thông cảm trước nỗi mất mát đứa con trai yêu quý của bà, người dân trên đảo đặt ra câu hát: Gió đưa cây CẢI về trời/ Rau RĂM ở lại chịu đời đắng cay.

Về sau bị kẻ xấu xúc phạm, bà Phi Yến đã tự tử để bảo toàn danh tiết. Người dân địa phương thương tiếc lập ngôi miếu, nay là miếu An Hải, để ngày ngày nhang khói cho bà (truyền thuyết về Bà, cậu Côn Lôn).

Ở Phú Quốc (Kiên Giang) cũng lưu hành truyền thuyết tương tự, tuy có khác về chi tiết.

Năm 1958, ông Nguyễn Kim Sáu xin chính quyền dựng một ngôi chùa mang tên An Sơn Tự khá đẹp trên nền ngôi miếu thờ Bà xưa, nhưng không ai nhớ ngày giỗ của Bà.

Một người trên đảo là Trần Hữu Khỏe đã thành tâm ăn chay và khấn nguyện nên được Bà cho biết là ngày 18-10 âm lịch? Nếu quả thật bà Phi Yến là nhân vật đúng như trong truyền thuyết thì người dân địa phương không thể không nhớ ngày giỗ của Bà và lễ hội này chỉ diễn ra gần đây.

Miếu Bà Phi Yến và miếu Cậu trên Côn Đảo thực chất là tín ngưỡng thờ Bà - Cậu vốn rất phổ biến trong tín ngưỡng sông nước ở Nam Bộ, do những cư dân đầu tiên đến Côn Đảo là người miền Trung mang vào.

Sự gán ghép lịch sử thông qua việc hư cấu ra truyền thuyết, dẫn đến việc công nhận di tích, di sản, đặt tên đường cho nhân vật không rõ lai lịch, theo các nhà nghiên cứu, là điều nguy hiểm trong thực hành văn hóa hiện nay.

Chúa Nguyễn Ánh có đến Côn Đảo không?

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên Huế, bản thân ông rất ngỡ ngàng khi hay thông tin Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo ông Hoa, truyền thuyết về bà Phi Yến ở Côn Đảo bắt nguồn từ một vở cải lương trong dân gian và được người dân thờ phụng. Bản thân câu chuyện này hoàn toàn không có thật và được các sử gia chứng minh, làm rõ từ rất lâu.

Vào năm 1942, trên tạp chí Tri Tân đã đăng bài viết "Sử học luận đàm: Một bức thư Huế" của tác giả Tôn Thất Dương Kỵ, nói về việc "chưa chắc chúa Nguyễn (Ánh) đã chạy thấu đảo Côn Lôn (tức Côn Đảo ngày nay - PV)".

Theo tác giả Dương Kỵ, sau khi mất thành Sài Gòn vào năm 1783, Nguyễn Ánh chạy ra đảo Phú Quốc. Bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh cùng tàn quân đã chạy đến một đảo có tên là Koh Rong chứ không phải là đảo Côn Lôn như nhiều tài liệu lịch sử ghi chép.

Do chữ Hán không có phụ âm R nên phiên âm thành phụ âm L (Koh Rong thành Côn Lôn); sách xưa cũng thường dùng từ "Côn Lôn" để chỉ các hòn đảo nói chung... Theo Dương Kỵ, lúc bấy giờ Côn Lôn thuộc hải phận do Tây Sơn kiểm soát, lại quá xa Phú Quốc.

Do đó chuyện vua Gia Long ném hoàng tử Cải xuống thuyền và thi thể trôi dạt vào bãi biển Cỏ Ống ở Côn Đảo là hoàn toàn không có thật.

Theo ông Hoa, truyền thuyết dân gian khác với sử liệu, sử học. Có thể trên đảo có đền thờ của một bà Phi Yến, nhưng đừng gắn đó là thứ phi của vua Gia Long. Có thể lễ hội giỗ bà Phi Yến đã tồn tại hàng trăm năm, nhưng khi công nhận một lễ hội dân gian thành di sản phi vật thể quốc gia cần phải rất thận trọng.

Đầu tiên phải xét đến nội dung của lễ hội đó có mang tính tiêu biểu và tính quốc gia hay không, thứ hai là tính sử liệu của lễ hội liên quan đến vị vua khởi nghiệp của triều Nguyễn. "Nội dung này nếu được công nhận là một di sản quốc gia thì đây là việc làm vô cùng tắc trách", ông Hoa nói.

PGS.TS Nguyễn Phước Bửu Nam - chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc - cho biết đã rà soát Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện thì hoàn toàn không có ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm và có tên thụy là Phi Yến cả.

Tương tự trong gia phả hoàng tộc cũng không ghi chép tên của hoàng tử Cải là con của vua Gia Long. "Vua Gia Long chỉ có một hoàng tử được chôn tại đảo Phú Quốc", ông Nam nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo huyện Côn Đảo cho biết "miếu bà Phi Yến" là tín ngưỡng từ lâu của người dân Côn Đảo.

Việc làm du lịch hay đề xuất ngày giỗ bà Phi Yến vào Danh mục DSVHPVT quốc gia thì đầu tiên phải hợp lòng người dân nơi đó. Nếu đủ luận cứ khoa học và cơ quan có thẩm quyền cho phép thì mới định hướng thay đổi nhận thức của người dân.

N.LINH - ĐÔNG HÀ ghi

Cục di sản văn hóa: Ghi danh lễ hội của cộng đồng

photo-1

Miếu An Sơn - nơi diễn ra Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến - Ảnh: NGUYỄN HỮU LỘC

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hoá - thể thao và du lịch) cho biết hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh An Sơn Miếu (Miếu An Sơn, nơi diễn ra Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến) của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Quyết định số 1442/QĐ.UB ngày 18-4-2007) và Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến đều thể hiện bà Hoàng Phi Yến - Lê Thị Răm, Thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh - là nhân vật truyền thuyết.

Đây là một biểu đạt văn hóa/thực hành văn hóa đáp ứng các tiêu chí theo định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể) và tại Luật Di sản văn hoá, để được nhận diện là một di sản văn hóa phi vật thể.

Việc đưa di sản này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là sự ghi nhận sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng cư dân trên đảo, được pháp luật công nhận và bảo vệ; đồng thời là sự ghi nhận các giá trị, vai trò và ý nghĩa của lễ hội với cộng đồng cư dân, cũng như vai trò của cộng đồng đối với việc sáng tạo và duy trì, trao truyền bản sắc văn hóa của họ để tạo nên sự đa dạng văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Về di sản văn hóa phi vật thể gắn với nhân vật truyền thuyết, tương tự trường hợp nhân vật truyền thuyết bà thứ phi Hoàng Phi Yến, ở nước ta, nhiều tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của một số cộng đồng khác gắn với nhân vật truyền thuyết đã được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa quốc gia.

Đó là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (trên địa bàn 21 tỉnh, gắn với hệ thần Tam - Tứ phủ), được UNESCO ghi danh năm 2016; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ, gắn với truyền thuyết về các Vua Hùng) được UNESCO ghi danh năm 2012; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội, gắn với truyền thuyết Thánh Gióng), được UNESCO ghi danh năm 2010.

Lễ hội phủ Giầy (Nam Định, gắn với truyền thuyết Bà Chúa Liễu Hạnh), được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa quốc gia năm 2013, Lễ hội đình Chèm (Hà Nội, gắn với truyền thuyết người khổng lồ Lý Ông Trọng), được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa quốc gia năm 2016... (THIÊN ĐIỂU ghi)

Nguyễn Thanh Lợi - Nhật Linh

https://tuoitre.vn/le-gio-ba-thu-phi-hoang-phi-yen-thanh-di-san-quoc-gia-vi-sao-gioi-su-hoc-ban-khoan-20220418230010885.htm

..



---




















CẬP NHẬT




5.







4.

 





Bùi Ngọc Long

Liên quan đến việc kiến nghị thu hồi quyết định công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản chỉ đạo xử lý.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ VH-TT-DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, xử lý việc Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam gửi thư kiến nghị thu hồi quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến ở H.Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Phó thủ tướng chỉ đạo sau kiến nghị thu hồi Di sản Lễ giỗ bà Phi Yến - ảnh 1

Miếu bà Phi Yến (An Sơn miếu)

BÙI THANH

Cụ thể, trong văn bản chỉ đạo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ VH-TT-DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.

Trước đó, trên Báo Thanh Niên có bài đăng về Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo, vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản".

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng ký tên vào bản kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản văn hóa cùng các cơ quan liên quan đề nghị thu hồi quyết định công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ hội truyền thống An Sơn miếu tại H.Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời đề nghị thu hồi quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh An Sơn miếu tại H.Côn Đảo.

Phó thủ tướng chỉ đạo sau kiến nghị thu hồi Di sản Lễ giỗ bà Phi Yến - ảnh 2

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm ngày 26.4

BÙI NGỌC LONG

Tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử với 16 tham luận, trong đó có 3 tham luận được trình bày tại tọa đàm. Các ý kiến tham luận dựa vào chính sử triều Nguyễn, thế phả của Hoàng tộc triều Nguyễn, ghi chép của các sử gia người Pháp cùng các nghiên cứu đã công bố để chứng minh bà thứ phi Hoàng Phi Yến (còn gọi Phi Yến, tên là Lê Thị Răm) và hoàng tử Cải (còn gọi hoàng tử Hội An) là 2 nhân vật truyền thuyết, hư cấu, không có thật.

Trong tham luận, các nhà nghiên cứu nêu rõ truyền thuyết cho rằng bà Phi Yến vì can ngăn Nguyễn Ánh cầu viện Pháp là “cõng rắn cắn gà nhà” nên bị Nguyễn Ánh giam vào hang và ném hoàng tử Cải xuống biển là câu chuyện hư cấu, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm nhân vật lịch sử như vua Gia Long.

Một số nhà nghiên cứu cũng khẳng định: địa danh Côn Lôn ghi trong Đại Nam thực lục, nơi Nguyễn Ánh từng chạy trốn quân Tây Sơn hồi tháng 6 - 7.1783, không phải là Côn Đảo.

https://thanhnien.vn/pho-thu-tuong-chi-dao-sau-kien-nghi-thu-hoi-di-san-le-gio-ba-phi-yen-post1463721.html



3. Fb Trương Thanh Hùng, ngày 28/4/2022

*
Trương Thanh Hùng
Mấy hôm nay, trên mạng xã hội xôn xao về việc lễ hội bà Hoàng Phi Yến ở Côn Đảo, nhiều nhà nghiên cứu đã cung cấp khá nhiều tư liệu để chứng minh Nguyễn Ánh không có đặt chân đến Côn Đảo, không có nhân vật Lê Thị Răm và hoàng tử Cải (Hội An). Năm 2015 tôi có đến Côn Đảo, có đến An Sơn Miếu và Thiếu Gia Miếu, đồng thời cũng có nghiên cứu và tiếp cận được một tư liệu khá hay xin cung cấp cho mọi người quan tâm đến vấn đề này.
Chúng tôi lên thăm một ngôi chùa khá khang trang mang tên “Vân Sơn tự” nằm trên triền núi Một. Được biết, ngôi chùa này được Hội Phật học Côn Sơn xây dựng vào năm 1965 và sau này được trùng tu đàng hoàng hơn. Sau khi trèo hơn 100 bậc thang, vào chùa, quan sát một vòng, tôi hết sức ngạc nhiên vì phong cách thờ tự ở đây. Chùa thì chắc chắn là phải thờ Phật, nhưng trong chùa phối tự khá nhiều ban thờ khác như: Đức Chúa Ông, Mở đường hướng thiện, Đức Thánh hiền, Chín Rồng phun nước, Quan Âm quá hải, Quan Âm tọa sơn, mỗi ban thờ có cốt tượng khá đẹp nhưng không rõ đó là vị thần thánh hay bồ tát nào ngoài đức Quán Thế Âm.
Cạnh bên ngôi chùa lớn là một ngôi miếu tương đối bề thế, bên trong ngay gian giữa là ban thờ “Địa Tạng vương cung” có cốt tượng Địa Tạng vương và ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngoài ra còn có ban thờ “Bốn ân đền đáp” với cốt tượng một thanh niên quấn khăn rằn trước lá Quốc kỳ, một ban thờ “Ba cõi yên vui” với cốt tượng một người phụ nữ và bài vị “Kính tiên chân linh thứ phi Lê Thị Dăn long vị” viết bằng chữ Việt. Không biết có phải ngôi miếu này thờ Địa Tạng vương và bà thứ phi Lê Thị Răm cùng các anh hùng liệt sĩ hay hoàng tử Cải trong truyền thuyết hay không?.
Thăm “An Sơn miếu”, nơi thờ bà Lê Thị Răm, tương truyền là hoàng phi của Gia Long vì khuyên Nguyễn Ánh không nên liên kết với Pháp mà bị bỏ lại Côn Sơn rồi vì giữ gìn tiết hạnh mà phải quyên sinh. Nhưng trong miếu, ngoài hai câu đối “Trung nghĩa giảng quân thiên cổ chiếu, Tiết hạnh quyên sinh vạn đại truyền” do Côn Đảo resort cung tiến có liên quan đến sự tích bà Lê Thị Răm hay hoàng phi Phi Yến và bốn chữ “Oai linh nương nương” treo nơi chánh điện thì hình như không có gì chứng tỏ đây là nơi thờ bà Lê Thị Răm. Bên phải có trang thờ “Phối viên nghi” có tượng nữ nhân và đôi câu đối viết bằng chữ Hán “Thánh đức phối thiên an hải quốc, Mẫu nghi xưng hậu ấm Côn bang”. Bên trái có trang thờ “Ái quang minh” và hai câu đối “Linh ân anh minh an thiên hạ, Thần quang bảo hựu Côn Sơn dân”. Mặc dù bảng hướng dẫn nói rõ đây là miếu thờ bà hoàng phi Phi Yến, nhưng theo anh tài xế của công ty du lịch nói rằng ngôi miếu này đã có khá lâu đời, trước đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ bằng gỗ, sau mới được trùng tu.
Còn trong tập tài liệu đánh máy “Quần đảo Côn Sơn” do thiếu tá Nguyễn Văn Vệ, đặc phái viên hành chánh kiêm giám đốc trung tâm cải huấn, kiêm chỉ huy trưởng đặc khu Côn Sơn (Một tên ác ôn khét tiếng ở Côn Đảo) chỉ đạo thực hiện xong ngày 30 tháng 10 năm 1968 có viết về “Thoại bà Phi Yến” ở trang 77 như sau: “Thoại này bỗng tung ra vào khoảng năm 1964, cho rằng ngày xưa Hoàng Phi Yến theo hầu vua Gia Long đến đảo Côn Sơn, phạm lỗi can vua đưa hoàng tử Cải làm con tin sang triều đình Pháp xin cứu viện, bị nhà vua nổi giận giam cầm ở lại đảo, lại vứt bỏ hoàng tử Cãi xuống biển. Bà Phi Yến ở lại bị một tên biện làng mưu toan xâm phạm tiết hạnh. Bà chết rồi hiển linh bắt tên biện tự thú tội và hóa điên. Dân làng sùng kính bà lập miếu thờ.”
Đến thăm miếu hoàng tử Cải ở bãi biển Đầm Trầu, chúng tôi thấy ngôi miếu được lập hoặc trùng tu vào năm 1964, sau này được tu bổ khang trang hơn. Trước miếu có đề chữ “Thiếu gia miếu” bằng chữ hán và hai câu đối bằng chữ Việt cách điệu “Vạn hộ lương nhân cư bổn lỵ, Thiên phù hiền sĩ lạc hòa hoan”. Trong miếu thờ 1 tượng nam nhân còn trẻ. Phía trước là một bức hoành bằng vải có 4 chữ “Vãng sanh cực lạc”. Sau miếu là một ngôi mộ bằng xi măng có bia mộ đề 4 chữ Hán “Thiếu gia chi mộ”.
Chuyện bà hoàng phi Lê Thị Răm và hoàng tử Cải (Cãi?) có thật hay chỉ là truyền thuyết còn là vấn đề mà các nhà nghiên cứu cần xem lại. Tuy nhiên ngôi miếu thờ “Bà” và “Cậu” đã trở thành một phần của tín ngưỡng dân gian của người dân Côn Đảo.
Ở đây có vài vấn đề cần xem xét, đó là:
- Ngôi An Sơn Miếu chắc chắn đã có từ rất lâu, nhưng ngôi miếu đó thờ ai thì không được rõ ràng lắm, mặc dù chính điện có bức hoành “Oai linh nương nương” và đôi câu đối “Thánh đức phối thiên an hải quốc, Mẫu nghi xưng hậu ấm Côn bang” nhưng tượng nữ thần và đôi câu đối này lại không nằm ngay chính điện, như vậy chưa chắc ngày xưa ngôi miếu này thờ nữ thần là chính. Nếu có thì chỉ là phối thờ mà thôi.
- Theo ghi chép trong quyển Quần đảo Côn Sơn thì câu chuyện về bà Phi Yến chỉ mới xuất hiện vào khoảng năm 1964, cũng là năm mà nhà văn Sơn Vương viết về câu chuyện này.
Có thể nói câu chuyện này mang đậm màu sắc chính trị để phê bình Nguyễn Ánh. Có hay không tù chính trị đã sáng tác câu chuyện này? Vì vào khoảng thời gian đó Côn Đảo không còn dân mà tuyệt đại đa số là tù nhân, binh lính và gia đình họ cho nên khó thể nói đó là truyền thuyết lưu truyền trong dân gian.
- Về ngôi miếu và ngôi mộ phía sau miếu được cho là của Hoàng tử Cải thì chỉ ghi là “Thiếu gia miếu” và “Thiếu gia chi mộ”. Chúng ta có thể hiểu thiếu gia ở đây là một người còn trẻ, là con ông chủ nào đó hoặc là một ông chủ còn trẻ chứ không thể là một ông hoàng. Chúng ta có thể suy luận (dù không chắc chắn) rằng có thể người dân ở đây bắt gặp một cái xác chết còn trẻ nào đó mà trang phục tương đối tươm tất, người ta thương tình mà chôn cất cẩn thận rồi sau đó cất miếu thờ vì cho rằng những người còn trẻ chết oan thường linh hiển. Không thể nói đây là miếu và mộ của vị hoàng tử nào đó của Nguyễn Ánh. Vã lại, theo phân tích ở trên thì “hoàng tử Cải” chỉ là một nhân vật hư cấu.
- Tục thờ “Bà Cậu” ở các tỉnh Nam kỳ khá phổ biến, nhất là đối với người dân gắn liền với sông nước và người làm nghề “hạ bạc”. Tôi có dịp khảo sát thì hình như tất cả những người làm nghề hạ bạc đều có thờ bà cậu, nhưng không ai biết bà cậu là ai, chỉ biết đó là vị phúc thần che chở cho người dân vùng sông nước, hành nghề đánh bắt cá và di chuyển bằng ghe thuyền, họ hoàn toàn không biết Thiên Y A Na hay Po Inư Naga mà trên trang thờ dưới ghe tàu chỉ có bài vị “Thủy Long”. Còn “Cậu Tài (Trài), cậu Quí” nào đó thì không được thờ, tuy nhiên có một số người dù không hành nghề sông nước cũng có thờ cậu Tài, cậu Quí bởi vì họ nghĩ đó là 2 nhân vật mang lại tiền tài, phú quí cho họ mà thôi. Trên đất Tây Nam bộ chúng ta thấy ở các vàm sông đổ ra biển thường có miếu cậu hay dinh cậu cất khá đơn sơ (trừ dinh cậu ở Phú Quốc) mà trong miếu không có tượng cậu nào. Dinh Cậu ở Xẻo Dinh (Tây Yên - An Biên - Kiên Giang) thì có vài cây xương cá Ông, miếu Cậu ở Tắc Cậu thì chỉ có chữ Thần như miếu thờ ông Bổn của người Hoa.
- Cũng cần phải nói thêm rằng tục thờ “Bà” của cư dân Nam bộ, nhất là Tây Nam bộ rất phổ biến, họ thờ rất nhiều bà tùy theo lòng tin của từng gia đình, nhưng các miếu thờ bà ngoài bà Thiên Hậu của người Hoa thì đó là miếu thờ bà chúa của xứ sở mà mình đang sinh sống bởi có Thành hoàng, thổ thần là nam giới thì phải có bà để cân bằng âm dương. Năm 1985, tôi đang công tác ở xã Vĩnh Điều huyện Hà Tiên (khá gần Châu Đốc), khi tôi cho phục hồi đình Thành hoàng thì một số phụ nữ trong xã đòi cất một cái miếu bà, tôi hỏi thờ bà nào thì họ trả lời là bà chúa xứ, tôi nói đã có bà chúa xứ Núi Sam rồi sao lại còn lập miếu ở đây? Họ trả lời “Miếu nầy là bà chúa xứ Vĩnh Điều chớ không phải bà chúa xứ Núi Sam”. Vậy đó, trong tâm thức của người dân thì trong địa phương mình có một bà chúa xứ, ở ngoài hòn đảo thì có bà chúa hòn, mỗi bà chúa (chủ) đó chỉ có bổn phận cai quản một khu vực nhất định chứ không phải là một bà chúa chung của một vùng rộng lớn, nó khác với bà chúa thượng ngàn hay mẫu thoải ở ngoài Bắc.
Trở lại lễ hội cúng bà Hoàng Phi Yến ở Côn Đảo, theo ý kiến chủ quan, tôi cho rằng đó là lễ hội cúng bà hay vía bà rất phổ biến ở Nam bộ, nhằm thõa mãn tâm linh của những người Việt sống giữa trùng khơi, hải đảo, lễ hội đó rất đáng trân trọng như lễ hội bà chúa xứ Núi Sam. Tuy nhiên, việc định danh Hoàng Phi Yến và câu chuyện hư cấu bà hoàng phi Lê Thị Răm và hoàng tử Cải thì nên xem lại.
Bài vị bà “Lê Thị Dăn” tại chùa Vân Sơn.






https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1697847577246740&id=100010645417186



2.




SGGP 


Ngày 27-4, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận được báo cáo giải trình của Sở VH-TT tỉnh về việc lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được Bộ VH-TT-DL công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một hoạt cảnh trong lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến tại An Sơn miếu (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: MINH KHUÊ

Một hoạt cảnh trong lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến tại An Sơn miếu (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: MINH KHUÊ

Theo đó, qua kết quả kiểm kê và trên cơ sở đề xuất của cộng đồng dân cư và chính quyền huyện Côn Đảo, Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xin chủ trương của UBND tỉnh lập hồ sơ đề nghị công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến. Năm 2019, sau khi UBND tỉnh đồng ý chủ trương, Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với các chuyên gia di sản thuộc Trường Đại học Văn hóa TPHCM tiếp tục kiểm kê, phỏng vấn các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là các cụ cao niên trực tiếp thực hành lễ giỗ và hoàn thiện hồ sơ tham mưu tỉnh trình Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL). Cuối năm 2021, trên cơ sở tờ trình của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cục Di sản văn hóa tổ chức xin ý kiến Hội đồng thẩm định di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Cục Di sản văn hóa, việc đưa di sản này vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự ghi nhận sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng cư dân trên đảo, được pháp luật công nhận và bảo vệ, đồng thời ghi nhận các giá trị, vai trò và ý nghĩa của lễ hội với cộng đồng cư dân, vai trò của cộng đồng đối với việc sáng tạo và duy trì, trao truyền bản sắc văn hóa của họ để tạo nên sự đa dạng văn hóa của các dân tộc Việt Nam, chứ không mang ý nghĩa ghi danh nhân vật trong truyền thuyết, câu chuyện lịch sử hay câu chuyện truyền thuyết có liên quan.

Theo truyền thuyết của cư dân trên đảo, sinh thời, bà Phi Yến từng cùng chúa Nguyễn chạy ra Côn Đảo. Tại đây, mẹ con bà gặp nỗi oan khiên, con thì bị ném xuống biển mà chết, một lần suýt bị làm nhục, bà tự tử để giữ trọn tiết nghĩa. Dân trên đảo đã lập miếu (khoảng năm 1785) thờ cúng bà từ đó đến nay. Theo thông lệ, hàng năm, họ thường tổ chức lễ giỗ bà tại miếu An Sơn. Theo Cục Di sản văn hóa, bà Hoàng Phi Yến là một nhân vật dù chỉ được ghi nhận qua truyền thuyết nhưng lại được cộng đồng cư dân ở Côn Đảo thờ phụng từ xa xưa và coi đây là hạt nhân tín ngưỡng (yếu tố thiêng) của lễ hội tại miếu An Sơn, ngày nay được xác định là lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến. Đây là một biểu đạt văn hóa/thực hành văn hóa đáp ứng các tiêu chí theo định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể) và Luật Di sản văn hóa, để được nhận diện là một di sản văn hóa phi vật thể.

Cũng theo Cục Di sản văn hóa, việc di sản văn hóa phi vật thể gắn với nhân vật truyền thuyết, tương tự như trường hợp nhân vật truyền thuyết bà Thứ phi Hoàng Phi Yến, ở nước ta đã từng có tiền lệ. Nhiều tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của một số cộng đồng khác gắn với nhân vật truyền thuyết đã được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc được Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa quốc gia như: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ, gắn với truyền thuyết về các Vua Hùng); Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội, gắn với truyền thuyết Thánh Gióng)…

Có thể thấy, so với di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể khó nhận diện và không dễ tiếp cận, trong khi khái niệm cũng như hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị loại hình di sản này còn tương đối mới (chính thức được luật hóa từ năm 2001). Nhận thức chung về di sản văn hóa phi vật thể trong giới quản lý, nghiên cứu, truyền thông và trong xã hội chưa thực sự thống nhất và đồng đều...

Tranh luận quanh vụ việc trên những ngày qua, theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, việc đề xuất đưa lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là không chuẩn xác, cần trả lại giá trị chân thực cho lịch sử và không thể suy tôn di sản dựa trên câu chuyện truyền thuyết. Ngày 26-4, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc - con cháu vua Gia Long - cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cùng ký tên vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đề nghị rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

--------------------

Trên cả nước hiện có 65.900 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 431 di sản được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, với 171 di sản thuộc loại hình lễ hội truyền thống. Theo Cục Di sản văn hóa, hầu hết các lễ hội này đều có những yếu tố “thiêng”, gắn với thần tích, truyền thuyết liên quan đến các nhân vật được phụng thờ, như thánh thần được lịch sử hóa (các vị thần/thánh do dân gian sáng tạo, được bồi đắp thêm yếu tố lịch sử - như Thánh Gióng) hoặc nhân vật có thật trong lịch sử lại được huyền thoại hóa (người thật được bồi đắp thêm yếu tố huyền thoại, được thánh hóa - như Đức Thánh Trần Hưng Đạo) để có chỗ đứng vững chắc trong dòng chảy văn hóa dân gian và trong tâm thức cộng đồng. Đó là một trong những yếu tố cấu thành di sản văn hóa phi vật thể.

MAI AN - PHÚ NGÂN


https://www.sggp.org.vn/cuc-di-san-van-hoa-bo-vhttdl-di-san-co-the-gan-voi-truyen-thuyet-809488.html




1.

08:26 - 27/04/2022





Bùi Ngọc Long

Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm và thống nhất kiến nghị Bộ VH-TT-DL thu hồi quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến. 

Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 26.4, tại phủ thờ Tùng Thiện Vương (TP.Huế, Thừa Thiên – Huế), Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học về “An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo, vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản”.

Sau buổi tọa đàm, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam kiến nghị Bộ VH-TT-DL thu hồi quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến. Vì sao có diễn biến này?

Vì sao kiến nghị thu hồi Di sản quốc gia Lễ giỗ bà Phi Yến? - ảnh 1

PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam, tại buổi tọa đàm

BNL

Buổi tọa đàm có sự hiện diện và tham gia của các nhà khoa học về lịch sử, văn hóa và về Vương triều Nguyễn đến từ Huế và Hà Nội, như: PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế); nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế; nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, nguyên Trưởng khoa Sử, ĐH Khoa học Huế; PGS-TS Nguyễn Văn Đăng, nguyên Trưởng khoa Sử, ĐH Khoa học Huế; nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên - Huế; nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân; TS Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam...

Về phía Nguyễn Phước tộc, có PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam, và các vị trong hội đồng.

Buổi tọa đàm đã nhận được 16 báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu, trong đó có 3 tham luận được trình bày tại tọa đàm cùng hơn 10 ý kiến tham luận.

Thứ phi Hoàng Phi Yến không có trong chính sử

Các ý kiến tham luận dựa vào chính sử triều Nguyễn, thế phả của Hoàng tộc triều Nguyễn, ghi chép của các học giả người Pháp cùng các nghiên cứu đã công bố chứng minh bà thứ phi Hoàng Phi Yến (còn gọi Hoàng Phi Yến, tên là Lê Thị Răm) và hoàng tử Cải (còn gọi hoàng tử Hội An) là 2 nhân vật truyền thuyết hư cấu, không có trong chính sử triều Nguyễn.

Vì sao kiến nghị thu hồi Di sản quốc gia Lễ giỗ bà Phi Yến? - ảnh 2

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm

BNL

"Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã rà soát Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện thì hoàn toàn không có ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm và có tên thụy là Phi Yến. Tương tự, trong gia phả hoàng tộc cũng không ghi chép tên của hoàng tử Cải là con của vua Gia Long”, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam cho biết.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh Lợi, truyền thuyết bà Phi Yến khởi nguồn từ tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana ở miền Trung, vào đến Nam bộ đã tích hợp với tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ, biến thành tục thờ Bà Cậu, một hóa thân khác của Thiên Y Ana.
"Về sau, nó được dã sử hóa qua hình tượng bà Phi Yến, gắn kết với hành trạng của Nguyễn Ánh trong những ngày bôn tẩu, sau này là vị vua đầu triều Nguyễn đã để lại rất nhiều dấu ấn ở vùng đất này”, ông Nguyễn Thanh Lợi nhận xét.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng khẳng định: cái tên Lê Thị Răm, Hoàng Phi Yến, hoàng tử Hội An (Cải) chưa bao giờ xuất hiện trong một tư liệu lịch sử nào về triều Nguyễn.

"Từ khi còn 'phục quốc', Nguyễn Ánh chỉ xưng là Nguyễn Vương từ năm 1780, người vợ chính Tống Thị Lan được phong là Nguyên phi, người vợ hai Trần Thị Đang được phong là Nhị phi. Đến khi vua Gia Long mất, vẫn chưa có bà nào được ban mỹ tự. Vì vậy, không thể có một bà phi được gọi là 'Thứ phi', được ban mỹ tự 'Hoàng Phi Yến' từ khi vua còn 'bôn tẩu', khác với thông lệ", ông Nguyễn Xuân Hoa lý giải.

Côn Lôn có phải là Côn Đảo?

Nhà nghiên cứu Phước Lộc từ nhiều nguồn khảo cứu tư liệu đã khẳng định đảo Côn Lôn (ghi lại trong Đại Nam thực lục, nơi Nguyễn Ánh từng dừng chân trên đường bôn tẩu) chính là đảo Cổ Long (Koh Kong), một hòn đảo nhỏ nằm phía biển Campuchia, gần vùng biển Hà Tiên - Phú Quốc. Chứ không phải là Côn Đảo.
Học giả người Pháp C.Maybon đầu thế kỷ 20 là người đầu tiên đã phát hiện và đính chính “đảo Côn Lôn” ghi lại trong Đại Nam thực lục chính là đảo Cổ Long (Koh Kong).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết thêm, chi tiết gắn với một đoạn sử liệu được ghi trong bộ sử biên niên Đại Nam thực lục của triều Nguyễn là vào tháng 6 năm Quý Mão (từ 30.6 đến 28.7.1783 dương lịch) chúa Nguyễn Ánh từ đảo Phú Quốc trốn sự truy đuổi của quân Tây Sơn đã chạy “ra đảo Côn Lôn” ẩn náu; rồi đến tháng 7 năm Quý Mão (từ 29.7 đến 27. 8.1783 dương lịch) bị Tây Sơn vây đánh tiếp ở “Côn Lôn” nên phải “vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt”.

“Người đầu tiên phát hiện sự bất cập của ngôn từ và khẳng định 'Côn Lôn' trong đoạn sử này không phải Côn Đảo, mà là để chỉ đảo Cổ Long (Koh Rong, Koh-rong) nằm trong vịnh Xiêm La, là học giả người Pháp Charles B.Maybon”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết.

Vì sao kiến nghị thu hồi Di sản quốc gia Lễ giỗ bà Phi Yến? - ảnh 3

Vị trí các đảo trên bản đồ theo phân tích của tác giả Phước Lộc

Theo đó, trong ấn bản vào 1930 dưới nhan đề Lectures sur l'histoire moderne et contemporaine du pays d'Annam de 1428 à 1926 (Bài giảng lịch sử An Nam cận đại và hiện đại từ năm 1428 đến năm 1926), học giả Charles B.Maybon nhìn nhận “Côn Lôn” trong ngữ cảnh cuộc truy đuổi chúa Nguyễn Ánh của quân Tây Sơn năm 1783 không phải là Côn Đảo.
Ông viết: “Thật vậy, vào tháng 3.1783, Huệ và Lữ [hai anh em nhà Tây Sơn], với lực lượng rất hùng hậu đã đập tan mọi cuộc kháng cự. Sau đó, ông hoàng (chúa Nguyễn Ánh) bắt đầu cuộc sống bôn tẩu; bị kẻ thù truy đuổi một cách thê thảm, ông phải phiêu bạt để trốn tránh ở vịnh Xiêm La. Từ Phú Quốc ông chạy ra Koh-rong (đảo Cổ Long), đến Koh-kut (đảo Cổ Cốt), rồi trở lại Phú Quốc, đến Poulo-Panjang (đảo Thổ Chu); nhiều lần mấp mé giữa sự sống và cái chết…”.

Từ những phân tích qua sử liệu, yếu tố quân sự, địa lý và hàng hải, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho rằng hai chữ “Côn Lôn” được đề cập trong ngữ cảnh của Đại Nam thực lục nếu được hiểu/dịch thành Côn Đảo là hoàn toàn vô căn cứ... “Điều này cũng đồng nghĩa chúa Nguyễn Ánh đã không có mặt ở đó (tức Côn Đảo) năm 1783”.

"Và, vì chúa Nguyễn Ánh trong thực tế khi trốn chạy quân Tây Sơn không thể đặt chân đến Côn Đảo, nên mọi câu chuyện truyền thuyết liên quan đến hành vi của ông ở đó chỉ là sự thêu dệt của đời sau. Một khi đã xác định đó là sự thêu dệt, thì mọi công nhận liên quan đến câu chuyện Lễ hội Hoàng Phi Yến ở Côn Đảo đều không có giá trị, cần thiết phải nhanh chóng thu hồi và đính chính để giảm bớt những hệ lụy phát sinh", nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến nêu quan điểm.

Làm sai lệch và xúc phạm danh nhân lịch sử

Kết luận buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu thống nhất với nhận định: triều đại nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng, rất gần với thời đại chúng ta; những văn bản chính sử triều Nguyễn với những ghi chép rõ ràng, đảm bảo lai lịch và hành trạng cũng như công nghiệp của các vị hoàng đế triều Nguyễn là không thể xuyên tạc.

Vì sao kiến nghị thu hồi Di sản quốc gia Lễ giỗ bà Phi Yến? - ảnh 4

Kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc có chữ ký của các nhà nghiên cứu tham gia tọa đàm

BNL

Theo kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam, việc công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ hội truyền thống thuộc di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh An Sơn miếu tại huyện Côn Đảo là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ sự gán ghép lịch sử "là xúc phạm anh linh và hình ảnh của hoàng đế Gia Long, vị vua khởi nghiệp triều Nguyễn cũng như Nguyễn Phúc tộc".

Các căn cứ của hồ sơ công nhận di sản sẽ là khởi nguồn để nảy nở các sáng tác văn học nghệ thuật (thơ văn, kịch nghệ, diễn xướng dân gian) về sau, lan truyền và nhân bản các nhận định sai lầm và gây ra các hậu quả khôn lường.

Thêm nữa, trường hợp hoàng đế Gia Long của triều Nguyễn là danh nhân lịch sử, nên không thể đánh đồng với các trường hợp nhân vật truyền thuyết như Bà Chúa Liễu Hạnh, Thánh Gióng, Vua Hùng hay Lý Ông Trọng... để lý giải cho việc công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Vì sao kiến nghị thu hồi Di sản quốc gia Lễ giỗ bà Phi Yến? - ảnh 5

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh ký tên vào bản kiến nghị

BNL

Từ các tham luận, kết luận buổi tọa đàm, các đại biểu có mặt đã cùng ký tên vào bản kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản Văn hóa cùng các cơ quan liên quan đề nghị thu hồi quyết định công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ hội truyền thống An Sơn miếu tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Buổi tọa đàm được tổ chức sau khi Bộ VH-TT- DL ban hành Quyết định số 773/QĐ-BVHTTDL ngày 4.4.2022 về việc đưa Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến (H.Côn Đảo) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việc công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với một lễ hội dân gian dựa trên truyền thuyết đã gây nên nhiều tranh cãi và bất bình trong giới nghiên cứu, trong đó có Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam.

Theo truyền thuyết địa phương, bà Phi Yến là vợ thứ của Nguyễn Ánh, tên tục Lê Thị Răm, có người con là hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải).
Do thua trận liên tục, Nguyễn Ánh muốn gửi hoàng tử Hội An làm con tin, đi cùng Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Nhưng bà Phi Yến can ngăn, Nguyễn Ánh nổi giận, nghĩ bà muốn thông đồng với Tây Sơn, định chém đầu, nhưng cận thần can ngăn nên bà chỉ bị giam cầm trong hang đá.

Quân Tây Sơn sắp tràn vào đảo, Nguyễn Ánh xuống thuyền chạy ra Phú Quốc. Hoàng tử Hội An khóc thét khi không thấy mẹ, muốn được ở lại với mẹ. Nguyễn Ánh tự tay ném cậu bé hoàng tử 4 tuổi xuống biển, xác trôi dạt vào bãi biển Cỏ Ống, dân làng chôn cất, lập miếu thờ, gọi là miếu Cậu. Bà Phi Yến được vượn bạch và con hổ cứu sống, trông nom mộ của hoàng tử. Dân trên đảo từ đó đặt ra câu ca dao nói về tình cảm mẹ con: "Gió đưa cây cải (tức chỉ Hoàng tử Cải) về trời/Rau răm (tức chỉ bà Lê Thị Răm) ở lại chịu đời đắng cay".

Về sau bị kẻ xấu xúc phạm, bà Phi Yến tự vận thủ tiết. Người dân địa phương lập ngôi miếu thờ bà.

Lễ hội bà Phi Yến diễn ra vào ngày 18.10 âm lịch hằng năm và miếu An Sơn, thờ bà Phi Yến ở Côn Đảo được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 8.4.2007.

Vì sao kiến nghị thu hồi Di sản quốc gia Lễ giỗ bà Phi Yến? - ảnh 6

Miếu An Sơn

NGUYỄN HỮU LỘC

https://thanhnien.vn/vi-sao-kien-nghi-thu-hoi-di-san-quoc-gia-le-gio-ba-phi-yen-post1452696.html


..

2 nhận xét:

  1. Người không biết và hiểu lịch sử của dân tộc mình ví như con Trâu cày ruộng chủ nào cày cũng được-Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

    Trả lờiXóa
  2. 2.

    Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL: Di sản có thể gắn với truyền thuyết



    SGGP Thứ Năm, 28/4/2022 07:38

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.