Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/08/2020

Mùa vu lan 2020, nghĩ nhanh về di nguyện và hiện thực trong quốc tang

Di nguyện của Hồ Chủ tịch được ghi rất rõ trong Di chúc, là cụ muốn được hỏa táng, rồi tro cốt được chia thành ba phần, mỗi phần ở một miền trên một quả đồi, và sẽ do các vị bô lão về hưu trông coi. Không có đền đài lăng tẩm, không có cảnh vệ.

Đó là di nguyện của một người cộng sản nhưng rất am tường về truyền thống dân tộc. Trong bối cảnh phe xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ, thì ý tưởng được hỏa táng của cụ là tiên phong (cuối thập niên 1960). Tính tiên phong trên toàn thế giới, và lại mang đậm truyền thống dân tộc (cụ học các tấm gương Trần Hưng Đạo hay Trần Nhân Tông thời Trần).

Nhưng di nguyện của Hồ Chủ tịch đến tận bây giờ, mùa vu lan 2020, vẫn chưa thành hiện thực. Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, suốt từ năm 1969, di nguyện mang tính tiên phong đó vẫn còn bị lãng quên.

Các đám quốc tang to lớn những năm gần đây, cứ lần lượt diễn ra và được phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia, khi thì chiếm cả một quả đồi lớn và một vũng biển, khi thì ôm trọn nhiều héc-ta đất nông nghiệp, khi thì cũng mấy ngàn mét vuông,... đã như cố ý làm lu mờ di nguyện của Hồ Chủ tịch.

1. Vào mùa Cô Vy đợt 2 này, tức mùa Vu Lan 2020, ở đám quốc tang của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, khi nghe lời tâm sự của người con trai (đọc ở đây), thì chúng ta nhớ về di nguyện của Hồ Chủ tịch.

Tang lễ của cụ Lê Khả Phiêu đã làm chúng ta thức tỉnh. Chúng ta có một dịp thực sự suy nghĩ về di nguyện được hỏa táng và đơn giản hóa việc mộ phần của Hồ Chủ tịch.

2. Cụ Lê Khả Phiêu cũng có di nguyện được hỏa táng, rồi tro cốt sẽ được người nhà đem rải trên các dòng sông.

Tuy nhiên, di nguyện của cụ cũng không thành hiện thực. Cụ đã được đưa về nghĩa trang quốc gia Mai Dịch.

3. Di nguyện hỏa táng và đơn giản mộ phần được thành hiện thực gần đây, chính là người anh hùng của nhân dân Cu Ba, là lãnh tụ Phi-đen, vào năm 2016. Đọc lại ở đây.

Phi-đen không lăng mộ, không tượng đồng, không tên đường, không quảng trường,... Mộ phần của ông bình lặng trong nghĩa trang bình dân.

Tang lễ của lãnh tụ Phi-đen, thực sự, đã làm chúng ta thức tỉnh nhiều năm trước. Có rất nhiều quốc dân Việt Nam đã học tập theo tấm gương Phi-đen. Cụ Lê Khả Phiêu hẵn đã có được hai trường hợp tiền bối để tham khảo, của Hồ Chủ tịch năm 1969 và của Phi-đen năm 2016.

Bây giờ miễn xa xôi huyễn hoặc, mà cần hiện thực, vừa đơn giản lại dễ hiểu, về quốc tang, nên học tập và làm theo tấm gương Lê Khả Phiêu năm 2020 và Phi-đen năm 2016.

4. Mấy năm trước, học giả Tạ Chí Đại Trường cũng để lại di nguyện hỏa táng và tro cốt rải trên các dòng sông quê hương. Những ngày tháng cuối cùng ông đã từ Mĩ về lại Việt Nam. Ông chút hơi thở cuối cùng tại Sài Gòn. Di nguyện của ông đã được gia đình thực hiện (đọc lại ở đây, năm 2016).

Tạ Chí Đại Trường không có vợ con. Lúc sinh thời, có lần biết tôi đang ở Sài Gòn, ông nhắn qua e-mail: Giao có thể tới (điểm này điểm này), gặp cô T.T.M.L (là cháu họ) nói là nhận sách do ông Trường gửi tặng. Học giả họ Tạ đã về trời, tro cốt ông đã hòa vào với đất nước quê hương. Di sản để lại của ông là các chuyên khảo, là sách và tạp chí, thì còn lại mãi mãi.


Tháng 8 năm 2020,
Giao Blog





..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.