Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/05/2020

Về hệ thống Tứ Pháp (quan điểm của nhóm Bách Việt trùng cửu)

Có nhiều điểm chung trong quan điểm của nhóm này với nghiên cứu của tôi (có thể đọc bài mới xuất bản của tôi về thế giới quan Phật giáo Mật tông, ở đây).

Bách Việt trùng cửu là một nhóm học thuật mở, làm việc cần mẫn, bám sát thực địa và luận giải được tư liệu viết. 

Toàn văn là lấy về từ trang của nhóm.

Tháng 5 năm 2020,
Giao Blog

Đọc thêm ở đây





---


Friday, May 1, 2020

Nhận diện tín ngưỡng thờ Tứ Pháp

Tứ Pháp là Vân Vũ Lôi Điện, hay 4 Bà Dâu Dàn Tướng Đậu, tín ngưỡng phổ biến ở vùng Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, là các vị thần phụ trách việc làm mưa. Chữ "Bà" ở đây theo ngôn ngữ phương Nam nghĩa là Thần hay thủ lĩnh tinh thần. Do đó 4 Bà trong tín ngưỡng Tứ Pháp tương đương với Tứ đại Thiên vương, trong văn hóa Trung Hoa cũng là những vị thần cai quản Phong Điều Vũ Thuận.
 

Tứ đại Thiên vương ở chùa Láng, Hà Nội.
Trong đạo Bà La Môn, Tứ đại Thiên Vương hộ trì ở 4 châu quanh núi Tu Di, nơi có cõi trời 33 của Đế Thích nên có sự sắp xếp sau:
Trung tâm: Núi Tu Di với Vua Trời Đế Thích. Trong chuyện Tứ Pháp là Thạch Quang Phật, phần cốt lõi của cây Dung thụ, nơi Khâu Đà La đã gửi đứa con của Man Nương. Tên chùa thờ là Kim Ngưu.
Tây phươngTây Ngưu Hóa Châu do Quảng Mục Thiên Vương chủ trì. Trong văn hóa Trung Hoa tên là Thuận, với hình tượng là Rồng. Trong Tứ Pháp là Bà Vân. Rồng đi với Mây. Tên chùa thờ là Diên Ứng (Dâu).
Đông phươngĐông Thắng Thần Châu do Trì Quốc Thiên Vương chủ trì. Trong văn hóa Trung Hoa tên là Điều, hình tượng là Đàn tỳ bà. Trong Tứ Pháp là Bà Lôi. Đàn đánh ra tiếng Sấm. Tên chùa thờ là Phi Tướng (Tướng).
Nam phươngNam Thiện Bộ Châu do Tăng Trưởng Thiên Vương chủ trì. Trong văn hóa Trung Hoa tên là Phong, hình tượng là cây Kiếm. Trong Tứ Pháp là Bà Điện. Kiếm nhọn (phong) tạo ra Sét. Tên chùa thờ là Trí Quả (Dàn).
Bắc phươngBắc Câu Lô Châu do Đa Văn Thiên Vương chủ trì. Trong văn hóa Trung Hoa tên là cầm ÔTrong Tứ Pháp cũng là Bà . Ô để làm Mưa. Tên chùa thờ là Thành Đạo (Đậu).
Diễn ý tên chùa: Bà Pháp Vân là khởi đầu nên thường được rước để cầu mưa, nên mới là Diên Ứng (ứng nghiệm lâu dài). Bà Pháp Vũ là kết quả mong đợi để được mưa nên gọi là Thành Đạo (Đậu). Bà Pháp Lôi là tiếng đàn, tiếng sấm, là để cổ vũ, nghe mà không thấy nên gọi là Phi Tướng. Bà Pháp Điện thể hiện ánh sáng, trí tuệ nên là Trí Quả.
Nhìn (Quảng Mục), Nghe (Phi Tướng), Làm (Tăng Trưởng) rồi mới Thành (Đậu) ra mưa. Thứ tự là: Vân -> Lôi -> Điện -> Vũ.
Mô hình Tứ Pháp - Thiên Vương.
Ở khu vực Bắc Ninh, còn có vị Trưởng của Tứ Pháp là Đại Thánh Pháp Thông, ở chùa Huệ Trạch (Dàn Chợ). Thần tích ở đây chép, vị này hiển linh nói:
"Ta là Đại Thánh Pháp Thông Vương Phật, Ngọc Hoàng sai ta coi giữ tứ Pháp trưởng, Phong Vũ chi Thần, làm chủ tể địa phương này."
Ở lễ hội vùng này khi rước kiệu Tứ Pháp đến chùa Dàn (thờ Pháp Lôi) thì kệu không dừng, phải rước đến Dàn Chợ, nơi có Pháp Thông thì mới được.
Kỳ lạ hơn, Pháp Thông lại không phải từ gốc cây "dung thụ" mà ra. Đây là một Nương Tử 18 tuổi ở vào thời Lý, học trò của Từ Đạo Hạnh:
Đến năm 14 tuổi ... Nương Tử không nghe từ đó phát tóc xuất gia, trai giới ăn theo Phật. Một ngày nghe tin ở chùa Phật Tích có một vị thiền sư tên là Từ Đạo Hạnh rất là cao tăng đạo đức. Nương Tử xin vào học đạo thiền sư. Nương Tử vốn đã biết trước tất cả những kinh nhà Phật, lên chỉ học trong vài tháng, đã đại tinh thông những tài lạ. Gọi gió, gọi mưa, có phép hay làm, sấm, chớp, biến tướng tàng hình, đi và đến mọi người không thể biết. Thật là một người Nương Tử siêu việt. Đạo sỹ, thiền sư rất yêu mếm kính trọng, cho nên Nương tử tự đặt tên là Pháp Thông.
Tại sao học trò của Từ Đạo Hạnh lại là Pháp trưởng trong Tứ Pháp?
Điều này sẽ trở nên dễ hiểu nếu biết Từ Đạo Hạnh là một kiếp thân của Đế chủ cõi trời 33, tức là Vua Trời Đế Thích. Còn Tứ Pháp là 4 vị Bà (trong ngôn ngữ phương Nam, Bà chỉ các vị Thần, không phải là nữ), hay Tứ đại Thiên vương, dưới trướng của Đế Thích. Do đó đệ tử của Đế Thích thay mặt thầy làm trưởng Tứ Pháp là hợp lẽ.
Hoành phi Hiện Đế hóa Thần ở chùa Láng.
Câu đối ở tiền tế chùa Láng nơi thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh:
西方活佛丹青玉殿儼卅三天帝
柴峒神機妙應蓮花顯十八聖王
Tây phương hoạt Phật đan thanh, ngọc điện nghiễm táp tam thiên đế
Sài động thần cơ diệu ứng, liên hoa hiển thập bát thánh vương.
Dịch:
Phương Tây Phật sống sáng ngời, điện ngọc trang nghiêm, cõi trời ba ba đế chủ
Động Sài cơ thần ứng diệu, hoa sen rực rỡ, bậc vua họ Lý thánh vương.

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.