Một bài viết quan trọng của tác giả Phạm Tứ - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, và hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam (Giám đốc là học giả Ngô Đức Thịnh).
Từ rất nhiều năm trước, đã hẹn với chú Tứ là sẽ tới chiêm bái (thực ra là nhờ chú mở cửa cho chiêm bái) điện thờ Mẫu ở ngay trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Người ta không ngờ là ở ngay Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại có một điện thờ Mẫu. Nhưng không phải là mới có đâu. Đã có lịch sử khá xưa cũ rồi.
Lúc khác sẽ nói về điện thờ Mẫu ở Văn Miếu.
Bài mới của chú Tứ đăng trên Thế giới Di sản.
Tháng 4 năm 2020,
Giao Blog
---
30 Apr 2020
(Sử dụng Wayback Machine)
30 Apr 2020
(Sử dụng Wayback Machine)
Từ nhiều năm trở lại đây, nhận thức của xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước đã có những đánh giá ngày càng xác thực hơn về Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Chính phủ đã công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Có được những kết quả đó nhờ vào tinh thần bền bỉ bảo tồn giá trị văn hoá của các Thanh đồng, sự dũng cảm và dấn thân của các nhà khoa học, các nhà quản lý đã làm thay đổi nhận thức xã hội với thờ Mẫu. Những hoạt động liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu được giới nghiên cứu cũng như công chúng quan tâm nhiều hơn. Nhiều sự kiện thường niên và quy mô như hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, liên hoan văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu, cùng những hoạt động giao lưu trao, đổi học thuật với các nước như Pháp, Hàn Quốc,Thái Lan.Tín ngưỡng thờ Mẫu và Lên đồng là đề tại nghiên cứu khoa học của nhiều nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế. Ở đây phải kể đến công của những nghệ sỹ đã đưa thờ Mẫu vào tác phẩm sáng tạo của mình giới thiệu với đông đảo công chúng. Ngược lại, Tín ngưỡng thờ Mẫu và Hầu đồng cũng là nguồn đề tài vô tận cho việc sáng tạo của văn nghệ sỹ.
Những hoạt động liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là tục Hầu đồng được giới nghiên cứu cũng như công chúng quan tâm nhiều hơn.
Ảnh: TL
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, ông Lê Huệ - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Nam Định, đã cải biên các bài hát Chầu văn với ca từ mới và giọng hát Hồng Liên để phục vụ bộ đội, TNXP từ Bắc đến Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chương trình “Chầu văn - nghi thức thờ Mẫu trong các giá đồng” được tổ chức tại Heritage Space (Hà Nội) của NSƯT Văn Ty. “ Bóng” - tác phẩm đối thoại piano - chầu văn được cấu trúc như một tổ khúc. Phần mở đầu mang tên Thỉnh (thỉnh Mẫu). Phần tiếp theo được gọi Nhập (gồm 4 phần), mỗi nhập là một giá đồng và như một bức tranh mô tả chân dung Thánh cùng niềm khát vọng nhân gian. Bóng cũng sẽ được ghi hình dưới dạng DVD để phát hành rộng rãi. Bóng là chương trình piano kết hợp âm nhạc truyền thống Việt Nam thứ tư của ê-kíp Phó An My - Đặng Tuệ Nguyên. Hiện tại, những VCD, DVD của các nghệ sỹ Xuân Hinh, Hoài Linh, Vượng “râu”.., các cung văn như : Khắc Tư, Văn Ty, Thanh Long, Văn Chung, Phạm Hữu Dực… là những văn hóa phẩm hút khách trên thị trường toàn quốc.
Tín ngưỡng thờ Mẫu và Hầu đồng cũng là nguồn đề tài vô tận cho việc sáng tạo của văn nghệ sỹ.
Về sân khấu : NSND Trần Minh đã trở thành người đi tiên phong khi ông cách điệu và dàn dựng tiết mục 3 giá đồng cho sân khấu chèo và được NSƯT Vân Quyền biểu diễn khá thành công. Tuy nhiên, thời lượng của chương trình giới hạn hơn 10 phút. Đến tháng 3-2011, vở diễn “Tâm linh Việt” do đoàn kịch 3 Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, đạo diễn NSND Lan Hương thực hành nghi lễ này trên sân khấu với thời lượng dài hơn. Nhạc sỹ Thao Giang rất coi trọng các lớp đào tạo, truyền nghề cho các cung văn trẻ, vừa tổ chức trình diễn các giá đồng tại sân khấu trong những “Đêm Phố cổ”. Đó là những cố gắng để đưa Nghi lễ Lên đồng lên sân khấu đến gần với công chúng. Sau một thời gian dài thử nghiệm, chương trình Tứ Phủ, một vở diễn của Đạo diễn Việt Tú, Công ty Nhà hát Việt (Viettheatre) lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng trong văn hóa Đạo Mẫu của Việt Nam đã chính thức ra mắt khán giả. Tứ Phủ là một chuyến du hành vào cõi tâm linh ấn tượng với sự kết hợp giữa những nét đẹp tinh tế nhất của tinh thần Đạo Mẫu, nghi lễ lên đồng với hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh trình chiếu độc đáo trong suốt 45 phút trình diễn. Tứ Phủ gồm 3 chương: Chầu Đệ Nhị - Ông Hoàng Mười - Cô Bé Thượng Ngàn.
Các nghệ sỹ đã đưa Hầu đồng lên sân khấu trình diễn
Về hội họa: Từ năm 1931 họa sỹ bậc thày về tranh lụa Nguyễn Phan Chánh đã có tác phẩm “ Lên đồng”. Về sau này Họa sỹ Trịnh Yên đã có tranh sơn dầu về các Thánh Mẫu và các Thánh Chầu, ông là tác giả mẫu tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên dựng tại Đền thượng Mẫu Thượng Ba Vì. Họa sỹ Bùi Ngọa Tư đưa hình tượng “Hoàng Mười” lên tranh sơn mài khổ lớn.Triển lãm “Bóng” của họa sĩ Lê Nguyên Mạnh và Triển lãm “ Lên Đồng” của họa sỹ Vũ Thanh Nghị diễn ra tại Hà Nội đã giới thiệu tới người xem những góc nhìn mới mẻ về nghệ thuật Hầu bóng đương đại của Việt Nam.
Về văn học: Tiểu thuyết phóng sự năm 1943 Hầu Thánh của tác giả Lộng Chương. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có tác phẩm “Mẫu Thượng Ngàn”(Cùng tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội). Nhiều truyện ngắn, phóng sự đã lấy hình ảnh các giá trong hầu đồng để miêu tả hình ảnh con người và nông thôn Việt Nam.
Ảnh: TL
Bên cạnh đó, lẻ tẻ cũng có những thể nghiệm không nhận được sự đồng tình của dư luận (như trình diễn “đồng Cu”, đưa hầu đồng vào biểu diễn trong các bar, mở quán café chầu văn, nghệ thuật trình diễn sắp đặt…). Sau khi nhận được những ý kiến đóng góp mọi người đã tự điều chỉnh.
Lên đồng là nghi lễ quan trọng của Tín ngưỡng thờ Mẫu, là hình thức diẽn xướng tâm linh trong sinh hoạt cộng đồng nên cần gắn bó với môi trường cộng đồng. Việc các hình thức mô phỏng để phục vụ công đồng có ý kiến đồng tình và cả ý kiến không đồng tình. Nhưng theo chúng tôi, nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi những giá trị văn hóa của tín ngưỡng, việc tìm hình thức thích hợp để đưa Hầu đồng tiếp cận đông đảo mọi người, đặc biệt là giới trẻ không có điều kiện tham gia các hoạt động tâm linh tại địa điểm thờ tự là cần. Nhưng để tiến hành như thế nào là một việc rất khó, cần thận trọng, để người tham dự vẫn thấy và coi trọng yếu tố tâm linh của nghi lễ tín ngưỡng.
Bài và ảnh: Phạm Tứ
Copyright © 2016 Tạp chí điện tử Thế giới Di sản
Tổng biên tập: PGS.TS Đỗ Văn Trụ
Giấy phép số: 70/GP-BTTTT ngày 05/02/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Tạp chí điện tử Thế giới Di sản tại địa chỉ www.thegioidisan.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Thế giới Di sản.
Toà soạn: 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 04 37346406 / 04 37343592
Fax : 04 37343590
Email: thegioidisan@gmail.com
...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.