Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/02/2020

Văn Miếu – Quốc Tử Giám và bệnh dịch hạch ở Hà Nội năm 1903 (bài Đào Thị Diến)

Bệnh dịch hạch ở đầu thế kỉ XX đã làm thế giới khiếp đảm.

Ở Hà Nội thuộc Pháp lúc đó, đại khái: "vào tháng 4-1902, Hà Nội lại có 14 người mắc bệnh dịch hạch và 8 người chết vì bệnh này. Và đầu năm 1903, bệnh dịch hạch lại bùng phát ở Hà Nội mà người đầu tiên phát hiện ra bệnh dịch hạch ở Hà Nội năm 1903 là Adrien Le Roy des Barres, bác sĩ tốt nghiệp ở Paris và làm việc tại Hà Nội từ 1902. Theo tài liệu lưu trữ, ngày 21-3-1903, bác sĩ Le Roy des Barres đi khám bệnh cho hai gái điếm ở phố Hàng Trứng tại một nhà thổ (maison de tolérance) thì phát hiện ra hai cô gái điếm này bị bệnh dịch hạch và đã quyết định giữ họ ở khu cách ly (người Pháp gọi là lazaret)."


Toàn bài ở dưới.


---

 08:40 PM 16/02/2020

Nếu chỉ mới đọc qua tên bài, chắc sẽ có nhiều người thốt lên: Văn Miếu và bệnh dịch hạch thì có gì liên quan đến nhau? Câu trả lời là có đấy. Và mối liên quan đó còn hiện hữu rất rõ trong tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Ảnh Văn Miếu thời thuộc địa. Nguồn sưu tầm
Trong ghi chép của Claude Bourrain[1], người đã từng sống ở Hà Nội đầu thế kỷ 20 và trong báo chí đương thời ở Hà Nội. Tất cả các nguồn đó đều cho thấy một sự thật là, trong nạn dịch hạch năm 1903 xảy ra ở Hà Nội, Văn Miếu đã từng bất đắc dĩ trở thành một nơi “cách ly” người bệnh của chính quyền thành phố.
Theo tài liệu lưu trữ[2], vào đầu thế kỷ 20, xứ Bắc Kỳ hay xảy ra bệnh dịch. Thí dụ bệnh dịch tả xảy ra năm 1888 làm chết khoảng 1.800 người ở Hà Nội chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, từ 18-4 đến 9-5 (trong số này có Paul Bert, Tổng Trú sứ Trung-Bắc Kỳ). Con số người chết vì dịch tả là do Công sứ-Đốc lý Hà Nội công bố nhưng chắc chắn còn ít hơn con số thực tế vì có nhiều người chết dịch nhưng không báo cho chính quyền sở tại biết. Ngoài bệnh tả, dân xứ Bắc Kỳ cũng hay bị bệnh đậu mùa và bệnh dịch hạch. Sở dĩ như vậy vì cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tình trạng vệ sinh của Hà Nội rất kém. Nghiên cứu của một nhà khoa học phương tây đã chỉ ra rằng, Hà Nội trước hết là kết quả của sự cân bằng mong manh và không ổn định giữa đất và nước. Thực vậy. Từ thời đó, Hà Nội đã nằm bên bờ sông Hồng rộng mênh mông và mạng lưới hồ ao thì hòa mình vào trong thành phố. Đường đất, nhà gianh lụp xụp với nền đất nện đã tạo ra bóng dáng của một thành phố cổ với tình trạng vệ sinh “tồi tệ”, “bẩn thỉu lầy lội mỗi khi trời mưa”, một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh dịch nguy hiểm, theo nhận định của các du khách người Âu từng có mặt ở Hà Nội cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.  
Chính quyền thuộc địa ở Hà Nội cho rằng “các căn nhà gianh lụp xụp chính là các ổ dịch” nên đã ra nhiều văn bản bắt phá dỡ chúng. Cùng với sự nỗ lực của Phòng Quản lý vệ sinh đô thị, đường phố Hà Nội dần dần được Âu hoá. Những cố gắng đáng kể của Hội đồng thành phố trong một khoảng thời gian dài từ 1886 đến những năm đầu thế kỷ 20 như mở đường; lấp ao tù; phá bỏ các nhà vách đất lợp bằng tranh, tre, nứa, lá trong thành phố; rải đá mặt đường; làm vỉa hè; xây cống ngầm và hoàn thành hệ thống cung cấp điện và nước... bước đầu đã đẩy lùi được nạn dịch tả ở Hà Nội. Tuy nhiên, vào tháng 4-1902, Hà Nội lại có 14 người mắc bệnh dịch hạch và 8 người chết vì bệnh này. Và đầu năm 1903, bệnh dịch hạch lại bùng phát ở Hà Nội mà người đầu tiên phát hiện ra bệnh dịch hạch ở Hà Nội năm 1903 là Adrien Le Roy des Barres, bác sĩ tốt nghiệp ở Paris và làm việc tại Hà Nội từ 1902. Theo tài liệu lưu trữ, ngày 21-3-1903, bác sĩ Le Roy des Barres đi khám bệnh cho hai gái điếm ở phố Hàng Trứng[3] tại một nhà thổ (maison de tolérance)[4] thì phát hiện ra hai cô gái điếm này bị bệnh dịch hạch và đã quyết định giữ họ ở khu cách ly (người Pháp gọi là lazaret).  
Pagodes des Corbeaux (Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Trong Connaissance de l’Indochine, 1917, No1, Hanoï, Société des amitiés Nippo-Indochinoise
Theo chính sách “bảo vệ sức khỏe công cộng” (la protection de la santé publique)  của chính quyền thuộc địa, mỗi thành phố hoặc một tỉnh phải có một “lazaret” và những “lazaret” này phải ở xa khu dân cư. Mỗi khi gia đình nào có người mắc bệnh truyền nhiễm như bệnh tả, bệnh đậu mùa, bệnh phong, bệnh dịch hạch thì phải báo cho người đứng đầu chính quyền sở tại (ở Hà Nội là phố trưởng), và sau đó bệnh nhân không được tiếp xúc với người khỏe và phải đưa đến “lazaret” để chữa bệnh. Những người trong gia đình hay những người chăm sóc bệnh nhân cũng phải đi theo vì có khả năng đã bị nhiễm bệnh nhưng triệu chứng của bệnh chưa phát ra.
Vào thời điểm đó, ngân sách của thành phố còn yếu kém nên chưa xây dựng được các “lazaret” chính thức nên mỗi khi có dịch, người bệnh lại được đưa vào trong các “lazaret” tạm thời được làm bằng tranh, tre, nứa, lá. Những “lazaret” này ít tốn kém vì giá thành rẻ, lại có thể đốt đi để sát trùng. Tuy nhiên nó lại không bền vững nên sau cơn bão năm 1902, “lazaret” tạm thời ở ấp Thái Hà bị sập, hỏng hết nên thành phố không còn chỗ để cách ly người bệnh. Vì thế, khi bác sĩ Le Roy des Barres tìm thấy hai cô gái điếm bị bệnh, Đốc lý Hà Nội đã cho phép đưa hai bệnh nhân này vào cách ly tại Văn Miếu. Và cũng vì thế mà hai cô này đã trở thành hai bệnh nhân đầu tiên được đưa vào Văn Miếu ngày 21-3-1903, chính quyền thành phố đã giữ họ ở lại khu cách ly tạm thời này cho đến ngày 12-5.
Sau ngày 21-3 là ngày có hai bệnh nhân đầu tiên, số người bị đưa vào cách ly ở Văn Miếu tăng lên rất nhanh. Theo thống kê của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Résidence supérieure au Tonkin) thì đến ngày 27-3 có 4 bệnh nhân, 75 người bị nghi nhiễm bệnh ở Văn Miếu và có một người chết tại đây. Tiếp đó, ngày 9-4 có 9 bệnh nhân và 20 người nghi nhiễm bệnh ở Văn Miếu. Sau một tuần, số người ở Văn Miếu tăng lên rất nhanh và đến ngày 25-4, có 28 bệnh nhân và 125 người bị nghi nhiễm bệnh ở Văn Miếu.
Bệnh nhân đưa vào Văn Miếu được chia làm hai nhóm, một nhóm dành cho người bị bệnh và một nhóm dành cho những người nghi mắc bệnh. Hai nhóm này ở hai nơi riêng biệt, người bản xứ và người Hoa ở hai nhà riêng. Tất cả đều không được phép tự do đi lại, mỗi cửa ra vào đều có cảnh sát đứng gác.
Do Văn Miếu không phải là “lazaret” chính thức nên những thứ cần thiết tối thiểu như giường, chăn, thức ăn… đều thiếu thốn. Trong tuần đầu tiên bị đưa vào Văn Miếu, bệnh nhân không có đủ giường nằm vì lúc đó mới chỉ có 20 giường nên có người phải nằm trên đất ẩm. Vì thế có một số trường hợp, bệnh nhân được đưa vào Văn Miếu mấy tiếng hoặc vài ngày đã bị chết[5]. Trong đợt dịch tả năm 1903, người dân Hà thành rất sợ bị bắt vào cách ly tại Văn Miếu. Theo một số thư của người dân Hà thành gửi Đốc lý Hà Nội thì ngoài điều kiện thiếu thốn như đã nêu, người ta còn cho là do công chức người Tây không phân biệt được người ốm và người khỏe nên đã cho tất cả ở lẫn với nhau, dẫn đến tình trạng có nhiều người khỏe bị bắt vào Văn Miếu và sau khi ở đấy một thời gian, họ cũng bị ốm và chết luôn. Điều này được bác sĩ Le Roy des Barres xác nhận là có thật trong biên bản của mình.
Trước việc chính quyền thuộc địa dùng Văn Miếu làm “lazaret” tạm thời để cách ly người bị bệnh dịch hạch năm 1903 ở Hà Nội, giới quan lại Việt Nam đã có nhiều phản ứng tương đối mạnh mẽ. Trong cuộc họp của Ủy ban Vệ sinh địa phương (Commission locale d’Hygène) vào ngày 25-3 tức là chỉ hai ngày sau khi hai bệnh nhân đầu tiên (hai cô gái điếm) bị đưa đến cách ly tại Văn Miếu, tổng đốc tỉnh Cầu Đơ[6] đã lên tiếng phản đối chính sách dùng Văn Miếu, một nơi thiêng liêng đối với người Việt để làm nơi cách ly người bệnh dịch hạch của chính quyền thành phố. Chính quyền thuộc địa cũng thừa nhận việc này song vì không có giải pháp nào khác nên vẫn không thể chuyển bệnh nhân đi được.
Ngày 23-4 chính quyền thành phố đã chọn một mảnh đất gần Bạch Mai để xây một “lazaret” chính thức và sau ngày 12-5 thì các bệnh nhân đã được chuyển về nơi cách ly mới này. Thật không may là ngày 7-6, một cơn bão lớn tràn qua Hà Nội đã phá hủy tất cả và bệnh nhân lại phải quay về Văn Miếu.
Pagodes des Corbeaux (Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Trong Connaissance de l’Indochine, 1917, No1, Hanoï, Société des amitiés Nippo-Indochinoise
Đầu tháng 6-1903, tổng đốc tỉnh Cầu Đơ đã viết thư cho Công sứ Pháp[7] của tỉnh, yêu cầu chính quyền bảo hộ Pháp phải tẩy uế Văn Miếu với lý do là “có người muốn đến Văn Miếu làm lễ nhưng vì có nhiều người chết tại đấy nên người ta sợ làm lễ ở đó sẽ bị bệnh”. Bức thư không được phúc đáp nên đầu tháng 9-1903, một lần nữa, tổng đốc tỉnh Cầu Đơ lại gửi thư cho Công sứ Pháp nhắc lại việc tẩy uế Văn Miếu, chuẩn bị cho việc làm lễ ở Văn Miếu vào tháng 11-1903. Bức thư này được chuyển đến Phủ Thống sứ Bắc Kỳ và ngày 10-9-1903, trả lời công văn của Phủ Thống sứ, Công sứ Cầu Đơ giải thích nguyên nhân của sự chậm trễ này là do có cơn bão lớn vào tháng 6, ở Văn Miếu đang có bệnh nhân nên việc tẩy uế Văn Miếu không thể tiến hành được. Trong lá thư viết ngày 17-9-1903 gửi cho Công sứ tỉnh Cầu Đơ, Thống sứ Bắc Kỳ hứa Văn Miếu sẽ được tẩy uế luôn ngay sau khi “lazaret” chính thức được xây dựng xong ở Bạch Mai.
Tuy không có tài liệu nào nói về vấn đề tẩy uế Văn Miếu nhưng từ sau 1903, nhiều tài liệu cho thấy chính quyền thuộc địa đã không dùng Văn Miếu làm nơi cách ly bệnh nhân nữa mà lại có những tài liệu chứng tỏ chính quyền thuộc địa bắt đầu quan tâm đến Văn Miếu như một di tích lịch sử của Việt Nam.
Sau khi tờ “Avenir du Tonkin” (các ngày 21 và 22-1904) có đề cập tới bức tường bao quanh Văn Miếu bị đổ do cơn bão năm 1903 gây ra, đã có những động thái tích cực của Thống sứ Bắc Kỳ, Đốc lý Hà Nội, Công sứ Pháp ở Cầu Đơ, Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp và kỹ sư Khu Công chính Bắc Kỳ trong tháng 11 và 12-1904 về vấn đề này. Kết quả là một khoản kinh phí 3.000 đồng được ghi vào ngân sách địa phương năm 1905 để cấp cho việc sửa chữa Văn Miếu và 700 đồng cấp cho việc sửa sang lại đồ thờ cúng của Văn Miếu. Và, với sự tư vấn của Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã được Toàn quyền Đông Dương công nhận là công trình đầu tiên trong số 7 công trình được xếp hạng là những “Công trình lịch sử của Đông Dương” theo nghị định ngày 24-11-1906[8]. Kể từ đó, Văn Miếu luôn được quan tâm đúng với vai trò của một di tích lịch sử của Đông Dương. Và sự kiện Văn Miếu bị sử dụng làm nơi cách ly tạm thời trong nạn dịch hạch năm 1903 ở Hà Nội dần dần chỉ là còn một ký ức buồn trong lịch sử thành phố Hà Nội thời thuộc địa.

[1] Claude Bourrin, Choses et gens en Indochine 1898-1908, Saigon, 1940.  
[2] Bài viết được tổng hợp từ một số phông tài liệu của Trung tâm Lưu trữ QG I như Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Fonds de la Résidence supérieure du Tonkin – RST, các hồ sơ: 36714; 56737; 73675 ; 73759 ; 74462 ; 74561); Sở Địa chính và Nhà cửa thành phố Hà Nội (Fonds du Service du Cadastre et des Domaines de Hanoï – SCDH); Toà Đốc lý Hà Nội (Fonds de la Mairie de Hanoï – MHN)…
[3] Tên thường gọi đoạn đầu phía đông phố Hàng Mắm.
[4] Dưới thời thuộc địa, chính quyền công nhận “làm gái điếm” là một nghề hợp pháp. Các cô gái điếm phải hành nghề trong các nhà thổ, có thẻ hành nghề, phải đóng thuế và được khám bệnh định kỳ để giảm thiểu một số căn bệnh như lậu, giang mai…
[5] Về con số người chết vì bệnh dịch hạch ở Hà Nội, theo thống kê của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ là 212 người trong tổng số 266 người bị bệnh và 54 người khỏi bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Le Roy des Barres thì con số đó thấp hơn con số thực tế vì có nhiều người chết mà gia đình không báo cho chính quyền sở tại biết. Cũng theo bác sĩ Le Roy des Barres thì những người chết ở Văn Miếu đều được chôn tại một nghĩa trang ở Giảng Võ.
[6] Tên gọi của tỉnh Hà Đông cũ. Thời điểm này, địa giới hành chính Hà Nội còn chưa mở rộng nên Văn Miếu thuộc tỉnh Cầu Đơ.
[7] Đứng đầu xứ Bắc Kỳ là Thóng sứ Bắc Kỳ (Résident supérieur du Tonkin), đứng đầu các tỉnh thuộc Bắc Kỳ là Công sứ (Résident) các tỉnh. Tổng đốc là người đứng đầu hệ thống quan lại người Việt ở các tỉnh thuộc Bắc Kỳ.
[8] JOIF, 1906, N101, tr.1816.


TS. Đào Thị Diến

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.