Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/07/2017

Công cuộc đổi mới - những thành tựu và bài học kinh nghiệm (bài Nguyễn Duy Quý)


Lấy nguyên về từ trang Đảng Cộng sản Việt Nam.

---



ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM - 80 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - HÀ NỘI 2010)

GS, VS. NGUYỄN DUY QUÝ*
Từ năm 1986, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. So với công cuộc cải cách và chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường ở các quốc gia khác, đổi mới ở Việt Nam có những nét đặc thù riêng. Đổi mới ở Việt Nam diễn ra từ hai chiều: “từ dưới lên” tức là ở các hợp tác xã, doanh nghiệp và “từ trên xuống” tức là các quyết định của Đảng và Nhà nước. Mối liên hệ hai chiều ấy đã làm cho công cuộc đổi mới ở Việt Nam diễn ra không có sự xung đột giữa “phía trên” và “phía dưới”, cũng như không có các “cú sốc” quá mạnh được tạo ra bởi các chính sách và biện pháp điều chỉnh vĩ mô cứng rắn và duy ý chí của bộ máy lãnh đạo “phía trên”. Đó là đặc điểm nổi bật của quá trình đổi mới ở Việt Nam, vừa có sự chỉ đạo từ trên xuống, vừa có sự sáng tạo của nhân dân từ bên dưới. Do đó, đổi mới đã dẫn đến thành công.
Khác với các nước Đông Âu và Liên Xô, ở Việt Nam nhu cầu đổi mới các chính sách xuất phát từ chính lĩnh vực kinh tế, chứ không phải là hệ quả của những biến động chính trị.
Sự chuyển từ chiến tranh sang hòa bình đã làm bùng nổ các nhu cầu về đời sống, từ đó làm nảy sinh yêu cầu tháo gỡ các cản trở về quản lý kinh tế và sau đó dẫn đến những thay đổi trong quan niệm từ sự vận hành của nền kinh tế. Nói cách khác, thực tiễn đã làm “tan băng” các quan niệm xơ cứng và thúc ép hoàn thành hệ thống lý thuyết và quan niệm phù hợp hơn.
Đổi mới ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi lớn lao, hầu như tất cả các nước đều có sự điều chỉnh chính sách của mình. Những kinh nghiệm cải cách của các nước cũng là sự gợi mở cho Việt Nam trong sự nghiệp tìm tòi con đường đổi mới. Vì vậy, những quan điểm đổi mới của Việt Nam được hình thành không chỉ đúc kết kinh nghiệm của nước mình mà còn từ những kinh nghiệm thành công và không thành công của các nước xã hội chủ nghĩa khác.
I- NHỮNG THÀNH TỰU CỦA CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI
Ở VIỆT NAM
Đổi mới ở Việt Nam là quá trình thử nghiệm, trong quá trình này cái mới và cái cũ xen kẽ nhau, cái cũ không mất đi ngay mà lùi dần, có lúc, có nơi còn chiếm ưu thế hơn cái mới, nhưng xu hướng chung là cái mới dần dần được khẳng định và đưa tới thành công.
Điểm nổi bật của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là luôn luôn lấy sự ổn định chính trị - xã hội làm tiền đề, làm điều kiện tiên quyết cho sự nghiệp đổi mới, phát triển và chính sự phát triển đó sẽ tạo ra sự ổn định mới vững chắc hơn.
Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm, khắc phục được nạn lạm phát có lúc trên 700% (năm 1986) xuống mức lạm phát 12% (năm 1995) và từ đó đến nay lạm phát chỉ còn một con số; khắc phục được nạn thiếu lương thực trước đây và hiện nay kinh tế phát triển liên tục, đặc biệt là sản xuất lương thực, Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu gạo thứ hai, thứ ba trên thế giới.
Hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã chú ý đến việc thực hiện chính sách công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện một bước đáng kể. Tính riêng trong 5 năm (1993-1998), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 2,45 lần.
Một đặc điểm khác đáng chú ý nữa là sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam đã xác định đổi mới kinh tế là trọng tâm, trước hết phải đổi mới tư duy về kinh tế. Nhờ định hướng đúng đắn mà những yêu cầu cấp thiết của nhân dân ta về sản xuất và đời sống được giải quyết, đem lại sự tin tưởng của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, tự nó trở thành động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới giành nhiều thắng lợi.
Song song với đổi mới kinh tế, từng bước đổi mới về chính trị, xã hội, văn hóa với mục tiêu phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, xây dựng và phát huy đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Khoa học - công nghệ cùng với giáo dục - đào tạo được Nhà nước hết sức chăm lo. Nhà nước coi chính sách phát triển khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nhờ vậy, trong những năm vừa qua, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, hiện nay chương trình đào tạo sau đại học với hai học vị thạc sĩ và tiến sĩ đang được thực hiện ở hầu hết các ngành học thuộc khoa học tự nhiên và công nghệ cũng như khoa học xã hội và nhân văn.
Trong lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam thực hiện chính sách mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Trên cơ sở đường lối đó, Việt Nam đã kiên trì phấn đấu đẩy lùi và làm thất bại chính sách bao vây cấm vận, cô lập Việt Nam của các thế lực thù địch, tạo được môi trường quốc tế, khu vực thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tháng 7-1995, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tháng 3-1996, Việt Nam đã tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) gồm 10 nước châu Á và 15 nước châu Âu với tư cách thành viên sáng lập. Tháng 10-2004, Hội nghị ASEM lần thứ năm đã họp tại Thủ đô Hà Nội của Việt Nam.
Tháng 11-1998, Việt Nam đã gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) gồm các nước và lãnh thổ thuộc châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương ở ven hai bờ Thái Bình Dương.
Chính trong quá trình hội nhập kinh tế, Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng xuất khẩu, thúc đẩy phát triển, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Năm 1990, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,404 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,752 tỷ USD, tính chung bốn năm từ năm 2001 đến năm 2004, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 77 tỷ USD, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân bốn năm khoảng 14,6%. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người năm 2004 đạt trên 305 USD/người.
Đổi mới ở Việt Nam đã kết hợp được nội lực và ngoại lực. Tháng 12-1987, Việt Nam đã ban hành Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ thời gian ấy đến nay, đất nước ta đã thu được hàng chục tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài với hàng nghìn dự án, trong số đó đã thực hiện khoảng 21 tỷ USD. Có thể nói rằng, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, Việt Nam còn tranh thủ được nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng cao.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận với những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Đồng thời, thông qua các dự án hợp tác với nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm quản lý tiên tiến.
Những thành tựu đổi mới trên bắt nguồn từ đổi mới tư duy. Việc đổi mới tư duy mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12-1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra rất khái quát, nhưng hết sức cơ bản và có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới về sau. Khi công cuộc đổi mới được triển khai và đi vào chiều sâu thì đổi mới tư duy càng được đẩy mạnh. Bất cứ một sự ngưng trệ nào trong tư duy cũng đều làm ngưng trệ sự đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực tiễn đổi mới về kinh tế, chính trị, xã hội vừa là kết quả đổi mới tư duy, lại vừa đặt ra những yêu cầu mới cho việc tiếp tục đổi mới tư duy ở trình độ cao hơn.
Ở Việt Nam, đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, mà làm cho chủ nghĩa xã hội đi tới thắng lợi. Đổi mới không phải là phủ định quá khứ mà khẳng định những gì hiểu đúng, làm đúng, loại bỏ những gì hiểu sai, làm sai, bổ sung những nhận thức mới, đáp ứng yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới.
Thực hiện được những điều trên đây thực sự là cuộc đấu tranh phức tạp giữa cái đúng và cái sai, giữa tiến bộ và lạc hậu, lỗi thời, giữa cái mới thúc đẩy sự phát triển và cái cũ cản trở sự phát triển. Tiêu chuẩn để phân biệt những mặt trái ngược đó chính là thực tiễn - kết quả về kinh tế, xã hội giành được trong thời kỳ đổi mới.
Thành tựu đổi mới ở Việt Nam đã được thể hiện rõ nét trên một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung chỉ có hai thành phần kinh tế (nhà nước và tập thể) sang mô hình mới - kinh tế hàng hóa nhiều thành phần (nhà nước, tập thể, cá thể tiểu chủ, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài), trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong sự thống nhất biện chứng với tính đa dạng các hình thức sở hữu, đa dạng các hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất. Đây là đổi mới căn bản mà ý nghĩa sâu xa của nó là tôn trọng quy luật khách quan về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Điều đó đã mở đường giải phóng mọi tiềm năng xã hội, giải phóng sức sản xuất. Nhân tố quan trọng bậc nhất của lực lượng sản xuất là con người: Người lao động làm chủ, được thúc đẩy bởi quy luật lợi ích, trong đó lợi ích cá nhân của người lao động là động lực trực tiếp và là cơ sở để thực hiện phát triển lợi ích của tập thể và của toàn xã hội.
Thứ hai, từ mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung chuyển sang mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường. Điểm nổi bật trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là xóa bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp, hình thành tương đối đồng bộ cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới có tính chất đột phá là từ chỗ về cơ bản không sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, chuyển sang coi thị trường vừa là căn cứ, vừa là đối tượng của kế hoạch. Còn kế hoạch mang tính định hướng, điều tiết ở tầm vĩ mô, thị trường có vai trò trực tiếp hướng dẫn các đơn vị kinh tế lựa chọn lĩnh vực hoạt động và phương án tổ chức sản xuất kinh doanh.
Cơ chế thị trường thừa nhận cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất phát triển, nhưng đồng thời dẫn tới sự chênh lệch, sự phân hóa giàu nghèo. Đây là mặt trái của cơ chế thị trường.
Vấn đề đặt ra là Nhà nước phải có chính sách đúng đắn để cho cơ chế thị trường đẩy sự phân hóa giàu nghèo vượt qua giới hạn cho phép. Việt Nam đã giải quyết vấn đề này bằng chính sách xóa đói, giảm nghèo được thực hiện tương đối hiệu quả.
Tại cuộc Hội thảo quốc tế với tiêu đề Xóa đói, giảm nghèo: Kinh nghiệm Việt Nam và một số nước châu Á do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 6-2004, đại diện của nhiều tổ chức và nhà tài trợ quốc tế đã đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Việt Nam là nước có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Thứ ba, đổi mới hệ thống chính trị từ chế độ tập trung quan liêu, với phương thức quản lý kinh tế hành chính mệnh lệnh sang dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện dân chủ gắn liền với tôn trọng luật pháp, kỷ cương xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đổi mới trong lĩnh vực này đã góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ những lực cản đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, nảy sinh ra những nhân tố mới, động lực mới, thúc đẩy công cuộc đổi mới ở Việt Nam giành được nhiều thành quả.
Hệ thống chính trị ở Việt Nam gồm ba phần cấu thành: Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Nói đổi mới hệ thống chính trị thực chất là đổi mới tổ chức, cán bộ và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị đó. Cụ thể là:
- Đảng Cộng sản Việt Nam “lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng... Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái1.
- Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nhà nước thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, định ra pháp luật, tổ chức quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, kế hoạch và các chính sách cụ thể. Lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, nhờ vậy đã có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lộng quyền, vô trách nhiệm, xâm phạm quyền và lợi ích của nhân dân.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. “Các đoàn thể nhân dân, tùy theo tính chất, tôn chỉ và mục đích đã xác định, vừa vận động đoàn viên, hội viên giúp nhau chăm lo, bảo vệ các lợi ích thiết thực; vừa giáo dục nâng cao trình độ mọi mặt cho đoàn viên, hội viên, vừa tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội2.
Thành tựu đạt được trong việc thực hiện đổi mới hệ thống chính trị là đáng kể. Đổi mới đã tạo ra bầu không khí dân chủ và cởi mở trong xã hội, đã thiết lập được các cơ chế và chính sách để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Tất cả những điều vừa trình bày trên đây đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.
Thành tựu này được các nước trong khu vực cũng như các đối tác có quan hệ với Việt Nam thừa nhận và xem đây là một thuận lợi trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
II- NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CÔNG CUỘC
 ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM
Từ thực tiễn đổi mới, Đảng và Nhà nước ta càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý. Có thể rút ra một số bài học sau đây:
1. Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và trong tám thập kỷ qua, Đảng ta luôn kiên trì mục tiêu đó. Trong hơn 20 năm đổi mới, tình hình thế giới biến động rất phức tạp. Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Chủ nghĩa xã hội hiện thực bị lâm vào thoái trào, phong trào cách mạng thế giới gặp những khó khăn to lớn chưa từng thấy. Tình hình đó đã tác động đến cách mạng nước ta. Đứng trước tình thế hiểm nghèo đó, với bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng ta vẫn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa đã chọn - con đường hợp quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, phù hợp với con đường phát triển của nhân loại.
Trong những năm đổi mới, Đảng ta đã có sự nhận thức sâu sắc hơn, đúng đắn hơn đối với chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong Cương  lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991 Đảng ta đã đưa tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho cách mạng nước ta.
Trên cơ sở đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, Đảng ta đặt vấn đề xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Thực tiễn cách mạng nước ta từ khi có Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới đã khẳng định giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là kiên định tính biện chứng, là điều kiện cơ bản bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới vô cùng phức tạp của tình hình thế giới.
2. Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp
Công cuộc cải tổ, cải cách ở một số nước xã hội chủ nghĩa cho thấy, nếu xác định đúng mục tiêu, song không xác định đúng phương hướng, bước đi thì vẫn có thể không thành công. Đối với nước ta, đổi mới là một sự nghiệp có tính chất cách mạng, toàn diện, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đổi mới toàn diện phải tiến hành đồng bộ trên tất cả các mặt, tuy nhiên phải xác định trọng tâm, trọng điểm và phải có các bước đi, hình thức, cách làm phù hợp, phải nắm lấy khâu then chốt trong mỗi thời kỳ, phải nắm vững các mối quan hệ biện chứng chủ yếu trong đời sống xã hội, đó là quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa kinh tế và chính trị, giữa kinh tế và quốc phòng - an ninh, trong đó xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trong quá trình đổi mới, nước ta kế thừa những kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của lịch sử dân tộc, những thành tựu của cách mạng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa nhân loại, trong đó có mặt tích cực của kinh tế thị trường, những giá trị tư tưởng về nhà nước pháp quyền.
Để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, nước ta đã bảo đảm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Gắn kết chặt chẽ kinh tế với văn hóa và bảo đảm môi trường sinh thái. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội trong từng bước phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và đối ngoại.
3. Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, phù hợp thực tiễn, luôn luôn nhạy bén với cái mới
Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và tổ chức thực hiện về bản chất mang tính nhân dân sâu sắc thể hiện ở chỗ nó bắt nguồn từ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân và do nhân dân thực hiện. Chính những sáng kiến của nhân dân, của cơ sở nảy sinh từ cuộc sống thực tiễn là cơ sở, nguồn gốc để hình thành chủ trương đổi mới của Đảng. Đường lối đổi mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, thể hiện ý Đảng lòng dân nên được toàn dân ủng hộ và thực hiện một cách sáng tạo đã giải phóng được mọi tiềm năng của lực lượng sản xuất - nhân tố quyết định sự phát triển xã hội, khơi dậy được tài sức của nhân dân để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Hiện nay, công cuộc đổi mới đang đặt ra nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn mà Đảng ta phải nghiên cứu giải quyết. Vì vậy, phải tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Những bài học rút ra trong sự nghiệp đổi mới vừa qua sẽ góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đi tới thành công, nhất là phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nhiều vấn đề cấp bách khác như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, v.v..
Do tác động mặt trái của kinh tế thị trường, nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang tiếp tục diễn ra ở một số cán bộ và một số cơ quan quan trọng làm cho quan hệ giữa Đảng và nhân dân có mặt bị giảm sút. Vì vậy, phải củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Lợi ích chính đáng của nhân dân phải là cơ sở để hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước. Có như vậy những sáng kiến, kinh nghiệm của quần chúng, tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân mới có thể được biến thành những quyết sách chính trị trong quá trình đổi mới.
4. Phát huy cao độ nội lực, đồng thời khai thác ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng việc phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong đó phát huy nội lực là nhân tố quyết định, khai thác nhân tố ngoại lực là quan trọng, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão, kinh tế tri thức ngày càng phát triển, chúng ta phải chủ động sử dụng những thành tựu khoa học và công nghệ (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới...) cùng với những thành tựu của kinh tế tri thức để phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại của thế giới.
Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế đã trở thành một xu thế khách quan, tác động đến tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới, Đảng ta đã đề ra chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế, chúng ta đã xác lập được quan hệ ổn định với các nước lớn, đã thiết lập ngoại giao với 167 nước, có quan hệ thương mại với 221 nước và vùng lãnh thổ, chúng ta đã gia nhập AFTA, ASEM, APEC và năm 2006 đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhờ vậy, chúng ta đã thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài FDI và ODA. Chúng ta cũng đã thiết lập được quan hệ tín dụng với các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế, tranh thủ được số lượng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đồng thời tranh thủ kinh nghiệm quản lý của nước ngoài, mở rộng thị trường để phát triển đất nước.
Sự khai thác ngoại lực làm tăng lên sức mạnh của nội lực. Việc phát huy nội lực tạo cơ sở cho việc sử dụng ngoại lực có hiệu quả hơn. Trong việc khai thác ngoại lực, sử dụng sức mạnh của thời đại, chúng ta phải đứng vững trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc.
5. Phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân
Thực tiễn công cuộc đổi mới đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công của đổi mới. Nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn, ngày càng hoàn thiện, vai trò lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng được tăng cường, do đó, công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng được đông đảo nhân dân hưởng ứng biến thành hành động sôi nổi, rộng khắp của quần chúng.
Trong quy trình đổi mới, Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, coi việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện mới là nhiệm vụ sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng.
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta rất coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa vì dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Dân chủ hóa đời sống xã hội sẽ làm cho mọi tiềm năng của con người được phát huy, tính tích cực, chủ động của nhân dân được tăng lên, sự tham gia của nhân dân vào quá trình sáng tạo ra xã hội mới sẽ ngày càng có hiệu quả hơn.
Để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa phải tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lợi ích chung của đất nước, lấy việc giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng. Phải tạo điều kiện và cơ chế cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trên đây là những bài học lớn được rút ra từ công cuộc đổi mới. Những bài học này có ý nghĩa chỉ đạo tiếp tục cho công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu. Vì vậy, nắm vững và quán triệt chúng để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là yêu cầu quan trọng hiện nay và sắp tới.
----------------
* Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Sđd, tr.330, 329.


http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-ve-cong-tac-dang/books-310520153565356/index-51052015351515676.html






---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:













Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 10  (tổng quát về Đại hội VI)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)

Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004) 
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh) 


 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.