Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

03/07/2016

Trọng dụng hay tận dụng : Nhân lực, nhân tài ngoài đảng


1. Đầu tiên là về kết quả bầu cử quốc hội năm 2016. Đại khái như sau (xem lại tư liệu số 4, ở đây):

"
Về cơ cấu kết hợp, dân tộc thiểu số 86 người (17,30%) thiếu 4 người, phụ nữ 133 người (26,80%) thiếu 17 người so với dự kiến.
Ngoài đảng có 21 người trúng cử, (tỷ lệ 4,20%) giảm 4,2% so với khoá 13 (42 người).
Dưới 40 tuổi có 71 vị trúng cử, cao hơn 21 người so với dự kiến, tăng 1,9% so với khoá 13.
Trình độ trên đại học có 310 người (62,50%) đại học 180 người, dưới đại học 6 người, tái cử 160 người (32,30%) giảm 6 người. Như vậy, có 317 đại biểu tham gia quốc hội lần đầu.

Đại biểu tự ứng cử 2 người, giảm 2 người so với khoá trước.
"



2. Vấn đề tận dụng, thì báo chí chính thống đã đưa tin chính thống, như sau (xem trong tư liệu số 2 ở dưới):


"

Để tận dụng nhân tài, TP.HCM bổ nhiệm cán bộ quản lý là người ngoài Đảng

"



Dưới làm tư liệu, tính từ tháng 6/2016.






---

3.

Bộ Nội vụ thi tuyển vụ phó: Người ngoài Đảng có cơ hội


 - Người ngoài Đảng, ngoài quy hoạch vẫn có cơ hội thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo cấp vụ của Bộ Nội vụ nếu được Bộ đề cử.
Trao đổi với VietNamNet về kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ tại một số đơn vị thuộc Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trong 2 năm 2017-2018, Bộ sẽ tổ chức thi tuyển 8 chức danh cấp phó, trong đó, 3 chức danh vụ phó sẽ thi vào cuối năm nay.
Bộ Nội vụ,thi tuyển lãnh đạo,Thứ trưởng Nội vụ,Nguyễn Duy Thăng
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng. Ảnh: T.Hằng
Trong đợt tuyển dụng lần này, Bộ có mở rộng đối tượng dự thi, tạo cơ hội cho các ứng viên ngoài Bộ Nội vụ, ngoài quy hoạch, ngoài Đảng?
Theo kết luận của Bộ Chính trị, đây là đề án thí điểm nên có nội dung vượt ra ngoài phạm vi quy định hiện nay.
Đối tượng dự thi theo nguyên tắc là phải trong quy hoạch, nhưng không hạn chế trong nội bộ cơ quan đơn vị đó và có thể mở rộng ra các cơ quan đơn vị khác có chức danh tương đương trong cùng bộ, ban, ngành, lĩnh vực.
Trường hợp ứng viên là người trong nội bộ đơn vị và trong quy hoạch thì bắt buộc phải đăng ký, nếu không đăng ký mà không có lý do theo quy định sẽ bị đưa ra ngoài quy hoạch. Như vậy đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, tìm được nhiều người. 
Còn trường hợp không nằm trong quy hoạch thì phải được tập thể lãnh đạo đề cử và cấp uỷ có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý. Tức là Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển thì phải được Bộ Nội vụ đồng ý.
Còn đối với người ngoài Đảng, trong kết luận của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đã cho chủ trương nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ sau khi được tuyển dụng từ 1-2 năm thì có thể bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo cấp phòng và có thể không phải đảng viên.
Ví dụ các em học rất giỏi ở nước ngoài về làm ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, chức phó khoa hay phó phòng nhưng chưa vào Đảng được thì chẳng lẽ lại hạn chế anh em không cho dự thi?
Tránh tình trạng khép kín, cục bộ
Liệu như vậy có “vừa mở, vừa đóng” không khi mà Bộ chính là nơi mở cửa để các thí sinh tham gia dự thi nhưng cũng lại là nơi đề cử đối với những trường hợp ngoài Đảng, ngoài quy hoạch và phải được Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ đồng ý?
Không. Phải có người đề cử, có thể tôi đề cử nhưng phải đưa ra tập thể lãnh đạo Bộ để thống nhất và Đảng ủy Bộ có ý kiến bằng văn bản. Nếu không đồng ý thì phải nêu rõ lý do.
Đó không phải là đóng hay mở, mà là đảm bảo quy trình kiểm soát và đảm bảo trong cả quá trình thi tuyển đều có sự lãnh đạo của Đảng.
Theo ông, việc thay đổi cách thức tuyển dụng bằng thi tuyển cạnh tranh có ý nghĩa thế nào đối với công tác cán bộ hiện nay?
Thay đổi cách thức tuyển dụng, trước hết, nhằm phát hiện, thu hút, tuyển chọn, bổ nhiệm được người có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ, góp phần nâng cao chất lượng nghiệp vụ, thực hiện chiến lược cán bộ trong thời kỳ CNH-HĐH, hội nhập quốc tế.
Đồng thời, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, tránh tình trạng khép kín, cục bộ. Trước đây tất cả quy trình tuyển dụng là bỏ phiếu tín nhiệm, có thể cùng bỏ phiếu cho nhiều người rồi chọn người có phiếu cao hơn. Còn giờ thi để chọn người điểm cao nhất, đảm bảo cạnh tranh, công khai minh bạch, chọn người thực sự có tài hơn.
Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển lãnh đạo. Vừa qua, Ban Tổ chức TƯ cũng tổ chức thi 3 chức danh vụ trưởng. Qua sơ kết, đánh giá việc thi tuyển lãnh đạo của hai cơ quan tổ chức của Đảng và Nhà nước sẽ góp phần hoàn thiện thể chế về cán bộ công chức, trong đó có việc tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo.
Tôi dám chắc không có chạy chọt
Liệu việc thi tuyển cạnh tranh có khắc phục được hạn chế trong việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay, nhất là những nghi ngờ về “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”?
Nguyên tắc của chúng ta là cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, khách quan, và đúng thẩm quyền, đảm bảo tiêu chuẩn. Thi như vậy sẽ tuyển chọn được người xứng đáng nhất, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức.
Hình thức thi bao gồm cả thi viết và bảo vệ đề án, có hội đồng thi tuyển xem xét, chấm điểm và cán bộ công chức giám sát, do đó sẽ hạn chế được rất nhiều khiếm khuyết hiện nay.
Làm sao đảm bảo thi khách quan trung thực, minh bạch, công khai, không có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, chạy chọt?
Hướng dẫn của Bộ Nội vụ đã nói rất rõ về hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở có không quá 17 thành viên, còn cấp phòng có không quá 11 thành viên do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn quyết định. 
Tôi dám chắc không có chạy chọt, vì nếu ai nhận chạy chọt thì không xứng đáng ngồi ở hội đồng. Một tập thể hội đồng đến 17 người, điểm tính theo trung bình cộng, ai chấm chênh lệch 20% sẽ không được công nhận nên chuyện chạy chọt sẽ khó.
Tất cả thành phần trong hội đồng đều dự ở đó khi ứng viên bảo vệ đề án. Lãnh đạo, cán bộ công chức của đơn vị sử dụng chức danh thi tuyển cũng được ngồi đó và cũng được quyền hỏi và trả lời công khai tại chỗ. Thành viên hội đồng cũng có thể mời các chuyên gia nắm sâu lĩnh vực vào hỏi, tuỳ từng chức danh.
Cả tập thể hội đồng, cả quy trình thi và bảo vệ đề án như thế, tôi dám chắc đảm bảo khách quan hơn rất nhiều so với hiện nay. Tất nhiên khi làm cái mới thì có ý kiến này, ý kiến kia là bình thường.
Ban Tổ chức TƯ chọn được 3 vụ trưởng qua thi tuyển

Ban Tổ chức TƯ chọn được 3 vụ trưởng qua thi tuyển

Sáng nay, Ban Tổ chức TƯ công bố kết quả thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp vụ. 3/12 thí sinh đã trúng tuyển chức vụ trưởng.
Bộ Nội vụ bắt đầu nhận hồ sơ thi tuyển 3 Vụ phó

Bộ Nội vụ bắt đầu nhận hồ sơ thi tuyển 3 Vụ phó

Sau Ban Tổ chức TƯ, đến lượt Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển 3 Vụ phó. Sau đó, Bộ thi tuyển tiếp 5 chức danh cấp phó.
Quyết định nhân sự tại Văn phòng Chính phủ

Quyết định nhân sự tại Văn phòng Chính phủ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định nghỉ hưu theo chế độ đối với ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
19 thứ trưởng được Trung ương luân chuyển giờ ra sao?

19 thứ trưởng được Trung ương luân chuyển giờ ra sao?

19 thứ trưởng và tương đương được TƯ luân chuyển, đến nay có 9 người được vào TƯ khóa 12, người làm bí thư tỉnh ủy, người giữ chức bộ trưởng.
Quảng Ninh bổ nhiệm 89 lãnh đạo thông qua thi tuyển

Quảng Ninh bổ nhiệm 89 lãnh đạo thông qua thi tuyển

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Hoàng Đức Long cho biết, tỉnh đã bổ nhiệm thông qua thi tuyển 89 chức danh lãnh đạo, quản lý.
Hà Nội chuẩn bị thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp sở, phòng

Hà Nội chuẩn bị thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp sở, phòng

Hà Nội sẽ nghiên cứu, thí điểm một số đề án, mô hình mới, trong đó có thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp sở, phòng.
Thu Hằng
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bo-noi-vu-thi-tuyen-vu-pho-nguoi-ngoai-dang-co-co-hoi-407815.html




2.


Để tận dụng nhân tài, TP.HCM bổ nhiệm cán bộ quản lý là người ngoài Đảng

Ảnh: PD
   Theo ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM, lãnh đạo TP đang tìm kiếm những người có năng lực để đưa về giữ các vị trí chủ chốt. Những người có năng lực, có tâm huyết, có tài sẽ được thành phố trọng dụng để phát triển.

Chiều 30.6, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức họp báo về kết quả thực hiện trọng tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác vận động nhân dân 6 tháng đầu năm 2016 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016. Được biết, đây là lần đầu tiên Thành ủy TP.HCM tổ chức họp báo để thông tin đến công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong 6 tháng vừa qua.

Trong buổi họp báo, liên quan đến việc bổ nhiệm người ngoài Đảng vào các chức danh lãnh đạo quản lý, ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM nói rằng lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục tìm kiếm những người có năng lực về giữ các vị trí chủ chốt nhằm tận dụng nhân tài.

Trường hợp của TS Lê Nguyễn Minh Quang vừa được bổ nhiệm làm Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP là một minh chứng cụ thể. Theo Phó bí thư Thành ủy, ông Lê Nguyễn Minh Quang là gương mặt còn không xa lạ với giới trẻ TP.HCM. Ông Quang từng giữ chức Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ, là đại biểu HĐND TP khóa 7 và mới trúng cử đại biểu khóa 9. Với những phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm trên, ông Lê Nguyễn Minh Quang đã được lãnh đạo TP cất nhắc và bổ nhiệm.

Ông Cang cũng nhấn mạnh việc bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang là một nét mới, thể hiện rõ chủ trương trọng dụng nhân tài của lãnh đạo TP.HCM. Thời gian tới, sẽ có thêm nhiều trường hợp như trên được bổ nhiệm và những người có năng lực, có tâm huyết, có tài sẽ được TP trọng dụng để phát triển.

Bên cạnh việc bổ nhiệm nhân tài ngoài Đảng nhằm tạo điều kiện để những người có năng lực giữ những vị trí quan trọng, Thành ủy TP.HCM cũng quyết tâm kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đối với các đảng viên vi phạm các quy định.

Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, trong 6 tháng đầu năm, đã có 235 đảng viên bị xử lý kỷ luật, tăng 70 đảng viên so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, có 168 trường hợp bị khiển trách, cảnh cáo 56 trường hợp, cách chức 7 trường hợp, khai trừ 4 trường hợp.

Ngoài ra, liên quan đến đường dây nóng của Thành ủy, từ ngày 19.2 đến nay, đường dây này đã tiếp nhận và xử lý hơn 22.000/23.700 tin đạt tỷ lệ 92,92%. Trong đó các thông tin phản ánh, kiến nghị chủ yếu tập trung một số lĩnh vực: kinh tế, quản lý đô thị, an ninh trật tự, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Ban thường vụ Thành ủy đánh giá đường dây nóng Thành ủy và cấp ủy địa phương, đơn vị đã bước đầu phát huy hiệu quả, phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, tập hợp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý, hiến kế giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác đối ngoại, giải quyết những nguyện vọng, bức xúc của nhân dân.

Từ đánh giá đó, Thường vụ Thành ủy xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm là tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin qua đường dây nóng của Thành ủy. Song song đó, tăng cường tiếp xúc, đối thoại giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức xúc của người dân.


Phan Diệu

http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/chinh-tri-c-93/de-tan-dung-nhan-tai-tphcm-bo-nhiem-can-bo-quan-ly-la-nguoi-ngoai-dang-36792.html






1.


03/07/2016 09:45 GMT+7
TTO - Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến xung quanh sự kiện TS Lê Nguyễn Minh Quang - một người không phải là đảng viên, được UBND TP.HCM tuyển dụng và bổ nhiệm giữ chức trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.
Trọng dụng người tài ngoài đảng: Tạo cảm hứng cho cuộc sống
Ông Lê Nguyễn Minh Quang (trái) nhận quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Sự kiện TS Lê Nguyễn Minh Quang - tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam, một người không phải là đảng viên và cũng chưa là công chức - được UBND TP.HCM tuyển dụng và bổ nhiệm giữ chức trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP hôm 27-6 đã tạo ra cảm hứng cho nhiều người. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến xung quanh sự kiện này.
Ông NGUYỄN TÚC (chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội của MTTQ VN):
Trọng dụng người tài ngoài đảng: Tạo cảm hứng cho cuộc sống
Không phải 
là chuyện mới
Tôi rất mừng khi lãnh đạo TP.HCM đề bạt, bổ nhiệm một người ngoài Đảng là anh Lê Nguyễn Minh Quang có trình độ, có tâm huyết vào vị trí lãnh đạo cấp sở trong bộ máy chính quyền.
Chúng ta cần phải có nhận thức chung rằng dù là trong Đảng hay ngoài Đảng thì mọi công dân VN đều có quyền yêu nước và đều có quyền tham gia xây dựng đất nước, trong đó có quyền được bầu chọn, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo.
Nước ta có khoảng 90 triệu dân, trong đó có khoảng 4 triệu đảng viên (một nửa trong số này là cán bộ, công chức đã về hưu). Đảng ta là Đảng trong lòng dân tộc, làm nòng cốt cho hệ thống chính trị, chứ không phải là Đảng đứng trên hay đứng ngoài dân tộc.
Chúng ta cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng không phải mọi nhân tài đều vào Đảng. Tôi biết có những trí thức học hành bài bản, có tài năng, đức độ, có lòng yêu nước, nhưng người ta không muốn tham gia tổ chức chính trị vì không muốn bị ràng buộc bởi nội quy của tổ chức đó, hoặc là vì những lý do khác.
Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng vận động, thuyết phục những người có tài ở ngoài Đảng đảm nhận trọng trách, phục vụ đất nước thì còn có lợi hơn là đảng viên, bởi sẽ giúp chúng ta củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dân tộc thì không của riêng đảng phái nào, tầng lớp nào, vì vậy những người tài năng, đức độ, hết lòng vì nước vì dân phải được trọng dụng.
Trưởng ban thường trực Quốc hội đầu tiên là cụ Nguyễn Văn Tố, kế đến là cụ Bùi Bằng Đoàn, đều không phải là đảng viên cộng sản. Ở Sài Gòn lúc ấy, đứng đầu bộ máy hành chính là GS Trần Văn Giàu, một đảng viên cộng sản.
Nhưng Đảng ta thấy rằng để một đồng chí xứ ủy giữ trọng trách đứng đầu chính quyền trong bối cảnh đất nước vừa giành được chính quyền thì không có lợi, vì vậy đã ra sức vận động luật sư Phạm Văn Bạch - một trí thức học ở nước ngoài về - giữ chức chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ. Sau này ông Phạm Văn Bạch giữ chức chánh án TAND tối cao suốt 21 năm.
Tôi rất tâm đắc với tư tưởng của Bác Hồ là đất nước cần phải sử dụng người tài đức, không phân biệt người tài đức ấy thuộc tầng lớp, giai cấp, xuất thân như thế nào. Cho nên việc TP.HCM bổ nhiệm một người ngoài Đảng không phải là việc làm mới, mà là trở lại với tư tưởng của Bác Hồ mà thôi.
Ông Phan Minh Tánh (nguyên ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên trưởng Ban Dân vận trung ương):
Trọng dụng người tài ngoài đảng: Tạo cảm hứng cho cuộc sống
Dụng người tài 
đừng định kiến về quan điểm
Chuyện TP.HCM bổ nhiệm người ngoài Đảng vào vị trí quản lý vừa rồi là rất tốt, rất đáng hoan nghênh và phát huy. Nếu như đây là lần đầu tiên thì phải nói là hơi muộn, đáng ra phải làm từ rất lâu rồi.
Đã từng làm công tác tổ chức, tôi rất thấm thía chuyện sử dụng nhân tài, phát huy khả năng của một con người lại phụ thuộc vào những quan điểm, định kiến lúc thì lạc hậu, lúc lại hẹp hòi. Có những trường hợp chúng tôi muốn đề cử, bổ nhiệm thì vướng cơ cấu, vướng lý lịch, vướng đảng tịch...
Đề xuất mấy lần không được, cơ hội để người ấy phát huy hết khả năng của mình mất đi, cơ hội của tổ chức có một người giỏi, tốt, có khát vọng cống hiến cũng mất đi. Thiệt thòi cho cả hai phía, tiếc lắm. Bộ máy chính quyền phải là chỗ của những người có năng lực, tâm huyết. Thêm được một người là chúng ta có thêm niềm tin, thêm sức bật để phát triển.
Con người là vốn quý nhất. Con người làm nên lịch sử, làm nên sự nghiệp. Đừng quên khi Chính phủ của chúng ta thành lập năm 1945, có hơn nửa Quốc hội là người ngoài Đảng, nhiều lãnh đạo Chính phủ, bộ trưởng cũng là người ngoài Đảng.
Sau này, do hoàn cảnh và đòi hỏi của chiến tranh, chữ “dân chủ” không phát huy được đầy đủ ý nghĩa nữa. Giờ là hòa bình, là lúc bước lên xa lộ phát triển, cần phải quay lại với những quan điểm đúng đắn để thu hút người tài. Tôi biết sửa quan điểm là việc rất khó nhưng không phải không làm được. Mong có thêm nhiều nhà quản lý, lãnh đạo có tâm - tài, được người dân công nhận và tin tưởng như TS Quang.
* TS Lê Minh Phiếu (giám đốc Công ty luật LMP):
Trọng dụng người tài ngoài đảng: Tạo cảm hứng cho cuộc sống
Cảm hứng cho cuộc sống
Điều đầu tiên mà tôi nghĩ tới khi nghe câu chuyện của anh Lê Nguyễn Minh Quang là mong sao đây sẽ không phải là một câu chuyện hiếm hoi hay một trường hợp cá biệt. Tôi mong anh Quang sẽ thành công để có thêm sự khích lệ cho những người trẻ đang đứng ngoài Đảng và cả khích lệ cho những người làm công tác nhân sự trong bộ máy nhà nước.
Việc bổ nhiệm những người ngoài Đảng vào các vị trí quản lý trong bộ máy nhà nước sẽ tạo cơ hội cho Nhà nước có nhiều hiền tài hơn, tạo thêm nhiều sự lựa chọn hơn trong việc cơ cấu, bổ nhiệm. Từ đó, các cơ quan nhà nước sẽ có thêm cơ hội có được người có tài, có tâm làm lãnh đạo và từ đó hoạt động 
tốt hơn.
Rất nhiều những người làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân không phải là đảng viên. Nếu bỏ tiêu chí đảng viên thì việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức và viên chức có thể tiếp cận được những đối tượng này. Họ có điểm mạnh là năng động, nhạy bén, có kinh nghiệm về thực tiễn kinh doanh. Nếu có được họ, bộ máy nhà nước chắc chắn sẽ khởi sắc hơn.
Câu chuyện của anh Quang mang cho chúng tôi, những người không làm việc trong bộ máy nhà nước, ít nhiều cảm hứng. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi câu chuyện của anh cùng với rất nhiều mối quan tâm khác về đất nước mình.


http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160703/trong-dung-nguoi-tai-ngoai-dang-tao-cam-hung-cho-cuoc-song/1130245.html





0.




14:47 | 30/08/2015


“Thành công của Cách mạng tháng Tám không thể có nếu “Chính phủ Hồ Chí Minh” không biết trọng dụng nhân tài và sử dụng nhân tài, đặc biệt là tầng lớp trí thức”, PGS.TS Vũ Trọng Khải nhận định. 

 

Thành lập Việt Minh: Không chỉ hóa giải mũi tấn công của kẻ thù 
Bối cảnh nước ta trước Cách mạng tháng Tám vô cùng rối ren, phức tạp. Nhật đảo chính Pháp, nhân dân ta bị “một cổ hai tròng”. Tiếp theo là quân Tàu Tưởng của tướng Lư Hán kéo vào miền Bắc, Quốc dân Đảng nổi lên. Các đảng phái chính trị khác cũng xuất hiện, ra sức hoạt động, tranh thủ lôi kéo thanh niên, quần chúng. Dựa vào hậu thuẫn của lực lượng Tàu Tưởng, nhóm Việt Cách, Việt Quốc của Quốc dân Đảng chĩa thẳng mũi dùi tấn công vào Đảng Cộng Sản Đông Dương và “Cụ Hồ”.  
Trước tình hình đó, để hóa giải sự tấn công của kẻ thù, Bác tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương và thành lập Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh là “kế sách” tập hợp các lực lượng không phải là Cộng sản, đặc biệt là tầng lớp trí thức, thân phú hào.   
Thành công của Cách mạng tháng Tám không thể được phát huy, nếu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (lúc đó hay gọi là Chính phủ Hồ Chí Minh) không biết trọng dụng nhân tài. Lúc đó, hầu hết là các trí thức yêu nước trong nội các Chính phủ Trần Trọng Kim đã chuyển sang Chính phủ Hồ Chí Minh.  
Luật sư Phan Anh là Bộ trưởng Bộ Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim sang làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và sau đó, cho đến khi mất, làm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương. Luật sư Vũ Trọng Khánh là Thị trưởng Hải Phòng sang làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước ta. Học giả Hoàng Xuân Hãn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ Trần Trọng Kim sang tham gia Chính phủ Hồ Chí Minh, là thành viên trong đoàn đàm phán của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Đà Lạt năm 1946…      
Trường hợp ông Nguyễn Văn Huyên là trí thức không đảng phái, theo lời hiệu triệu của Bác Hồ, đã tham gia Chính phủ Hồ Chí Minh, làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (tiền thân của Bộ Giáo dục)  từ 1946 cho đến khi mất (tháng 10/1975). Ông là người giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục lâu nhất cho tới nay. 
Đối với Luật sư Vũ Trọng Khánh, đứng trước thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc, ông cùng nhiều trí thức lúc ấy đã nghe theo tiếng hiệu triệu của Bác, sẵn sàng xả thân vì Cách mạng. Trước ngày Tổng khởi nghĩa giành Chính quyền, mặc dù chưa có chỉ đạo trực tiếp, ông đã tự giác thể hiện trách nhiệm của mình “làm gì có lợi cho Mặt trận Việt Minh thì làm”. Ông nhận chức Thị trưởng Hải Phòng với “dụng tâm giúp Cách mạng, bảo vệ Việt Minh” (Hồi ký của Luật sư Vũ Trọng Khánh).  
Trên cương vị thị trưởng, ông đã cho chiếm lĩnh ngân hàng và các công sở của Pháp, cử người Việt Nam chỉ huy; ra lệnh cảnh sát thả nhóm Việt Minh thả truyền đơn bị bắt, không cho Pháp quay trở lại đổ bộ lên Hải Phòng…
PGS.TS Vũ Trọng Khải, con trai luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nói: “Việc thành lập mặt trận Việt – Minh là biện pháp thu phục nhân tài. Đây không chỉ là tầm nhìn sắc sảo của Bác mà còn là biện pháp vô cùng hiệu quả của một thiên tài”. 
nhân tài, Bác Hồ, bộ trưởng, Vũ Trọng Khánh, Việt Minh, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn
Nhiều danh sĩ, trí thức đương thời tích cực tham gia hoạt động chính sự do sức hút của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu/ Đại đoàn kết
“Các chú ở ngoài Đảng có lợi cho Cách mạng hơn”
Không những biết quy tụ nhân tài phục vụ Cách mạng, phục vụ kháng chiến, Bác Hồ còn là người biết đặt họ “đúng nơi đúng chỗ” để phát huy sở trường, năng lực của họ trong hoàn cảnh đất nước đang “thù trong giặc ngoài”…
Rất nhiều trí thức đến với Việt Minh nhưng chưa biết gì về Cộng sản. Sau một thời gian trong hàng ngũ Cách mạng, họ đã có nguyện vọng trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản. Nhưng vì lợi ích chung, có những trường hợp, Bác Hồ đã… không cho vào!
Hồi ký của cụ Vũ Trọng Khánh kể lại: “Ngày 19/3/1957, tôi làm đơn xin gia nhập Đảng Lao động Việt Nam. Sau khi thỉnh thị Trung ương, đồng chí Bí thư Thành ủy Hoàng Hữu Nhân (TP. Hải Phòng) cho biết ý kiến Hồ Chủ Tịch là Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Trọng Khánh để ở ngoài Đảng có lợi cho cách mạng hơn”. 
Sau này, nhiều người kể lại, Bác đã suy nghĩ rất kỹ trước khi có ý kiến chính thức.
Cụ Khánh có kể lại tình huống xảy ra trước Cách mạng tháng Tám, khi ông rơi vào tình trạng rất khó xử: “Một hôm, một sĩ quan hậu cần Nhật đeo gươm vào gặp Thị trưởng đòi thanh toán hợp đồng đóng phà quân sự cho Pháp, tôi viện luật bác bỏ. Tên phiên dịch người Nhật nói: “Ông Khánh không yêu người Pháp cũng không thích người Nhật”!  Về sau mật thám Nhật bắn tin cho tôi: “Ông bị nghi là người của Việt Minh!”.
“Trong khi đó một số dư luận lại coi tôi là thân Nhật! Tôi cảm thấy hai mũi dao chĩa vào mình trong tình thế mọi việc đều tiến hành bí mật, không có chỗ nào để thanh minh. Lúc đó tôi chẳng có tổ chức nào bảo vệ an toàn cho cá nhân thị trưởng”.
“Vị trí của anh là ở Sài Gòn”
Niềm tin tuyệt đối vào Cách mạng tháng Tám, vào “Chính phủ Hồ Chí Minh” là động lực thôi thúc giới trí thức tinh hoa theo Bác tới cùng, sẵn sàng dấn thân cống hiến cho Cách mạng ở nhiều vị trí khác nhau. Luật sư Trịnh Đình Thảo, cậu ruột của PGS.TS Vũ Trọng Khải,  Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Trần Trọng Kim đi theo Bác Hồ, sau này hoạt động trong nội thành Sài Gòn là điển hình như vậy.
Sau khi Pháp trở lại xâm lược nước ta lần nữa, nền độc lập non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải bước vào cuộc kháng chiến. Luật sư Trịnh Đình Thảo đã lặn lội vào tận căn cứ kháng chiến Nam Bộ gặp Bí thư xứ ủy Lê Duẩn để tham gia đóng góp. Bí thư Lê Duẩn nói: “Vị trí của anh là phải ở Sài Gòn”.
Luật sư Thảo đã trở ra Sài Gòn, thành lập Văn phòng Luật sư. Dựa vào nghề nghiệp, khả năng và uy tín của mình, ông đã có nhiều đóng góp trên mặt trận không tiếng súng. Những chiến sĩ Cách mạng bị bắt ra tòa án thực dân đều được ông bào chữa, giúp đỡ tận tình. Bằng các mối quan hệ, ông âm thầm giúp đỡ, tiếp thêm nghị lực sức mạnh cho các chiến sĩ trong nhà tù, trại giam thực dân. Ông đã âm thầm hoạt động Cách mạng trong lòng địch như vậy.
Sau cuộc chiến Mậu Thân, luật sư Thảo bước vào giai đoạn đấu tranh mới, làm Chủ tịch Mặt trận Liên minh Dân chủ và Hòa bình, quy tụ nhiều trí thức nổi tiếng ở miền Nam như bà Dương Quỳnh Hoa, Nguyễn Văn Hảo…    
PGS.TS Vũ Trọng Khải nhận định: “Thành công của Cách mạng tháng Tám không thể có nếu “Chính phủ Hồ Chí Minh” không biết trọng dụng nhân tài và sử dụng nhân tài, đặc biệt là tầng lớp trí thức”. Bởi hơn ai hết, tầng lớp trí thức là tinh hoa, có khả năng thiết lập nền tảng ban đầu của một nhà nước non trẻ, xử lý và giải quyết những công việc mà không phải ai cũng làm được. Chính vì vậy mà Nhà nước VNDCCH mới ra đời đã xây dựng được nền móng vững chắc, có Hiến pháp năm 1946, có những đạo luật, sắc lệnh hiện đại…, sau đó là hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.    
Bài học thu hút và sử dụng người tài của Bác Hồ cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.  Trong giai đoạn đầu sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta đã mạnh dạn sử dụng những quan chức của chế độ cũ như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh, hay trí thức của chế độ Sài Gòn như Nhóm Thứ Sáu. Ông và nhiều nhà trí thức khác đã đóng góp rất nhiều vào việc cải cách các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đầu tư nước ngoài…  
Khi còn sống, nhà báo Hữu Thọ, người từng nhiều năm làm Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa trung ương, trợ lý Tổng Bí thư, từng chỉ ra: “Không phải cứ đảng viên mới giữ được trọng trách. Nhân tài ngoài Đảng phải đốt đuốc mà tìm, trân trọng mà mời chứ đừng hy vọng hô hào là họ sẽ tự ra đâu. Họ có nhân cách và có nhiều việc để làm. Hãy hiểu, nhân sĩ, trí thức bên ngoài khi nhận lời mời của Đảng tức là đã hy sinh một phần đam mê riêng của mình”
Duy Chiến
vietnam.ne


http://tamnhin.net/nhan-tai-ngoai-dang-phai-dot-duoc-ma-tim-48696.html











1 nhận xét:

  1. 3.

    Bộ Nội vụ thi tuyển vụ phó: Người ngoài Đảng có cơ hội
    31/10/2017 03:05 GMT+7

    - Người ngoài Đảng, ngoài quy hoạch vẫn có cơ hội thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo cấp vụ của Bộ Nội vụ nếu được Bộ đề cử.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.