Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

01/06/2017

Đầu hè 2017, tới viếng đền thầy Chu ở Chí Linh

Thầy Chu, tức Chu tiên sinh, Chu Văn Trinh. Thầy được hậu thế quen gọi là Chu Văn An. Một nhà giáo được đưa vào phối thờ trong Văn Miếu.

Chí Linh là vùng địa linh nhân kiệt, có rất nhiều danh nhân và di tích liên quan. Khu vực có ngôi đền thờ thầy Chu, còn có đền thờ nữ tiến sĩ thời Mạc ở Cao Bằng là Nguyễn Thị Duệ, tức bà chúa Sao Sa. Địa danh hành chính hiện thời là xã Văn An huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.

Lần này, chúng tôi tới Chí Linh vào cuối tháng 5 năm 2017. Ngó lại một chút, thì đúng vào cuối tháng 5 năm 2012, tôi cũng đã ghé nơi đây, vậy là đã 5 năm trôi qua. Dĩ nhiên, từ tháng 5 năm 2012 đến tháng 5 năm 2017, thì đã đi và về giữa Hà Nội - Chí Linh/Sao Đỏ không biết bao nhiêu lần.

1. Vẫn là quốc lộ 18, con đường dẫn lên Chí Linh/Sao Đỏ, nhưng lần này, hơi lạ là chúng tôi bị lạc một đoạn. Đó là chuyện lúc đi từ Hà Nội lên. Nhầm một chút ở đoạn rẽ, nên xe chạy về phía Nội Bài độ vài cây. Để quay ngược lại, tức quay trở lại hướng đi về Chí Linh, phải mua đường mất tới khoảng 20 cây (đi khoảng 10 cây mới có chỗ rẽ để quay lại, rồi lại mất khoảng 10 cây để về chỗ cũ) ! Với cái nhìn "di sản", thì việc nhầm đường, nhiều khi cũng trở thành một thứ "di sản" đấy !

2. Chúng tôi lên đền viếng thầy Chu đúng vào sáng ngày Thiếu nhi Quốc tế, tức 1/6/2017.

3. Dãy núi Phượng Sơn ở huyện Chí Linh ngày nay vốn là nơi mà thầy Chu đã lui về ở ẩn. Mà không phải quê của thầy.

Quê của thầy thì là ở vùng phía nam Hà Nội ngày nay. Mà năm ngoái, năm 2016, tôi đã có dịp ghé thăm (ở đây, tháng 3/2016). Khi thăm ngôi đền thờ thầy Chu ở chính quê thầy thì phát hiện thêm một chút ít tư liệu liên quan đến danh tăng Thích Thanh Hanh cùng mộc bản Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang), và nhân vật Trần Tán Bình (đầu thế kỉ 20).

4. Ngôi đền thờ thầy có tên chính thức là Phượng Sơn linh từ - có nghĩa "đền thiêng núi Phượng Sơn".

Đại khái, tới viếng ngài, ta cần đi qua các bước sau, từ chân núi lên đến đỉnh núi:

- Qua cửa thường trực, mua vé vào di tích. Đây là khu vực chân núi Phượng Sơn.

- Tới viếng ngôi đền trình ở cách cửa thường trực không xa. Đền trình được ghi là Lưu Quang điện. Trong đó, ở chính gian thờ giữa có một bức tượng thầy Chu.

- Đi theo các bậc cầu thang, để lên Phượng Sơn linh từ. Ngôi đền chính này nằm ở lưng chừng núi. Hậu cung của ngôi đền có một bức tượng thầy Chu. Bức tượng này khác với bức tượng ở đền trình.

- Sau khi viếng thầy ở Phượng Sơn linh từ, ta có thể theo các bậc cầu thang đá cộng xi măng với chiều dài khoảng 600m, để lên tới đỉnh núi. Trên đỉnh núi đó có mộ của thầy. Hiện đã được xây dựng rất khang trang. Các bậc cầu thang dẫn lên mộ được hoàn bị, rất chắc chắn.

5. Có rất nhiều đoàn học sinh tới viếng thầy Chu vào buổi sáng ngày 1/6/2017. Họ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Có đoàn do nhà trường tự tổ chức lấy, có đoàn là qua công ti du lịch.

Lúc mình từ trên đỉnh núi trở xuống, còn đứng ở bên cạnh Phương Sơn linh từ để nghỉ, thì một đoàn từ một trường trung học ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) tới.

Hướng dẫn viên của nhà đền ở Phượng Sơn linh từ là một cán bộ của ngành văn hóa thị xã Chí Linh có quen biết với chúng tôi. Điện mất một lúc, rồi đúng khi đoàn Hữu Lũng tới thì có trở lại.

(entry tạm chưa đưa ảnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.