Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/10/2016

Hà Nội thời tạm chiếm 1947-1954 : thông tin tọa đàm của Hội Nhà văn

Một khoảng trống về tư liệu, của chuyên ngành mình.

Đã khởi bút về một chủ đề hẹp của thời kì này, nhưng dây dưa mãi chưa xong, bởi thiếu tư liệu.

Hôm nay, thấy thông tin liên quan, mà do Hội Nhà văn tổ chức.

Lấy nguyên về từ blog Vũ Nho.

Sau bài Vũ Nho là một số cập nhật từ báo chí.


---



THỨ SÁU, NGÀY 07 THÁNG 10 NĂM 2016





Sáng 6-10 năm 2016, tại  trụ sở Hội nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội đã diễn ra tọa đàm về một thời kì văn học của thành phố Hà Nội do CLB văn chương tổ chức. Đến dự có nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ( Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam) và các cây bút Hà Nội thời đó như Lê Văn Ba, Vân Long, Dương Tuyết Lan,...các nhân chứng, và đông đảo thành viên Câu Lạc Bộ Văn Chương của Hội nhà văn Việt Nam, các cơ quan báo chí  của Hà Nội và Trung ương. Khách dự còn có PGS TS Hạ Lộ từ Trung Quốc sang công tác ở Việt Nam.  Ghi lại mấy hình ảnh.



 Nhà thơ Đỗ Hàn, Ban chủ nhiệm CLB giới thiệu chương trình. Hàng đầu trái qua : Nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Lê Văn Ba, PGS TS Hạ Lộ


                                 Một phần hội trường
                                    Nhà thơ Vũ Quần Phương đề dẫn
                                    Nhà văn Lê Văn Ba giới thiệu những người viết và nhân chứng
                             Anh Dương Tự Minh nhớ lại thời đó
                               Nhà thơ Vân Long, cây bút trẻ thời đó nói về thơ
                                      Nhà thơ Dương Tuyết Lan phát biểu
                             Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh phát biểu
                     Nhà văn Lê Hoài Nguyên ( Thái Kế Toại) phát biểu



                                              Một vài hình ảnh tác giả và tác phẩm thời 1947 -1954



http://vunhonb.blogspot.com/2016/10/toa-am-van-chuong-ha-noi-trong-thoi-ki.html






---


TƯ LIỆU

.

.


3.

 06/10/2016 13:51

Tọa đàm về văn học Hà Nội thời kỳ 1947-1954

QĐND Online - Sáng 10-6, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Nhận diện thành tựu văn chương 1947-1954 trong Hà Nội tạm chiếm”. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2016).


Văn chương Hà Nội thời kỳ này tuy bị thực dân Pháp kìm kẹp, kiểm duyệt gắt gao, nhưng vẫn có sự phát triển nhất định. Xuất hiện thêm nhiều cây bút trẻ mà sau này còn đóng góp lâu dài cho văn học nước nhà như: Ngọc Giao, Giang Quân, Lê Văn Ba, Băng Hồ, Nguyễn Cát Ngạc...
 Quang cảnh buổi tọa đàm.


Các đại biểu tham dự tọa đàm đánh giá, các tác phẩm được viết ở thời kỳ thực dân Pháp tạm chiếm Hà Nội vẫn giữ được lòng yêu nước, giá trị nhân văn, tính dân tộc sâu sắc, góp phần gìn giữ đạo đức, bảo vệ truyền thống dân tộc nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng. Đặc biệt, dù thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn đã thẳng tay bóp nghẹt văn học tiến bộ song các nhà văn ở vùng sau lưng địch vẫn tìm mọi cách lách qua “lưỡi kéo” kiểm duyệt để phát hành những tác phẩm “ngầm” bồi dưỡng ý chí quật cường cho nhân dân bền lòng tin tưởng cuộc kháng chiến chống Pháp nhất định sẽ thành công.

Sở dĩ dù sống và sáng tác trong lòng địch, nhưng văn chương Hà Nội vẫn thuộc dòng tiến bộ, cách mạng. Đa số văn nghệ sĩ đều là những người yêu nước, có ý chí tự tôn dân tộc. Mặt khác, Thành ủy Hà Nội thời kỳ ấy thường xuyên cử cán bộ vận động trí thức, văn nghệ sĩ sống tại Hà Nội tạm chiếm ủng hộ cách mạng; định hướng để các văn nghệ sĩ viết các tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau, dưới hình thức bí mật và cả công khai.

Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức các hội thảo, tổ chức sưu tầm và in ấn lại các tác phẩm văn chương 1947-1954 trong Hà Nội tạm chiếm. Từ đó, để hậu thế biết thêm thời kỳ Thủ đô có nhiều tác phẩm văn học giá trị.

Tin, ảnh: HOÀNG HOÀNG

http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/toa-dam-ve-van-hoc-ha-noi-thoi-ky-1947-1954-489456





2. Ghi chép của nhà văn Viên Linh



Đã đăng trên Giao Blog năm 2015:

Hà Nội và một thời văn học 'dinh tê' (bài Viên Linh)





Một bài khác của Viên Linh:


Báo chí vùng tề (1947-1954) - Viên Linh

25 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 8072)
Báo chí vùng tề (1947-1954) 


 Các hồi ký về nghề báo Việt ngữ cho tới nay không có nhiều, mà nếu có, lại cũng do các nhà văn viết, như “41 Năm Làm Báo” của Hồ Hữu Tường, “40 Năm Nói Láo” của Vũ Bằng - mà đã nói láo, dù là nghịch ngợm, hay trâng tráo, đùa giỡn với các tiếng lóng - xét ra ta nên loại bỏ.


Từ khi ra hải ngoại, nhà văn Thanh Nam viết “20 Năm Viết Văn Làm Báo ở Sài Gòn (đăng trên Thời Tập 1978, sau này đăng lại trên Văn), song dở dang, vì tác giả lâm trọng bệnh, mất năm 1988 khi chưa tới tuổi 60. Hẳn cũng còn đâu đó các bài trên các tờ báo, hay từng bài trong vài cuốn sách, như của các ký giả Nguyễn Ang Ca, Hồ Văn Đồng, nhà văn nhà báo An Khê,... Khoảng hai mươi năm trước đây, lão ký giả Trần Bình của Tuần báo Đời Mới [hiện diện khoảng những năm 50 với chủ nhiệm Trần Văn Ân], đã ưu ái gửi cho người viết bài này từng đoạn của một bài viết theo kiểu nhớ đâu viết đó, nhất là về giai đoạn cụ Trần Văn Ân chấp chánh, vì tế nhị, đã nhờ bạn thay mình làm quyền chủ nhiệm Đời Mới một thời gian. Do đó ký giả Trần Bình đã kể lại một số chuyện, một số nhân sự, trong sinh hoạt báo chí ở Miền Nam. Nhờ đó, tài liệu có nhiều hơn để kê cứu.


blank

Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên (1926-2008), một trong những nhà văn, nhà báo của thời báo chí văn thơ Vùng Tề, Hà Nội (1947-1954). (Hình từ sách của Nguyễn Thạch Kiên)


Còn về sinh hoạt báo chí ở Miền Bắc, chúng ta hoàn toàn không biết, trừ một giai đoạn ngắn thời Nhân Văn-Giai Phẩm, qua các bài viết của tác giả Mặc Địch, Hoàng Văn Chí. Gần đây, chỉ mới 3 năm nay, nhà văn Ngọc Giao, kẹt lại Hà Nội sau 1954, cho xuất bản “Quan Làm Báo,” song lại viết về giai đoạn tiền chiến, khoảng 1943, 1944. Riêng tôi may mắn thay, có một số tài liệu anh em trong làng gửi cho, trong đó có nhà văn Nguyễn Thạch Kiên viết về ký giả Vũ Ngọc Các, chủ nhiệm chủ bút tờ Dân Chủ ở Sài Gòn khoảng 1955-1957. Thực ra tôi yêu cầu anh viết về Vũ Ngọc Các, vì bản thân có một vài kỷ niệm dính dáng tới tờ nhật báo này, không ngờ ký giả Vũ Ngọc Các đã hoạt động đảng phái, làm báo đảng phái từ hồi chiến tranh Pháp Việt, 1946, do đó mà ký giả Nguyễn Thạch Kiên đã kể ngược thời giai đoạn ở Hà Nội trước 1954 ngược lên tới 1947. Trong nghề chơi sách cũ, cụ Vương Hồng Sển có nói tới chuyện “sách tìm người,” trong nghề báo, tôi cũng có niềm tin tương tự: tin xưa kiếm người cũ!



Cảnh làm báo ở Nam Cali hồi 1975-1980 của các ký-lỡ hải ngoại, theo tôi, nếu đem so với cảnh làm báo của Hà Nội hồi 1947-1950, là so sánh thiên đường với địa ngục. Ký giả Nguyễn Thạch Kiên viết:


“Giữa cảnh điêu tàn đổ vỡ [của Hà Nội hai tháng sau ngày Hà Nội đánh Pháp 19.12.1946], nhà in đổ nát, thiếu chữ, thiếu thợ, kỹ sư Nghiêm Xuân Thiện và nhóm đồng chí của học giả Nhượng Tống đến nhà in Ngày Nay (cũng là tòa soạn nhật báo Việt Nam và tuần báo Chính Nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng) ở 80 phố Quan Thánh, nhặt nhạnh được một mớ chữ. Kế đến các nhà in ở phố Hàng Điếu, Hàng Bông, bới trong các đống gạch ngói, tường đổ, tìm thêm được mấy mớ chữ nữa.”

[Những con chữ a, b, c đúc bằng kẽm, vuông vắn dài 2 cm, một đầu là mặt chữ, ví dụ muốn có chữ Saigon, người thợ in phải kiếm chữ S ở hộc chữ S, chữ a ở hộc chữ a, chữ i ở hộc chữ i, xếp 3 con chữ bằng kẽm ấy ở trên lòng bàn tay trái, rồi tiếp tục xếp chữ gon để thành chữ Saigon... Mỗi thợ xếp chữ có một kệ chữ trong có 24 hộc, 24 chữ cái là 24 hộc, không kể 24 hộc chữ hoa, 24 hộc chữ thường, và các hộc dấu sắc huyền hỏi ngã nặng, mỗi dấu một hộc nữa. Mỗi hộc chỉ bằng hộp quẹt nhỏ. Học ít ngày cũng có thể nhớ hộc chữ a ở chỗ nào, chữ b ở chỗ nào... Xếp xong một câu thì kiếm dấu phẩy hay dấu chấm, cũng bằng kẽm, xếp vào cuối câu, vài câu đầy một khuôn, là có khoảng hai ba chục chữ, buộc xung quanh cho chúng khỏi rời ra. Khuôn bằng gỗ. Cứ thế, một trang sách thành một khuôn, một trang báo gồm nhiều khuôn xếp gần nhau. Muốn có 4 trang báo in ra, cần khoảng 15 người thợ xếp chữ trong non một ngày, sau khi có khuôn tờ báo, đặt lên bàn gỗ của máy in, tùy theo lớn nhỏ, lớn thì in được hai trang một lần, in 1000 tờ tốn khoảng 4 tiếng đồng hồ nữa. 

Nếu lỡ đánh rớt khuôn chữ xuống đất, các con chữ tung tóe rơi ra, thì kể như không bao giờ làm nghề in được, ráng chạy cho kịp ra khỏi nhà in cho toàn mạng. Khi báo in xong, người thợ xếp chữ phải mất từng ấy giờ để tháo chữ ra, trả chữ a về hộc chữ a, trả chữ s về hộc chữ s, cứ thế, cứ thế mà trả chữ về chỗ cũ, đặng ngày mai làm nữa, cho tờ báo hôm sau.]

Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên viết tiếp: “Thế là tờ ‘Actualités’ (Thời Sự) bản Pháp văn và tờ Trật Tự bản tiếng Việt, khuôn khổ hơi nhỏ, ra đời. Sau đó vài tháng, nhật báo Trật Tự đổi tên thành nhật báo Thời Sự và từ 2 trang khổ nhỏ lên 4 trang khổ lớn, của một tờ báo lớn. Công lao ấy thật sự là nhờ các anh Xích Diện, Thế Hưng (của nhóm anh Nhượng Tống) giúp đỡ, về phần kỹ thuật và chuyên nghiệp, mới hoàn thành tốt đẹp. Vì ngoài phần “xếp chữ” còn vấn đề in ấn. Điện yếu, máy không chịu chạy, nhiều phen các anh ấy phải quay máy bằng tay cho... máy chạy! Chạy (quay) suốt đêm. Để sáng mới có báo bán và gửi cho các cơ quan liên hệ. Chính ông chủ nhiệm kỹ sư Nghiêm Xuân Thiện và ông bỉnh bút nổi danh Trần Trung Dung (ký tên Vương Quốc Thái dưới các bài bình luận), nhiều đêm phải làm thợ in để cho ngày mai có báo.”

Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên sinh năm 1926, năm Hà Nội nổ súng đánh Pháp anh vừa tròn 20 tuổi. Như nhiều thanh niên hồi đó, đã tham dự việc chống Pháp, người ta có thể dễ dàng bước vào các hoạt động tranh đấu chính trị, kể cả gia nhập các đảng phái cách mạng. Anh tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng, nghiêng dần về sinh hoạt tuyên truyền, báo chí. Anh còn làm thơ, viết văn. Năm 1949, tác phẩm “Hương Lan” của Nguyễn Thạch Kiên được trao giải văn chương của nhà xuất bản Tân Việt; năm 1954, tác phẩm “Mùa Hoa Phượng” của anh được giải của Tinh Việt Văn Đoàn. Hoạt động với anh ở hải ngoại, trong các câu chuyện, anh thường nhắc tới hai người, hai bậc đàn anh vừa trong tranh đấu vừa trong văn chương, là thi sĩ học giả Nhượng Tống, một đầu não của Việt Nam Quốc Dân Đảng, hoạt động sáp cánh với Đảng trưởng Nguyễn Thái Học, một người văn thơ đều hay, sở kiến uyên bác, từng dịch ra Việt ngữ các danh phẩm lịch sử, như Nam Hoa Kinh, hay viết tiểu thuyết “Lan và Hữu,” bị ám sát chết ngay trên đường phố Hà Nội khoảng 1947-49; và người kia là nhà văn nòng cốt của Tự Lực Văn Đoàn: Khái Hưng, người bị cộng sản dìm chết trong một khúc sông ở Nam Định, cuối năm 1947. Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên thuộc lớp đàn em của hai ông trong tranh đấu cũng như trong sinh hoạt báo chí, nhờ đó anh biết nhiều về báo chí Hà Nội trong những năm 1947-1954.

“Thành phố Hà Nội, ngoài tờ Thời Sự, [...]còn tờ Ngày Mới do ông Ngô Quân đứng tên chủ nhiệm. Hai năm sau đổi tên thành Tia Sáng và là tờ báo lớn - nhờ có những trang Rao Vặt để thừa tiền nuôi sống người chủ trương và ban biên tập. 

[...] Về phía tuần báo có tờ Cải Tạo do ông Phạm Văn Thụ chủ nhiệm, và ông Đào Trinh Nhất làm chủ bút. Tờ Giác Ngộ của ông Nguyễn Cảnh Long, tờ Thanh Niên của nhóm anh em Đại Việt, tờ Hồ Gươm của Bác Sĩ Bùi Cẩm Chương và tờ Ngày Xanh của họa sĩ Lê Văn Đệ.” Tuy lúc ấy còn nhỏ, người viết bài này cũng vẫn nhớ một vài mục đặc biệt trên các báo, như “Tiếng Dân Kêu,” “Chiếu Trên Chiếu Dưới,” và cũng quen biết vài cây bút trong các tờ Cải Tạo, Tia Sáng, Hồ Gươm, nhất là về phía các tạp chí văn học, như Thế Kỷ, Phổ Thông, Sinh Lực,... Một thời xa xưa đã qua hẳn.



Viên Linh
(từ báo NV)

http://www.banvannghe.com/a3715/bao-chi-vung-te-1947-1954-vien-linh






1.


VOV.VN - Văn chương Hà Nội thời tạm chiếm là một “gia tài” đáng kể với hàng nghìn tác phẩm báo chí, bút ký, phóng sự; hàng trăm truyện ngắn, tiểu thuyết…

Những năm thành phố Hà Nội tạm bị quân Pháp chiếm đóng, văn hóa yêu nước tiến bộ vẫn phát triển với những nét riêng bên cạnh nền văn học kháng chiến chủ đạo của dân tộc. Giới trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước ở thủ đô, bằng mọi hoạt động và sự sáng tạo đã thể hiện sâu sắc tinh thần đó.
Văn học nghệ thuật và hoạt động của các văn nghệ sĩ trong những năm Hà Nội bị tạm chiếm (1947-1954) chịu sự kìm kẹp, kiểm duyệt chặt chẽ của thực dân Pháp. Bất cứ lúc nào sở mật thám có thể sộc tới khám xét, tra hỏi, ra lệnh đóng cửa tòa soạn, tịch thu xuất bản phẩm. Do vậy, những tờ báo bí mật như Cứu quốc thủ đô, Tiên phong, Hồ Gươm, Lao động, Nhựa sống… phải lưu hành bí mật.
nhin lai van chuong ha noi thoi tam chiem hinh 0
Tờ "Tiểu thuyết thứ 7" có đăng các tác phẩm thơ, văn của những cây bút tên tuổi như Hoàng Cầm, Sơn Tùng, Vũ Bằng...
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội thông qua các cán bộ trí thức vận, các đoàn thể cách mạng vẫn tiếp tục hoạt động bí mật trong nội thành và vận động quần chúng theo kháng chiến. Tiêu biểu như tờ Nhựa sống có nhiều bài hô hào thanh niên học sinh chống giặc bắt lính, phê phán văn hóa trụy lạc, tranh châm biếm, thơ đả kích chế độ tay sai thực dân…
Ngoài báo, truyền đơn, “Nhựa sống” còn cho ra mắt nhiều tác phẩm văn nghệ kháng chiến như “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi, ký sự “Thắng từ biên giới” của Nguyễn Huy Tưởng. Những tờ báo bí mật này có tuổi thọ không dài vì cán bộ biên tập liên tục bị mật thám vây bắt, cơ sở in ấn tan vỡ. Người đọc báo cũng luôn đối diện với nạn bắt bớ, tra tấn dã man.
Nhà thơ Lê Văn Ba nhớ lại: “Nhiều văn nghệ sĩ đã vài lần “chết hụt”. Ví dụ anh Lê Tám, vì làm báo Nhựa sống mà bị bắt, vào tù. Ra tù anh làm ngay một bài thơ “Cô đơn thay cảnh trong tù” đăng báo: “Cánh cửa đề lao khép lại rồi - Nắng chiều quấn lấy bước chân vui - Ba mươi sáu phố e còn hẹp - Ta thấy lòng ta vẫn ngậm ngùi”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, không chỉ những người con Hà Nội đi lên chiến khu Việt Bắc mới theo kháng chiến mà những người ở lại trong thành phố cũng luôn hướng về kháng chiến bằng những tác phẩm thơ, văn của mình. Đó là nhà thơ Giang Quân ở trong thành, lặng lẽ hoạt động, liên hệ với trí thức vận; Đó là ông Hoàng Xuân Hãn - chủ bút tờ báo của trí thức hướng về kháng chiến.
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhớ lại: “Trong phong trào văn nghệ này, rất nhiều người trưởng thành từ ngôi trường Chu Văn An. Tôi còn giữ ở nhà tập san “Tre xanh”, của những người học trò. Bây giờ nhìn thấy thì cảm thấy bình thường nhưng hồi đó tôi là học sinh cấp 2, được đọc tập san đó thì quý lắm. Có lẽ tôi đến với văn chương là từ chỗ đó. Hay là khi tôi đi xem kịch, không biết là của anh Giang Quân hay Hoàng Công Khanh nhưng tôi nhớ nhất câu: "Anh người Bắc anh phải yêu văn Bắc, tôi người Nam tôi phải quý văn Nam".
Thời tạm chiếm 8 năm là khoảng thời gian không dài nhưng đầy khó khăn. Nhìn lại văn chương Hà Nội giai đoạn này mới thấy đó thực sự là “gia tài” đáng kể. Hàng nghìn tác phẩm báo chí, bút ký, phóng sự ra đời phản ánh muôn mặt đời thường; hàng trăm truyện ngắn, tiểu thuyết in đậm dấu ấn một thời như: “Phượng ơi mùa dĩ vãng” (Băng Hồ), “Cánh hoa trước gió” (Nguyễn Minh Lang), Kịch thơ “Bến nước Ngũ Bồ” (Hoàng Công Khanh), “Con tôi về giữa mùa xuân” (Giang Quân)… Đó là những tác giả, tác phẩm vang bóng một thời.
nhin lai van chuong ha noi thoi tam chiem hinh 1
Nhà thơ Giang Quân hồi ấy ở trong thành hoạt động, có liên hệ với trí thức vận, hướng về kháng chiến
PGS TS Lưu Khánh Thơ- Viện Văn học Việt Nam cho biết: “Sau thời kì đổi mới, văn học thời tạm chiếm trở thành vấn đề được quan tâm và đòi hỏi có những đánh giá khách quan, công bằng. Gần đây, các tác phẩm được in lại khá nhiều. Tôi nghĩ việc nghiên cứu và giới thiệu đánh giá về giai đoạn văn học đó là rất cần thiết”.
Có những người bước ra từ cái “lò” văn chương của Hà Nội thời ấy để rồi sau này dành cả cuộc đời và tâm hồn của mình cho Hà Nội: Giang Quân với “Kí sự địa chí Hà Nội”, “Hà Nội trong ca dao tục ngữ”, “Từ điển đường phố Hà Nội”…; Nhà văn Băng Sơn với “Thú ăn chơi Hà Nội”, “Hương sắc bốn mùa”, “Nghìn năm còn lại”…; Lê Văn Ba với “Hà Nội một thời xa”, “Cây bàng lá đỏ”. Đặc biệt, từ một tập truyện “Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò”, nhà văn Lê Văn Ba đã phát triển thành bộ sách “Chiến sĩ cách mạng, nhà văn Việt Nam trong nhà tù thực dân đế quốc” với giá trị hiện thực, nhân văn sâu sắc./.
Phương Thúy/VOV-Trung tâm Tin



http://vov.vn/van-hoa/van-hoc/nhin-lai-van-chuong-ha-noi-thoi-tam-chiem-355574.vov


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.