Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/10/2016

Hà Nội ngày xưa chưa xa lắm : của những người sinh đầu thập niên 1970

Bài của Đào Phương Chi. Có nhiều chi tiết thú vị, về Hà Nội, của thời đầu thập niên 1980 và những năm đầu Đổi Mới.

Những người sinh ở nửa đầu thập niên 1970.

Cũng có nghĩa là những người hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh chống Mĩ (vì còn quá nhỏ), và chỉ cảm nhận không rõ ràng về cuộc chiến bảo vệ vùng biên giới phía bắc năm 1979 (chưa đủ lớn để hiểu rõ). Nhưng, cảm nhận rất rõ về thời kì đầu của Đổi Mới.

Bản thân tôi, thì nhớ rất rõ thời điểm mà loa phóng thanh phát tin cụ Lê Duẩn từ trần. Tôi đang đi xe đạp ở trên đường cái quan. Còn nhớ rõ hình mây nổi ra sao ở trên nền trời buổi chiều tà hôm ấy.

Đọc hồi ức của người cùng thời, hiểu thêm được về những khoảng chưa hiểu, chưa biết đến, của chính thời đó.

Bài lấy nguyên về từ Fb ĐPC (có phân đoạn và đánh dấu đậm ở vài chỗ cho dễ đọc). Hơi dài một chút, nhưng nên thế, vì có những chỗ cũng cần tỉ mẩn với kí ức.



---

"
Đào Phương Chi

Con nhớ bố vô cùng!

Chợt nhớ đến một bài viết đã lâu về ngày xưa, nhà xưa, nơi luôn vương hình bóng bố…

Như thông lệ, cứ vài tháng lại mất ngủ vô cớ một đêm. Dậy, vào FB, đọc vài hồi ức liên quan đến phố cũ, đến “ngày xưa”, lại xem một chia sẻ về bộ ảnh Hà Nội thập niên 70. Bỗng thấy nhớ những nơi ở cũ của mình ghê gớm.

Đầu tiên là ngôi nhà ở phố Hàng Khoai, ngôi nhà đầu tiên mình biết đến trong cuộc đời này. 

Nhớ những tối đông muộn nghe tiếng rao “Lạc rang, ngô rang, hạt dẻ” khắc khoải, gần dần rồi lại xa dần. Mình còn nhỏ lắm, chưa đi học, nhưng nghe tiếng rao là đã biết buồn và đến giờ vẫn còn nhớ như in về độ ngân, về nhịp trầm nhịp bổng của nó. Nhớ những chén lạc, ngô, hạt dẻ rang tay bé tí xíu, thơm phưng phức, nóng bỏng lưỡi mà thỉnh thoảng mới được mua ăn. 

Nhớ tiếng còi tàu chạy qua cầu Long Biên lúc nửa đêm làm mỉnh tỉnh giấc nhưng không đủ khiến mình mất ngủ. 

Nhớ hàng bằng lăng cổ thụ ngập hoa tím rượi từ đầu phố đến cuối phố vào đầu hè, và những chùm quả bằng lăng xinh xinh xanh sẫm lúc lỉu trên cành lúc cuối thu, trông ngon đến độ cái đứa tham ăn là mình luôn ước rằng giá mà ăn được. 

Nhớ tiếng mặc cả, tiếng cãi nhau ngay trước cửa nhà của đám người lam lũ buôn rau quả từ 2-3 giờ sáng làm mình tỉnh giấc. Lao xao một lúc ngắn rồi thôi (hoặc không ngắn nhưng mình không thức được để nghe tiếp, chỉ biết rằng, sáng dậy thì mọi thứ đã đi vào trật tự). 

Nhớ những sọt ớt, sấu, bí… cao ngang đầu một đứa trẻ con, bày khắp hè, tràn cả xuống đường. 

Nhớ những đàn vịt gà trước khi đem bán, được xếp la liệt trên vỉa hè, lòng đường, rồi bị nhồi một thứ được gọi là “bánh đúc”, nhưng có giỏi tưởng tượng đến mấy cũng không thấy có vẻ gì gần gũi với những loại bánh đúc thường thấy. Nhồi cho đến khi cái diều to bằng nắm tay người lớn mới thôi. Có con vì bị người bán quá nhiệt tình trong việc tăng trọng cho nó mà đã phải giã từ cuộc đời trước khi đến tay người mua. Nhìn người ta bóp hai bên mép cho mỏ mở ra, tống từng miếng “bánh đúc” khủng khiếp to bằng hai ngón tay ấy vào, rồi dùng tay dồn xuống diều, thương lắm, nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn. Kiếp người thì có khổ thật, nhưng thế mới biết là vẫn sướng hơn kiếp gà vịt nhiều! Bây giờ không thấy những kiểu hành xác dã man như vậy nữa. Không biết người bán ngày xưa tệ hơn, hay người mua bây giờ khôn hơn?

Nhớ những đám khế, mơ, sấu, mận… muối phơi dọc vỉa hè đoạn gầm cầu Long Biên, thi thoảng (thi thoảng vì mẹ đã nhắc là phải giữ vệ sinh) đi học qua lại bạo dạn nhón một quả, vừa đi vừa rón rén cắn, rồi nhai cả cái vị chua chua mặn mặn lẫn sạn và bụi đường. 

Nhớ những cầu thang tối om nhà hàng xóm, vừa đi vừa phải vịn tay và dò chân cho khỏi ngã (mình là người lạ nên mới thế, chứ bọn bạn mình, chúng nó vẫn chạy ầm ầm mà cấm có sao bao giờ).

Nhớ cánh cửa chính tầng một bằng gỗ làm từ thời Pháp thuộc với hoa văn phổ biến là hình bầu dục được hàng trăm hình tròn nhỏ như cái khuy áo bao quanh, mà mình thường ngắm không chán mắt. 

Nhớ cánh cửa lùa được ghép lại bằng những thanh gỗ không đều nhau rất thô sơ, bây giờ có thách kẹo cũng không nhà nào dám dùng. Thế mà hồi ấy, đó là loại cửa để bảo vệ cả một gia sản của một gia đình “tiểu thương” (ông bà mình sinh sống bằng nghề bán hàng gia dụng). Nhìn người lớn xếp từng tấm gỗ cửa vào để “đóng cửa hàng” hay tháo cửa ra để “mở cửa hàng” là một trong những thú vui của mình khi ấy. 

Nhớ những cái phất trần bằng lông gà đủ màu sắc, đẹp óng, mềm êm và bó ống điếu không biết làm bằng thân cây gì, chỉ biết là có vân hoa màu nâu nâu rất đẹp. Đây là hai thứ đồ mình thấy đẹp nhất và thường xuyên mượn để ngắm nghía trong số hàng trăm mặt hàng mà bà mình bán.

Nhớ song sắt cửa sổ tầng hai, nơi mình vẫn lén chui xuống mái vẩy của tầng một để hái hoa, quả bằng lăng và bắt sâu kèn mà chưa lần nào bị ngã. 

Nhớ những lần khóc váng nhà khi nhìn thấy bố hút thuốc lào, thuốc lá (bố bị viêm tắc động mạch từ trẻ, tối kỵ hai món này, nhưng mọi người nói thế nào cũng không bỏ được).

Nhớ những cành đào rừng to hiếm có mà ông nội năm nào cũng phải rong ruổi ít nhất là một ngày ở Chợ Hoa mới kiếm được, rồi vừa đi vừa nghỉ mấy chặng, tự vác về nhà, chơi từ trước Tết đến qua Rằm, tới lúc quả to bằng ngón tay cái cho mình hái chấm muối ăn mới thôi. 

Nhớ những sáng Mùng một Tết đi lang thang từ đầu phố đến cuối phố để ngắm xác pháo, để ngửi mùi pháo, để nhặt những quả pháo xịt về chơi mà rất có thể không gặp một người nào, vì đó là “Hà Nội xưa”. 

Nhớ những dịp gần Trung thu, suốt nửa tháng giời, ngày nào cũng lang thang ở Hàng Mã ngắm đồ chơi ít nhất một lần mà không thấy chán. Nếu hôm nào có tiền, mua đồ chơi về, bà có hỏi, bao giờ cũng nói rút giá đi một nửa mà vẫn bị chê đắt. 

Nhớ vị canh sấu chua chua mặn mặn ông nội nấu, có lẫn mùi khói củi đặc trưng, ngai ngái nhưng rất thú vị, mà giờ muốn ăn cũng không tìm đâu ra được. Nhớ cả cái dáng gầy guộc của ông ngồi rang cơm sáng cho mình. Cơm ông rang chắc chắn là loại cơm rang ngon nhất mình từng được ăn. Ông vốn nổi tiếng khéo tay. Bà lo bán hàng (và hình như là vụng, vì mình chưa thấy bà nấu nướng bao giờ ). Ông nội trợ đảm đang, say sưa chế biến đủ các món, từ “hèn” đến “sang”, từ đơn giản đến cầu kỳ, từ cua muối trám đến ba ba… Món nào cũng tuyệt ngon. Thế mà trong nhà ông vẫn “to” nhất, quát một tiếng là bà im re.

Nhớ khuôn mặt hóm hỉnh của ông nhòm qua bức tường hoa ngăn giữa cầu thang lên tầng 2 và tầng 1 gọi mình: “Chi ơi! lên đây ông bỉu!”, nhớ cả cục u bằng hạt táo ở má của ông mà mình lúc nào cũng thích day day để nghịch.

Nhớ những sáng đến lớp, được cho một hào (nếu nhớ không lầm thì có màu tím, mặt sau có in hình đàn lợn) để mua quà sáng, nhưng bao giờ cũng chỉ mua 5 xu xôi, còn 5 xu để mua ô mai me hoặc trám, vừa tới trường vừa nhấm nháp. 

Nhớ cả những sáng mùa đông đi học, trong túi áo khoác thường có thanh quế ông cho, để mang tới lớp chia cho bọn bạn ăn cùng.

Nhớ những buổi được cô, chú cho đi chơi (hình như có một cô và một chú mình gọi là “mẹ” và “bố” thì phải). Nhớ những lần theo cô đến ngôi trường nơi cô làm việc, hát, ngâm thơ chào năm học mới trước toàn trường. Ngày xưa bạo dạn ra trò, thế mà không hiểu sao càng già lại càng hèn đi thế này!

Bây giờ, mỗi khi có việc đi đâu qua mạn đó, mình thường rẽ vào phố xưa, nhìn lại ngôi nhà cũ, dù vì kế sinh nhai và nhiều nguyên nhân khác, mà chủ mới đã làm cho mình, nếu không nhìn số nhà, thì chẳng thể nào nhận ra nó nữa…

Thứ hai là ngôi nhà ở Phố Nguyễn Chế Nghĩa, con phố duy nhất tại Hà Nội thời đó không có cống lộ thiên, không có vỉa hè, đồng thời cũng là một trong những phố có nhiều biệt thự nhất (giờ đây, các biệt thự ở đó đã không còn có thể gọi là biệt thự nữa rồi – lại vì kế sinh nhai, vì Hà Nội đã không còn là “Hà Nội xưa”). 

Nhớ những buổi chiều hè cả lũ rủ nhau “góp gạo thổi cơm chung” trong những món đồ chơi nấu ăn bằng nhôm của Sài Gòn hoặc của Liên Xô. “Bếp” được đặt ở ngoài đường, củi là những cành cây khô. Bây giờ, muốn mua những đồ chơi nấu ăn này cho con gái quá mà không thấy. Có đi mỏi chân ở Hàng Mã hay Lương Văn Can thì cũng chỉ rặt đồ nhựa Tàu. 

Nhớ cây bàng già trước cửa mình vẫn nhặt quả rụng để ăn (mặc dù nghe đồn là có ma) rồi đập hạt (bằng viên gạch vỡ hoặc bất cứ thứ gì có thể) để moi nhân. 

Nhớ cây cọ bên nhà số 10 có quả ăn rất bùi, nếu chín và chát xít, nếu xanh.
Nhớ những con “đông tây nam bắc” được đào lên từ dưới đất, ngọ ngoạy chỉ hướng ở trên tay. 

Nhớ giàn nho xanh nhà ông V (không hiểu sao mình lại nhớ cả việc ông là người Nam Định), quả thì chua loét, chỉ được cái lắm sâu róm, ấy thế mà bọn trẻ con, trong đó có mình, mỗi khi được cho một chùm là vô cùng hân hoan. 

Nhớ cô T con ông V, người có giọng cười giòn tan và khuôn mặt tươi tắn, khá xinh. Hôm đầu tiên nhà mình dọn về đấy, để “nhắc nhở” ông cậu mình, cô bảo: “Mày nên nhớ là ở Hà Nội thì “đầu gấu” nhất là phố Nguyễn Chế Nghĩa; ở phố Nguyễn Chế Nghĩa thì “đầu gấu” nhất là số nhà X, còn ở số nhà X thì “đầu gấu” nhất là tao.” Tiếng thế thôi, nhưng lúc quen nhau rồi thì thấy cô cũng dễ mến và biết điều. Ít lâu sau, cô lấy ông chồng làm một nghề rất “hót” thời ấy: “đi tàu Viễn dương”, rồi theo chồng về Hải Phòng. Hôm thấy vợ chồng cô đi cái xe Super Cup “kim vàng giọt lệ” về thăm nhà, cả phố ra xem. Sau khi nhà mình chuyển đi một thời gian lâu, nghe nói cô đã tự tử vì chồng có người khác. Để lại đứa con trai. Tội cho một kiếp người! Thế mà người ta bảo ai có tiếng cười giòn và khuôn mặt tươi là sướng! 

Nhớ bà cụ N nổi tiếng cẩn thận và tiết kiệm, nhà ở tầng 2 nhưng luôn có mặt ở dưới sân tầng 1, nơi có xe đạp của các con cháu cụ, để canh trộm. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng con cháu cụ quát, bắt cụ lên nhà cho khỏi nóng / lạnh, nhưng chỉ 15’ sau đã lại thấy người ấy đang thơ thẩn ở chỗ ấy rồi.

Nhớ lần bị bố tét đít ở cửa buồng ngoài – cái tét đít đầu tiên và cũng là cuối cùng của bố.

Lại nhớ cả những lần mẹ và dì cãi nhau với nhà lão T (vợ chồng lão này không biết lang bạt ở vùng nào về Hà Nội, mượn nhà bác Đ ở rồi chiếm luôn suốt mấy chục năm, cư xử với hàng xóm thì theo một kiểu không giống ai. Ấy là có sở thích đổ nước thải từ cơ thể ra cửa nhà người ta. Nghe nói bây giờ nhà bác Đ đã đòi lại được rồi). Vì những hàng xóm đặc biệt này nên nhà mình cũng không có hứng thú để ở đây lâu.

Thứ ba là ngôi nhà ở Tân Mai, ngôi nhà trong một khu tập thể mới xây mà khi nhà mình chuyển về đấy thì dãy nhà hai tầng của mình hình như chỉ có 1 hàng xóm duy nhất (mình không nhớ tên). Đó là một vùng rất heo hút đối với người ở “trung tâm” khi ấy. Không biết đã có bao nhiêu người sau khi đến chơi nhà thì đều bái phục vì bố mẹ mình “dũng cảm”. Cái gì cũng có giá của nó! Mẹ mình thích “Độc Lập - Tự Do”.

Nhớ tiếng ếch kêu rộn rã quanh nhà từ chập tối, loại “đặc sản” mà trẻ con ở “trên phố” không thể nào biết được. 

Nhớ việc bố thuê người hì hục đào một phần vườn lên làm ao để lấy đất bồi cho vườn cao thêm, để chống chọi với những trận ngập nổi tiếng ở đây. Lần đầu tiên nhìn thấy từng tảng đất hình thoi vân vàng vân đỏ được xắn lên, mình thấy sao mà ngon thế (lại thấy ngon!)

Nhớ mỗi chiều bố đi làm về lại đèo đằng sau xe đạp một ít “đề-xê” sắt để rào vườn. 

Nhớ hàng xoan bố trồng với ý định “sau này mình bán gỗ” mà đến khi chuyển đi rồi vẫn chưa thấy bán cho ai. Nhớ những chùm hoa xoan màu tím rõ yêu mà có cái mùi (mùi hoa của mấy chục cây trồng quay vườn dồn lại) sao mà khó chịu. 

Nhớ hàng rào duối bố trồng mùa hè ra hoa tím ngắt, thỉnh thoảng mẹ hái vào để cắm, rồi khách đến chơi, thấy đẹp, cũng hớn hở xin về. 

Nhớ cái ao nhỏ, nơi hai chị em ngồi câu vài con cá ranh, nơi thỉnh thoảng lại có đàn cá trắm bự không biết ở hồ nào tràn vào sau một đợt mưa to, cả nhà chỉ biết ngắm mà không biết bắt, để sau đợt mưa khác, lại bơi đi đâu không biết. 

Nhớ cây táo không rõ là giống gì, mẹ mua ở Chợ Mơ về trồng, quả to, thơm và ngọt hiếm thấy, đi học về, chạy vào nhà cất cặp, ra gốc táo đứng hái quả ăn cái đã rồi làm gì mới làm. Một lần, mấy mẹ con quyết để dành táo đến Tết đãi khách, con chó dữ nổi tiếng nhà nuôi vì cái tội cắn thỏ nhiều lần mà bị “cho đi ở”. Bán buổi chiều thì đêm đến trộm khua sạch cả cây. Sáng ra, ba mẹ con tiếc ngẩn ngơ.

Nhớ những lần lấy đũa cả hơ lên bếp lửa, quấn tóc xoăn cho em gái, rồi bảo với mẹ: “Em xinh như thiên thần’. 

Nhớ những trưa hè hai chị em vừa ngồi câu cá ở bờ ao, vừa lắng tai chờ gà cục tác để vào nhặt trứng ra đánh kem ăn.

Nhớ hình ảnh em gái mình bắc ghế ngồi đợi ở cửa nhà, tay cầm sợi xích nối với cổ con chó cho đỡ sợ để chờ bố mẹ và chị về… Bác T bạn bố nhà ở tận Hàng Giày, nhưng rất chịu khó xuống nhà mình chơi, có lần “báo cáo” lại rằng: “Hôm trước tôi đến nhà anh chị, chẳng gặp ai, gặp mỗi chị bé con tay cầm xích con chó già.” Đó là một người rất vui tính, dù cuộc đời từ nhỏ đã nếm nhiều bất hạnh – sự bất hạnh của người không thiếu tiền, nhưng thiếu nhiều thứ... Bác mất khi mới 60 tuổi vì ung thư phổi. Khi nghe tin bác lâm trọng bệnh. Cả nhà sững sờ. Bác vốn có tiếng to khỏe, dẻo dai nhất trong số bạn bè của bố mẹ.

Nhớ những buổi tan học lang thang ra đồng hái trộm đòng đòng và bắt châu chấu về cho vịt gà ăn (từ khi chuyển xuống đây, mẹ có thêm “nghề” nuôi gà vịt).

Nhớ trận lụt khủng, nước ngập ngang hông. Khổ thân nhất là con chó ngoan (không phải là con cắn thỏ ở trên), không ra vườn được, nhịn … suốt một tuần. Khi mẹ nhớ ra, phải bế nó, lội nước, đặt lên ụ sắn dây ngoài vườn cho nó giải tỏa.

Nhớ con bạn thân (to khoảng gấp rưỡi mình), thường xuyên trêu mình bằng cách vừa chạy vừa lôi xềnh xệch mình một đoạn khi tan trường rồi mới buông tay. Nó bảo lôi đi như thế để nghe tiếng guốc kêu cho thích (hồi đó mình ở “trung tâm” chuyển về đây, đi đôi guốc “gót nhọn Sài Gòn”, loại guốc mà “vùng sâu vùng xa” như Tân Mai không có). 

Nhớ lớp học ở trường Trương Định, nơi bọn bạn nghịch như quỷ, có hôm vào mùa đông chẳng biết đầu têu là đứa nào, cả lớp cùng tháo 1 chiếc tất rồi đổi cho nhau, đi cọc cạch suốt cả ngày. Mình yêu lớp này đến nỗi khi đã chuyển lên Chu Văn An rồi, ngày khai trường, còn trốn về “dự khai” ở trường cũ và nếu nhớ không lầm thì cái sự trốn ấy cũng không chỉ dừng lại ở mỗi một ngày khai giảng. Trong trường thì lớp mình có nhiều hoa khôi nhất, đếm sơ sơ cũng phải dăm bảy nàng. Thế rồi bằng đi mấy chục năm, không găp 2 bạn hoa khôi nhất trong số các hoa khôi, hỏi ra mới biết mỗi người một phận long đong... “Hồng nhan bạc phận” ít khi sai lắm!

Trong những nơi mình từng ở, thì không hiểu sao, tiếc và nhớ nhất là ngôi nhà ở Tân Mai. Cho đến giờ, thỉnh thoảng lại mơ thấy nó. Hồi đó, bố và mẹ tranh cãi rất nhiều về việc bán hay giữ nhà và “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Mẹ mình bảo: “Chẳng để không một nhà để làm gì, chẳng ai có sức trông nom được.” (ngày xưa chưa có khái niệm cho thuê nhà, cũng chưa có “sốt nhà đất”). Thế là bán. Bây giờ mà còn ý à, nhất định mình sẽ xung phong về đây để làm vườn, khoảnh vườn rộng 124m mà bố mình đã bỏ rất nhiều công sức để sửa sang.

Thứ tư là ngôi nhà ở Viện Lịch sử quân sự, nơi mà nhà mình chỉ ở có 1 năm, thì có tới 6 tháng mẹ nằm viện. Vì là con lớn, nên mình thay mẹ chợ búa cơm nước hàng ngày. Bố mình là người mà trên đời chỉ coi việc học hành là quan trọng nhất, thấy con gái vất vả, sợ ảnh hưởng đến việc “đèn sách”, nhưng vì tay bị viêm tắc động mạch, ngại sờ vào nước, không giúp được con, bèn nảy sáng kiến như sau: “Ngày mai bố sẽ ra chợ Bưởi, mua thêm 5 chục cái bát, ăn cơm xong, con cứ để đấy, cuối tuần rửa một thể, để thời gian mà học.” Mình hãi quá, không dám nghe theo.

Nhớ cái bể nửa chìm nửa nổi bằng bê tông ở sân Viện, hôm dì mình đến chơi, với con mắt nghề nghiệp (hồi nhỏ dì từ Hà Nội sơ tán về Bình Đà, theo trẻ con chơi rồi nghiện vụ bắt cua cá, ngày nào cũng đi bắt, bà mình đánh rất nhiều lần vì sợ con bị cảm hay chết đuối, có hôm còn đổ hết cả chiến lợi phẩm xuống ao để răn, mà không thành công), biết ngay là bể có tiềm năng, liền gọi mấy chị em mình ra, tát cạn bể để bắt cá. Các cô chú ở Viện nhìn một cách đầy thán phục… 

Nhớ đứa bạn thân hồi lớp 12, nghỉ hè gần như ngày nào cũng phải gặp nhau một lần, chẳng nhớ nói những chuyện gì, chỉ biết là chưa bao giờ thấy chán.

Thứ năm là ngôi nhà ở Ông Ích Khiêm

Nhớ một thời gian dài, không hiểu sao nhà mình luôn đi ngủ vào lúc 12 – 1h đêm. Bố mình thường bảo: “Không hiểu ba mẹ con mày có chuyện gì mà cứ nói suốt không đi ngủ thế nhỉ?”. Thế là lại cười rúc rích rồi mới kéo nhau lên giường. 

Nhớ những tối muộn, sau một hồi “tâm sự”, ba mẹ con bất thình lình thèm nộm thịt bò. Hai chị em lại đèo nhau lên Bờ Hồ vào lúc 10h – 10 rưỡi tối. Đường xá vắng tanh vắng ngắt, cả tuyến phố chỉ vài mống. Mọi người đi qua, nhìn hai chị em như sinh vật lạ, có lẽ nghĩ rằng: “Không biết con cái nhà ai mà lại ra đường vào lúc này?” Vì đấy là “Hà Nội hơi xưa”, chứ bây giờ thì Hà Nội chẳng còn đêm nữa rồi. Mà nếu có còn đêm, thì chắc cũng chẳng nhà nào dám cho con gái ra đường vào lúc đường rộng người thưa như thế. 

Lại nhớ những ngày ôn thi đại học, chả hiểu sao mình không thể học được vào ban ngày, thế là ngủ lúc 7h tối, 2h dậy, học đến 7 giờ sáng rồi lại đi ngủ. Địa bàn học tập của mình là Bảo tàng Hồ Chí Minh, vừa sáng vừa mát, vừa nhiều ô xi. Cũng lại vì thời đó là “Hà Nội hơi xưa”. Bây giờ, con gái mình nếu cũng mắc bệnh học đêm như mình, thì chỉ có cách trau dồi nghiên bút ở nhà, chứ ai dám cho con đi học kiểu ấy.

Nhớ bố của con, người chỉ biết có công việc, còn lại là như đi trên mây. Nhớ lần bố hốt hoảng cầm cái áo may ô từ trên tầng 2 xuống, hỏi: “không biết áo này của ai nhỉ?”. Đến khi thấy hai đứa con vừa nhăn nhở cười vừa hỏi lại: “Thế theo bố thì áo ấy của ai?” (trong cái nhà mà chỉ có bố là đàn ông) mới lại tủm tỉm cầm áo quay lên. Nhớ cả lần bố cao hứng quét nhà, đứa em mình đi học về, trêu: “Cháu chào bác ạ!”. Chẳng ngửng lên, vừa miệt mài quét, bố vừa hồ hởi đáp lời: “Bác chào cháu!” Đến khi nghe thấy tiếng cười phá của hai chị em, mới hốt hoảng nhìn, rồi tủm tỉm: “Cha bố chúng mày!” Nhớ cả lần gửi con nhờ ông trông. Để vừa có thể đảm đương nhiệm vụ trông cháu, vừa không đứt mạch nghiên cứu, ông cho cháu nghịch nước ngoài sân suốt cả buổi chiều. May mà cháu “lành mình”, chỉ sốt một đêm là khỏi.

Nhớ hình ảnh con gái mình nhổ tóc bạc cho ông (thường với một điều kiện là phải ngồi trên cổ ông để nhổ). Chiều cháu, và để thỏa “cơn nghiền”, ông ngồi như chịu tội.

Nhớ cả hàng chữ con gái mình viết bằng bút chì ở trên tường hồi học cấp 1: “Ông đi đâu thế?” Bị mắng vì tội viết bậy, mấy hôm sau, cô nàng “rút kinh nghiệm”, rón rén viết một hàng chữ nhỏ chỉ bằng một phần tư hàng chữ cũ: “Sao không trả lời cháu?”…

Nhớ nhà xưa… Nhớ ngày xưa… Và nhớ BỐ CỦA CON.

"
https://www.facebook.com/xiu.zon/posts/956817457763664

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.