Bìa của tập tài liệu "Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng" do Nhật Hoa Khanh biên soạn và phát hành.
Nội dung tập tài liệu đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống tư tưởng văn hóa của nước ta liên quan trực tiếp đến quan điểm, suy nghĩ của nhà thơ Tố Hữu, nhưng tựu trung lại bao gồm 5 nội dung chính. Một là chuyện liên quan đến nhà thơ Tố Hữu trong hồi ký Phạm Duy. Hai là về hai bài thơ của nhà thơ Tố Hữu, bài Mười năm và bài Tiểu đội Anh hùng. Ba là hoàn cảnh sáng tác bài thơ Nước non ngàn dặm. Bốn là cảm nghĩ của nhà thơ Tố Hữu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm là đánh giá của Tố Hữu về một số văn nghệ sỹ. 

Nhật Hoa Khanh viết trong tập tài liệu rằng, ông đã có cuộc gặp với nhà thơ Tố Hữu vào chiều tối 26/4/1997, tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Cuộc gặp này, theo Nhật Hoa Khanh, kéo dài chừng 7 giờ (từ khoảng 14h đến 21h) và những lời kể của nhà thơ Tố Hữu đã được ông ghi lại trong 67 trang của tập tài liệu.

Bà Vũ Thị Thanh, phu nhân của nhà thơ Tố Hữu, người gần gũi nhất với nhà thơ đã bác bỏ điều này. Bà nói: "Trong tài liệu Nhật Hoa Khanh có nói đến khi làm việc, anh Tố Hữu có ho nhiều mà thời gian kéo dài từ 14h đến 21h là không đúng, vì nếu có thì tôi sẽ tìm cách ngăn không để anh ấy làm việc quá lâu, trừ khi anh Tố Hữu tiếp chuyện những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Điều mà Nhật Hoa Khanh viết như thế là vô lý".
Ông Nhật Hoa Khanh tên thật là Nguyễn Huy Đức, SN 1941 tại Hà Nội, hiện đăng ký nhân khẩu thường trú tại phường 3, quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1961, sau đó dạy học ở Tây Bắc một thời gian rồi chuyển về miền xuôi làm việc tại Sở Giáo dục tỉnh Hải Hưng (cũ) rồi Sở Giáo dục Hà Nội. Từ năm 1979, Nhật Hoa Khanh chuyển sang làm phóng viên Báo Sài Gòn giải phóng cho đến năm 1981 thì bị buộc thôi việc. Sau đó, ông làm việc cho một số tờ báo khác cho đến năm 2002 thì nghỉ, chuyển từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội.


Một thời gian ngắn sau khi phát tán tài liệu này, chính Nhật Hoa Khanh, dường như đã nhận ra sự bịa đặt vô lý này nên đã phải tự đính chính. Ông đã gọi điện cho bà Vũ Thị Thanh nói rằng: "Trong bài viết của em có chi tiết sai, anh Tố Hữu tiếp em đến 7h tối chứ không phải là 9h đêm". Như vậy có thể hiểu là lúc đầu Nhật Hoa Khanh đã bịa ra thời lượng của cuộc gặp là 7 giờ cho có vẻ phù hợp với dung lượng 67 trang của tập tài liệu nhưng sau lại thấy vô lý vì với sức khỏe của nhà thơ Tố Hữu thời điểm ấy, lại bị ho nhiều nên ông không thể trò chuyện được lâu đến thế nên Nhật Hoa Khanh đành phải cải chính lại. Mặt khác, theo Nhật Hoa Khanh thì đây là lần đầu tiên ông được gặp nhà thơ Tố Hữu. Với một người mới tiếp xúc lần đầu tiên, nhà thơ Tố Hữu không thể chuyện trò lâu được đến như vậy. Thế là chỉ riêng chuyện về thời lượng cuộc gặp, lời kể của Nhật Hoa Khanh trong tập tài liệu đã không có đủ độ tin cậy.

Có một điều nữa mà tự nó đã vạch trần sự dối trá của tập tài liệu này, đó là hiện Nhật Hoa Khanh chỉ có một cuộn băng ghi âm thời lượng 45 phút ghi lại cuộc trò chuyện của ông với nhà thơ Tố Hữu. Nội dung cuộn băng ghi âm này là câu hỏi của Nhật Hoa Khanh và lời kể của nhà thơ Tố Hữu xung quanh bài thơ Nước non ngàn dặm. Theo Nhật Hoa Khanh thì cuộc trò chuyện với nhà thơ kéo dài 7 tiếng (sau này đính chính là 5 tiếng), đề cập đến 5 vấn đề, thế mà băng ghi âm lại chỉ có 45 phút và chỉ có một vấn đề (!).

Nhật Hoa Khanh còn giải trình rằng, song song với việc ghi âm, ông còn ghi tốc ký cuộc gặp này vào một cuốn sổ tay. Nhưng ngày 20/8/2004, khi ông đưa ra cuốn sổ tay mà theo ông nói là "đã ngả màu ố vàng" thì lại thêm một sự giả dối nữa. Đó là một cuốn sổ tay khổ 10cm x 7cm, nhỏ như một quyển lịch tay, dày 123 trang ghi chi chít chữ kín tất cả các trang. Song khi sao lại toàn bộ phần ghi chép trong 123 trang khổ nhỏ này ra khổ giấy A4 (đã dịch tất cả những chữ viết tắt) thì chỉ được có 32 trang. Trong khi đó tài liệu ông Nhật Hoa Khanh cho phát tán lại có những 67 trang khổ A4 (!).

Như vậy, có nhiều cơ sở cho thấy rằng, cuốn sổ tay (dù đã cũ kỹ đến mức ngả màu ố vàng) chỉ là một cách để Nhật Hoa Khanh hợp thức hóa tài liệu khi ông không có đủ bằng chứng để chứng minh rằng bản thân "đã gặp Tố Hữu, đã được nhà thơ tiếp chuyện 7 tiếng với 5 nội dung" như ông đã bịa đặt trong tập tài liệu Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng.

Còn có một điều nữa, theo Nhật Hoa Khanh thì tài liệu đã được ông ghi lại theo lời kể của nhà thơ Tố Hữu từ tháng 4/1997, nhưng tại sao mãi 7 năm sau (tháng 4/2004) khi nhà thơ Tố Hữu không còn nữa, Nhật Hoa Khanh mới cho lưu hành, phát tán tài liệu này. Hơn thế, trước khi tài liệu lưu hành lại không hề được nhà thơ Tố Hữu và bất cứ ai trong gia đình nhà thơ đọc lại. Đây là một việc làm sai trái, không thể chấp nhận về nhân cách của người cầm bút.

Các cơ quan chức năng thời gian qua đã tiến hành kiểm chứng, đối chứng tài liệu đang phát tán và các tài liệu, sổ tay của tác giả Nhật Hoa Khanh; đã phân tích khách quan, khoa học một số nội dung, sự kiện được ghi trong các tài liệu đó; đã tham khảo ý kiến của những người gần gũi với nhà thơ Tố Hữu và đã có đủ cơ sở để khẳng định: Phần lớn nội dung trong tài liệuGặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng của Nhật Hoa Khanh là giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt. Người viết đã mượn danh nhà thơ Tố Hữu để truyền bá những quan điểm, ý kiến riêng không lành mạnh, có dụng ý xấu của mình về một số vấn đề quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật nước ta. Những nội dung giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt trong tập tài liệu này đã làm tổn hại đến uy tín, nhân cách của đồng chí Tố Hữu
P.V.