Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

29/07/2013

Góc nhìn báo chí về sự kiện thần Hạn (Bùi Hoàng Tám của Dân trí)

Lời dẫn: Trên mảng blog của mạng Dân trí vừa lên bài của bác Bùi Hoàng Tám về sự kiện. Đây là góc nhìn của nhà báo, lại không phải đề tài phạm húy, nên thẳng thắn và nhanh gọn, đến mức tường thuật như một vụ án hình sự vậy.

Nhưng lối nghĩ của ông nhà báo này xem ra rất có vấn đề, vừa lạc hậu, mà lại vừa xưng lên với vẻ mặt dạy đời thế này: "Ví như người đi mua hàng, chúng tôi không quan tâm bà nhập nguồn hàng của ai, từ đâu vì đó là việc của người bán hàng. Điều mà những người bỏ tiền ra mua hàng cần là hàng hóa phải đảm bảo tiêu chuẩn, không sai sót, độc hại…". Hay: "Thưa bà, độc giả chúng tôi cũng không cần biết bà làm đúng nguyên tắc hay không đúng nguyên tắc vì đó là công việc chuyên môn của bà. Điều chúng tôi cần là một sản phẩm đúng".

Ông nhà báo không mua sách thì đã không cần nói đến rồi, thậm chí, có thể còn chưa sờ đến sách. Có mua hàng, sờ vào hàng đâu, mà phán khỏe thế ! Mong các ông bà nhà báo nhẹ miệng với những lĩnh vực không quen tay, không có kiến thức sơ đẳng.

Từ đây trở xuống là nguyên văn lấy về từ Dân trí.

---

PGS Nguyễn Thị Huế không nên bao biện…!



(Dân trí) - Vụ biến tác phẩm “Đi đánh Thần Hạn” của Nhà thơ Trần Đăng Khoa thành dân gian, không thể nói khác là nỗi xấu hổ của nền học thuật nước nhà. Đáng lẽ trước những sai lầm ngớ ngẩn trên, chủ biên và nhóm tác giả phải thành thật nhận lỗi tác giả và bạn đọc. 


Thế nhưng tiếc thay người chủ biên cuốn sách, PGS. TS Nguyễn Thị Huế không những không làm điều đáng phải làm đó mà còn bao biện, vô trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác.
Trả lời trên báo Dân trí, ngay từ đầu PGS Nguyễn Thị Huế cho rằng sự việc “không có gì to tát cả”!?
Thưa PGS Huế, sự nhầm lẫn này là nghiêm trọng và to tát bởi cuốn sách của bà là Từ điển, dùng ngân sách Nhà nước cấp. Nó không chỉ là cơ sở khoa học lâu dài mà còn là cơ sở pháp lý một khi có tranh chấp bản quyền.
Nói “không có gì to tát” chứng tỏ bà đã không nhận thức được đúng bản chất sự việc.
Ý thứ hai, bà cho rằng việc sai đầu tiên là từ cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu do PGS. Chu Xuân Diên (chủ biên), Nxb. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2005 và do Khoa Ngữ văn và Báo chí Đại học KHXH&NV - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện”, bà chỉ là người lấy tư liệu từ đó.
Xin thưa, đây là hành xử bao biện, có tư tưởng đổ lỗi cho người khác.
Độc giả chúng tôi không biết và không cần biết bà lấy tư liệu từ nguồn nào hay lấy của ai. Điều mà chúng tôi yêu cầu là tác phẩm của bà phải chính xác, có độ tin cậy.
Ví như người đi mua hàng, chúng tôi không quan tâm bà nhập nguồn hàng của ai, từ đâu vì đó là việc của người bán hàng. Điều mà những người bỏ tiền ra mua hàng cần là hàng hóa phải đảm bảo tiêu chuẩn, không sai sót, độc hại…
Giả sử khi bị ngộ độc, người bán hàng phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ tại tôi mua của người này hay người khác.
Ngay cả việc bà khẳng định: “Chúng tôi đã làm đúng. Chúng tôi không vi phạm nguyên tắc biên soạn công trình theo nguyên tắc folklore học”.
Thưa bà, độc giả chúng tôi cũng không cần biết bà làm đúng nguyên tắc hay không đúng nguyên tắc vì đó là công việc chuyên môn của bà. Điều chúng tôi cần là một sản phẩm đúng.
Ngạc nhiên hơn là bà còn so sánh kinh phí dành cho công trình “không bằng số tiền bỏ ra làm 1 m2 đường?”.
Xin lỗi, không thể nói khác, đây là sự so sánh… vớ vẩn vì không ai bắt bà phải làm công việc này nếu bà thấy số tiền rẻ mạt. Và càng không vì tiền ít nên làm qua loa, làm dối, làm ẩu...
Thật tình chúng tôi rất cảm thông với những nhà khoa học nước nhà trong điều kiện khó khăn hiện nay và hoàn toàn thông cảm bởi “vua chúa còn có khi nhầm”.
Điều thất vọng của chúng tôi là cách hành xử trước những sai lầm của bà bởi khách quan, trung thực là phẩm chất hàng đầu của một nhà khoa học chân chính.
Giá như, bà biết thành khẩn xin lỗi Nhà thơ Trần Đăng Khoa và độc giả rồi tìm biện pháp khắc phục…
Tuy nhiên, do PGS Nguyễn Thị Huế không nhận thức đúng và chưa có tư tưởng thành khẩn khắc phục. Vì vậy, đề nghị cơ quan thanh tra văn hóa rà soát lại toàn bộ tác phẩm, yêu cầu nhóm biên soạn khắc phục hậu quả.
Trước mắt, cần thu hồi tác phẩm trên thị trường, xem xét lại hợp đồng kinh tế đồng thời yêu cầu PGS Chu Xuân Diên (chủ biên), Nxb. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, năm 2005 giải trình sự việc trên.
Đã đến lúc cần phải sòng phẳng với nhau, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám

Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Góc nhìn báo chí về sự kiện thần Hạn (Bùi Hoàng Tám của Dân trí)
Trường ca, hay vè dân gian, của Trần Đăng Khoa qua nhận định của Lại Nguyên Ân (1975)
Chủ biên Chu Xuân Diên vừa lên tiếng, nhưng chưa hết thắc mắc, chẳng hạn "1992" ?
Nhóm soạn giả Chu Xuân Diên (cuốn Văn học Dân gian Bạc Liêu) cần lên tiếng 
VOV là Trần Đăng Khoa, hay Trần Đăng Khoa hóa thành VOV, như thần Hạn rồi ?
Trần Đăng Khoa không thông cảm với cách giải thích, vì là từ điển
Lời thưa lại của Nguyễn Thị Huế
Lên tiếng của Trần Đăng Khoa và dư luận
Xem nhanh cuốn sách mà Trần Đăng Khoa vừa lên tiếng
Trần Đăng Khoa lên tiếng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.