Vào ngày hôm nay, 11/6/2021, trên Fb Nguyễn Thu Thủy (gia đình quyết giữ Fb này từ sau lễ an táng của hoa hậu đã viên mãn), có đoạn như sau:
"Tuy đã đi rất nhiều nơi nhưng Thủy đặc biệt gắn bó với thành phố Hà Nội quê hương, nhất là ba khu vực Thủy từng sống: phố Nguyễn Thái Học đoạn không xa phố Hoàng Diệu và ga Hàng Cỏ; khu Thanh Xuân (Lương Thế Vinh); Gia Lâm, gần cầu Long Biên. Khoảng mười năm cuối, Thủy sống gần hai cái hồ nổi tiếng của Hà Nội. Trong cái nhìn của Thủy, Hà Nội là một địa điểm rất đặc biệt, được làm nên từ nhiều tầng sâu khó dò và văn chương đối với Thủy đồng nghĩa với đi xuống thăm dò những khoảng tối cũng như các "đường hầm" luôn luôn tồn tại nhưng rất khó nhận biết. Thủy cũng đặc biệt gắn bó với Phủ Tây Hồ và Mẫu Thoải, hình tượng lớn nằm ở trung tâm linh hồn thành phố."
Tôi chú ý đến câu "Thủy cũng đặc biệt gắn bó với Phủ Tây Hồ và Mẫu Thoải, hình tượng lớn nằm ở trung tâm linh hồn thành phố".
Vậy thì, sẽ chờ đến lúc tiểu thuyết của hoa hậu ra đời (dự định là năm 2021, từ nhà xuất bản Thời Độ), thì xem Thu Thủy viết về Phủ Tây Hồ và Mẫu Thoải như thế nào. Hi vọng là có nhiều thú vị.
Về Phủ Tây Hồ như là biểu tượng tâm linh của Hà Nội từ sau Đổi Mới, tôi đã viết thành bài học thuật, mà là qua phân tích bài thơ "Hà Nội" của Trần Đăng Khoa (làm lần đầu năm 1969, và sửa lại vào năm 1999). Đọc bài đó tạm thời ở đây (năm 2016).