Nhà báo học giả Nguyễn Văn Vĩnh mất tháng 5 năm 1936 tại Lào trên đường đi khai thác vàng (cùng đi có một người bạn Pháp, một số người theo hầu, một lái xe). Cụ mất trên thuyền.
Linh cữu Nguyễn Văn Vĩnh được đưa về Hà Nội, quàn tại trụ sở của Hội Tam điểm lúc đó. Có tới 3 vạn người từ khắp Bắc Trung Nam tới viếng. Nhân sĩ trí thức cả nước, ví như cụ Phan Bội Châu, cụ Bùi Kỉ, cụ Huỳnh Thúc Kháng, đều gửi lời điếu.
Đám tang của Nguyễn Văn Vĩnh có tới gần 2 vạn người tham dự, đoàn đưa tang kéo dài hàng cây số.
Trong các lời điếu lúc đó, đáng chú ý là bài của Phan Khôi. Cụ Phan rất xúc động, nhưng cũng rất mực thước. Cụ nói rõ ngay lúc đó, rằng: Nguyễn Văn Vĩnh có nhiều công lao nhưng không đáng phải dựng tượng đồng mà tôn thờ mãi mãi, đồng thời, cũng có nhiều việc nhà Nho khắt khe với Nguyễn Văn Vĩnh cũng không làm sao hóa giải được. Phan Khôi không cho Nguyễn Văn Vĩnh là "văn hào" hay "đại văn hào". Lí do chính được đưa ra là: trước sau, Nguyễn Văn Vĩnh chỉ là một dịch giả lớn, mà hầu như không có trước thuật gì đáng nói tới.