Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/01/2025

Học giả Chương Thâu vừa từ trần (1935-2025)

Ông họ Nguyễn, tên đầy đủ là Nguyễn Chương Thâu.

Học giả dành cả một đời để nghiên cứu về Phan Bội Châu.


Phan Bội Châu không phải là tất cả nghiên cứu của học giả Chương Thâu, nhưng nhắc đến ông là chúng ta liền nghĩ đến Phan Bội Châu, ngược lại, nghĩ về Phan Bội Châu thì chúng ta lại thường cũng sẽ nhớ đến Chương Thâu.






Một người cháu ruột của cụ Phan, là ông Phan Thiệu Cơ, có nói đại ý vào đầu thập niên 2000 rằng: học giả Chương Thâu là người sinh ra để nghiên cứu về ông nội của chúng tôi.

Tôi không gặp được ông Phan Thiệu Cơ. Sau này, tôi có gặp và làm việc nhanh với ông Phan Thiệu Cát - một người cháu nội khác của cụ Phan. Ông Cát cũng rất cảm phục các nghiên cứu của học giả Chương Thâu về cụ Phan. Năm 2017, lúc gặp tại Vinh, chúng tôi trao đổi thêm về một số điểm bổ chú (ghi chú thêm) về một số tác phẩm của cụ Phan. Hiện tôi vẫn tiếp tục khảo sát, và nếu trong thời gian tới có được điều kiện thì sẽ viết ra thành bài.

Các nghiên cứu của Chương Thâu về Phan Bội Châu, hay đúng hơn là trước tác của Phan Bội Châu trong sưu tầm và nghiên cứu của Chương Thâu đã ảnh hưởng lớn đến nhận thức về lịch sử của tôi lúc mới lên mười.

Cách đây 20 năm, vào năm 2005, trong một bài viết về Phan Bội Châu đã công bố, tôi có viết: 

"Ngài Asaba yên giấc trong khu nghĩa trang của chùa Thường Lâm (Johrin-ji), và trước mộ phần, vẫn còn đó cùng tuế nguyệt là tấm bia kỉ niệm với lời tiếc nuối khôn nguôi, tấm lòng tri ân sâu nặng của nhà đại ái quốc Phan Bội Châu - cây đại thụ vươn lên bao trùm và tỏa sáng, xua đi những bóng đen trên nền trời Việt Nam đầy hắc ám thời mà dân tộc còn rền đau dưới ách nô lệ ngoại bang". 

"(chú thích: Đây là nhận định của tác giả Chương Thâu, chúng tôi đã đọc từ khi còn học phổ thông cơ sở và nhập tâm một cách tự nhiên. Lần đầu gặp tác giả, khi mới tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội và có ý liên hệ công việc tại Viện Sử học - nơi Chương Thâu công tác - để thay cho lời chào, tôi đã kể cho ông nghe, như là một báo cáo của một học trò với một người thầy, về ấn tượng của mình ở tuổi hơn mười khi đọc tuyển tập văn thơ Phan Bội Châu do ông tuyển chọn và viết lời giới thiệu. Quả thực, ở thế hệ của chúng tôi, sinh trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc một chút xíu, tức là thế hệ ngang với tuổi con cháu của Chương Thâu, và chắt chút của Phan Bội Châu, ở tuổi niên thiếu (những năm trước đổi mới) vẫn hừng hực khi đọc văn thơ khích lệ lòng yêu nước thương nòi của người, huống chi khi mà “nước còn mất, nhà còn tan” thời đầu thế kỉ 20.)".

Câu "cây đại thụ vươn lên bao trùm và tỏa sáng, xua đi những bóng đen trên nền trời Việt Nam đầy hắc ám thời mà dân tộc còn rền đau dưới ách nô lệ ngoại bang" là của Chương Thâu, viết về cụ Phan Bội Châu, tôi đã đọc ở tuổi lên mười. Đã nhập tâm câu viết này.

Năm 2005, tôi viết ra tại Tokyo là theo trí nhớ đã lưu ở trong đầu.

Năm 2025 này, sau 20 năm tính từ năm 2005, tại Hà Nội, tôi vẫn nhớ cả một đoạn dài, có câu trên. Vẫn thuộc vanh vách như ở tuổi lên mười ngày xưa.

Những đoạn viết như vậy, về Phan Bội Châu của học giả Chương Thâu, từ mấy chục năm về trước đã khắc vào tâm khảm của tôi, mãi mãi không quên.

Tháng 1 năm 2025,

Giao Blog


...


CẬP NHẬT


..

1.


Sau nhiều năm có điều kiện gắn bó, được ông quý mến, căn dặn, chỉ bảo, như một đồng nghiệp, một "người bạn trẻ" mà ông quý mến hay gọi vui như vậy!
Mỗi lần sách in mới hay tái bản, ông đều ký tặng và để sẵn ở phòng khách và gọi ông cháu đến để tặng và nhờ việc... Bà vợ ông và người giúp việc đã nhẵn cả mặt.
Cả một đời cống hiến cho khoa học, ông có hàng trăm, hàng nghìn đầu sách, bài viết, bài báo, luận văn... chuyên khảo trong suốt hơn 60 năm cầm bút. Ông là chuyên gia số một nhà "Phan Bội Châu học" đến nay và sau này khó có một ai có thể vượt qua. "Gia tài" là khoảng vài vạn cuốn sách như một thư viện to ông để từ tầng 2 lên tầng 4 của nhà mình. Mấy năm gần đây bị tai biến, dù minh mẫn nhưng ông đi lại đã khó khăn...
Gia tài lớn nhất của ông là người vợ, 2 con thành đạt và các cháu. Đặc biệt bà vợ (bà Xuân) hết lòng chăm lo, hi sinh cho chồng, dù bà cũng từng là Hiệu trưởng một trường cấp 2 có tiếng của Hà Nội. Thành công lớn nhất của ông là sự nghiệp khoa học, gia đình, bà vợ rất đảm đang, lo cho chồng một mẫu hình gia đình thường thấy ở miền Bắc có lẽ trước năm 1954, mà bây giờ ngày càng ít đi. Một gia đình "mẫu mực"... từ cốt cách của ông đồ Xứ Nghệ!

Tất cả cảm

https://www.facebook.com/bieu.nguyen.56/posts/pfbid02CjKwLS9NYVtphSa5LKxQdCQcWK8u8r3kU6gstPx3Cdu7FBBBJR5nJyAp7piDz4BUl











..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.