Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

25/07/2023

Hội thảo quốc tế ở Trường Đại học Thăng Long - ghi nhanh

Hội thảo quốc tế Giao lưu văn hóa-văn học giữa Việt Nam và các nước Đông Á thời kì Trung - Cận đại được tổ chức trọn trong một ngày Chủ Nhật vừa rồi (ngày 23/7/2023), tại Trường Đại học Thăng Long (Hà Nội).

Hội thảo có một phiên toàn thể trọn trong một buổi sáng tại hội trường lớn, buổi chiều là dành cho các tiểu ban, cuối cùng là trở lại tổng kết tại hội trường lớn. 

Người đứng ở trung tâm (hàng đầu tiên, đang ôm một bó hoa) là cô Nguyễn Thị Oanh - người tổ chức hội thảo lần này. Các học giả lão thành, như Kawaguchi (Nhật Bản) hay Trần Ích Nguyên (Đài Loan) cũng đứng ở hàng đầu tiên.
Bản quyền ảnh: các bạn K23-24.

1. Mình tham gia và phát biểu ở Tiểu ban 2 - dành riêng cho những vấn đề về Tôn giáo. Bài tham luận là về bộ Tam Phủ (Thiên Phủ - Địa Phủ - Thủy Phủ) trong sách khoa nghi của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần (truyền thừa từ sư tổ Huyền Quang).

Lần này, thú vị nhất là được các học trò tặng hoa sau khi phát biểu. Hơi một chút bỡ ngỡ, vì lần đầu tiên được nhận hoa bất ngờ như vậy. Các em cũng lần đầu được trải nghiệm hội thảo quốc tế.

2. Sau rất nhiều năm (chắc phải đến hơn 10 năm) mới được gặp lại thầy Kawaguchi của Khoa Tiếng Việt - Đại học Ngoại ngữ Tokyo (TUFS). Ông là một trong những chuyên gia lớn về văn học Việt Nam tại Nhật Bản. 

Do khác chuyên môn nên tôi không học thầy Kawaguchi chính thức một giờ nào, trụ sở AA của chúng tôi cũng được xem là cơ sở tương đối độc lập với TUFS, nhưng thời chúng tôi ở trường thì luôn nhận được sự giúp đỡ của ông. Đặc biệt, lúc tôi và N. ở kí túc xá Odai thì ông được nhà trường giao nhiệm vụ Trưởng Ban Giao lưu Quốc tế, nên hay xuất hiện ở kí túc xá (xuống kiểm tra tình hình sinh viên quốc tế ăn ở ra sao, tổ chức các buổi liên hoan hay nói chuyện chuyên đề,...). 

Lần trước, gặp thầy ở hội thảo quốc tế Việt Nam học tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình). Lúc đó, thầy còn chống gậy (do bị ngã trong một lần đi thực tế tại Việt Nam nhiều năm trước); kết thúc hội thảo thì thầy nhờ tôi đưa về Khách sạn Cầu Giấy (hồi mà khách sạn chưa xây mới). Lúc đó, đi xe máy từ Mỹ Đình về, thầy hơi lóng ngóng cầm chiếc gậy lúc lên xe, rồi mình phải cầm luôn giúp cho gọn. Thầy ngạc nhiên: "Sao Giao lại có sẵn hai chiếc mũ bảo hiểm ?". 

Ở những lần trở lại thăm trường cũ gần đây (ví dụ lần này - hồi năm 2015), tôi đều ghé thăm Khoa Tiếng Việt, nhưng thầy Kawaguchi đã nghỉ, nên không có cơ hội gặp tại Nhật Bản.

Lần này, tháng 7 năm 2023, trông thầy khỏe hơn rất nhiều so với lần trước ở Mĩ Đình. Ông không còn chống gậy, mà đi lại rất nhanh trong hội trường hay bên ngoài khuôn viên nhà trường. Ông nói nhanh khi bắt tay, đại khái: năm này đã sang 74 tuổi rồi ! 

3. Tôi cũng tranh thủ gặp thầy Trần Ích Nguyên - một chuyên gia văn học Việt Nam (trung đại và cận đại) ở Đài Loan, trong đó có một mảng lớn là về hệ thống văn bản liên quan đến Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Từ rất lâu, thầy Trần Ích Nguyên đã quan tâm đến văn bản "Thần tích xã Vân Cát" (tên đầy đủ là Nam Định tỉnh Vụ Bản huyện Đồng Đội tổng Vân Cát xã thần tích) bản Hán văn đang được lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Năm 2012, trong hội thảo quốc tế tại Nam Định, ông đã cho in tóm tắt bài viết về văn bản đó, có phát biểu tại hội trường.

Bài đó của ông mãi không thấy bản toàn văn. Bởi vậy, ở bản in năm 2013 của cuốn kỉ yếu hội thảo quốc tế Nam Định, không có bài của ông.

Lần này, tôi hỏi về bản toàn văn, thì ông vui mừng chia sẻ ngay. Hóa ra, bài đó đã có bản toàn văn rồi ! Thật mừng !

Sắp tới, tôi sẽ giới thiệu cho bạn đọc Việt Nam về nghiên cứu này của Trần Ích Nguyên, có thể trong một luận giải chung của tôi về "Thần tích xã Vân Cát".

4. Lần này, khâm phục sức làm việc của nữ học giả Nguyễn Thị Oanh. Bắt đầu từ công việc nghiên cứu "truyện kể dân gian" so sánh Việt - Nhật, Việt - Trung, chị đã mở rộng, rồi kết nối các học giả đến từ các nước Đông Á. Một hội thảo thành công trên nhiều phương diện. 

Ở bên lề hội thảo, có một không gian bày bán sách nghiên cứu, trong đó có nhiều cuốn là của chị Oanh. Sưu thần kí do nhóm chị Oanh làm (bản in 2022, Nxb KHXH) có giá bìa 278k, nhưng được giảm giá 30%, nên chỉ còn chưa đến 200k. 

Tháng 7 năm 2023,

Giao Blog


-

---


CẬP NHẬT


1.

Danh nhân Nguyễn Thế Trực & Sứ trình thi tập

Vanvn- Trong bối cảnh những tư liệu của triều Tây Sơn (1778-1802) còn tồn tại cho đến ngày nay không nhiều, thì việc tìm ra danh tính của vị sứ giả khuyết danh – tác giả “Sứ trình thi tập” còn đang là một khoảng trống khoa học chờ giải đáp. Nay nỗi băn khoăn đó đã có câu trả lời.

1. Năm 2010, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Văn Sử (Đại học Phúc Đán, Trung Quốc) đã cùng hợp tác ấn hành bộ tùng thư “Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành”. Bộ tùng thư này gồm 25 tập 79 quyển, tập hợp các tác phẩm được viết bằng chữ Hán trong các chuyến đi sứ của sứ thần Việt Nam sang Trung Hoa trên đoạn đường từ Mục Nam Quan đến Yên Kinh. Các tác phẩm này được viết dưới cả hình thức văn xuôi và thơ ca, nhưng chủ yếu là thơ ca, bên cạnh các nội dung ghi chép lại về đất nước, con người, phong tục tập quán, cảnh quan của Trung Quốc thì có nhiều tác phẩm còn miêu tả nỗi niềm xa quê của các sứ thần Việt Nam trên chặng đường đi sứ.

Trong bộ tùng thư này, đã thu thập 9 bộ thơ đi sứ triều Tây Sơn, có thể kể đến như “Tinh sà kỉ hành” của Phan Huy Ích, “Hoàng hoa đồ phả” của Ngô Thì Nhậm, “Hoa trình tiêu khiển tập” của Nguyễn Đề… Trong số 9 bộ thơ đi sứ nói trên, có một bộ duy nhất là “Sứ trình thi tập” hiện đang còn chưa thống nhất về danh tính tác giả.

Bộ thơ này được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.1123, với trang bìa đề “Phan Thanh Giản trứ” nhưng nhiều nhà nghiên cứu lại nhận định rằng tác giả của “Sứ trình thi tập” không phải là Phan Thanh Giản (1796-1867) người từng phụng mệnh đi sứ nhà Thanh năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) mà là một vị sứ giả khuyết danh dưới triều Tây Sơn.

Mộ của quan Hình bộ Tham tri kiêm Quốc Tử Giám đốc học Nguyễn Thế Trực tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

2. Là một học giả người Đài Loan (Trung Quốc) đã dành rất nhiều tâm huyết trong gần bốn mươi năm nghiên cứu về di sản Hán học của Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Ích Nguyên (Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan, Trung Quốc) đã tìm ra câu trả lời cho khoảng trống khoa học ấy.

“Sứ trình thi tập” gồm 150 bài thơ chữ Hán. Có học giả Trung Quốc suy đoán rằng, tập thơ này có khả năng không phải chỉ do một người viết mà là của nhiều tác giả. Trong số đó, có một vị tác giả là người “từng đi sứ với Nguyễn Đề”, hoặc “rất có thể là thành viên trong đoàn đi sứ nhà Thanh với Nguyễn Đề”. Nguyễn Đề từng đi sứ nhà Thanh hai lần vào các năm 1789 và 1795, cùng lúc để lại tiền tập và hậu tập của “Hoa trình tiêu khiển tập”.

Sau khi đối chiếu kỹ lưỡng tác phẩm của Phan Thanh Giản và Nguyễn Đề, học giả Trần Ích Nguyên xác định tác giả khuyết danh triều Tây Sơn của “Sứ trình thi tập” chắc chắn không phải là Phan Thanh Giản, cũng không phải là người đi sứ cùng Nguyễn Đề. Những chứng cứ mà học giả Trần Ích Nguyên tìm thấy đã xác thực tác giả của “Sứ trình thi tập” triều Tây Sơn chính là một vị Giáp phó sứ hoặc Ất phó sứ cùng đi sứ nhà Thanh với Ngô Thì Nhậm vào năm 1793 để báo tang và cầu phong.

Ngô Thì Nhậm (1746-1803) là người từng phụng mệnh đi sứ nhà Thanh để cầu phong vào năm Cảnh Thịnh nguyên niên (1793) triều Tây Sơn. Qua so sánh đối chiếu hai tác phẩm “Hoàng hoa đồ phả” của Ngô Thì Nhậm và “Sứ trình thi tập”, có thể thấy được những địa điểm trong hành trình đi sứ của hai tác giả là trên cùng một lộ trình. Quan trọng hơn, trên đường đi trước khi thông quan, họ đều từng có thơ lưu lại tặng cho Thị lang bộ Công (Vũ Huy Tấn), sau khi thông quan lại cùng làm thơ xướng họa với viên quan đưa tiễn Tri huyện Liễu Thành Lý Hiến Kiều (hiệu Thiếu Hạc, 1746-1797). Cuộc bút đàm, xướng họa của hai vị sứ thần Việt Nam với Lý Hiến Kiều, địa điểm chính là từ Ninh Minh đến Nam Ninh nơi Lý Hiến Kiều phụ trách nhiệm vụ đưa tiễn, thời gian cũng được xác định là từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 âm lịch năm 1793.

Hành trình đi tìm danh tính tác giả “Sứ trình thi tập” của học giả Trần Ích Nguyên đã nhận được sự giúp đỡ của nghiên cứu sinh Trần Thị Xuân (Đại học Hamburg – Đức) và nhờ vào cơ hội tiếp cận được bài viết “Quốc Tử Giám đốc học Nguyễn Thế Trực – Người làm quan trải ba triều đại (Chúa Nguyễn – Tây Sơn – Nguyễn)” của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Tâm Hạnh. Từ đó, ông biết được Nguyễn Viết Trực chính là Nguyễn Thế Trực (1745-1807), thông tin này mở ra đầu mối quan trọng trong việc xác nhận tác giả thật sự của “Sứ trình thi tập”.

3. Trước năm 2006, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Tâm Hạnh tiến hành điền dã tại thôn Lộc An, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (trước là xã Lộc An, huyện Quang Lộc, phủ Quảng Thuận) và tiếp xúc với “Nguyễn Thế gia phả” của dòng họ Nguyễn Thế. Gần đây, với sự giúp đỡ của tộc trưởng Nguyễn Thế Hoàn, con cháu đời thứ 14 dòng họ Nguyễn Thế ở thôn Lộc An, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, học giả Trần Ích Nguyên đã tiếp cận được tài liệu gốc về bản chép tay của thánh chỉ và sắc phong. Từ đó, ông biết được tổ tiên đời thứ 8 của dòng họ Nguyễn Thế tại xã An Lộc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là Nguyễn Thế Trực (tức Nguyễn Viết Trực). Nguyễn Thế Trực đã từng làm quan và đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trải qua ba triều đại Chúa Nguyễn, triều Tây Sơn và triều Nguyễn.

Chứng cứ quan trọng nhất chính là Nguyễn Thế Trực (tức Nguyễn Viết Trực) từng làm quan đến chức Hiệp trấn tại “Sơn Nam thượng xứ” từ ngày 19 tháng 10 đời vua Quang Trung năm thứ 2 (1789) đến ngày 15 tháng 10 đời vua Quang Trung năm thứ 5 (1792) triều Tây Sơn. Trùng hợp với đó, bài thơ thứ ba trong “Sứ trình thi tập” là “Quá Sơn Nam thượng trấn hữu hoài”, phía dưới có chú rằng “Tiền lưu nhậm tại thử” (Trước từng nhậm chức tại đây).

Theo khảo cứu, trấn Sơn Nam thượng nay là tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và một phần Hà Nội, từ nội dung của bài thơ này có thể thấy, một năm trước (1792), vào dịp trung tuần tháng mạnh đông (vào giữa tháng 10), nhà thơ mới thôi đảm nhiệm chức Hiệp trấn xứ Sơn Nam thượng, không ngờ rằng đầu mùa xuân năm sau đó (1793) ông lại phụng mệnh đi sứ qua nơi này. Quan viên địa phương và dân chúng đương nhiên vẫn còn nhớ ông, phần vì chia sẻ ông thân vinh dự là đặc sứ của quân vương, phần cũng vì cảm thấy đau lòng thay ông vì sự mệt mỏi vất vả trên đường đi sứ. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, vị thi nhân sứ giả “trước từng nhậm chức tại đây” chính là Hộ bộ tả đồng nghị Nguyễn Viết Trực (tức Nguyễn Thế Trực), ông đúng là tác giả thật sự của “Sứ trình thi tập”.

Kết quả khảo sát của học giả Trần Ích Nguyên đã cung cấp những thông tin khoa học quan trọng. Vào năm đầu tiên niên hiệu Cảnh Thịnh nguyên niên (1793) triều Tây Sơn, Chánh sứ đi sứ nhà Thanh Ngô Thì Nhậm có sáng tác “Hoàng hoa đồ phả”, Giáp phó sứ Nguyễn Viết Trực (tức Nguyễn Thế Trực) cũng viết “Sứ trình thi tập”, lưu lại những ghi chép đáng quý về hoạt động ngoại giao và giao lưu văn học giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nay việc khảo biện tác giả khuyết danh triều Tây Sơn của “Sứ trình thi tập” đã hoàn thành và xác định tác giả thật sự của thi tập này, làm tăng thêm độ tin cậy của tư liệu, đồng thời cũng giúp dòng họ Nguyễn Thế ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình tìm thấy di tác từ hơn 200 năm trước của ông tổ đời thứ 8 là Nguyễn Thế Trực. Đây có thể coi là phát hiện mới quan trọng về danh nhân lịch sử và di sản văn hóa tỉnh Quảng Bình.

4. Được biết, giáo sư Trần Ích Nguyên đã có cuộc hẹn với tộc trưởng Nguyễn Thế Hoàn, con cháu đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn Thế vào buổi sáng ngày 26.7 tới. Ông sẽ đến thăm mộ của Tham tri bộ Hình kiêm Đốc học Quốc Tử Giám Nguyễn Thế Trực tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tại đây, ông sẽ trao lại di tác “Sứ trình thi tập” và bài nghiên cứu của ông cho dòng họ Nguyễn Thế lưu giữ.

Toàn bộ những nội dung khảo sát chi tiết để đi đến kết luận khoa học nói trên được học giả Trần Ích Nguyên công bố trong tham luận của mình tại Hội thảo khoa học quốc tế “Giao lưu văn hóa – văn học Việt Nam với các nước Đông Á thời trung – cận đại” được tổ chức tại Trường đại học Thăng Long (Hà Nội) vào ngày 23.7.2023.

NGUYỄN THU HIỀN

Theo Thời nay

https://vanvn.vn/danh-nhan-nguyen-the-truc-su-trinh-thi-tap/?fbclid=IwAR39LmWdUeMMqD2UbBU2CzKjsBbcmRPrGD1W3xItfd5kfdLLBUDDfsEtRKw

..

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.