Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/02/2023

Minh Thệ năm 2023 : cập nhật và bình luận sau lễ hội

Về hội Minh Thệ ở Hải Phòng, trên Giao Blog, có thể đọc nhanh lại ở đây hay ở đây. Bài viết đầu tiên về Minh Thệ của chủ nhân Giao Blog là năm 2011, bản công bố đầu tiên là trên báo giấy Kinh tế và Đô thị. Bài viết học thuật đầu tiên thì công bố trên tạp chí Văn hóa Dân gian (số 1 năm 2012, xem ở đây).

Một phần kết quả nghiên cứu được báo cáo tại hội thảo quốc tế tại Quảng Châu năm 2012 (có thể đọc nhanh ở đây và ở đây).

Tôi luôn sử dụng là "Minh Thệ" (chữ "Thệ" mang dấu nặng). Nhưng bây giờ, trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lại ghi là "Minh Thề" (chữ "Thề" mang dấu huyền). Xem nhanh ở đây.

Dưới là cập nhật năm 2023 và các bình luận.

Bình luận đầu tiên là của bác Nguyễn Thông - một người sinh trưởng ở ngôi làng cách không xa địa điểm tổ chức Minh Thệ hàng năm.

Tháng 2 năm 2022,

Giao Blog




Mai Châu (Quảng Đông, Trung Quốc), tháng 4 năm 2012



---



Năm 2023


..

MAI DUNG  -  Thứ bảy, 04/02/2023 17:48 (GMT+7)


Ngày 4.2 (tức 14 tháng Giêng), tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền - chùa Hòa Liễu (thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng), UBND xã Thuận Thiên tổ chức lễ hội Minh Thề với sự tham gia của đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/hang-nghin-du-khach-ve-du-le-hoi-minh-the-o-hai-phong-1144313.ldo

..




---

Bình luận



1.

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Nói ngay, đó là hội được tổ chức vào giữa tháng giêng (khi nói tháng giêng nghĩa là theo lịch ta rồi, không cần phải viết tháng giêng âm lịch, còn ai đó gọi tháng 1 tây là tháng giêng thì hết sức ngớ ngẩn) ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, cùng huyện Kiến Thụy xứ Phòng (Hải Phòng) quê tôi. Từ nhà thày bu tôi tới chùa Hòa Liễu, nơi tổ chức hội thề, chỉ cách chưa đầy 3 cây số, phóng xe máy vèo cái đã tới. Hồi bé tôi hay sang đó, vác dậm lùng sục kiếm cá mú tôm tép ở những khu ruộng, đầm quanh chùa cổ.

 
Những năm ấy chả bao giờ thấy hội thề, đơn giản bởi chính quyền quy tất cả những gì của phong kiến là bảo thủ, lạc hậu, mê tín dị đoan, nên dẹp sạch. Đình to hoành tráng như đình Trà làng tôi họ còn phá tanh bành thì hội hè chả là quái gì. Tới giờ, trong tai tôi vẫn văng vẳng câu hát đầy khí thế cách mạng “Phá đình đi! Phá đình đi!” phổ biến tới cuối thập niên 60. Năm 1964 thì họ phá thật, lấy gỗ đá gạch ngói của ngôi đình thuộc hạng to nhất vùng duyên hải Bắc Bộ để làm… chuồng lợn. Chùa-đình Hòa Liễu, họ chưa kịp ra tay, còn ngự được tới giờ là may.

Cái hội thề này, tuy diễn ra ở làng Hòa Liễu khác xã, nhưng với dân làng Trà chúng tôi lại không hề xa lạ. Người khai sinh, đẻ ra nó là bà Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ đức vua đầu triều Mạc Đăng Dung, giữa thế kỷ 16. Bà người làng tôi, vốn con gái gia đình nông dân, nhưng xinh đẹp, giỏi giang. Khi đức ngài Mạc Đăng Dung quê làng Cổ Trai làm đảo chính lật nhà Lê lên ngôi vua, bà trở thành hoàng hậu. Câu dân gian “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa” nguyên do vậy.

Bà hoàng hậu họ Vũ từng phát tâm công đức xây nhiều ngôi chùa trong vùng, đáng kể nhất là chùa Trà Phương (Thiên Phúc tự) làng tôi, và chùa Hòa Liễu (cũng mang tên Thiên Phúc tự). Khi đã có chùa, dân chúng tu tập, rồi tổ chức những hội này lễ nọ, theo thời gian cứ thế mà dày lên, rồi cũng theo thời gian, trải qua dâu bể lại xẹp xuống, có khi mất tích.

Từ bấy, theo “chỉ đạo” của hoàng hậu, sinh ra hội thề. Cứ căn vào sử sách và lời người xưa, thì tên chính xác của nó là “Minh thệ hội”. Sinh thời, thày tôi vẫn nhắc đúng cái tên ấy, Minh thệ hội, đọc xuôi thành Hội minh thệ, diễn giải ra quốc ngữ là Hội thề. Khi thày tôi còn làm thư lại ở phủ Kiến Thụy (phủ chỉ cách chùa Hòa Liễu khoảng 2 cây số, năm cách mạng cướp chính quyền, phủ bị phá sạch sành sanh bởi nó là trụ sở đầu não của bọn thực dân phong kiến) hầu như năm nào cũng dự hội thề này nên biết rất rõ. Tới năm 1955, sau khi người Pháp rút hết khỏi Hải Phòng - Kiến An (Kiến Thụy khi ấy thuộc tỉnh Kiến An) thì chính quyền mới dẹp luôn, không hội thề hội thiếc gì sất. Cứ phong kiến là đào tận gốc, trốc tận rễ. Chết lịm mấy chục năm, tới năm 2002, người ta, cũng chính những ông bà đã dẹp, hoặc con cái các ông bà ấy, lại ra lệnh phục hồi “những tàn dư phong kiến”, chả riêng gì lễ hội Minh thệ.

Tôi biên sơ sơ những điều về lễ hội này, còn những thứ cần nói nhất liên quan tới nó (đang diễn ra), xin dành cho bài sau (đưa lên ngày mai, bởi dài quá rồi). (còn tiếp)

Nguyễn Thông

https://thongcao55.blogspot.com/2023/02/lan-man-ve-cai-hoi-chong-tham-nhung.html

..



Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

Hôm 16 tháng giêng Quý Mão 2023, khi tôi đang lạch cạch mổ đám phím đẻ ra những chữ này thì hội thề vào ngày cuối, bởi theo tục lệ mới, nó diễn ra 3 ngày, rằm và trước sau rằm. Nó không còn đơn thuần hội nữa mà là lễ hội. Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo, gớm, thề thốt gì mà thề lắm thế. Tợp xong ngụm nước chè, lão chốt lại phần lý luận, đèo, xứ này thề chống tham nhũng có mà thề cả năm.


Nhiều người đọc phần 1 đã rất bức xúc chuyện thề chống tham nhũng ở lễ hội làng Hòa Liễu đất cảng. Rằng sao chỉ có mấy ông bô lão, cán bộ thôn và dân làng, “đối tượng” này trên răng dưới cát tút, quần quật kiếm sống suốt ngày, một tí quyền hành bằng mẩu móng tay cũng không có, thì tham nhũng cái quái gì. Có mà chống vào mồm. Cán bộ chả ông nào chịu thò mặt ra thề, xã chẳng mấy ai, huyện càng vắng, thành phố không, trung ương chả dại gì. Có mà thề cá trê chui ống. Thề chưa ráo mép đã phạm tội thì tội càng nặng. Dại gì thề để lạy ông tôi ở bụi này, khai đang trốn trong đống rơm. Ngay cả như ông Phúc đặt tay trên ngực trịnh trọng thề trước quốc hội mà còn chẳng ăn ai, đâu có mấy người tin, vậy thề ở chùa xóm thì làm được trò gì. Vui là chính, lừa dân được tới đâu hay đến đấy. Cũng có người ôn hòa hơn, bảo rằng đây chỉ là lễ hội cấp làng, cao hơn tí nữa thì xã, chứ nó đã được nâng thành cấp huyện, thành phố, trung ương đâu mà bắt đám quan chức nhơ nhỡ, nhơn nhớn tới thề. V.v…
 
Giời ạ, nhà cháu không định viết về mấy ý ấy, mà cái khác cơ. Về sự dốt nát.

Đọc hết các báo, tất nhiên là báo chí mậu dịch, báo quốc doanh, bởi xứ này không có loại báo nào khác, từ báo Hải Phòng tới báo Nhân Dân, báo ngành/đoàn thể như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Công an, Quân đội, Lao động, báo nói như VTV đài truyền hình quốc gia, VOV đài mồm quốc gia, thông tấn như TTXVN, rồi các trang tin điện tử cấp huyện cấp tỉnh cấp trung ương… đều gọi cái lễ hội, hội thề ở chùa Hòa Liễu xứ Phòng ấy là “Hội minh thề”. Tôi xin nhấn mạnh, họ đều viết, đều nói là “thề”. Có những ông bà quan chức hoặc anh chị nhà báo ít chữ thậm chí còn phân tích, tán tỉnh minh thề tức là lời thề trong sáng, rõ ràng, không mù mờ giấu diếm, thể hiện sự sòng phẳng, minh bạch, công khai…
Giời ạ, thề ngay tại chùa, giữa thanh thiên bạch nhật, trước hàng nghìn con mắt cái tai của dân chúng sở tại và khách du xuân, có muốn mù mờ cũng chẳng được. Tán kiểu ấy là tán vớ tán vẩn, tuy nhiên cái sai lại nghiêm trọng ở chỗ khác.

Tên gốc của hội này là Minh thệ hội, Hội minh thệ. Đó là cụm từ gốc Hán Việt. Chữ “hội” ta không cần bàn, ai cũng tỏ rồi. Còn chữ “minh” và chữ “thệ”. Thệ nghĩa là thề, thề thốt. Minh cũng có nghĩa là thề, thề hẹn. Hầu hết cứ nhầm chữ “minh” chỉ là ánh sáng, sáng sủa. Chữ “minh” trong tiếng Hán có nhiều dạng tự đồng âm. Chữ “minh” nghĩa là thề khác với chữ “minh” nghĩa là ánh sáng. Hội minh thề có nghĩa là hội thề, chẳng sáng sủa chi hết, đừng có vơ vào, ghép vào, tán nhằng. Ai còn phân vân về chữ “minh” (thề) thì hãy đọc lại truyện Kiều của cụ Tiên Điền Nguyễn Du. “Đệ lời thệ hải minh sơn”. Cô Kiều từng cùng với chàng Kim thề thốt yêu nhau, thệ hải minh sơn nghĩa là thề (thệ) với biển, thề hẹn (minh) với núi, thề có núi và biển chứng giám, chúng tôi không dám sai lời. Khi gia cảnh gặp cơn tai biến, Kiều đành phải gác lại lời thề xưa để làm tròn chữ hiếu. Trong truyện Lục Vân Tiên của cụ đồ Chiểu cũng có chi tiết chàng Lục và cô Kiều Nguyệt Nga “mấy lời thệ hải minh sơn”. Trai gái ngày xưa yêu nhau là cứ phải thề, còn thời nay chưa kịp thề đã dẫn nhau đi nhà nghỉ.

Rất nhố nhăng, khi các ông bà chính quyền phục dựng lại hội thề đã chỉ chăm chút vào mấy thứ hình thức lòe loẹt mà không biết gọi đúng cái tên của nó. Ai đời lại nửa ta nửa tàu, gọi bằng “Hội minh thề”. Nếu ngại dùng tên cũ “Hội minh thệ” thì cứ gọi thẳng là hội thề, hội thề chống tham nhũng. Lại còn tán tụng minh thế này, sáng thế kia. Chắc nhiều người biết, thời Hậu Lê (Lê Lợi) có hội thề rất nổi tiếng, Lũng Nhai thệ hội, người đời sau gọi giản dị, chính xác, dễ hiểu là Hội thề Lũng Nhai. Cứ thế đi, chứ lại oắn oéo hội minh hội thề, chả giống ai.

Đám quan chức vốn chỉ chuyên về cao cấp chính trị nếu không biết gì đã đi một nhẽ. Đòi hỏi quan chức lãnh đạo phải có tầm văn hóa khác chi đòi gấu mọc sừng. Đằng này các bô lão, các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, nhà sử siếc cũng chả thấy ai lên tiếng. Bảo rằng dốt thì giãy nảy lên, vậy sao cứ để cái sai nhí nhố đó truyền qua hết năm này tháng khác. (còn tiếp)

Nguyễn Thông


https://thongcao55.blogspot.com/2023/02/lan-man-ve-cai-hoi-chong-tham-nhung-ky-2.html

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.