Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/02/2023

Vấn nạn đốt vàng mã ở Việt Nam hiện nay (trò chuyện tại VTC14 tối 12/2/2023, phút 13:20 ~ 26:18)

Chương trình Bản tin - Chào Buổi tối quay phát trực tiếp tại trường quay của VTC14. Chương trình có 30 phút, dẫn chương trình là MC Thanh Liêm.

Thanh Liêm nêu 4 câu hỏi, chủ nhân Giao Blog trả lời, trong khoảng 12 phút (từ phút 13:20 ~ 26:18).




Ảnh cắt ra từ video đã phát.


Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=lz4lRMpTGnE&t=4s

Ngẫu nhiên trùng hợp là, đầu giờ sáng Chủ Nhật 12/2, người bạn vong niên Nguyễn Thanh Sơn ở Bắc Giang gọi điện cho chủ nhân Giao Blog bày tỏ bức xúc của anh về hiện tượng đốt vàng mã trong dịp Tết Nguyên Đán 2023. Hai anh em nói chuyện khá lâu trên điện thoại.

Buổi tối, tại VTC4, mình có kể sự thực về búc xúc của anh Sơn.

Tháng 2 năm 2023,

Giao Blog



..



https://www.youtube.com/watch?v=skMY1s-5xTw



..


Đốt vàng mã – Thành tâm hơn lãng phí | VTC14

https://www.youtube.com/watch?v=AP_JkYV3ghw

VTC14 | ĐỐT VÀNG MÃ – THÀNH TÂM HƠN LÃNG PHÍ
Tục đốt vàng mã vào những ngày lễ Tết hay ngày rằm, mùng 1 hàng tháng đã có từ xa xưa - với ý nghĩa thiện tâm hướng về tổ tiên, nguồn cội. Khi hóa những món đồ bằng giấy gửi về cõi âm cũng là lúc mọi người thành tâm gửi gắm nhiều điều mong muốn, nguyện cầu thuận lợi cho dương thế.

..




---

BỔ SUNG


2.

Thứ Năm, 3/9/2020 16:35'(GMT+7)

Không đốt vàng mã tại các cơ sở Phật giáo – Từ nhận thức đến hành động

Bên cạnh ý nghĩa nhân văn, nhân ái, xiển dương truyền thống đạo đức tốt đẹp của dịp lễ này, vẫn còn những hiện tượng lạm dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để tuyên truyền các hoạt động mê tín dị đoan, đặc biệt là tình trạng đốt nhiều vàng mã tại tư gia và các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hành động quyết liệt nhằm chấn chỉnh các hoạt động lệch chuẩn tâm linh Phật giáo, trong đó có việc ban hành văn bản chỉ đạo việc không đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội. Tình trạng cúng, đốt vàng mã, do đó, đã được giảm thiểu một cách tích cực.

Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Trung tâm Thông tin, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương GHPGVN

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Ban Thông tin – Truyền thông

Trung ương GHPGVN

Phóng viên (PV): Thưa Hoà thượng, thói quen đốt vàng mã của người Việt có nguồn gốc từ đâu? Giáo lý Phật giáo có đề cập đến việc đốt vàng mã hay không?

Hòa thượng Thích Gia Quang: Tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc, phát triển mạnh vào thế kỷ II đến thế kỷ VII Tây lịch. Bản thân người Việt không có tập tục này, nhưng do ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc sau 1000 năm Bắc thuộc hình thành nên thói quen đốt vàng mã tại các di tích thờ tự, đền, chùa, phủ, miếu… và đốt tại nhà vào các dịp cúng gia tiên.

Đốt vàng mã thực chất chỉ là tín ngưỡng xa xưa, hoàn toàn không có trong Giáo lý Phật giáo. Trong các kinh sách Phật giáo đều không đề cập đến việc đốt vàng mã. Tất cả hệ phái Phật giáo Nguyên thủy tại Ấn độ, Thái Lan, Srilanka, Tích Lan đều không có tục đốt vàng mã.

Do vậy, việc đốt vàng mã hoàn toàn không phải là mỹ tục trong văn hóa Việt, không phù hợp với tinh thần đạo Phật mà chỉ là sự bắt chước một cách vô thức tín ngưỡng Trung Quốc xa xưa. Ngày nay việc đốt vàng mã đã không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Việc người dân bắt chước, lạm dụng đốt vàng mã mà không hiểu bản chất chính là biểu hiện mê tín dị đoan.

PV: Tập tục đốt vàng mã tác động theo hướng tích cực hay tiêu cực như thế nào tới tự nhiên, môi trường và văn hoá, xã hội?

Hòa thượng Thích Gia QuangTập tục đốt vàng mã có cả mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực ở chỗ, vàng mã là vật phẩm mang tính tượng trưng, việc sử dụng vàng mã là biểu hiện sự kết nối, tấm lòng hiếu thảo giữa người sống và những người đã khuất.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng vàng mã thì phần tiêu cực lấn át cả phần tích cực. Khi sử dụng vàng mã thiếu hiểu biết, đốt vàng mã quá nhiều mà không nhận thức được đó chỉ là hành động mang tính tượng trưng thì ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, gây lãng phí của cải xã hội.

Đốt vàng mã làm gia tăng lượng khí thải CO2 ra môi trường, gây hiệu ứng nhà kính, góp phần hủy hoại sự cân bằng sinh thái và môi trường sống của con người và các loại động, thực vật. Đốt vàng mã không đúng nơi, đúng chỗ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn giao thông, dễ gây tai nạn...

Đặc biệt, đốt vàng mã gây ra lãng phí lớn về của cải vật chất khi người dân dùng tiền thật mua vàng mã rồi lại đem đốt, chưa kể tổng số giấy dùng để chế vàng mã, nếu quy thành tiền mặt cũng là con số không nhỏ, trong khi xã hội vẫn còn nhiều người thiếu ăn, thiếu mặc. Do đó, việc đốt vàng mã cần phải hạn chế dần dần, tiến tới loại bỏ triệt để.

PV: Trung ương GHPGVN trong những năm gần đây rất quyết liệt trong công tác chấn chỉnh các hoạt động lệch chuẩn tâm linh Phật giáo, trong đó có việc ban hành một số văn bản chỉ đạo việc không đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội. Xin Hoà thượng cho biết, Ban Trị sự các địa phương, các cơ sở tự viện đã triển khai thực hiện các chỉ đạo này như thế nào?

Hòa thượng Thích Gia QuangChuyện đốt vàng mã không phải là vấn đề mới đây mà trong công cuộc chấn hưng Phật giáo diễn ra hơn 60 năm trước, các bậc cao tăng đã kêu gọi bài trừ hủ tục mê tín dị đoan trong đó có tục đốt vàng mã, làm trong sáng văn hóa Phật giáo và phục hưng văn hóa dân tộc.

Hiện nay, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, việc sử dụng vàng mã vẫn được tiếp tục, thậm chí có những giai đoạn có xu hướng tăng. Để kịp thời chấn chỉnh các hiện tượng lệch chuẩn trong Phật giáo, GHPGVN đã ban hành các văn bản hướng thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm tại các nơi thờ tự, các dịp lễ hội của Phật giáo. Giáo hội ban hành riêng một công văn số 31/CV-HĐTS đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Sau khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự các tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản khuyến nghị các chùa, tự viện trên địa bàn thực hiện nghiêm hướng dẫn của Trung ương Giáo hội, chỉ rõ việc người dân nếu không hiểu rõ, nhận thức đúng, thì việc đốt vàng mã, lạm dụng đốt vàng mã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực tới môi trường và đời sống xã hội.

Tại các chùa, tăng, ni yêu cầu người dân không được đem vàng mã tới chùa bằng cách in các biển hiệu thông báo, phát tờ rơi giải thích sự mê tín di đoan trong vấn đề đốt vàng mã, đồng thời khai thị, giải thích để người dân hiểu, vận động bà con dùng tiền mua vàng mã để hồi hướng công đức vào các hoạt động từ thiện.

Trong các khóa tu cho Phật tử, Nhân dân tại các chùa đều tổ chức thuyết giảng về vấn đề đốt vàng mã, tại sao ko nên đốt, nhấn mạnh đó là quan niệm mê tín dị đoan có nguồn gốc từ văn hóa Trung Quốc, không còn phù hợp với xu hướng cuộc sống hiện đại. Các tăng, ni đồng thời tuyên truyền cho Phật tử, bà con khi cúng giỗ tổ tiên tại nhà cũng không đốt vàng mã.

Có những tự viện không xây, đặt lư đốt, hóa vàng mã trong khuôn viên cơ sở mình, như hệ thống Thiền viện Trúc Lâm.

PV: Với vai trò Trưởng ban Thông tin – Truyền thông Trung ương GHPHVN, Hoà thượng đánh giá như thế nào về kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức và thói quen của tăng, ni, Phật tử và Nhân dân trong việc sử dụng vàng mã?

Hòa thượng Thích Gia QuangNhận thức và thói quen của con người cần phải có thời gian để thay đổi. Việc tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ thói quen đốt vàng mã là làm sao để Phật tử, Nhân dân nhận thức được đốt vàng mã có đúng với giáo lý Phật giáo hay không, mang lại lợi ích thật sự hay chỉ mang tính chất biểu tượng tâm linh.

Với quyết tâm của Giáo hội, chức sắc, tăng, ni đã động viên, tuyên truyền, giảng giải, đem Giáo lý đạo Phật đến với mọi người để Phật tử, Nhân dân hiểu được việc đốt vàng mã không có trong chính pháp Phật giáo, đồng thời gây những tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội.

Rất nhiều Phật tử đã tin theo, làm theo những hướng dẫn, khuyên răn của tăng, ni về việc không đốt vàng mã. Người dân dần dần cũng đã thay đổi nhận thức về vấn đề đốt vàng mã qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền của ngành văn hóa, chính quyền các cấp và sự vận động của chức sắc, tăng, ni Phật giáo.

Chúng tôi nhận thấy rằng việc giảm thiểu dần thói quen đốt vàng mã đã và đang được thực hiện và đi vào đời sống của người dân Việt Nam chúng ta. Theo ghi nhận của Giáo hội, dịp lễ Vu Lan năm nay, chúng tôi thấy rất rõ việc đốt vàng mã giảm đi rất nhiều. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ nhận thức của Nhân dân về đốt vàng mã đã tiến bộ rất nhiều. Giáo hội sẽ tiếp tục việc tuyên truyền, vận động, cùng với ngành văn hóa và chính quyền các cấp để sớm hạn chế và dần loại bỏ tục đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự, các dịp lễ hội và trong đời sống xã hội.

PV: Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng!

https://sonoivu.namdinh.gov.vn/qlnn-ve-ton-giao/khong-dot-vang-ma-tai-cac-co-so-phat-giao-tu-nhan-thuc-den-hanh-dong-1127




1.

22/02/2018 10:51 GMT+7

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN


TTO - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ tục đốt vàng mã - Ảnh 1.

Người dân đốt vàng mã tại một chùa ở Bình Dương - Ảnh: Tiến Thành

Công văn số 31 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, phó chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký.

Công văn đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trị các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo.

"Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam", công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ.

Công văn cũng nhấn mạnh, trong các bài giảng tại các tự viện cần chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn.  

Theo Hòa thượng Tố Liên viết trên trang web chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với quan niệm thông thường, sau cái chết, con người cũng có một đời sống, cũng có các nhu cầu như khi đang ở dương thế. 

Một số người vì quá thương tiếc người thân đã mất, sắm đủ thứ vàng mã để đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ để người ở đã chết sử dụng ở cõi âm. 

Việc làm đó đôi khi thái quá, người ta có thể sắm vàng mã với hình dáng nhà lầu, xe hơi, máy lạnh, điện thoại di động, tiền mô phỏng đô- la Mỹ… để cúng cho người đã chết.

Hòa thượng Tố Liên khẳng định Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên. 

"Tại sao ngày Rằm tháng Bảy là ngày lễ trọng thể của Phật giáo mà thấy một số tín đồ nhà Phật đốt rất nhiều vàng mã để cúng gia tiên. Xin hỏi giới trí thức Việt Nam hiện tại tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào?" - Hòa thượng Tố Liên đặt câu hỏi.

https://tuoitre.vn/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-de-nghi-bo-tuc-dot-vang-ma-20180222092809043.htm

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.