Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

25/09/2022

Phủ Giầy Nam Định 2022 : kỉ niệm 5 năm (2016-2022) thực hành tín ngưỡng được ghi danh, tại Phủ Chính

Hoạt động kỉ niệm 5 năm tại phía Nam, xung quanh Phủ Giầy Sài Gòn, hồi tháng 8 năm 2022, thì Giao Blog đã điểm tin ở đâyở đây.

Bây giờ là đi nhanh một chút về hoạt động tại phía Bắc, xung quanh Phủ Giầy Nam Định, vào hạ tuần tháng 9 năm 2022.





1. Lần này, thú nhất là đồng hành về Phủ Giầy Nam Định cùng thầy Nguyễn Hùng Vĩ - một trong những người thầy đã mang đến cho chủ nhân Giao Blog cảm hứng về vẫn đề "tín ngưỡng dân gian" và "tín ngưỡng Mẫu Liễu" từ thời sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội - đầu thập niên 1990. Với xe máy 50 phân khối, thầy đã đưa trò đi điều tra các nơi thờ tự Mẫu Liễu, ví dụ, đã đưa trên Giao Blog đợt trước, là tháng 5 năm 1993 tại khu vực Phủ Tây Hồ - chùa Tây Hồ - làng Tây Hồ (xem ở đây, tháng 10 năm 2018).

Kỉ niệm tháng 5 năm 1993 tại khu vực Phủ Tầy Hồ với thầy Vĩ

Lần này, đón thầy đi từ sáng sớm tinh mơ.

Về đến địa bàn huyện Vụ Bản thì dừng lại ăn sáng. Chủ quán và một tốp thợ nhận nhầm thầy là "nhà sử học Lê Văn Lan". Tôi phải trả lời thay thầy rằng, đây là em trai "cụ Lê Văn Lan", là "nhà văn hóa Lê Văn Vĩ". Cụ cười vui, nheo nheo mắt ! Nhưng thú vị là sau đó, tốp thợ vừa hút thuốc lào vừa nói nhanh: chúng em cảm ơn những giải đáp của thầy trên tivi về phong tục tập quán.

Đúng rồi, họ có thể nhầm thầy là "nhà sử học", nhưng quan trọng hơn cả là họ nhớ đến một thầy giáo xuất hiện thường xuyên trên tivi giải đáp các thắc mắc về phong tục tập quán, ví như cách đi lễ đầu năm, cách đi tảo mộ, vân vân.

Kỉ niệm tháng 9 năm 2022 tại huyện Vụ Bản với thầy Vĩ

Tôi hỏi "nhà văn hóa": "Thầy có nhớ từng chuyến chúng ta cùng về Phủ Giầy Nam Định hồi đầu thập niên 1990 không ?". Thầy trả lời: "Nhớ chứ, nhớ từng chuyến rõ ràng". Thầy nói thêm: "Hồi đó, học lẫn nhau, rất thú vị, nên rất nhớ".

2. Ở giữa sân Phủ Chính, ngay sau khoảng 20 phút thăm lại Phủ Giầy Nam Định, thầy Vĩ đã gọi tôi ra nhà bia, đọc cho tôi chép một đôi câu đối bằng âm Hán Việt.

Tôi chép ra giấy, rồi ghi chữ Hán, luận bàn cùng thầy về chữ về nghĩa. 

Đôi câu đối này đã được tôi chế bản và gửi về Phủ Chính ít ngày trước. Đó là đôi câu đối dâng lên Thánh Mẫu của thầy Vĩ sau mấy chục năm du lãng Phủ Giầy Nam Định. 

3. Đầu giờ chiều, chúng tôi đưa thầy Vĩ sang thăm Đền Cây Đa Bóng (Nguyệt Du cung), tức nơi đã tổ chức hội thảo vào tháng 6 năm nay, xem lại ở đây.

Chỉ sau khoảng 15 phút trò chuyện, thầy Vĩ đã đưa ý tưởng về Hội Chơi Trăng. Về Hà Nội, chỉ sau 4 ngày, thầy đã hoàn thành một kịch bản về Hội.

Sẽ cập nhật các kết quả cụ thể sau.

4. Lần này, cũng là duyên kì ngộ, chủ nhân Giao Blog còn được gặp lần đầu với nhà thơ Nguyễn Thế Vinh (Nam Hà). Giao Blog sẽ mở một bài riêng giới thiệu về văn nghiệp, đặc biệt là thơ về Phủ Giầy và về Mẫu Liễu viết hồi đầu thời kì Đổi Mới, của Nguyễn Thế Vinh sau.


Tháng 9 năm 2022,

Giao Blog





---


CẬP NHẬT


3. Video của VCT10



GIAO LƯU THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT

96 lượt xem 22 thg 9, 2022

Trong 2 ngày 21 và 22-9, tại Phủ Tiên Hương (phủ chính) thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản), Hội Bảo vệ và Phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Nam Định tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

https://www.youtube.com/watch?v=rGDz5ERRSHw



2. Video tổng hợp của VTC6




Kỷ niệm 5 năm UNESCO ghi danh thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt | VTC6


3 lượt xem 26 thg 9, 2022

https://www.youtube.com/watch?v=p4uY2-54ITs

VTC6 |

Nhân kỷ niệm 5 năm UNESCO ghi danh thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, mới đây, Hội bảo vệ và phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Nam Định đã tổ chức chương trình giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Phủ Chính, thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.



1.

Cập nhật lúc18:52, Thứ Tư, 21/09/2022 (GMT+7)

Trong 2 ngày 21 và 22-9, tại Phủ Tiên Hương (phủ chính) thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản), Hội Bảo vệ và Phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Nam Định tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Lãnh đạo một số cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến dự.

Chương trình gặp mặt, giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt bao gồm các hoạt động: rước kiệu, tế Thánh, trống hội, thả đèn hoa đăng, trao đổi về thực hành đúng các nghi lễ… Chương trình còn có hoạt động thực hành nghi lễ hầu Thánh với các giá đồng do các thanh đồng, nghệ nhân ưu tú trong và ngoài tỉnh thực hiện, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương về dự.

Chương trình gặp mặt, giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một trong những hoạt động kỷ niệm 5 năm di sản “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ, phát huy giá trị di sản “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã cam kết với UNESCO (năm 2017); qua đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, niềm tự hào của cộng đồng, nhất là các chủ thể của di sản (nghệ nhân, thanh đồng, cung văn) trong việc gìn giữ, thực hành, trao truyền và phát huy giá trị di sản, đảm bảo sức sống lâu bền của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống tinh thần của nhân dân./.

Khánh Dũng

http://baonamdinh.vn/channel/5083/202209/giao-luu-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-2553143/



Nam Định: Phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong đời sống đương đại

07/09/2022 | 15:18

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” do Thủ tướng Chính phủ cam kết với UNESCO (năm 2017), ngày 15-6-2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1255/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”.

Qua đó nhằm phát huy giá trị văn hóa của di sản trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân; tăng cường đối ngoại, giao lưu văn hóa gắn với phát triển du lịch tín ngưỡng tâm linh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nam Định: Phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong đời sống đương đại - Ảnh 1.

Trình diễn sân khấu hóa giá hầu đồng - Một hình thức quảng bá di sản hiệu quả.

Theo các nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ Mẫu có quá trình hình thành, phát triển lâu đời, khởi nguồn từ tín ngưỡng thờ Nữ thần do cộng đồng sáng tạo, trao truyền, nhằm gửi gắm ước vọng tốt đẹp. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là hình thức thờ cúng người “Mẹ” (Mẫu) hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu khác và những nhân vật lịch sử, huyền thoại có công với nước, với dân. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này đã trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu, khát vọng của con người mong muốn được bao dung, che chở trong cuộc sống.

Ở Nam Định, thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm: các nghi thức cúng lễ, nghi lễ Chầu văn (hầu đồng, hầu bóng), hát văn và lễ hội. Tiêu biểu tại di tích Phủ Dầy (tương truyền là nơi ghi dấu sự tích Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ hai), xã Kim Thái (Vụ Bản) và di tích Phủ Quảng Cung (nơi ghi dấu sự tích Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất), xã Yên Đồng (Ý Yên), lễ hội được các địa phương tổ chức vào dịp đầu xuân mới từ mồng 3 đến mồng 10-3 âm lịch hàng năm. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện các yếu tố văn hóa truyền thống như: trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian và nhiều hoạt động văn hóa như: hoa trượng hội, rước đuốc, rước thỉnh kinh, đấu cờ người, thả rồng bay, múa lân - sư - rồng… mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được người dân sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam điển hình với các phẩm chất tốt đẹp được linh thiêng hóa thành Tiên, Phật, Thánh: “Là Tiên, là Phật, là Ta/ Sinh sinh, hóa hóa cũng là Bà đây” (Câu đối tại Lăng Thánh Mẫu thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy). Với những giá trị nổi bật phản ánh sự đa dạng về văn hóa, bản sắc của cộng đồng, “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định” và “Lễ hội Phủ Dầy” đã được Bộ VH, TT và DL ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào các năm 2012, 2013. Như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và những thực hành liên quan chứa đựng giá trị đạo đức, nhân văn sâu sắc. Các vị thần trong các điện thờ Mẫu đều là những nhân vật lịch sử có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc như: Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí, Phùng Khắc Khoan, Lê Chân…; qua đó thể hiện ý thức hướng về nguồn cội, góp phần giáo dục nhân cách, cổ vũ, ca ngợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ. Chính vì vậy, qua bao thăng trầm, tín ngưỡng này cùng các thực hành liên quan đã đi sâu vào đời sống tinh thần người dân và được cộng đồng gìn giữ, lưu truyền.

Sau khi được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị văn hóa truyền thống tín ngưỡng thờ Mẫu, đạo lý, suy tôn, phụng thờ người “Mẹ” (Mẫu) của người Việt cũng như vai trò của di sản trong đời sống cộng đồng, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng. UBND tỉnh đã tiến hành quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đối với Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản) và phân cấp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh để chống xâm phạm di tích và các hoạt động xây dựng ảnh hưởng đến cảnh quan di tích. Tiếp đó, tỉnh xây dựng và triển khai Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”.

Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của ngành VH, TT và DL và các cấp chính quyền các địa phương trong tỉnh thì vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản ngày càng được nâng cao. Chủ thể của di sản trong quá trình tham gia sáng tạo, thực hành, bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu gồm chủ thể cộng đồng (người dân tại các địa phương có di sản) và chủ thể cá nhân (người tham gia nghi lễ, lễ hội và trực tiếp thực hành tín ngưỡng). 5 năm qua, vai trò của các đồng thầy, thủ nhang và những người giữ quyền sở hữu cơ sở vật chất của di tích thờ Mẫu ngày càng được nâng cao trong việc quản lý di sản, điều hành các nhóm bản hội. Trong các nguồn cung cấp cung văn cho sinh hoạt nghi lễ Chầu văn, nhiều thế hệ cung văn xuất thân từ thôn Khả Lang, xã Yên Dương (Ý Yên) và xã Kim Thái (Vụ Bản) đã trở thành lực lượng nòng cốt duy trì và tạo sức sống bền vững cho di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 500 người trực tiếp tham gia thực hành nghi lễ Chầu văn gồm hầu đồng, hát văn và chơi nhạc cụ. Trong đó, bản hội có gần 150 người, câu lạc bộ hơn 80 người, hoạt động tự do hơn 200 người; có 12 hội, bản hội, số lượng con nhang, đệ tử thường trực từ 100-300 người; 7 câu lạc bộ hát văn, hát chầu văn.

Giai đoạn 2015-2021, toàn tỉnh có 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Năm 2020, được sự cho phép của UBND tỉnh, Hội Bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được thành lập với sự tham gia của hơn 300 hội viên. Đây là tổ chức cộng đồng đầu tiên được cấp thẩm quyền cho phép thành lập, hoạt động theo tôn chỉ, mục đích: tập hợp, đoàn kết hội viên và cộng đồng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung tay bảo vệ, phát huy giá trị đặc sắc của di sản. Đồng thời tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của di sản bằng các hình thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, xuất bản ấn phẩm, nói chuyện chuyên đề, triển lãm, vận động hội viên và cộng đồng chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của tỉnh về lĩnh vực bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Tại một số địa phương trong tỉnh đã thành lập được chi Hội Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; trong đó Chi hội ở huyện Hải Hậu có hơn 150 hội viên, chi hội ở huyện Giao Thủy có gần 100 hội viên... Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, hỗ trợ chuyên môn, đấu tranh, phê phán các hành vi xuyên tạc, lợi dụng di sản để trục lợi, các chi hội có nhiệm vụ đề xuất với các cấp chính quyền, ngành VH, TT và DL về các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực trạng trong thực hành di sản, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản, các chế độ chính sách tôn vinh, khen thưởng nghệ nhân, người có công trong việc bảo vệ và phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều hình thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cổ truyền đang bị mai một, có nguy cơ bị biến tướng, xuyên tạc. Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030” hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo sức sống lâu bền của tín ngưỡng thờ Mẫu; nâng cao nhận thức, lòng tự hào của cộng đồng, ý thức trách nhiệm của các thế hệ người dân, nhất là các chủ thể của di sản (nghệ nhân, thanh đồng, cung văn) trong việc gìn giữ, thực hành và trao truyền giá trị di sản. Theo Đề án, đến năm 2022, xây dựng hệ thống các văn bản quản lý đối với di sản; tổ chức tập huấn cho đại diện chủ thể của di sản; tổng kiểm kê, phân loại hệ thống di tích thờ Mẫu, nguồn lực thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, số lượng câu lạc bộ, bản hội. Trên cơ sở đó, đánh giá, đề xuất các dự án, kế hoạch đầu tư tu bổ, nâng cấp, bảo vệ di tích, mở các lớp truyền dạy cung văn. Đến năm 2023, hoàn thành nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu, sản xuất các ấn phẩm liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh; xây dựng Trung tâm thông tin giới thiệu giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Vụ Bản hoặc Ý Yên. Đến năm 2030, 100% nghệ nhân được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ. Đến năm 2024, tổ chức quảng bá 2 đợt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại nước ngoài. Giai đoạn 2024-2030, thực hiện 3 đợt trình diễn giao lưu và quảng bá di sản ở các nước ASEAN, duy trì tổ chức liên hoan hát Văn cấp tỉnh, đáp ứng được nhu cầu lồng ghép Đề án trong quy hoạch phát triển chung của tỉnh về du lịch, phát triển văn hóa và di sản văn hóa./.

Theo Báo Nam Định

https://bvhttdl.gov.vn/nam-dinh-phat-huy-gia-tricua-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-trong-doi-song-duong-dai-20220907111349162.htm

..




---


BỔ SUNG


1.

Nhân dịp tròn 5 năm đón bằng UNESCO vinh danh và Chương trình hành động quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” (giai đoạn 2017-2022). Hội bảo vệ và phát huy di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Nam Định, trân trọng kính mời các thanh đồng đạo quan, con nhang đệ tử cùng du khách thập phương xa gần vân tập về Phủ Chính Phủ Dầy để tham dự:

Chương trình “GẶP MẶT, GIAO LƯU, THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT”.

Thời gian: Ngày 21 và ngày 22/9/2022  tức ngày 26 và 27 tháng 8 âm lịch

Địa điểm: Phủ Chính Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định)

chương trình "GẶP MẶT, GIAO LƯU, THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT”

 

Nội dung chương trình “GẶP MẶT, GIAO LƯU, THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT”.

  • Ngày 21/9/2022 (tức 26 tháng 8 ÂL)
    • 6h30 –   7h00: Rước kiệu
    • 7h00 –   8h00: Tế Thánh
    • 8h00 –   8h30: Khai mạc, trống hội
    • 8h30 –   11h30: Thực hành nghi lễ hầu Thánh
    • 11h30 – 13h30: Nghỉ trưa
    • 13h30 – 17h00: Thực hành nghi lễ hầu Thánh
    • 17h00 – 19h00: Nghỉ chiều
    • 19h30 – 20h00: Bắn pháo hoa điện, Thả đèn hoa đăng
    • 20h00 – 22h00: Thực hành nghi lễ hầu Thánh
  • Ngày 21/9/2022 (tức 26 tháng 8 ÂL)
    • Buổi sáng: Thực hành nghi lễ hầu Thánh
    • Buổi chiều: Trao đổi về thực hành nghi lễ
    • Tổng kết chương trình

tín ngưỡng thờ mẫu

Sự hiện diện, giao lưu thực hành tín ngưỡng của các ông bà đồng đền thủ nhang và các quý khách xa gần từ khắp ba miền bắc trung nam cùng hội tụ về Phủ Chính Phủ Dầy là niềm tự hào cho Phủ Dầy nói riêng và Đạo Mẫu nói chung.

Xin trân trọng cảm ơn và kính mời !

https://phuday.com/giao-luu-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tai-phu-chinh.html

..

1 nhận xét:

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.