Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/09/2022

Nhà Mạc ở Vĩnh Phúc (điều tra năm 2021 của nhóm nhà báo Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng)

Về nhà Mạc ở Vĩnh Phúc, trên Giao Blog thì có thể đọc lại ở đây (năm 2013), ở đây (năm 2014), hay ở đây (tháng 1 năm 2018).

Bây giờ là cập nhật điều tra mang tính báo chí của hai tác giả Vũ Xuân Bân và Nguyễn Tiến Dũng. Loạt bài gồm 3 kì đã đăng tải năm 2021 trên trang của Tạp chí Văn hóa & Phát triển.

Đặt theo thứ tự ngược từ dưới lên.

Tháng 9 năm 2022,

Giao Blog


---


3.








Khảo sát dấu tích nhà Mạc ở đồi Diệm Xuân (Vĩnh Tường -Vĩnh Phúc): Dự án Cụm di tích lịch sử - văn hóa Chùa, Đền, Đình Diệm Xuân bao giờ thành hiện thực?

Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng

21/05/2021 09:33

    Vấn đề bức xúc hiện nay là các cấp có thẩm quyền, cụ thể là UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cần sớm vào cuộc cùng UBND xã Việt Xuân giải quyết dứt điểm tranh chấp ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Xuân Sơn giữa dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc.

    nha-mac-5-1621477832.jpg

    Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

     

    Tiếp chúng tôi tại đền thờ Nhà Mạc ở thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, các ông Nguyễn Ngọc Sĩ 86 tuổi (thứ hai từ trái sang) , trưởng chi gốc Mạc xóm 5, thôn Diệm Xuân; Nguyễn Tiến Quốc 66 tuổi (ngồi hàng đầu bên trái) cũng ở thôn Diệm Xuân là Phó chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Vĩnh Phúc cho biết: Bằng nguồn xã hội hóa, công đức của bà con 20 chi họ Mạc tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương trong cả nước, trong đó có công đức 750 triệu đồng của bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk, đền thờ họ Mạc ở thôn Diệm Xuân khởi công ngày 21/8/2016 đến ngày 21/4/2017 thì khánh thành. Đền thờ nhà Mạc ở Diệm Xuân với tổng mức đầu tư 2,3 tỷ đồng, có 12 ban Tượng thờ Đức Tiên vương, Tiên đế nhà Mạc trị vì thời kì ở Thăng Long, thời kì ở Cao Bằng, hậu Cao Bằng, 4 ban thờ Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa, Văn quan Võ tướng Mạc triều với diện tích nhà Đền 65m2, khuôn viên 210m2. Nằm trong quần thể khu di tích đồi Diệm Xuân hiện có 3 ngôi mộ cổ họ Mạc.

    nha-mac-12-1621562390.jpg

    Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

     

    Như vậy, cùng với đền thờ Nhà Mạc mới xây dựng ở đồi thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân (ảnh trên), còn có khu tưởng niệm các vua triều Mạc ở thành phố Hải Phòng do con cháu họ Mạc và nhân dân địa phương hưng công xây dựng. Từ đường Nhà Mạc ở đây có 12 tượng thờ. Đánh giá đúng vị thế của Vương triều Mạc, năm 2004, Bộ VH-TT- DL quyết định xếp hạng di tích, công nhận “Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng là Di tích Lịch sử, Văn hóa Quốc gia”. Ngoài ra, một chùa ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cũng thờ bài vị 12 tiên vương triều Mạc.

    nha-mac-8-1621480001.jpg

    Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

     

    Khu vực đồi chùa Diệm Xuân còn có Xuân Sơn Tự hay còn gọi là chùa Trống, được xây dựng mới trên nền chùa cũ cũng bằng phương thức xã hội hóa từ năm 2014 đến nay đang trong giai đoạn hoàn thiện (ảnh trên), là nơi lưu giữ nhiều dấu tích của vị Vua thứ 10 nhà Mạc - Mạc Kính Vũ, cùng các vị hoàng tộc Mạc triều. Đáng chú ý ở đồi chùa có 3 ngôi mộ cổ gồm: Nhà vua - Nhà tu hành Mạc Kính Vũ, Công chúa Mạc Chính  Lan và Nguyễn Hữu Nhẫn (cháu nội vua Mạc Kính Vũ - con trai Thái tử Nguyễn Hữu Pháp). Mộ Nguyễn Hữu Nhẫn xây như mái nhà, có 2 trụ dùng xích sắt treo ngôi mộ lên, năm 1936 có xây sửa lại. Năm 2017 tiếp tục phát lộ ngôi mộ cổ Công chúa Mạc Chính Lan (trong quan ngoài quách) trước sân đền Nhà Mạc hiện nay, đã được chuyển xuống khu đất trong khuôn viên một nhà dân ở trước đền.

    Các ông Nguyễn Ngọc Sĩ và Nguyễn Tiến Quốc cho biết vướng mắc tranh chấp sở hữu ngôi mộ cổ ở đồi Chùa, khu đất phía sau Xuân Sơn tự hay còn gọi là chùa Trống (thôn Diệm Xuân) giữa dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc mà đại diện là ông Nguyễn Đình Nhuận. Trước năm 2012, ông Nguyễn Đình Nhuận, là cựu chiến binh về hưu, đã xây mồ mả, trong đó có tu bổ ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Xuân Sơn, coi đó là mộ của dòng họ Nguyễn Đình, mà nhiều người cho là mộ Mạc Kính Vũ.

    nha-mac13-1621562926.jpg

    Tác giả bài viết thắp hương ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Diệm Xuân hay còn gọi là chùa Trống (Xuân Sơn Tự) đang tranh chấp giữa dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc mà truyền ngôn cho là mộ vua Mạc Kính Vũ. Ănh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021...

     

    nha-mac-14-1621563630.jpg

    Tác giả thắp hương taị đài hương do Hội đồng Mạc tộc Vĩnh Phúc dựng lên phía ngoài vòng quanh mộ cổ (ảnh trên) được coi là mộ Mạc Kính Vũ đang tranh chấp. Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

    Nhưng từ khi có Hội thảo khoa học “Nhà Mạc và Hậu Duệ nhà Mạc trên đất Vĩnh phúc” ngày 21/9/2012, các nhà nghiên cứu bước đầu đi đến thống nhất cho rằng: Việt Xuân là vùng đất Vương triều Mạc ẩn cư sau thời kỳ ở Cao Bằng. Hoàng đế Mạc Kính Vũ (1638-1677) có tài liệu ghi Mạc Kính Diệu (Trạc), Mạc Kính Hoàn, là đời Vua thứ 10 triều Mạc, niên hiệu Thuận Đức ở Cao Bằng, được triều nhà Thanh phong Quy Hóa Tướng Quân đến khi mất chưa kịp nhận sắc phong An Nam Đô thống sứ. Mạc Kính Vũ lựa chọn đồi thôn Diệm Xuân làm nơi mai danh ẩn tích, xuất gia xây Chùa quy y nơi cửa Phật và mất tại đây.

    Từ sau kết luận Hội thảo khoa học nói trên, con cháu nhà Mạc ở Vĩnh Phúc, nhất là ở các huyện Vĩnh Tường và Lập Thạch cũ (nay thành 2 huyện Sông Lô và Lập Thạch) chú tâm hơn đến 3 ngôi mộ ở đồi Diệm Xuân, trong đó có ngôi mộ Mạc Kính Vũ ở sau Xuân Sơn Tự. Nhưng thật oái oăm, ngôi mộ cổ được cọi là Mạc Kính Vũ thì ông Nguyễn Đình Nhuận không phải là gốc Mạc đã tu sửa trước năm 2012 coi đó là mộ của dòng họ Nguyễn Đình, dẫn đến tranh chấp giữa dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc.

    UBND xã Việt Xuân đã mời đại diện hai dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc và Nguyễn Đình không phải gốc Mạc để trao đổi, xác định chủ đích thực ngôi mộ cổ ở sau chùa Xuân Sơn mang tính hòa giải nhưng không thành, tạm đi đến quyết định: Do tranh chấp, ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Trống (Xuân Sơn Tự) cứ để nguyên, không được ai đụng đến, chưa được tôn tạo. Hai bên tranh chấp không thắp hương ở ngôi mộ đó, đồng thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.  Hai dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc và Nguyễn Đình không phải gốc Mạc đều tuân thủ ý kiến nói trên của UBND xã Việt Xuân về ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Xuân Sơn, chờ quyết định phân xử của cấp có thẩm quyền.

    Vì không được thắp hương lên ngôi mộ cổ đang có tranh chấp, Hội đồng Mạc tộc Vĩnh Phúc đã dựng cây hương phía ngoài vòng quanh mộ để con cháu gốc Mạc đến thắp hương tưởng nhớ tiên tổ. Còn hai ngôi mộ Hoàng tử Nguyễn Hữu Nhẫn và Công chúa Mac Chính Lan không có tranh chấp vẫn do con cháu gốc Mạc hương khói cúng bái.

    Từ ngày 11/2/2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 426/QĐ-CT phê duyệt dự án Cụm di tích lịch sử - văn hóa Chùa, Đền, Đình Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, liên kết với khu Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, có nhiều dấu tích về nhà Mạc để trở thành điểm du lịch văn hóa - tín ngưỡng tâm linh gồm đình, chùa, đền, lăng tẫm Vua Mạc Kính Vũ, Hoàng tử Nguyễn Hữu Nhẫn, Công chúa Mạc Chính Lan… 

    nha-mac-7-1621563184.jpg

    Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

     

    Đình Diệm Xuân (ảnh trên) thờ An Giang Linh Ứng Đại Vương, người có công trị thủy, bảo vệ mùa màng và cuộc sống của người dân trong vùng dưới thời Hùng Vương. Ngôi đình trước kia được dựng bên dòng sông Phó Đáy. Tuy nhiên, do yêu cầu phải di dời để tạo điều kiện cho việc đắp đê Tả Phó Đáy, cách đây hơn 30 năm, ngôi đình đã được nhân dân thôn Diệm Xuân di chuyển vào khu đất đồi Chùa, xây dựng bên cạnh ngôi chùa Xuân Sơn, hằng năm hương khói phụng thờ. Trải qua thời gian, ngôi đình, ngôi chùa thôn Diệm Xuân đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được quy hoạch, tu bổ, tôn tạo lại cho tương xứng với một cụm di tích lịch sử - văn hóa thành điểm du lịch văn hóa tín ngưỡng tâm linh.

    Thể theo nguyện vọng của nhân dân, mong muốn tôn tạo khu di tích được khang trang, gọn đẹp, xứng tầm với vị thế của khu di tích, ngày 21/3/2014, UBND xã Việt Xuân phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Vĩnh Tường tổ chức khởi công chùa Diệm Xuân trên nền chùa Trống, hay còn gọi là Xuân Sơn Tự, nằm trong quy hoạch Cụm di tích Đình – Chùa – Đền thôn Diệm Xuân. Nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa- tín ngưỡng tâm linh.

    Chùa Diệm Xuân được thiết kế kiểu “nội công ngoại quốc” có nhà thờ Tổ 7 gian 2 dĩ cùng dãy hành lang, diện tích xây dựng 1.132 m2. Đình Diệm Xuân được thiết kế kiểu chữ ”đinh” 3 gian 2 dĩ đại bái cùng hậu cung 260m2. Đồng thời, nhà thờ họ Mạc cũng được tu bổ, tôn tạo với diện tích 210 m2. Bên cạnh đó, công trình còn được thiết kế các gian nhà khách, nhà ở tăng, ni và một số hạng mục phụ trợ khác với tổng diện tích xây dựng là 2.300 m2. Toàn bộ công trình được thiết kế bằng chất liệu bê tông, giả gỗ chịu lực, mái lợp ngói mũi truyền thống, nền lát gạch bát, hệ thống cửa bằng gỗ lim kiểu  “thượng song hạ bản”.

    Tổng mức đầu tư xây dựng Cụm di tích Đình – Chùa – Đền thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân trên 40 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hoá do nhân dân đóng góp và các nguồn huy động hợp pháp khác. Đến nay, Chùa Trống (Xuân Sơn Tự) xây dựng trên nền chùa cũ từ năm 2014 đang trong giai đoạn hoàn thiện sắp xong, đình thì chưa có nguồn vốn để trùng tu, tôn tạo. Còn đền thờ Nhà Mạc ở đồi Diệm Xuân  xây dựng xong từ tháng 4/2017 (ảnh dưới).

    Vấn đề bức xúc hiện nay là các cấp có thẩm quyền, cụ thể là UBND huyện Vĩnh Tường cần sớm vào cuộc cùng UBND xã Việt Xuân giải quyết dứt điểm tranh chấp ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Xuân Sơn giữa dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc. Nếu ngôi mộ cổ đó thuộc dòng họ Nguyễn Đình thì phải chứng minh được chủ ngôi mộ đó là ai, có từ bao giờ. Nếu dòng họ Nguyễn Đình không chứng minh được thì ngôi mộ đó thuộc dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc mà truyền ngôn nơi đây coi đó là mộ Mạc Kính Vũ – vị Vua thứ 10 của nhà Mạc sau khi thất thủ ở Cao Bằng (1677) bí mật di dời xuôi dòng sông Lô về ẩn cư, tu hành ở Xuân Sơn tự và qua đời an táng tại đây.  

    nha-mac-15-1621563809.jpg

    Tác giả bài viết thắp hương tại mộ Hoàng tử Nguyễn Hữu Nhẫn (cháu nội Mạc Kính Vũ) ở cạnh chùa Diệm Xuân, còn gọi là chùa Trống (Xuân Sơn Tự) bị cây cỏ mọc che khuất. Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

     

    Ngôi mộ táng treo cháu nội Mạc Kinh Vũ là Nguyễn Hữu Nhẫn ở cạnh chùa Diệm Xuân, còn gọi là chùa Trống (Xuân Sơn Tự), xã Việt Xuân đăng tải trên vinhtuong.vinhphuc.gov.vn ngày 13/7/2015 trong bài "Những dấu tích của Nhà Mạc trên đất Diệm Xuân" theo cuốn sách "Vĩnh Tường - Di sản Văn Hóa".

    Hương khói, thành tâm cúng bái, thờ phụng đấng sinh thành và tiên tổ liên quan đến mồ mả là truyền thống văn hóa của người Việt nhưng mồ mả phải chính chủ. Nếu nhận mồ mả không chính chủ, rước vong linh không phải là thân tộc, thờ cúng người ngoài ngay tại bàn thờ gia tiên, về tâm linh là điều tối kỵ, sẽ rất phiền toái, không hay ho gì, gặp nhiều tai ách, không khéo lại tự rước họa vào thân.

    nha-mac-10-1621563909.jpg

    Ngôi mộ Công chúa Mạc Chính Lan trong khuôn viên một nhà dân ở trước đền thờ Nhà Mạc tại đồi thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

    Nếu ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Trống (Xuân Sơn Tự) thuộc dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc thì không có giá trị về lịch sử. Nhưng ngôi mộ đó thuộc dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc từng ẩn tích ở đây được xác định là Mạc Kính Vũ thì lại là di tích có giá trị về lịch sử. Đây là vị Vua thứ 10 của nhà Mạc cần được tôn tạo thành lăng tẫm cùng với hai ngôi mộ Hoàng tử Nguyễn Hữu Nhẫn (cháu nội Mach Kính Vũ) và Công chúa Mạc Chính Lan để du khách đến thắp hương, chiêm bái thì điểm du lịch văn hóa tâm linh nơi đây càng thêm ý nghĩa.

    Tuy đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án Cụm di tích lịch sử - văn hóa Chùa, Đền, Đình Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường thành điểm du lịch văn hóa - tín ngưỡng tâm linh từ năm 2014, cách nay đã 7 năm nhưng vẫn chỉ túc tắc đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, chưa có đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh nên dự án nêu trên vẫn chưa đâu vào đâu. Muốn cụm di tích lịch sử này trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh bên cạnh phục dựng lại đình, chùa và xây đền thờ thì song hành phải đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông lên đồi Diệm Xuân đi lại thông thoáng cùng hệ thống dịch vụ, ẩm thực, sản phẩm du lịch đặc trưng và nguồn nhân lực du lịch phục vụ du khách bài bản. Tất cả những tiền đề nói trên đều chưa có thì biết đến bao giờ Dự án Cụm di tích lịch sử - văn hóa Chùa, Đền, Đình Diệm Xuân trở thành hiện thực?

    (Hết).

    V.X.B - N.T.D

    https://vanhoavaphattrien.vn/khao-sat-dau-tich-nha-mac-o-doi-diem-xuan-vinh-tuong-vinh-phuc-du-an-cum-di-tich-lich-su-van-hoa-chua-den-dinh-diem-xuan-bao-gio-thanh-hien-thuc-a2690.html


    2.






    Khảo sát dấu tích nhà Mạc ở đồi Diệm Xuân  (Vĩnh Tường -Vĩnh Phúc): Bài 2: Khám phá bí ẩn về nhân vật Mạc Kính Vũ

    Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng

    20/05/2021 10:23

    Theo cố GS TSKH Phan Đăng Nhật: 5 cuốn sử đều ghi, “sau thất bại năm 1677, Mạc Kính Vũ đi Long Châu (Trung Quốc)”. Đó là Lịch triều tạp kỷ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt Nam sử lược, Việt sử yếu, Thanh thực lục. Những năm cuối đời, sau khi thất thủ ở Cao Bằng, Mạc Kính Vũ đi Long Châu, tiếp theo ông hoạt động như thế nào, ở đâu, không có sử sách nào ghi chép.

    nha-mac-5-1621477832.jpg

    Các ông Nguyễn Ngọc Sĩ 86 tuổi (thứ hai từ trái sang), trưởng chi gốc Mạc xóm 5, thôn Diệm Xuân; Nguyễn Tiến Quốc, 66 tuổi, cũng ở thôn Diệm Xuân là Phó chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Vĩnh Phúc trao đổi với tác giả bài viết đầu năm 2021 tại đền thờ Nhà Mạc ở đồi thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

    Trong Tập  IV “Nội chiến Nam - Bắc Triều”, ở Chương III “Hoàng hôn của Bắc Triều” trong bộ tiểu thuyết lịch sử 5 tập “Việt Nam diễn nghĩa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành đầu năm 2020, tại các trang 390 – 391 viết (trích nguyên văn): “ Đinh Văn Tả hỏi:

    - Mạc Kính Vũ chạy về đâu, nói ta tha mạng.

    - Dạ tướng quân tha mạng, Mạc Kính Vũ đã chạy sang Long Châu - Trung Quốc rồi ạ!... Sau khi thám mã từ Long Châu về báo chính xác Mạc Kính Vũ trốn sang Trung Quốc, sống ẩn dật vì sợ nhà Thanh truy bắt, Đinh Văn Tả mới tin rằng thế lực nhà Mạc hoàn toàn chấm dứt ở Cao Bằng năm 1677, mặc dù vai trò chính trị quốc gia đã chấm dứt từ năm 1592. Ở Cao Bằng, nhà Mạc được thêm 3 đời vua kế tục nhau: Mạc Kính Cung (1592 – 1625), Mạc Kính Khoan (1625 -1638), Mạc Kính Vũ (1638-1677), cát cứ được 85 năm. Năm 1677 chấm dứt nội chiến Nam Bắc Triều”.

    nha-mac-11-1621479645.jpg

    Ông Nguyễn Tiến Quốc (thứ hai từ phải sang), Phó chủ tịch Hội đồng Mạc Tộc Việt Nam chỉ cho tác giả bài viết nơi từng đặt mộ Công chúa Mạc Kính Lan đã được di chuyển  từ năm 2017, cách đền khoảng 100 m để xây dựng đền thờ Nhà Mạc. Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

     Còn Mạc Văn Trang trong bài “Khánh thành đền thờ Nhà Mạc ở Vĩnh Phúc” phát trên Vanhien.vn ngày 21/4/2017 viết: “Nghiên cứu cho thấy khi thất thủ Cao Bằng (1677), không phải vua “Mạc Kính Vũ đã nhảy xuống sông tử vẫn” như “báo cáo thành tích” của quân sĩ do tướng Đinh Văn Tả chỉ huy, được ghi trong chính sử; Theo gia phả và truyền ngôn của 2 chi họ Nguyễn gốc Mạc ở Vĩnh Phúc, thì từ hàng chục năm, trước khi thất thủ Cao Bằng, Mạc Kính Vũ đã về đồi Xuân Sơn, nơi nhìn ra ngã ba sông Hồng và sông Lô, vị trí rất đẹp, xây ngôi chùa gọi là Xuân Sơn Tự và ông thường lui tới như một vị tu hành. Nhiều dấu tích và truyền ngôn cho thấy ông chọn Vĩnh Phúc là địa bàn chiến lược, chuẩn bị lực lượng lấy lại Thăng long, nhưng đã không thành. Cuối cùng ông tu hành, trụ trì tại Xuân Sơn Tự. Tại đồi này, sau phát hiện có mộ của vua Mạc Kính Vũ, hoàng tử Mạc Hữu Phát, công chúa Mạc Chính Lan…”

    Tóm lại, sau 1677, vua Mạc Kính Vũ còn sống, sang Long Châu. Nhưng sau đó ông đi đâu vẫn còn là một khoảng trống, cần tìm hiểu làm rõ?

    Để có một lời giải đáp ban đầu, cố GS TSKH Phan Đăng Nhật từng chủ trì Hội thảo “Nhà Mạc và hậu duệ ở Vĩnh Phúc” năm 2012 đã đồng ý với nhiều nhà khoa học với lập luận: “Vua Mạc Kính Vũ rút khỏi thành Phục Hòa và rút khỏi Cao Bằng, theo sông Lô, về vùng Bạch Hạc, ngã ba sông và mai danh ẩn tích, chờ thời tại vùng này”. Vì vậy, có thể suy đoán rằng, phải chăng Mạc Kính Diệu/Vũ có kế hoạch riêng nào đó, đã bí mật trở về Việt Nam khi đã biết chính thức được nhà Thanh sẽ phong cho mình làm Qui hóa tướng quân, toàn bộ công việc thì giao cho con là Mạc Nguyên Thanh cũng sẽ được nhà Thanh chính thức phong làm An Nam đô thống sứ. Phải chăng Mạc Kính Diệu vẫn duy trì phương thức chính trị của triều Mạc trước đây: Vua hiện tại rút về làm Thái thượng hoàng, còn người kế nghiệp thì lên ngôi. Nếu giả thiết này đúng, thì có thể lí giải được những truyền ngôn của con cháu nhà Mạc bấy lâu nay về việc một vua Mạc nào đó đã từ Cao Bằng bí mật trở về vùng đồng bằng vào khoảng đầu thập niên 1660.”

    Như vậy, cũng như Mạc Kính Diệu vào năm 1661, đến lượt Mạc Nguyên Thanh vào năm 1680, các vua Mạc đều để lại những bí mật xung quanh cái chết của mình. Không rõ hai vị đã mất trong hoàn cảnh cụ thể như thế nào, ở đâu, mộ phần ra sao. Rất tiếc là người cháu Mạc Kính Thự cũng không thể tiết lộ về những bí mật đó.

    Trong truyền ngôn của một số con cháu Mạc tộc Việt Nam thì, Mạc Nguyên Thanh (tức Mạc Kính Vũ) vào một năm nào đó không rõ đã rút khỏi Cao Bằng bằng đường thủy, theo sông Lô về vùng Bạch Hạc ngã ba sông, rồi mai danh ẩn tích chờ thời tại vùng này. Ông đóng giả làm sư, vào tu ở chùa Xuân Sơn (tên nôm là chùa Trống) hiện thuộc thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tương truyền sau khi mất, ông được mai táng ở khu vực vườn sau chùa, nay vẫn còn [Nguyễn Minh Đức 2007: 581-583; Hoàng Lê - Nguyễn Minh Đức 2010: 375-379; Nguyễn Thị Hải 2010: 106].”

    nha-mac-8-1621480001.jpg

    Chùa Diệm Xuân, xã Việt Xuân (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) hay còn gọi là chùa Trống (Xuân Sơn tự) được xây dựng lại trên nền chùa cũ ở đồi cao hướng ra sông Hồng  bằng nguồn kinh phí xã hội hóa đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

     

    Tập hợp các ý kiến thuộc nhiều góc độ, với phương pháp nghiên cứu tổng hợp liên ngành, cố GS TSKH Phan Đăng Nhật cho rằng,  có thể đề xuất giải đáp ban đầu: Sau khi đột ngột không xuất hiện, hoàng đế Mạc Kính Vũ bí mật về ẩn cư tại Vĩnh Phúc ngày nay, đã được nhân dân bảo vệ, giúp đỡ, để mưu tiếp tục sự nghiệp nhưng không thành và viên tịch tại đây.

    (Còn nữa)

    Đón đọc Bài 3: Dự án Cụm di tích lịch sử - văn hóa Chùa, Đền, Đình Diệm Xuân bao giờ thành hiện thực?

    https://vanhoavaphattrien.vn/khao-sat-dau-tich-nha-mac-o-doi-diem-xuan-vinh-tuong-vinh-phuc-bai-2-kham-pha-bi-an-ve-nhan-vat-mac-kinh-vu-a2643.html


    1.







    Khảo sát dấu tích nhà Mạc ở đồi Diệm Xuân  (Vĩnh Tường -Vĩnh Phúc): Bài 1: Dấu tích về vị Vua cuối cùng của triều Mạc?​​​​​​​    

     Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng

    19/05/2021 10:38

    Được sự giúp đỡ của Phòng văn hóa thông tin huyện, chúng tôi đã khảo sát dấu tích nhà Mạc ở đồi Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, tưởng nhớ các bậc tiền nhân ở vùng đất thiêng này.

    nha-mac-1-1621393912.jpg

    Đền thờ Nhà Mạc khánh thành năm 2017 tại đồi thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

    Bài 1: Dấu tích về vị Vua cuối cùng của triều Mạc?

     Xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là vùng đất tạo nên bởi ngã ba hợp lưu của các con sông: Sông Lô, sông Phó Đáy, sông Hồng, đỉnh đầu của tam giác châu thổ Bắc Bộ, là nơi sản sinh ra huyền thoại về con Hạc trắng “Bạch Hạc” hội tụ trên mặt trống đồng của nền văn hóa Đông Sơn, hình thành nên Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng. Nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng xuôi sông Hồng tiến về Thăng Long xưa (nay là Hà Nội), đồng thời cũng thuận tiện rút lên vùng rừng núi phía Bắc khi có biến động.

    nha-mac-2-1621394557.jpg

    Chủ tịch UBND xã Việt Xuân Trần Hữu Mậu (thứ hai từ trái sang) trao đổi với tác giả bài viết đầu năm 2021 tại đền thờ Nhà Mạc ở đồi thôn Diệm Xuân. Ảnh: Tiến Dũng

     

    Theo Toàn thư và Đại Việt thông sử, nhà Mạc khởi đầu là Mạc Đăng Dung (1483 – 1541) người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), là người lập nên Vương triều Mạc, là cháu 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần.

    Vương triều Mạc, với vai trò là một chính quyền cai trị thực sự, chỉ tồn tại trong thời gian 65 năm trước khi bị nhà Trịnh với danh nghĩa “phù Lê diệt Mạc” đánh bật ra khỏi Thăng Long năm 1592.

    nha-mac-6-1621395319.jpg

    Tượng các đời vua Nhà Mạc tại đền thờ đồi thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

     

    Nhà Mạc đã trải qua 5 đời vua ở kinh thành Thăng Long: Mạc Đăng Dung (1527 - 1529), Mạc Đăng Doanh (1530 - 1540), Mạc Phúc Hải (1541 - 1546), Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561) và Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592). Có thể nói, việc ra đời Vương triều Mạc trong bối cảnh của lịch sử lúc bấy giờ là một điều tất yếu. Nói một cách khách quan, nếu như không có Mạc Đăng Dung thì sẽ có một gương mặt, một dòng họ khác đứng lên chèo lái con thuyền lịch sử Việt Nam trong cơn bão táp. Thực tế, Mạc Đăng Dung là nhân vật - bằng nội lực của mình - đã được lịch sử trao cho xứ mệnh thay nhà Lê lúc đó suy tàn. Trong bối cảnh đó, Mạc Đăng Dung, xuất thân từ người dân chài ở Nghi Dương (Hải Phòng), từ một chức Đô chỉ huy sứ vệ Thần Vũ thời Lê Uy Mục đã khéo lợi dụng cuộc xung đột giữa các phe phái đối lập và đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân để thâu tóm quyền hành vào tay mình. Sau một thời gian dài hoạt động, Mạc Đăng Dung đã thăng tới chức Vương, nắm tiết chế các dinh thuỷ lục 13 đạo, uy thế bao trùm, thu phục được nhân tâm, và đến năm 1527 phế truất vua Lê Chiêu Tông lên ngôi Hoàng đế, lập ra Vương triều Mạc (sử gọi là Bắc Triều).Trong khi đó, các cựu thần nhà Lê, đứng đầu là Nguyễn Kim với sự phò trợ của con rể là Trịnh Kiểm, cũng đón hậu duệ nhà Lê là Lê Duy Ninh lên ngôi, tức là vua Lê Trang Tông, tái lập  nhà Lê, đóng quân tại Thanh Hóa (sử gọi là Nam Triều theo thể chế Vua Lê - Chúa Trịnh). Nam Triều và Bắc Triều liên tục giao tranh, nhưng bất phân thắng bại.

    Đến triều vua Mạc Mậu Hợp, năm Diên Thành thứ 8 (1585), tức năm Ất Dậu tháng 11 thì ông lâm bệnh. Lúc này tình hình nhà Mạc đã quá suy yếu, vua Mạc Mậu Hợp sai sứ đến gặp Trạng Trình vấn an và hỏi về quốc sự. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ trả lời rằng: "Tha nhựt quốc hữu sự cố, Cao Bằng tiểu địa, sổ thế khả duyên". Nghĩa là: Sau này quốc gia hữu sự thì đất Cao Bằng tuy nhỏ bé cũng có thể dung thân được vài đời. Trước khi ông mất, nhà Mạc xin ý kiến tồn tại thế nào, Nguyễn Bỉnh Khiêm đọc hai câu thơ: "Cao Bằng tàng tại - tam đại tồn cô" (nghĩa rằng rút về đất Cao Bằng thì sẽ tồn tại thêm được ba đời nữa).

    Bảy năm sau, năm Quang Hưng thứ 15 (1592), Trịnh Tùng tổng tấn công thành Thăng Long, triều Mạc sụp đổ, rước vua Lê Thế Tông trở về thành Thăng Long nhưng mọi quyền bính do chúa Trịnh sắp đặt.

    Theo lời khuyên của Trạng Trình, con cháu nhà Mạc chạy lên Cao Bằng cố thủ, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở để xây dựng căn cứ, chọn Na Lữ, xã Hoàng Tung (Hòa An ngày nay) là đế đô, vương phủ ở Cao Bình, xã Hưng Đạo (Thành phố Cao Bằng ngày nay). Nhà Mạc ở Cao Bằng 84 năm (1593 - 1677) trải qua ba đời vua: Mạc Kính Cung (1593 - 1625), Mạc Kính Khoan (1625 - 1638), Mạc Kính Vũ (1638 - 1677). Năm Vĩnh Trị thứ 2 thời vua Mạc Kính Vũ (1677) bị quân Lê - Trịnh đánh bại.

    Tập hợp các ý kiến thuộc nhiều góc độ, với phương pháp nghiên cứu tổng hợp liên ngành, cố GS TSKH Phan Đăng Nhật cho rằng,  có thể đề xuất giải đáp ban đầu: Sau khi đột ngột không xuất hiện, hoàng đế Mạc Kính Vũ bí mật về ẩn cư tại Vĩnh Phúc ngày nay và viên tịch tại đây.

    (Còn nữa)

    Đón đọc Bài 2: Khám phá bí ẩn nhân vật Mạc Kính Vũ


    https://vanhoavaphattrien.vn/khao-sat-dau-tich-nha-mac-o-doi-diem-xuan-vinh-tuong-vinh-phuc-bai-1-dau-tich-ve-vi-vua-cuoi-cung-cua-trieu-mac-a2556.html

    ..

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.