Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

30/09/2021

Chuyện kể dần trên mạng xã hội của của các đại thần đã trí sĩ - ông Võ Hồng Phúc viết Fb

Thời gian gần đây, có lẽ là từ vài tháng trước, tôi bắt đầu chú ý đến các câu chuyện kể dần của một đại quan đã hưu trí, là ông Võ Hồng Phúc. Ông viết trên facebook và cứ nhẩn nha từng chuyện một. Nhiều chuyện còn có ảnh kèm theo làm tăng độ hứng thú cho người đọc.

Hôm nay, ông kể chuyện núi Cánh Diều ở Ninh Bình gắn với trấn yểm Cao Biền, khá thú vị. Bởi vậy, tôi lấy mẩu này về đầu tiên.

Những mẩu kể trước đó thì được đưa dần vào mục Bổ sung, còn những mẫu từ nay trở đi thì cũng sẽ được đưa dần vào mục Cập nhật.

(Các tư liệu đối chiếu sẽ bổ sung dần khi có điều kiện)

Tháng 9 năm 2021,

Giao Blog


---

"

Ngày 30/9/2021


Núi Cánh Diều ở Ninh Bình còn có tên là núi Ngọc Mỹ nhân. Núi có tên là Ngọc Mỹ nhân là theo huyền thoại, do một tiên nữ giáng trần, hoá đá mà thành núi. Đứng từ phía Bắc, mạn Cao Bồ nhìn về nam hoặc đứng ở Cầu Yên nhìn về bắc núi có hình dáng một cô gái nằm ngửa. Có đầy đủ hình thể của một cô gái đẹp! Chân núi có đền Tiên Sơn thờ Tiên Nữ. Núi có tên Cánh Diều là theo truyền thuyết dân gian, khi Cao Biền, tướng của nhà Đường cuối thế kỷ thứ 9 làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ cai trị nước ta. Cao Biền thường bay trên diều giấy, trấn yểm các huyệt đạo đế vương nước ta. Đến núi Ngọc Mỹ nhân, diều không qua khỏi, rơi xuống núi. Nên dân gian gọi là núi Cánh Diều. Việc trấn yểm của Cao Biền cũng chỉ dừng lại ở đây. Đất Nam Định và Thanh Hoá trở vào vẫn còn huyệt đạo đế vương.
Khoảng đầu thập niên 1970, TQ giúp ta xây dựng nhà máy nhiệt điện, giải quyết nhu cầu điện năng cấp bách lúc bấy giờ. Phía bạn muốn chọn núi Cánh Diều. Cho rằng thuận lợi cho việc bảo vệ nếu có tấn công bằng không quân. Phía ta thì muốn xuôi về hạ lưu sông Đáy để thuận lợi cho vận chuyển than và tránh ô nhiễm bụi than cho thị xã Ninh Bình lúc đó. Trong sâu xa còn có một lý do mà chỉ có các bậc cao niên lúc đó dỉ tai với chúng tôi. Đó là lý do tâm linh: vấn đề huyệt đạo của núi Cánh Diều. Nhưng lý do này không ai dám nêu chính thức. Nếu nêu lên thì bị coi là mê tín dị đoan. Một điều cấm kỵ lúc bấy giờ. Cuối cùng thì yêu cầu về bảo vệ đã thắng. Nhà máy nhiệt điện đã được xây dựng ở ngay chân núi Cánh Diều! Khi xây dựng xong thì ổng khói nhà máy đã cao hơn núi Cánh Diều. Khi xây dựng xong giai đoạn 2 của nhà máy, thì ống khói của nhà máy điện lại cao gần bằng hai núi Cánh Diều! Các bậc cao niên ở Ninh Bình dẫn chúng tôi ra Cầu Yên nhìn về phía bắc. Thì ôi thôi! Ống khói nhà máy giống như một cái dương vật đâm thẳng vào đúng chỗ hiểm của Ngọc Mỹ nhân! Người già thì nói núi Cánh Diều bị yểm. Người trẻ thì nói Ngọc Mỹ nhân bị hãm h….!
Thật là buồn!
Khi nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động, khói bay mù trời. Than đốt cháy không hết, theo khói, theo xỉ, theo nước làm mát được nước mưa cuốn trôi chạy theo ra sông Sào Khê . Than lắng đọng lại. Người dân vớt lên để dùng, gọi là than qua lửa. Một thời, than qua lửa nuôi sống nhiều người ở Ninh Bình. Nhờ than qua lửa, với nguồn đá vôi sẵn có ở đây, các lò vôi mọc lên như nấm ở hai bên bờ sông Sào Khê!
Đến cuối thập niên 1990, các nước nối lại viện trợ, nhờ công nghệ tiên tiến mới khắc phục được tình trạng bụi than!
Khoảng cuối năm 2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam muốn mở rộng nhà máy điện Ninh Bình lên thêm 600MW sử dụng vốn vay của Nhật Bản. Đầu tư mở rộng thì lợi thế hơn nhiều. Vừa tiết kiệm vốn lại làm nhanh hơn. Hai bên đã xem xét lập dự án để thu xếp vốn vay. Các anh lãnh đạo Ninh Bình biết tin, có công văn phản đối. Thủ tướng Chính phủ triệu tập họp. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam bảo vệ ý kiến mở rộng nhà máy nhiệt điện Ninh Bình. Các anh ở Ninh Bình báo cáo Thủ tướng về chiến lược phát triển của Ninh Bình trong thời gian tới là phát triển du lịch. Nếu làm nhà máy nhiệt điện ở đây thì không thể nào phát triển du lịch. Vì núi Cánh Diều là một điểm du lịch hấp dẫn. Tôi ủng hộ ý kiến của Ninh Bình. Và nói thêm:”- Báo cáo Thủ tướng, ngoài lý do phát triển du lịch, còn có một lý do khác là tâm linh….”. Tôi mới kể lại toàn bộ câu chuyện từ khi làm nhà máy nhiệt điện 100MW hồi đầu thập niên 1970. Ý kiến của các bậc cao niên ở Ninh Bình ra sao. Khi xây dựng xong thì ý kiến của mọi người dân đều cho là Ninh Bình bị yểm và Ngọc Mỹ nhân bị hãm h…như thế nào cho thủ tướng và mọi người nghe. Thủ tướng cùng với lãnh đạo bộ Công Thương, EVN vẫn e ngại phía Nhật Bản đã làm công việc chuẩn bị khá lâu. Thuyết phục bạn chuyển địa điểm sẽ khó. Tôi nhận việc thuyết phục phía Nhật Bản.
Ngay sau cuộc họp tôi gặp Đại sứ Nhật Bản cùng các cộng sự của ông. Tôi đã nói với đại sứ về nguyên do phải di chuyển nhà máy nhiệt điện 600 MW do Nhật Bản giúp xây dựng ra khỏi địa điểm dự kiến. Lý do về đảm bảo môi trường sống, môi trường cho phát triển du lịch. Đặc biệt là lý do tâm linh và cũng là mong muốn của người dân.
Đại sứ Nhật Bản nói:”- Về lý do môi trường đảm bảo yêu cầu cho du lịch thì việc đặt nhà máy nhiệt điện ở địa điểm hiện tại thì công nghệ của Nhật Bản hoàn toàn đàm bảo. Sẽ không có việc chất thải làm ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của người dân. Còn về lý do tâm linh và ý nguyện của người dân thì chúng tôi phải nghiêm túc xem xét. Viện trợ của Nhật Bản luôn luôn lấy tiêu chí đảm bảo phù hợp với mong muốn, yêu cầu của người dân làm tiêu chí đầu tiên! “
Sau cuộc họp với đại sứ, tôi và đại sứ Nhật Bản đã cử một đoàn xuống khảo sát hiện trường và thăm dò ý kiến của dân. Phía Nhật Bản cử tham tán kinh tế và trưởng Đại diện Jica tại Hanoi. Tôi cử Vụ trưởng và chuyên viên vụ Kinh tế đối ngoại cùng đi khảo sát. Tôi dặn anh em phải đưa bạn đến Cầu Yên, đứng trên cầu nhìn về phía bắc. Mọi người làm đúng như vậy. Đứng trên cầu nhìn về phía bắc. Nhìn đúng hình Ngọc Mỹ nhân bị hãm h… Mọi người gọi điện cho tôi và cùng cười!
Khi đi về, anh em vụ Kinh tế đối ngoại báo cáo với tôi: tình hình rất tốt. Đại sứ và Bộ trưởng sẽ làm việc với nhau để quyết định. Vài hôm sau tôi và Đại sứ Nhật Bản gặp lại nhau. Mọi người nghe lại báo cáo của nhóm khảo sát, xem lại ảnh chụp. Tôi và Đại sứ Nhật Bản cùng xem lại ảnh chụp ở hiện trường. Tôi và đại sứ vốn rất thân nhau. Tôi đã nói đùa:
“- Sao mà giống thế! Chỉ không thấy người đàn ông ở đâu!” Mọi người cùng cười!
Đại sứ chỉ vào cái ống khói trên ảnh, hỏi tôi:
“- Sau này các ông sẽ làm gì với cái này?
“ - Chúng tôi sẽ đập bỏ toàn bộ khi hết hạn sử dụng. Sẽ xây dựng tại đây một công viên cây xanh khoảng 500 ha phục vụ người dân và du lịch. Khôi phục lại nguyên trạng ban đầu. Để có thể đứng ngắm Ngọc Mỹ nhân thuần khiết! “
Đại sứ Nhật Bản :
“ Chúng tôi ủng hộ đề xuất của các ông. Chúng ta sẽ lựa chọn địa điểm mới cho nhà máy nhiệt điện 600 Mw.
Viện trợ phát triển của Nhật Bản luôn lấy tiêu chí phục vụ yêu cầu và mong muốn của người dân làm tiêu chí hàng đầu! Chúng ta sẽ cùng nhau lựa chọn địa điểm mới.”
Sau đó hai bên liên quan của Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất chọn Thái Thụy- Thái Bình làm địa điểm mới cho nhà máy nhiệt điện 600MW.
Tôi vừa gọi điện xuống Ninh Bình hỏi thăm. Nhà máy điện Ninh Bình cũ sẽ được dọn bỏ trong năm nay. Công viên cây xanh sẽ được xây dựng. Ngọc Mỹ nhân sẽ được giải thoát sau khoảng 50 năm bị….
Cảm ơn phía Nhật Bản đã ủng hộ chúng tôi!
Cảm ơn viện trợ phát triển của Nhật Bản lấy NHÂN DÂN làm mực tiêu ưu tiên hàng đầu!
Thế mới là LẤY DÂN LÀM GỐC!
—————————————
Ngọc Mỹ nhân và cái ống khói nhà máy điện Ninh Bình.



"

https://www.facebook.com/vo.hongphuc.79/posts/1889891877850266

..



CẬP NHẬT


4.

Ngay15/10/2021
—————————
LỘ TRÌNH TẬP SỰ
Tôi về nhận công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước từ tháng 1/1969. Được phân công về vụ Công nghiệp nặng, theo dõi Tổng cục Đia chất. Khi giao việc, ông Phạm Hào, Ủy viên Ủy ban, kiêm vụ trưởng yêu cầu tôi phải đi đến tất cả các cơ sở địa chất của Tổng cục Địa chất để hiểu rõ tình hình. Chính việc này đã giúp tôi nên người và hiểu rõ đất nước. Tôi đã có mặt ở nhiều nơi mà Tổng cục Địa chất có cơ sở. Đi đến những nói đó bằng mọi phương tiện. Theo xe của các đoàn địa chất về Hả Nội làm việc, đi tàu, oto hàng, tàu thủy, và xe đạp. Tôi đã có mặt ở các đoàn địa chất: Đoàn 5 thăm dò đồng Sinh Quyền, Lào Cai, Đoàn 24 apatit Lào Cai, Đoàn 49 Thông Nông, Cao Bằng, Đoàn 31 Hà Giang, Đoàn 43 chợ Điền Bắc Cạn… Và nhiều nơi khác nữa. Tôi thường gọi các chuyến đi đó là lộ trình địa chất như anh em địa chất thường gọi các chuyến đi thực địa của họ.
Chuyến đi để lại cho tôi kỷ niệm sâu sắc nhất là chuyến đi lên đoàn địa chất 5 ở bên bờ suối Ngòi Phát, Sinh Quyền, Lào Cai vào tháng 7/1969. Tôi đi tàu hỏa đến ga Lào Cai vào khoảng 3 giờ chiều. Xuống tàu tôi lên xe đạp đi lên đoàn 5. Đường lên đó vào khoảng 27 km. Dự tính khoảng hơn 5 giờ chiều sẽ tới nơi. Đến Quang Kim thì trời mưa to, tôi vẫn đi. Trời mưa, đường trơn, xe dính bùn nên đi chậm. Đến bên bờ suối Bản Vược thì đã xẩm tối. Thấy mọi người vẫn lội qua được, tôi cũng lội sang. Tôi đi xe Phượng hoàng nữ, không có chỗ vác lên vai, mà kéo rê trên suối. Ra giữa dòng, nước chảy xiết, kéo cả xe và người trôi xuôi. Tôi cố vật lộn với dòng nước. Đang tính bỏ xe và hành lý thoát thân thì may sao có một thanh niên khoảng tuổi tôi từ trên bờ lao xuống kéo xe và tôi lên. Lên bờ hỏi chuyện, thì anh ấy cũng là cán bộ địa chất. Tôi bảo tôi vào đoàn địa chất 5. Anh bảo không vào được giờ này. Từ đây vào đó còn khoảng 8km lại phải qua một con đèo nhỏ. Trời mưa to, sợ đường bị sạt lở, đêm tối đi nguy hiểm. Anh đưa tôi vào hiệu sách ngay chợ Bản Vược, gửi tôi cho người bạn chủ hiệu. Bảo tôi đêm nay nghỉ lại đó, còn anh theo xe tải đi về Lao Cai. Hồi đó ở mỗi huyện đều có một cửa hàng bán sách báo của nhà nước, gọi là Hiệu sách Nhân dân. Huyện Bát Xát khi đó ở Bản Vược, nên hiệu sách ở ngay chợ. Chủ hiệu sách là một cô gái dưới xuôi lên, khoảng ngoài 20 tuổi. Cô cho tôi ăn, hong khô hành lý bị ướt, săn sóc như người thân. Sáng hôm sau tôi vào đoàn 5. Anh Thống đoàn trưởng đoàn 5 tiếp tôi nhiệt tình. Anh ấy người Bình Định, tính tình cởi mở chân thành, tuổi ngoài 40 nhưng tóc bạc trắng. Tôi kể lại chuyện tôi bị nước cuốn ở Bản Vược. Anh bảo tôi, đi đường núi phải rất cẩn thận, trời mưa lũ lên nhanh, nhiều lúc chạy không kịp. Tôi được một bài học nhớ đời!
Những năm 2002- 2007, tôi là Đại biểu Quốc hội Lào Cai, lên trên đó nhiều lần. Có lần đi qua Bản Vược, kể lại chuyện cũ, anh Giàng Seo Phử hỏi vui: “ Có muốn tìm lại những người xưa không?” Anh Bùi Quang Vinh bảo: “-Hãy để cho mọi người đẹp mãi ở tuổi 20!”
Tuổi 20 của những người xưa thật đẹp!
LỘ TRÌNH 1973
Công việc tìm kiếm thăm dò dầu khí ở miền Bắc nước ta được tiến hành từ năm 1965 với sự giúp đỡ của Liên Xô. Hồi đó chỉ tập trung ở vùng trũng Sông Hồng và vùng trũng An Châu(Bắc Giang). Năm 1969 giếng khoan sâu 3200m đầu tiên được thực hiện ở Tiên Hưng, Thái Bình không mang lại kết quả. Các chuyên gia nhận định càng ra biển càng có triển vọng. Công việc lại chuyển ra vùng ven biển Thái Bình, Nam Định. Ra thêm lục địa thì Liên Xô chưa có công nghệ thăm dò vùng biển sâu. Phía Nam, các công ty dầu khí Hoa Kỳ là Mobil và Pecten đã đàm phán với Việt Nam Cộng hoà để khảo sát ở vùng thềm lục địa. Điều đó càng thôi thúc ta đàm phán với các công ty phương Tây. Đối tác được lựa chọn là Tổng công ty Dầu khí quốc gia Nhật bản(JNOC) và Nissho Iwai. Phía Nissho Iwai do ông Araki giám đốc điều hành tham gia. Ngày 26/1 hợp đồng được ký, trước Hiệp định Paris một ngày! Theo hợp đồng phía ta phải chuẩn bị mặt bằng để đặt các trạm định vị trên mặt đất cho các tàu khảo sát địa vật lý hoạt động ( hổi đó chưa có định vị vệ tinh) tại các điểm Mũi Lay ( Vĩnh Linh) Bầu Tró (Quảng Bình) Mũi Ròn ( Hà Tĩnh) Cửa Lò (Nghệ An). Ngoài ra còn có một số điểm ở phía bắc cho giai đoạn sau. Thời gian gấp rút, phải làm nhanh. Sáng 27/1/1973, anh Phạm Hào, phó chủ nhiệm Ủy ban gọi tôi lên giao nhiệm vụ:
“- Cậu cùng với anh em bên Tổng cục Địa chất đi vào gặp các anh Chủ tịch các tỉnh Nghệ An, Ha tĨnh, Quảng Bình, Đặc khu Vĩnh Linh. Cậu chịu trách nhiệm thông báo ý kiến chỉ đạo của anh Nguyễn Côn về nội dung công việc phải triển khai. Anh em bên địa chất lo phần khảo sát thực địa. Sẽ có điện thông báo đoàn các cậu vào. Xong sớm thì về nhà ăn Tết. Muộn thì ăn Tết trong đó.“ Hồi đó thường hay có cách làm việc thông báo ý kiến qua truyền khẩu, ít dùng công văn nhằm bảo mật. Các chuyên viên của các cơ quan của TƯ như chúng tôi giống như các công công truyền khẩu dụ ngày xưa!
Ngay trưa 27/1 chúng tôi lên đường. Bên Tổng cục Địa chất có anh Thừa, trưởng phòng Trắc địa và một cán bộ nữa đi cùng. Đường về nam đỏ rực cờ mừng ngày ký Hiệp định Paris. Chúng tôi đi trong lòng hoan hỉ vì một việc lớn sắp thành. Tối khua hôm đó đến Vinh. Sáng 28/1 làm việc nhanh với chủ tịch tỉnh sau đó ra Cửa Lò. Chiều vào Hà Tĩnh làm việc với chủ tịch tỉnh. Sáng 29/1 (26 tháng Chạp) đi khảo sát Mũi Ròn, sau đó vào luôn Đồng Hới. Đền Đổng Hới, chúng tôi lên Cổn làm việc với chủ tịch. Thời kỳ đó các cơ quan lãnh đạo của Quảng Bình đóng tại Cổn. Sáng hôm sau, 30/1 đi ra Bàu Tró khảo sát thực địa, sau đó vào luôn Hồ Xá ( Vĩnh Linh). Đến cầu Hiền Lương, bên này là lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn, bên cũng là lá cờ nửa xanh nửa đỏ sao vàng kích thước như vậy. Hai bên bờ sông cờ rợp trời!
Chiều hôm đó chúng tôi làm việc với đặc khu. Sáng hôm sau, 31/1(28 Tết) đi khảo sát Mũi Lay.
Công việc hoàn thành tốt đẹp. Trưa hôm đó chúng tôi ra Bắc.
Mong về nhà trước giao thừa, chúng tôi đi quên mệt. Chiều 30 Tết về đến Hà Nội. Với tâm trạng hồ hởi, tôi đến ngay nhà anh Phạm Hào ở 20 Trần Quốc Toản báo cáo kết quả công việc.
Anh Hào ngạc nhiên khi thấy tôi đã về, mặt rầu rĩ nói: “ - Về rồi à ? Về sớm thế thì tốt rồi, nhưng mọi việc hỏng rồi! Phí công các cậu đi!”
Tôi hỏi “- Sao lại hỏng anh?”
Anh Hào: “ - Ông bạn phản đối. Họ nói ranh giới trên vịnh Bắc bộ chưa được xác định. Họ nói đây là vùng biển kín, chỉ có chủ quyền hai nước, không cho nước thứ ba vào!”
Tôi tiu nghỉu, một lộ trình vô công!
Tuổi trẻ mau quên. Tầm nhìn hạn hẹp. Tết đến, đêm giao thừa hoà bình đầu tiên, vui với bạn bè,với gia đình. Sang năm mới, công việc lại cuốn hút. Lại vào vòng quay mới. Mọi việc dần trôi.
Những năm từ 1986- 1991 các Tập đoàn lớn của Nhật không làm ăn chính thức với Việt Nam do Mỹ cấm vận, họ phải thông qua các công ty con. Duy chỉ có Tập đoàn Nissho Iwai vẫn quan hệ bình thường. Để khuyến khích họ, chính phủ cho thành lập Ủy ban Hợp tác Việt Nam- Nissho Iwai do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, tôi có tham gia. Gặp ông Araki, lúc đó là phó chủ tịch của Nissho Iwai sang họp, nhắc lại chuyện hợp tác dầu khí nằm 1973. Ông Araki nói với tôi: Giá như mà…
Những năm làm việc cuối cùng, điểm lại các việc đã qua thấy như có bài sắp sẵn.
Thế mà mình lại không biết gì.
LỘ TRÌNH THÁNG NĂM 1975.
Ngày 30/4 quân ta vào Sài Gòn. Chính phủ họp quyết định các bộ ngành liên quan cử ngay các đoàn vào để tiếp quản các bộ ngành tương quan ở Sài Gòn. Tổng cục Địa chất được giao tiếp quản Tổng cuộc Dầu mỏ và khoáng sản. Tôi được phân công đi theo đoàn của Tổng cục Địa chất.
Đoàn do anh Lê Văn Đức, Tổng cục phó làm trưởng đoàn. Đoàn có anh Trần Đức Lương, cục phó cục Bản đồ, anh Nguyễn Thiện Giao, anh Nguyễn Ngọc Sớm, anh Nguyễn Xuân An, anh thư kí của anh Đức và tôi.
Sáng sớm ngày 2/5 chúng tôi lên đường, tốc hành, ngày đi đêm nghỉ. Hà Nội vào cầu Hiền Lương đường xấu đi chậm, sang bờ nam đường tốt đi nhanh. Dọc đường phía bắc rợp trời cờ đỏ sao vàng, phía nam cờ nửa xanh nửa đỏ sao vàng.
Chiều tối 3/5 chúng tôi về qua nhà anh Trần Đức Lương ở Đức Phổ. Được chứng kiến ngày đoàn tụ sau hơn 20 năm của gia đình anh Lương. Bà con họ hàng kéo đến vui như hội! Tối đó ăn toàn hải sản của Quảng Ngãi.
Chiều 5/5 chúng tôi đến Sai Gòn. Đoàn dừng lại ở vườn hoa trước dinh Độc lập, chờ người của Ủy ban Quân quản đưa về chỗ nghỉ.
Lúc đó có một đám đông thanh niên đang thu dọn vật dụng, quần áo của lính Sài Gòn bỏ lại. Anh Lương và tôi xuống xe hỏi chuyện, mới biết họ là Hội sinh viên Giải phóng của Đại học Văn khoa Sài Gòn. Hỏi về chương trình học, họ nói văn thơ trong nước thì học Cổ văn, văn thơ tiền chiến. Hỏi tác gia từng học thì họ nói học Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Thâm Tâm… Máu văn chương nổi lên, tôi đọc luôn mấy bài : Tống biệt hành, Tiếng thu, Đây thôn Vĩ Dạ, Màu tím hoa sim … Mọi người hỏi: “ Anh cũng học Văn à ?” Tôi bảo không, tôi là kỹ sư mỏ, và giới thiệu anh Lương là kỹ sư địa chất. Họ không tin , anh Lương phải xác nhận tôi là kỹ sư mỏ họ mới tin. Họ lại hỏi tôi , anh học các bài thơ đó từ đâu. Tôi bảo từ thời học phổ thông trung học! Họ khen các anh ngoài Bắc học rộng quá. Họ có biết đâu đó là những bài thơ chúng tôi chuyền tay nhau đọc vụng trộm từ thời lớp 10. Thời đó thanh niên Hà Nội hay đọc trộm thơ “vàng “. Cái gì vụng trộm thì lại nhớ lâu!
Lúc chia tay, tôi hẹn sẽ lại gặp nhau để nói chuyện văn thơ ở Đại học Văn khoa. Tối đó chúng tôi về nghỉ tại nhà một quan chức cấp cao của Sài Gòn vừa mới đi di tản. Sáng hôm sau chuyển về khách sạn Continental. Thời gian sau lại chuyển ra phố Kỳ Đồng .
Những ngày sau chúng tôi làm việc ở Tổng cuộc Dầu mỏ và khoáng sản ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, cạnh Sở Thú. Tiếp thu tài liệu, nghe báo cáo tình hình địa chất khoáng sản miền nam. Đặc biệt hữu ích với các tài liệu của Mobil và Pecten đã làm ở thềm lục địa phía nam. Họ đã khoan được 6 giếng, 2 giếng gặp dầu. Họ vào phía nam cùng thời gian với JNOC và Nissho Iwai ở phía bắc.
Cuối tháng năm chúng tôi bắt đầu đi thực địa. Đi U Minh xem than bùn , núi Sam Châu Đốc xem molipden, lên bauxit Bảo Lộc …
Điều thú vị nhất của tôi trong lộ trình này là được tiếp xúc với người Sài Gòn thuộc nhiều tầng lớp. Từ những sinh viên Đại học Văn khoa con nhà bình dân gặp ngay khi mới đến và tầng lớp khá giả gặp sau này.
Theo lời dặn của mẹ tôi, tôi đã tìm gặp lại các ông em trai của bà ngoại tôi( mẹ tôi gọi là cậu) để báo tin cho bà ngoại tôi biết. Họ là dân di cư 1954. Người là chủ hiệu vàng, người là dược sĩ, người là công chức cấp cao của ngân hàng quốc gia. Qua bà con họ hàng, tôi lại gặp các bác sĩ đang có phòng khám tư, các luật sư, có một số luật sư, bác sĩ mới ra trường. Mọi người đều mong mỏi một thời gian an bình đang đến. Mỗi người một nghề, một tương lai! Mọi người đều hy vọng. Họ hỏi tôi, tôi nói: chắc rồi sẽ thế!
Nhưng rồi cuối 1975, nhiều biến động xẩy ra. Mọi người lần lượt ra đi. Người đi chính thức, người là thuyền nhân…Nhiều sinh viên Đại học Văn khoa thì vẫn ở lại, đi dạy học, làm công chức…Có anh Trí , sinh viên Đại học Văn Khoa cũ, tốt nghiệp về làm ở Sở Ngoại vụ, sau này tôi có gặp lại.
Đầu thập niên 2000 một số người xuất ngoại về thăm quê. Lớp già đã đi xa, chỉ còn lại lớp trẻ. Chúng tôi gặp lại nhau vẫn vui vẻ như xưa. Có người chưa về, qua Huy Đức có hỏi tin tôi.
Ôn lại chuyện cũ, có người nói với tôi: Giá như mà hồi đó bọn mày làm như thế này, bọn tao đã không đi!
LỘ TRÌNH THÁNG MƯỜI 1975
Sau khi tiếp thu các tài liệu địa chất và kết quả 6 giếng khoan mà các công ty dầu khí Mobil và Pecten đã thực hiện, chính phủ đánh giá triển vọng dầu khí ở thềm lục địa phía nam là rất lớn. Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí. Cử người đi đào tạo ngắn hạn và học tập kinh nghiệm ở các nước có ngành dầu khí phát triển, xúc tiến đàm phán các hợp đồng thăm dò khai thác với các công ty dầu khí phương Tây.
Thông qua đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, Tổng thống Mexico, Luis Echeverria mời một đoàn cán bộ kỹ thuật dầu khí Việt Nam sang học tập kinh nghiệm quản lý khai thác dầu khí. Mọi việc do Tập đoàn dầu khí quốc gia Mexico, Pemex lo liệu. Đoàn có 10 người, đa phần là từ Liên đoàn địa chất 36, gồm các anh: Nguyễn Giao, Nguyễn Ngoc Cư, Nguyễn Quang Hạp, Hồ Đắc Hoài, Bùi Thọ Mạnh, tôi và một số anh nữa. Anh Nguyễn Giao là trưởng đoàn.
Ngày 22/10/1975 chúng tôi lên đường sang Mascova. Đến Mascova, chúng tôi về nghỉ tại nhà khách của Đại sứ quán, khách sạn Bông Lúa Vàng. Gọi là khách sạn nhưng thực sự là một khu nhà tập thể với một bếp ăn chung. Chờ hơn 1 tuần mới có máy bay sang Habana. Ngày 30/10 đến Habana. Lại chờ, đến 1/11 mới có máy bay sang Mexico. Đến Mexico City buổi chiều. Chúng tôi về khách sạn Stella Maris và ở đó cho đến ngày về, 22/12/1975.
Ngày 2/11 chúng tôi vào Đại sứ quán, nghe giới thiệu về tình hình của bạn. Sau đó vào Pemex thống nhất chương trình làm việc.
Tối 3/11 Tổng thống Luis Echeverría tiếp cả đoàn, một sự nồng nhiệt hiếm có.
Từ ngày 3/11 liên tục làm việc tại Pemex nghe bạn giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Pemex. Nói về các bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển, bạn nói rất chân thành. Thực tâm muốn chia sẻ kinh nghiệm với người đi sau.
Từ cuối tháng 11 và tháng 12/1975 chúng tôi đi làm việc tại các cơ sở của Pemex. Chúng tôi đã đi khắp đất nước Mexico, từ vùng rừng nhiệt đới của các bang Tabasco, Chiapas ở phía nam đến thành phố Nuevo Laredo bên bờ sông Rio Grande giáp biên giới Hoa Kỳ. Bạn giành cho đoàn 2 máy bay phản lực loại 8 chỗ. Đi làm việc dưới 1gio bay thì sáng đi tối về, dài hơn thì ở lại. Xài sang kiểu vua dầu mỏ! Những ngày nghỉ thì đi các điểm du lịch, thăm các cơ sở sản xuất, thăm quê tổng thống, quê vợ tổng thống. Một sự tiếp đón ít có.
Mexico lúc đó đang ở đỉnh cao của sự phát triển. Đảng Cách mạng Thể chế ( PRI) cầm quyền liên tục từ năm 1929 đã đưa đất nước phát triển không ngừng, đặc biệt từ 1940-1975 đã tạo nên huyền thoại Mexico khiến cả thế giới nể phục! Thời gian chúng tôi sang uy tín của Đảng là cao nhất. Từ thành phố đển nông thôn mọi người chỉ biết đến PRI! Người của PRI có mặt ở mọi nơi. PRI đang ở tột đỉnh vinh quang! Các đảng đối lập chỉ là vật trang trí cho chế độ đa đảng. Lực lượng đối lập chì chiếm một tỷ lệ không đáng kể trong quốc hội. Bạn đang hy vọng đưa Mexico thành hình mẫu cho sự phát triển ở Mỹ Latinh! Một mục tiêu đáng trân trọng!
Những ngày gần về nước, tổng thống lại mời cơm cả đoàn. Tổng thống Mexico chỉ được làm một nhiệm kỳ 6 năm. Theo quy định của PRI, tổng thống đương nhiệm giới thiệu người kế nhiệm trước kỳ bầu cử 1 năm. Cuối năm 1976 sẽ bầu tổng thống mới. Tổng thống đương nhiệm vừa công bố người kế nhiệm là López Portillo. Khả năng trúng cử lúc đó là 100%. Người kế nhiệm tổng thống lại tiếp chia tay đoàn.
Chúng tôi sang Mexico ngay sau chiến thắng 30/4. Bạn giành cho đoàn sự tiếp đón nồng hậu là vì Tổng thống Luis Echeverria và PRI rất khâm phục trước chiến thắng của Việt Nam!
Sau gần hai tháng đi học tập kinh nghiệm, chúng tôi rời Mexico với một tình cảm luyến tiếc!
Về Việt Nam rồi vẫn dõi theo nước bạn. Thật buồn khi năm 1982 biết tin Mexico biến thành quốc gia vỡ nợ do đường lối sai lầm chỉ dựa vào nguồn lợi từ dầu mỏ! Cuộc khủng khoảng kéo dài đến cuối thập niên 1990. Từ đó nội bộ đảng cầm quyền chia rẽ. Nhóm lợi ích thao túng. Tham nhũng làm mâu thuẫn trong dân thêm sâu sắc. Tội phạm hoành hành. Năm 2000 PRI đã mất hoàn toàn quyền lãnh đạo cả ở hành pháp và lập pháp sau 71 năm liên tục cầm quyền.
Lòng tin vào đảng trong dân không còn. Đau buồn cho một đảng chính trị đã vang tiếng một thời khi đã đánh mất LÒNG TIN CỦA DÂN!
—————————————

Đoàn đi làm việc tại các địa phương ở Mexico.





https://www.facebook.com/vo.hongphuc.79/posts/1900126800160107



3. Ngày 8/10/2021


Những ai từng vào Nam, ra Bắc theo đường bộ hoặc đường sắt, ở vị trí Cầu Yên (phía Nam thành phố Ninh Bình), sẽ thấy ngọn núi Cánh Diều hiện lên như hình một người con gái nằm ngửa. Dân Ninh Bình gọi đó là Ngọc Mỹ Nhân - một kỳ quan thiên nhiên ở địa phương.
Từ đây đi bộ 500 mét ra sông Vân (nơi Dương Vân Nga đưa thuyền ra đón và buông rèm "đàm đạo" với tướng quân Lê Hoàn sau khi dẹp tan quân Tống trở về kinh đô Hoa Lư).
Ngay ven sông là núi Thúy, nơi người thanh niên cộng sản Lương Văn Tụy cắm lá cờ Đỏ Búa Liềm năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cũng là nơi chiến sĩ vệ quốc quân Giáp Văn Khương cùng đơn vị tiến công đồn quân Pháp trên núi rồi nhảy xuống sông để rút trước khi trời sáng trong chiến dịch Quang Trung năm 1951.
Dưới chân núi Thúy có đền thờ Trương Hán Siêu, một danh nhân đất Việt.
Có thể nói đây là một cụm di tích lịch sử và danh thắng ven sông cực đẹp, sơn thủy hữu tình và có giá trị cao về nhiều mặt.
Nhưng từ năm 1971, ông bạn phương Bắc giúp Việt Nam thiết kế và xây dựng một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, chở từ Quảng Ninh về, tung bụi khắp vùng suốt nửa thế kỷ, phá hủy cảnh quan và danh thắng. Ai ở thành phố Ninh Bình phơi áo trắng ngoài trời là đủ biết.
Có người thạo về tâm linh, kể rằng kẻ xây nhà máy này rất thâm hiểm, làm cho Ngọc Mỹ Nhân bị "hiếp dâm" bởi cái ống khói to đùng, phun đầy chất độc.
Đầu năm 2021, Tỉnh ủy Ninh Bình kiến nghị Thủ tướng đồng ý thông qua chủ trương giao cho tỉnh lập đề án dừng hoạt động Nhà máy Nhiệt điện than Ninh Bình (quy mô công suất khoảng 100 MW), đồng thời di dời trạm biến áp 220 kV ra khỏi thành phố.
Hy vọng nơi đây sẽ thành một công viên 500 ha, làm thay đổi đời sống người dân, và khai thác tài nguyên du lịch, làm cho Ninh Bình thêm giàu đẹp.

https://www.facebook.com/hien.vuquang.98/posts/1664461113759923


2. Ngày 2/10/2021


2 giờ 
Ngày 2/10/2021
Trong bài “Núi Cánh Diều và nhà máy điện Ninh Bình“ ở phần lời bình, mọi người quá ưu ái tôi, tôi không dám nhận. Tôi chỉ làm nhiệm vụ của dân cử. Người mà tôi muốn mọi người biết đến là Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhiệm kỳ 2002-2008 Hattori Norio. Người có công lớn trong việc này.
Sư việc có được sự đồng thuận của nhà tài trợ, Chính phủ Nhật Bản để đi chuyển nhà máy không đơn giản như tôi đã viết. Khi đó cơ quan viện trợ của Nhật Bản JICA đã phải làm nhiều việc cho chuẩn bị dự án ( từ 2005). Di chuyển đi nơi khác không ai muốn. Lại phải làm việc lại. Phải có lý do thật xác đáng. Khi nói về vấn đề môi trường. Đại sứ nói với tôi:”Không thuyết phục được Tokyo”. Khi nói về vấn đề tâm linh và lòng dân. Đại sứ nói: “- Cần phải nghiêm túc xem xét!” Sau đó Đai sứ và tôi đã cùng làm việc về vấn đề này rất kỹ. May sao tôi là người biết chuyện từ đầu, từ những năm đầu 1970. Tôi đã cung cấp đầy đủ tình hình. Đại sứ đã nhiệt tình ủng hộ. Đã báo cáo và thuyết phục được Tokyo chấp thuận!
Đại sứ Hattori Norio sinh tháng 7/1945, hơn tôi ba tháng tuổi. Ông tốt nghiệp khoa Luật, Đại học Tokyo năm 1968. Sau khi tốt nghiệp về làm việc tại Bộ Ngoại Giao Nhật Bản. Năm 1993 ông làm Tổng vụ phó Tổng vụ ODA Bộ Ngoại giao. Ở Nhật một bộ chỉ có 2 thứ trưởng. Một thứ trưởng chính trị do đảng cầm quyền bổ nhiệm cùng với bộ trưởng. Một thứ trưởng hành chính điều hành bộ máy công chức. Thứ trưởng hành chính không thể lên bộ trưởng. Muốn lên bộ trưởng thì phải từ bỏ công chức ra hoạt động chính trị theo đảng phái. Đảng thắng thì mình thắng, mới có cơ lên! Việc thực thi chính sách của chính phủ do bộ trưởng và thứ trưởng chính trị quyết định. Do vậy quyền của Tổng vụ rất lớn.
Ông Hattori là Tổng vụ phó tổng vụ ODA, lại phụ trách khu vực Đông Nam Á. Lúc đó tôi là phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, phụ trách ODA.
Chúng tôi quen nhau trong lần đàm phán chương trình dự án tài trợ đầu tiên của Nhật Bản, năm 1993. Tôi còn nhớ những dự án chúng tôi thỏa thuận đầu tiên. Với viện trợ cho không là Bệnh viện Chợ Rẫy ở thành phố Hồ Chí Minh. Với dự án vốn vay là nâng cấp quốc lộ 5, đoạn từ cầu Chui đến km 47. Ông Hattori nói với tôi “- Tôi đảm bảo với ông, đây sẽ là dự án đầu tư rẻ nhất.” Tôi hỏi vì sao? Ông trả lời:”- Đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam, các công ty Nhật muốn trúng thầu để tạo chỗ đứng. Họ cần chỗ đứng chứ chưa cần lợi nhuận!” Sau đó Taisei trúng thầu với giá chỉ bằng khoảng 80% giá dự tính!
Từ đó tôi và ông ấy làm việc thường xuyên. Hàng năm vài ba lần, có năm còn nhiều hơn. Khi ở Tokyo, lúc ở Hà Nội.
Làm việc nhiều mới có nhận xét: Một con người bề ngoài lạnh lùng, có chút kiêu căng quí phái, nhưng lại rất chân thành, vì công việc, nghiêm túc. Quan hệ của chúng tôi ngày càng thân thiết và thuận lợi.
Năm 1996, ông đi làm Công sứ toàn quyền ở Indonesia. Sau đó về làm Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Quan hệ của chúng tôi bị gián đoạn.
Năm 2002 ông sang Việt Nam làm Đại sứ đến 2008. Một đại sứ Nhật Bản có nhiệm kỳ dài nhất ở Việt Nam! Trải qua hai thời thủ tướng! Quan hệ của chúng tôi lại thêm thân thiết.
Thời anh Sáu Khải, sau một lần làm việc với Đại sứ Hactori, anh Sáu nói với tôi: “ Này mày, cái thằng cha này ban đầu tiếp xúc thì thấy lạnh lùng,khinh khỉnh. Khi làm việc lâu thì lại thấy rất được việc mày ạ”
Tôi nói “- Vâng anh, tính ông ta là vậy. Em biết ông ấy từ 1993. “
Thời anh Ba Dũng, cũng sau một lần làm việc, anh Ba Dũng nói với tôi: “- Ông Phúc này, cái tay này bề ngoài nhìn lạnh lùng kiêu căng, nhưng lại rất được việc. “
Tôi lại nói “- Vâng, đúng thế anh, tính ông ta là vậy, tôi biết ông ấy từ 1993.”
Trong thời gian 6 năm của nhiệm kỳ đại sứ, ông đã làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Tại các Hội nghị Tài trợ thường niên, luôn thể hiện vai trò của nhà tài trợ lớn nhất, góp phần thúc đẩy tài trợ và đầu tư. Thời kỳ này cũng là thời kỳ hai nước ký nhiều hiệp định liên quan đến đầu tư và thương mại. Đây cũng là thời kỳ xẩy ra vụ tham nhũng PCI ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước. Đại sứ và tôi đã tim moi biên pháp xử lý
Cuối tháng 11/2007 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Nhật Bản theo nghị thức Quốc khách. Tôi tham gia đoàn. Đại sứ tháp tùng đi cùng. Mọi việc rất chu đáo. Anh Triết đánh giá cao sự đóng góp của đại sứ cho quan hệ Nhật Viet . Cuối chuyển đi , đại sứ nói với tôi:
“- Chắc sang năm tôi phải rời Việt Nam .”
Tôi hỏi: “- Không kéo dài được thêm?”
Đại sứ: “- Không thề , gần 6 năm rồi !”
Năm 2008 Hattori Norio rời Việt Năm. Sang làm đại sứ của Nhật Bản tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kính tế (OECD) tại Paris.
Thời là đại sứ ở Việt Năm, tôi và đại sứ Hattori có câu chuyện vui:
Cuối năm 2006 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thăm Nhật Bản. Tôi đi cùng. Chuyến thăm rất thành công. Cuối chuyến đi, khi về Osaca, đại sứ Hactori có chương trình mời cơm hẹp. Thành phần phía Việt Nam chỉ có thủ tướng, phu nhân, đại sứ Việt Nam tại Nhật và tôi. Phía Nhật chỉ có vợ chồng đại sứ, vợ chồng đại sứ thiện chí Sugi Ryotaro.
Buổi tiệc ở một nhà hàng Nhật rất sang trọng. Cả hai vị đại sứ đều là dân rất “sành điệu” của Tokyo. Bữa đó thực đơn theo kiểu ăn của Kyoto. Thật sự là thực đơn cao cấp. Ca sĩ và nhạc công Kyoto. Bữa tiệc rất vui vẻ. Rượu ngà ngà, khi bàn về món ăn các vùng, đại sứ Hattori vô tình nói: “- Tôi thấy trong các bữa tiệc gọi là quốc yến của Việt Nam không thuần Việt. Vẫn bị lai. Bữa thì lai Pháp, bữa thì lai Trung, không thuần Việt.”
Câu nhận xét vô tình nhưng làm cho cả thủ tướng và tôi rất “cay mũi “. Mặc dù rất thân với Đại sứ nhưng tôi vẫn rất cay. Muốn “ục “ lại vài câu mà không được.
Lúc chia tay, ông Sugi Ryotaro hẹn tháng sau sang Việt Nam.
Trên đường về khách sạn, cả thủ tướng và tôi đều nói là quá cay với câu nhận xét của Hattori. Tôi nói với thủ tướng:
“- Tôi quá tức, định ục lại vài câu cho đỡ tức, nhưng không được. Ngẫm cho cùng thì ông ta nói đúng. Tôi từ 1993 đến giờ đi dự tiệc cũng nhiều nhưng chưa bữa nào là thuần Việt. Rượu cũng không có quốc tửu. Tiệc thì toàn rượu ngoại. Bên ngoài thì trên, dưới, to nhỏ đều thích rượu ngoại. Nhật Bản thì chỉ thấy Sake!” Thủ tướng bảo tôi “- Kỳ tới đại sứ thiện chí sang, ông chỉ đạo làm bữa tiệc thật thuần Việt. Thành phần chỉ có tôi, vợ chồng ông, vợ chồng Hattori, đại sứ thiện chí, nếu ông ấy đưa vợ sang thì thêm vợ tôi “
Đại sứ thiện chí Sugi Ryotaro sang, không đưa theo vợ. Buổi tối đó chiêu đãi. Tôi tự mình phải đặt thực đơn. Trước đó tôi phải gọi bếp trưởng bếp Việt Nam của khách sạn Sheraton lên đặt yêu cầu. Có loại thực phẩm, bếp trưởng không biết lấy đâu. Tôi bảo: “- Ra chợ Bắc Qua tìm mấy bà bán hàng già mà hỏi, già thì mới biết, bọn trẻ không biết đâu! “ Tối đó một bữa tiệc tuyệt vời! Lúc uống nước, tôi hỏi Hattori: “ - Thuần Việt chưa?” Hactori biết ý gật đầu trả lời: “- Rất Việt “.
Tháng 8 năm 2010 Đại sứ nghỉ hưu.Tháng 8 năm 2011 tôi cũng nghỉ.
Đại sứ nghỉ hưu làm chủ tịch một công ty tư vấn đầu tư. Vẫn qua lại Việt Nam. Tôi vẫn qua lại Nhật Bản để đi du lịch. Hai bên vẫn gặp nhau luôn.
Cuối năm 2019 , vợ chồng tôi đi Nhật chơi xem mùa lá đỏ. Đại sứ mời cơm. Hôm đó có cả anh Nam, đại sứ đương nhiệm Việt Nam tại Nhật Bản. Tôi nói với đại sứ:
“- Tôi với ông bây giờ nên phải giữ gìn sức khỏe. Nên mở cuộc thi giữ gìn sức khỏe,”
Đại sứ:
“- Thi thế nào?
Tôi nói:
“ - Thi giữ sức khỏe tốt , ai giữ sức khỏe tốt thì sống lâu. Vậy ai sống lâu hơn là người thắng!”
Đại sứ:
“- Vậy cuộc thi này chỉ có người thắng cuộc biết kết quả! Để cho người thua biết mình thua thì người thắng phải đứng trước di ảnh mà nói rằng - tôi đã thắng ông. Như vậy thì tôi và ông còn phải đi Nhật hoặc đi Việt Nam cho đến khi có người thua cuộc!
Hai bên chọn Đại sứ Nam làm chứng .
Từ 2019 đến nay do dich nên không gặp nhau được. Nhưng vẫn hỏi tin nhau. Ngóng xem đối thủ đang ở đâu trên đường đua!
————————————————

Đại sứ Hactori Norio và tôi năm 2016



https://www.facebook.com/vo.hongphuc.79/posts/1891406134365507



Trên Giao Blog thời kì Yahoo, có lưu những bài sau liên quan đến ODA Nhật Bản giai đoạn bị cắt, sau được nối lại (2008-2009):

Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam

https://dzjao.wordpress.com/2009/02/23/nhat-ban-noi-lai-vien-tro-oda-cho-viet-nam/

Nhật Bản cắt ODA 2009 – bạn nghĩ gì về sự kiện này ?

https://dzjao.wordpress.com/2008/12/11/nhat-ban-cat-oda-2009-ban-nghi-gi-ve-su-kien-nay/



1. Ngày 1/10/2021

Hôm nay 1-10 Quốc khánh Trung Quốc. Xin
chúc mừng
.
Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, do Trung Quốc viện trợ, được khởi công xây dựng ngày 5/3/1971 với 4 tổ máy công suất 100 MW, tháng 5/1972 việc xây dựng nhà máy phải ngừng do Mỹ ném bom trực tiếp vào khu vực núi Cánh Diều, nơi xây dựng nhà máy. Năm 1974, Nhiệt điện Ninh Bình chính thức hòa nhập vào mạng lưới điện lực Việt Nam và trở thành một trong 3 nguồn điện chủ yếu của lưới điện miền Bắc.
Đọc bài về núi Cánh Diều và nhà máy Nhiệt điện của cựu BT Võ Hồng Phúc mới biết các cụ cao cao cũng biết nhưng vì hữu hảo nên theo Trung Quốc. BT Phúc kể khá nhiều chi tiết mà dân Ninh vầy đều thuộc.
Núi Cánh Diều ở Ninh Bình còn có tên là núi Ngọc Mỹ nhân, theo huyền thoại, do một tiên nữ giáng trần, hoá đá mà thành núi. Đứng từ phía Bắc, mạn Cao Bồ nhìn về nam hoặc đứng ở Cầu Yên nhìn về bắc núi có hình dáng một cô gái khỏa thân nằm ngửa.
Khi Trung Quốc giúp xây dựng nhà máy điện, muốn chọn núi Cánh Diều vì cho rằng thuận lợi cho việc bảo vệ nếu có tấn công bằng không quân (mẹ kiếp máy bay bắn từ phía nào chả được). Phía ta thì muốn xuôi về hạ lưu sông Đáy để thuận lợi cho vận chuyển than và tránh ô nhiễm bụi than cho thị xã Ninh Bình lúc đó.
Trong sâu xa còn có một lý do mà chỉ có các bậc cao niên lúc đó rỉ tai. Đó là lý do tâm linh: vấn đề huyệt đạo của núi Cánh Diều. Nhưng lý do này không ai dám nêu chính thức vì mê tín dị đoan là cấm kỵ lúc bấy giờ.
Nhà tôi (rất gần nhà BT Đinh Tiến Dũng ở Trung Trữ) cách núi Cánh Diều 12 km đường chim đi bộ nên quá biết chuyện này. Bố tôi học lớp 1 cũng biết thằng Tầu thâm. Rồi bây giờ dân vẫn đồn mỹ nhân bị đâm bằng dao hay bị hiếp tùy theo góc chụp từ đâu.
Tôi (Cua) còn nhớ khi xây dựng xong thì ống khói nhà máy đã cao bằng núi Cánh Diều chứ không nhớ có ống khói thứ 2 cao hơn sau này. Nhìn từ xa, cái ống khói cao hơn giống như một cái dương vật đâm thẳng vào đúng chỗ hiểm của Ngọc Mỹ nhân. Người già thì nói núi Cánh Diều bị yểm. Người trẻ thì nói Ngọc Mỹ nhân bị hãm hiếp. Cái này thì tôi đồng ý với BT Phúc.
Chuyện người đẹp bị hiếp, bị yểm bùa chỉ là dã sử nhưng 3B ô nhiễm của Ninh Bình là có thật do TQ nham hiểm để lại. Khu gang thép Thái Nguyên, cầu Thăng Long, nhiệt điện Ninh Bình, bauxit Tây Nguyên…chưa đủ mở mắt cho nhiều nhà lãnh đạo xứ ta. Giờ là đường sắt Hà Đông – Cát Linh nuốt không trôi cũng là từ phương Bắc.
Lúc còn bé, tôi học sử qua bố, một nông dân học xong bổ túc lớp 1 tại trường làng. Không hiểu sao, cụ chỉ biết đọc, biết viết qua loa, thế mà cụ thuộc dã sử Nguyễn Bỉnh Khiêm, vua Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận, rồi các tích về những ngọn núi vùng Hoa Lư lầu lầu.
Nhờ cụ mà tôi biết Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là ông tổ cỡ 21-24 đời của họ Giang. Nguyễn Bỉnh Khiêm từng tham gia chấp chính trong triều đình nhà Mạc, có nhiều đóng góp, nhưng khi Mạc Thái Tông mất năm 1540 thì quốc gia rối ren.
Ông dâng sớ trị tội lộng thần nhưng vua mới lên thay còn trẻ, không chấp thuận, Trạng Trình đã bỏ về quê ở ẩn. Khi biết mình có thể bị liên lụy với triều đình khi đã hết thời, là người nhìn xa trông rộng, cụ đã khuyên các con đi trốn mỗi người một nơi, tránh họa tru di tam tộc.
Theo bố tôi kể, người con cả có tên là Nguyễn Văn Chính, hiệu là Hàn Giang cư sỹ, trốn về Ninh Bình. Khi đi qua bến đò sông Hoàng Long, nối Trường Yên với bên Gia Viễn, cư sỹ thấy phong cảnh hữu tình, liền đổi thành Hàn Giang Hầu (Giang Hàn Hầu), tránh được sự trả thù của nhà Lê - Trịnh. Dòng họ ấy đẻ ra một thằng cu đốt nhà và là chủ hang Cua.
Hàn Giang Hầu là ông tổ của nhà Cua mấy chục đời, hiện có nhà thờ tại cố đô Hoa Lư. Hai chục năm trước, họ Giang ra tận Tiên Lãng (Hải Phòng) để nhận họ hàng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bây giờ giỗ họ, hai bên Nguyễn và Giang vẫn mời nhau chén rượu lạt.
Ông già tôi hay ngâm nga câu “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong” để nói về hai triều đại Lê Trịnh phải dựa vào nhau mà sống.
Ông kể vanh vách tích vua Đinh cờ lau tập trận, thịt trâu đãi bạn, rồi cắm đuôi xuống lỗ nẻ, bị chú đuổi chạy qua sông Hoàng Long và được rồng cứu, sau làm nên nghiệp lớn.
Tôi còn bé, nghe thế thôi, cũng không tin vào dã sử, không tin lắm vào chuyện cu Bin, cu Luck là con cháu mấy chục đời của Trạng Trình. Nhưng nhờ có cụ già nhớ dã sử mà tôi biết nhiều hơn về quê hương, đi đâu cũng so sánh, quê mình thế này, quê mình thế kia.
Năm 1974 tôi du học Ba Lan về phép thăm nhà thì Trung Quốc đã khánh thành nhà máy. Thấy cái ống khói cao vừa miệng núi, ông già nhà tôi đã lầm bầm “Thằng tầu nó thâm, xây thế này thì bụi khói toàn đổ về thị xã cho mà xem”
Thị xã Ninh Bình này có 3 chữ B: Bần, Bụi và Buồn chính là từ đây. Gió bắc tràn về cũng làm khói quẩn và đổ bụi vào thị xã, gió nam thổi cũng tạt bụi vào thị xã.
Bố tôi ngửa mặt than, nhớ lại lời sấm Trạng Trình “An Nam chớ vội làm giầu. Thằng tây nó tếch, thằng tầu nó sang”. Các cụ nói cấm có sai.
HM Cua. 1-10-2021




https://www.facebook.com/giang.the.50767/posts/364700608668065


---


BỔ SUNG


5.


Ngày 25/9/2021
Một ngày giữa tháng 6/1993, anh Đỗ Quốc Sam nói với tôi:
“- Kỳ này anh sẽ đi công tác châu Âu với thủ tướng. Chuyến đi hơi dài, gần 2 tuần.”
Anh Sam đưa tôi xem quyết định về đoàn đi của Thủ tướng. Thành viên đoàn chính thức tháp tùng Thủ tướng gồm có:
- Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.
- Cố vấn chính trị của Thủ tướng Nguyễn Đức Bình.
- Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư Đậu Ngọc Xuân.
- Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Xuân Trinh
- Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm.
Lãnh đạo của các bộ và cơ quan: Ủy ban Kế hoạch Nhà nước….
Khi văn bản nói lãnh đạo thì chỉ cử cấp phó. Cử ai là quyền bộ trưởng.
Thời gian đi: từ 23/6-11/7/1993 . Sau khi đi châu Âu đoàn sẽ đi Cuba.
Tôi nói với anh Sam:
“ - Đi lâu quá, em vừa đi Nhật với anh 6 Khải 10 ngày vừa về. Nay lại đi 2 tuần nữa . Vừa mới lên phó chủ nhiệm được 6 tháng ( tôi lên phó chủ nhiệm 25/12/1992) mà lại đi suốt! Anh xem cử anh khác đi được không ?”
Anh Sam cười bảo:
“ - Không được, vì công việc. Vả lại anh Cầm đã bàn với ông Sáu, muốn cậu đi. “
Tôi xem lại danh sách, thấy có chức danh trong đoàn là cố vấn chính trị liền hỏi anh Sam :
“- Sao lại có cố vấn chính trị?”
Anh Sam cười, hạ giọng:
“- Vấn đề tế nhị. “
Anh Đỗ Quốc Sam có cách nói hạ giọng khi nói đến những việc kiểu như thế rất hay, khiến người nghe rất hiểu vấn đề và không cần hỏi thêm nữa!
Tôi lại chuẩn bị lên đường tháp tùng thủ tướng. Xem lại các tài liệu liên quan đến hợp tác kinh tế với Pháp, Đức,Bỉ, EC ( lúc đó vẫn là EC, chưa là EU, 11/1993 mới đổi),những nơi Thủ tướng sẽ đến thăm và làm việc.
Ngày 23/6/1993 Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên đường khai thông quan hệ với châu Âu. Ngày đó chưa có đường đi qua lối cầu Thăng Long. Đoàn của Bộ, thứ trưởng tập trung ở cổng Bộ Ngoại giao.Hai giờ sáng có xe dẫn đường,đi lối cầu Chương Dương theo quốc lộ 2 lên Nội Bài. Đoàn tuỳ tùng lên trước đó. Vừa ổn định chỗ ngồi thì Thủ tướng lên. Bốn giờ sáng máy bay cất cánh.
Thời kỳ đó chỉ mới có loại máy bay tầm trung, nên phải dừng nghỉ ở Dubai. Đúng 15 giờ ngày 23/6 đến Paris. Lễ đón long trọng tại sân bay. Ở Paris, đoàn nghỉ tại Hotel de Crillon ngay trên Place de la Concorde.
Tối hôm đó là tiệc chiêu đãi lớn của Chính phủ Pháp tại nhà Khánh tiết của Bộ Ngoại giao. Ngày 24, 25, 26/6 là các cuộc hội đàm, làm việc với Thủ tướng, Thượng viện, Hạ viện và các cơ quan của chính phủ Pháp cũng như các tổ chức kinh tế và các doanh nghiệp Pháp. Do quan hệ truyền thống, mặc dù bị Hoa Kỳ cấm vận nhưng Pháp vẫn duy trì quan hệ nhất định với Việt Nam. Chuyến đi này của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khởi động lại và phát triển mạnh hơn các mối quan hệ đã có. Hai Thủ tướng đã thỏa thuận:
- Hoạt động của Đại Ủy ban Hợp tác Kinh tế Khoa học Giáo dục Pháp- Việt
- Tăng thêm viện trợ phát triển từ Ngân khố Pháp
- Mở rộng hoạt động của Quỹ Phát triển Pháp (CFD)
- Khuyến khích các nhà đầu tư Pháp vào Việt Nam.
- Chính phủ Pháp hoan nghênh việc tổ chức Hội nghị Tài trợ cho Việt Nam tại Paris vào tháng 12/1993.
Thủ tướng đã gặp mặt bà con Việt kiều. Trong một bữa sáng, thủ tướng nói với anh Nguyễn Đức Bình:
“ - Anh Bình thu xếp đi gặp ông Hoàng Xuân Hãn. Anh cho tôi gửi ít quà.”
Cụ Hoàng Xuân Hãn năm đó đã 85 tuổi, cụ quê ở Yên Hồ , Đức Thọ, Hà Tĩnh. Anh Nguyễn Đức Bình quê ở Trung Lương. Hai làng cạnh nhau. Anh Bình đi về, kể lại: “- Cụ Hãn yếu lắm rồi. Tôi đến , biết là người ở Trung Lương, cụ chỉ hỏi chuyện quê, hỏi từ làng rèn Trung Lương đến chợ quê, chợ Trổ, bến đò Hào. Nói chuyện về tuổi thơ ở làng quê Yên Hồ. Cụ nói tặng lại toàn bộ thư viện riêng cho Viện Hán Nôm. “ Ba năm sau cụ mất. Tiếc thương một con người uyên bác , học rộng, tài cao! Cuối đời chỉ nhớ về quê cũ!
Ngày 27/6 chúng tôi đi xem các lâu đài cổ trên sông Loire.
Chiều về sớm, xem chương trình của đoàn,thấy không có việc gì, anh Đậu Ngọc Xuân bảo tôi: “ Tối nay làm gì mày, ngồi nhà nhìn nhau à ? Có gì hay ở Paris cho anh em đi xem tí chứ. Cậu quen biết am hiểu nhiều thu xếp đi! Mai sang Đức rồi, bên đó thì chẳng có gì, buồn lắm!” Anh Xuân là người vui tính, sống tình cảm . Anh là đồng hương, lại là sếp cũ của tôi. Giống như anh Sam, ở hàng “ sư phụ “ , quan hệ rất thân thiết.Tôi bàn với mấy anh em bạn ở Pháp, tối đó đưa mấy anh đi xem ở Crazy Horse.
Trước khi đi anh Xuân nói :”-Ông Bình đi xem cho vui , Ông Cầm thì không đi được rồi, ông Cầm mà đi thì sáng mai lên báo Pháp, coi như chương trình hoạt động của Thủ tướng!” Anh Cầm nói : “ Hôm nay thì tớ muốn đi cũng không thể đi được,tối còn phải xem lại tài liệu cho Thủ tướng, mai làm việc ở Đức. “ Anh Bình cũng từ chối: “-Tớ cũng không đi.” Anh Xuân vừa cười vừa nói: ”-Đi xem cho biết văn hoá Pháp. Phàm cái gì dùng đến chân tay thì mới thuộc phạm trù đạo đức, chỉ dùng mắt thôi thì thuộc phạm trù nghệ thuật. Đây chỈ dùng mắt thôi, đi đi!” Anh Bình vẫn không đi. Anh Xuân bảo “-Thôi,ta đi, cho ông Bình ông Cầm ngồi nhà nhìn nhau!” Anh Xuân, anh Bình cùng tuổi( sinh năm 1927) cùng Trường Đảng lại đồng hương nên nói chuyện với nhau rất thoải mái. Lần đi này điểm lại, lại một nửa là người ven sông La, sông Lam!
Sáng 28/6 rời Paris đi Hamburg- Đức . Đoàn đi thăm cảng, nhà máy sản xuất máy bay của hãng Airbus. Sáng 29/6 bay về Bonn . Tại Bonn đoàn ở trong một khách sạn cổ trên đồi, đối diện với trung tâm thành phố qua sông Rhine. Phong cảnh tuyệt đẹp, Ngắm được toàn cảnh Bonn và sông Rhine .
Lễ đón Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào 11giờ ngày 29/6.
Thủ tướng Helmut Kohl chủ trì lễ đón. Một lễ đón trang trọng.
Trong chuyến đi này, hai thủ tướng đã thỏa thuận:
- Gia tăng viện trợ phát triển cho Việt Nam cùng với việc giải quyết vấn đề người lao động Việt Nam ở Đông Đức cũ, hợp tác về giáo dục- đào tạo.
- Phát triển hợp tác đầu tư, thương mại
- Đức ủng hộ Hội nghị Tài trợ tại Paris 12/1993.
Chúng tôi đã có nhiều cuộc gặp với các cơ quan của Chính phủ Đức, với doanh nghiệp Đức. Do có một sự cố nhỏ, thủ tướng không đi thăm một cơ sở ở Essen, giao cho anh Cầm dẫn đoàn đi. Chiều 30/6 rời Bonn đi Brussels.
Tại Brussels, thủ tướng đã tiếp Bộ trưởng Hợp tác phát triển Bỉ bàn về các chương trình hỗ trợ của Bỉ trên các lĩnh vực: giáo dục,đào tạo,Ytế, năng lượng, cơ sở hạ tầng. Đoàn cũng đã đi thăm nhiều nơi ở Bỉ.
Đặc biệt tại đây , Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có các buổi làm việc với các vị lãnh đạo của EC. Đã đạt được những thỏa thuận cơ bản với EC. Đặt nền móng cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai bên. Đó là hai bên sẽ lập đoàn đàm phán để ký kết Hiệp định khung về hợp tác ( FCA) giữa Việt Nam và EC. Thủ tướng đã giao Anh Nguyễn Mạnh Cầm trực tiếp chỉ đạo. Giao Ủy ban Kế hoạch NN thành lập đoàn đàm phán gồm nhiều cơ quan liên quan, do tôi làm trưởng đoàn đàm phán.
Chuyến đi của Thủ tướng năm 1993 đã khai thông quan hệ với toàn Châu Âu. Với sự ủng hộ tích cực của EU, đặc biệt là Pháp và Đức, tháng 12/1993, Hội nghị Tài trợ tại Paris đã đạt kết quả lớn. Một dòng vốn lớn từ chính phủ và tư nhân của các nước thành viên EU đã về Việt Nam. Một thị trường mới đã được mở rộng!
Một chuyến đi khai thông quan hệ!
Ngay sau chuyến thăm của thủ tướng, hai đoàn đàm phán của Việt Nam và EU đã bắt đầu làm việc. Sau gần hai năm, Hiệp định khung về Hợp tác (FCA) giữa Việt Nam và EU đã được ký kết bởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và lãnh đạo của EU vào ngày 17/7/1995, tạo cơ sở pháp lý cho nhiều thỏa thuận sau này để mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên.
Việc đạt được thỏa thuận để ký được FCA cũng là một bước đi gian truân. Sau một buổi đàm phán vòng cuối ở Brussels, tôi gọi điện xin ý kiến chỉ đạo của anh Cầm, anh Cầm đồng ý với phương án thỏa thuận với bạn. Anh Cầm đồng ý, nhưng nói thêm: “ Đây là vấn đề phức tạp, cậu phải xin ý kiến bên Đảng, tốt nhất là báo cáo trực tiếp với anh Mười.” Tôi đáp: “- Vâng em hiểu, chỉ báo cáo với cụ Mười, không ai khác.” Tối đó lại phải đi ăn tối với bạn. Tiệc về đã 10 giờ đêm. Tức mới 3 giờ sáng giờ Hanoi. Tôi nói với anh Đinh Phú Định , Đại sứ tại Brussels lúc đó: “- Tôi gọi điện cho cụ Mười, anh nghe luôn.” Anh Định ngạc nhiên: “- Gọi cho cụ Mười? giờ này, mới 3 giờ sáng ở Hà Nội?” Tôi nói: “-Trước khi đi tôi có đến xin ý kiến cụ, cụ bảo nếu có gì cứ gọi điện về . Gọi giờ này là tốt nhất. Đêm cụ chỉ ngủ khoảng 3 giờ. Ba giờ sáng đã ngồi vào bàn làm việc, đoc báo cáo, đọc sách. Cụ rất thích có người gọi điện báo cáo công việc vào giờ này.” Tôi gọi điện, Tổng Bí thư bắt máy ngay. Sau khi hỏi tình hình đàm phán rất cặn kẽ, đã đồng ý với phương án của chúng tôi. Hiệp định khung được ký tắt. Đó là chuyện triển khai kết quả chuyến đi sau gần 2 năm.
Riêng tôi, từ chuyến đi đó, Paris và Brussels đã trở thành điểm đến quen thuộc trong nhiều năm tiếp theo. Cho đến tận năm 2010. Với các chuyến đi đàm phán viện trợ phát triển và xúc tiến đầu tư. Đi nhiều thành quen, đến mức thuộc đường và khá hiểu biết về nơi đó! Có nhiều lúc trở thành người dẫn đường bất đắc dĩ . Anh em đi cùng gọi vui là: “ Bộ trưởng - tour guide “!
Những chuyến đi còn nhớ mãi!
———————————
Trên máy bay đi Châu Âu với Thủ tướng



https://www.facebook.com/vo.hongphuc.79/posts/1885756064930514


4. 13/9/2021

Ngày 14/9/2021
Cuối thang8/1989, sau chuyến đi công tác ở các tỉnh miền Trung bằng đường bộ, điểm cuối cùng là làm việc với thành phố Hồ Chí Minh . Sau khí làm việc xong với thành phố Hồ Chí Minh, anh 6 Khải bảo cả đoàn theo đường bộ ra Hà Nội, riêng vụ phó vụ Công nghiệp ở lại làm việc thêm với Chủ nhiệm. Tôi và mọi người đều nghĩ là A6 sẽ làm việc thêm với các cơ sở công nghiệp của thành phố vốn đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất do tình hình ở Đông Âu.
Tôi nằm chơi chờ lệnh ở khách sạn Hương Sen.
Chiều 1/9 có điện gọi tôi đến nhà A6 ăn tối kỷ niệm 2/9 và bàn công việc. Tôi đến thì thấy có khoảng 10 anh em thân thiết của A6 có mặt ở đó . Trong số đó có anh Trần Hữu Lạc , Tổng giám đốc Tổng công ty xuất nhập khẩu dầu khí (Petechim) và anh Charles Đức , Tổng giám đốc Tổng công ty kinh doanh ngoài nước ( Charles Đức là một Việt kiều ở Pháp có cả 2 quốc tịch Pháp Việt, chồng của nghệ sĩ Bạch Tuyết).
Ăn tối xong, mọi người ra về, A6 bảo tôi, anh Lạc và Charles Đức ở lại bàn công việc.
Chỉ còn lại 3 người, A6 nói đại ý :
- Bộ Chính tri đã đồng ý tao đi Nhật. Chuyến đi này ngoài chuyện bàn làm ăn về kinh tế, tiếp xúc với một số tập đoàn , chính giới, khai thông và mở rộng quan hệ với Nhật, anh Thạch còn giao thăm dò Nhật bản về một số vấn đề về chính trị đối ngoại chung . Đoàn đi theo lời mời của ông Watanabe Michio nhân vật số 2 của Đảng Dân chủ Tự do , Đảng cảm quyền Nhật Bản . Ông ấy sẽ chủ trì làm việc. Đoàn đi gọn nhẹ. Chỉ có tao,mày ( A6 chỉ tôi) Charles Đức và Dễ , Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương. Đây là chuyến đi không chính thức. Chuẩn bị, 3/9 đi. Chiều mai Dễ vào
Tôi vội nói:
- Ới anh, em thế này, vào đây đi công tác chỉ có mấy bộ quần áo thường mặc lại đi dép “tông “ đi làm sao?
A 6 bảo
- Tao biết rồi, mới bảo Lạc Petechim đến đây. Cái này giao Lạc lo. Nhớ tươm tất vào, đây là lần đầu đi Nhật đấy! Hai đứa mày cũng là chiến hữu rồi, khỏi ngại.
Tao cũng điện ra Hà Nội nói với anh Sam ,anh Sam còn nói: đi Nhật thì cậu Phúc đi là phải rồi ! Sáng mai mấy đứa ở sở Ngoại vụ đến khách sạn chụp hình làm hộ chiếu . Thôi về chuẩn bị , chiều 3/9 đi. Gặp nhau ở sân bay. ( anh Sam khi đó là phó chủ nhiệm thứ nhất, lại trực tiếp phụ trách vụ tôi, A6 rất nể trọng anh Sam)
Ngay tối đó, anh Lạc đưa tôi ra hiệu may quen ở đường Đồng Khởi để sắm quần áo . Ông chủ hiệu nói đành lấy bộ complete màu ghi của ông khách đặt trước nhưng chưa lấy, tuy có hơi kích vai. Sáng hôm sau ra phố Lê Thánh Tông mua giày, xuống chợ Bến Thành mua Vali . Hồi đó cán bộ ta ở Hà Nội nghèo lắm . Quần áo thiếu. Khi đi nước ngoài ,không có quần áo. Bộ Tài chính có một kho quần áo ở phố Hàng Bột , gần nhà thờ đầu phố để cho cán bộ đi nước ngoài mượn. Ai đi nước ngoài, sau khi có quyết định của cơ quan thì cả đoàn hẹn nhau đến kho thử quần áo, thử xong cho vào valy . Hôm sau thủ kho kiểm đếm ghi số quần áo rồi mới đến nhận. Quần áo thường có kích cỡ cho người cao tầm 1,6- 1,7m , có nhiều cỡ rộng hẹp cho người gầy beó khác nhau. Cỡ tôi, cao 1,76 m rất khó chọn vừa. Tôi đành cố sắm 1 bộ. Nay lại được thêm bộ nữa !
Chiều 3/9/1989 chúng tôi có mặt ở Tân Sơn Nhất. Nhìn đoàn ăn mặc khá sang. Quần áo mỗi người mỗi màu, may đẹp. Khác với những lần đi từ Hanoi , quần áo gần như đồng phục: một kiểu may, một loại vải cùng màu! Lại cùng một loại vali đen như cái hòm gỗ .
Hơn 3 giờ chúng tôi lên máy bay, một chiếc máy bay nhỏ 8 chỗ nội thất sang trọng. Đây là chuyên cơ của chủ tịch Suma Grup. Chuyên cơ sẽ đưa chúng tôi sang Manila , từ đó sang Hồng Công từ HK sẽ đi Tokyo. Đến Manila, Johnathan Hạnh Nguyễn đón chúng tôi ở sân bay , lo cho chúng tôi ở Manila rất là chu đáo. từ visa cho đến đi lại .
Tối đó tiệc chào mừng tại Manila. Có đầy đủ quan chức Philippin tham dự. Phía Việt Nam thêm Đại sứ.
Sáng hôm sau chúng tôi bay sang HK .Chờ ở sân bay HK 2 giờ,bay tiếp đi Tokyo. Tối đó đến Tokyo. Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo và ông Marume , thư kí riêng của ông Michio Watanabe đón chúng tôi ở sân bay Narita. Đoàn về nghỉ tại khách sạn Imperial..
Sáng 5/9 làm việc với ông Watanabe về các vấn đề kinh tế. Cả đoàn cùng với Đại sứ Võ Văn Sung, anh Nguyễn Đăng Quang , tham tán kinh tế, anh Nguyễn Cảnh Rương bí thư thứ nhất Đại sứ quán, phiên dịch tiếng Nhật cho đoàn tham dự. Phía Nhật bản có các thư ký của ông Watanabe, Marume , Horikoshi và một người nữa tôi quên mất tên.
Chiều 5/9 và sáng 6/9 ông Watanabe làm việc riêng với A6 về các vấn đề chính trị đối ngoại chỉ có thêm Đại sứ Võ Văn Sung và anh Rương phiên dịch. Chúng tôi không dự . Mọi người tiếp các khách quen từ các công ty Nhật.
Tối 5/9 ông Watanabe mờ tiệc chiêu đãi đoàn. Thành phần tham dự như sáng 5/9 .Phía Nhật có thêm Watanabe Yoshimi con trai cả của ông Watanabe Michio . Một buổi tối chân thành và cởi mở. Không bị ràng buộc bởi nghi lễ , không hình thức. Vào tiệc, sau chén rượu mừng, ông Watanabe Michio tự nói mình là người được mọi người trong Đảng gọi là người “bạo ngôn “, nói thẳng và không kiêng dè! Ông chỉ con trai Yoshimi và tôi rồi nói:
“- Cánh trẻ phải biết nhau để duy trì quan hệ lâu dài!” . Yoshimi sinh năm 1952, lúc đó 37, kém tôi 7 tuổi. Nghe lời bố, Yoshimi duy trì quan hệ thân hữu với tôi đến tận bây giờ!
Ông nói tiếp:
“- Chính phủ Nhật Bản và người dân Nhật đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam ở Đông Nam Á . Chúng ta lại có một lịch sử phát triển, một nền văn hoá gần giống nhau. Vì nhiều lẽ chúng tôi mong muốn phát triển quan hệ toàn diện với Việt Nam.
Thời kỳ 1990-2000 phải là thời kỳ của quan hệ Nhật Việt. Đó phải là thập niên phát triển mạnh mẽ nhất của quan hệ Nhật Việt . Chiến lược phát triển quan hệ Nhật Việt trong thập niên tới sẽ phát trên cả 3 nội dung: Chính phủ, Doanh nghiệp và giao lưu nhân dân . Quan hệ Chính phủ, Nhật Bản sẽ nối lại Viện trợ phát triển chính thức ( ODA) cho Việt Nam . Tăng nhanh số viện trợ hàng năm. Tiến tới là nước nhận viện trợ hàng đầu của Nhật Bản. ODA của Nhật sẽ giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng. Tao thuận lợi cho các nhà đầu tư. Doanh nghiệp Nhật sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam. Nhật Bản nhiều vốn, công nghệ cao. Các nhà đầu tư Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược. Đến Việt Nam là cùng Việt Nam phát triển , phát triển lâu dài ! Từ quan hệ chính phủ, doanh nghiệp sẽ tạo đà cho giao lưu nhân dân. Du lịch sẽ phát triển. Người Việt, người Nhật sẽ qua lại thăm viếng đất nước của nhau . Người Việt sẽ qua Nhật học tập, làm việc, thăm khám chữa bệnh, ngược lại, người Nhật cũng làm vậy. Nhân dân 2 nước sẽ qua lại tấp nập!
Trong Đảng của chúng tôi có 5 phái, nhưng nói về quan hệ với Việt Nam thì chỉ có một phái. Đó là mong muốn của toàn dân Nhật Bản!
Muốn làm được điều đó chúng ta phải tháo cho được những rào cản trước mắt! “
Ông Watanabe nói một mạch, không nghỉ . Như là một thuyết khách
Một buổi tối nói chuyện chân thành, mạnh mẽ , tình cảm và ấn tượng!
Đúng là một người bạo ngôn!
Rào cản mà ông Watanabe nói là việc Hoa Kỳ phải bỏ cấm vận. Muốn Hoa Kỳ bỏ cấm vận thì ta rút quân ra khỏi Campuchia!
Sau đó, vào năm 1990 ông Watanabe đã sang thăm Việt Nam nhiều lần để xúc tiến những việc mà mình đã nói!
Mấy ngày hôm sau cả đoàn tiếp tục làm việc với các chính khách,các tập đoàn kinh tế lớn, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà khoa học, bà con Việt kiều. Tất cả các buổi gặp , mọi người đều nói những điều mà ông Watanabe đã nói! Mọi ý kiến đều tập trung về một mục tiêu thống nhất!
Trong thời gian chúng tôi ở Nhật, bà vợ cố giáo sư Lương Đinh Của và người con gái đến thăm tôi. Tôi đưa bà sang chào A6 , hai người nói chuyện rất thân tình. A6 cười nói “ -Gia đình ông bà là gia đình tiêu biểu cho quan hệ hữu nghị Việt Nhật.” Tôi giới thiệu vời A6 : “ Bố vợ em làm viện phó cho ông Của trong nhiều năm khi ông Của là viện trưởng viện Cây Lương thực . Hai gia đình có quan hệ thân thiết.”
Ngày sau cùng chúng tôi đi thăm các nơi. Thăm Hoàng cung , khu Ginza , khu phố bán hàng sang trọng nhất Tokyo. Dạo qua phố bán hàng điện tử Akihabara . Đi thăm một số nơi khác ở Tokyo . A6 và tôi lần đầu tiên đến Nhật. Được chứng kiến một đất nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, một xã hội văn mình mẫu mực, mà vẫn giữ được một nền văn hoá đậm đà Nhật bản ! Một đất nước đi lên từ đống tro tàn của năm 1945 theo đúng nghĩa. Sau bốn mươi tư năm trở thành như vậy!
Thật đáng kính phục người dân Nhật Bản
Anh 6 bảo tôi:
“ - Mày xem , người Nhật họ làm như vậy! Mình không học làm theo họ thì học theo ai? Sau này làm việc ráng đưa họ vào. Ông Watanabe nói phải, họ cũng cần mình! Mình rất cẩn họ . Mày ráng làm, giúp đỡ họ , hướng dẫn họ, đưa họ vào!
Tôi nói đùa :
“ - Bọn nó đang bảo em thân Nhật!
A6 bảo:
“- Chọn bạn mà chơi ! Muốn nói sao thì nói. Lợi cho dân cho nước thì làm!”
Tôi đã làm như vậy!
Ba mươi hai năm đã qua! Nhiều người trong cuộc đã trở về thiên cổ. Sự vật vẫn phát triển . Mọi việc đang diễn ra như ông Watanabe đã nói. Quan hệ chính phủ và doanh nghiệp hai nước phát triển không ngừng . Nhân dân hai nước giao lưu nhộn nhịp! Một sự phát triển vì lợi ích lâu dài của cả hai dân tộc.
Một lợi ích chung. Một lợi ích trường tồn!
———————————————————-
Vài hình ảnh của chuyến đi :








https://www.facebook.com/vo.hongphuc.79/posts/1877505002422287


3.

Chiều thứ bảy 1/9/1990 anh 6 Khải, khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước gọi tôi (lúc đó là vụ phó) vào phòng và bảo:
- Sáng mai tao với mày đi Hoàng Liên Sơn (a6 đối với cấp dưới ít tuổi hơn và với người thân bao giờ cũng xưng tao mày). Tranh thủ 2 ngày nghỉ đi xem đồng bào dân tộc miền núi sống thế nào. Chúng nó bảo mày thuộc đường như thầy địa lý (tôi ở UBKHNN khởi đầu theo dõi ngành Địa chất, đi nhiều nên thuộc đường,nên anh em ở UB gọi thế). Chủ yếu là xem dân và tình hình vùng biên. Tao cũng muốn đến Bắc Hà, thăm thằng Phử , vì hồi tao làm ở thành phố tao có hứa sẽ đến thăm nó, bây giờ nó là bí thư Bắc Hà.
Tao cũng muốn làm việc với mỏ Apatit Laocai. Đi gọn nhẹ thôi. Không đón tiếp mất thời gian!
Chỉ có tao mày ,thằng Vĩnh( thư kí của a 6) .Cho mày chọn 1 lính của mày đi cùng. Đi xe U ất . Sáng mai đi sớm,6 giờ đi . Mấy thằng lên tao ăn sáng!
Tôi hỏi anh Sáu:
- Anh không ở lại dự lễ ?
- Hình thức thôi mà! Việc của mấy ông lớn! Có tao ai biết, vắng tao ai biết! Nhớ nhé, sáng mai lên ăn sáng, 6giờ đi. Chương trình cho mày thu xếp!
Sáng hôm sau,2/9/1990 chúng tôi có mặt ở nhà anh Sáu tại khu công vụ Đội Cấn. Ăn sáng với mỗi người 1 gói mì ăn liền. Đúng 6 giờ xuất phát.
Ra xe ,anh Sáu mở cửa xe phía trước và bảo
- Tao ngồi trên, ba đứa mày ngồi sau.
Xe chạy, A6 châm thuốc hút và hỏi:
- Mày thu xếp thế nào Phúc?
Tôi nói:
- Báo cáo anh, khoảng 10 giờ đến Yên Bái, Đến thẳng nhà máy sứ Hoàng Liên Sơn ,làm việc và xem nhà máy 2 tiếng. Đến 12giờ ăn trưa, xong đi lên Laocai luôn
- Ai là giám đốc?
- Báo cáo anh , anh Kim là giám đốc
- Nó là chiến hữu của mày chứ gì. Nhớ nói với nó là không đón tiếp rình rang đâu , mất thời gian lắm!
- Vâng, em nói rồi.
Đúng 10giờ chúng tôi đến nhà máy sứ. Đau thay! khi xe đỗ ở sân nhà máy thì đã thấy anh Hùng, bí thư tỉnh ủy, anh Thanh , chủ tịch tỉnh, anh Tuế phó chủ tịch kiêm chủ nhiệm UBKH tỉnh, anh Vinh phó chủ nhiệm UBKH tỉnh chờ đón!
Xuống xe, anh 6 khó chịu nói:
- Đông đủ thế này!
Anh Kim gãi tai nói:
- Báo cáo anh, anh Phúc có nói rồi, nhưng anh thông cảm cho em,anh về mà không báo cáo lãnh đạo tỉnh thì anh đi em chết! Nhưng không mất thời gian đâu ạ , bây giờ mời anh đi xem nhà máy sau đó mới anh nghe qua tình hình, ăn trưa xong anh đi luôn!
Trong bữa trưa tôi nói qua chương trình với các anh
lãnh đạo tỉnh, hẹn tối 4/9 về lại Yên Bái, sáng 5/9 làm việc với tỉnh.
Hai giờ chiều chúng tôi đi lên Lào cai. Anh Vinh, phó chủ nhiệm UBKH tỉnh đi cùng
Tối 2/9 ngủ ở mỏ apatit. Sáng 3/9 làm việc với mỏ.
Ăn trưa xong lên Bắc Hà. Ba giờ chiều đến Bắc Hà.
Anh Giàng Seo Phử , bí thư Bắc Hà đón và đưa đi Simacai, khi đó Simacai vẫn thuộc Bắc Hà.
Đến Simacai, chúng tôi đi thăm đồn biên phòng, sau đó ra thăm đường biên về thăm các bản người Mông hẻo lánh nhất, nhà của đồng bào Mông nghèo nhất.
Tối đó chúng tôi ngủ lại nhà khách của huyện đó cũng là nhà cũ của Hoàng A Tưởng.
Sáng sớm hôm sau về Bản Phố , về nhà Giàng Seo Phử. Sau đó lại đi thăm mấy nhà đồng bào Hmông trong bản.
Trưa về huyện làm việc . Anh Phử báo cáo. Nghe xong, A6 nói ngắn gọn, ý chính là:
- Tôi được đồng chí Đỗ Mười giao làm Tổ trưởng tổ chuẩn bị báo cáo Chiến lược Ồn định và Phát triển kinh tế xã hội 10 năm 1991- 2000. Muốn có chiến lược tốt thì phải hiểu tình hình đất nước. Hôm nay là một đợt đi để hiểu tình hình. Qua chuyến đi thì càng hiểu đồng bào các dân tộc còn quá nghèo. Nhưng tấm lòng của đồng bào lại quá tốt. Chúng ta phải làm sao đừng phụ tấm lòng của đồng bào.
Trong bữa trưa anh Phử kề câu chuyện vui có thật của một bản đồng bào Hmông:
- Một hôm tôi xuống một xã hèo lánh nhất của huyện nhân ngày 2/9. Xã lại đưa xuống một bản xa nhất để dự lễ chào cờ 2/9 . Quổc kỳ trên này còn ít lắm vì vải không có. Thường xã xuống dự lễ mang theo quốc kỳ. Hôm đó cán bộ xã quên không mang. Đến nơi thấy trưởng bản trao đổi với cán bộ xã vải câu rồi ra hô to:
“ mọi người tập họp. Nghiêm , đằng sau quay , chào cờ , chào!” Mọi người đứng nghiêm, chào cờ 5 phút! Sauđo trưởng bản hô mọi người quay lại nghe Bithu phát biểu chúc mừng 2/9. Xong việc tôi hỏi trưởng bản : “sao lại sau quay và chào cờ?” Trưởng bản trả lời: “ lần trước tỉnh cho các trưởng bản có thành tích về Hanoi thăm Lăng Bác, thấy cái cờ to quá, tao kêu lên: trời ơi, cái cờ to quá! Thằng cán bộ dẫn đi bào: đó là cờ chung cả nước, phải to rồi. Bản tao chưa có cờ , mỗi lần chào cờ dân bản tao đều nhìn về hướng đó , hướng Hanoi, cờ chung mà!
Tất cả chúng tôi nghe vừa cười vừa ứa nước mắt!
Anh Sáu bào chúng tôi: Dân như thế đấy phải làm sao đừng phụ lòng dân!
Chiều hôm đó chúng tôi về Yên Bài . Sáng 5/9 làm việc với tỉnh
Ba mươi mốt năm đã trôi qua !

https://www.facebook.com/vo.hongphuc.79/posts/1869356496570471



2.

Nhân mùa dịch rỗi rãi xin kể lại câu chuyện xưa có thật:
Đầu tháng 5 năm 2002, tôi đi vận động bầu cử ở Lào Cai. Hôm đó đến xã Cán Cấu , huyện Si Ma Cai. Đón chúng tôi ngoài cồng trụ sở UBND xã
có Bí thư Đảng ủy xã Sùng Seo Nhà , một cái tên đến nay tôi vẫn không thể nào quên được! Sùng Seo Nhà lúc đó tầm 50 tuổi. Dáng người thấp nhỏ , đứng chỉ ngang vai tôi. Nhưng lại rất nhanh nhẹn, năng nổ . Nói năng chân chất, theo kiểu nói của đồng bào Hmông . Khi gần vào Hội trường, qua chỗ dán ảnh và tiểu sử các ứng cử viên, Sùng Seo Nhà đột ngột với tay vỗ vai tôi và nói: - Mấy thằng thợ in nó chơi xấu mày, mày nhìn trẻ đẹp mà nó in ảnh mày xấu quá!
Khi đi qua trường tiểu học xã, chúng tôi thấy một câu khẩu hiệu to :
“ Non sông Việt Nam sau này có sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, đấy là nhờ ở sự cố gắng học hành của các cháu học sinh xã Cán Cấu “. Anh Giàng Seo Phử cưới và bảo: - Sản phẩm của Sùng Seo Nhà! Sùng Seo Nhà nhìn tôi cười: -Phải viểt lại thế, dân tao mới hiểu!
Trưa hôm đó chúng tôi về nhà Sùng Seo Nhà ăn cơm. Sùng Seo Nhà hỏi tôi ăn được “ thắng cố “ không? Tôi bảo cái gì tôi cũng ăn, tôi đã ăn canh thịt chuột nấu với rau cải!
Bữa trưa có thắng cố , lợn cắp nách, mèn mén . Uống rượu Bắc Hà.
Rượu được vài ly, cười nói vui vẻ. Sùng Seo Nhà vỗ lưng tôi bảo:
- Phúc à, nhìn mặt mày rất đẹp, mày nói hôm nay rất đẹp rất hay . Nhưng dân Hmông tao bảo : nhìn mặt đẹp chưa phải là con người tốt, lời nói hay chưa phải là con người tốt.
Nhìn mặt đẹp, nghe lời nói hay, nhưng việc làm xấu thì dân Hmông tao THÀ NHÌN CÁI MẶT CON TRÂU CÒN SƯỚNG HƠN !
Mọi người cùng cười.
Trong nhiệm kỳ đó, anh em trong đoàn đại biểu chúng tôi mỗi lần đi tiếp xúc cử tri lại nhắc lại câu chuyện đó .
Hết nhiệm kỳ, chúng tôi đi tiếp xúc và chào tạm biệt cử tri. Lại về Cán Cấu, Si Ma Cai. Lúc phát biểu tạm biệt, anh Phử nói : -nhiệm kỳ tới anh Phúc chắc không được ứng cử ở Lao Cai nữa vì đoàn ĐBQH tỉnh ta có quá nhiều Uỷ viên BCHTW . Hôm nay cũng là chia tay anh Phúc!
Hôm đó rượu Bắc Hà uống liên tục .
Sùng Seo Nhà tiễn chúng tôi đến giáp giới Bắc Hà, tưởng là chỉ bắt tay chào nhau nhưng lại chào nhau bằng rượu! Lại uống. Sùng Seo Nhà bảo tôi :- Bây giờ thì dân tao thích nhìn mày rồi, bọn tao còn muốn mày ở lại nhưng trên lại không cho mày ở lại!
Thời gian thoi đưa! 19 năm rồi. Anh Giàng Seo Phử đã trở về thiên cổ . Tôi đã 76 , Sùng Seo Nhà 70 . Gọi điện lên Si Ma Cai hỏi thăm, Sùng Seo Nhà vẫn khỏe, vẫn đi nương và uống rượu ngô !

https://www.facebook.com/vo.hongphuc.79/posts/1801985083307613



1.

Đây là câu chuyện cũ có thật mà tôi đã kể cho một số anh em cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư . Các anh lãnh đạo cũ của tỉnh Lào cai cũng biết. Định không kể lại nữa, nhưng nhiều người biết chuyện bảo tôi nên kể cho mọi người để biết DÂN họ nghĩ gì trước mỗi việc làm của người “cán bộ nhà nước “. Nhân mùa dịch rỗi rãi xin kể lại:
Năm 2002 tôi được giới thiệu về ứng cử Đại biểu Quốc hội ở tỉnh Lào cai. Tôi được phân công về đơn vị bầu cử gồm các huyện Mường Khương, Bắc Hà , Si Ma Cai, Bảo Yên, Bảo Thắng. Số giới thiệu là 4 . Bầu chọn 3 . Trên gợi ý chọn 3 người trúng cử là anh Giàng Seo Phử , Bí thư tỉnh ủy; chị Lan , phó giám đốc sở Tư pháp ; và tôi. Như vậy thì trúng cử là chắc. Nhưng tỉnh lại muốn chúng tôi trúng cử tỷ lệ phiếu phải cao! Khi đi tiếp xúc với cử tri thì huyện cuối cùng là huyện Bảo Thắng . Các cuộc tiếp xúc ở 4 huyện trên đều vui vẻ, tốt đẹp ; vì đa phần là đồng bào dân tộc ít người, phần lớn là đồng bào Hmông, đất của anh Phử . Về đến Phố Lu , Bảo Thắng anh Phử hơi lo. Anh bảo tôi: Anh Phúc ơi , sáng mai lên hội trường bọn mình phát biểu phải chặt chẽ thận trọng, không như ở 4 huyện kia, vì đây là huyện nhiều đồng bào đi kinh tế mới dưới xuôi lên!
Sáng hôm sau lên Hội trường, sau khi làm xong các thủ tục, đến mục cử tri phát biểu. Khi ông chủ tịch Mặt trận huyện vừa dứt lời mời cử tri phát biểu, thì không theo trình tự kịch bản, một cử tri ngồi ở hàng ghế cuối cùng đi thẳng lên bục và xin phát biểu luôn. Anh ta ăn mặc rất lôi thôi, không giống như các cử tri khác, giọng lại hơi ngất ngây. Anh Phử hơi lo . Vị cử tri đó chậm chạp nói: - Tôi xin phát biểu, tôi biết anh Phúc cách đây 18 năm!
Mọi người nhìn tôi.
Anh Phử hỏi tôi :-Anh biết ông này không? Tôi bảo không biết.
Và vị cử tri đó đã kể lại câu chuyện gặp tôi vào mùa hè năm 1984, tôi đã giải quyết công việc theo chức trách của mình một cách nhanh chóng, không phiền hà , sau khi ông ấy đã đi đến nhiều nơi mà không được giải quyết. Khi đó tôi là vụ phó vụ Công nghiệp, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước . Kết thúc phát biểu, vị cử tri đó đã kêu gọi mọi người ủng hộ tôi.
Sau cuộc họp, anh Phử hỏi tôi có nhớ chuyện không? Tôi bảo : tôi không nhớ, chuyện đã 18 năm rồi! Về tỉnh nói chuyện thì chỉ có anh Bùi Quang Vinh biết người này. Ông ta thời học sinh là một học sinh giỏi, được cử đi học nước ngoài, vì chuyện tình cảm phải về nước, chỉ được học Trung cấp! Ông ấy là người bất cần ! Anh Giàng Seo Phử bảo tôi: - May cho anh là không làm việc xấu, nếu làm việc xấu thì ông ấy sẽ kể lại như hôm nay thì phiền to!
Mới biết dân nhớ lâu lắm! Việc tốt việc xấu dân đều ghi lại hết. Lúc cần thì sẽ nói!m

https://www.facebook.com/vo.hongphuc.79/posts/1800663006773154

..

2 nhận xét:

  1. Những chuyện thú vị! Kể cả chuyện của Hiệu Minh Cua Giang Công Thế. (Hóa ra họ Giang là cùng họ với họ cụ Trạng Trình.
    Cám ơn chủ trang Chu Xuân Giao!

    Trả lờiXóa
  2. Chiều 3/9/1989 chúng tôi có mặt ở Tân Sơn Nhất. Nhìn đoàn ăn mặc khá sang. Quần áo mỗi người mỗi màu, may đẹp. Khác với những lần đi từ Hanoi , quần áo gần như đồng phục: một kiểu may, một loại vải cùng màu! Lại cùng một loại vali đen như cái hòm gỗ .
    Hơn 3 giờ chúng tôi lên máy bay, một chiếc máy bay nhỏ 8 chỗ nội thất sang trọng. Đây là chuyên cơ của chủ tịch Suma Grup. Chuyên cơ sẽ đưa chúng tôi sang Manila , từ đó sang Hồng Công từ HK sẽ đi Tokyo. Đến Manila, Johnathan Hạnh Nguyễn đón chúng tôi ở sân bay , lo cho chúng tôi ở Manila rất là chu đáo. từ visa cho đến đi lại .
    Tối đó tiệc chào mừng tại Manila. Có đầy đủ quan chức Philippin tham dự. Phía Việt Nam thêm Đại sứ.
    Sáng hôm sau chúng tôi bay sang HK .Chờ ở sân bay HK 2 giờ,bay tiếp đi Tokyo. Tối đó đến Tokyo. Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo và ông Marume , thư kí riêng của ông Michio Watanabe đón chúng tôi ở sân bay Narita. Đoàn về nghỉ tại khách sạn Imperial..
    Sáng 5/9 làm việc với ông Watanabe về các vấn đề kinh tế. Cả đoàn cùng với Đại sứ Võ Văn Sung, anh Nguyễn Đăng Quang , tham tán kinh tế, anh Nguyễn Cảnh Rương bí thư thứ nhất Đại sứ quán, phiên dịch tiếng Nhật cho đoàn tham dự. Phía Nhật bản có các thư ký của ông Watanabe, Marume , Horikoshi và một người nữa tôi quên mất tên.
    Chiều 5/9 và sáng 6/9 ông Watanabe làm việc riêng với A6 về các vấn đề chính trị đối ngoại chỉ có thêm Đại sứ Võ Văn Sung và anh Rương phiên dịch. Chúng tôi không dự . Mọi người tiếp các khách quen từ các công ty Nhật.
    Tối 5/9 ông Watanabe mờ tiệc chiêu đãi đoàn. Thành phần tham dự như sáng 5/9 .Phía Nhật có thêm Watanabe Yoshimi con trai cả của ông Watanabe Michio . Một buổi tối chân thành và cởi mở. Không bị ràng buộc bởi nghi lễ , không hình thức. Vào tiệc, sau chén rượu mừng, ông Watanabe Michio tự nói mình là người được mọi người trong Đảng gọi là người “bạo ngôn “, nói thẳng và không kiêng dè! Ông chỉ con trai Yoshimi và tôi rồi nói:

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.